Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Ngậm Ngùi ! ... thư Trần Thị Bông Giấy gửi TP Sài Gòn & Từ Vũ ( Paris) + Trần Kiêm Đoàn, Peter Pham ( California/ USA) ...

Cali May 19/2020

Anh Từ Vũ thân,
Vừa nhận thư anh, BG gửi anh bài hoàn tất tối hôm qua. Anh muốn thì cứ đăng (chỉ xin đừng bỏ chữ nào), bằng không, đọc cho vui những giòng (có lẽ sau cùng) viết về anh Thế Phong.
Rất mừng biết anh vẫn OK trong cơn đại dịch hiện tại. Cho BG gửi lời thăm chị.

BG.

[]


NGẬM NGÙI !
(THƯ TTBG GỬI NHÀ VĂN THẾ PHONG Sàigòn).
(Tâm bút)
[]

I.
San Jose, California, Chủ nhật May 17/2020
Anh Thế Phong ơi,
Đêm qua, thứ Bảy, tình cờ nghe bài hát Sáu Mươi Năm Cuộc Đời ai đó tải trên YouTube, tự dưng BG thấy lòng bồi hồi ghê gớm. Không thể làm được việc gì kế tiếp nên cứ ngồi thẫn thờ suy nghĩ; đem luôn nỗi suy nghĩ vào trong giấc ngủ.
Cũng chiều hôm qua thứ Bảy (May 16/2020), nhận bài viết “TTBG, Nỗi Bi Tráng Lặng Câm” (tác giả Tôn Nữ Mặc Giao) từ anh Thế Phong gửi (đăng trong website VIRGIL GHEORGHIU), BG cảm động quá. Nghĩ miên man đến anh và những kỷ niệm Sàigòn trong các mùa hè cũ… Lòng chợt an ổn bởi biết rằng anh còn OK trong cơn đại dịch hiện tại.

Chẳng biết hồi đáp cách nào cho anh, BG đành đăng thư này trên trang Facebook TTBG, may ra anh đọc được. Anh là ông anh, một tên tuổi lớn trong giới văn học miền Nam trước 1975, hẳn không bao giờ câu chấp theo cô em dốt nát về kỹ nghệ cơ khí thời đại Google?!

*/ Điều muốn chia xẻ với anh Thế Phong chính là “nỗi đau không bao giờ dứt” trong trái tim BG theo một quê hương đã mất. Sống trên xứ người tự do mà BG từ chối tất cả mọi cái gì thuộc về văn minh, vật chất (cuộc sinh tồn hằng ngày đạm bạc y hệt một kẻ ẩn tu nơi hoang dã!). Ai bảo BG ngu, BG mặc! Ai bảo BG chậm tiến, không thức thời, BG cũng chẳng màng!

*/ Có cái gì (không hẳn gọi) “căm thù” (mà thật là) “chán ghét” khi nghĩ tới quê hương tan hoang trên đủ mọi khía cạnh sau 45 năm quằn quại dưới sự cai trị của Việt Cộng.
+ Đôi mắt ngây thơ mở lớn dán lên cuốn sách vần, cùng chúng bạn cất giọng đọc theo cô giáo:
“Xê-hát-a-Cha; Em-mờ-e-me-nặng-Mẹ;…”
+ Đôi mắt khờ khạo vẫn mở lớn ở các lớp Tiểu học, Trung học, Đại học khi nhìn chăm chăm vào thầy giáo, nghe giảng các bài Lịch Sử & Địa Dư VN…
+ Đôi mắt ấy lúc này không còn muốn mở ra để dõi theo trên màn ảnh một sự “mất-hút-đau-lòng” của một Sàigòn-Cũ bên dưới lớp vẻ hào-nhoáng-rất-giả-tạo của một Sàigòn-Mới; đôi tai BG không một lần muốn nghe những lời huênh hoang vô nghĩa của đám-người-thắng-trận-bằng-cướp-giật, đối nghịch trung thực với hoàn cảnh sống quá cơ cực của 80 triệu người dân Bắc-Trung-Nam.
Hễ cứ mở Internet ra, thấy các mẩu tin “nói như con vẹt” của Việt Cộng là BG tắt liền Internet!

*/ Đó phải chăng là “lòng yêu nước”?
BG tin rằng có, nhưng theo “cách rất riêng của BG” (nếu-không-làm-rạng-danh-được-thì-cũng-chẳng-bao-giờ-khiến-tủi-hổ-cho-Bà-Mẹ-Âu-Cơ), anh Thế Phong ơi.

*/ Dù vậy, chiều tối hôm qua, lời nhạc Y Vân và tiếng hát Hùng Cường trong Sáu Mươi Năm Cuộc Đời đã làm dậy lên trong BG một tình cảm kiêu hãnh rất quái dị.
“Em ơi có bao nhiêu
Sáu mươi năm cuộc đời!…”
Nhân sinh quan về cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa được thể hiện sinh động qua một phong cách và âm giọng cũng rất tài hoa.

*/ Miền-Nam-Xưa thật đã có vô số người tài trên rất nhiều lãnh vực.
Một Miền Nam huy hoàng là thế mà chỉ trong một ngày bỗng dưng trở thành tan hoang tất cả! Biết bao tinh hoa bị vùi dập. Bao xác thân nằm sâu trong lòng biển lạnh? Số ít may mắn vượt thoát ra hải ngoại cũng mai một tâm tư gần trọn theo thực tế cay đắng xứ người.
Bốn mươi lăm năm tròn trôi qua, so với 60 năm cuộc đời trong bài hát Y Vân thì cũng đã chiếm hết ¾ con số.
Trong bốn mươi lăm năm đó, “những-ai-bên-thắng-trận” đã làm được gì cho đất nước tan nát và “những-ai-phía- thua-trận” đã bị thiệt thòi cỡ nào theo sự tan nát đất nước kể từ ngày 30/4/1975?
Câu trả lời chỉ là nỗi buồn âm u trong trái tim BG.
*
* *

II.
*/ Năm 1993, lần đầu về thăm quê hương, một đêm lang thang dốc chợ Dalat, BG dừng chân nơi cái lò than hừng lửa có cô bé đang ngồi nướng bắp. Nghe cô nói giọng Bắc, hỏi cô sinh trưởng ở đâu, cô đáp “Dalat, 1982, nhưng bố mẹ con gốc người Hà Tĩnh, vào miền Nam từ năm 1980”, BG thật lòng kinh ngạc!
*/ Năm 2001, qua Berlin thăm đứa em trai, gặp tại nhà cậu những người trẻ VN, hỏi xuất thân từ đâu, họ đáp: “Ở Nghệ An, Thanh Hóa”, BG cũng thật lòng kinh ngạc! 
*/ Hai chữ “kinh ngạc” khó thể diễn tả chiều sâu cho rõ ràng bằng chữ nghĩa.
*/ Khi ấy, (rất khờ khệch) BG nghĩ:
“Dân Dalat chính gốc đang đồng hóa với dân Miền Bắc xa lạ. Lớp tuổi trẻ ưu tú miền Nam du học Tây Đức đang đồng hóa với tuổi-trẻ-lao-động-xã-hội-chủ-nghĩa-Đông-Đức tràn qua sau khi bức tường Berlin bị giật sập.”
Nỗi buồn trong tim đâm càng thêm man mác!

*/ Cô bé bán bắp bên đường VẪN CÓ QUYỀN nhận mình là dân Dalat chính gốc.
Bọn đầu trộm đuôi cướp Nghệ An-Thanh Hóa CŨNG CÓ QUYỀN nhận mình là Việt-kiều-Tây-Đức!
Thời thế đổi thay, vàng thau lẫn lộn!
Về VN nhiều lần, nỗi buồn càng lớn rộng theo mắt nhìn thực thể, luôn cả sâu thẳm trong nỗi niềm suy nghĩ:
“Tại sao ‘chó nhảy bàn độc, sâu bọ lên làm người’ đầy khắp trong quê hương thế này?” 

*/ Để rồi, những mùa hè đi chơi với nhau, cả anh Thế Phong và anh Đông Sơn không bao giờ thấy BG xin các anh đưa đến các con đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực, Gia Long… quen thuộc thời còn đi học; cũng không một lần lui tới các quán bar, vũ trường náo nhiệt… mà BG chỉ rủ các anh cùng đi về vùng đồi núi xa xôi Dalat hay Nha Trang biển rộng, nơi chí ít vẫn còn “mang dấu tích một thời trước 30/4/1975”.
Rõ ràng BG đã làm điều “chạy trốn!”
+ Chạy trốn một cái nhìn não lòng theo vô số cảnh đời nghèo khổ trong một Sàigòn-Mới phô trương hoa lệ.
+ Chạy trốn một vết thương không bao giờ có thể chữa cho lành trong chính trái tim riêng đã mấy chục năm qua.
*
* *

III.
Khi chiếc xe 9 chỗ đưa anh em mình từ phi trường Tân Sơn Nhất về Dalat lúc đã quá khuya, dừng lại ven đường ăn tô cháo, uống cốc café, các anh đâu biết rằng BG đã nhiều lần ngước cổ hít vào hồn cái mùi thân yêu của quê hương thôn dã? Đâu hay rằng, cũng niềm rung động đó, hai lá phổi BG tràn ngập mùi lá thông xanh từ đèo Prenn dẫn vào thành phố mù sương?

*/ BG chí tình là thế! Kỷ niệm giữa anh em mình cũng mang mang như thế!

*/ Anh Văn Quang, anh Phan Diên, anh Uyên Thao, anh Đặng Văn Âu (đều là người Miền-Nam-Cũ)… chưa từng một lần có được với BG những phút giây quý báu trong quê hương như anh Thế Phong và anh Đông Sơn đã có.
+ Những cốc café đầu đường xó chợ ở Sàigòn, những cốc café Dalat buổi-sớm-rất-khuya tại cái quán cóc ven đường Duy Tân gần nhà chị Lệ Khánh, tác giả thi tập nổi tiếng Em Là Gái Trời Bắt Xấu, những cốc café Tùng buổi chiều tàn anh em mình cùng uống… vẫn là những hình ảnh chiếm chỗ đứng vững vàng trong trái tim đa cảm của BG.
Nhưng mà, phải!
Làm sao quên được? Càng không thể quên ở lúc bây giờ, anh Đông Sơn đã ra người thiên cổ, còn anh Thế Phong và BG đều sắp phải từ giã cuộc chơi!

*/ Dù vậy, anh Thế Phong có tin, ngay từ những ngày đầu tháng 6/2000, BG đã “nhận ra” bản-sắc-Anh-một-trong-những-nhà-văn-gạo-cội-của-Sàigòn-dấu-yêu (khi BG hãy còn rất bé)?
+ Bên dưới cái cười ngạo nghễ, anh vẫn là anh y hệt “những-người-Miền-Nam-tha-hương” hay “những-người-Miền-Nam-đi-tìm-quê-hương-đã-mất-ngay-chính-trên-vùng-đất-mình-đang-cư-trú”.
+ Thái độ quay lưng khinh bỉ của anh Văn Quang (tác giả Chân Trời Tím) trước những “kẻ mới” làm BG và Phan Diên nể phục, nhưng chính cái cách sống “ngửa-mặt-cười-toang-che-giấu-nỗi-đau-qua-những-tác-phẩm-văn-chương-liên-tục-xuất-bản-dưới-chế-độ-CS” của anh Thế Phong mới thật khiến BG quý trọng.
+ Anh không “chạy trốn” (như TTBG!) mà chính là “đối diện”.
+ BG nhìn ra điều ấy, y hệt những con chữ anh từng đã viết:

“Tôi ghét mặt tôi
Nhưng tôi hiểu rằng
Loại mặt nào tôi có
Tôi phải nhổ lên mặt tôi
Nhưng tôi hiểu rõ rằng
Loại nào mà nó đó!
Mặt tôi ở trên đầu
Bạn bè là đôi mắt
Đôi môi, chiếc mũi
Nhưng mặt tôi khác hẳn mọi người
Mắt tôi nhìn cuộc đời sâu thẳm
Mũi tôi biết tận hưởng mùi thơm
Tim tôi xếp hàng tư tưởng lạ
Và cũng có đôi phút
Tôi buồn thê thiết
Nhưng tôi vẫn cười
Răng tôi trắng bong
Bồng bềnh nụ cười hoa
Lạc giữa giòng suối lọc

Vậy mà sao hồn tôi vẫn khắc khoải
Bởi lẽ tâm hồn tôi không phải mọi người
Bởi vì chính tôi không giống ai
Cho nên tôi hiểu tôi thuộc loại người nào rồi đó.”

(Bài “Mình”, thi tập Nếu Anh Có Em Là Vợ, NXB Văn Học 1996).

*/ Mấy ai hiểu thấu được tâm hồn nhà văn, nhất là “mẫu-nhà-văn-Thế-Phong” mà điều trên hết trong cuộc sống chính là “sự tự do trân quý” dành cho chữ nghĩa?

*/ Cây bút anh đã từng không may mắn dưới chế độ Cộng Hòa:

“Nếu anh là một nhà văn thiên tài
Hay có khả năng
Lại có thêm vẻ đẹp người con trai đến tuổi
Tất cả những nàng con gái đẹp đều ghét anh
Khi báo tin đám cưới anh chính thức
Cũng như những người thanh niên tốt bụng
Đều lăng mạ anh
Khi báo tin tác phẩm lớn của anh ra đời.
Lúc ấy tôi sẽ nói với anh
“Tất cả bọn-người-vật đều châm chọc.”

Nếu anh là một nhà tiểu thuyết ba xu
Lại thêm vẻ xấu xí của người con trai đến tuổi
Tất cả những người con gái đẹp đều chúc tụng
Khi báo tin đám cưới anh chính thức
Cũng như những người thanh niên tốt bụng
Hoan nghênh anh
Khi báo tin tác phẩm hạ đẳng của anh ra đời.
Lúc ấy tôi sẽ nói với anh
“Lời phê bình kia là của bọn-người-vật…”

(Bài “Người-Vật”, thi phẩm “Nếu Ta Có Em Là Vợ”, NXB Văn Học 1976).


*/ Bây giờ anh cũng chẳng may gì hơn dưới chế độ Cộng Sản, như bài thơ anh viết khi còn trẻ:

Soi gương trán nổi gồ ghề
Núi non cồn cát bốn bề lạnh hoang
Tuổi mình ba chục chưa tròn
Sao tim tô thép răng mòn lung lay
Soi gương tặc lưỡi gương gầy
Hăm nhăm lăm lẻ thế này mãi ru?
Trời cao biển rộng sương mù
Thời gian vân vũ chẳng bù được đâu?”

(“Ta”, thi phẩm Nếu Anh Có Em Là Vợ, NXB Văn Học 1996).
  
*/ Dù vậy anh vẫn không để cho những con chữ bị mai một trước bất cứ hoàn cảnh cơ cực nào sau cái tháng Tư đen đầy thống hận:

“Nếu cuộc đời sống trọn một trăm năm
Năm mươi năm chẵn dành để ngủ
Mười lăm hay hai mươi năm để ngủ giấc trưa
Và lang thang tìm khoái cảm
Tôi chưa kể cho bạn nghe
Mười lăm năm mài gót nhà trường
Cũng như dăm năm kề bên người yêu dạo mát
Thì bạn ơi, tính sổ cuộc đời dẫu có thiệt hơn
Tháng ngày vẫn ngắn ngủi!

Nếu cuộc đời chỉ có năm mươi
Lượng số thời gian trôi qua
Như điếu thuốc trên môi
Tàn trong nháy mắt
Tôi vẫn chưa kể cho bạn nghe
Giờ du hí, xi nê, kề môi hoan lạc
Thì bạn ơi,
Tháng ngày càng ngắn ngủi!

Tôi chưa kể cho bạn nghe
Những giờ phút hứng cảm
Ngồi đọc thơ tiêu dao Cao Bá Quát
Để nhìn nhân thế phù du
Quay như chong chóng.
(…)
(Trích “Tính Sổ Cuộc Đời”, thi tập Nếu Anh Có Em Là Vợ, NXB Văn Học 1996).


*/ Chính vì “cuộc đời ngắn ngủi” mà anh lăn xả hết mình cho sự sống của những con chữ được anh cấu thành trong óc, để khi in ra trang giấy, tác phẩm anh có bị ngắt đầu xẻo tai bởi đám-người-(tự-nhận-là-văn-học)-của-bên-thắng-cuộc thì anh cũng cam đành! Chỉ sự sống cho những con chữ (nay đã trở nên tàn tật), với anh là trên hết.
+ BG quý anh thật lòng là ở điểm đó.
*
* *
IV.
*/ Kỷ niệm trải qua cùng anh Thế Phong và anh Đông Sơn nhiều đến nỗi nói hoài không hết!
+ Mùa hè 2006, ngày 15/7, tại một quán ăn ở Sàigòn, ngồi với anh và cô bạn Thế Dung (bên Pháp về), tình cờ nghe anh nói:  
“Hôm nay là ngày sinh nhật thứ 75 của tôi.”

+ Nhớ cả một chiều trong mùa hè đó, cũng tại Sàigòn, đèo BG nơi yên sau “chiếc xe cà tàng nổi tiếng nhờ đã chở nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại về thăm quê cũ”, anh kể vói ra sau cho BG nghe:
“Chiều hôm qua trong bữa café có sự hiện diện của nhiều ‘anh hào năng nổ’, thi sĩ cà thọt Huy Tưởng đã lên tiếng mạt sát thậm tệ TTBG với Một Truyện Dài Không Có Tên. Tôi bực quá, khều nhẹ thi sĩ vài câu. Thế là thi sĩ tím mặt, câm họng...”
Xong, anh kết luận gọn ơ:
“Thú thật với BG, tôi không thể kềm được máu nóng khi nghe bất cứ ai đả kích văn chương và cuộc sống TTBG!”

+ Rồi, buổi sáng ngày 2 tháng 6/2006, tại một quán rất sang ở Sàigòn, anh em mình –luôn anh Đông Sơn và chị Lê Duyên- được ông giám đốc Nguyễn Đức Bình, NXB Văn Nghệ Thành Phố HCM và nhà văn phó giám đốc Bích Ngân mời đến dùng điểm tâm (nhân câu chuyện xin phép in ấn tác phẩm Nước Chảy Qua Cầu của TTBG).
Có một câu, bữa đó Bích Ngân hỏi:
“Hôm nào thì Bích Ngân mới được hân hạnh mời chị BG uống rượu?”
BG đáp thẳng thắn:
“BG sợ rằng ‘sẽ không có dịp!”
Rồi tự thấy mình “hơi lỗ mãng”, BG nói trớ đi:
“Anh Thế Phong là đại diện cho một Sàigòn-Xưa trong trí não BG. Bao giờ không còn gặp anh Thế Phong, bấy giờ BG chẳng còn muốn trở về Sàigòn nữa.”

*/ Từ năm 2008 anh vẫn ở Sàigòn, BG vẫn có lần trở về VN, nhưng từ khi anh Đông Sơn đổ bệnh, rồi chết, BG không còn muốn lưu lại Sàigòn ngày nào nữa…

*/ Cho đến hôm từ Dalat bay về dự buổi giỗ năm đầu của anh Đông Sơn ở cư xá Thanh Đa, tháng 8/2015, gặp anh Thế Phong, thấy anh đã già và BG cũng không còn linh hoạt.
Anh em mừng mừng tủi tủi. Cái bất thần ôm choàng nhau của khi gặp gỡ, lẫn cái bắt tay thật xiết lúc từ giã (trước di ảnh anh Đông Sơn) rõ ràng là có mang dấu ấn giá trị rất đậm của Thời Gian. Anh Thế Phong vẫn là anh Thế Phong và BG vẫn là TTBG của kỷ niệm những mùa hè Sàigòn-Mới trong tâm tưởng hai con người Miền-Nam-Cũ từng thấm hiểu “thế-nào-là-cái-Đẹp-của-một-Sàigòn-Xưa”.
*
* *
V.
Hôm nay nghe Hùng Cường hát Sáu Mươi Năm Cuộc Đời của Y Vân hay quá, lại nhớ anh Thế Phong với bài Tính Sổ Cuộc Đời đoạn cuối:
“Lý tưởng?
Sự nghiệp?
Cuộc đời?
Hôm nay dứt
Tôi nắm bàn tay tôi phút lâm chung
Khô cằn nước mắt
Tôi chẳng nhớ gì
Ngoài những giòng văn chương bút tích
Một kẻ qua đời
Vụt bóng hai mươi nhăm năm
Một phút huy hoàng rồi tắt!

Cách mạng ngày sau chót
Còn ghi trong nét bút
Lớp đi sau
Như hôm nay tôi khóc
Bằng ngọn bút văn chương
Cách mạng nửa chừng, ngẩng mặt lên trời
Màu xanh xanh vút
Hát câu thơ lạc vận trái mùa
‘Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.’
Bởi vì mình đã chuốc sự đời!”
*
* *
*/ Trong Tài Hoa Mệnh Bạc tập I, viết về Modigliani (nhà danh họa Do Thái-Ý đầu thế kỷ 19), BG đã ghi:
“Trên mặt sau của một bức vẽ, Modigliani viết: ‘Cuộc sống là món quà, từ ít đến nhiều, cho những kẻ biết và có, tới những kẻ không biết và không có...”
+ Tận sâu ý nghĩ BG, anh Thế Phong cũng là như vậy; con người (giống như Modigliani) “không bao giờ tỏ ra xao lãng trước món quà (Văn chương) Thượng Đế đã đặt vào tay” anh.

*/ Bây giờ BG cũng phải đổi lại ý nghĩa câu nói đã trả lời nhà văn Bích Ngân buổi sáng đầu tháng 6/2006 ở Sàigòn:
“Bao giờ anh Thế Phong nằm xuống thì bấy giờ chắc hẳn cây bút trong tay TTBG cũng ‘nằm’ theo.”
Ai muốn hiểu sao, tùy ý!
Chữ nghĩa còn đó nhưng “tri-âm-những-con-chữ-TTBG” thì biết đi đến thế giới nào mà tìm cho được?!

Trần Thị Bông Giấy
(Bài viết xong tại San Jose, thứ Hai May 18/2020  9:52 tối).


                                                             ***


lời Thế Phong:


 1) thư điện tử tác giả Trần Kiêm Đoàn (USA)  có lời bình, sau khi đọc" Thư Trần Thị Bông Giấy gửi Thế Phong Sàigòn " :

" Thank you

Cám ơn chị [Trần Thị] Bông Giấy.
Một bài viết đầy kiêu bạc nhưng cũng đầy  bi tráng mà ngậm ngùi.
Thân kính chúc Chị & gia đình sức khoẻ, an vui.

 T.K.Đ.

------- 
 PS.- Trn Kiêm Đoàn, tác giả một số tác phẩm văn học giá trị đã xuất bản ở ngoài & trong nước -- đã từ lâu lắm,  mới nhận được thư điện tử của anh. Mừng  & vui  tới hôm nay, OK Covid.  God Bless !
T.P.

 2) - thư PETER PHAM ( Santa /Ana / Cali.) ( gửi BÔNG GIẤY ( MAY 30, 2020):

"    ... Năm nay lại được đọc tâm bút của BÔNG GIẤY gửi" nhà văn Thế Phong". Ông  Thế Phong thì cả nước biết và tui cũng chẳng lạ gì, quen thì không, " kỳ hình" cũng không ; nhưng tui biết ông ... có đến nửa thế kỷ, lúc tui còn nhỏ xíu, biết ' Khu Rác Ngoại Thành', biết ' Nửa Đường Đi Xuống", biết 'Thế Phong, Nhà Văn, Tác phẩm, Cuộc Đời', biết từ lúc ông còn in sách bằng cách quay rô-nê-ô, hê hê hê .  Lại còn biết tính khí ông (dĩ nhiên trên sách báo) -- và dường như tui cũng có vài điểm ...  giống ông, hê hê hê hê ..." 

                      ( Lan man " Hoài Cảm" khi đọc" Ngậm Ngùi" của Trần Thị Bông Giấy. )
                     
                     





                                                                  ==================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ