Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Lê Minh Khuê: ' bà trùm truyện ngắn ' 3 lần đoạt giải Hội Nhà văn / Hoàng Thu Phố -- nguồn TTO

Lê Minh Khuê: bà 'trùm truyện ngắn' ba lần đoạt giải Hội Nhà văn


HOÀNG THU PHỐ




TTO - Nhà văn Hồ Anh Thái ví đàn chị Lê Minh Khuê là bà “trùm truyện ngắn”. “Bà trùm” với tập truyện mới Làn gió chảy qua vừa nhận giải thưởng 2016 của Hội Nhà văn Việt Nam.


Nhà văn Lê Minh Khuê và tập truyện ngắn vừa đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam - Ảnh: Nam Trần
Nhà văn Lê Minh Khuê và tập truyện ngắn vừa đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam - ảnh: Nam Trần
Đây là lần thứ ba (sau lần 1987, 2000) nữ nhà văn nhận được giải thưởng này.
1

 Hà Nội một sáng mùa đông, mưa bụi mịt mù, trong ngôi nhà ở ngõ 68 đường Xuân Thủy, nhà văn Lê Minh Khuê ngồi bên tách trà gừng ấm áp.
Ai đến nhà và ngồi trong phòng khách này sẽ không nghĩ đây là nhà của một nhà văn nổi tiếng, người từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước và cả Giải thưởng văn học quốc tế của Hàn Quốc (năm 2008).
Phòng khách không giá sách, bà nói, ngay cả bàn viết bà cũng không có. Tiện đâu viết đấy. Mà đến giờ, bà vẫn viết văn trên giấy. Viết xong, đưa cho con gái Minh Phước đánh máy lại.
Rồi có gửi bản thảo đi đâu, cũng là từ email của Phước. Mọi giao dịch qua thư điện tử cũng đều do cô con gái vừa sinh con đầu lòng đảm trách. Bà ngại máy tính, ngại xe máy, ngại nói chung các thiết bị hiện đại.
Kể từ khi Phước sinh con đầu lòng, nhà văn Lê Minh Khuê cũng được lên chức bà ngoại. Công việc của một bà “trùm truyện ngắn” bắt đầu đảo lộn.
Thời gian cho văn chương và đọc sách ít đi. Thời gian lo bỉm sữa cho cháu nhiều hơn. Nhưng bà vui. Vui vì giục mãi con gái duy nhất cũng đi lấy chồng, cũng sinh con để bà “lên chức”.
Đó dường như là niềm vui lớn nhất của bà trong những ngày tháng này. Vui hơn cả khi biết tin được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, hình như thế.
Bởi với việc tập sách Làn gió chảy qua vừa được giải thưởng thì đây là lần thứ ba Lê Minh Khuê giành được giải thưởng này. Nhưng ai đã biết Lê Minh Khuê thì cũng biết tính bà khó mà “vui quá”, hay “bất ngờ quá” được.
Nhưng bà thú nhận niềm vui nhất của bà khi biết tin mình lại được giải thưởng, là khi phát hiện “có những bạn văn vẫn chịu đọc nghiêm túc tác phẩm của mình”.

Bởi bây giờ trong giới văn chương thường ít đọc của nhau. “Vì thế, với cá nhân tôi, được bạn văn đọc cũng là một hạnh phúc” nhà văn Lê Minh Khuê khẽ cười.
2

 Làn gió chảy qua (NXB Trẻ) là tập sách thứ ba của Lê Minh Khuê kể từ khi bà nghỉ hưu (2007) và là tập sách thứ 16 của bà, chưa kể những “tuyển tập linh tinh” như chính cách nói của bà “trùm truyện ngắn”.
Ở Làn gió chảy qua, người ta có thể nhận ra một Lê Minh Khuê khác, mềm mại hơn. Nếu ở tập sách trước, tập Nhiệt đới gió mùa, những truyện ngắn của bà nhuốm màu chết chóc, bi thảm thì Làn gió chảy qua lại nhẹ nhõm, mà nói như nhà văn Hồ Anh Thái, là những truyện ngắn “đã đến độ thản nhiên tự nhiên, hầu như không vướng bận kỹ thuật”.
Với Lê Minh Khuê, sự chuyển đổi này không xuất phát từ tâm thế “đã nghỉ hưu rồi”, mà bởi bà theo một “vệt viết khác”.
Đồng thời cũng còn bởi, “cái gì nó đến thì nó đến”, chứ không chủ ý phải dặn mình viết thế này hay thế kia. Văn chương với bà, từ lúc bắt đầu đến bây giờ, vẫn vậy. Quan niệm về nghề không có gì thay đổi: văn chương phải là văn chương.
Chỉ có cách viết thay đổi là do nhân vật đã đổi thay. Mỗi thời, những nhân vật của bà có những số phận, tính cách và ngôn ngữ khác nhau. Vậy thì, người viết như bà phải tìm một cách viết khác, cách kể khác...
3

 Lê Minh Khuê không phải là người thích lộ mình, cũng không phải là người thích đám đông. Sách bà in ra nhiều, nhưng chưa một lần tự tổ chức ra mắt sách. Bà cũng hiếm khi xuất hiện, đăng đàn ở những buổi ra mắt sách của bạn văn.
Bà chỉ chắc chắn một điều, Làn gió chảy qua sau cú hích từ giải thưởng mới nhất của Hội Nhà văn Việt Nam cũng không trở nên best-seller. Bởi văn chương của Lê Minh Khuê, ai thích thì đã thích.
Bây giờ, sau những cuộc điện thoại chúc mừng, nhà văn Lê Minh Khuê lại bận bịu với niềm vui chăm cháu ngoại. Cái giá sách trên tầng 3 do con gái bà đóng cho, riêng để những “tác phẩm của mẹ”, bà nói nhiều khi cũng thấy vô vị.
Sách vở với Lê Minh Khuê ở những ngày tháng này không có quá nhiều ý nghĩa. Bởi ý nghĩa lớn nhất của một người phụ nữ, theo bà, đó là con cháu quẩn quanh. Nhưng dù thế nào, văn chương cũng đã đến và ở lại với Lê Minh Khuê, làm nên một tên tuổi được nhiều người chờ đón.
Nó không phải là “làn gió chảy qua”, mà bền bỉ và âm thầm hơn, neo bám vào những người hâm mộ văn chương bà.   ./.
HOÀNG THU PHỐ

                                                             ***

                                 ------------------------------------------------
                                                    chúc mừng

                                                      nhà văn
                                                 LÊ MINH KHUÊ
                                    
                                                     vào tuổi 71


                                       blog Virgil Gheorghiu
                                       Saigon, MAY 30, 2020

                                -----------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ