Một thoáng hương xưa / Vương Trùng Dương -- source: www.tvvn.org>
Một Thoáng “Hương Xưa” – Vương Trùng Dương
Gởi Anna
Mỗi khi nhắc đến nỗi nhớ thương người yêu lìa cõi thế gian, nhất là “hương vị người tình” người ta liên tưởng đến bài thơ Khóc Bằng Phi chỉ có 8 câu, trong đó câu thứ 5 và thứ 6:
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi”
Trải qua nhiều thập niên, các nhà phê bình văn học đã gây nhiều tranh cãi, cho rằng bài thơ nầy của nhà thơ Nguyễn Gia Thiều, có người lại cho là vua Tự Đức.
.
Nhà thơ Nguyễn Gia Thiều (1741-1798), tức Ôn Như Hầu, thời Lê Hiển Tông, tác giả tác phẩm chữ Nôm Cung Oán Ngâm Khúc, nổi tiếng văn học Việt Nam. Vua Tự Đức (1829-1883) sính thơ văn, hay chữ, nhà vua viết về nhiều thể loại về thơ văn Hán, Nôm với nhiều tác phẩm, để lại hậu thế.
Tuy nhiên theo sự phân tích sau nầy minh chứng vua Tự Đức có 103 phi tần nhưng không có con và không có phi tấn nào tên Bằng. Nhà thơ Nguyễn Gia Thiều có người vợ lẽ là Bằng Cơ.
Việc tranh cãi đó vẫn còn nhưng hai câu thơ nói lên tình yêu cao đẹp giữa người còn lại, kẻ ra người thiên cổ đẹp vô cùng trong cõi nhân gian.
Nhà soạn kịch Đoàn Phú Tứ (1910-1989) không chuyên về thơ nhưng bài thơ Màu Thời Gian của ông được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi Nhân Việt Nam (xuất bản năm 1942) được nổi tiếng vì mới lạ:
“Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
… Duyên trăm năm dứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát”
Nhà văn Mai Thảo (1927-1998) với truyện dài Để Tưởng Nhớ Mùi Hương, ấn hành năm 1971 với nhân vật Trang “Người đàn bà chừng ba mươi tuổi… Buổi chiều đi qua trên đầu nàng, trên mái tóc Trang, trên cuộc đời nàng, nàng ngồi đó một mình, trầm tư trong mơ màng, và nàng vừa gội đầu xong. Những sợi tóc lướt thướt toát ra mùi bồ kết thơm cay, được những ngón tay cong vút lùa vào, hất nhẹ, cho thả dài thành một dòng suối mun từ đỉnh đầu xuống gần sát mặt đất”. Và, người đẹp đó, mái tóc đó, mùi hương bồ kết… cũng đủ ngây ngất bao kẻ tình si nhưng mang nỗi dằn vặt, hụt hẫng trong tình trường!
Nhưng thú vị nhất trong Thư Kiếm Ân Cừu Lục của nhà văn Kim Dung (1924 -2018), tác phẩm đầu tay trong thể loại tiểu thuyết võ hiệp của ông đăng trên báo trong 2 năm (1955-1956) mở đầu cho một loạt tác phẩm nổi danh sau này.
Nàng Kha Tư Lệ thường được gọi là Hương Hương công chúa, em gái của Hoắc Thanh Đồng, nổi tiếng với vẻ đẹp “chim sa cá lặn”’ như tiên nữ hạ phàm, toàn thân của Kha Tư Lệ còn toát ra một mùi hương đặc biệt, khiến ai ngửi thấy cũng bị ngây ngát, quên hết mọi sự đời.
Nàng gặp và yêu say đắm Trần Gia Lạc, luôn tin tưởng và tôn thờ tình yêu với chàng ta, nhưng bị vua Càn Long đầy quyền lực để ý bởi sức quyến rũ và mùi hương tuyệt vời nên dùng mọi thủ đoạn ép làm phi.
Trần Gia Lạc, em ruột vua Càn Long, làm Tổng Đà Chủ của Hồng Hoa Hội (Thiên Địa Hội), tổ chức này là phản Thanh phục hồi giang sơn của người Hán. Vì đại cuộc nên Trần Gia Lạc đành hy sinh hạnh phúc bản thân, thuyết phục Kha Tư Lệ đồng ý trong nước mắt vì nghĩa lớn mặc dù không có chút cảm tình còn căm ghét tận xương kẻ đã chia rẽ hạnh phúc của nàng với chàng nhưng khi phát hiện vua Càn Long phản bội lời thề, nàng tự tử để cảnh báo Trần Gia Lạc.
Sau khi an táng cho Kha Tư Lệ, Trần Gia Lạc và các anh hùng trong Hồng Hoa Hội trở về Hồi Cương để mai danh ẩn tích. Biết nàng hy sinh và chịu đựng vì mình, chàng vô cùng đau khổ và suốt đời không chịu lấy ai làm vợ, như một cách tạ lỗi với tuyệt sắc giai nhân. Trần Gia Lạc sau đó chọn một cuộc sống lặng lẽ một mình đến hết đời.
*
Cung Tiến từ nhỏ được xem là nhạc sĩ tài hoa, học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ Thẩm Oánh và Chung Quân. Năm 1952 theo thân phụ vào Sài Gòn học tại hai trường trung học Nguyễn Trãi và Chu Văn An. Năm 1953, sáng tác hai nhạc phẩm bất hủ Thu Vàng và Hoài Cảm. Theo lời anh “Lúc đi, nhớ tất cả những gì mà ở Hà Nội ghi vào ký ức mình”. Ca khúc Thu Vàng, điệu valse, khi nghe tưởng chừng như những bước chân chim nhảy nhót trên lá thu, và Hoài Cảm nhưng tâm trạng của kẻ tình si “Lòng cuồng điên vì nhớ. Ôi đâu người, đâu ân tình cũ… Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa” thật tuyệt. Thật khó tưởng tượng cậu học sinh lớp Đệ Lục (lớp 7) mà viết lên lời ca hay như vậy.
Nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác hai ca khúc Hương Xưa và Nguyệt Cầm. Thể loại nầy từ lời ca và giai điệu mang chất classical nên thường gọi là dòng nhạc bán cổ điển (semi-classic, semi-classical).
Ca khúc Hương Xưa (1956) đã một thời nổi tiếng qua tiếng hát điển hình như Lệ Thu, Hà Thanh, Sĩ Phú, Duy Trác (Mai Hương trình bày với phong cách hòa âm thay đổi, phần phiên khúc với Harmonic Rhythm nhưng sang phần điệp khúc thì tiết tấu thay đổi đảo phách (Syncope)… Và sau nầy được trình bày với nhiều ca sĩ ở trong nước và hải ngoại cho đến nay hơn sáu thập niên.
Trong những tháng bị bệnh dịch Covid-19, không được đi đây đi đó, không gặp bạn bè… ở nhà viết lách, đọc sách hoài cũng chán, xem TV toàn chuyện tranh cãi trên chính trường nên có niềm an ủi khi nghe nhạc…
Tôi đam mê thưởng thức âm nhạc và tự bản thân cũng “khó tính” khi chọn từng ca khúc để thưởng thức. Trước đây, trong cassette, CD, video… phải chọn từng bản nhạc theo sở thích để thu lại, mất nhiều thời gian, nay nhờ YouTube nên dễ dàng chọn theo ý muốn.
Trở lại với ca khúc Hương Xưa với các giọng ca được nghe đi nghe lại, trong đó có DVD Fragrance of Love (Hương Xưa) của Cecilia Bach được thực hiện bởi John Kurlander, chuyên viên âm thành, từng đoạt nhiều giải Grammy. Phần hòa âm thực hiện bởi nhạc sĩ Jeremy Soule, chuyên viên hòa âm cho nhạc film, truyền hình… phù hợp với giọng soprano của ca sĩ trẻ tuổi.
Nay trong garage, cũng là nơi làm báo hơn hai mươi năm qua, trong tĩnh lặng, nghe tình khúc Hương Xưa quá tuyệt vời.
Trong ca khúc có phụ đề tiếng Anh, ở phần phiên khúc (verse) phù hợp với lời Việt trong nhạc phẩm nhưng phần điệp khúc (refrain) có lẽ không đúng tinh thần nội dung:
“Lời Ðường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa.
Dù có bao giờ lắng men đợi chờ.
Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa.
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô.
Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ.
Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó”.
Nhạc sĩ Cung Tiến dùng những điển tích về Nhị Hồ, Nguyệt Cầm, Cô Tô, Quỳnh Như… mang nét đặc biệt để mô tả ý nghĩa của hồn nhạc.
Nhị là cây đàn nhị, loại đàn có 2 dây, âm thanh hơi giống vỹ cầm, Hồ còn gọi là Hồ Cầm, đàn làm bằng gổ ngô đồng có 5 giây tượng của Ngũ Hành (Kim Mộc Thuỷ Thổ Hỏa) và Ngũ Âm (Cung Thương Giốc Chủy Vũ) nên không gọi là guitar.
Nguyệt Cầm (còn gọi là đờn kìm) cây đàn có thùng tròn như mặt trăng. Ngày xưa ở Trung Hoa có 4 giây nhưng sau nầy ở Việt Nam chỉ còn 2 giây, Trong bài thơ Nguyệt Cầm của Xuân Điệu được Cung Tiến phổ thành ca khúc.
Theo GS Trần Văn Khê khi viết Mạn Đàm Âm Nạc Trong Truyện Kiều: “Có thể nói hầu hết các ấn bản Truyện Kiều của chúng ta đều vẽ hình Thúy Kiều ngồi ôm cây tỳ bà có thân đàn hình bầu dục. Theo tôi thì điều này không chính xác bởi lời thơ đã ghi rõ: “Trên hiên treo sẵn cầm trăng”, mà cầm trăng là nguyệt cầm, loại đàn có thùng hình tròn như mặt trăng. Có người lại cho rằng Kiều sử dụng đàn nguyệt, nhưng đàn nguyệt chỉ có hai dây trong khi đàn của Kiều có “Bốn dây to nhỏ nên vần cung thương”.
Một điều khẳng định là Thúy Kiều đã sử dụng một loại hồ cầm: “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”. Thông thường chữ hồ cầm – nghĩa là đàn của rợ Hồ – dùng để chỉ cây đàn nhị. Nhưng xem trong sách Thích Danh và tự điển Từ Nguyên – Từ Hải của Trung Hoa thì hồ cầm không chỉ là tên gọi đàn nhị mà cả đàn tỳ bà nữa.
Truy tìm “tỳ bà loại” trong các sách cổ Trung Hoa mới biết nước này có đến 3 loại là Tứ huyền tỳ bà (Việt Nam sử dụng loại này, có 4 dây và thân đàn hình bầu dục), Ngũ huyền tỳ bà (tỳ bà có 5 dây) và Nguyễn tỳ bà hay còn gọi là Nguyễn cầm (lấy theo họ của người sáng chế ra nó là Nguyễn Hàm sống vào đời Tấn). Đàn Nguyễn cầm có thùng tròn với 4 dây, hiện nay gần như đã thất truyền bên Trung Hoa”. Nhạc sư Trần Văn Khê là nhà nghiên cứu âm nhạc nên sự phân tích của ông rõ ràng và chính xác.
Trở lại với 2 câu:
“Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô”
Tình Nhị Hồ đó gợi lại trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du mô tả Thuý Kiều có hai người trong cuộc tình: Kim Trọng và Từ Hải. Với chàng Kim Trọng thì đây là mối tình đầu lưu luyến ngây thơ. Với Từ Hải thì Kiều cảm ơn ân nghĩa và khí thế độ lượng anh hùng. Nàng giải bày tâm sự, nỗi niềm qua cung đàn. Trải qua bao oan trái, sau 15 năm xa cách, Kim Trọng gặp lại Kiều, chàng Kim vẫn xem Thuý Kiều như thưở xa xưa !
“Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô” nói đến chuyện tình Tây Thi với Ngô Phù Sai và Phạm Lãi. Cô Tô ở đây là Cô Tô đài, không phải là Cô Tô trong bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trưng Kế: “Cô Tô thành nội Hàn San tự”.
Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, Ngô Vương Phù Sai đem quân đánh chiếm nước Việt, bắt Việt Vương Câu Tiễn làm nô lệ nước Ngô. Câu Tiễn phải chịu nhiều khổ nhục kể cả việc nếm phân của Phù Sai, chịu nhục nhã khuất phục để Phù Sai tin là kẻ nhu nhược, hèn nhát.
Văn Chủng và Phạm Lãi (người tình của Tây Thi) bày mưu dâng hiến Tây Thi sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành cho Phù Sai. Phù Sai say mê nhan sắc, sủng ái hết mực nên đem nàng ở Xuân Tiêu cung tại Cô Tô đài trên núi Linh Nham. Phù Sai dốc ngân quỹ cho người trùng tu Cô Tô đài, biết Tây Thi thích ca nhạc nên thiết kế cung điện, ca hát… đắm chìm trong tửu sắc, bỏ bê việc nước. Tây Thi sống trong nhung lụa với Phù Sai nhưng trái tim vẫn hình bóng Phạm Lãi.
Sau 3 năm phục dịch và chịu nhục được Ngô Vương cho Câu Tiễn quay về nước Việt. Câu Tiễn nuôi chí phục thù, nhưng ngoài mặt giả vờ tuân phục, hằng năm đều đặn triều cống. Phạm Lãi bí mật luyện tập quân sĩ, tích trữ quân lương. Sau 10 năm phục hưng kinh tế, quân sự và cải cách chính trị, nước Việt trở nên hùng mạnh. Câu Tiễn và quân sư Phạm Lãi dấy binh đánh tan nước Ngô, Phù Sai xin quy phục như Câu Tiễn trước đây. Câu Tiễn định chấp nhận nhưng Phạm Lãi can ngăn không nên. Vì vậy Phù Sai phải đâm cổ tự sát.
Sau khi Câu Tiễn nắm trọn quyền lực lại đa nghi sát hại công thần nên Phạm Lãi bất mãn. Có nhiều giai thoại nói về Phạm Lãi và Tây Thi nhưng giai thoại cho rằng Phạm Lãi từ quan và cùng Tây Thi trên chiếc thuyền nan ở Thái Hồ rồi sống biệt tăm.
Tây Thi là một trong tứ đại mỹ nhân, thi hào Lý Bạch nói về Tây Thi:
“Phong động hà hoa thủy điện hương
Cô Tô đài thượng yên Ngô vương”
Nhạc sĩ Cung Tiến đã dựa vào nhạc cụ và điển tích để viết nên lời ca cho cuộc tình mỹ nhân rất linh động, trong hư ảo trở thành nỗi thương cảm.
“Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó”. Đây là mối tình của vừa lãng mạn và bi thương giữa Phạm Thái và Trương Quỳnh Như thời Lê mạt – sơ Nguyễn.
Phạm Thái con của Thạch Trung Hầu, cựu thần của nhà Lê, đã nhiều lần khởi binh cần vương chống nhà Tây Sơn nhưng thất bại. Dáng thanh cao của chàng thư sinh phong nhã, tài năng về thơ văn, nổi tiếng sĩ phu Bắc Hà. Cuốn tự truyện Sơ Kính Tân Trang với thơ phú thi từ của ông với mối tình Quỳnh Như còn để lại hậu thế. Trương Quỳnh Như là con gái của Kiến Xuyên Hầu, em gái của Thanh Xuyên Hầu, vẻ đẹp sắc nước hương trời, thông minh, giỏi thi thư.
Phạm Thái bị sa cơ thất thế, sống lang bạt, làm nhà sư để lánh nạn, may nhờ thân phụ Quỳnh Như đem về nhà làm gia sư. Đôi trẻ trai tài gái sắc đồng cảm xướng họa với nhau và cuộc tình say đắm, cùng nhau hòa nhập với thiên nhiên.
Thân phụ Quỳnh Như vì mến tài Phạm Thái có ý muốn gả con gái cho chàng, nhưng thân mẫu nàng không bằng lòng gả nàng cho Phạm Thái. Bà không muốn đứa con gái của bà lại trở thành vợ của của kẻ trốn tránh quan quân của Triều đình, thầy tu giả danh, lông bông, tứ cố vô thân…
Vì thế bà ép duyên Quỳnh Như cho anh chàng Trịnh Nhị, con nhà phú hộ nổi tiếng là Thạch Sùng. Bị mẹ ép gả cho tên nhà giàu Trịnh Nhị cục mịch, Quỳnh Như đau khổ. Vâng lời mẹ để lấy người chồng không quen biết thì phản bội lời thề với Phạm Lãi, cưỡng lại lời mẹ thì mang tội bất hiếu nên nàng chọn cái chết cho vẹn cả đôi đường.
Phạm Thái quá đau khổ, thất tình, thất chí, lãng quên đời trong chén rượu, chán nản thế sự, phó thác cuộc đời vô định. Phạm Thái mất năm 1813 tại Thanh Hóa, khi vừa mới ba mươi bảy tuổi xuân. Nay đã hai trăm năm.
Nhà văn Khái Hưng (1896-1947) viết lại mối tình nầy trong quyển Tiêu Sơn Tráng Sĩ (1937). Trong tác phầm nầy ông dịch bài thơ Sonnet un Secret (Sonnet d’Arvers) của Félix Arvers, thi sĩ yêu cô Marie, nhưng tình yêu đơn phương, nên ông viết bài Sonnet Un secret để bày tỏ tình yêu câm lặng ngậm ngùi của mình.
“Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu”.
Bài thơ do Khái Hưng dịch được xem là một trong những bài thơ tình bi thương hay nhất.
Nhạc sĩ Châu Kỳ (1923-2008) nổi tiếng với nhiều ca khúc, đặc biệt nhạc phẩm Giọt Lệ Đài Trang. Châu Kỳ chia sẻ mối tình bi thương khi còn trai trẻ ở Huế, si mê Tôn Nữ Kim Anh, con gái một quan thượng thư, chàng lãng tử Châu Kỳ đã ôm đàn đứng dưới cửa sổ nhà nàng để trổ nghề chinh phục nhưng nàng nhìn xuống và buông một câu “Xướng ca vô loài”.
Quá thất vọng và quá bẽ bàng, Châu Kỳ ôm trái tim tan vỡ vào Sài Gòn để lánh xa chốn ê chề. Thế sự vần xoay, Tôn Nữ Kim Anh lấy ông chồng Pháp rồi sau 1954 lại một thân một mình trôi dạt vào Sài Gòn. Nhạc sĩ Châu Kỳ gặp lại cố nhân trong một chiếc áo rách và trong túi chỉ còn 5 đồng, chỉ đủ ăn một bát cháo.
Trùng phùng giữa nghịch cảnh éo le, Tôn Nữ Kim Anh gục đầu vào vai nhạc sĩ Châu Kỳ mà nước mắt ngắn dài cho vơi bớt hờn tủi má hồng. Trong túi có 300 đồng, nhạc sĩ Châu Kỳ tặng luôn cho Tôn Nữ Kim Anh và chở nàng về xóm trọ. Không chịu nổi thử thách khốn khó, Tôn Nữ Kim Anh lao vào nghiện ngập và kết thúc số phận trong nghèo túng.
Nghĩ về người cũ thăng trầm trần gian, nhạc sĩ Châu Kỳ viết ca khúc Giọt Lệ Đài Trang đầy thương xót: “Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng. Ngày xưa ai quyền quý cao sang… Tôi, chính tôi ngày xưa đó, cũng đèo bòng mơ người đẹp lầu son… Em, em nhớ xưa rồi em khóc. Tôi thoáng buồn thương giọt lệ đài trang…”. Phải chăng ca khúc Xin Làm Người Tình Cô Đơn để trang trải tâm sự của ông. Giữa nhạc sĩ và thi sĩ Hồ Dzếnh gặp nhau ở cuối cuộc tình:
“Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau… lơ lửng… với nghìn xưa…”
Trong truyện võ lâm của Kim Dung với khung cảnh trời mây sông nước rất hữu tình đã nảy sinh những mối tình, tôi đã viết những mối tình đẹp và ngang trái trong tác phẩm Kim Dung. Cứ vậy để lơ lửng với nghìn sau.
Thưởng thức Fragrance of Love (Hương Xưa) của Cecilia Bach qua Youtube trong khung cảnh hữu tình giữa thiên nhiên với hình ảnh cô ca sĩ nằm trên lá vàng rơi, ngồi trên đá bên dòng suối róc rách.
*
Trước đây, tôi dịp gặp gỡ, trò chuyện với một số nhạc sĩ, ca sĩ… họ là những người sáng tác và trình bày nhưng hầu như quan tâm đến tác phẩm, tiếng hát của mình nhiều hơn đi sâu vào “suối nguồn âm nhạc”. Có lẽ phần đó dành cho người thưởng ngoạn.
Sự tích Bá Nha – Tử Kỳ thời Xuân Thu Chiến Quốc chỉ là giai thoại nhưng trổ thành điển tích cho tình bạn tri âm trong âm nhạc.
Bá Nha người nước Sở được bổ làm quan nước Tấn. Trong một lần Bá Nha đi sứ sang nước Sở, ngang Hán Dương. Gặp nhau giữa núi rừng, Bá Nha chơi đàn rất tuyệt, lão tiều phu Tử Kỳ (nhân vật ần sĩ) nghe đến đâu giải thích cặn kẽ đến đó, tâm hợp ý đầu, trở thành tri kỷ.
Sau đó, Bá Nha đã cáo biệt bạn đường trở về nước Tấn, khi Bá Nha trở lại, Tử Kỳ đã qua đời, cảnh còn người mất,. Bá Nha lòng quặn đau, ngậm ngùi thương tiếc Tử Kỳ bên nấm mồ xanh cỏ. Bá Nha gảy khúc đàn ly biệt cuối cùng để tiễn người nơi suối vàng. Bá Nha đập vỡ cây đàn và thề với lòng không bao giờ gảy một khúc nhạc nào nữa. Trong thơ văn Việt Nam cũng nhắc đến điển tích nầy để nói đến tình bạn tri âm.
Có nhiều danh ngôn nói về giá trị và sự huyền nhiệm của âm nhạc, đơn cử lời nói của 4 nhà soạn nhạc nổi tiếng trên thế giới:
Robert Schumann “Nhiệm vụ cao quý của âm nhạc là chiếu sáng vào những cõi sâu thẳm trong trái tim con người”. Gioachino Rossini “Ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi dân tộc; ai cũng hiểu được nó, bởi nó được hiểu bằng trái tim”. Beethoven “Âm nhạc khơi ngọn lửa trong tim người đàn ông và dâng lệ lên mắt người phụ nữ” và J. B Bach “Âm nhạc có thể giúp tinh thần rũ sạch mọi bụi trần của cuộc sống thường ngày”.
Trước đây, tôi viết bài Âm Nhạc & Cuộc Sống vì không có bộ môn nào gần gũi và gắn liền hằng ngày trong đời sống con người như âm nhạc. Trong thời gian cả thế giới bị nạn dịch Covid-19, hàng tỷ người bị cấm cửa, cô lập… hằng ngày đối diện với thảm họa, với cô đơn, bi thảm… quá buồn chán, không lẽ trầm tư suy nghĩ mãi, có khi bị trầm cảm, chỉ có âm nhạc mới khuây khỏa nỗi buồn vây quanh.
Trong quyển Văn Nhân & Tình Sử, tôi đề cập đến các nhạc sĩ với hình bóng giai nhân vừa lãng mạn và bi thương để viết nên tình khúc, gởi lại cho đời. Và, những loạt bài trong những năm qua đăng trên mục Văn Nghệ của tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa, tổng hợp lại cho quyển Người Lính & Chiến Hữu Văn Nghệ dự trù ấn hành vào Hè năm nay nhưng xảy ra dịch bệnh nên cảm thấy không hợp lúc nên chưa ấn hành. Trong thời chinh chiến những nhạc sĩ khoác áo chiến y đã sáng tác nhiều nhạc phẩm, tình khúc nói lên tình yêu nơi tiền tuyến và hậu phương, tình chiến hữu, tình tự quê hương, dân tộc… đã đi vào lòng người. Hình ảnh những chiến sĩ VNCH đã hy sinh dần dà phôi phai theo năm tháng nhưng những ca khúc nầy đã vinh danh, gợi hình ảnh đó từ thời chiến tranh và đến nay, 45 năm nơi xứ người.
Trong đời sống (nếu có) người đồng cảm, đồng diệu để thả hồn trong cung bậc với nhau đã khó mà kéo dài cho đến hoàng hôn của cuộc đời lại càng khó hơn. Thôi đành “Tha thiết gởi mấy cung đàn… Tơ vương nghìn năm nát tan” nhu lời ca khúc Lỡ Cung Đàn (1952) của Hoàng Giác.
Trong ca khúc Hương Cố Nhân của nhạc sĩ Dzoãn Mẫn với lời hẹn ước “Từ lâu ta nguyện cùng người. Suốt đời chìm trong muôn tiếng đàn thầm rộn chơi vơi” vì mai đây mỗi người một nơi, Cung Tiến tiếp nới với hình bóng, hương vị đó với Hương Xưa.
Tôi thích viết về âm nhạc vì mỗi khi viết được nghe lại những ca khúc để thêm nguồn cảm hứng nhưng “Ôi đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh” (Nguyệt Cầm – Cung Tiến).
Viết trong mùa đại dịch
Little Saigon, 10, 2020
Vương Trùng Dương
source : tvvn.org
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ