Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

Mối thân tình giữa HOÀNG HƯƠNG TRANG & VŨ HOÀNG CHƯƠNG / Trần Huy Bích -- nguồn: tranhuybich.blogspot.com /

Giới thiệu 12 bài thơ 

“ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA” 

của thi sĩ Vũ Hoàng Chương


Trần Huy Bích


Đầu tháng 4 năm 1976, thi sĩ Vũ Hoàng Chương bị nhà cầm quyền Cộng sản bắt, đưa vào giam ở khám Chí Hoà. Một số thơ ông làm trong thời gian này (chẳng hạn bài Đường luật bát cú mở đầu bằng câu “Thấm thoắt vào đây tháng đã tròn”) đã được chuyển về cho gia đình và đã được phổ biến. Đầu tháng 9-1976, thấy sức khỏe của ông suy sụp, những người cầm quyền thả ông về để chết ở nhà.

Trong mấy tháng bị giam và trong ít ngày sau khi về tới nhà, ông có làm một số thơ nữa. Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải trong bài “Gặp bà Thục Oanh, nhớ thi tài Vũ Hoàng Chương” viết ngày 1 tháng 12 năm 1998, đăng trên tạp chí Sông Hương (trong nước) số 126, tháng 08 năm 1999, thì ông được bà Chương cho biết trong những ngày cuối cùng sau khi từ Chí Hòa về, thi sĩ Vũ Hoàng Chương "có làm một bài về Nguyễn Thị Lộ, một bài về Hồ Xuân Hương,” và “bài nào cũng da diết lắm”:


Bài viết của nhà văn Hoàng Quốc Hải sau cũng được in lại trong cuốn Trắng án Nguyễn Thị Lộ (Hà Nội : NXB Phụ Nữ, 2004).

Đầu năm 2003, người viết những dòng này nhận được từ bà Vũ Hoàng Chương (gửi từ địa chỉ ở  Quận Bình Thạnh, Sài gòn) một bài thơ thủ bút của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, không có nhan đề nhưng mở đầu bằng hai câu thơ của Nguyễn Du:

Văn tự hà tằng vi ngã dụng
Cơ hàn bất giác thụ nhân liên 

Đây là hai câu 3-4 trong bài “Khất thực” (Xin ăn) của Nguyễn Du, bài thứ 14 trong Thanh Hiên thi tập. Hai câu trên có nghĩa: 

Văn chương nào đã từng được việc gì cho ta
Không dè vì đói rét phải nhận lòng thương hại của người.

Với những chữ run rẩy, yếu ớt, thi sĩ Vũ Hoàng Chương viết không đủ nét. Ông viết “hà tàng” thay cho “hà tằng.” Đó là một bài lục bát gồm 12 câu, mở đầu bằng câu, “Chẳng dùng chi được văn tài,” kết thúc bằng câu, “Khúc đâu lơ láo mảnh đời thi vương.” Cuối bài ông viết: “Chí Hòa 1976” và ký tắt ba chữ “V.H.C.” 

Bà Vũ Hoàng Chương cũng gửi thêm một bài thơ của bà, nhan đề “Làn gió giao thần.” Trong bài, bà cho biết từ khi “cánh hạc tung trời” thì “oanh ca lạc lõng” (khuê danh của bà là Đinh Thục Oanh). Sau những “canh khuya thao thức” với “gối lẻ âm thầm thấm lệ rơi,” bà mang tâm trạng chán nản, không thiết sống nữa: “Long đong thân thế thiết chi đời.” Bà ký tên dưới bài thơ và đề ngày 18 tháng 1 năm 2003.

          
Sau khi nhận được hai bài thơ trên (cùng một bức thư 4 trang và một tấm hình của bà Vũ Hoàng Chương, chụp trước bàn thờ cố thi sĩ), người viết những dòng này đã chia sẻ với một số thân hữu từng có giao tình thân với thi hào họ Vũ: thi sĩ Cao Tiêu, giáo sư Lưu Trung Khảo (dạy chung với thi sĩ Vũ Hoàng Chương ở trường Chu Văn An, Sàigòn), nhà văn Nhật Tiến (dạy chung với thi sĩ Vũ Hoàng Chương ở trường Văn Lang, Sàigòn). Các vị vửa kể cũng chia sẻ lại với một số thân hữu khác, và hai bài thơ trên đã được phổ biến một cách giới hạn.

Bà Vũ Hoàng Chương tạ thế năm 2005. Hai năm sau, một người yêu thơ Vũ Hoàng Chương từ Mỹ về Việt Nam, đến thăm ông Vũ Hoàng Tuân, người con trai duy nhất của ông bà Vũ Hoàng Chương ở Sàigòn. Khi trở lại Mỹ, người bạn ấy trao tay cho người viết những dòng này 12 bài thơ, nói là “do thi sĩ Vũ Hoàng Chương sáng tác trong những tháng cuối của cuộc đời, trong thời gian ở Chí Hoà và sau khi được đưa từ Chí Hòa về.” Không muốn những bài thơ ấy bị tịch thu, thiêu hủy, ông bà Vũ Hoàng Chương đã nhờ nhà thơ Hoàng Hương Trang giữ hộ từ năm 1976. Nay thấy đã khá lâu, nhà thơ Hoàng Hương Trang đem trả lại, và bà Vũ Hoàng Chương cùng ông Vũ Hoàng Tuân muốn thi sĩ Cao Tiêu cùng người viết những dòng này “tìm cách xuất bản ở ngoài nước,” cho biết đó là “những bài thơ cuối cùng của thi sĩ Vũ Hoàng Chương.”

Trong 12 bài thơ này thì một bài có thủ bút của cố thi sĩ. Đó là bài mở đầu bằng hai câu “Văn tự hà tằng vi ngã dụng …” của Nguyễn Du đã nói ở trên. Các bài còn lại được làm theo mô thức ấy: mở đầu bằng hai câu thơ của một nhân vật lịch sử hay văn học trong quá khứ (chẳng hạn bài về Phạm Ngũ Lão mở đầu bằng hai câu “Nam nhi vị liễu công danh trái, Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu” của vị danh tướng họ Phạm). Sau đó là 12 câu lục bát của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Tổng cộng gồm 12 bài, mỗi bài có 12 câu thơ Vũ Hoàng Chương. Nhân thấy thi nhân họ Vũ từng dùng từ “Thập nhị nhân duyên” trong những câu sau đây:

       Từ đó dìu nhau mở lối
               Vào thăm Đồng Tử Tuyết Sơn
               Thập nhị nhân duyên cùng hỏi
               Vì đâu Bướm xót Hoa hờn

               (bài thơ “Tuyết Hận” trong thi tập Cảm Thông)

người bạn đem 12 bài thơ từ Việt Nam sang Mỹ trao cho chúng tôi đã đề nghị gọi những bài thơ ấy là “Thập nhị nhân duyên.” 

Nhận thấy ý tưởng gửi trong những bài thơ di cảo này quá kín đáo, thi sĩ Cao Tiêu, giáo sư Lưu Trung Khảo, và người viết những dòng này đã cùng thảo luận, phân tích thật kỹ bài thơ về Bành Ngọc Lân (một tướng lãnh Trung Hoa cuối đời Thanh), với kết quả là bài “Một bài thơ ngụ ý thật hàm súc của thi sĩ Vũ Hoàng Chương” do Trần Từ Mai viết với sự hội ý của hai vị vừa kể đã được phổ biến một cách giới hạn trong mấy năm vừa qua: 

Thi sĩ Cao Tiêu tạ thế đầu năm 2012. Sức khỏe giáo sư Lưu Trung Khảo sút giảm một cách đáng kể cuối 2014, đưa tới việc ông quá vãng cuối năm 2015. Trong ba người đảm nhận việc phân tích, chú giải những bài thơ với ý nghĩa kín đáo của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, chỉ còn một người. Sự việc không có thủ bút của cố thi sĩ cho 11 bài “Đọc lại người xưa” (trừ bài về Nguyễn Du) khiến người viết những dòng này cũng cảm thấy dè dặt trong việc tiếp tục giới thiệu và phổ biến. 

Nay được tin ở trong nước, nữ thi sĩ Hoàng Hương Trang đã cho in cả 12 bài thơ “Đọc lại người xưa” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương trong phần "Phụ lục" của Tuyển tập Văn xuôi Hoàng Hương Trang, xuất bản năm 2012. Bà cho biết khi tới thăm thi hào họ Vũ sau khi ông được thả từ Chí Hoà về, bà đã được Vũ Hoàng Chương đọc cho nghe 12 bài thơ ấy để chép lại. Bà cũng đã đọc lại cho ông bà Vũ Hoàng Chương nghe để được xác nhận là đúng trước khi đem về cất giữ. Lời thơ trong những bài này hệt như trong những bài thi sĩ Cao Tiêu, giáo sư Lưu Trung Khảo và Trần Từ Mai nhận được từ gia đình thi sĩ Vũ Hoàng Chương năm 2007. Chuyện nhà thơ Hoàng Hương Trang được ông bà Vũ Hoàng Chương giao cho giữ 12 bài thơ ông làm trong thời gian bị giam ở Chí Hoà và sau khi về đến nhà năm 1976 là điều có thật.

- Thi sĩ Hoàng Hương Trang, tháng 10 năm 2016 -- (hình do Kim Yến chụp)

Mối thân tình giữa ông bà Vũ Hoàng Chương và nhà thơ Hoàng Hương Trang cũng dễ đưa tới sự kiện ấy.
Hoàng Hương Trang tên thật là Hoàng Thị Diệm Phương, sinh năm 1938 ở Vân Thê, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên. Bà tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật năm 1960, trường Sư Phạm Mỹ Thuật năm 1961. Bà từng dạy hội họa ở nhiều trường Trung học, và tại trường Đại học Mỹ thuật Sàigòn. Bà được giải hội họa trong một kỳ thi ở Huế năm 1958, và là tác giả 6 tập thơ từ 1964 đến 2002, trong đó có 4 tập xuất bản trước năm 1975:   

Khép đôi mi nhỏ (1964)
Linh hồn cỏ biếc (1968)
Túy ca (1972)
Hợp tuyển (1974)

Thơ của bà được in chung trong hơn 30 tuyển tập thơ văn trong và ngoài nước. Bà cũng có tên trong cuốn Thi nhân Việt Nam thế hệ 1954 – 1973 của Nguyễn Tấn Long và Phan Canh (Sàigòn : Sống Mới, 1974).

Như thế Hoàng Hương Trang trẻ hơn Vũ Hoàng Chương 23 tuổi (1938-1915), ít tuổi hơn một số môn sinh của ông. (Trên giấy tờ, Vũ Hoàng Chương được ghi là “sinh năm 1916” nhưng thật ra ông sinh năm 1915). Bên cạnh mối liên tài giữa hai nhà thơ, Vũ Hoàng Chương lưu tâm hơn tới Hoàng Hương Trang có lẽ từ khi bà cho in tập Túy Ca năm 1972, nhắc ông nhớ đến tập Thơ Say với “Bài ca tận túy” của ông. Tinh thần "đồng thanh đồng khí" giữa hai nhà thơ chung một nguồn cảm hứng đã được Vũ Hoàng Chương nói rất rõ trong bài thơ thủ bút “Cảm đề Tuý ca,” ông viết để tặng Hoàng Hương Trang năm 1972:

“Bài ca Tận túy” đi hoang   
Biết đâu Hoàng lại gặp Hoàng chiều nay.

Cùng làm thơ, chung một nguồn cảm hứng, lại nhận thấy trong danh hiệu có những chữ giống nhau, Vũ Hoàng Chương dễ dàng nhận thấy nơi Hoàng Hương Trang một  “trần ai tri kỷ.” Cảm động trước thịnh tình của một nhà thơ tiền bối, Hoàng Hương Trang quan tâm thăm nom Vũ Hoàng Chương sau khi ông bị Cộng sản bắt giam. Biết rằng để thơ ở nhà sẽ không an toàn, việc giao cho Hoàng Hương Trang giữ hộ những bài thơ cuối cùng là một điều “hợp tình hợp lý” đối với ông bà Vũ Hoàng Chương. Nhờ thế những bài “Đọc lại người xưa” Vũ Hoàng Chương làm ra trong thời gian bị giam ở Chí Hoà và sau khi về nhà năm 1976 đã không bị mai một.

Trong 12 bài thơ chúng tôi nhận được năm 2007, thì bài về Nguyễn Du có thủ bút của tác giả. Hai bài về Nguyễn Thị Lộ và Hồ Xuân Hương đã được bà Vũ Hoàng Chương đề cập tới với nhà văn Hoàng Quốc Hải như đã nói trên. Bài về Bành Ngọc Lân là một trường hợp đặc biệt. Họ Bành là một viên tướng Trung Hoa cuối đời Thanh, không có liên quan gì tới Việt Nam. Số người Việt biết tới ông ta không nhiều. Hiểu tường tận về cuộc đời Bành Ngọc Lân để đưa ra một thi phẩm đặc sắc về ông, có lẽ chỉ nhà thơ có kiến thức uyên bác Vũ Hoàng Chương mới làm nổi.  Đó là lý do thi sĩ Cao Tiêu, giáo sư Lưu Trung Khảo vả tôi cùng tin rằng bài thơ ấy đúng là của Vũ Hoàng Chương. 

Trong 12 bài thơ “Đọc lại người xưa” của Vũ Hoàng Chương, có 6 bài lấy cảm hứng từ tác phẩm của những nhân vật lịch sử hay văn học Việt Nam: Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát. Những bài còn lại lấy cảm xúc từ tác phẩm của một số nhân vật lịch sử hay thi sĩ Trung Hoa: Hán Vũ đế, Thôi Hộ, Đỗ Mục, Đỗ Thu nương, Trần Đào, Bành Ngọc Lân.

Ở trong nước năm 2012, nhà thơ Hoàng Hương Trang mới chỉ làm công việc in ra những bài thơ ấy. Theo quan niệm của chúng tôi, nếu phân tích, chú giải các điển cố và trình bày được ẩn ý của tác giả (như trường hợp bài về Bành Ngọc Lân), người đọc sẽ thấy rõ giá trị của những bài thơ ấy hơn. Đó là những điều chúng tôi sẽ cố gắng làm.

Kèm theo phía sau là hai bài thơ:

- “Cảm Đề Túy Ca,” thơ thủ bút của Vũ Hoàng Chương viết tặng Hoàng Hương Trang, đề ngày 16 tháng 6 năm 1972.

- “Chiều Say Nhớ Hoàng,” thơ Hoàng Hương Trang, sáng tác nhân ngày giỗ thứ 30 của Vũ Hoàng Chương, 14 tháng 8 âm lịch năm Bính Tuất, 2006.




trần huy bích

 ======================


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ