Những nhà văn Việt Nam ở hải ngoại đã qua đời năm 2020 / Đỗ Nguyễn -- nguồn : http://vanchuongviet.org/
Những nhà văn Việt Nam ở hải ngoại đã qua đời năm 2020 Đỗ Nguyễn | |
Cùng tiễn đưa năm 2020, chúng ta, độc giả may mắn nói lời từ biệt và tri ân các bậc văn sĩ lão thành đã có công tận hiến rất nhiều tác phẩm giá trị cho kho tàng văn học rực rỡ của miền Nam trước 1975 cho đến sau này.
Nữ sĩ NGUYỄN THỊ VINH ( 1924 - 2020 )
Nữ sĩ Nguyễn thị Vinh cũng là tên thật của bà, là một thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn (ra đời từ năm 1933 gồm các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ …), bà là cây bút phụ nữ duy nhất của nhóm. Văn phong của bà nhẹ nhàng đằm thắm đầy tình người. Ngoài sáng tác, bà cũng làm báo (tạp chí Tân Phong). Bà sinh năm 1924 tại Hà Nội, di cư vào Nam, định cư tại Na Uy năm 1984 với người con gái duy nhất, mất vào tháng Giêng năm 2020, tại Na Uy, hưởng thọ 97 tuổi. Các tác phẩn chính đã xuất bản : _ Thương Yêu _ Hai Chị Em _ Cỏ Bồng Lìa Gốc
Nhà văn HỒ TRƯỜNG AN ( 1938 - 2020)
Nhà văn Hồ Trường An tên thật là Nguyễn Viết Quang, sinh năm 1938 tại Vĩnh Long, định cư tại thành phố Troyes, Pháp năm 1977, ông qua đời cũng tại nơi đây vào tháng Giêng, năm 2020, hưởng thọ 83 tuổi. Ông là em của nữ sĩ Nguyễn Thị Thụy Vũ, ông bắt đầu viết nhiều và thật sự nổi tiếng ở hải ngoại. Sự nghiệp văn chương đồ sộ của ông gồm nhiều thể loại, từ thơ đến văn xuôi, biên khảo, phê bình, tạp văn … Bút pháp của ông bình dân đậm nét miền Nam, chân thật và trần trụi, phóng khoáng và linh động đầy hình tượng như kể chuyện một cách dễ dàng. Các tác phẩm chính đã xuất bản : _ Phấn Bướm _ Núi Cao Vực Thẳm _Thiên Đường Tìm Lại ( thơ ) _ Vườn Cau Quê Ngoại
Nữ Sĩ TÚY HỒNG (1938 – 2020 )
Bà tên thật là Nguyễn thị Túy Hồng, sinh năm 1938 tại Thừa Thiên, Huế, mất vào tháng Bảy năm 2020 tại Seatle, Mỹ. Thời trẻ, bà dạy môn Việt Văn sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Huế và bắt đầu viết văn năm1962. Trước năm 1975, bà là một trong những nhà văn nữ sáng giá cùng thời với Nguyễn thị Hoàng, Nhã Ca, Nguyễn thị Thụy Vũ, Trùng Dương, Lệ Hằng … Sức sáng tác của bà thật sung mãn, hàng loạt tác phẩm ra đời trong vài năm. Năm 1970, bà đoạt giải nhất văn học nghệ thuật Sài Gòn. Bút pháp của bà từ nhận thức và tư duy tinh tế sắc sảo không kém phần tình cảm, bà đặc biệt chú trọng đến thế giới nội tâm và thân phận người phụ nữ. Năm 1975, bà cùng chồng là nhà văn Thanh Nam định cư tại Seatle, Washington, Mỹ. Các tác phẩm đã xuất bản : _ Thở Dài _ Vết Thương Dậy Thì _ Mùa Hạ Huyền _ Tôi Nhìn Tôi Trên Vách _ Những Sợi Sắc Không _ Biển Điên
Nữ sĩ ĐỖ PHƯƠNG KHANH (1936 – 2020), nhà văn NHẬT TIẾN
Tranh vẽ của Vi Vi
Đỗ Phương Khanh là tên thật của nữ sĩ, sinh năm 1936 tại Nam Định, di cư vào Nam và bắt đầu viết từ năm 1958 cho Giải phẩm Văn Hóa Ngày Nay rồi cộng tác với tạp chí Tân Phong của Nguyễn thị Vinh, sau đó bà và phu quân là nhà văn Nhật Tiến làm việc cho báo Thiếu Nhi vào năm 1970 ( do ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhà sách Khai Trí làm chủ nhiệm ), bà giữ chức Quản lý Trị sự cho đến 1975. Bà định cư tại Mỹ ( thành phố Wesmingter, Orange County) với chồng con năm 1980, từ đó bà chú trọng về dịch thuật (những câu chuyện Bảo Vệ Súc Vật, về triết của J. Krishnamurti ) và biên soạn về đề tài Phật pháp. Bà qua đời vào tháng 8 năm 2020 sau mấy tuần lâm trọng bệnh.
Nhà văn NHẬT TIẾN ( 1936 – 2020 )
Nhà văn Nhật Tiến tên thật là Bùi Nhật Tiến, sinh tại Hà Nội, năm 1936, là học sinh trường Chu Văn An, bắt đầu viết từ năm 1950 cho các báo Giang Sơn, Chánh Đạo, Hồ Gươm … Ông là một nhà văn lớn, tiếng tăm và quan trọng của miền Nam Việt Nam trước 1975 cho đến sau này, đóng góp lớn lao của ông từ nhiều cá tính văn chương (tuổi thơ, hiện thực xã hội, đời sống lưu vong) là sự phong phú cho nền văn học của chúng ta. Sau khi di cư vào Nam, 1954, ông cư ngụ tại Đà Lạt và viết kịch cho đài phát thanh, sau đó, ông về Sài Gòn dạy môn Lý Hoá tại trường Nguyễn Bá Tòng và một số các trường tư khác. từ năm 1958, ông cộng tác với tạp chí Văn Hoá Ngày Nay của nhà văn Nhất Linh rồi với Văn, Tân Phong, Bách Khoa … Từ năm 1970, ông là Chủ Bút tuần báo Thiếu Nhi, làm viêc chung với hiền thê là nữ sĩ Đỗ Phương Khanh, ông trở thành phó chủ tịch Trung tâm Văn Bút Việt Nam, cũng là thành viên của Hội đồng Văn Hoá Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa Cùng gia đình, ông định cư tại Mỹ vào năm 1980 tại bang California, tiếp tục viết văn và theo học ngành điện toán ở Control Data Institute và làm việc cho hãng Verifone sau đó. Năm 1994, ông và nhà văn Nhật Tuấn, em ruột ông, ở lại miền Bắc, đã cùng viết chung và xuất bản một quyển có tựa là “ Quê Nhà Quê Người ”. Sáng tạo văn chương của ông đa dạng với bút pháp đầy cảm xúc và thật, giọng văn súc tích, ý tưởng sâu sắc tuyệt vời. Ông mất tại Mỹ vào tháng 9 năm 2020, chỉ ba tuần lễ sau người bạn đời của ông. Một vài tác phẩm tiêu biểu khác đã xuất bản : _ Những Người Áo Trắng _ Những Vì Sao Lạc _ Thềm Hoang ( Giải văn chương toàn quốc 1962 ) _ Chim Hót Trong Lồng _ Tay Ngọc _ Một Thời Đã Qua
Nhà văn, Dịch giả HOÀNG HẢI THỦY (1933 – 2020)
Nhà văn, dịch giả Hoàng Hải Thủy tên thật là Dương Trọng Hải, sinh năm 1933 tại Hà Đông, mất tại Virginia, Mỹ, tháng 12 năm 2020. Ông vào Nam từ 1951, ông là phóng viên, biên tập viên báo chí và chuyên về dịch thuật cho USIS, Sở Thông Tin Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Ông còn có bút hiệu Công Tử Hà Đông và nhiều bút hiệu khác. Ông là một tác giả uy tín và quan trọng hàng đầu của ngành phóng tác tại miền Nam trước 1975 với cái vốn ngoại ngữ phong phú mà ông đã luôn tự học (tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hoa), ông đã thông minh lại có trí nhớ lạ thường. Sau khi đoạt giải nhất một cuộc thi truyện ngắn, ông trở thành phóng viên cũng như tác giả của nhiều quyển sách phóng tác từ những tác phẩm ngoại quốc danh tiếng. (Dịch thuật là phải tôn trọng tối đa nội dung và ý tưởng, giữ từ vựng sát sao với tác phẩm, phóng tác là giữ cốt truyện mà có thể thay đổi địa danh, tên nhân vật, thổi thêm vào hồn tác phẩm làn hơi quen của dân tộc mình để độc giả cảm nhận như chuyện xảy ra trong môi trường họ sống. Điều này thì chẳng ai làm hơn được Hoàng Hải Thủy). Văn phong của ông trong những phóng tác thật dí dỏm, linh động, duyên dáng và độc đáo đầy khí thế rất lôi cuốn, luôn gây hào hứng người đọc. Ngoài ra ông còn viết nhiều thể loại khác, kể cả thơ … Tác phẩm quan trọng của ông về phóng tác là : _ Chiếc hôn tử biệt ( A Kiss Before Dying của Ira Levin) _ Điệp Viên 007 và thầy Nô ( James Bond, Doctor No của Ian Fleming) _ Kiều Giang (phỏng theo tiểu thuyết Jane Eye của Charlotte Bronte ) _ Đỉnh Gió Hú ( tiểu thuyết Wuthering Heights của Emily Bronte ) Tiểu thuyết ông xuất bản trước 1975 : _ Vũ Nữ Sài Gòn _ Bạn và Vợ _ Môi Thắm Nửa Đời Sau khi định cư tại Mỹ vào năm 1994, ông vẫn sáng tác mạnh và xuất bản nhiều tác phẩm tại Mỹ. Đỗ Nguyễn source: vanchuongvietorg/
| |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ