Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

bài đọc thêm: Chuyện vẽ của một người và một nửa ... / Phan Vũ -- trích báo Tuổi Trẻ Online (Tp. HCM)

 

Chuyện vẽ của một người và một nửa…

30/11/2007 21:45 GMT+7

Tôi có đọc kịch, tản văn và cả thử bút của Lữ Kiều - Thân Trọng Minh. Ngôn ngữ văn học của anh đã quyến rũ tôi bởi sự da diết của một khát vọng sống song hành với những muộn phiền, tưởng như không gì an ủi được. Với cảm xúc này, tôi đã đàm đạo với Thân Trọng Minh về những bức tranh mới nhất của anh.

Q9PIdo5e.jpg
Quê nhà - Thân Trọng Minh
Tôi có đọc kịch, tản văn và cả thử bút của Lữ Kiều - Thân Trọng Minh. Ngôn ngữ văn học của anh đã quyến rũ tôi bởi sự da diết của một khát vọng sống song hành với những muộn phiền, tưởng như không gì an ủi được. Với cảm xúc này, tôi đã đàm đạo với Thân Trọng Minh về những bức tranh mới nhất của anh.

Nhắc lại một quan niệm về thơ của anh ở một thời: “…Thơ là bài ca mê muội của lòng say đắm, có cái thất thanh của tiếng vỡ thủy tinh, nhưng cũng đâu đó có cái bồi hồi im lặng của giới hạn… Những điều tưởng như rất cũ xưa kia giờ đây đã khác. Đã có sự giả hình, lòng khinh bạc, có cả sự thù hận lẫn trong tình yêu thương. Nghĩa là đã có những sợi tóc bạc len vào câu thơ đen…” (Lãng Ca, 1982), bây giờ tôi muốn biết anh nghĩ gì về hội họa, một “nghề” anh đã bắt đầu từ tuổi 40, đến nay cũng đã 25 năm, chín muồi cho một quan niệm.

Thân Trọng Minh: “Một thời hội họa bắt đầu bằng ý tưởng, nhưng giờ đây, vẽ với tôi là lẽ sống, với tất cả sự tuyệt diệu của kiếp người. Mới đầu, tưởng là để giải tỏa những bế tắc trong cuộc sống, nay đã trở thành cuộc sống của tôi. Tôi biết ơn hội họa đã cho tôi niềm vui và hạnh phúc, nhất là cho tôi nhìn ra mình, vì khi vẽ tôi nghiệm ra mình sống thật nhất… Vẽ với tôi bây giờ giản dị như ăn, như thở. Nhìn đâu cũng thấy vẽ được. Không còn phải thao thức vẽ sao cho đẹp nữa. Vẽ là sự thỏa mãn cho riêng mình, bày cho người xem là một chia sẻ…”.

Tôi biết trong Thân Trọng Minh còn có một cặp mắt đắn đo của người hành nghề thầy thuốc (bác sĩ) nên dù sao anh cũng kỹ lưỡng trong việc sử dụng ngôn từ khi nói: “Vẽ, với tôi là một vũ trụ mênh mông trực cảm cái đẹp và chia sẻ với nhân gian”. Có lẽ đã quá đủ để nói về cái tinh thần trong nghiệp vẽ của một Thân Trọng Minh - họa sĩ.

aHSipDEs.jpgTPiIFNs0.jpg
Khỏa thân - Vũ Thanh HằngMặt nạ - Thân Trọng Minh
yX5Gb1lL.jpg
Cao nguyên - Thân Trọng Minh

Trong cuộc triển lãm năm nay, bốn năm sau lần triển lãm gần đây nhất, Thân Trọng Minh vẽ những bông hoa, những mặt nạ, những con cá, cũng vẫn naif (hồn nhiên) và fauvisme (dã thú) nhưng màu sắc vui tươi, giản dị hơn và dễ hiểu. Đó là một điều rất lạ ở một người cha vừa trải qua nỗi đau tưởng như không thể nào chịu được khi mất người con trai vì bệnh ung thư ở tuổi 33. Anh nói: “Trong nỗi buồn khánh tận ấy, các bạn đã nhắc nhở tôi về văn chương nghệ thuật, là cuộc sống thứ hai mà tôi đã chọn từ thời trai trẻ”. Có nghĩa là bạn bè đã kéo anh đứng dậy bằng cách gom lại những trang báo, những bài viết của anh trước năm 1975 đã thất tán, để anh có được một tập thử bút Chàng nho sinh dưới gốc cây tùng. Và bây giờ, với những dấu hiệu lạc quan trong tranh anh, tôi thấy hội họa cũng đã đưa tay kéo anh lên. Anh đã vẽ bằng ý thức, như những bắt đầu quen thuộc…

Thân Trọng Minh: “Tôi vẽ những con cá với ý nghĩa “tỉnh thức” vì con cá luôn mở mắt. Đề tài này ám ảnh, trở đi trở lại trong tranh tôi... Còn những mặt nạ, tôi lên Pleiku, Kontum, bị choáng ngợp bởi những bức tượng nhà mồ thô mộc đẽo từ thân cây. Những bức tượng có một vẻ đẹp tâm linh. Tôi cho rằng mặt nạ là những số phận con người, là những ẩn số không bao giờ giải mã được của hành trình tư tưởng triết học, tôn giáo”.

AkDUGYL9.jpg
Cá và Bánh mì - Thân Trọng Minh
XW0PBAAh.jpg
Cá - Vũ Thanh Hằng

Trong hội họa, có lẽ sự sáng tạo bắt đầu bằng ý thức nhưng hình thành bằng vô thức nên thực lòng tôi không nhận được hết ý tưởng trong những con cá, trong mặt nạ của anh mà chỉ nhận ra trong toàn bộ tranh Thân Trọng Minh một tâm hồn thi sĩ, một sự hồn hậu của triết học rất Đông phương như từng lúc đã xuất hiện trong ngôn ngữ văn học của anh. Riêng những bức vẽ hoa tôi thật thích vì sự tinh giản về đường nét, sự hòa hợp thanh nhã về màu sắc đã thể hiện một Thân Trọng Minh mới nhất, an bình nhất.

Thân Trọng Minh luôn nhắc tới những người bạn một cách quý mến trang trọng. Trong văn chương là Đỗ Hồng Ngọc, Ngô Minh, Ngy Hữu, Trần Hữu Lục, Lữ Quỳnh, Lê Ký Thương… Ngồi trước những bức tranh, anh nói: “Tôi thật may mắn có một người bạn họa sĩ - anh Đinh Cường. Tôi đã từng bỏ hàng giờ ngồi xem anh vẽ. Anh là người đầu tiên đã chỉ dẫn cho tôi kỹ thuật sơn dầu. Kể như từng bước trên đường đến với hội họa của tôi đều có hình ảnh của anh”.

Trên con đường này, Thân Trọng Minh còn có một đồng hành gần gũi nhất, đó là Vũ Thanh Hằng, người con gái ngày nào ở tuổi 20 đã nắn nót những trang bản thảo cẩu thả của anh và bây giờ cùng đặt giá vẽ bên anh. Lần này, cũng với những mảng màu đầy nữ tính về một con thuyền, một dòng sông, về hoàng hôn Mỹ Sơn, những chân dung…, họa sĩ Vũ Thanh Hằng đã có một bước tiến rõ ràng.

Thanh Hằng: “Tôi thấy anh ấy mê vẽ quá, cũng mê theo; cũng như ngày nào đã mê văn chương của anh ấy… Tất nhiên khi vẽ tôi chỉ vẽ theo cách của tôi. Khi chúng tôi có ý kiến khác nhau về một bức tranh, lại nảy sinh một chút giận hờn làm gia vị cho hạnh phúc… Tôi đang cố gắng tạo được sự “ngang ngửa” trong những cuộc triển lãm chung với chồng tôi…”.

Chúng ta có thể nhận thấy sự khác nhau - “ngang ngửa” ở 40 bức tranh của Vũ Thanh Hằng - Thân Trọng Minh trong cuộc triển lãm khai mạc ngày 18/11/2007 tại phòng tranh Tự Do (53, Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM) .   ./.

PHAN VŨ

nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn  Cuối Tuần


===========




0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ