Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Cuộc "trở về" của Phan Thị Vàng Anh / Đỗ Duy phỏng vấn -- nguồn: https://tuoitre.vn>

 

Cuộc “trở về” của Phan Thị Vàng Anh

14/04/2016 09:40 GMT+7
ĐỖ DUY
thực hiện

TT - Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa là tập sách gồm 19 tản văn của Phan Thị Vàng Anh, do NXB Trẻ xuất bản vào tháng 4-2016.

Bìa cuốn Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa và tranh minh họa trong sách do Nguyễn Trương Quý thực hiện - Ảnh: Trương Quý
Bìa cuốn Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa và tranh minh họa trong sách do Nguyễn Trương Quý thực hiện - Ảnh: Trương Quý

 

Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa ra đời đúng 10 năm sau tập thơ Gửi VB, 23 năm sau tập truyện ngắn đầu tay Khi người ta trẻ và 12 năm sau tập tản văn Nhân trường hợp chị thỏ bông (bút danh Thảo Hảo)... Rất lâu mới ra sách và cũng rất lâu, thuyết phục mãi nhà văn PHAN THỊ VÀNG ANH mới trò chuyện với báo chí.

* Cuốn này chị không “gây hấn” với đủ chuyện phi lý, bất công, vô nghĩa... trên đời như thời Thảo Hảo. Nhưng phải công nhận Thảo Hảo hấp dẫn và lôi cuốn hơn về giọng điệu.

- Thời ấy ngông cuồng. Nhưng đó là tuổi 30 lấy cái tuyệt vọng của đời mình mà nhìn đời khắc nghiệt. May mà thời ấy chưa có mạng, không là chết rồi.

Giờ nghĩ lại vẫn còn rùng mình, sao mà hăng hái, hung hăng vậy. Vả lại tuổi này có muốn hung hăng nữa cũng không hung hăng được. Không còn cái tuổi dễ tức, dễ cười nữa.

* Cảm xúc của chị khi viết tạp văn?

- Viết xong từng bài thì vui vì hoàn tất. Nhưng nói chung giờ không thích viết như xưa nữa, không còn cái háo hức của hồi mới viết truyện ngắn, lúc nào cũng thích viết, thấy gì cũng thích viết. Nhưng viết xong một truyện ngắn thì lại hoàn toàn khác, rất là sung sướng vì viết truyện rất khác viết tạp văn.

Như hồi tết viết xong một truyện thấy sung sướng gì đâu, giống như thợ thủ công tỉa được một củ su hào mình ưng ý. Sung sướng vì kỹ thuật đã hoàn tất, chứ không phải sung sướng vì đã chuyển tải được gì đó cho đời.

* Nói về cuốn sách, thấy chị nhẩn nha kể chuyện gói bánh chưng, nuôi người già, đưa con trẻ đến bảo tàng, cả chuyện đối phó với thức ăn bẩn... Chị thực hành được nhiều như trong cuốn mình viết không?

- Hầu như thực hành hết và thật ra cũng thực hành rồi mới viết, nhưng viết xong thì thực hành triệt để hơn. Sau khi viết bài Về chuyện ăn, về chuyện thời gian xong, tôi bỏ chơi game luôn, sống tiết kiệm về mặt thời gian hơn.

Có mỗi chuyện nấu cao ngựa cho mẹ mình thì bận quá, không nấu được thôi.

* Cuốn này chị viết trong bao lâu?

- Trong hai năm. Là tập hợp các bài viết cho một chuyên mục của báo Nhân Dân hằng tháng.

* Hơi chậm, mà cũng không chậm bằng khoảng cách từ cuốn này đến cuốn kia của chị?

- Quá kém. Đúng là không chuyên nghiệp. Về kỷ luật lao động phải phục anh Hồ Anh Thái, anh Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Di Li, Phan Hồn Nhiên... Hay như thế nào còn tùy gu mỗi người, nhưng họ làm việc thật sự đáng phục.

Chắc là năm nay tôi phải bắt đầu lại kỷ luật này, viết không in cũng được, nhưng mỗi ngày phải tập viết hư cấu một tiếng, không viết được gì thì cũng phải ngồi vào bàn.

* Có vẻ như chị đang “âm mưu” trở lại với truyện ngắn - sức mạnh của chị một thời? Cái thời Khi người ta trẻ, cái thời của Kịch câm, Đất đỏ, Hoa muộn, Hội chợ... sắc sảo, dữ dội, tinh tế và tinh quái.

- Trong máy tính của tôi vẫn còn một số truyện ngắn, truyện vừa đang viết dở, nhưng mỗi lần mở ra lại thấy rất ngán ngẩm.

Trước mắt là phải cố hoàn tất, dở cũng được, rồi sửa sau, không để lửng lơ như thế cũng dễ gây ảo tưởng về bản thân lắm, rằng mình đang có một số kế hoạch, ý tưởng, chỉ tại chưa thực hiện mà thôi...!

Song song đó tôi muốn viết một thứ như quyển Tự kể của anh Hồ Anh Thái, tuy đây chỉ là ghi chép, có thể không phải để in, chỉ để trong nhà đọc với nhau thôi.

Quả thật là đọc Tự kể tôi thấy áy náy quá. Cuốn sách làm tôi nghĩ: mình có thể kể lại câu chuyện của người này, người kia, mà sao những người thân của mình, mình lại không ghi được phần chân dung tốt đẹp của họ, đến nỗi kể gì với con cũng toàn theo kiểu “truyền khẩu”. Giờ là cái tuổi thực hiện “trách nhiệm viết” với gia đình rồi.

Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa

Lâu rồi không thấy Vàng Anh viết văn. Đọc sách mới lại thấy như một cuộc trở về của chị. Dĩ nhiên cuộc trở về này không mang theo người hoang mang, u uẩn trong những cuộc tình đầu đời.

“Ghi chép nhỏ” có thể chỉ là những dòng suy nghĩ của người cưỡi ngựa với băn khoăn mình “không còn hồn nhiên như xưa khoe những điều tai nghe mắt thấy”, không sôi nổi nữa. Nên những ghi chép có phần nhởn nhơ, không thuộc dạng “làm một phát gọn gàng”, dạng sắc như dao mà chị từng có. Cũng là những không gian nhỏ bé, bình dân, nhưng giờ đây là tâm trạng “một người Việt trung niên”.

Người Việt ấy dọn nhà, trồng cây, tập dùng thời gian có hiệu quả, tập sống với Facebook một cách chừng mực, sống với người già một cách cảm thông, đi bảo tàng nói chuyện khó khăn trong cuộc “về nguồn” của một đứa trẻ và biểu diễn gói bánh chưng cho con xem với lòng tự vấn “trung niên rồi mà chẳng lẽ chưa từng nấu bánh chưng?”.

Một cách chậm rãi và nhởn nhơ, cái thế giới từ những điều nhỏ bé dắt người đọc đến những điều bao la của quê hương, đất nước, của đời người…

Có lần Vàng Anh cũng nói: “Những cuộc gặp gỡ, dạo chơi với bạn bè có ý nghĩa khi nào? Khi đứng dậy ra về, mình sẽ suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống, về việc làm sao để sống có ích hơn”...

Đọc và thấy với mỗi cuộc gặp hay chỉ cần là những gì nhìn thấy trên đường, rất nhỏ bé, đều có thể là dấu hiệu nhắc nhở chị về thái độ sống. Việc ghi và gửi lại cho nhiều người đọc, dưới cách này cách khác, giọng điệu này hay giọng điệu khác, đều với mục đích duy nhất: mong muốn tìm ra cách để cuộc sống trở nên có ích.

Đọc Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa có thể thích đọc lúc nào hay kiểu nào thì đọc, đọc từng cái như mỗi sáng nhấp một ngụm trà, hay giở sách như kiểu “bói Kiều” - bâng quơ đọc một đoạn nào đó cũng thấy duyên dáng như một status Facebook của người thông minh… Có sức đọc một lèo càng tốt, cũng thấy không dài (mà lại thấy được cả bầu không khí trong một giai đoạn mà tác giả đã đi qua)…

Với cuốn này, Vàng Anh tự nhận mình lạc hậu, cái mà chị không làm sao tránh được khi đã đi qua tuổi trẻ. Nhưng đọc sách lại không thấy như vậy, với những câu chuyện “cả đời” này, có lẽ người đọc tuổi nào cũng nhận được cho mình đôi điều lý thú và bổ ích.

Chỉ có một điều chắc chắn “đúng lạc hậu” về “chính chủ”: sách đã ra hơn một tuần rồi mà vẫn không thấy chị nói gì về tác phẩm của mình trên Facebook cá nhân. (Đ.DUY) ./.

ĐỖ DUY thực hiện

                                                                                    nguồn; báo tuổi trẻ


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ