Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Cuốn sách & nguyện ước cuối cùng của giáo sư TRẦN VĂN KHÊ / bài viết: Nguyễn Văn Phước -- source: Blog TỄU

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

CUỐN SÁCH VÀ NGUYỆN ƯỚC CUỐI ĐỜI CỦA GS. TRẦN VĂN KHÊ


Cuốn sách cuối đời của GS.TS Trần Văn Khê

Nguyễn Văn Phước
 
- Trí Huệ Để Lại Cho Đời và những điều chưa từng kể.
- “Sau này sẽ khó có ai thay thế được Thầy, Thầy ơi !”.
- Di nguyện cuối đời của GSTS Trần Văn Khê đã ko được thực hiện.

 
Đã tròn 5 năm kể từ ngày GSTS Trần Văn Khê qua đời, do bận nhiều việc nên khuya nay tôi mới viết được bài về Thầy như dự định.

Hơn một thập kỷ trước tôi hay dành buổi tối ghé thăm cùng trà đạo trò chuyện cùng Thầy. Tôi từng rất say mê âm nhạc và vô cùng ngưỡng mộ trực cảm và kiến thức âm nhạc, văn hoá và nhân sinh vô cùng uyên bác của Thầy, rất kính trọng khi Thầy đã quyết định rời đất Pháp vốn rất kính trọng và ưu ái với Thầy để về Việt Nam (Thầy là tiến sĩ ngành âm nhạc học người Việt Nam đầu tiên tại Pháp và từng là giáo sư tại Đại học Sorbonne, Pháp, thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO, đã từng đi 67 quốc gia để giảng dạy nói chuyện về âm nhạc, văn hoá Việt Nam).


Thầy thỉnh thoảng ghé thăm nhà tôi, và cũng thường ghé các anh em First News - Trí Việt nhân có sự kiện gì đó, có lúc đi một mình, có lúc cùng người bạn tri kỷ tâm giao nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương.

Trong một buổi tối trà đạo ở nhà Thầy, lúc đó bác sĩ khám bệnh cho Thầy vừa về, tôi thưa chuyện:

- Thầy ơi ! Con và Trí Việt đã từng làm sách về những tài năng đất Việt, nên rất muốn viết thực hiện một cuốn sách tự truyện sau cùng về Thầy, với những điều Thầy đã chia sẻ với con, và những điều sâu sắc, thật nhất mà Thầy muốn chia sẻ với những thế hệ sau mà chưa có ở bất kỳ cuốn sách nào khác đã xuất bản.

- Thầy hơi bất ngờ, im lặng suy nghĩ một lúc khá lâu, rồi nhìn tôi một lát, chậm rãi trả lời:

- Phước ơi, điều này dường như bất khả thi con à. Vì Thầy đã ký hợp đồng độc quyền với một công ty để xuất bản những tập hồi ký của Thầy, nghĩa là không có một đơn vị nào khác được làm nữa. Nhưng với con và Trí Việt, Thầy rất quí mến con, và Trí Việt là nơi đã cho ra đời Tủ sách Hạt Giống Tâm Hồn mà Thầy đã đọc thấy rất hay và ý nghĩa, có tác động giáo dục, thức tỉnh con người cao - Thầy đánh giá Tủ sách Hạt Giống Tâm Hồn có giá trị nhân văn như là bộ sách quí Cổ Học Tinh Hoa của nước Việt ngày nay vậy. Nên sẽ có một sự đặc biệt ngoại lệ chưa từng có với Trí Việt: Thầy sẽ nói chuyện lại và đồng ý để con và Trí Việt thực hiện được tập sách tự truyện cuối cùng của Thầy này. Và nên bắt đầu viết ngay vào tuần tới, vì sức khoẻ của Thầy gần đây không được tốt lắm.

Tôi mừng quá, thế là cứ mỗi tuần hai tối, sau giờ làm việc, tôi và một nhà báo lại đến căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai (Q. Bình Thạnh, là căn nhà mà TP. HCM đã cam kết hứa với Thầy sau khi Thầy mất sẽ là Nhà Lưu niệm Trần Văn Khê) để nghe thầy kể chuyện. Trên bàn trò chuyện, tôi thường mang theo ít đồ ăn Nhật và một chai rượu vang Pháp là món ăn và loại rượu nho Thầy thích, chỉ có ba người. “Bác sĩ chỉ cho Thầy được uống rượu vang một ít thôi...”. Thầy vừa cầm ly rượu vừa hồi tưởng kể lại những câu chuyện mà Thầy muốn kể, thường không theo trật tự nào, chúng tôi ghi chép và ghi âm. Tôi bất ngờ hỏi Thầy:

- Thầy ơi, Thầy qua Pháp từ hồi còn rất trẻ, rất tài năng và danh tiếng từ hồi đó, chắc chắn sẽ có những người phụ nữ yêu quí Thầy. Trong buổi uống rượu tối nay, Thầy có thể kể cho chúng con về những mối tình của Thầy được không ạ ?

- Gương mặt Thầy chợt sinh động hẳn lên với ánh mắt sáng khác lạ nhìn tôi:

- Thầy hôm nay sẽ kể cho các con nghe về những mối tình rất đẹp đã qua của Thầy, những câu chuyện xuất phát tình cờ khiến Thày gặp những người phụ nữ rất đặc biệt nhưng Thầy tin là có nhân duyên, nên Thầy nhớ mãi - và rất trân trọng - nhưng các con nghe để hiểu chứ không đưa vào sách kẻo ảnh hưởng đến họ và những người có liên quan.

Thế là suốt buổi tối hôm đó, Thầy kể lại những nhân duyên gặp gỡ của những người phụ nữ đã từng gặp Thầy, trí nhớ và ký ức của Thầy thật phi thường, Thầy nhớ cả màu áo dài buổi đầu tiên gặp mặt, ánh trăng, tiếng nhạc ra sao, toàn bộ các cuộc đối thoại và cảm xúc thật của Thầy, của người đó, lúc đó... chúng tôi ngồi yên lặng chăm chú lắng nghe, thầm nói với nhau: “Tiếc quá ! Những câu chuyện tình người quá lãng mạn, quá đẹp và nhân văn hiếm có thế này mà không đưa vào sách thì tiếc quá !”. Khi nhắc đến tên những người, ánh mắt Thầy ngời sáng trẻ trung lạ thường - trái tim Thầy quá đặc biệt và rộng mở tình yêu thương... và đang rung động thực sự - với ký ức - với những người thân yêu - của ngày hôm qua - dù không còn dịp gặp lại nữa.

Trong các câu chuyện Thầy kể, có câu chuyện Thầy đã dạy một bài cho một viên quan chức lớn của Pháp vốn rất trịch thượng và xem thường Việt Nam cách biết tôn trọng người Việt và trân trọng các giá trị văn hoá, âm nhạc Việt Nam sâu sắc đến mức mãi nhiều năm sau đó, viên quan chức Pháp đó còn nhắc đến Thầy và tìm mọi cách có dịp để gặp Thầy.

Rất nhiều câu chuyện hay, sâu sắc và ý nghĩa trải rộng từ Việt Nam qua Đức, Anh, Pháp, Ý, Mỹ... những nơi, những quốc mà Thầy đã đặt chân tới mà tôi không thể kể hết được.

Một buổi tối lúc đã gần nửa đêm, chia tay Thầy, tôi xúc động cầm tay Thầy thốt lên: “Sau này sẽ khó có ai thay thế được Thầy, Thầy ơi !”.
Và Thầy đã đồng ý ký chữ ký và đóng triện của Thầy lên bìa 1 của cuốn sách cuối cùng này.

Và câu “Sau này sẽ khó có ai thay thế được Thầy, Thầy ơi !” đã được đưa lên trang trọng trên bìa 1 cuốn sách Tự Truyện cuối cùng của Thầy “Trí Huệ Để Lại Cho Đời” trong lần tái bản một tuần sau khi Thầy mất.

Cuối năm 2014 tôi đến thăm Thầy, Thầy biết tôi bắt đầu thực hiện cuốn sách lịch sử ‘Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử’, Thầy cầm tay tôi căn dặn: “Cuốn sách rất cần thiết cho người Việt để gìn giữ Biển Đảo Tổ quốc - nhưng thật cẩn trọng nha con”.   ./.

NGUYÊN VĂN PHƯỚC
*************
(*) Trong di nguyện cuối đời, giáo sư Khê có viết: “Về ngôi nhà và các vật dụng trong nhà: Theo hợp đồng được ký kết giữa tôi và cháu Trương Ngọc Thủy, cháu Nguyễn Thế Thanh (nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM) khi tôi vĩnh viễn ra đi, lúc ấy ngôi nhà này sẽ được sử dụng để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê...".

GS Trần Văn Khê cũng đề đạt nguyện vọng: “Những hiện vật liên quan đời sống nghề nghiệp của tôi đem từ Pháp về như: tất cả sách vở, báo chí, phim ảnh, đĩa hát các loại, các nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, máy cassette, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh, hình ảnh... giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm giữ... Riêng trang blog spot, Facebook trước đây do cháu Khánh Vân tạo và quản lý cho tôi trên 10 năm, khi tôi qua đời, cháu sẽ tiếp tục được quản lý và phổ biến tư tưởng của tôi. Tôi ước ao những thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại Thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu. Lưu ý: những tư liệu này chỉ dùng vào công việc nghiên cứu và phổ biến văn hóa, không được dùng vào việc thương mại”...

- Sau khi giáo sư Trần Văn Khê qua đời được 49 ngày, ngày 14.8.2015, căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai của GS Khê đã được bàn giao cho Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM chứ không thực hiện Nhà lưu niệm Trần Văn Khê theo hợp đồng đã cam kết và di nguyện của Thầy. 

Nguyễn Văn Phước

nh 1: Tấm ảnh một buổi tối tại nhà Thầy khi thực hiện sách.
nh 2: Căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai (Q. Bình Thạnh) mà Hợp đồng đã ký với Sở TTTT TP.HCM và di nguyện của Thầy sẽ trở thành Nhà Lưu niệm Trần Văn Khê đã không thành hiện thực.

 nh 3: GS Trần Văn Khê đến dự kỷ niệm 10 năm Thành lập First News - Trí Việt tại công ty tối ngày 10-12-2004, phía sau là Cha tôi (đã mất) và hoạ sĩ Nguyễn Văn Đông.

nh 4: Cuốn sách Tự truyện cuối cùng của Thầy First News thực hiện: 
Trí Huệ Để Lại Cho Đời có chữ ký của GS trên bìa.


***


------------------------------------------------------------------


tưởng nh

nhạc sĩ, giáo sư âm nhạc
TRẦN VĂN KHÊ


blog Virgil Gheorghiu
Saigon, June 20, 2020


---------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ