Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

về hoạ sĩ Nguyễn Trọng Khôi [ 19 xx -- ] / phỏng vấn: Trần Doãn Nho -- source www.nguoi-viet.com/

Nguyễn Trọng Khôi & tranh vẽ chân dung


Trần Doãn Nho





Tranh vẽ chân dung xuất hiện từ thời xa xưa, có lẽ ngay từ tiền sử, mặc dầu rất ít tranh loại này được tìm thấy. Lúc đó, chỉ có những kẻ giàu sang quyền quý, những bậc vua chúa và quan lại mới có tranh vẽ chân dung mình, như là ghi lại hình ảnh cho con cháu tưởng niệm về sau.
Theo thời gian, vẽ tranh chân dung phổ biến, trước hết, trong giới trung lưu, rồi dần dần lan ra trong quần chúng. Ngày nay, ai cũng có thể thuê họa sĩ vẽ tranh chân dung của mình, nếu muốn.
Tranh chân dung là một thể loại hội họa nhằm diễn tả sắc diện bên ngoài của một cá nhân. Có thể vẽ “toàn thân,” “bán thân,” “đầu và vai” hay chỉ “đầu,” vẽ nghiêng hay chính diện với nhiều sắc độ ánh sáng khác nhau. Có thể vẽ khỏa thân hay có mặc áo quần, đứng hay ngồi hay tựa vào một vật gì đó, trong nhà hay ngoài trời, từng cá nhân hay từng cặp, một nhóm người (một gia đình).
Họa sĩ có thể vẽ bằng sơn dầu, màu nước, bút chì, than, phấn màu hay hỗn hợp. Nhưng nói chung, vẽ tranh chân dung, tiêu điểm vẫn là khuôn mặt. Theo một định nghĩa trích từ Wikipedia, vẽ chân dung là vẽ một người, qua đó, “khuôn mặt và nét biểu cảm của nó có vai trò ưu thế,” nhằm biểu hiện “sự giống, phẩm cách và ngay cả tính khí của người đó.”
Sau khi xếp đặt người mẫu ngồi đúng vị trí mong muốn, họa sĩ bắt đầu bằng cách khảo sát những đường nét đặc thù, những biểu hiện nội tâm trên khuôn mặt để xác định tính cách riêng của người mẫu. Trong quá trình vẽ, họa sĩ thỉnh thoảng trò chuyện, để tìm thêm những nét mới vốn không tìm thấy khi người mẫu ngồi yên.
Vẽ tranh chân dung, khác với các thể loại khác, phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần, với cùng một thế ngồi (hay đứng) hay với nhiều thế ngồi khác nhau. Cézanne, theo tài liệu để lại, cho biết, có lần ông đã cố nài người mẫu ngồi làm mẫu đến khoảng hơn… 100 lần. Vào thế kỷ thứ 18, phải mất chừng một năm, họa sĩ mới hoàn tất bức chân dung cho một khách hàng.
Nhân một lần ngồi làm mẫu, tôi trò chuyện với người bạn họa sĩ của tôi, anh Nguyễn Trọng Khôi, về đề tài tranh chân dung.



Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi. (Hình: Nguyễn Trọng Khôi cung cấp)

*Trần Doãn Nho: Trong thời đại ngày nay, vẽ một tranh chân dung phải tốn bao nhiêu thời gian? 
Nguyễn Trọng Khôi: Bất cứ ở thời điểm nào, vẽ một tác phẩm không có tiêu chuẩn thời gian. Tất cả tùy thuộc vào sự thỏa mãn của họa sĩ. Họ có thể dừng lại ở lúc họ thấy tác phẩm có thể hoàn tất.
*Trần Doãn Nho: Vẽ tĩnh vật là vẽ vật tĩnh. Vẽ chân dung người là vẽ “người tĩnh.” Vậy có phải vẽ chân dung với người làm mẫu, nghĩa là vẽ một “tĩnh nhân,” là một loại still life (tĩnh vật)?
Nguyễn Trọng Khôi: Vẽ tĩnh vật và vẽ người ngồi mẫu ở trạng thái tĩnh hoàn toàn khác nhau. Thử làm một kiểm tra so sánh đơn giản là khi bạn ngồi gần một mỹ nữ ngồi mẫu và ngồi gần một pho tượng Venus làm mẫu, bạn sẽ thấy mức truyền cảm và cảm thụ khác nhau.
*Trần Doãn Nho: Như thế thì “tĩnh nhân” thì khác “tĩnh vật!” Không cần phải rành về hội họa, ai cũng có thể nói ngay là tiêu chuẩn để vẽ một chân dung là “giống” với người mẫu. Bàn về chuyến “giống,” Scott R. Kline cho rằng phải hiểu theo bốn cách: một là cái “giống” mà người làm mẫu muốn thấy, hai là cái “giống” mà người họa sĩ nhìn thấy, ba là cái “giống” mà khán giả nhìn thấy và bốn là giống y như người đó thực sự là. Anh nghĩ sao?
Nguyễn Trọng Khôi: Quan điểm của tôi là: vẽ chân dung là phải giống, giống tới mức nào là tùy vào khả năng và cách vẽ của họa sĩ, tùy vào bút pháp mà họa sĩ muốn, nhưng vẽ ông A hay bà B thì dứt khoát phải cho người thưởng lãm biết họa sĩ đã vẽ ai mà không cần phải chú thích. Tôi tin là mọi người, chắc chắn không bao giờ thích họa sĩ vẽ trái khế mà bắt mọi người phải thấy là trái cam.
*Trần Doãn Nho: Trong vẽ chân dung, các trường phái hội họa có ảnh hưởng như thế nào? Chẳng hạn, cũng là “giống như thật,” nhưng vẽ theo kiểu “lập thể” khác với kiểu “ấn tượng” không?
Nguyễn Trọng Khôi: Trường phái là một đường lối, một quan điểm nghệ thuật chung của một nhóm nghệ sĩ đồng điệu và là một trào lưu nghệ thuật. Hình họa trong chân dung sẽ biến dạng theo bút pháp của trào lưu họa sĩ đang theo đuổi. Không thể nói là vẽ hiện đại thì không cần giống.
Ví dụ cụ thể ở những họa sĩ hiện đại như Picasso (Lập thể), Salvador Dali (Siêu thực). Hai bức chân dung trong bài này, một do họa sĩ lập thể Picasso tự vẽ mình và một do họa sĩ trừu tượng Salvador Dali vẽ chân dung cha mình, dù vẫn mang đường nét lập thể hay trừu tượng riêng của mỗi họa sĩ, nhưng không biến người này thành ra người khác.
*Trần Doãn Nho: Vẽ chân dung và sáng tác một bức tranh (tranh trừu tượng chẳng hạn) nhất định là khác nhau. Khác thế nào?
Nguyễn Trọng Khôi: Người ta có thể dùng mẫu để cảm hứng sáng tác, nhưng vẽ mẫu vẫn là vẽ mẫu. Chúng ta đang bàn đến vẽ chân dung. Tranh sáng tác khác tranh vẽ chân dung. Tôi xin nhấn mạnh “tranh vẽ chân dung” chứ không phải “tranh chân dung.” Tranh vẽ chân dung cần hình ảnh cụ thể còn sáng tác thì không. Tranh sáng tác là loại tranh được làm từ không mà có; không phân biệt bất cứ thể loại nào, tranh có hình hay không có hình.
Xin nói cho rõ thêm về cụm từ “tranh chân dung.” Thí dụ tôi muốn vẽ “chân dung một người ngớ ngẩn.” Tự bản chất, sự việc cho ta thấy không cần người mẫu; mà có tìm người mẫu ắt cũng khó. Trong trường hợp này, tranh chân dung cũng là tranh sáng tác. Có thể vay mượn một hình ảnh nơi người mẫu nhưng biến hẳn nhân vật thành mục đích của họa sĩ. Tuy nhiên trong “tranh vẽ chân dung,” họa sĩ cũng có góp phần sáng tạo bởi vì bút pháp và người mẫu bị đặt vào không gian, ánh sáng trong chủ định của họa sĩ.
*Trần Doãn Nho: Nghĩa là trong vẽ chân dung, vẫn có chất sáng tác?
Nguyễn Trọng Khôi: Vai trò của nghệ sĩ khác nghệ nhân ở chỗ nghệ nhân chỉ có đôi tay còn nghệ sĩ có bao gồm đôi tay và khối óc và sáng tạo ngay trong lúc làm việc. Tôi xin nhắc lại vẽ chân dung hay vẽ một thể loại nào khi tiến hành công việc đều giống nhau. Cũng đã có lần tôi phát biểu: tác phẩm hoàn thành qua sự xung đột cảm xúc trong quá trình sáng tác.
*Trần Doãn Nho: Xung đột cảm xúc? Nghe như phân tâm học! Anh muốn nói đến các trạng thái tình cảm mâu thuẫn nhau?
Nguyễn Trọng Khôi: Xung đột cảm xúc là sự cọ xát của nhiều cảm xúc khác nhau trong sự lựa chọn cái đẹp, không thuần túy phải mâu thuẫn. Trong quá trình sáng tác họa sĩ ở trạng thái rung động trong nhiều cảm xúc lẫn lộn. Cơn giằng co này sẽ xảy ra ngắn hay dài là tùy vào sự thỏa mãn của họa sĩ trên tác phẩm.   ./.
 (Trần Doãn Nho)

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, Sài Gòn. Trước năm 1975, anh phụ trách mỹ thuật cho nhà xuất bản Vàng Son, trình bày sách cho nhà xuất bản kiêm tổng  phát hành Sống Mới và các nhà xuất bản Đất Mới, Đời Mới.
Anh cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ năm 1988 và cộng tác với nhiều tạp chí văn học nghệ thuật hải ngoại, cả về hội họa lẫn văn chương: Người Việt, Hợp Lưu, Văn, Văn Học, Khởi Hành, Viet Tribune, tạp chí Thơ, vân vân.
Anh có 15 cuộc triển lãm cá nhân và nhiều cuộc triển lãm nhóm khác. Hiện sinh sống tại tiểu bang Massachusetts.

                                                                                   ***

                                                          ------------------------------------------------

                                                                            chúc mừng

                                                                                             hoạ sĩ
                                                 NGUYỄN TRỌNG KHÔI
                                                                         [ 19 x x  --        ]


                                                                        vào tuổi   (?)


                                                                 blog Virgil Gheorghiu
                                                                 Saigon,  JUNE  2nd,  2020

                                                    ----------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ