" Viết là nghiệp của tôi" - nữ nhà văn Võ Thị Xuân Hà trả lời phỏng vấn Lưu Hà -- nguồn: báo VnExpress
Võ Thị Xuân Hà:'Viết là nghiệp của tôi'
LƯU HÀ
Người đàn bà viết truyện có đôi mắt đen, mở to, thăm thẳm, lúc dịu dàng cái nhìn của một người con gái gốc Huế, lúc ánh lên sự lạnh lùng, sắc sảo của một người phụ nữ sớm bươn chải với những nhọc nhằn của cuộc sống đất Hà thành. Coi văn chương là cái nghiệp, nhà văn Võ Thị Xuân Hà tâm sự với VnExpress.
- Cuốn tiểu thuyết "Tường thành" có đề cập đến một mảng hiện thực trong đời sống của những người làm báo - một cái nghề mà chính chị cũng là "người trong cuộc". Chị nghĩ gì về các nhà báo hiện nay?
- Với cuốn Tường thành, tôi chỉ có ý định phản ánh một mảng đời sống của những nhà báo trẻ. Nhân vật chính và thứ chính là hai nhà báo nữ và một nhà báo nam, trong cuộc vật lộn với rất nhiều cám dỗ, những gian nan trong nghề nghiệp và mưu sinh. Tôi ủng hộ, thậm chí tôn vinh sự năng động của giới nhà báo trẻ hiện nay, bằng mọi cách (tất nhiên không phải là cách rẻ rúng, tầm thường) để tạo dựng thương hiệu nhà báo cho mình. Các nhân vật trong tác phẩm của tôi cũng được xây dựng theo quan điểm đó.
- Chính vì thế mà các nhân vật của chị là những con người đứng chênh vênh ở ranh giới giữa cái thiện và cái ác?
- Các nhân vật chính là nhà báo trong Tường thành không phải lúc nào và ai cũng đứng ở ranh giới thiện - ác. Đôi khi thôi.
Cầm Kỳ là một nhân vật hướng thiện, nhân vật lý tưởng nhất trong tác phẩm (chính vì lý tưởng chăng nên cô hơi mờ nhạt so với Phương Nam và Thế Dương). Cuộc sống vốn thế, hình như luôn tồn tại một nghịch lý: Người tốt thường không mấy gây chú ý hay gây sốc cho xã hội.
Phương Nam là một nhân vật điển hình cho những nhà báo biết tận dụng mọi lợi thế của mình để lao vào nghề báo. Trong tâm hồn Phương Nam có những nỗi niềm, có hận thù riêng, nên cô có những hành động hướng tới sự trả thù, đó là một biểu hiện tâm lý tất yếu của những phụ nữ nào gặp hoàn cảnh như cô. Nhưng cuối cùng thì cô có phải là người cốt sống và gây thanh thế để trả thù không? Đó là một trong những điều mà cuốn Tường thành muốn đề cập.
Thế Dương là nhân vật nam đẹp nhất trong tác phẩm. Chính vì đẹp nhất nên tôi muốn cho anh phải là một con người bình thường. Thông minh, có lý tưởng và sức sống mãnh liệt nhưng anh vẫn không thoát khỏi những cạm bẫy đang tràn lan trong cuộc sống hiện nay. Có những độc giả khi đọc tiểu thuyết của tôi đã rất tiếc cho sự sa đọa trong giây phút và hơi hướng cơ hội trong nghề của Thế Dương, nhưng như thế mới là cuộc sống. Con người là vậy và hãy đừng kỳ vọng vào một thánh nhân ở bên trong con người. Bởi vì những sai lầm mà một người mắc phải có thể là sự thách đố hướng thiện với những người xung quanh.
- Chị nghĩ gì khi có ý kiến nhận xét, "Tường thành" được viết theo một phong cách khá "bạo liệt"?
- Tôi nghĩ chỉ dùng từ "bạo liệt" với Tường thành thì chưa đủ và chưa chính xác lắm, nhưng đó là nhận xét của nhiều người đọc. Nói chung Tường thành được viết theo một tiết tấu khá nhanh, đề cập trực tiếp đến những vấn nạn của xã hội hiện nay. Kết cấu như một khối ru bích hoặc như một mê cung hình xoáy ốc. Tác phẩm cũng có những khúc nhạc buồn, những nốt trầm, cũng có người cảm nhận thấy sự dịu dàng.
- Thế còn cảm hứng cho những truyện ngắn trong tập "Chuyện của con gái người hát rong" được chị "nuôi dưỡng" từ đâu?
- Chuyện của con gái người hát rong bối cảnh và nhân vật đều ở Huế quê tôi, nhưng lấy chất liệu từ một chuyện vụ án trên báo và những câu chuyện kinh doanh của gia đình nội tộc tôi ở Huế. Nhưng nếu không mở quán cà phê chắc tôi không có thiên hướng viết truyện đó. Và chính vì đi bán cà phê tôi mới viết được Cà phê yêu dấu cũng như những truyện ngắn khác trong tuyển tập này.
- Khi viết, nhà văn thường ít nhiều thể hiện những tâm tư và cảnh huống riêng của mình vào tác phẩm. Với chị thì sao?
- Điều này đúng một phần, khi xây dựng nhân vật nhà văn thường sử dụng những cảm nhận và suy tưởng dựa trên những trải nghiệm của bản thân. Nhưng nhân vật chỉ là sự thể hiện những khía cạnh nào đó của cái tôi nhà văn, chứ không phải là một phép cộng đơn giản những mảnh ghép rời rạc ngoài đời của con người nhà văn để tạo thành câu chuyện. Nếu không có sự sáng tạo thì không thể có văn chương. Cũng như nhà văn không thể sống bằng hết ngần ấy cuộc sống nhân vật và câu chuyện mình tạo dựng.
- Chị nghĩ sao khi có rất ít nhà văn nữ thành công ở lĩnh vực tiểu thuyết?
- Thực ra thì các nhà văn nữ gần đây rất đắt khách ở truyện ngắn. Truyện ngắn là một lát cắt của cuộc sống, nên các nhà văn nữ có lợi thế là thể hiện được sự tinh tế, nhạy cảm của mình trong một khuôn khổ nhỏ hẹp, xinh xắn của truyện. Còn tiểu thuyết đòi hỏi một dung lượng lớn. Do đó cần phải đầu tư một khối lượng thời gian, công sức không nhỏ khi dấn thân vào viết tiểu thuyết. Đó cũng là một thử thách với nhà văn nữ vì họ là những người có cả một núi công việc, gia đình, con cái cần phải giải quyết. Theo tôi đó cũng là một nguyên nhân.
- Chị có một bộ sưu tập khá nhiều giải thưởng nhưng chưa có những giải cao, thật sự nổi đình nổi đám, chị nghĩ sao về điều này?
- Nếu nói về vấn đề này thì cần phải đề cập tới giá trị các giải thưởng. Tôi cũng có những giải cao như giải Nhất truyện ngắn báo Thiếu niên 2001, Truyện ngắn hay 1998 của NXB Hội nhà văn... Nhưng nói chung đối với những nhà văn thì các giải thưởng chỉ là những cuộc chơi. Bởi giải thưởng chỉ do một Hội đồng gồm một số nhà văn lựa chọn, còn tác phẩm có nhận được sự lựa chọn của phần đông độc giả hay không mới là vấn đề quan trọng. Ngày xưa Nguyễn Du đâu có được Hội đồng xét giải nào trao thưởng, lại còn phải là thưởng cao nhất?
- Chị nghĩ thế nào về văn hóa đọc ngày nay?
- Đây là một trăn trở của nhiều người. Việc tôi mở Cà phê sách cũng như Câu lạc bộ Bạn đọc trong quán cà phê này cũng là nhằm góp phần khơi dậy ở độc giả tình yêu với sách vở. Nhưng đây là một vấn đề văn hóa mà không thể cứ hô hào là có hiệu quả ngay được. Điều đó còn phụ thuộc vào những nhu cầu của đời sống tâm linh con người. Bao giờ người ta cảm thấy cần phải đọc sách, người ta sẽ tự tìm đến với sách vở. Đấy cũng là lúc văn hóa đọc thắng thế so với các phương tiện truyền thông khác. Tuy nhiên hãy quan niệm sách không hề cạnh tranh với các phương tiện nghe nhìn mà nó vẫn luôn là một mạch ngầm đi song song trong đời sống văn hóa của xã hội.
- Mục đích của chị khi "lấn sân" sang lĩnh vực kinh doanh?
- Tôi kinh doanh chỉ vì tôi thích. Cũng là một cách đi thực tế thôi. Tất nhiên khi đã đi vào lĩnh vực kinh doanh thì ai cũng quan tâm tới lợi nhuận. Kinh doanh bây giờ không phải như quan niệm lỗi thời xưa cũ, rằng phải lừa lọc, mánh khóe mà là kinh doanh văn hóa. Nếu biết mình biết người, kinh doanh văn hóa mới là siêu lợi nhuận. Tôi chưa bao giờ có lợi nhuận, nhưng rất tự tin với cái điều: không "thành công" thì cũng "thành nhân". Hiện nay, tôi cho rằng mình mới vươn tới " thành nhân" . ./.
LƯU HÀ
thực hiện
***
----------------------------------------------------
nữ nhà văn
VÕ THỊ XUÂN HÀ
vào tuổi 61
blog Virgil Gheorghiu
Saigon, MAY 26, 2020
-------------------------------------------------------
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 00:58 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ