Ý Nhi với tuyển tập' Ngọn gió qua vườn' / bài viết: Nguyễn Thị Ngọc Hải -- nguồn : Người Đô Thị
Ý Nhi với tuyển tập
"Ngọn gió qua vườn"
Nguyễn Thị Ngọc Hải
Ý Nhi được đánh giá là một trong những tác giả xuất sắc của thơ đương đại. Chị cũng là tác giả đầu tiên của Việt Nam nhận được giải thưởng Cikada của Thụy Điển , dành cho các nhà văn châu Á.
Người trong giới văn học thường nhắc tới Ý Nhi cùng với Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phạm Tiến
Duật …
Không chỉ vì họ xuất hiện cùng thời chiến tranh - khi mà thơ văn thực sự là nhu cầu cho con người sống có lý tưởng, tìm thấy và tin yêu hy vọng giữa cuộc thử thách gay gắt - mà còn vì nhiều người trong số họ chơi với nhau rất thân. Có người làm việc cùng một cơ quan, gắn bó cùng xuất hiện trong các sự kiện văn hóa của Hà Nội một thời.
Ý Nhi tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi cả đời hầu hết làm báo chí - xuất bản, và viết bền bỉ suốt hơn 50 năm với hàng chục cuốn sách, cả thơ và văn xuôi. Từ những cảm xúc thời thanh xuân với quê hương Quảng Ngãi, với Hải Phòng khi là học sinh miền Nam tập kết, cho đến Hà Nội và những nơi đi qua… chị đem đến những tình yêu và sáng tạo chiều sâu ý nghĩa cuộc sống với quấn quýt xao động cảnh vật, rặng cây con đường, dòng sông và những gương mặt người, những chuyện đời. ...
Thơ chị xuất hiện những điểm bất tường về đời sống, những dự cảm bất an cùng những biến đổi đời sống.
Người đàn bà ngồi đan - tác phẩm nhận giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn năm 1985 đánh dấu sự bừng nở của Ý Nhi, “trở thành một tác phẩm tiêu biểu cho thi ca đổi mới” vì đã tiên phong “vượt thoát ra khỏi từ trường thẩm mỹ của một thời đại”- không cảm xúc một chiều , hóa giải những cảm xúc đối nghịch.
"Thơ Ý Nhi là thơ lãng mạn, hiện sinh hay tân cổ điển? Không tên nào bao quát cho những chặng đường thơ dù bà có chịu ảnh hưởng nhiều của thi ca hiện đại " (Huỳnh Như Phương).
Lý giải chất dự cảm bất an - “nỗi âu lo này như một ám ảnh dai dẳng, thường trực và mơ hồ” là do “xuất phát từ một tâm hồn nặng lòng với cái đẹp, với những giá trị tinh thần cao quý…”.
Cảm giác bất an này thể hiện trong những bức chân dung nghệ sĩ do Ý Nhi viết về Dương Bích Liên tránh mọi xô bồ để đến với cái đẹp, Nguyễn Minh Châu tự thức tỉnh bước ra khỏi lối mòn, Nguyên Hồng lang thang tìm đất mới “với giọt lệ lớn nằm dưới đáy mắt nheo cười”.
“Với Ý Nhi, nghịch lý nhân sinh mang sắc thái bi kịch ấy là kết quả của một lựa chọn đầy can đảm và có ý thức” (Lê Hồ Quang).
Ý Nhi “xao xác giữa ngày yên” vì nhiều trăn trở dằn vặt; nhiều khao khát, lo âu; nhiều trông chờ, mong đợi; tình yêu, tình người; về những nỗi mất - còn, tan - hợp, thành - bại, buồn - vui… Khát khao là trạng thái thường trực. Thơ Ý Nhi giàu lý trí và “chất nghĩ”.
Và thơ trước hết là sự giải tỏa tâm trạng, là đang “gắng hình dung ra khuôn mặt tinh thần” của con người trong cộng đồng. “Thơ Ý Nhi là lời nguyện cho nỗi yên hàn, bồn chồn ngay cả khi đã giáp mặt với bình yên” (Chu Văn Sơn).
Các bạn văn mỗi người phát hiện thêm những góc nhìn riêng. Hoàng Hưng tiếc cho năng lực linh cảm làm xao động lòng người thường được coi là thế mạnh của phụ nữ chưa được khai thác đầy đủ. Nhưng nhờ đó , anh nhận ra thi pháp thơ Ý Nhi “kìm nén hoặc để nguội hết những cảm xúc tức thời, những cảm xúc bột khởi, hờ hững với đời sống bản năng, thơ Ý Nhi là một kiểu trữ tình gián cách” và “chị có xu hướng cảm nhận cuộc đời trong tính hai mặt nghịch lý của nó”.
Nguyễn Đức Tùng gọi chị là “giọng nói của một người đàn bà cổ điển mà đương thời, dịu dàng nhưng rắn rỏi; ít lời, giàu ngụ ý”, “vượt qua chủ nghĩa thương cảm”-- và cho rằng “cuộc đời thật của Ý Nhi không khác mấy những điều chị viết”.
Với Thanh Thảo thì Ý Nhi sống chậm, viết chậm và “tỉnh táo bên ngoài, si mê khờ dại bên trong”.
Anh Ngọc gọi Ý Nhi có lối thơ khách quan, Lê Thành Nghị chú ý mảng “chân dung” văn nghệ sĩ qua ngòi bút Ý Nhi, chị viết về những nghệ sĩ có tính sáng tạo đặc biệt và số phận không mấy suôn sẻ - và đến Ý Nhi, thơ hiện đại “đã được đẩy thêm một bước”. Đọc thơ chị như vừa “đi qua một khu vườn đầy sắc lạ của thiên nhiên, đầy cung bậc của tâm hồn, đầy suy tưởng ngẫm ngợi của một ngòi bút”.
Nhà văn Lê Minh Khuê gọi Ý Nhi là “cuộc độc thoại triền miên”.
Mai Sơn gọi truyện của Ý Nhi là những bản luận đề trữ tình về cuộc sống.
Ngô Thị Kim Cúc gọi Ý Nhi là “nhà văn một hình nhiều bóng”.
- với Hồ Anh Thái thì “thơ Ý Nhi dường như có màu sắc mùa thu vàng và tính hàn lâm Nga”; đồng thời có tính “trầm tĩnh đặc trưng, cái bình thản tính cách, kiềm chế cảm xúc để không quá đà lạm dụng”.
- tác giả (trái) + nhà thơ Ý Nhi -- ảnh TL
Trong sách có bài phát biểu của Ý Nhi tại lễ nhận giải Cikada năm 2015 - nói lên quan niệm về thi ca - giúp ta hiểu hơn về những giá trị sáng tác, về tình yêu, sự thôi thúc cho sức cống hiến thầm lặng, bền bỉ của chị.
Trích dẫn câu hỏi của nhà thơ Ý đặt ra cách đây 40 năm “thơ còn tồn tại được không trong vũ trụ truyền thông đại chúng?”, Ý Nhi chứng minh thơ vẫn tồn tại vì “nỗi đau khổ và niềm hy vọng của con người”.
Chị trích dẫn các tác giả đã nói về thi ca “một bài thơ là sự phát triển của một tiếng kêu”: khi nào con người còn đau khổ khát vọng; còn chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, nghèo đói, thảm sát, di dân…, nghĩa là còn tiếng kêu, thì thơ còn.
Vai trò của thi ca càng cần khi cuộc sống xã hội bị nô lệ vào vật chất --và , thi ca giúp con người được là chính mình. Theo chị “thơ vẫn là nơi chốn con người có thể tìm đến một vẻ đẹp, niềm vui; sự an ủi, thanh lọc, một gợi mở…”, “thơ là thuốc giải độc cho kỹ thuật và thị trường”… “Chỉ cần có ích cho… một người, thơ đã xứng đáng để tồn tại”. Hơn nữa, Ý Nhi nghĩ “có thể nhiều người không cần thơ mà họ cần trước hết lương tri và tiếng nói của nhà thơ”.
Trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ [tp. HCM] vì sao lấy tên tác phẩm đồ sộ của đời viết hơn nửa thế kỷ là Ngọn gió qua vườn, Ý Nhi cho biết vì “mọi thứ đều là thoảng qua thôi” -- và, điều thấm thía nhất là trung thực với lương tâm, nhận thức của mình. Viết cái mình muốn theo cách hợp lý nhất - “Mình cứ thoải mái với mình, sống cũng thế mà viết cũng thế”.
Nhưng thật ra cuộc đời và sáng tác của Ý Nhi không đơn giản. Chị đã có tới 10 tập thơ và cuộc sống trải qua cả những niềm đau khổ, thất vọng lớn. Chị vẫn nói rằng mình có số phận may mắn, cha mẹ đàng hoàng, tôn trọng con cái (cha chị là học giả Hoàng Châu Ký), gia đình bố mẹ tốt, theo cách mạng, chồng là giáo sư bao dung, bạn bè quý hóa.
Nhưng trong giới văn chương nhiều người biết và hiểu chị cũng trải qua cơn lốc mãnh liệt và thất vọng trong tình cảm. Điều đó khiến nhiều người tưởng sau những bài thơ trong “Vườn” chị đã “rút vào một cuộc xa lánh” theo tự nhiên, chiêm nghiệm tìm lại những tốt đẹp và giá trị thật - vui với khu vườn thật của gia đình… Nhưng từ “khu vườn” ấy chị đã không “ở ẩn” mà tiếp tục sáng tác khá nhiều, để hôm nay có cuốn tuyển tập đồ sộ ra mắt độc giả.
Tôi học cùng khoa Văn với Ý Nhi nhưng dưới chị mấy lớp.
Gs. Nguyễn Lộc (chồng chị) cũng là thầy dạy chúng tôi môn Văn học Việt Nam, làm chúng tôi say đắm Truyện Kiều.
Gs. Nguyễn Lộc (chồng chị) cũng là thầy dạy chúng tôi môn Văn học Việt Nam, làm chúng tôi say đắm Truyện Kiều.
Từ thuở sinh viên đi sơ tán lên rừng tránh bom đạn, cùng sống trong thung lũng và trải qua những khao khát, mộng mơ văn chương, rồi công tác báo chí - xuất bản tại Hà Nội. Biết hết những bạn bè của chị - đã là các tên tuổi nổi tiếng - và biết gần hết những nhân vật mà chị viết. Ở Sài Gòn mặc qua bao biến đổi, tôi đã từng được ngồi trong khu vườn ấy, nghe Ý Nhi kể chuyện đời, chuyện thơ…
Ý Nhi có lần tâm sự: “Bản chất mình dễ bị tổn thương. Có thể đó là đặc điểm chung của nhà thơ, người ta đau một, thi sĩ đau mười. Bề ngoài êm đềm, nhưng giữa lý lịch và đời sống nội tâm là một sự khác biệt”. Các phong cách khác nhau đã làm phong phú cho thi ca Việt Nam.
Ngọn gió qua vườn - mọi thứ đều thoảng qua thôi - nhưng gió ấy góp phần nuôi dưỡng ý thức con người với cuộc sống. ./.
Nguyễn Thị Ngọc Hải
============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ