Tạp chí "Văn học" & Phan Kim Thịnh / Lê Văn Nghĩa -- nguồn: Văn học Sài Gòn 1954- 1975 ... / Nxb Tổng hợp TP. HCM, quý 4/ 2020
TẠP CHÍ VĂN HỌC
& PHAN KIM THỊNH
Lê Văn Nghĩa
Sau năm 1975, có dịp gặp một vài người bạn từ Hà Nội vào, ngồi hàn huyên bên quán cà phê cóc ở con đường sách Cá Hấp (Đặng Thị Nhu). Khi chém gió về văn học tiền chiến, nhiều bạn ngạc nhiên bảo:" Ơ, trong này anh cũng biết, cũng thuộc thơ Quang Dũng, Hoàng Cầm, cũng biết Lão Hạc, Chí Phèo nữa cơ à?". Mấy em làm như tụi ở trong Sài Gòn này "vô văn học" chỉ biết đọc truyện khiêu dâm không vậy? Một vài em gái nhỏ nhẹ, nhún vai ra chiều "eo ơi". "Eo ơi, em gái có biết không cũng có học một chút ít ở sách "giáo pha" nhưng chủ yếu là học sinh tụi anh "chủ động" (phải dùng từ mới nhọc thời này cho nó có vẻ cách mạng nhưng với ý khác) đọc ở tạp chí Văn học.
Ơ, trong này mà cũng có tạp chí Văn học nữa à? Có chứ, Văn gì cũng có tuốt. Tôi phịa thêm ngoài ra còn có Văn, có thêm Văn vẻ, Văn chương , nhà văn, Văn nhân, Văn lang, Văn bu lông, Văn bún ốc, Văn miểng, Văng lựu đạn. Dù rằng tám chơi cho có vẻ là thông kim bác cổ, nhưng thực ra những kiến thức về văn học, về văn thi sĩ tiền chiến, đọc được trọn bộ Sống mòn của Nam Cao, sinh viên Vạn Hạnh diễn kịch thơ Kiều Loan của Hoàng Cầm, thuộc lòng Tây tiến, Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng mà thằng tôi thu lượm được là nhờ vào tạp chí Văn học của bác Phan Kim Thịnh. Ôi, bác Thịnh ôi ... Em cám ơn bác nha nha ...
Nếu như Bách khoa là một tạp chí sống dai nhất thì phải công nhận - không cần xác lập kỷ lục - thì tạp chí Văn học của bác Thịnh sống thuộc loại dai nhì mà không nhằn nha. (Nhưng bác Thịnh lại sống dai hơn bác Lê Ngộ Châu - bây giờ vẫn còn xách gậy đi uống cà phê với tôi). Xuất hiện từ cuối năm 1962 và tồn tại đến năm 1975, dù không nhận được một đồng tài trợ nào của nhà nước cũng như tờ Bách khoa. Nhưng như tờ Sáng tạo (cuả Mai Thảo) 31 số chết, rồi năm 60 lại ra tiếp, rồi chết tiếp. Hiện đại đến số 9 thì chết queo ... vì không còn tiền trợ cấp. Trong số Văn học/ Xuân Ất Mão năm 75 nhà thơ Nguyên Sa 'đúc rút"; " Một tờ báo sống được trên 10 năm là một hiện tượng cũng so sánh với đời người. Tạp chí thọ được trên 10 năm cũng như đời người sống trên trăm tuổi. Hiếm lắm. Tôi đã làm cho những tờ báo chết lẹ, tôi biết rõ những điều đó. Tờ Sáng tạo được độ bốn năm, tờ Gió mới khoảng 5 năm nhưng 5 năm đó có những lúc đã tan rồi lại được giải phẫu hồi sinh. Hiện đại vỏn vẹn có chín tháng là chê cuộc đời văn nghệ bỏ đi luôn không hẹn ngày tái ngộ. Hiện nay chỉ có ba tờ tạp chí đạt kỷ lục trên 10 năm là ông Bách khoa, ông Văn, và ông Văn học trong 3 ông này ông Bách khoa là niên trưởng, ông văn học hạng nhì, ông văn trẻ nhất trong 3 số tay kỳ cựu" (tr. 24).
(...) - tạm lược 13 dòng / Bt).
Tạp chí Văn học ra đời do ý tốt của ông Trần Kim Tuyến muốn giúp cho ông Phan Kim Thịnh một con đường sinh sống sau khi ông Tuyến rời khỏi Sở Nghiên cứu Chính trị. Trần Kim Tuyến là ông trùm vô danh - không chức vụ gì cao trong chính phủ, chỉ là một giám đốc nhưng là người có quyền đề bạt lên Tổng thống Ngô Đình Diệm những ông tỉnh trưởng, bộ trưởng, trung đoàn trưởng ...
( ...) - tạm lược 63 dòng- Bt) .
Ông Phan Kim Thịnh đã nói với tôi (LVN) phải chuyển hướng tờ báo vì nếu tờ báo chỉ là nơi để các nhà văn đăng sáng tác thì trước sau gì Văn học cũng chết như những tờ tạp chí trước đó. Ông nói; " Tôi nghĩ là phải làm một tờ tạp chí chuyên tập trung về những nhà văn tiền chiến, thỉnh thoảng có những số đăng tập trung sáng tác của những nhà văn hiện đại. Tôi nghĩ ra chủ đề rồi nhờ sự góp ý của nhà văn Vũ Bằng chủ đề này nên đặt ai viết bài, chủ đề khác thì ai biết rõ hơn v.v. ... vì ông biết nhiều về các nhà văn cùng thời đã di cư vào Nam. Ông Vũ Bằng thường xuyên đến chơi và ngồi ở tòa soạn Văn học như người của tờ tạp chí này".
Phải nói rằng Văn học từ tạp chí đến giai phẩm vẫn sống phà phà là nhờ vào tài lèo lái của Phan Kim Thịnh. Văn hữu chỉ biết là ông hay gọi điện thoại đặt bài, đi lấy quảng cáo , chạy mua giấy, thi thoảng mới có viết một hai bài nên đã hiểu lầm về vai trò của ông ở tờ Văn học, cứ tưởng ông cũng là "tiểu đồng" như thời kỳ ở tạp chí Quê hương. Nguyên Sa đã viết về Phan Kim Thịnh như sau: "Tôi nghĩ rằng cái bí quyết làm cho tờ Văn học sống lâu là nhờ ở sự kiên nhẫn, sự chịu khó của Phan Kim Thịnh. Nhưng không phải chỉ do 2 yếu tố đó. Kiên nhẫn và chịu khó là bề mặt. Ở chiều sâu, cái động lực mang lại sinh khí bền vững cho tờ báo là sự chung thủy với bạn hữu và sự tin tưởng yêu mến văn chương một cá ch say mê của ông Phan Kim Thịnh. Ông Thịnh này có nhiều đổi thay. Tôi nhớ mười mấy năm trước ông ấy đã có da có thịt, bây giờ gầy. Lúc trước không để râu, một lúc râu dài rất rậm rạp, bây giờ chút ria lún phún, có vẻ tài tử Charles Bronson. Ông Thịnh không có nhiều tiền vì tờ báo của ông cũng vất vả, chẳng thể sớm tiệc nhỏ, chiếu tiệc lớn với anh em, nhưng niềm chân tình trước sau như nhất của Phan Kim Thịnh với anh em tôi thấy có vài điều. Thái độ của tờ Văn học đối với Dương Kiền mới đây chẳng hạn là một thái độ đẹp. nhà viết kịch họ Dương trước kia có lúc là một cây bút trụ cột của tờ Văn học. Đã nhiều năm cuộc đời đưa đẩy ông đi xa. Mấy tháng trước ông gặp hoạn nạn, Văn học dõng dạc cất tiếng. Thế là phải. Tôi có những năm viết cho Văn học, nhiều năm lắm nghỉ viết. Tôi không có thói quen ghé thăm một tờ báo nào một cách đều đặn cả. Thỉnh thoảng ông Thịnh ghé lại chơi ôm theo một chồng văn học để thân tặng ...
(...) - tạm lược 28 dòng)- Bt ).
( Văn học - Xuân 1975, tr. 25).
Thời gian làm tờ Văn học, ông Thịnh không phải là Lý Nhân viết sách về Sài Gòn xưa như bây giờ. Ông không viết văn mà chỉ tổ chức cho các nhà văn khác viết theo chủ đề tờ báo do mình soạn ra rồi quản lý và điều hành. Biết đâu được nếu ông là nhà văn thì sẽ không có tờ Văn học vì nhà văn chỉ là người viết chứ không phải là người quản lý và trị sự. Mà để một tờ tạp chí văn học sống còn là phải nhờ tài quản lý chuyên nghiệp nhiều hơn tài viết. Chẳng hạn như xin 'bông giấy" nhiều hơn số lượng in rồi đổi lấy giấy với mấy chú Ba Tàu mà không phải tốn tiền mua giấy. Quen biết với những ngân hàng, nhà máy thuốc lá để lấy quảng cáo ... Điều này chính nhà thơ Nguyên Sa đã cay đắng và hùng dũng thừa nhận không chút ... mặc cảm.
Mà quên nữa, , ông không chỉ là chủ nhiệm tạp chí Văn học mà còn là "sếp" của các tờ tạp chí Nhân văn, Báo mới, Bưu hoa. Đáng chú ý là tạp chí Nhân văn với những tác phẩm: Vài ngày làm việc ở Chung sự vụ, Một mình một ngựa của Nguyên Sa, Nhà văn lắm chuyện của Vũ Bằng ...
Lê Văn Nghĩa
(tr. 228 - 335)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ