bài đọc thêm: PHẠM QUỐC BẢO [ 1943- ] -- source : Phan Nguyên Blog
Nếu như những ánh sao băng có tạt ngang bầu trời và để lại chút dấu thời gian....
Monday, 31 July 2017
Phạm Quốc Bảo
Phạm Quốc Bảo
(1943 - ......) Vĩnh Phúc Yên, Bắc phần.
Nguyên quán Nam Định
Nhà văn, nhà báo
Nguyên Tổng giám đốc báo Người Việt tại Quận Cam, California
(1943 - ......) Vĩnh Phúc Yên, Bắc phần.
Nguyên quán Nam Định
Nhà văn, nhà báo
Nguyên Tổng giám đốc báo Người Việt tại Quận Cam, California
Tiểu sử tóm tắt
-1954 từ Hà Nội di cư vào Nam
-1967: tốt nghiệp ban Triết, Văn khoa Sàigòn.
- 1966-1967: Chủ nhiệm kiêm Chủ bút nguyệt san ĐỐI THOẠI.
- 1982 - hiện nay: trong ban Chủ biên nhật báo Người Việt...
- 1997: Thỉnh giảng cho các lớp SSEAL 50C & 51C, UCLA; đề tài: “ Cutural Activities Prevailing in Vietnamese-American Communities in Western USA: A Cursory Look ”
- 1999: Diễn giả trong The First International Vietnamese Youth Conference, Melbourne, Australia.
- 2000- 2014: Giảng viên các khóa hằng năm của TAVIET-LCS ( The Association of Vietnamese Language & Culture School of Southern California)
- 2005: Diễn giả của The 4th. International Vietnamese Youth Conference tại Sydney, Australia. Đề tài: “Ý niệm Dân chủ trong tư tưởng Phan Chu Trinh”...
Cảm ơn anh Phan Nguyên, một nghệ thuật mới, lý thú
Little Saigon June 19/2017
Phạm Quốc Bảo lúc trẻ
Bài viết mới nhất
Thơ Trịnh Công Sơn & Bùi Giáng
Vui vầy thế sự.
* Phạm Quốc Bảo.
“Kìa xem mọi thứ đều thay đổi
Còn lại nhân gian một chút tình”
Hôm nọ, sẵn dịp sọan từ 8 tủ sách trong nhà để lựa ra một số dự định sẽ tặng lại cho thư viện của Viện Việt Học hay thư viện của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (VHM our pride), tôi tình cờ nhìn thấy cuốn CHỚP BIỂN, Thơ Bùi Giáng, gia đình ông đã in vào năm 1996 để kỷ niệm 70 năm sinh của tác giả này và do anh Bùi Vịnh tặng cho tôi. Ngay ở trang mở đầu đã đề:
“Em đi từ tỉnh mộng đầu
Một mình anh ở mang sầu trăm năm”
Hai câu thơ này của Bùi Giáng chợt khiến tôi liên tưởng nhớ ra quãng đời mà ông đưa vợ con vào sống ở vùng núi đồi hẻo lánh Trung Phước (Quảng Nam), rồi vợ con của ông mất tại đấy và ông đã bỏ về xuôi[1] … Tự nhiên tôi cảm thấy trong lòng một nỗi bi thiết bung ra lan tràn và trùm lấp không gian, khiến tôi cảm thấy khó thở, tôi tần ngần bỏ tập thơ xuống, không còn muốn đọc tiếp nữa ...
Nhưng cũng ngay sau đó, lẩn thẩn thế nào tôi lại tình cờ thấy tập thơ HÁN TỰ HÀI CÚ[2] được xếp sẵn cạnh đấy trong tủ sách. Mở ra, tôi mới từ từ nhớ lại rằng tập thơ này có một quá trình thực hiện khá là ly kỳ: Ban đầu Hán Tự Hài Cú do ba nhân vật viết chung là Bùi Giáng - Trịnh Công Sơn và Ngô Văn Tao, được xuất bản vào năm 1994. Sau đấy bốn năm, Bùi Giáng mất (1926 – 7.10.1998); và rồi Trịnh Công Sơn cũng rời khỏi cõi đời (28. 2. 1939 - 1.4. 2001), còn Ngô Văn Tao côi cút một mình ở lại, ông liền cho in lại lần nữa cuốn này vào giữa năm 2001, để “duy trì một nguồn thơ và tiếc thương tình bạn”, Ngô Văn Tao viết vậy.
Tôi có được cuốn này là do ông Ngô Văn Tao tặng, đề mùng 6 tháng 1 năm 2004. Hồi ấy, cách đây trên 14 năm, tôi không đồng ý lắm ở cái tựa đề Hán Tự Hài Cú [3]. Tuy nhiên khi đọc vào sâu thì tâm tư tôi lại miên man cảm nhận đến từng suy tư lẫn tư tưởng của ba tác giả này. Tự nhiên tôi thấy xúc động ở cái mối thâm tình mà ba người bạn này đã thể hiện qua thơ văn trao đổi qua lại giữa họ. Rồi sẵn hứng, tôi đã liền viết ra một số câu thơ chêm vào đấy. Bởi lúc ấy tôi nghĩ, đây là một cách thế nhằm chia xẻ mấy lời lẽ chung vui cùng những nhân vật mà tôi đã từng được quen biết, dù mỗi cá nhân một cách thế sống khác hẳn nhau nhưng đã cùng trải qua một thời gian gặp gỡ nhau tại Miền Nam Việt Nam trước Bẩy Lăm …
Bằng hữu hiện diện trong đời sống.
Cuốn Hán Tự Hài Cú này độc đáo ở chỗ là một tập thơ chung của ba người, khiến tâm tình tôi bung mở ra một không khí sống động vốn đã từng bao trùm rất nhiều những dấu chỉ về tình bằng hữu trong thơ văn và đời sống của lịch sử con người. Tôi chỉ xin liệt kê ra đây bốn dấu mốc đáng kể mà tôi còn nhớ được:
Đầu tiên là Khổng Tử ( 551- 478 trước Tây Lịch) có nói: “Học hỏi mà thường xuyên thực tập trong đời sống hằng ngày, há chẳng vui thích trong lòng sao? Bạn hữu từ phương xa đến chơi, há chẳng vui vầy hào hứng lắm sao?..” [4]
Cái thâm tình bằng hữu ấy khi chuyển sang đến nhân vật Lý Bạch (701-762) thì quả là đã trở thành một trong vài tố chất cấu tạo thành con người của nhà thơ độc đáo này: Từ bài Nguyệt Hạ Độc Chước( Dưới trăng chuốc rượu một mình), ông nhân cách hóa vầng trăng thành bạn mình, tới giai thọai đang say rượu ông nhìn thấy ánh trăng lung linh trên mặt nước mà tưởng rằng đấy là người bằng xương bằng thịt nên ông nhẩy xuống ôm lấy vầng trăng, khiến phải chết chìm... Tuy nhiên đến bài Ức Đông Sơn, Lý Bạch mô tả rằng Đông Sơn là quê nhà của nhà thơ, ông đã rời nơi ấy lên kinh đô trên đường lăn lộn tiến thân, kiếm tìm danh lợi, ông đã trôi nổi giữa chốn phồn hoa, vui vầy với không biết bao nhiêu bạn hữu đủ mọi hạng ngừơi, để rồi đến một hôm bắt đầu hả cơn mê đắm lợi danh, ông chợt nhớ về miền quê cũ kia mà man mác tự vấn lòng mình, chua xót nhớ đến cảnh cũ người xưa mà tự hỏi về cội hoa tường vi, vầng mây trắng lẫn mảnh trăng sáng thuở ấy bây giờ có còn như ngày trước hay chăng:
“ Bất hướng Đông Sơn cửu
Từơng vi kỷ độ hoa
Bạch vân hòan tự tán
Minh nguyệt lạc thùy gia?”
“ Lâu rồi chẳng lại Đông Sơn
Tường vi nọ mấy lần đơm hoa rồi?
Mây trắng vẫn tạn mạn trôi?
Và vầng trăng tỏ rụng rơi nhà nào?”
Sang đến Việt Nam ta, riềng mối bằng hữu với văn chương cũng thâm thúy như vậy, nhưng ít đi cách thức phải nhân cách hóa thiên nhiên-vũ trụ-vạn vật mà đậm chất nhân bản, thâm tình của người với người hơn.Có thể nói rằng tình bằng hữu trong văn chương Việt Nam đặc sắc ở chỗ giao tình thâm trọng trong đời sống hơn bất cứ một văn thơ của dân tộc nào khác.
Chẳng thế mà một Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (19.05.1889 – 07.06.1939), chỉ riêng nhà thơ này thôi là đã thể hiện khá độc đáo đối với bằng hữu của ông: Từ các giai thọai như ông quí bạn đến độ “ngông”, ông đã ngang nhiên trồng luôn cây húng ngay bên cạnh bàn nhậu cho tiện bè bạn dùng làm gia vị để cùng ăn uống vui vầy với nhau! Rồi theo ông tuyển chọn, 4 điều kiện ăn ngon thì bạn hữu cùng ngồi ăn với nhau là điều thứ nhì, chỉ sau điều kiện chính là thức ăn ngon mà thôi!...Đến ngay trong những tác phẩm nổi danh, ông đã có hẳn một bài “ Thư gửi người tình không quen biết”[5], mở đầu bằng bốn câu theo thể thơ 7 chữ (thất ngôn):
“Ngồi buồn lấy giấy viết thư chơi
Viết bức thư này gửi đến ai
Non nước xa khơi tình bỡ ngỡ
Ai tri âm đó? nhận mà coi …”
Theo trí nhớ của cá nhân tôi thì trong lịch sử văn chương của thế giới chưa chắc đã có được bao nhiêu tác giả viết ra mấy bài thơ có nội dung như vậy!
Xa hơn nữa trong văn học sử Việt Nam, Nguyễn Du( 03.01.1765 - 16.09. 1820) kia, nổi danh bậc nhất là tác phẩm Truyện Kiều. Thế mà đến nay người ta đã tìm thấy được cả tới năm sáu nguyên bản tác phẩm này khác nhau bằng chữ Nôm. Sự kiện này còn đang được sôi nổi thảo luận, nhưng điểm cốt lõi mà ai ai trong chúng ta đều công nhận sự thật này chứng tỏ rằng Nguyễn Du bao giờ cũng vẫn là tác giả chính của tác phẩm Truyện Kiều, nhưng bên cạnh đấy đương nhiên không thể phủ nhận được là đã có những đóng góp tích cực nhằm hòan thiện tác phẩm ấy theo truyền thống “văn dĩ tải đạo”của cả một nhóm bằng hữu văn chương cùng thời với ông, trong ấy ắt phải kể luôn cả những người đã chính tay khắc bản văn lưu trữ lại nữa chứ!...
Mới đây nhất,: Đinh Cường( họa sĩ, 1939 - 2016)), Nguyễn Tường Giang (nhà thơ), Nguyễn Mạnh Hùng(dịch giả) và Đinh Trường Chinh(họa sĩ), họ cùng hiện diện cạnh nhau với những tác phẩm tiêu biểu cùng in trong một cuốn sách có tên là Truyện Tình, Người Việt Books xuất bản đầu năm 2018. Truyện Tình đã biến thành một cái cớ để bạn hữu vui thú với nhau được cụ thể hóa thành tác phẩm lưu lại đây cho chúng ta được thưởng thức.
Riêng tuyển tập có tên là “Những Mảng Rời Lê Tài Điển”, được nhà xuất bản Biển Khơi (Pháp) in và phát hành từ tháng Bẩy năm 2012 nhưng nhờ có duyên mà chỉ đến tay tôi vào 30 tháng Chín – 2018, tuyển tập này theo tôi mới là bằng chứng thật là tiêu biểu cho tình bằng hữu độc đáo của giới văn nghệ Việt: Nội dung cuốn này không những gồm một số bản chụp các tác phẩm điêu khắc và tranh ở thời điểm trên dưới nửa thế kỷ của Lê Tài Điển mà còn hiện diện những bài của 18 tác giả viết về ông; và hơn nữa, tuyển tập này cũng do ông cùng tất cả đến 33 bằng hữu ( nghĩa là cộng thêm15 cá nhân khác nữa đã tích cực đóng góp tinh thần, kỹ thuật và tài chánh) hoàn tất việc thực hiện in ấn – xuất bản. “…Món quà này là chân dung một người bạn, cũng là chân dung của tình bạn, của cuộc đời chúng tôi. Chúng tôi mong muốn chia sẻ chân dung ấy với các bạn khác và độc giả cùng thời cũng như của tương lai…”[6]
Vui vầy thế sự
Do đấy, tôi chủ động tạm cho in ra đây 11 đọan thơ, mỗi đọan gồm ba phần, phần đầu vốn của Ngô Văn Tao, phần thứ nhì là thơ đối ứng của Bùi Giáng hay của Trịnh Công Sơn. Tất cả được trích từ cuốn “Hán tự hài cú” kể trên; và cuối cùng là mấy lời ngẫu hứng của cá nhân tôi( in chữ nghiêng) góp thêm vào:
1.
Khứ tình, nhân ly biệt
Nguyệt trung hàn quá hệ thu phong
Hồi cố mang mang lệ.
Trăng xanh lạnh buốt nơi này
tình tan giọt lệ bồi hồi chia tay
Trịnh Công Sơn(trang 151)
Tình xa, người đã xa người
lệ ai vẫn buốt lạnh ngời trăng thu.
2.
Phong lạc Hương giang tự
Vi ba lô tước khiếu Xuân Thu
Hưng vong sầu tế vũ.
Chim kêu lạnh bến sông dài
Mưa thưa nhỏ lệ đền đài thịnh suy.
Trịnh Công Sơn(tr. 152)
Gió nào lạc bến Hương giang
mưa sầu như khóc hưng vong thuở nào.
3.
Tiêu, Tương song bỉ ngạn
Ngư phù xích tố ký mai hoa
Kỷ thời tư hận thế.
Cá về gửi gấm mùa xuân
Lòng riêng hoạn nạn ngàn năm nỗi buồn.
Bùi Giáng(tr. 149)
Ngàn năm chia cách đôi bờ
riêng hoa mai nở chẳng ngờ hận xưa.
4.
Khai hoa ca yến lạc
trầm tư vọng tưởng vị lai thời
Hoa tàn yến phi lệ.
Chim vui hót, bỗng dưng sầu
Hoa kia thắm nụ thoáng mầu tàn phai.
Ngày mai vọng tưởng làm chi
Sẽ tàn sẽ mất còn gì nữa đâu.
Trịnh Công Sơn(tr. 14)
Giữa tiệc oanh mừng hoa nở.
Nghĩ lúc hoa tàn, lệ ứa đẫm khăn.
5.
Lộ biên hoa vị khai
Thiên thu nhất niệm vi hàm tiếu
Tiểu nữ tự nhiên nhiên
Bên đường hoa nở chưa ra
Ngàn năm chỉ một sát na vì người
Hoàng mao gái nhỏ nụ cười
Thiên nhiên hàm tiếu vì người vì ta.
Bùi Giáng.(tr. 13)
Bên đường hoa chưa vội nở
như ngàn năm nàng chưa mở nụ cười
Tự nhiên hoa cũng như người.
6.
Thiên biên cô phi hạc
Ðái tự thiên thu thế hận thường
Kim dực mãn nguyệt quang.
Bên trời hạc lẻ loi bay
Thiên thu hận ấy mờ phai cõi người
Cánh vàng nặng ánh trăng soi.
Trịnh Công Sơn.(trang 10)
a/
Bên trời hạc lẻ đường bay
Ngàn năm cánh hận vàng đầy ánh trăng.
b/
Bóng
Mênh mang cánh hạc bên trời
ngàn năm sân hận chỉ ngời cõi không
cánh vàng rực ánh trăng xuông.
7.
Mỹ Quan Nhân sinh ý
Trầm tư tịch mạc quán từ bi
Vọng tầm tam cú kệ.
Từ bi tịch mạc trầm tư
Vọng tầm câu kệ quán từ nhân sinh.
Bùi Giáng.(tr. 09)
a/
Ðời người từng trải từ bi.
Tầm chương trích cú chẳng bì an nhiên.
b/
Trầm tư khơi lóng tâm trong
còn lo kinh kệ truy tầm làm chi
đời người đắc ý đúng thì.
8.
Ðồng tuyến vô tâm điểm
Khứ thời kim nhật dữ vị lai
Vô thủy lưu vong nghiệp.
Còn, không, vấn nạn nỗi buồn
Nỗi xưa, sau, cũng bàng hoàng lưu vong.
Trịnh Công Sơn.(tr. 11)
An nhiên sống suốt một đời
lòng trong sau trước trọn soi nghiệp phiền.
9.
Thanh lâu ngã kim giả
Ðương nhiên túy tận vong thời thế
Lai hồi ngã tự vong.
Có ta rồi sẽ quên ta
Ruợu lầu xanh uống bỗng xa chuyện đời.
Trịnh Công Sơn.(tr. 15)
Một lần chuốc ruợu lầu xanh
say quên thế sự, quên mình quên ta.
10.
Viên biên hoang lộ đích
Khứ niên lạc diệp ẩn tàng tích
Mai táng cựu nhân tình.
Chôn vùi một mối tình xưa
Lá im lìm ngủ vườn thưa dấu người.
Trịnh Công Sơn.(tr. 17)
Lá rơi năm ngoái mất tăm
vùi luôn tình cũ, khôn tầm người xưa.
11.
Thương hải tang điền thế sự du
Phong lưu nhất mộng hầu
Thăng trầm bạc nhân ảo.
Biển dâu thế sự du du
phong lưu đợi mộng về ru tâm tình
Thăng trầm biến ảo phù sinh.
Bùi Giáng.(tr. 135)
Bể dâu biến cải sự đời.
Sống còn phong thái là đây
mang mang dấu ấn, trước nay chẳng mờ.
Giao tình bằng hữu là sắc tươi của xuân
Ở đây sở dĩ tôi cho in thêm vào mấy phóng bút của riêng tôi, chỉ với mục đích là để nhân dịp xuân về, đánh dấu một sự kiện vui vầy thế sự cùng bằng hữu.
Vốn dĩ tôi cùng Bùi Giáng lẫn Trịnh Công Sơn trước Tháng Tư-1975 đã từng sống bên nhau tại Miền Nam Việt Nam, chúng tôi thường có dịp “bù khú”, giao tình văn nghệ với nhau. Nhưng sau đó, vì biến động của lịch sử nước nhà nên ba chúng tôi đã “ trôi giạt” mỗi người theo một phần số riêng, mỗi cá nhân chúng tôi đã phải bó buộc sống còn theo một cách thế riêng, khác biệt hẳn nhau, đôi khi khác biệt đến độ đối chọi lẫn nhau! Nhưng, dù thế nào đi nữa, còn sống sót hoặc đã kẻ ở người đi, thì ít nhất chúng tôi xem ra cũng vẫn có một điểm duy nhất chung là nội dung suy nghĩ về thế sự đã không hề khác nhau, cụ thể như được biểu lộ ra bằng mấy câu thơ mộc mạc trên đây.
Vì thế mà tôi muốn diễn đạt cái căn bản ý tưởng ấy bằng cách cho đăng lại trong cùng một số câu thơ bên cạnh nhau, như một hình thức thể hiện lên cái sắc xuân muôn thuở của tình bằng hữu./.
Tháng 11 năm 2018.
* Phạm Quốc Bảo.
Chú thích:
[1] Sự kiện này được ông Bùi Công Luân viết kể lại trong phần của bài“Chị & Anh” có in ở cuốn thơ Chớp Biển.
[2]Trong bài này, tôi xử dụng một số thơ rút ra từ cuốn Hán Tự Hài Cú, nhưng dựa cậy vào mối giao tình văn hữu mà đã không chính thức xin phép trước. Mong tác giả Ngô Văn Tao niệm tình thứ lỗi.
[3] Hán Tự Hài Cú, dịch nghĩa là Những câu (thơ) ý nhị bằng chữ Hán. Thực ra nội dung cuốn này là những bài thơ bằng các thứ chữ Hán-Việt, Nôm và Việt ngữ..
[4] Tử viết: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?” trích Chương 1 Học Nhi, Luận Ngữ, do Chu Hy (1130-1200) biên soạn và chú giải.
[5]Trong website https://www.thivien.net/T%E1%BA%A3n-%C4%90%C3%A0/author-FOvItidPjMKModgAy49buw; thì tiêu đề này được ghi là:“Thư đưa người tình nhân không quen biết” thuộc cuốn Khối Tình II. Rồi lại “Thư trách người tình nhân không quen biết”và “Thư lại trách người tình nhân không quen biết”thuộc cuốn Khối Tình III.
[6] Trích Lời Giới Thiệu của Phan Thị Trọng Tuyến, trang 08, “tuyển tập Những Mảng Rời Lê Tài Điển, với đóng góp của bạn hữu”
- Bìa của tập thơ CHỚP NGUỒN.
- Bìa của cuốn HÁN TỰ HÀI CÚ.
- Bìa của tuyển tập NHỮNG MẢNG RỜI LÊ TÀI ĐIỂN
Bài Scifaiku
Scifaiku,
Thơ Hài Cú Khoa Học Giả Tưởng.
* Phạm Quốc Bảo.
Lời ngỏ: Mới đây tình cờ xem trên Internet ở địa chỉ http://www.tapchitho.org/wtho20/pqb.htm thấy được bài “ Scifaiku, Hài cú Khoa Học Giả Tưởng Là Gì?” tôi đã viết ra vào độ tháng 4 / 1999. Nay đọc lại thì tự nhiên thấy là cần sửa chữa và bổ sung vào một số ý tưởng mới vừa nẩy sinh, tôi liền viết lại và cho xuất hiện thêm một lần nữa. Trân trọng.(PQB)
Vốn xuất hiện trong mạng lưới điện toán Internet độ trên ba thập niên nay, môn thơ đã phát triển hết sức nhanh và phong phú ở nhiều thể loại. Nhưng trong số các thể loại đó, có một thể thơ mà năm 1995, chuyên gia điện toán Tom Brinck chính thức hóa gọi là Scifaiku, tức là Science-fiction haiku, thơ hài cú khoa học giả tưởng, tạm gọi là như vậy.
Thể thơ được gọi là Hài cú khoa học giả tưởng, Scifaiku, này có thể nói là đang được ưa chuộng nhất, đến độ sau khi Brinck bỏ công phu để thảo nên Tuyên ngôn của nó (Scifaiku manifesto), rồi ngay sau đó nó còn trở nên diễn đàn thơ với cuộc tuyển lựa hằng năm trên toàn Hoa Kỳ do tờ The Writer’s Digest bảo trợ.
Nhưng tại sao gọi là Thơ Hài cú khoa học giả tưởng? Đã “khoa học giả tưởng” mà còn kèm theo chất “hài cú” nữa thì quả thật là...kích động trí tò mò của chúng ta đấy.
Tóm lại, cho đến nay, chúng ta có thể biết một cách sơ lược rằng loại thơ Hài cú khoa học giả tưởng Scifaiku này ít nhất gồm ba yếu tố: Thứ nhất, bài thơ phải rất ngắn gọn, cô đọng theo kiểu thơ Hài cú phát xuất từ văn chương Nhật Bản, chữ dùng rất chuốt lọc, có tính chất biểu tượng và thơ mộng. Thứ nhì, diễn tả nội dung ý tưởng liên quan đến vũ trụ. Thứ ba là nội dung đó đã và đang được khoa học ngày nay khám phá ra, tác động không những đến ngũ quan chúng ta, mà cả đầu óc lẫn tâm thần chúng ta; nhiều khi nội dung bài thơ chỉ đề cập đến những gì phát xuất từ liên tưởng mà tưởng tượng ra thôi, chứ chưa có hình thể trong thực tế thường nhật.
Chẳng hạn hai bài thơ sau đây đều chỉ gồm có ba câu thôi. Người viết bài này tạm thời phiên dịch sang việt ngữ:
- Năm ngữ âm, lên bảy rồi trở lại năm ngữ âm:
The bitmapped flowers
wither in the harsh point light
of my 3 D world
(Roger Cotton)
Những đóa hoa hướng dương
cùng trong một điểm sáng chói lọi
của thế giới ba chiều
- Bốn ngữ âm, bốn ngữ âm rồi kết bằng ba ngữ âm thôi:
Millennia pass
and I just watch
from my jar
( Tom Brinck)
Thiên niên kỷ qua
tôi vừa thoáng thấy
từ ly trà.
Tuy nhiên, trước khi thực sự trực tiếp giới thiệu một số thơ Hài Cú Khoa Học Giả Tưởng có tính cách tiêu biểu này, chúng ta có lẽ cũng nên điểm xuyết một số ý tưởng vừa nảy sinh của người viết về khái niệm sinh tồn của vũ trụ - vạn vật và của con người...Hay nói một cách khái quát hơn, chúng ta thử điểm phớt qua mấy khả năng sinh tồn và phát triển của con người nói chung dị biệt như thế nào đối với các lòai khác trong vạn vật, nhất là khả năng sáng tạo của con người, nó liên quan khá phức tạp ra sao, đến diễn tiến của hai ngành sinh họat khoa học và văn học nghệ thuật.
“ Nhân Linh ư vạn vật ”, những tiến bộ vượt bực trong 2 thế kỷ qua.
Nếu chịu khó quan sát diễn tiến phát triển sự sống của vũ trụ- vạn vật và suy nghiệm kỹ, thì chúng ta có thể rút ra được hai dẫn giải đại khái như:
- Trong vũ trụ nói chung, sự phát triển sống còn tự nhiên (gọi tắt là bản năng) của muôn lòai đều giống nhau, theo diễn trình tự nhiên có được từ sức phát triển- triển nở liên tục và vô tận của vũ trụ.
- Chỉ khi lòai người nhờ tích tụ kinh nghiệm và phát kiến riêng mà đột nhiên phát triển vượt bực(cả về thể chất, não bộ - lý trí, tâm tư- tình cảm), khiến những khả năng như nhận biết, ý chí thực thi những sáng tạo, áp dụng dần dần những hiểu biết ấy vào thực tế đời sống của con người,... Những khả năng riêng biệt này đã khiến con người và xã hội loài người tiến bộ mỗi lúc một biến đổi theo cấp số cộng, rồi cấp số nhân, mỗi lúc một biến đổi nhanh hẳn hơn trước đó. Và cho đến khi chính con người lại cũng nhận ra rằng diễn trình phát triển ấy mỗi bước một thiếu cân bằng một cách hiểm nguy cho sự sống còn , thì con người lại tự biết là phải cố gắng điều chỉnh để không bị quá lố, không mất hẳn đi tính chất tự nhiên cố hữu nằm trong khả năng sinh tồn chung của vũ trụ-vạn vật.
Do đó, trong những gặt hái tinh hoa đặc biệt ấy ở từng bước đột biến của con người, thuộc nội dung của bài này, tôi chỉ muốn đề cập riêng đến khía cạnh liên quan với nhau là khoa học và văn nghệ, hai lãnh vực này đều hiện diện nhờ phát xuất từ kinh nghiệm đời sống và suy tưởng - phát kiến của lòai người.
Chẳng hạn như dựa vào những phát kiến khoa học kỹ thuật, sự kiện nổi nhất gần đây của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, chúng ta có thể kể đến nhà văn Pháp Jules Verne viết cuốn “Hai Ngàn Dặm Dưới Đáy Biển” (Vingt mille lieus sous les mers) xuất bản năm 1870 và “Vòng Quanh Thế giới Tám Mươi Ngày”(Le tour du monde en quatre - vingts jours) xuất bản năm 1873. Nghĩa là cách đây trên một thế kỷ rưỡi, trong một chặng phát triển mà người ta tạm gọi là Cách mạng công nghiệp kỹ nghệ lần thứ hai bắt đầu vào khỏang thập niên 1850. Lúc mà nhờ các tiến bộ kinh tế và kỹ thuật, xã hội lòai người có được sự ứng dụng cụ thể vào việc phát triển giao thông bằng tàu thủy và tầu hỏa, xe hơi...chạy bằng máy hơi nước.
Còn khi cuộc cách mạng công nghiệp kỹ nghệ lần thứ ba bắt đầu vào khỏang 1969, con người áp dụng vào đời sống của mình trong xã hội này các tiến bộ về hạ tầng điện tử, máy tính và kỹ thuật số hóa nhờ ứng dụng được sự phát triển các chất bán dẫn vào phát kiến siêu máy tính( thập niên 1960), máy tính cá nhân (1970, 1980) và Internet (1990). Rồi“ ..Cuộc Cách mạng Công nghiệp kỹ nghệ lần thứ Tư hứa hẹn những tiến bộ trong ngành khoa học rô-bốt(robots), xu hướng internet của vạn vật (Internet of Things), dữ liệu lớn (big data), điện thoại di động và công nghệ in 3D...Kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng không chỉ khả thi mà còn là hoàn toàn có thể xuất hiện với tần suất ngày càng tăng. Tất cả là nhờ vào sự sáng tạo của con người. Nhưng những kỷ nguyên mới này đòi hỏi không chỉ ở khoa học căn bản hay những thành tựu kinh doanh mang tính lý thuyết. Để tạo được sự khác biệt,kỹ thuật công nghệ phải được thích ứng và hòa nhập vào đời sống thường ngày...Quan trọng hơn nữa, lịch sử cho thấy sự đam mê – trong cả lĩnh vực như nghiên cứu, văn nghệ, lẫn thương mại – đều có thể đi trước quá xa thực tế, khiến hiểu biết nói chung của đa số tỷ lệ dân số không thể bắt kịp nữa.”...Những bước tiến của kỹ thuật công nghệ từ lâu đã tạo ra hai luồng phản ứng đối nghịch: Với nhiều người thì đó là sự choáng ngợp trước những khả năng mới, với số khác thì lại là nỗi lo về sự thay đổi tiêu cực. Nhưng hầu hết chúng ta đều thậm chí không nhận thấy điều gì đang diễn ra. Chúng ta vô thức coi sự thay đổi đó như một điều hiển nhiên..[1]
Một thí dụ cụ thể hiển nhiên và gần đây nhất là trong vòng độ ba mươi năm nay(chính xác là từ 1983), từ khi chiếc cellphone (viết tắt của cellular phone) xuất hiện trên thị trường tiêu thụ tòan cầu cho đến nay thì chiếc cellphone ấy đã phải bị...gần như hết được ưa chuộng nữa, vì chiếc smartphone bây giờ ( bắt đầu từ 2016) chẳng những chỉ để nghe và nói chuyện với nhau không thôi mà còn là một dụng cụ hết sức đa dụng, thiết yếu đến độ trong ngày không hề rời khỏi người xử dụng giây phút nào, bởi nó bao gồm luôn mọi thứ khác thuộc lãnh vực truyền thông, như trao đổi email, text, trữ liệu, bách khoa từ điển, chỉ đường...và thay luôn cả tivi, xem video,clips… lẫn facebook nữa!
Khả năng tưởng tượng của con người ở khoa học và văn nghệ.
Nghĩa là khả năng liên tưởng - tưởng tượng đã phát triển song song trong lịch sử sinh tồn của lòai người, tạo nên những cột mốc cụ thể ở quá trình phát triển khoa học và văn nghệ.
Sau đây chúng ta cũng nên điểm sơ qua mấy chứng tích tiêu biểu nhất của khả năng liên tưởng- tưởng tượng ở hai lãnh vực liên hợp là khoa học và văn chương- trí tuệ.
Chẳng hạn như nhờ vào sự áp dụng những tiến bộ của khoa học vào quá trình tìm hiểu vũ trụ- vạn vật, cho đến nay chúng ta hiểu được rằng vũ trụ vẫn vô tận về bề dầy và bề sâu. Riêng sự hình thành vũ trụ vẫn còn nhiều bí ẩn: Bí ẩn của hố đen( lỗ đen, black hole) vẫn còn kỳ lạ về sức lớn, độ sáng nhất, độ đen nhất, tự quay nhanh nhất và có sức hút mãnh liệt nhất...,vẫn còn đang được tiếp tục khám phá.
Điều này sẽ còn đang tiếp tục xảy ra giữa trí tuệ con người với trí tuệ nhân tạo và mức áp dụng vào thực tế đời sống của xã hội loài người, vào y tế, vào điện năng từ sức nóng của mặt trời và sức gió, vào xe điện và xe tự lái, vào giáo dục, vào việc in ấn 3D, vào nông nghiệp và công việc làm... Nói chung lại, chào mừng bạn đến với cách mạng công nghiệp kỹ nghệ thứ 4. Chào mừng bạn đến với Kỷ Nguyên Tiến Bộ Theo Cấp Số Nhân.
Trong khi đấy, người ta đã chuẩn bị tổ chức du lịch lên sao Hỏa dự trù cho một vài thập niên nữa![2]
Tờ Báo Thế giới (Đức) ngày 07/05/2017 đăng bài “Bảy dự đoán về tương lai loài người của Bill Gates”[3] quan trọng ở chỗ là sẽ thay đổi thế giới trong vòng vài thập niên tới, từ những thiết bị tự động và robot, các nguồn năng lượng tái tạo, cải tiến nông nghiệp để Châu Phi có thể tự túc lương thực, các nước nghèo có thể sẽ xử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến, năm 2019 tòan thế giới sẽ không còn bệnh bại liệt trẻ em(?), đến năm 2035 sẽ không còn nước nghèo nữa(?), và nạn khủng bố sinh học có thể gây ra nạn 33 triệu người chết mỗi năm(!?)
Cùng lúc ấy, tháng Năm 2017, theo bản tin của hãng thông tấn UPI, viện Gallup vừa công bố một kết quả cho thấy rằng tỉ lệ người lớn ở Hoa Kỳ tin là Thượng Đế tạo ra lòai người ở hình dạng như hiện nay, đang giảm xuống đến mức thấp kỷ lục so với năm 1982 : Chỉ có 38% được hỏi đồng ý với quan điểm của Chủ Thuyết Sáng Tạo, 38% tin rằng con người phát triển theo sự hướng dẫn của Thượng Đế, và 19% tin rằng Thượng Đế không có vai trò gì trong sự tiến hóa của lòai người.
Có nghĩa là lịch trình phát triển tâm linh và khai mở lý trí của con người trong môi trường xã hội cho chúng ta ngày nay nhận ra rằng: Thời đại Phong kiến xưa đi đôi với tư tưởng Phiếm Thần - Đa Thần cổ hủ. Thời đại Quân chủ phát triển song song với tư tưởng Nhất Thần. Còn bây giờ thì sức tiến bộ hiện nay của con người mỗi lúc một tạo cho con người tự tin vào chính mình nhiều hơn bất cứ bao giờ, nhất là mỗi lúc một đẩy lùi sắc mầu mê tín dị đoan vào bóng tối của quá khứ. Nói một cách khác, con người sinh tồn trong xã hội ngày nay mỗi lúc một ý thức được rằng chính con người chù động là trung tâm vũ trụ, và dần dần gạt bỏ được ý niệm thần linh hiện diện ở ngòai con người có thể có quyền năng chi phối được con người, khác nào chấp nhận chỉ có cái TÂM duy nhất của con người là chính, như Tất-đạt-đa Cồ-đàm( Siddhartha Gautama, tức Shakyamuni Buddha, Phật-Thích-Ca mâu-ni) đã vạch rõ ra như thế từ trên hai ngàn rưỡi năm trước đây...
Chẳng hạn vào tháng giêng năm 2001, một ngày trước khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức, một báo cáo Quốc Hội của Ủy ban mà đứng đầu là bộ trưởng Quốc phòng tương lai Donald Rumsfeld đã chính thức lên tiếng cảnh cáo và thúc giục việc tái tổ chức quân đội Mỹ bằng ý tưởng nhấn mạnh đến lãnh vực không gian nhằm để bảo vệ hệ thống vệ tinh nhân tạo truyền thông và tình báo của Hoa Kỳ, và nếu cần thì phải có khả năng lọai bỏ được hệ thống vệ tinh nhân tạo của các quốc gia khác. Rồi tháng sáu 2017, Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ ( U.S. House Armed Services committee, HASC) bỏ phiếu thành lập Binh Đòan Không Gian Hoa Kỳ( The United States Space Corps, USSC), một ngành đặc biệt được đặt dưới quyền điều động của Bộ trưởng Không Quân Mỹ, và sẽ là một thành viên trong Bộ Tổng Tham Mưu Liên Quân( the Joint Chiefs of Staff ) nhưng lại được vận hành độc lập với cơ quan NASA và theo ngân sách quốc phòng chung bắt đầu từ năm 2018 [4]....
Và cứ như thế, trong một chuỗi diễn tiến khám phá và áp dụng mới đang xẩy ra này đã kích thích để nẩy sinh ra và phát triển mạnh lọai Thơ Hài Cú Khoa Học Giả Tưởng trên 'nét' ( internet).
Mấy khía cạnh phong phú của thơ lên lưới điện toán:
Trở lại với hai bài thơ tiêu biểu nêu trên, chúng ta nhận ra rằng cái chất hài hước và triết lý truyền thống của thơ Hài cú [ Haiku, bắt đầu xuất hiện vào những thập niên cuối thế kỷ 17 tại Nhật bản, với Matsuo Basho(1644-1694)], như nụ mỉm cười thiền vị, mặc dù ý nhị đã nhạt nhòa bớt đi nhưng ngược lại nguồn thơ hài cú tân tiến này lại còn bao gồm những ý tưởng, những hình ảnh chưa từng có ở hài cú cổ điển. Có lẽ chính Tom Brinck cũng đã nhận ra điều đó, khi ông diễn tả trong nội dung của tuyên ngôn “Scifaiku Manifesto” rằng Scifaiku, thơ hài cú khoa học giả tưởng này “hài cú và không hài cú”.
Đây, chúng ta thử đọc xem rằng có nhận ra được cái tính chất “hài cú mà (và) không hài cú” ở một số thơ của mạng lưới điện toán tiêu biểu dưới đây:
1. Nội dung tình gia đình (nhân bản): Đây là một nội dung rất hiếm có trong thơ Hài cú truyền thống của dân Nhật bản. Sở dĩ trong mạng lưới điện toán lại có nội dung này là vì, rất thực tế, ở tâm tình của giới chuyên viên điện toán: Vì nghề nghiệp, chuyên viên điện toán gần gũi với máy điện toán ngày đêm liên tiếp cả năm, nhiều khi còn thân mật hơn cả vợ chồng con cái của họ nữa. Do đó, trong thoáng chốc nhớ đến con, chuyên viên Lea Deschenes đã diễn tả tâm tình của mình bằng bài thơ sau đây:
Martian reads tabloid:
Two-headed love child. Front page:
Wishes he’d stayed home.
Hắn đọc tờ báo nhỏ:
Trẻ được cưng chiều. Trên trang nhất:
Muốn hắn ở lại nhà.
2. Nội dung kỹ thuật tiên tiến: Nội dung rõ rệt và hoàn toàn khác hẳn, chưa hề có trong thơ Hài cú trước đây. Chẳng hạn:
The cat is missing
Schrodenger’s lab in chaos:
He plots his revenge.
( Lea Deschenes)
Con mèo mất tích
Phòng lép xáo trộn
Hắn tính trả thù
3. Nội dung con người tiếp cận vũ trụ: Nội dung này cũng hết sức mới lạ. Tức là không còn tiếp cận như kiểu thơ Hài cú cổ điển, mà theo một cách thế khác của con người trước vũ trụ, nhưng lại hết sức thi vị. Chẳng hạn:
All the universe
pulls slowly into center:
Alas, the Big Crunch.
(Leslie Gornstein)
Toàn vũ trụ
tiến dần vào trung tâm
Ráu, miếng cắn.
4. Con người trong kỷ nguyên kỹ thuật tân tiến: Nội dung này có thể nói rằng cho đến bây giờ, chiếm đa số lượng thơ của mạng lưới điện toán. Với nội dung này, chúng ta đặc biệt đọc tới hai bài, nội dung như nhau nhưng kỹ thuật khác nhau:
Thể thơ xuôi: Chỉ có hai câu nhưng lại cho xuống thành 3 hàng chữ, mà có chữ bị cắt đôi:
What culture crea-
ted this artifact and why
is that moon now gone?
Văn hóa nào đẻ ra
tuyệt nghệ phẩm này và tại sao
vầng trăng nọ đã xa?
Hoặc trong một bài tiêu biểu khác nữa, nguyên tác vẫn theo tiêu chuẩn hài cú cổ điển nhưng khi chuyển ngữ thì bó buộc người dịch nếu muốn gói trọn nội dung thì phải phá vỡ hình thức( nghĩa là không giữ được đúng ba hàng thơ):
To leave Mars’ death camps,
I gave my brain to the ship
stars taste like champagne.
( Andrew Mc Cann)
Rời trại chết sao hỏa
não tôi phó thác cho phi thuyền
những vì sao nếm chất não tôi
như nhấm nháp sâm banh.
Nói chung lại, thơ Hài Cú của mạng lưới điện toán hết sức giản dị, chính xác, thích ứng với thời đại mới hiện nay (thời đại mở đầu vào kỷ nguyên điện toán), và đương nhiên không hề thiếu chất thơ, thi vị là cái chất quan trọng nhất của thơ, ở bất cứ thời đại nào, và hoàn cảnh nào.
Tóm lại, dù thế nào đi chăng nữa, thơ Hài Cú của mạng lưới điện toán hiện vẫn còn khá mới mẻ nhưng rõ rệt nó đã hiện diện và đang phát triển rất nhanh, theo cấp số nhân.
Và chúng ta gọi thơ của mạng lưới điện toán này là gì? Là thơ hài cú khoa học giả tưởng, thơ hài cú mới, tân hài cú? Là thơ lên lưới? Là thơ điện tử? Thơ tân kỳ?
Riêng bạn, bạn đã nghĩ ra một từ ngữ nào khác chưa, để chỉ loại thơ của mạng lưới điện toán ấy?
- 7 / 2017.
* Phạm Quốc Bảo.
Chú thích:
[1] trích “Mastering the Fourth Industrial Revolution” do Larry Hatheway,viết,,Project Syndicate, 21/01/2016. nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2016/02/14/lam-chu-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu/#sthash.fdtW4JQ3.dpuf)
[2] Sao Hỏa còn gọi là: Hỏa Tinh,(tiếng Anh: Mars) là hành tinh thứ tư tính từ Mặt Trời trong Thái Dương Hệ...Sao Hỏa là một hành tinh đất đá với một khí quyển mỏng, với những đặc điểm trên bề mặt có nét giống với cả các hố va chạm trên Mặt Trăng và các núi lửa, thung lũng, sa mạc và chỏm băng ở cực trên Trái Đất. Chu kỳ tự quay và sự tuần hoàn của các mùa trên Hỏa Tinh khá giống với của Trái Đất do sự nghiêng của trục quay tạo ra...Sao Hỏa có thể dễ dàng nhìn từ Trái Đất bằng mắt thường. Cấp sao biểu kiến của nó đạt giá trị −3,0, chỉ đứng sau so với Sao Mộc, Sao Kim,Mặt Trăng, và Mặt Trời...Bán kính của Sao Hỏa xấp xỉ bằng một nửa bán kính của Trái Đất.Tỷ trọng của nó nhỏ hơn của Trái Đất, với thể tích chỉ bằng 15% thể tích Trái Đất và khối lượng chỉ bằng 11%. Diện tích bề mặt của hành tinh đỏ chỉ hơi nhỏ hơn tổng diện tích đất liền trên Trái Đất... Sao Hỏa cũng là hành tinh có giá trị kích thước, khối lượng và gia tốc hấp dẫn bề mặt ở giữa khi so với Trái Đất và Mặt Trăng (Mặt Trăng có đường kính bằng một nửa của Sao Hỏa, trong khi Trái Đất có đường kính gấp đôi Hỏa Tinh;Trái Đất có khối lượng gấp chín lần khối lượng Sao Hỏa trong khi Mặt Trăng có khối lượng chỉ bằng một phần chín so với Hỏa Tinh). Màu sắc vàng cam của bề mặt Sao Hỏa là do lớp phủ chứa sắt(III) ôxít, thường được gọi là hematit, hay rỉ sét...Những hiểu biết hiện tại về hành tinh ở được—khả năng một thế giới cho sự sống phát triển và duy trì—ưu tiên những hành tinh có nước lỏng tồn tại trên bề mặt của chúng. Điều này trước tiên đòi hỏi quỹ đạo hành tinh nằm trong vùng ở được, mà đối với Mặt Trời hiện nay là vùng mở rộng ngày bên ngoài quỹ đạo Sao Kim đến bán trục lớn của Sao Hỏa...Có thể là nhiệt độ bề mặt Sao Hỏa sẽ tăng từ từ,hơi nước và CO2 hiện tại đang đóng băng dưới regolith bề mặt sẽ giải phóng vào khí quyển tạo nên hiệu ứng nhà kính nung nóng hành tinh cho đến khi nó đạt những điều kiện tương đương với Trái Đất ngày nay,do đó cung cấp nơi trú chân tiềm năng trong tương lai cho sinh vật trên Trái Đất...Cơ quan ESA hi vọng đưa người đặt chân lên Sao Hỏa trong khoảng thời gian 2030 và 2035 ...[ mục “Sao Hỏa” trên Google]
[4] trích mục the United States Space Corps trên Google.
Bài VKKhoan
Nhân dáng thầy Vũ Khắc Khoan
Phạm Quốc Bảo.
Trước khi cùng nhau chúng ta bắt đầu thưởng thức mấy chi tiết rất đời thường mà khá độc đáo liên quan tới thầy Vũ Khắc Khoan, tôi thấy nên điểm sơ qua vài nét tiêu biểu cái bối cảnh của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa:
Bắt nguồn từ chủ trương phát xuất ở thời chính phủ Trần Trọng Kim(17 tháng Tư đến 25 tháng Tám năm 1945), nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa ( VNCH, từ cuối năm 1954 đến tháng Tư năm 1975) đã được áp dụng phổ cập và phát triển tại lãnh thổ Miền Nam Việt Nam rõ rệt nhất là ở bốn yếu tố chính:
- Ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết)Việt (tức Việt ngữ) là quốc ngữ, đồng thời Việt hóa và phổ thông hóa nền giáo dục Việt ngữ rộng khắp lãnh thổ [1].Chẳng hạn Việt ngữ đã là ngôn ngữ chính và duy nhất được giảng dạy từ vườn trẻ- mẫu giáo lên các bậc tiểu và trung học. Chẳng hạn cụ thể là ở phân khoa Văn Khoa sàigòn, trước năm 1963 vẫn hiện diện song song hai hệ thống Dự Bị Pháp giảng dạy bằng Pháp ngữ và Dự Bị Việt giảng dạy bằng Việt ngữ, nhưng sau năm đó Dự Bị Pháp không còn nữa, duy nhất chỉ còn Dự Bị Việt cho đủ mọi môn chuyên khoa mà thôi.
- Bốn cấp từ vườn trẻ - mẫu giáo lên đến tiểu-trung và đại học công tư đều được khuyến khích rộng mở ở khắp mọi vùng đất nước, nơi nào có thể, cho tòan dân. Do đó sĩ số học sinh-sinh viên cũng như số lượng giáo viên- giáo sư cứ được bổ túc liên tục mà tăng gấp bội lên theo cấp số nhân ở từng niên học. Các môn học ở các cấp cũng được cố gắng cập nhật theo tầm mức tân tiến chung trên thế giới mà bớt hoặc thêm vào từng năm. Chẳng hạn về công tác điều chỉnh, chúng ta có thể kể đến việc lọai bỏ đi lớp Tiếp Liên (lớp học cuối của cấp tiểu học), và ở trung học đệ nhị cấp đã dẹp đi Ban D (ban cổ ngữ, học Hán Văn và La Tinh)... Còn việc bổ túc các ngành học, chúng ta có thể kể sự kiện thêm môn Tân Tóan Học cho lớp 12 ban B (ban chuyên Tóan, lớp chót của trung học đệ nhị cấp) bắt đầu từ niên học 1970-71. Trên cấp đại học, chúng ta cụ thể ghi nhận hai sự kiện: Ở phân khoa Khoa Học sàigòn, từ niện học 1961 trở về trước,lớp P.C.B (viết tắt của Physique-Chimie-Biologie animale) vốn là chứng chỉ Lý-Hóa-Sinh của văn bằng cấp cử nhân Khoa Học mà cũng là lớp Dự bị Y Khoa, nhưng sang niên học 1962-63, lớp P.C.B. vẫn là một chứng chỉ thuộc hệ thống trường Khoa Học, còn Dự Bị Y Khoa lại bắt đầu có tên riêng, A.P.M.(viết tắt của Année Préparatoire de Médecine) [2]. Trong khi ấy, phân khoa Văn Khoa sàigòn niên học 1964- 65, ban Triết học chia ra thành hai phân ban, Triết học tây phương và Triết học đông phương...
- Sách giáo khoa thì được Trung Tâm Học Liệu của bộ Quốc Gia Giáo Dục chính thức xuất bản cho từng cấp học, nhưng nhiều nhất phải kể là vô số những tài liệu tiểu luận và luyện thi mọi môn học các cấp đã được các giáo sư chuyên ngành thi nhau soạn, xuất bản và phân phối rộng khắp.
- Các kỳ thi những văn bằng Tiểu Học, Trung Học Đệ Nhất Cấp (dẹp đi vào năm 1967), Tú Tài I ( dẹp đi bằng nghị định chính thức vào năm 1973) dần dần được lược bỏ. Chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp ban Trung Học( mà trước kia gọi là kỳ thi Tú Tài Hai) và được bắt đầu thử nghiệm áp dụng thi viết cho một số môn học theo hình thức Trắc Nghiệm IBM ( nôm na gọi là thi ABC khoanh, để có thể chấm điểm thật nhanh gọn bằng máy điện tóan), vào kỳ thi giữa năm 1974..
Những yếu tố đại để nêu trên tiêu biểu minh chứng cho mục tiêu giáo dục đã được kiên trì liên tục áp dụng vào thực tế theo nhu cầu đời sống và theo đà dân số phát triển ở xã hội Miền Nam Việt Nam, dựa trên ba châm ngôn căn bản cốt lõi là Nhân Bản- Dân Tộc- Khai Phóng.
* Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò:
Nhưng dù sao, trong mỗi giai đọan chuyển đổi của nền giáo dục như thế cũng đều có những sự kiện bất cập. Như chương trình giáo dục thời tôi theo học bậc trung học VNCH có một điểm lạ ở chỗ Quốc văn( tức là Việt văn) các lớp Đệ Tứ (lớp 9 bây giờ), Đệ Nhị (lớp 11) thì học Kim văn; còn các lớp Đệ Ngũ (Lớp 8) và Đệ Tam (Lớp 10) lại phải học tòan Cổ văn.
Cổ văn tức là các lọai văn được sáng tác từ xa xưa, câu chữ các cụ dùng trong quá khứ bao nhiêu thế kỷ trước của dân tộc ta bây giờ đã không còn thông dụng trong xã hội ngày nay nữa. Lại thêm văn chương cổ vốn được chủ trương “văn dĩ tái đạo” tức là các cụ viết văn chương với mục đích chuyên chở những đạo lý ở đời (nhưng nội dung của những đạo lý ấy hầu hết là nhắc lại những ý tưởng của sách vở xưa để lại một cách lý thuyết mà chứa đựng rất ít tư tưởng mới sáng tạo được rút ra từ kinh nghiệm sống thực tế trong đời sống cụ thể của các cụ); và những câu những chữ của thứ văn chương được gọi là ‘bác học’ ấy thường bao gồm nhiều điển tích mà muốn hiểu thấu đáo câu văn của các cụ đã viết ra thì phải thuộc nằm lòng những câu chuyện chứa đựng trong các điển tích ấy!
Quí vị độc giả hãy thử nghĩ lại xem: Học sinh mới lớn, tuổi trung bình từ 14-16, chúng tôi mới chỉ là những thiếu niên ở cái tuổi đang “nhổ giò”, cái tuổi “ăn ít khi thấy no, lo chưa bao giờ kỹ”cả, thế mà phải “nhá” những thứ văn chương xưa cũ chứa đựng quá nhiều điển tích (chuyện xưa tích cũ, bên ta lẫn bên Trung Hoa), đọc lên nghe đã trúc trắc rồi, nói chi đến vấn đề có thể dễ tạo nên niềm thích thú học hỏi sao nổi!
Cho nên một hiện tượng thường xuyên phổ biến diễn ra là trên bàn thầy đang diễn đọc cuốn thơ nôm Truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu (1822- 1888), chẳng hạn đến đọan tả nhân vật Lục Vân Tiên giữa đường ra tay đánh dẹp bọn cướp để cứu Kiều Nguyệt Nga: Khi nàng Kiều Nguyệt Nga tính bước xuống xe lạy tạ ơn, thì chàng họ Lục(vốn theo quan niệm cổ điển “nam nữ thọ thọ bất thân”) vội ngăn lại mà thốt lên rằng:
“ Thôi thôi ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái, ta là phận trai”
Ở dưới mấy hàng ghế cuối lớp, nhóm học sinh tinh nghịch một cách ‘nhất quỷ- nhì ma- thứ ba học trò’ cũng liền đọc lên mấy câu vè bình dân mà ngòai xã hội lúc ấy người ta thường “lẩy”:
“Vân Tiên cõng mẹ chạy ra
Đụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy dzô!”
Thế đấy...
Và Việt văn lớp Đệ Tam C hồi tôi học do thầy Vũ Khắc Khoan đảm trách.
* Bóng dáng thầy qua tiểu sử.
Từ những tài liệu trong Google, có thể tóm tắt tiểu sử của thầy Vũ Khắc Khoan bằng mấy đọan sau: “...Vũ Khắc Khoan sinh ngày 27/02/1917 tại Hà-nội, là học trò trường Bưởi. Lên đại học, ông theo ngành y khoa hai năm, trước khi vào trường Cao đẳng Canh nông. Tốt nghiệp, làm kỹ sư canh nông được một năm rồi chuyển hẳn sang nghề dạy học, dạy lịch sử tại hai trường Nguyễn Trãi và Chu Văn An, Hà-nội; đồng thời ông hoạt động kịch nghệ, viết văn, thành lập nhóm Quan Điểm với Nghiêm Xuân Hồng. Từ 1948 Vũ Khắc Khoan bắt đầu in bài trên báo Phổ Thông, hai vở kịch Thằng Cuội ngồi gốc cây đa (1948) và Giao thừa (1949) và bài tùy bút Mơ Hương Cảng (1953). Giao thừa có thể coi là vở kịch có nội dung đề cập đến tính chất phi lý đầu tiên của Việt Nam.
Ngay từ thời còn là sinh viên y khoa, Vũ Khắc Khoan đã đạo diễn những vở Thế Chiến quốc và Nửa đêm truyền hịch của Trần Tử Anh, trình diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Ông viết và dựng kịch bản đầu tay Trường ca Mông Cổ, tác phẩm làm nền cho vở Thành Cát Tư Hãn (1961) sau này. Năm 1952, vừa dựng vừa diễn vở Thằng Cuội ngồi gốc cây đa tại Nhà Hát Lớn. 1954 di cư vào Nam, Vũ Khắc Khoan cộng tác với nhật báo Tự Do, dựng lại nhóm Quan Điểm (với Nghiêm Xuân Hồng và Mặc Đỗ). Ngòai ra ông còn dạy sử, văn chương và văn học sử tại các trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An ở Sài-gòn. Từ 1962 ông lên dạy đại học. Chủ trương nguyệt san Vấn Đề cùng với Mai Thảo, ông dạy và làm giám đốc Kịch nghệ tại trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài-gòn.
Di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, ông dạy Pháp văn tại đại học Minnesota trong hai năm, cộng tác với tờ Đất Mới (của Thanh Nam) và tờ Văn của Mai Thảo. Cuối đời ông sáng tác Đọc kinh (1990), Đoản văn xa nước (1995), và hai bài thơ văn xuôi: Berceuse en pluie mineure (Ru em theo gam mưa thứ) và Le petit oiseau, la petite branche et le printemps (Con chim nhỏ, cành cây nhỏ và mùa xuân) và viết một số tác phẩm chưa hoàn tất: Như truyện dài Bướm đêm và kịch Ngọa triều. Vũ Khắc Khoan mất tại Minnesota ngày 12/9/1986 vì ung thư...”[3]
* Chung quanh bóng dáng kịch tác giả Vũ Khắc Khoan
Phải nói ngay rằng cho đến bây giờ, 75 tuổi, tôi vẫn đặc biệt hãnh diện là đã có thời được học thầy.
Trước tiên, những chi tiết và những nhận xét về hành trạng văn nghệ của cuộc đời ông thì trong Google và quá nhiều tác giả khác đã viết ra rồi[4], không cần thêm thắt gì ở đây nữa. Chỉ xin kể ra ở đây mấy hình bóng của ông khá sừng sững trong trí nhớ của cá nhân tôi, với những kỷ niệm có liên quan tới nhiều bạn hữu của tôi mà đa số họ nay cũng đã ra đi khỏi cõi đời này.
Chẳng hạn vào đầu thập niên 1960, thầy Vũ Khắc Khoan đang dạy trong bộ môn kịch ở trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ-Sàigòn. Lúc ấy tôi mới bắt đầu rời bậc trung học & cũng không học bất cứ một môn nào ở trường ấy, nhưng lại thường xuyên đến sân khấu của ấy để được tham dự những buổi hòa nhạc, nhất là để được thưởng thức những vở kịch do thầy dàn dựng và các môn sinh của thầy thủ những vai cốt cán chính.
Những vở kịch như Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa, Nghêu Sò Ốc Hến, vở chèo Quan Âm Thị Kính.... Nếu tôi nhớ không lầm thì những vở kịch này đều được thầy điều động ít nhất là một lần tại sân khấu trường Quốc Gia Âm Nhạc& Kịch Nghệ tọa lạc tại góc đường Nguyễn Du sàigòn, và do những diễn viên kịch như Hà Bay, Vũ Hạ... Họ vừa tốt nghiệp những năm trước và sau 1965, họ đảm trách phần trình diễn một cách xuất sắc, gây được tiếng vang cho ngành kịch nghệ của trường này. Nay Hà Bay đã mất hay chưa, cư ngụ hiện tại ở đâu, tôi không rõ. Nhưng Vũ Hạ thì sau tháng Tư năm 75 anh đã sang định cư tại miền Nam Cali,đi học lại và tốt nghiệp kỹ sư,làm ăn sinh sống rất mực thước.Trong hai thập niên 1980 và 90, thỉnh thỏang chúng tôi tình cờ gặp nhau ở những tiệm sách cũ thuộc các cửa hàng như Goodwill hay Salvation Army. Và rồi anh cũng đã ra đi ở lớp tuổi 60, cách đây trên một thập niên.
Riêng vở Thành Cát Tư Hãn tôi nhớ là đã được cho diễn hai lần tại trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ và một lần trên viện Đại Học Đà Lạt. Trong đó, vai Thành cát Tư Hãn đều do Trần Quang thủ diễn, còn Phạm Thanh Nhàn và Vũ Hạ đóng vai Sơn Ca; nhưng khi vở này được cho diễn trên Đà Lạt thì lại do Đinh Ngọc Mô đảm nhiệm vai Sơn Ca,và được khán thính giả khen là xuất sắc.
Trần Quang, theo như lời anh tiết lộ thì anh sinh ra bên Lào, người to lớn, bệ vệ trong vai Thành Cát Tư Hãn nhưng hồi ấy anh phát âm tiếng Việt hơi trớt; sau này nhờ liên tục chịu khó tập luyện, giọng nói của anh đã chuẩn hẳn và anh nổi tiếng hơn nữa khi sang làm diễn viên điện ảnh.
Phạm Thanh Nhàn, hồi năm 1975 anh sang tị nạn sớm ở Mỹ và chưa có cơ hội trở lại ngành diễn kịch thì đã qua đời trong tai nạn khi đi câu cá tại Long Beach vào khỏang cuối năm 1979 đầu 1980.
Còn Đinh Ngọc Mô, sau khi tốt nghiệp khóa Đại học Sư Phạm ĐàLạt, anh trở thành một trong vài người điều khiển nổi tiếng cho chương trình truyền hình Đố Vui Để Học của Trung Tâm Học Liệu ở mấy năm cuối thập niên 1960, sau anh được cho đi du học. Vào năm 1982, vừa sang định cư ở Nam Cali chưa đầy một năm là tôi đã nghe tin Mô đột ngột qua đời bên Canada [4]
* Bóng dáng thầy từ mấy kỷ niệm còn nhớ được
- Một dáng đời thường.
Những niên học cuối thập niên 1950, hiện tượng 'cúp cua' (trốn học) không hiểu tại sao lại thành phổ biến đến độ khá quen thuộc đối với học trò, nhất là các học sinh thuộc 3 lớp đệ nhị cấp ( lớp 10, 11 và 12), ở Chu Văn An Sàigòn. Hiện tượng trốn học đi chơi đương nhiên là không “phải đạo” rồi, bằng chứng rằng hiện tượng này xem ra rất ít xảy ra ở lớp học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, ngôi trường đã vì nhu cầu và cũng vì tuân theo chỉ thị của bộ Quốc Gia Giáo Dục mà phải chịu 'san sẻ' mấy dãy nhà để xe cùng cả tòa nhà vốn dành làm khu nội trú cho học sinh từ tỉnh lên học, để sửa sang lại và thành lập ra trường Chu Văn Anh ở năm sáu niên khóa đầu kể từ năm 1954.
Xét cho cùng, hiện tượng trốn học thường xảy ra như vậy cũng là do nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên phải thành thật mà thú nhận rằng học sinh CVA xem ra kỷ luật không được duy trì nghiêm minh như vốn đã là truyền thống sinh họat học đường ở bên trường Pétrus Ký ngay cạnh đó. Trong nguyên nhân này cần phải liệt kê 2 yếu tố khác nữa,tôi nghĩ có liên quan đến sinh họat học vấn có thể nói là dễ dãi và cởi mở mà ban quản trị trường Chu Văn An sàigòn hồi ấy đã thực hiện:
* Kể từ niên khóa 1954- 55, từ lớp Đệ Thất ( lớp 6) trở lên thì thường học sinh sàn sàn nhau 11 tuổi nhưng chúng tôi vẫn học chung với các anh chị lớn hơn, có khi tuổi họ đã 17. Lý do là bộ Quốc Gia Giáo Dục hồi đó đặc biệt cho phép học sinh nào di cư từ Bắc vào mà không có thân nhân đều được ghi danh vào học ở bất cứ lớp nào ở trường di cư Chu Văn An sàigòn.
* Và nếu tôi nhớ không lầm thì suốt những niên khóa trong thập niên 1950 ấy, học sinh nào thi nhẩy ( tức đang học lớp Đệ Ngũ- lớp 8 - cuối năm thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, hay đang học lớp Đệ Tam - lớp 10- cuối năm thi Tú Tài I) mà đậu thì chẳng những không bị “bắt lỗi” mà còn được cho phép học tiếp lên lớp trên, ở niên khóa kế tiếp!
Thứ đến là phát xuất từ hệ thống thi cử của thời ấy: Trước thời chúng tôi,cho đến đầu thập niên 1950, ở bậc tiểu học cũng còn có kỳ thi bằng Sơ Học Yếu Lược ở cuối năm lớp Ba, rồi hết năm Lớp Nhất ( tức lớp Năm sau này) phải tốt nghiệp bằng Tiểu Học, và gay go hơn nữa là phải thi tuyển vào Lớp Đệ Thất (tức lớp Sáu), đậu mới được vào học trường Trung Học công lập ( nghĩa là không phải đóng học phí, mà nếu học xuất sắc lại còn được hưởng học bổng nữa!). Học hết năm Đệ Tứ ( tức lớp Chín), phải qua kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp mới được lên học ở ba năm đệ nhị cấp Trung Học. Cho nên khi lên học lớp Đệ Tam, tâm lý hầu hết đều ra vẻ mình là học sinh lớp lớn nhất trường rồi! Hơn nữa, các môn học phụ (Khi thi thì các môn phụ đều hệ số 1, và hầu hết không phải thi viết, chỉ vào Vấn Đáp thôi), học sinh các lớp đệ nhị cấp (tức Đệ Nhị,lớp 11, cuối năm thi bằng Tú Tài I và lớp Đệ Nhất, lớp12, cuối năm thi bằng Tú Tài II) thường vừa không coi trọng lại vừa chẳng chịu chú tâm học các môn phụ cho lắm; đến giờ các môn ấy trong tuần vẫn thường là thời gian học sinh bỏ học trốn đi chơi nhiều nhất.
Và phải nói rằng thời đại chúng tôi, trốn học thường ra chỉ như một hình thức nhằm thỏa mãn ý thích tự do của con trẻ là chính: Bỏ học trong lớp hầu hết chỉ vì đã bàn tính với nhau là dự trù đi xem ciné (movies) các rạp chiếu phim hay mà cũ như Lê Lợi hay Vĩnh Lợi, 2 đồng một vé, với một ly cối nước mía 1 đồng ( thoang thoảng thơm mùi vài giọt tắc, chanh hay cam)! Ngòai ra trốn học cũng chỉ rủ nhau đạp xe vào lang thang trong Sở Thú hay vườn BờRô là cùng...
Tôi nhớ có lần anh Đỗ Quí Tòan thổ lộ đại khái là cũng có học một năm Đệ Tam do thầy Khoan dạy môn Sử. Rồi anh nhắc đến một kỷ niệm mà trên 60 năm rồi còn sót lại trong ký ức của anh:
Trong một buổi học, anh và một người bạn 'cúp cua', hai chàng đang lang thang chưa biết đi đâu chơi là thích nhất... bất chợt nhìn thấy thầy Khoan đứng vẩn vơ trên một vỉa hè. Trong bụng lo sợ vì chuyện trốn học đi chơi mà chẳng may bị thầy bắt gặp...,hai 'chàng' ban đầu khá bối rối, tiến thóai lưỡng nan, chưa biết phải phản ứng thế nào.. Thì đã bị thầy nhìn thấy hai cậu học trò của mình còn đang lớ ngớ, ông bèn vẫy gọi... Và cuối cùng hai chàng cũng gắng gượng líu ríu đến cúi đầu chào. Ngòai mặt thầy vẫn tỉnh bơ như không, ông móc thuốc lá ra hút và thuận miệng thổ lộ rằng đang đi đến đây thì chiếc VéloSolex của thầy bị dính đinh, xẹp bánh xe, phải ghé vào vá lốp mà lục trong túi thì không có đến một đồng bạc nào!...Kết cuộc là hai trò chung nhau cho thầy vay để thanh tóan...Và thế là bữa cúp cua ấy, hai chàng phải ..giải khát chung một ly nước mía, thanh thanh vì có pha thêm ít nước trái quất vừa chua chua vừa thơm thơm!
- “Con lạy thầy!”
Những năm học trung học thời chúng tôi, đa số tuổi trung bình từ 11 đến 18, cái hạn tuổi trổ mã của đời người, nghĩa là ở cái tuổi mà cơ thể lẫn trí tuệ phát triển mạnh nhất của một cá nhân, người ta thường gọi tắt là cái tuổi” nhổ giò”. Ở tuổi này thường có huynh hướng xung động, phá phách mà phần đông không hề có một chủ ý nào cả, nhưng rõ rệt là nghịch ngợm ra trò. Tục ngữ ta có câu “ Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Trong lớp thế nào cũng có vài ba anh học sinh phá nghịch nhất. Và đi dạy thì mỗi một thầy cô cũng đều có cách thức đối phó khác nhau, tùy theo tâm tính và kinh nghiệm: Thường thì quát mắng, hay bắt lên phòng giám thị để có thể bị phạt cuối tuần phải lên trường học bài dưới sự kiểm sóat của các thầy giám thị...Nhưng cũng có trường hợp là thầy giận dữ bỏ lớp ngang không dạy nữa; và cũng đặc biệt có những thầy cô giáo trẻ mới vào nghề, bối rối đến độ đứng chết trân giữa lớp mà chẩy nước mắt!
Riêng thầy Vũ Khắc Khoan, tôi đã được chứng kiến, ông có một thái độ 'trị' học trò phá nghịch một cách khá độc đáo mà tôi chưa thấy thầy cô nào áp dụng trong thời tôi học trung học:
Buổi đó, trong hai giờ thầy Khoan dạy, thỉnh thỏang có vài 'cậu' lén nghịch như thường lệ, nhưng riêng một 'cậu' ngồi dẫy bàn giữa ở cuối lớp thì nghịch ngợm luôn chân luôn tay. Thế mà thầy vẫn tỉnh bơ như không biết đến: Tướng thầy vốn to bề ngang, mái tóc bồng bềnh theo bước đi như cái bờm sư tử, đôi mắt thường đỏ của thầy hướng lên trần lớp và miệng thầy vẫn say sưa giảng... Đến khi trống báo hết giờ, cậu vua nghịch kia là người phóng nhanh nhất và định ra khỏi lớp đầu tiên, thì bị thầy Khoan đứng ngăn ngay ở cửa ra vào:
- Này. Anh theo tôi!
Không hề ngờ là bị thầy chặn lại như vậy, cậu ta miệng ú ớ:
- Thưa Thầy...con...
- Anh ra sân 'pạc co' [5] với tôi!
Ngớ mặt ra không hiểu gì cả, cậu ta chết trân!
- Hết giờ học rồi thì tôi với anh hòan tòan bình đẳng. Chúng ta phải giải quyết vấn đề này với nhau một cách sòng phẳng.
- Ơ...
- Nếu anh đấu thắng thì đến giờ tôi dạy, anh muốn nghịch gì cũng được.Còn nếu anh thua thì tôi chỉ yêu cầu, giờ tôi phụ trách, anh không được phá nữa, để tôi dạy và những anh em khác học. Đồng ý?
- Thưa thầy...con...
- Anh cởi áo ra!
- Con đâu dám!
- Anh nhất định phải đấu tay đôi với tôi lần này!
- Con lạy thầy...
- Đây có đầy đủ bạn cùng lớp anh chứng kiến, nhá...
- Dạ... Xin thầy tha cho con. Từ nay con không dám thế nữa!
- “Xin lỗi anh nhá”
Lớp tôi theo học, có một cậu từ Bắc di cư vào Nam, gia đình đông con nên nghèo đến độ nếu không học được trường công lập thì... xem ra phải thất học. Mấy năm dưới các lớp Đệ Nhất cấp, cậu ta chuyên môn đầu húi gần trọc là để lâu cả tháng mới phải cắt tóc một lần, đặc biệt nhất là áo cậu ta mặc đều là lọai vải dù của quân đội Liên Hiệp Pháp còn sót lại,vốn không được trắng mà ngả mầu vàng, nên bạn trong lớp đặt cho cậu ta cái hỗn danh“ Không Không Hòa Thượng”.Cái hỗn danh này kéo dài cho đến hết lớp Đệ Tam mới dần dần mất đi. Số là sau khi đậu được bằng Trung Học Đệ Nhất cấp, cậu ta xin được chân kèm vài đứa trẻ ba buổi tối một tuần, mỗi buổi hai tiếng, tháng được trả 200 đồng tiền VNCH hồi ấy. Lần đầu lĩnh lương tòan giấy 5 đồng, cậu ta đem về bầy kín lên chiếc bàn học rộng thước rưỡi- dài hai thước để mà... ngắm cho thỏa thích! Rồi cậu ta đi may hai bộ áo popeline trắng cụt tay- quần kaki Nam Định nhuộm xanh da trời, chỉ mất có một trăm rưởi đồng bạc!
Một hôm đang đạp xe đạp đi học, gặp trời mưa như xối xả, chưa kịp kiếm chỗ trú thì chiếc xe Peugeot 203 rẽ vào sát bên để anh bạn cùng lớp (hiện là con của một dân biểu Đệ Nhất Cộng Hòa ) vẫy chào một cái...chơi vậy thôi! Nhưng khi chiếc xe hơi băng ra giữa đường thì đã để hai vết bùn từ bánh xe văng lại suốt dọc trên mặt áo trắng trước ngực cậu học trò đạp xe đạp. Đến trường, cậu ta vội cởi áo ra giặt và phơi ngay ở khung cửa sổ lớp.
Trống đến giờ học. Mới bước vào lớp, thầy Khoan thấy ngay một anh học sinh ngang nhiên mặc áo lót. Tự nhiên nổi nóng, thầy quát:
- Anh kia! Ra khỏi lớp ngay!
Cậu học trò lúng túng, ngượng ngùng vì không ngờ bị thầy đuổi, líu ríu tuân theo...
Độ mười lăm phút sau, thầy Khoan mở cửa lớp ra:
- Chết rồi! Có phải anh vừa giặt áo bẩn rồi treo ở cửa sổ kia không?
Đang chịu đứng lớ ngớ run trong cơn gió lạnh từ cơn mưa thổi tới, cậu học trò lập cập xác nhận:
- Dạ...
- Thế sao anh không nói rõ cho tôi biết?
- Dạ thưa...
- Vào đi, không ốm ra bây giờ!... Tôi xin lỗi anh nhá!
* Phạm Quốc Bảo.
Chú thích:
[1] “Mùng 5 tháng Chín năm 1956: Hội Nghị Thống Nhất Ngôn Ngữ khai mạc tại trụ sở bộ Giáo dục…”trích trang 201, Hai Mươi Năm Qua, 1945-1964, Việc Từng Ngày, tác giả Đoàn Thêm
[2]có thể xem thêm vào chi tiết ở truyện ngắn “ Racoto Féringa”, trong tuyển tập Hốt Một Thang , Việt Hưng xuất bản năm 2006.
[3] Xin xem chi tiết thêm về nhân vật Vũ Khắc Khoan trong các bài tiêu biểu khác, như:
[4] có thể xem thêm bài tôi Khóc Đinh Ngọc Mô(14-7-1982), trang 79, trong cuốn Thơ, Hai Mươi Năm, Việt Hưng xuất bản, 2002.
[5] “parcorps”: Đấu tay đôi.
Tác phẫm đã xuất bản
1
Chiến Tranh Và Tuổi Trẻ Phương Tây
tuyển tập thư, dịch, Hồng Lĩnh, Sài gòn 1969
2
Năm Dài Tình Yêu
truyện dài, dịch, Hồng Lĩnh, Sài gòn 1969
3
Vực Hồng
truyện dài, (bút hiệu Phạm Hà Quân)
Thoại Ngọc Hầu, Sài gòn 1975
4
Cùm Đỏ
truyện ký, Người Việt, cali 1983
5
Cõi Mộng Du
truyện dài tập 1, Người Việt, Cali 1984
6
Đời Từng Mảnh
(Cõi Mộng Du tập II) Người Việt, Cali 1985
7
Dâu Bể
tuyển tập, Người Việt, Cali 1096
8
Mười Ngảy Du Ký
Việt Báo Washington DC, 1987
9
Gọi Bình Minh
truyện dài, Người Việt, Cali 1989
10
Người Việt Tại Đông Âu Và Vấn Đề Việt Nam
biên khảo, Việt Hưng, Cali 1990
11
Huynh Đệ Tương Tàn
biên khảo, dịch, Thế Giới, Cali 1991
12
Bây Giờ Nhật Bản Biết nói Không
biên khảo, dịch, Khai Sáng, Cali 1992
13
Dấu Vết Văn Hóa Việt Trên Đường Bắc Mỹ
biên khảo I và II, Việt Hưng, Cali 1995
14
Hồng Nhan Xuân
tuyển tập, Việt Hưng, Cali 2002
15
Thơ, Hai Mươi Năm
Việt Hưng, Cali 2002
16
Độc Lập Mỹ - Độc Lập Ta
tuyển tập, Việt Hưng, Cali 2004
17
Hốt Một Thang
tuyển tập, Việt Hưng, Cali 2006
18
Hương Đêm
tuyển tập, Little Saigon Cali 2008
19
tuyển tập, Người Việt, Cali 2010
20
tuyển tập, Người Việt, Cali 2010
21
tuyển tập, Người Việt, Bolsa 2015
(...)
------------------------------------------
trích : Phan Nguyên Blog
-----------------------------------------------
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 13:39 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ