Trường hợp nhà thơ TUỆ MAI [ i.e. Trần Thị Gia Minh 1928 - 1983 Saigon] -- bài viết: Du Tử Lê / source: www.dutule.com
* Gửi nhà văn Nguyễn Thị Vinh, nhà thơ Cao Mỵ Nhân và, anh chị Lê Vinh.
Trong sinh hoạt thi ca 20 năm của dòng văn học miền Nam, nhà thơ Tuệ Mai, theo tôi là một trường hợp khá đặc biệt. Tên thật Trần Thị Gia Minh, bà sinh năm 1928 tại Hà Nội, trong một gia đình thế giá. Thân phụ bà là nhà thơ nổi tiếng cụ Á Nam – Trần Tuấn Khải. (1) Tuy thân mẫu mất sớm, nhưng bà vẫn được dưỡng dục một cách chu đáo bởi người cha thuộc thế hệ kẻ sĩ thời Nho giáo còn ảnh hưởng khá nặng.
Nhà thơ Tuệ Mai -- (hình dutule.com)
Theo lời bạn tôi, Đỗ Hùng (hiện cư ngụ tại vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn) thì ngay từ đầu thập niên 1950s, nhà thơ Tuệ Mai đã là trưởng đoàn thanh nữ của Gia Đình Phật Tử Minh Tâm - Trụ sở sinh hoạt là sân chùa Quán Sứ ở đường Quán Sứ, Hà Nội. Thời gian này cũng là thời gian nhà văn, luật sư Trần Thanh Hiệp là huynh trưởng thiếu đoàn Gia Đình Phật Tử cũng thuộc chùa Quán Sứ - - Trong khi bạn tôi, Đỗ Hùng, thời đó mới chỉ là đoàn viên của Thiếu đoàn Gia Đình Phật Tử Đồng Niên. Vẫn theo lời kể của Đỗ Hùng, thì chùa Quán Sứ cũng như Gia đình Phật Tử Quán Sứ do hòa thượng Thích Tố Liên, một nhân vật đạo cao, đức trọng thuở đó, trụ trì, hướng dẫn.
Được khuôn đúc trong nề nếp đạo đức, lại sống khép kín, gần như xa lánh mọi sinh hoạt náo động, ồn ào của xã hội, nên cõi giới thơ Tuệ Mai gần như vắng lặng những lênh đênh, khấp khểnh đời thường. Ở phương diện giao tiếp bạn văn, bà cũng giới hạn vào một số rất nhỏ những người bà quen biết, tin cậy... Một trong những người bạn gái được coi là thân thiết hơn chị em ruột, trong nhiều chục năm của Tuệ Mai là nhà văn Nguyễn Thị Vinh (2). Đó là người bạn, mà bà có thể tâm sự, chia sẻ với nhau cả những chuyện thầm kín nhất và, ngược lại. Nhưng, Tuệ Mai hơn một lần cho biết, không vì thế mà bà ảnh hưởng quan niệm văn chương, cách sống của bạn…
Lược kê những dữ kiện này, tôi chỉ muốn nói, mặc dù làm thơ rất sớm ngay tự những năm cuối thập niên 1930s, đầu thập niên 1940s, nhưng cho tới khi Tuệ Mai xuất bản thi phẩm “Không bờ bến”, Saigon, 1964; được trao giải văn chương toàn quốc 1966 thì, khuynh hướng thơ của bà dường không thay đổi bao nhiêu. Thơ bà vẫn không ra khỏi tinh thần yêu nước nhẹ nhàng, nhắm tới tâm tình (mang nhiều tính giáo dục) giới trẻ, kiểu “gia huấn ca”. Thản hoặc bà có những bài thơ nói về tình yêu, chiến tranh hay những tân khổ của kiếp người thì, chúng cũng chỉ thoảng, nhẹ.
Đó là giai đoạn thứ nhất của hành trình thi ca Tuệ Mai, hai giai đoạn.
Nói cách khác, đấy là một dòng thơ thiếu cá tính. Phải chăng vì thế, thơ của bà đã không được đám đông đón nhận như một vài nhà thơ nữ khác - - Mặc dù tính tới tháng 4-1975, hàng ngũ những nhà thơ nữ của miền Nam, hoạt động đều đặn, vốn không nhiều lắm.
Tôi trộm nghĩ, có thể cũng vì vậy mà nhà phê bình văn học Cao Thế Dung, trong bài viết tựa đề “Nữ thi sĩ Tuệ Mai” trích từ tác phẩm "Văn học hiện đại / Thi ca & Thi Nhân / Cao Thế Dung", do nhà văn Thế Phong đăng tải trên trang mạng Virgil Gheorghiu, (3) có đoạn mở đầu như sau:
“Cách đây 7 năm, khi nhận định về một số thi nhân Việt Nam Tự Do; chúng tôi không có một ý nghĩ tốt nào về Thơ Tuệ Mai - vì thơ Tuệ Mai, xem như quá xa cách với cảm quan và nhãn giới của chúng tôi lúc bấy giờ. Chúng tôi chỉ có một thành kiến duy nhất: Tuệ Mai chưa thể tiêu biểu cho thi ca hôm nay- nghĩa là tiếng nói trung thực của hiện đại. Từ cái thành kiến đáng ghét như thế, trước mắt nhin của người viết, Tuệ Mai chỉ như một thứ trang sức cho xôm trò, và không thể đóng góp vào sự sống hôm nay, cùng với tiếng nói và thể chất hôm nay qua Thi Ca... Một tiêu biểu sung mãn. Vì vậy, chúng tôi không đặt để Tuệ Mai trên bất cứ một nấc thang giá trị nào...”
Tuy nhiên, ngay sau đó, Cao Thế Dung viết:
“Bẩy năm đi qua với bao nhiêu thay đổi trên Quê hương và Lịch sử, lẽ tự nhiên tâm thể cùng với cảm quan của một người - và có thể rất nhiều người - cũng đổi thay và đổi thay một cách nghiêm trọng. Từ sự thay đổi nghiêm trọng kia trong cảm quan và tâm thể, cũng như cân não - đã bắt buộc chúng ta phải thực hiện một cuộc trở về để giám định lại tất cả quá khứ - nếu có thể, hay một phân bộ - và chúng ta sẽ mang nhiều hối tiếc. Có những hối tiếc lý thú mà chúng ta cần phải nâng niu giữ lại, những hối tiếc của nghệ thuật trên một tình tự thăng hoa và phủ nhận. Có những hối tiếc chúng ta cần phải lên tiếng trình bày như là một lời "nói lại"… “Chúng tôi muốn nói đến niềm hối tiếc phát xuất từ sự thiên lệch và cố chấp trong những nhận định sai lầm về nghệ thuật... Niềm hối tiếc cứ thế mà lớn dần khi chúng tôi đọc lại thơ Tuệ Mai:
“Vòng khăn tang lớn dần quấn hãm đời nàngGiải khăn tang dài, dài hơn con đường tự khởi điểm thôi nôiTới khúc quanh năm thángNhững đám tangÔi những đám tang huyệt mùa đông ngăn ngắtBia mộ dựng trong nàngMỗi một bia một ngọn lửa tànBên một con sông cạnNhư một tắt âm thanh…”
“(trích Trước sau / thơ Tuệ Mai)”
Du Tử Lê,
(kỳ sau tiếp)
_________
(1) Theo tài liệu của Wikipedia Mở thì:
“Nhà thơ Á Nam - Trần Tuấn Khải sinh ngày 4 tháng 11 năm 1895. Ông là một nhà thơ Việt Nam nổi danh từ thời tiền chiến (…) Là người huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Xuất thân là nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước, cha ông là Trần Khải Thụy, đỗ cử nhân khoa thi Hương, tại Nam Định năm Canh Tý (1900). Năm lên 6 tuổi, ông bắt đầu học chữ Hán với cha. Nhờ mẹ ông cũng là người thuộc nhiều ca dao, thi phú, lại hết lòng dạy dỗ con, vì vậy mới 12 tuổi, ông đã biết làm đủ các thể thơ bằng chữ Hán. Năm 1914, cha ông lâm bệnh mất tại nơi nhiệm sở. Khi ấy, nhà thơ Á Nam - Trần Tuấn Khải vừa đúng 19 tuổi và cũng vừa lấy vợ được một năm. Qua năm 1919, ông trở lại làng Quang Xá dạy học, được ít tháng ông lại xuôi ngược khắp miền Bắc, rồi đưa vợ ra Hà Nội. Nhưng ít lâu sau, thấy chồng ghét cảnh náo nhiệt, bà Khải bán nhà đến mua một trang trại ở ấp Thái Hà, ven đô Hà Nội. Năm 1921, ông xuất bản tập thơ thứ nhất Duyên nợ phù sinh I, được giới văn chương đương thời chú ý. Năm sau, ông được mời vào Ban biên tập nhật báo Khai Hóa tại Hà Nội và nhận lời viết giúp cho nhiều báo khác. Đến khi ông cho xuất bản Bút quan hoài I, gồm nhiều bài bi tráng, được nhiều người hoan nghênh, thì Pháp ra lệnh cấm lưu hành và tàng trữ tập thơ đó vào năm 1927 (…) Năm 1932, tác phẩm Chơi xuân năm Nhâm Thân của ông được xuất bản. Nhưng ngay sau đó bị Pháp ra lệnh tịch thu, khám nhà rồi bắt giam Trần Tuấn Khải và chủ nhà sách Nam Ký. Ông bị giam hơn 2 tháng rồi bị kêu án 2 tháng tù treo về tội viết sách "phá rối trị an, xúi dân nổi loạn" (…) Ra tù, vợ chết, con nhỏ chết. Chôn cất vợ con xong, ông trở về Thái Hà, lại bắt đầu viết bài cho các báo (…) Năm 1954 ông di cư vào Nam, làm việc tại Thư viện Quốc gia, Viện Khảo cổ;. chuyên viên Hán học tại Nha văn hóa và các báo Đuốc Nhà Nam, Văn hóa nguyệt san, Tin văn... Ông mất ngày 7 tháng 3 năm 1983, tại Saigon”.
(2) Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Nguyễn Thị Vinh là tập truyện “Thương yêu”, xuất bản năm 1954. Cùng với gia đình, bà hiện cư ngụ tại Na Uy.
(3) Nhà văn Cao Thế Dung cư ngụ tại vùng Đông Bắc Hoa Kỳ; trong khi nhà văn Thế Phong vẫn còn ở Saigon.
source: Du Tử Lê blog
***
---------------------------------------------------------
tưởng nhớ
1) nhà thơ nữ TUỆ MAI
[ i.e. Trần Thị Gia Minh 1928- 2003 Saigon]
2) văn nhân, thi sĩ DU TỬ LÊ
[i.e. Lê Cự Phách 1942- 2019 Hoa Kỳ )
blog Virgil Gheorghiu
Saigon, July 14, 2020
---------------------------------------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ