Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

về thi sĩ tiền chiến BÀNG BÁ LÂN [ Nguyễn Xuân Lân 1912 - 1988 saigon ] bài viết: Viên Linh -- source: nguoi-viet.com

Bàng Bá Lân, làm thơ để sống lại quá khứ



Viên Linh
Trong toàn bộ tập sách Nhà Văn Hiện Đại ghi rõ là “phê bình văn học” của Vũ Ngọc Phan, theo bản in lần thứ hai mà chúng tôi có, in vào tháng 10, 1951, do Văn Hồng Thịnh Hà Nội xuất bản, sau này in lại ở hải ngoại, chỉ có mười thi sĩ được nói đến, trong đó có hai người hầu như ít ai biết đến tên tuổi (là các ông Nguyễn Giang và Bùi Huy Cường), số còn lại tám thi sĩ được chọn kia không có Nguyễn Bính, cũng không có Bàng Bá Lân. Người ra sẽ nghiệm ra nhiều điều một khi tìm hiểu văn học sử; nhiều người bị bỏ sót không phải vì họ không có tài, mà vì nhiều nguyên do khác nhau, hoặc là nhà ngự sử không có tài; sau là có cả nguyên do nhà ngự sử văn đàn thật ra chỉ là một ông thi sĩ khác đóng vai ngự sử, chuyện ấy đầy rẫy. Hay khi tập sách Nhà Văn Hiện Đại viết xong (tháng 12, 1942), Bàng Bá Lân chưa xuất hiện?
Thi sĩ Bàng Bá Lân sinh tháng 11 năm 1912 tại phố Tân Ninh, Phủ Lạng Thương (Bắc Giang), nhưng gốc làng Đôn Thư, phủ Bình Lục (Hà Nam, Bắc Việt). Dòng dõi Nho gia, ông nguyên họ Nguyễn Xuân, mới đổi ra họ Bàng khoảng ba đời. Ông theo học các trường công ở Phủ Lý, Phủ Lạng Thương, khi lên trung học vào trường Bảo Hộ Hà Nội (Bưởi hay Chu Văn An), tốt nghiệp bằng Thành Chung. Về sự nghiệp văn chương, Bàng Bá Lân đã từng viết các báo: Đàn Bà (1939-1945), Công Dân, Hạnh Phúc, Nhân Loại (bộ cũ), Tia Sáng. Thi phẩm đã xuất bản: Tiếng Thông Reo (1934), Xưa (1941, in chung với Anh Thơ). Viết từng ấy báo và xuất bản hai thi phẩm, nhiều người đã biết đến tên tuổi ông, nhưng có thể ông Vũ Ngọc Phan không biết.
Sau 1954 ở miền Nam, ông viết cho Văn Nghệ Tập San (1955), Phổ Thông, xuất bản Thơ Bàng Bá Lân, Tiếng Võng Đưa (1957). Thật ra ông còn nhiều tác phẩm khác nữa như Người Vợ Câm (1960), Vào Thu (1969), Kỷ Niệm Văn thi sĩ Hiện đại, viết theo thể ký ức. Bàng Bá Lân còn là một nhà giáo, dạy môn Việt văn tại các trường Văn Lang, Cộng Hòa, Hoàng Việt (Sài Gòn), và là một nhiếp ảnh gia đã từng tham dự triển lãm tại nhiều nước ở Âu Mỹ và từng được nhiều giải thưởng quốc tế. (1)
Sau khoảng 15 năm cầm bút, quan niệm về việc sáng tác của ông ra sao? Được nhà văn Nguiễn Ngu Í phỏng vấn: “Ông sáng tác để làm gì? Sáng tác theo một đường lối nhất định hay tùy hứng” Bàng Bá Lân đáp:
-“Có thể nói rằng tôi làm thơ cũng như chim ca hót, ve than nắng, cuốc kêu hè, dế nỉ non khi hàng hôn xuống… và nếu bị cấm làm thơ thì chắc tôi khổ sở vô cùng! Nói [sáng tác theo] đường lối nhất định nghe có vẻ chính trị hoặc khoa học quá! Nhưng thật ra thơ tôi có thiên về một hướng: ấy là nông thôn. Có lẽ tại buổi thiếu thời tôi đã sống nhiều ở thôn quê, những cảnh vật và nếp sống của người dân quê đã in sâu vào trí não tôi nên về sau dù ở đâu tôi cũng vẫn không quên được mái đình cong cong, cây đa cô độc, ngõ tre thăm thẳm, đám mạ xanh rờn, đồng lúa vàng hoe, cùng những buổi nắng sớm mưa chiều, trưa Hè oi nồng, đêm đông lạnh giá với mùa cấy mùa gặt vất vả nhưng đông vui vang rộn giọng ví lời ca chan chứa tình thương một mạc. Những cảnh vật đó cứ ám ảnh tôi hoài, bắt tôi phải nghĩ tới, nhớ tới chúng. Vì thế, hình ảnh chúng đã choán khá nhiều chỗ trong thơ tôi. Có thể nói rằng tôi làm thơ phần nhiều là để được sống lại những ngày tháng mộc mạc êm đềm đã qua bên bờ tre rặng lúa.” (3)
Sống ở nông thôn nhiều năm rõ ràng vì vậy mà thơ ông thường lấy đề tài về đồng quê, và đã được tặng cho danh hiệu là “nhà thơ của đồng áng.” Ông chính thức bước vào làng Thơ năm 1939 bằng tác phẩm Tiếng Thông Reo (với lời tựa của nhà văn Lê Văn Siêu), và đã nổi tiếng ngay là một nhà thơ đồng quê. Nếu Anh Thơ là nữ thi sĩ tiêu biểu cho lối thơ trên, thì Bàng Bá Lân, “từ khi phong trào Thơ Mới thịnh hành cho đến khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ trên mảnh đất này, trong phạm vi thi ca đất nước, chưa có một thi nhân nào làm thơ về phong tục, đồng quê và tả cảnh xuất sắc như Bàng Bá Lân là nhà thơ tiên phong mở đầu cho lối thơ đồng quê, sau Đoàn Văn Cừ nối tiếp với thi phẩm Ngày Nay, nhưng vẫn không hơn được những nét đặc sắc của Bàng Bá Lân.” (2) Ông có những câu thơ phổ biến rộng rãi trong nhân gian đến nỗi tưởng đó là ca dao, như:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.
Đó là những gì về Bàng Bá Lân và đất Bắc. Sau 1954 vào Nam, ông cũng vẫn lấy cuộc sống quanh mình đem vào thơ, [không kể trường hợp năm 1957 ông nhớ lại thảm cảnh đói của vùng quê Bắc Việt (Thái Bình, Nam Định, và làm những vần kiệt tác trong bài thơ Đói]. Cảnh sống miền Nam nhập vào tâm hồn chân phương mộc mạc của Bàng Bá Lân sâu đậm nhất là ở khía cạnh thổ ngơi và tiếng nói. Trong văn bản trả lời cuộc phỏng vấn của nhà văn Nguiễn Ngu Í về “bài thơ tác giả ưa thích nhất,” Bàng Bá Lân cho biết: đó là “giọng nói của đồng bào miền Nam, nhất là giọng nói của những bà những cô đang thời xuân sắc.”
Bàng Bá Lân cho biết ông đặt chân lên đất Đồng Nai hơn một tháng trước khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước được ký kết. Điều ông chú ý hơn hết là giọng nói quyến rũ của phụ nữ miền Nam.” Ngay tháng 6, 1954 ông đã làm bài thơ “Tôi Yêu” có câu mở đầu trực tiếp là “Tôi yêu tiếng Việt miền Nam,” đăng trên tờ báo “Đây Sài Gòn” nhưng sau này thấy còn hời hợt bồng bột quá, ông làm lại bài thơ – vẫn “tứ” ấy, nhưng thêm ý thêm lời -, và đổi nhan đề bài thơ đi, thành bài khác hay hơn, đăng trên tạp chí Tân Phong [của Trương Bảo Sơn] và được truyền tụng đăng đi đăng lại ở nhiều báo. Bài thơ đã đáp ứng cho nhiều người, nói giùm nhiều người phương Bắc về tâm tình họ đối với miền Nam bao dung của nước Việt.
Tiếng Việt miền Nam
Thơ Bàng Bá Lân
Ôi! Tiếng Việt miền Nam
Nghe sao mà âu yếm
Giọng ngân dài lưu luyến
Cho lòng ta thương vương.
Ôi! Thương ai em thương thiệt là thương!
Em, cô gái Đồng Nai lòng cởi mở
Từ quen em, nắng vàng thêm rực rỡ
Dừa thêm xanh và vú sữa thêm ngon.
Lời em thơm như măng cụt no tròn
Giọng em ngọt như xoài vừa chín tới.
Những chữ ngân dài như gió thổi
Còn chữ C, G nghe đọc lỗi mà yêu.
Giọng TR trong trẻo đúng bao nhiêu!
Và anh nữa, ôi tiếng anh nũng nịu:
-Mong “ăn” mãi! Nhớ “ăn” hoài! “Ăn” có hiểu?
Em thương “ăn” quá xá là thương!
Lời em ngon như có mật có đường
Ta sung sướng gần em nghe giọng nói.
-Hãy nói nữa, nói nhiều đi em hỡi!
Qua không cần hiểu ý chỉ cần nghe
Giọng nói du dương, say đắm, đê mê,
Như nhạc sóng của Đồng Nai, sông Cửu.
Nhưng em bỗng ngừng im. Em nũng nịu:
-Nói đi “ăn,” nghe giọng Bắc em thương!
Cầm tay em, say ngắm cặp môi hường
Lòng tràn ngập niềm mến thương đằm thắm.
Ôi! Nam Bắc đã xa nhau vạn dặm
Vẫn cùng chung tiếng mẹ, vẫn quê cha
Gặp nhau đây trong ánh nắng chan hòa
Hai giọng nói cùng đồng ca hợp tấu.
Hai huyết quản vẫn cùng chung dòng máu
Hai tâm hồn hòa hợp cảm thông nhau
Tiếng Việt miền Nam, giọng nói nhiệm màu
Có phép lạ khiến tình ta lưu luyến.
Em! Cô gái miền Nam ta thương mến
Muốn gần em, gần mãi để nghe em!
(Vào Thu, 1954-1955)
Bàng Bá Lân từ trần ngày 21 tháng 10, 1988 tại Sài Gòn. Ông làm thơ để nhớ những gì đã sống, cho riêng ông mà cũng còn cho nhiều người khác nữa.  ./.
VIÊN LINH

---------
Chú thích(1) Tài liệu tổng hợp từ Nguiễn Ngu Í trong báo Bách Khoa số 111, Phạm Thanh trong Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại, Khai Trí xuất bản tại Sài gòn năm 1959 – Thơ Mới, Tác Giả & Tác Phẩm, NXB Hội Nhà Văn -và theo Ng. Tấn Long, Ng. Hữu Trọng trong Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến.
(2) Ng. Tấn Long, Ng. Hữu Trọng, Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, 1967.
(3) Bách Khoa số 111, trang 91-93.

                                                                           ***

                                                 ---------------------------------------------------

                                                                       tưởng nhớ

                                                                    nhà giáo, thi nhân
                                                                  BÀNG BÁ LÂN
                                              [i.e. Nguyễn Xuân Lân 1912 - 1988 saigon]



                                                               blog Virgil Gheorghiu
                                                               Saigon, July 1st, 2020

                                           --------------------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ