Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Sài Gòn mùa Giáng sinh / Nguyễn Thị Hậu [ Hà nội 1958 - ] -- nguồn : Sài Gòn bao giờ cũng thế / Nxb Hội Nhà Văn & Đt Books 2017

  


                                                     SÀI GÒN MÙA GIÁNG SINH


                                              Nguyễn Thị Hậu



Từ đầu tháng 12 thời tiết Sài Gòn mát dần dù đã bắt đầu vào mùa nắng gắt. Không phải là sự mát ẩm của mùa gió chướng mà lẫn trong gió lại có chút khô lạnh, nhất là sáng sớm và chiều tối. Nhiệt độ thấp nhất cũng chỉ khoảng 19,20 độ thôi nhưng với người Sài Gòn, đây là thời tiết "lý tưởng" để có dịp khoác lên mình những chiếc áo lạnh đủ màu đủ kiểu - loại áo trước nay chỉ bán cho người người lâu lâu đi nghỉ ở Đà Lạt hay người miền Trung về quê dịp Tết. Nhớ hồi cuối năm 1975, lần đầu tiên sau hàng hàng chục năm Sài Gòn và Nam bộ mới có một đợt không khí lạnh tràn vào. Năm đó, ai bán áo lạnh thì "trúng mùa" vì được mua rất nhiều mang về miền Bắc.

Cùng với tiết trời se lạnh là sự xuất hiện những khu vực bán hàng cho lễ Nô-en, (*)  nhất là ở quanh các nhà thờ, cây thông xanh, giấy trang kim trắng vàng lấp lánh, dây bóng đèn nhấp nháy, những giỏ quà nhỏ xíu, thiệp Giáng sinh rực rỡ ... . Nhiều năm trước trên đường phố chưa thấy xuất hiện bộ quần áo và chiếc mũ đỏ của ông già Santa Claus, mà hình ảnh của ông chỉ có mặt nơi nhà hàng, khu thương mại sang trọng, dáng người bệ vệ trong chiếc áo choàng rực rỡ, vai vác túi quà lớn, miệng cười tươi sau chòm râu trắng xóa ... . Nhìn từ xa đã hấp dẫn không chỉ con nít mà cả người lớn, bởi ông là biểu tượng của sự vui vẻ và ấm áp trong ngày lễ trọng.

Người Sài Gòn chỉ cần đi quanh quận 1 đã được hưởng tất cả không khí nhộn nhịp và trang trọng của lễ Nô-en không khác gì ở nước ngoài. Bởi vì, khác với nhiều đô thị trong nước, khu vực trung tâm Sài Gòn có nhiều nhà thờ cổ xưa và đẹp nhất được xây dựng từ nửa sau thế kỷ XIX. Cứ lấy nhà thờ Đức Bà làm tâm điểm, bán kính khoảng 2km thôi sẽ có những nhà thờ nổi tiếng như Tân Định, Chợ Quán, Huyện Sĩ, khu tu viện đường Tôn Đức Thắng ... . Theo địa giới hành chính ngày nay, có một số nhà thờ thuộc quận khác nhưng vẫn là vùng đất Sài Gòn xưa sớm có người cư trú.

Giống như nhiều thành phố phương Tây, Sài Gòn cũng có một (trong nhiều) biểu tượng đô thị (urban symbolism) là nhà thờ. Kiến trúc đặc sắc của nhiều nhà thờ góp phần tạo nên diện mạo đô thị Sài Gòn trong ký ức bao thế hệ.  Sài Gòn còn là nơi từ lâu luôn có nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc nên cũng từ Nô-en, thành phố bắt đầu trang hoàng bước vào mùa kinh doanh, du lịch đón tết Tây kéo dài đến tết Ta - thời gian lễ hội của cả thành phố.

Bên cạnh khu trung tâm có những nhà thờ trang hoàng rực rỡ là nơi du khách đổ về, nhiều người lại muốn đến những xứ đạo ẩn sau phố phường đông đúc.  Những ngày này đi đến khu ông Tạ, Chí Hòa hay Xóm Mới, khu quận 8 hay Thủ Đức, vùng Tân Bình- Tân Phú, gần hơn thì có xóm đạo dọc đường ven Nhiêu Lộc - Thị Nghè ... . Ở những nơi này đường ngõ chăng đèn kết hoa rực rỡ, đêm Giáng sinh cạnh hang đá với Đức Mẹ và Chúa Hài đồng là sân khấu ngoài trời cho chương trình văn nghệ của người xóm đạo. Có thể cảm nhận khắp nơi là sự bình yên, thân thịện và chia sẻ của những người anh em trong mùa Giáng sinh và mừng năm mới.

Năm nay mùa Nô-en về với không khí se lạnh hơn nhiều năm trước. Trên đường phố đã xuất hiện "ông già Nô -en" chạy xe máy giao tặng quà cho trẻ em và cả người lớn. Dịch vụ này phát triển vài năm gần đây, mang lại niềm vui cho nhiều người. Nhưng quanh năm ở Sài Gòn có biết bao "ông bà Nô-en" vẫn thầm lặng những chuyến đi thiện nguyện mang đến những vùng lũ lụt thiên tai từng bao gạo, cuốn tập, góp mỗi tấm áo gói mì cho người cơ nhỡ, vẫn đón nhận và chia sẻ cơ hội kiếm sống cho hàng triệu người nhập cư ... .

Ở Sài Gòn, mỗi năm ngày Chúa sinh ra là một dịp để nhắc nhở tinh thần tương thân tương ái giữa đồng bào không phân biệt tôn giáo, vùng miền. Bởi vì,  nếu không như vậy thì đâu còn là Sài Gòn nữa ... . 


                                                                  Sài Gòn, 20/ 12/ 2016

---------

(*) - nguyên văn tác giả viết là NOEL (không dấu i tréma) (Bt)


NGUYỄN THỊ HẬU

( tr. 125- 128)


                                                    =============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ