Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

Cao Việt Dũng ; "Tham vọng trí thức tuổi 20". / bài viết: Ngô Thị Kim Cúc -- trích TTO

Cao Việt Dũng: Tham vọng trí thức tuổi 20


NGÔ THỊ KIM CÚC




hqcYuebM.jpg
Cao Việt Dũng
Hai mươi bốn tuổi, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội và đang du học Pháp ở hai trường École Normale Supérieure và Đại học Sorbonne, Cao Việt Dũng đã có bốn đầu sách dịch được xuất bản.
Các tác phẩm mà Cao Việt Dũng dịch đã được xuất bản gồm: Cuộc sống không ở đây (M.Kundera - Trung tâm Đông Tây và NXB Văn hóa - Thông tin - 2003), 15 anh hùng Hy Lạp (Plutarch, dịch chung - NXB Trẻ - 2003), Điệu valse giã từ (M.Kundera - Trung tâm Đông Tây và NXB Hội Nhà văn - 2004), Khúc quanh của dòng sông (V.S.Naipaul - NXB Lao Động - 2004).
Được chuẩn bị kỹ càng về học thức cùng tâm niệm tốt đẹp về cuộc sống, Cao Việt Dũng khiến người ta hy vọng về một lớp dịch giả trẻ sẽ thực sự đóng góp cho tương lai văn hóa Việt Nam...
* Xin cho biết điều gì khiến anh đến với văn học: một chọn lựa, hay chỉ là sự tình cờ?
- Ở Trường Hà Nội - Amsterdam, tôi học tiếng Pháp nhưng cảm thấy mình không thực sự nắm bắt được. Tôi bèn đến Thư viện Alliance Francaise đọc thơ Rimbaud, tiểu thuyết Jules Verne và Alexandre Dumas. Khi tình cờ "rơi" vào bộ Gia đình Rougon-Macquart của Zola thì tôi bỗng thấy mình hiểu được hết. Và tôi bắt tay vào dịch Sản nghiệp nhà Rougon khi mười bốn tuổi. Mới rồi, tôi đã chính thức hoàn thành bản dịch đó. Như vậy, tôi bắt đầu công việc này một cách tình cờ, như một thú vui trí thức.
* Tiêu chuẩn để chọn tác phẩm dịch của anh là gì?
- Theo tôi, khi vượt qua một ngưỡng nhất định thì các tác phẩm văn học đã bước vào một thế giới bình đẳng, nơi mà Goethe không cao hơn Faulkner, mà Proust không có gì phải ngượng khi đứng bên cạnh Racine.
Milan Kundera đã được nhiều người dịch, nhưng khi bắt tay vào nghiên cứu, tôi hiểu nếu không dịch một cách có định hướng thì người đọc Việt Nam sẽ không hiểu rõ về ông. Vì thế tôi dịch tập truyện Những mối tình nực cười, hai tiểu thuyết Cuộc sống không ở đây và Điệu valse giã từ.
Về văn học Pháp, tôi dự định sẽ dịch hoặc cộng tác dịch các tác giả Montaigne, Flaubert, Stendhal, Baudelaire, Georges Perec và Romain Gary.
Tất nhiên, sự “đồng thanh khí” với các tác giả cũng là một tiêu chuẩn không kém quan trọng, nhiều khi còn quyết định sự lựa chọn của dịch giả.
* Anh đang được học tập trong một môi trường hết sức thuận lợi, vậy môi trường này đã tác động đến anh thế nào?
lnzag4cz.jpg
Cao Việt Dũng và vợ
- Năm đầu tiên ở trường, tôi có cuộc nói chuyện với một sinh viên (SV) cùng khóa là Paul Worsmer. Dự định của Paul là nghiên cứu các ngành xã hội học, dân tộc học và lấp đầy các giai đoạn còn bỏ ngỏ trong lịch sử. Năm đó Paul mới 19 - 20 tuổi. Những SV với các tham vọng khủng khiếp như thế không hề thiếu ở đây. Họ dám suy nghĩ lớn vì biết mình sẽ được tạo điều kiện tối đa để thực hiện.
Lương Nguyễn Liêm Bình cũng 20 tuổi, SV năm II ngành khoa học xã hội, đồng thời là SV Y khoa năm IV và SV Sinh học Đại học Paris VI, học tiếng Việt (vì Liêm Bình sinh ở Pháp), tiếng Trung, tiếng Nhật, nói tốt tiếng Anh, tiếng Đức... Khi vào trường, môi trường đặc biệt tự do (SV khoa học tự nhiên có thể theo các lớp về văn chương, SV khoa học xã hội theo các lớp toán và vật lý) càng giúp nảy nở các tài năng vốn đã được gieo mầm từ sớm.
* Anh hãy giới thiệu về ngôi trường anh đang theo học và về những người Việt Nam đã được đào tạo ở đó.
- Trường École Normale Supérieure de Paris (thường được gọi Trường Normale Sup phố Ulm hay ENS) được thành lập thời Cách mạng 1789, đào tạo giáo viên cho các trường học Pháp. ENS cùng với Trường Bách khoa Paris mở ra một hệ thống trường lớn (Grandes écoles). Dần dần các trường lớn này thể hiện ưu thế vượt bậc so với hệ thống đại học (mà Sorbonne là tiêu biểu), đào tạo nhiều trí thức tên tuổi, trong đó được nhắc đến nhiều nhất là Louis Pasteur và Jean-Paul Sartre.
Từ khi thành lập trường không cấp bằng, chỉ có danh hiệu Cựu học sinh Trường ENS, nhưng từ năm ngoái đã có rất nhiều tranh luận, và hệ thống bằng cấp sẽ được áp dụng. Có lẽ tôi thuộc thế hệ cuối cùng không có bằng. Sau tôi đã có hai SV Việt Nam được tuyển: Nguyễn Thành Trung ngành Tin học và Trương Tuấn Anh ngành Vật lý, cả hai đều là những SV xuất sắc của Hà Nội. Ngoài ra còn Phạm Quang Cường, SV năm II Toán, trước là một học sinh xuất sắc của Trường trung học Louis-le-Grand danh tiếng.
Các phòng thí nghiệm của ENS hiện cũng tiếp nhận một số nhà khoa học trẻ đầy tài năng của Việt Nam như Phan Dương Hiệu, Nguyễn Đức Phương...
Tôi có thể biết chính xác ba người Việt Nam từng học ở đây: Phạm Duy Khiêm và Trần Đức Thảo là hai người đầu tiên, trước 1945. Phạm Duy Khiêm - con trai nhà văn Phạm Duy Tốn - học chuyên ngành văn chương cổ điển, có thời gian dạy ở Trường Bưởi rồi trở thành nhà văn viết tiếng Pháp. Trần Đức Thảo - triết gia kiệt xuất về hiện tượng luận và chủ nghĩa Marx. Gần đây là nhà toán học Ngô Bảo Châu, đang làm việc tại Paris.
* Anh đang có những chương trình làm việc và dự định gì?
- Hiện nay tôi đang theo học cả ENS và Sorbonne, đều về Văn học hiện đại - chuyên ngành phê bình văn học. Tôi vẫn còn một số bản dịch đang hoàn chỉnh. Hiện nay tại NXB Hội Nhà văn tôi có một bản thảo đã có giấy phép nhưng chưa biết bao giờ in: tiểu thuyết Hạt cơ bản của nhà văn Pháp Michel Houellebecq.
Thời gian tới, tôi chuyển trọng tâm dịch thuật sang các tác phẩm phê bình nghiên cứu mà tôi cho là chưa được quan tâm đúng mức ở Việt Nam, nhất là các nghiên cứu theo hướng liên văn bản. Tôi từng cộng tác và còn nhiều dự án chung với các dịch giả trẻ như Nguyễn Cảnh Bình (chuyên về lý luận luật pháp và nhà nước), Nguyễn Đức Thành (chuyên về kinh tế cổ điển, dịch giả của cuốn sách duy nhất của Ricardo tại Việt Nam hiện nay)... Tất cả đều có học thức cao và tâm huyết với việc dịch thuật. Nếu được tạo điều kiện, trong thời gian tới chúng ta sẽ được đọc những tác phẩm kinh điển đa dạng là chuyện trong tầm tay.
* Anh có hy vọng văn học Việt Nam rồi sẽ có những tác phẩm bất hủ?
- Không có gì là không thể, nhưng cũng không có gì là dễ dàng hết. Mà đâu phải chúng ta chưa có tác phẩm lớn. Chúng ta cũng có những nhà thơ rất tài năng.
Phê bình có thể đi trước mở đường, khai phá. Nhưng muốn thế không được phép hài lòng với những gì đã có. Lười biếng, hời hợt và dễ dãi là ba thứ giết chết tài năng.   ./.
NGÔ THỊ KIM CÚC
(báo Xuân Thanh niên)


                                                            ***


                                    -------------------------------------------


                                                      chúc mừng


                                                           dịch giả
                                            CAO VIỆT DŨNG
                                                 bút danh NHỊ LINH 



                                                       vào tuổi 40



                                              blog Virgil Gheorghiu
                                             Saigon, July 12, 2020

                                  -----------------------------------------------------
                                                     

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ