Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

Nhà xuất bản sách Ronéo / Lê Văn Nghĩa -- nguồn : Văn học Sài Gòn 1954- 1975 ... Nxb Tổng hợp Tp. HCM, quý 4/ 2020

 



                                              NHÀ XUẤT BẢN SÁCH RONÉO


                                                 Lê Văn Nghĩa



Các nhà xuất bản muốn sách của mình đẹp thường in offset và tệ lắm thì cũng in bằng kỹ thuật typo. In typo là in bằng chữ chì xuất hiện từ thời ông Gutenberg (Đức) và xuất hiện tại Việt Nam từ thời Pháp.

 Ở Sài Gòn, các nhà xuất bản, tạp chí thường in sách từ các nhà in sử dụng kỹ thuật in typo - nếu chữ chì còn mới thì sách vẫn in đẹp như thường. Thế mà có một nhà xuất bản in sách bằng phương pháp thủ công là ... ronéo.

 Tôi khá rành về kỹ thuật in ronéo vì đã từng thực hiện từ khâu đầu (đánh stencil), khâu giữ (quay ronéo) và khâu cuối (đóng, xếp) vì có thời đã làm báo học sinh cũng như in truyền đơn chống chính phủ Sài Gòn. Xin được mở ngoặc để nói vế cách in này một chút vì thời đại bàn phím máy tính đánh vèo vèo, máy photocopy in rào rào thì in ronéo đã được coi như là đi vào thời kỳ đồ đá đẽo (đề nghị không nói lái).

 Với kỹ thuật in này, các nhà quay ronéo chỉ sống được nhờ in giáo trình (cours) của các giáo sư dành riêng cho các sinh viên đại học, những tài liệu khoa học với số lượng nhỏ, các luận án tiến sĩ, các tờ báo của thi văn đoàn hay cách mạng lắm là in báo lậu, truyền đơn biểu tình chống chính phủ. Nếu in typo là sắp chữ chì vào mấy cái "bo" thì nhà in phải đánh máy vào tờ stencil - một loại giấy sáp mà khi con chữ của bàn đánh máy đập vào thì sẽ đục lủng nhưng không làm rách tờ giấy sáp.  Khi đánh xong một trang đưa tờ giấy sáp về phía ánh sáng sẽ thấy  hiện lên bài viết bằng những con chữ xuyên qua ánh sáng. Ha ha, vì thế mới gọi là giấy sáp chứ.

 Sau đó,gắn tờ giấy sáp lật ngược vào mặt vải có thấm mực của một trục tulo6 quay tay được gọi là máy quay ronéo. Người thợ đứng máy cầm tay quay, những tờ giấy vàng khổ A4 chạy từng tờ, áp mặt vào mặt sau của tờ giấy sáp có mực thấm qua những con chữ và cuối cùng là những con chữ hiện ra trên tờ giấy in. Quya độ chừng 500 tờ giấy thì giấy sáp bắt đầu rách, mực giấy ra nhòe nhoẹt. In một cuốn sách bằng ronéo thì trời ơi sao mà thấy nó đẹp. nó đã vô cùng. 

Trở lạ việc nhà xuất bản in sách bằng phương pháp ronéo thời đó là Đại Nam Văn Hiến xuất bản của nhà thơ kiêm nhà văn Thế Phong. Trong một bài viết của nhà văn Thế Phong cho biết sau 1957, ông đưa môt số bản thảo cho Nha Thông tin Nam Phần xin cấp phép thì bị từ chối. Ông gặp học giả Nguyễn Hiến Lê bàn là sẽ in những quyể n sách này bằng phương pháp ronéo mà phải có được cấp số kiểm duyệt để tạo ấn tượng đẹp với chính quyền buổi ban đầu in ... sách lậu. Sau khi đọc bản thảo của Thế Phong, ông Nguyễn Hiến Lê đồng ý đưa giấy phép đã cấp của Nha Thông tin Nam Phần cho Lược sử văn nghệ Việt Nam / Nhà văn hậu chiến 1950- 1956. Tập này ra đời vào năm 1956 - đánh dấu sự ra đời của Đại Nam Văn Hiến xuất bản cục (nghe chữ "cục" là thấy quá "oách") dầy 283 trang, khổ giấy 21  x 33 cm, bán giá 200 VND/ cuốn.

 Sách in ronéo đượcnhiều văn hữu ủng hộ (tất nhiên chửi bới, chê bai cũng có), Trần Trọng Phủ (Thế Nguyên) viết: " ... Đến Thế Phong, một tiểu thuyết gia lãng mạn của Hà Nội 1948- 1954, một cây bút bình luận dưới bút hiệu Đường Bá Bổn, một người hoạt động vô cùng, tưởng như anh hùng không biết thấm mệt; trong mấy năm gần đây ở Saigon, còn là một nhà thơ. "Thơ" và "Sách" của ông từ giai đoạn ông viết Lược sử văn nghệ Việt Nam tới nay đều được quay ronéo. Việc quay ronéo này không có gì lạ ở ngoại quốc, như ở Mỹ chẳng hạn, thi sĩ kiêm phê bình gia Yvor Winters quay tờ The Gyrocope bằng ronéo. Từ đó (ở Saigon)việc quay bằng ronéo, chỉ thấy ở Thế Phong - Đường Bá Bổn là tha thiết hơn cả. In với giá bán 100 đồng, 200 đồng - một tác phẩm quảng cáo không công cho những hàng kính thuốc! Tới nay, ông nghiên cứu quay những tập ronéo, với những mẫu bìa hấp dẫn hơn, và giá rẻ hơn, thì kết quả có phần khả quan hơn trước. Chúng tôi được một người bạn của Thế Phong tiết lộ; "Ít lâu nay con số các thi nhân mới tìm tới Thế Phong cậy in tác phẩm ngày càng đông " ". 

 Thế Phong đã cho quay ronéo 3 tập thơ tất cả: Nếu anh có em là vợ, Sai biệt, Vương miện Mai A. Sự "can trường" theo dòng sách in ronéo này của Thế Phong rất ghê vì vừa là nhà văn, vừa đánh máy, in ronéo và chạy kiếm giấy sáp cũng như giấy in làm Nguiễn Ngu Í phải khâm phục viết trên Tin sách: " Hai mươi tám bài thơ, nhưng mà đọc từ bài đầu đến bài cuối, hai mươi tờ thơ in rô-nê-ô này chiếm thì giờ người đọc bằng cả trăm bài in ty-pô. Ấy là với tập thơ này, kĩ thuật đánh máy và quay rô-nê-ô của tác giả, kiêm giám đốc, kiêm người chạy giấy của Đại Nam Văn Hiến xuất bản cục đã tiến bộ nhiều lắm rồi. Nhưng có ai chê trách chi nhà xuất bản, có ai chê trách tác giả, khi mà lòng xsay mê Nghệ Thuật và ý chí trình diện những đứa con tinh thần của chính mình, của các bạn thân mình nó tha thiết đến nỗi không nề lỗ lã, chẳng ngại chê cười, cứ hàng năm, lại có vài tập hoặc thơ, hoặc truyện, hoặc khảo luận ra đời với phương tiện thủ công, với cái bề ngoài bà con nghèo, và cứ thế đều đặn đã mấy năm nay".

 Nhà văn Thế Phong rất liều, đã in sách lậu mà còn dám gửi tặng ông Phan Văn Tạo, Tổng Giám đốc Thông tin (Vậy mới mang danh là nhà văn cao bồi chớ). Vì thế một ngày xấu trời nọ, Thế Phong nhận được một công văn khẩn (đề ngày 10/7/1963) từ Nha Tổng Giám đốc Thông tin trực thuộc Bộ Công dân vụ gửi tới:

 " ... Quý Ông đã có nhã ý gửi tặng tôi (Tổng Giám đốc Thông tin) bản dịch La Cravache của Gheorghiu do "Đại Nam Văn Hiến"phát hành, chúng tôi xin kính gửi lời chân thành cảm tạ.

 Song le, trên phương diện kiểm duyệt, Nha tôi nhận thấy'Đại Nam Văn Hiến xuất bản cục" đã hiển nhiên vi phạm vào luật lệ hiện hành, vì đã không nạp duyệt tác phẩm trước khi xuất bản.

 Ông Giám đốc (ý nói về Thế Phong - TP chú thích) cũng đã thừa rõ những phiền phức có thể xảy ra với hành vi phạm pháp trên đây. Nhất là, khui nhận được lá thư gửi "Anh Chị làm nghệ thuật và độc giả" - Nha chúng tôi đã tùng tại công văn số 3491- CDV -TT / HĐKD ngày 2 tháng này, lưu ý yêu cầu ông Giám đốc gửi duyệt những tác phẩm mà Đ.N.V.H.X.B.C. định cho ra mắt độc giả.

 Vì lẽ đó mặc dầu tôi rất quý trọng( Tổng Giám đốc Phan Văn Tạo còn là tác giả tập truyện ngắn Cái bong bóng lợn - TP chú thích) các văn phẩm, tôi không thể nào với tư cách "Tổng Giám đốc Thông tin, nhận một tác phẩm không kiểm duyệt, dù là bản thảo này in ronéo.

 Tôi xin phép được trả lại quý Cục cuốn sách trên.

Tôi cũn lại xin dành quyền hành động, theo các điều 6 và 7 nghị định số 275- PTT/TTK ngày 5/4/ 1954 ấn định thể lệ kiểm duyệt các ấn loát phẩm trong njước. Vài lời thành thực mong ông Giám đốc thông cảm và xin trân trọng kính chào ông Giám đốc".

 Được biết, môt số nhà văn, thơ trẻ đã in tác phẩm của mình từ phương pháp roneo của Đại Nam Văn Hiến xuất bản cục. trong đó có Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn) mà theo Thế Phong , là in nợ ... đến nay (2020) coi như xờ u xu huyền xù đẹp!  


Lê Văn Nghĩa 

  (tr.  85- 89)


                                             ===========



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ