Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

bài đọc thêm: Thương tiếc nhà thơ KHOA HỮU -- source: Tạp chì TQBTsố 46, tháng 4- 2010

 

Thương tiếc nhà thơ KHOA HỮU 


Từ trong nước vừa cho biết: Nhà thơ Khoa Hữu vừa tạ thế tại VN vào ngày 5 tháng 4 năm 2012 lúc 4.30 pm. Tang lễ sẽ cử hành vào sáng Thứ hai ngày 9/4/12.

Trong nỗi mất mát quá to lớn này, những bạn bè thân hữu của tạp chí Thư Quán Bản Thảo xin được gởi đến gia đình người quá cố lời chia buồn  sâu xa nhất của chúng tôi. Cầu nguyện hương hồn nhà thơ sớm được siêu thoát .

Tiểu sử nhà thơ

KHOA HỮU, tên thật NGÔ ĐÌNH KHOA sinh ngày 21 tháng 8 năm 1938 tại Bắc phần. Đào thoát vào Nam tháng 3 năm 1953. Tốt nghiệp Bách Khoa hệ Cao đẳng 4 năm. Bị tù chính trị oan, mất sở làm. Sau đó đi dạy tư 4 năm. Đi lính tác chiến 10 năm, bị thương 2 lần. Đã đăng thơ và truyện ngắn trên vài tạp chí văn học tại Sài gòn. Đến tháng 4 năm 1975 giải giáp. Trong thời gian tại thế, ông vẫn âm thầm sáng tác, không hợp tác với bất cứ tạp chí, tổ chức văn nghệ nào của chế độ hiện hành.


Đã xuất bản sau năm 1975:


1/ Tập thơ LỤC BÁT do nhà xuất bản TRÌNH BÀY và nhà thơ DIỄM CHÂU ấn hành tại PHÁP năm 1994.


2/ Tập thơ THƠ KHOA HỮU do tạp chí VĂN HỌC phát hành tại MỸ.


3/ Nửa khuôn mặt, tập thơ lục bát do Thư Ấn Quán Hoa Kỳ xuất bản 2010
Tập thơ này được sự bảo trợ tài chính của nhà thơ Nguyễn Thanh Châu.

Những tác phẩm đã hoàn tất chờ in:
– LỜI BẠT MỘT TÁC PHẨM ( truyện dài )


– NHỮNG VIÊN ĐẠN( truyện ngắn )


– Tập văn xuôi viết về nhiều tác giả.
– LỬA ( tập thơ ).

Tạp chí Thư Quán Bản Thảo được hân hạnh ông tin cậy chọn  gởi sáng tác. Mỗi lần bạn bè từ VN về lại Mỹ , ông đều nhờ chuyển bài vở đến chúng tôi. Ngoài những sáng tác đăng trên tạp chí, chúng tôi còn xuất bản tập thơ lục bát Nửa Khuôn Mặt vào năm 2010.

Những trang post hôm nay chúng tôi dành đăng lại những sáng tác của ông trước và sau 1975 như là nén hương lòng gởi lên hương hồn người đã khuất.

Khoa Hữu: Cái chết của một tượng đá

CÁI CHẾT CỦA MỘT TƯỢNG ĐÁ

https://e.issuu.com/anonymous-embed.html?u=thuquanbanthao&d=van_hoi_hoa
 

DẪN THƠ:

Vào cuối thập niên 60, đơn vị tôi thất trận, bổ sung gần một nửa quân số cấp tiểu đoàn gửi ra trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp. Đoàn xe đi qua nghĩa trang Biên Hòa thấy bức tượng lính dựng trước ngả  ba cổng như nhìn theo, mỉm cười.

Vài năm sau đôi lần tôi theo trực thăng chở xác đồng đội hy sinh về nhà vĩnh biệt, khi trở về đơn vị bằng xe Jeep của hậu cứ đón qua đây, bức tượng đá ấy vẫn như nhìn theo, vẫn như mỉm cười.

Năm 1990 tôi viết bài thơ này như những giọt nước mắt tìm thấy từ ký ức và muốn lưu giữ một mình.

Năm 2010 tình cờ được biết tác giả của bức tượng, nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu còn đang sống tại Saigon.

Tôi đăng bài thơ này nghĩ còn kịp để chia sẻ cảm xúc với anh, và với những người bạn chiến đấu khác một thời đã qua đó, đã gặp bức tượng lính hiển hiện cả sự sống và cái chết.

                                                              Saigon, 2011

 

Cái chết của một tượng đá

Si Dieu existe, que souhaiteriez vous qu’il vous dise après votre mort.

Tạc mãi đau thương người thành đá
ngồi canh đồng đội đã bao năm
cây súng gác ngang đời không ngủ
chiếc ba lô vai nặng vết hằn.

Người ngồi đó, mở trang bi sử
chiến bào như thấm máu chưa khô
ta ngồi đó xanh hàng bia mộ
áo nhung rêu cũng bạc dấu thù.

Ta muốn hỏi người từ đâu đến
bèo mây hạnh ngộ, có nhớ ta
ta về từ những vùng, khu chiến
bọc kinh hoàng xương mất, để da.

Ta muốn hỏi người, câu sinh tử
mắt trẻ thơ, môi cánh hoa đào
trán cô phụ băng lời tình sử
tóc mẹ già phủ mặt chiêm bao.

Cái chết – những con thiên nga trắng
ngàn năm tuyệt tích trời đông phương
anh hùng mạt lộ, chiến trường tận
đâu trái tim của một gã cuồng?

Đêm thập tự hàng hàng, vấn tội
đồi bạch dương chụm những đầu ma
oán sâu sương khói cao mù núi
sát thời gian, người, đá hay ta.

Mười năm, lại mười năm sống sót
chuyện dữ tan tành, đồng đội đâu
đất nghĩa trang nhớ hoang dại mọc
quê nhà đây, cỏ mới, ngang đầu.

                                  Saigon 1990.

Sự tích của đá và người

Trên tảng đá ấy sự sinh tồn
gã tóc xám ngồi cơi dĩ vãng
để nước mắt nhỏ thấm trăm năm
mục rã hết những tà thuyết luận.

Cuộc hành hương dọc suốt lịch sử
mấy mươi năm tối nhọ mặt người
mỗi sợi tóc bạc đi thế sự
những ngón tay mài. ngọn bút tôi.

Đất ấy, sấm rung truyền lời hịch
núi rừng thiêng đứng dậy hai vai
bút hóa thành gươm. thơ thành lửa

ta làm ma ôm đá chống trời.

(nguồn: Tạp chí TQBT số 46 tháng 4-2010)


                             =========

 

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ