Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

về nhà văn TRANG THẾ HY [ i.e. Võ Trọng cảnh 1924 - 2015 ] / Lam Điền -- nguồn: tuổi trẻ online

 

Nhà văn Trang Thế Hy từ trần

08/12/2015 08:14 GMT+7

TTO - Nhà văn Trang Thế Hy vừa qua đời lúc 0g50 ngày 8-12 tại nhà riêng (Khu phố 1, phường Phú Tân, Bến Tre) sau một thời gian kiệt sức do tuổi già. Lễ viếng bắt đầu lúc 9g hôm nay và lễ động quan lúc 12g30 ngày 10-12. Linh cữu nhà văn được đưa đi an táng tại đất nhà.

Nhà văn Trang Thế Hy (1924-2015)

Ông tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29-10-1924 tại Châu Thành, Bến Tre, là nhà văn Nam bộ nổi tiếng từ trong chiến tranh, từng tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng tháng tám 1945 tại Bến Tre, hoạt động cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau 1975 ông sinh hoạt Văn nghệ tại TPHCM, làm biên tập viên Văn tại báo Văn nghệ TPHCM.

"Kêu gọi hướng thiện là tư tưởng nghệ thuật xuyên suốt các giai đoạn sáng tác của Trang Thế Hy. Tư tưởng đó được tác giả chuyển tải bằng giọng điệu bình dị, từ tốn, đôi khi pha chút hài hước kín đáo, thông minh, tạo nên cái duyên riêng, sức hấp dẫn riêng. Sức hấp dẫn ấy không mãnh liệt nhưng thấm sâu, bền chắc". - Nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá

Ông từng viết văn, viết báo tại Sài Gòn và miền nam với các bút danh: Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm. Tác phẩm chính của ông gồm tập truyện ngắn: Nắng đẹp miền quê ngoại (1964), Mưa ấm (1981), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ 13 (1989), Tiếng khóc và tiếng hát (1993),…

Nhà văn Trang Thế Hy từng được Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) với truyện ngắn Anh Thơm râu rồng; được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá nhận định: "Cùng với Sơn Nam, Mai Văn Tạo, Trần Kim Trắc, Nguyễn Quang Sáng..., Trang Thế Hy đã góp phần tích cực xây dựng, phát triển dòng chảy độc đáo của văn học Nam bộ".

“Trang Thế Hy là nhà văn Việt Nam viết nhiều nhất về nghề văn và nhà văn”, và “ông viết không vì danh lợi, mà viết như một cách sống” - nhà thơ Cao Xuân Sơn đánh giá.

Tháng 7-2014, Nhà xuất bản Trẻ tiến hành ký kết hợp đồng độc quyền sử dụng tác quyền trọn đời với nhà văn Trang Thế Hy. Danh mục tác phẩm do nhà văn Trang Thế Hy trao quyền xuất bản, phát hành cho NXB Trẻ gồm 65 truyện ngắn và 2 tiểu thuyết, chủ yếu được sáng tác từ trước năm 1975 đến năm 1983.

Cũng nhân dịp mừng thọ nhà văn Trang Thế Hy tròn 90 tuổi năm ngoái, NXB Trẻ in 4 cuốn sách của cây bút Nam Bộ đặc biệt này: 3 tập truyện ngắn Mưa ấm, Tiếng khóc và tiếng hát, Nợ nước mắt cùng tập thơ song ngữ Đắng và ngọt gồm 13 bài thơ của Trang Thế Hy được 2 dịch giả Nguyễn Bá Chung và Martha Collins dịch sang tiếng Anh, còn 11 bài thơ của Rabindranath Tagore được Trang Thế Hy chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Khi đó, nhà văn Trang Thế Hy tiết lộ trong số các tác phẩm của mình, ông “ấn tượng” nhất là truyện ngắn Thèm thơ.

Câu cuối truyện này như một tuyên ngôn sáng tác mà nhà văn Trang Thế Hy chia sẻ với thế hệ sau:

"Loan ơi, chết đem theo sự thèm nghe thơ và sống mà thèm làm thơ chưa biết ai khổ hơn ai.

Bài thơ mà em thèm nghe và anh thèm làm cũng không đẹp gì cho lắm. Ðể thèm nó có thể ít buồn hơn là thưởng thức nó với sự đau xót trong lòng. Sẽ có một ngày kia, khi một cô gái ôm một chàng trai trong giấc ngủ yên lành, thì hơi ấm cô ta tạo ra không gợi đến một tứ thơ cay đắng như em nghĩ. Bài thơ về hơi ấm đó sẽ có người làm và làm hay hơn bây giờ".        ./.

LAM ĐIỀN

                                                      ***


                       -----------------------------------------------------


                                                 tưởng nhớ



                             nhà văn Nam Bộ TRANG THẾ HY

                               [i.e. Võ Trọng Cảnh 1924 - 2015]






                                     blog Virgil Gheorghiu

                                  Saigon, October 3rd, 2020

                               ---------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ