Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

tuần báo Nhân Loại trong dòng văn học Sài Gòn / tạp bút Lê Văn Nghĩa -- source: Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ / nxb Trẻ (tp. HCM) quý 1/ 2020


tuần báo Nhân Loại trong dòng

 văn học Sài Gòn


lê văn nghĩa


VHSG- Trong bộn bề tài liệu, tôi đọc được những dòng chữ nầy của Gs. Trần Hữu Tá và Bằng Giang “40 năm trước, tôi được đọc những truyện ngắn của Trang Thế Hy đăng trên tuần báo Nhân Loại bộ mới ở Sài Gòn năm 1956 – 1957. Giữa Sài Gòn ngột ngạt của những năm đầu đất nước bị cắt chia, các cây bút yêu nước như: Lê Vĩnh Hòa, Lý Văn Sâm, Tân Đức, Sơn Nam, Viễn Phương, Truy Phong, Lê Văn, Thái Bạch, Ngọc Linh, Kiêm Minh… đã tụ hội lại, tạo nên một diễn đàn văn nghệ có sức hút mạnh mẽ người đọc vùng đô thị miền Nam, buộc họ phải nghĩ tới – dù những người viết đã rất kín đáo – thực trạng của đất nước, hiểm họa của ngoại xâm, nguy cơ của cuộc sống bị Mỹ hóa và đạo đức truyền thống bị băng hoại.” (Trần Hữu Tá). “Tờ Nhân Loại là ‘địa chỉ đỏ’ quy tụ nhiều cây bút kháng chiến  như Lê Vĩnh Hòa, Trang Thế Hy, Viễn Phương, Lưu Nghi, Kiêm Minh… Với 110 số báo trong nhũng năm 56-59, Nhân Loại là tờ báo cách mạng công khai cần được nhắc tới. Vậy mà lâu nay nó chìm trong quên lãng theo thời gian.” (Bằng Giang).


Những băn khoăn của hai nhà giáo cững là nhà nghiên cứu văn học đã khiến tôi tìm hiểu về tờ báo nầy. Đọc nhiều văn bản về thời kỳ văn nghệ cách mạng trong thời kỳ tạm chiếm cũng thấy viết những dòng chung chung. Điều nầy đã thúc đẩy tôi đi tìm tài liệu để cố dựng lại lịch sử của tờ tuần báo nầy…


nhà văn Lê Văn Nghĩa [ 1953 -        ]
tác giả SÀI GÒN CHUYỆN XƯA MÀ CHƯA CŨ 

BỐI CẢNH SAU HIỆP ĐỊNH

Từ năm 1956 trở đi, chính quyền Ngô Đình Diệm “ra tay” mạnh với những người kháng chiến cũ.  Bắt bớ ký giả – đập phá báo Tiến Thủ của Việt Thà-  Lê Văn Thử khi đăng bài thơ Một Thế Kỷ Mấy Vần Thơ của Truy Phong. Bắt nhiều cán bộ lãnh đạo phong trào báo chí công khai, những người viết báo có khuynh hướng tiến bộ trong đó có tờ tuần báo Duy Tân do Lý Văn Sâm và Dương Tử Giang (mướn lại của Nguyễn Ang Ca) ra ngày 25.6.55. Ngày 8.10.55 Lý Văn Sâm  và  Dương Tử Giang bị bắt. Duy Tân đóng cửa.

Bên cạnh việc đàn áp bằng vũ lực, chính quyền Ngô Đình Diệm bổ nhiệm Trần Chánh Thành làm bộ trưởng Bộ Thông Tin, giám đốc Nha Báo chí là Hoàng Nguyên đã tăng cường nhiều thủ đoạn bóp nghẹt báo chí. Bộ Thông Tin đã ban hành nghị định số 269-NĐ/BTT ngày 15/10/54 ấn định rằng những người đã được cấp giấy phép mà không xuất bản báo thì không được quyền cho người khác mướn manchette tờ báo đã được cấp. Lý do: Sau khi Hiệp Định Genève được ký kết chính quyền SG đã không cấp thêm giấy phép ra báo. Những tờ báo nhật báo đã có giấy phép rồi cũng không được chuyển sang tuần báo và ngược lại. (Thiện Mộc Lan – Trần Tấn Quốc 40 năm làm báo, trang 225).

Chúng tài trợ những tờ nhật báo của chính quyền như: Cách Mạng Quốc Gia – Tiếng Dân của nha chiến tranh tâm lý, Dân Chúng, Tự Do, Ngôn Luận, Chính Luận... và những nhóm làm văn học nghệ thuật.

TỰ LỰC CÁNH SINH

Từ sau Hiệp định Genève 10-1954, nhiều văn nghệ sĩ kháng chiến ở Nam bộ được điều động về Sài Gòn. Họ phải tự kiếm sống và chiến đấu bằng ngòi bút để tạo nên một phong trào sáng tác có nội dung lành mạnh, tiến bộ, đề cao lòng yêu nước, chống ngoại xâm,chống bọn tay sai bán nước, bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh, chống độc tài gia đình trị.

Sau khi tờ tuần báo Duy Tân bị đóng cửa, Lý Văn Sâm và Dương Tử Giang bị bắt (và sau nầy chết trong tù) Giáo Sư Nguyễn Văn Hiếu (tức Khải Minh, bí thư ban trí vận thành ủy 1949-1957) phụ trách báo chí chỉ đạo Trường Xuân Trúc và Nguyễn Bảo Hóa (Tô Nguyệt Đình)  phải tổ chức một tuần báo văn nghệ tiếp tục đường lối đấu tranh đòi hiệp thương thống nhất. Hai ông đã liên hệ mướn được manchette tờ Nhân Loại của Anh Đào để lấy thế công khai hợp pháp. Tờ tuần báo nầy ra từ năm 1953, sáng lập là Trần Đức Ước, chủ nhiệm kiêm chủ bút là Anh Đào đã thay nhiều đời thư ký tòa soạn . Từ tháng 12/55 Thư ký tòa soạn là Dương Hà.

Tờ tuần báo thời sự – xã hội Nhân Loại do những nhà văn kháng chiến bỏ tiền túi ra mắt vào cuối tháng 11/1956 với thành phần : Chủ Nhiệm kiêm chủ bút Anh Đào (người cho thuê manchette không chỉ đạo nội dung), Thư ký tòa soạn Thùy Lê Anh (Nguyên Hùng ) có sự cộng tác của Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Tiêu Kim Thủy, Lê Dân, Trường Xuân Trúc ngay số đầu tiên. Nguyên Hùng cũng vừa mới lên Sài Gòn gặp được Trường Xuân Trúc rũ làm báo Nhân Loại và mỗi người phải đóng 500 đồng vì không có ngân khoản nào của cách mạng tài trợ. Sở dĩ ông được chọn làm TKTS là do có giấy tờ công khai sớm  hơn mọi người. Ngày thượng bảng tuần báo Nhân Loại trước của nhà in Hồ Văn Lợi, 316 bến Chương Dương  chỉ  có ba mống là Nguyễn Bảo Hóa người thay mặt bộ biên tập giải quyết những chuyện nghiệp vụ, Trường Xuân Trúc và Nguyên Hùng. Theo lời Nguyên Hùng,  ông chỉ là người thường trực tại tòa soạn được giao vài việc nhẹ nhàng như đọc thư từ  của bạn đọc nếu cần thì trả lời. Kế đó là đọc bản thảo các nơi gửi tới ‘góp ý đăng được hay không? Được giao nhiệm vụ đọc báo ngoại quốc như Selection hay Consellation. Ông chỉ làm thư ký toà soạn được vài tháng rồi bàn giao cho người khác.


Đến số 14 bộ mới ra ngày 28/7/56  tờ tuần báo Nhân Loại cải biến nhẹ nhàng là tờ tuần báo VĂN NGHỆ – THỜI SỰ XÃ HỘI. Lúc nầy Nguyên Hùng không còn làm Thư ký tòa soạn nữa nhưng trong thần phần biên tập không ghi tên thư ký tòa soạn. Tờ tuần báo nầy giá 6 đồng 36 trang. Số đầu tiên đổi mới nầy có bài của Tân Đức. Từ số nầy, tờ báo có khuynh hướng văn nghệ rõ hơn mặc dầu bộ cũ vẫn có văn của Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương, Ngọc Linh…Đến số 41 (15/2/57) mới có tên Ngọc Linh là thư ký tòa soạn nằm trên manchette báo.


TUẦN BÁO VĂN NGHỆ MANG SẮC THÁI NAM BỘ

Trong khoảng thời gian từ sau hiệp định Giơ-neo, tại Sài Gòn-thủ phủ chính trị của miền nam xuất hiện nhiều tờ nhật báo.Riêng phía cách mạng có những tờ Tiếng Dội (Triệu Công Minh), Trời Nam (Lương Ngọc), Dân Chúng (Trường Xuân Trúc), Lẽ Sống (Nam Thanh) Buổi Sáng, Ánh Sáng…Những tờ báo nầy mang tính chất thời sự chính trị hơn là một tờ báo văn nghệ.

Sau đó, chính quyền miền nam tài trợ cho ra những tờ tuần báo văn chương như nhóm Sáng Tạo gồm những văn sĩ từ miền bắc di cư vào nam. Theo Thế Phong “Sáng Tạo gồm: Trần Thanh Hiệp (tập sự luật sư), Nguyên Sa, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền… cùng các văn nhân vệ tinh khác vây quanh. Mai Thảo huênh hoang, dao to búa lớn cầm cờ cổ súy phong trào lấy văn hóa làm phương tiện chống Cộng mới hiệu quả, có tính chiến lược lâu dài … “đem ngọn lửa văn hóa vượt vĩ tuyến sáng lên ở đây hôm nay… Sài Gòn là Thủ đô văn hóa v.v… Và quả thực mãnh lực đồng Mỹ kim, có giá trị siêu đẳng, từ đó khiến kẻ bao thầu văn không còn ngứa cổ hót chơi như chim thơ tiền chiến Xuân Diệu hót hoài, hót mãi âm điệu: “… Năm 1954 còn ghi lại chối lòa cái đẹp của mùa mới, cái đẹp của lên đường (…) Khởi đầu của từng hoạt động văn học, từng phát động nghệ thuật, nói chung, của ta tuyệt đúng, tuyệt hay…!” (Thế Phong). Rồi nguyệt san chính trị văn học Quê Hương với những bài viết của Ngô Đình Nhu, Từ Chung, Nguyễn Cao Hách… Tiếp theo đó là Nhất Linh với Văn Hóa Ngày Nay (1958), Bách Khoa của Huỳnh Văn Lang và Hoàng Minh Tuynh (hai viên chức cao cấp trong chính quyền Ngô Đình Diệm .

Lúc ấy tờ tuần báo Nhân Loại là tờ tuần báo văn nghệ của ‘những cây bút miền nam’ đứng ‘thoi loi’ ,với ngôn ngữ miền nam rặt chống chọi lại ngôn ngữ văn chương miền bắc, cao siêu mà Lữ Phương gọi là ‘văn nghệ hũ nút’. Họ đã tạo được một thế đứng riêng biệt không thể phủ nhận được khi viết về nông thôn miền nam và tạo thành một khuynh hướng đối lập về ngôn ngữ cũng như khuynh hướng chính trị trong cách phản ánh hiện thực bằng văn chương. Võ Phiến đã nhận định: ‘Cá tính Miền Nam hiển hiện rõ rệt trong nền văn học chúng ta thời kỳ 54-75 hiển hiện có ý thức… Sự hồi đầu của họ (những nhà văn nhóm Nhân Loại- Người viết) về Nam là một chủ tâm. Cá tính văn học miền nam là điều không thể phủ nhận và nó rất hấp dẫn. Sự phát huy bản sắc miền nam là một đóng góp thật quan trọng vào nền văn học VN….’ ‘Nhìn chung từ trước tới sau suốt thời kỳ 54-75 lúc nào cũng có những nhóm văn nghệ sĩ gần nhau không hẳn vì lập trường văn nghệ mà là vì một quan điểm chánh trị …Quan điểm, Nhân Loại, Tự Do…Văn học thời kỳ nầy mang đậm màu sắc chánh trị…’


NHÂN LOẠI – ĐẤT ƯƠM TÀI NĂNG MIỀN NAM

Một nhà văn bắt đầu sự nghiệp ngòi bút của mình ắt hẳn rất cần một tờ báo văn nghệ có cùng chí hướng. Có tờ báo nghĩa là có đất dụng võ, tạo trớn cho tài năng phát triển. Noi theo những cây bút nhà văn miền nam đã nổi tiếng với các tác phẩm ‘máu lửa’ như Tô Nguyệt Đình, Lý Văn Sâm, Viễn Phương, Thẩm Thệ Hà…  các cây bút trẻ lúc ấy như Lê Vĩnh Hòa, Trang Thế Hy, Ngọc Linh đã bắt đầu cầy xới cánh dồng chữ nghĩa của mình trên cánh đồng Nhân Loại.

Nhà văn Trang Thế Hy có truyện ngắn đầu tiên là ‘bức tranh… trên Nhân Loại số 20 (7/9/56). Ngoài những truyện ngắn đăng trên Bách Khoa, chưa chính xác nhưng ít nhất ông đã có 16 truyện đã đăng trên Nhân Loại như: ‘Nắng Đẹp Miền Quê Ngoại’, ‘Áo Lụa Giồng’, ‘Vừng trăng bên kia sông’, ‘Bức Tranh Không Bán’… Gs Trần Hữu Tá đã nhận xét: “Trang Thế Hy đã dựng lên những cảnh trí Nam bộ với đặc trưng khó lẫn. Những rặng tràm thưa, những cội vông đồng soi bóng đỏ ối trên gương nước, những xuồng con lắt lẻo trên đồng sâu, những biển cỏ mênh mông xào xạc, những con kinh mùa nắng nước phèn trong như lọc, “nhìn thì đẹp nhưng hớp vào chua quéo miệng…”.

Trong không gian nghệ thuật rất gợi ấy, cũng như các cây bút Nam bộ đàn anh kể trên, trong các trang văn của Trang Thế Hy ẩn hiện đi về những con người Nam bộ – đặc biệt là người nông dân, trẻ có già có, nước da đen đúa, quần áo lôi thôi, nói năng thô cộc nhưng trung thực, thẳng ngay, nghĩa khí: “Uy vũ bất năng khuất”.

Khác với Hồ Biểu Chánh, Phi Vân…, cảnh trí và con người Nam bộ trong tác phẩm Trang Thế Hy đang bị quay cuồng trong dông bão, ngày ngày rỉ máu do tội ác của thế lực ngoại xâm.

Không tiện trực diện đề cập đến sự can thiệp ngày càng sâu của Mỹ, nhà văn nhắc đến tội ác chiến tranh của đạo quân xâm lược Pháp trước 1954 và về thân phận bi đát của những người dân lương thiện trước dục vọng và bom đạn của kẻ thù (Nắng đẹp miền quê ngoại, Áo lụa giồng…).
Cách viết kín đáo xa xôi, mượn xưa nói nay, mượn ngoài nói trong, thậm chí mượn chuyện hoang đường hư huyễn để gửi gắm những ý tưởng cháy bỏng của mình, giai đoạn sáng tác này của Trang Thế Hy cũng như Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Hạnh… đã sử dụng rất nhuyễn, và đã tác động sâu sắc đến tư tưởng người đọc thành thị miền Nam.

Thế nhưng khi có điều kiện ông cũng không ngần ngại đề cập đến mặt trái của xã hội Sài Gòn đang trượt dài trên dốc của lối sống vật chất chủ nghĩa: cô con gái nhà lành phải nuốt nhục, bán mình để nuôi em ăn học, nhưng rồi không chịu nổi nỗi ô nhục ghê gớm đó, cô gái đã tự tử (Một thiếu nữ không đáng kể).’

Nếu như Trang Thế Hy bắt đầu đăng truyện ngắn đầu tiên trên Nhân Loại vào năm 32 tuổi thì  Lê Vĩnh Hòa bắt đầu có truyện ngắn đầu tay của mình trên Nhân Loại khi ông 24 tuổi.  Hầu như tất cả truyện ngắn của ông viết trong thời kỳ tạm chiếm (56-58) đều đăng trên Nhân Loại trừ một tùy bút đăng trên báo Bông Lúa. (Sóc Trăng- 1956). Theo ước tính trong những năm 56 đến khi bị bắt ông đã sáng tác được 29 truyện, tùy bút (và 5 bài thơ) trên báo Nhân Loại. Lê Vĩnh Hòa dùng truyện ngắn của mình để vạch trần sự tàn bạo của cuộc chiến tranh phi nghĩa, đã giết chết những ước mơ giản dị. Ông có cách viết ngắn gọn, cô đọng, phong phú và đa dạng. Thực ra, ông sinh trưởng tại Bình Định nhưng vì đã theo cha vào sống ở xã Vĩnh Hòa (Rạch Giá) từ nhỏ nên ông đã ảnh hưởng lối sống, suy nghĩ và phong cách viết của người miền nam: giản dị trong ngôn ngữ đối thoại, đôi lúc trữ tình kết hợp với hài hước.

Cũng giống như Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hòa, Nguyên Hùng… khi về thành, chàng trai Sơn Nam ‘chưa quá ba mươi. Tác phẩm đầu tay của Nhà văn Sơn Nam là một tập thơ mang tựa đề Lúa reo, do Hội Văn hoá kháng chiến Kiên Giang xuất bản năm 1948. Năm 1951-1952, hai truyện ngắn Bên rừng Cù Lao Dung và Tây đầu đỏ, ông đã giành giải nhất trong cuộc thi do Uỷ ban Kháng chiến-Hành chính Nam bộ tổ chức. Tuy nhiên, ông lại nổi danh trên văn đàn là tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau ( Phù Sa xuất bản năm 1962). Điều khó khăn vẫn là hội nhập với giới cầm bút Sài Gòn…’ Và Sơn Nam (không nói rõ nhờ ai giới thiệu) đã bắt đầu sự nghiệp, rồi để sau nầy trở thành nhà nam bộ học từ phóng sự ‘Lên Đỉnh Tà Lơn’. Tại sao ông chuyên khảo cứu về nam bộ . Hãy đọc những dòng tâm sự chân thành: ‘Đọc chơi mấy tập san mua lúc mới lên Sai Gòn, tôi sự nhớ còn một nhu cầu cấp bách về học hỏi. Nếu người ta chú ý đén vai tròn con ba khía trong từng lớp nghèo ở ven biển, tại sao ta không thử nghiên cứu đến những co lươn, con rùa, con ếch, con rắn trong sinh hoạt của dân khẩn hoang vùng U Minh, vùng ven biển Cà Mau…Muốn hiểu hồn dân tộc thì nên xem việc khẩn hoang với những trung tâm văn hóa dân gian, tại sao phát sanh bản vọng cổ…’ Tâm niệm nầy là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời viết văn của Sơn Nam. Và tất cả những ‘Chuyện xưa tích cũ’ (1958), ‘Tìm Hiểu Đất Hậu Giang (1959),’ Hương Rừng Cà Mau’ (1962), ‘Chim Quyên Xuống đất’(1963) đều là những truyện ngắn, biên khảo đã đăng trên Nhân Loại.

Nói đến Nhân Loại, ngòai kỹ sư Nguyễn Văn Hiếu, Tô Nguyệt Đình, Trường Xuân Trúc,Nguyên Hùng… không thể không nói đến vai trò ‘bếp núc’ của Ngọc Linh – người làm thư ký tòa soạn trẻ nhất, năm 21 tuổi. Tôi không rõ Ngọc Linh chính thức làm thư ký tòa soạn từ lúc nào chỉ biết về mặt danh chánh ngôn thuận thì ông có tên trên manchette từ số 41 (15/2/57). Mặc dầu vậy, ông đã xuất hiện với bài báo về một nghệ sĩ cải lương từ số 8, rồi truyện ngắn ‘Tàn một Ngọn Đèn’ trên số 11. Từ đó ông thường xuyên xuất hiện với những bài phóng sự như ‘Đồng Tiền Rắc Máu’, viết truyện lịch sử bằng tranh. Và tiểu thuyết đầu tay của ông là ‘Trên Sông Hoàng Hôn’ in vào số 88 (10/1/58). Đến ngày 22/8/58, tuần báo Nhân Loại ra bộ mới số 1, khổ 18×21 với tình chất là tập san Văn Nghệ vẫn do Ngọc Linh làm thư ký tòa soạn. Lần cuối ta thấy tên ông với nhiệm vụ là thư ký tòa soạn là số xuân Kỷ Hợi phát hành vào tháng 2/59.

Tuy số tác phẩm của Ngọc Linh trong thời kỳ nầy để lại không nhiều (có lẽ do nhiệm vụ TKTS) nhưng những truyện ngắn và tác phẩm của ông cảnh báo về sự phân hóa suy đồi ỡ các đô thị miền nam. Sau khi Nhân Loại bị đóng cửa, ông tiếp tục làm cho báo Lẽ Sống – cũng là một tờ báo của cách mạng.

Phải nói là tất cả những tác phẩm của Sơn Nam, Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hòa, Ngọc Linh đăng trên Nhân Loại đều được in thành sách. Từ năm 1957, tập truyện ngắn ‘Chiếc Áo Thiên Thanh của 4 tác giả: Lê Vĩnh Hòa ( 8 truyện), Tiêu Kim Thủy, Viễn Phương, Ngọc Linh – mỗi người một truyện  do Nxb Trùng Dương phát hành. Rồi sau đó là của ‘Nắng Đẹp Miền Quê Ngoại’ (Văn Phụng Mỹ), ‘Mái nhà thơ’ Lê Vĩnh Hòa.

Ngoài những cây bút miền nam đã thành danh như Tô Nguyệt Đình ( Nguyễn Bảo Hóa-Tiêu Kim Thủy), Viễn Phương, Thẩm Thệ Hà, Bình Nguyên Lộc trên tờ Nhân Loại xuất hiện những cây bút miền nam trẻ như Sơn Nam với những truyện về miền nam đầu tay như : ‘Lên Đỉnh Tà Lơn’, ‘Con Mèo Mặt Biển’, ‘Bác Vật Xà Bông’… Lê Vĩnh Hòa với truyện ngắn đầu tay ‘Vỏ Cà Rem’ (NL, số 1) rồi tiếp tục là ‘Áo Vải Tim Vàng’ (đoạt giải ba cuộc thi truyện ngắn bằng hiện kim là 500 đồng), ‘Đôi Bạn’,’Lúc Chiều xuống’… Rồi Văn Phụng Mỹ (Trang Thế Hy) xuất hiện với truyện ngắn đầu tay là ‘Oan Tình’ (NL số 20 ngày 7/9/56). Nhà thơ Kiên Giang đầu tiên xuất hiện trên NL với bài thơ ‘Quán Giữa Đồng (số 34). Riêng Ngọc Linh trước khi là thư ký tòa soạn đã có những bài báo viết về kịch trường như ‘Ngày cuối cùng của tài danh Tư Út’, ‘Mười Bửu’, và bút chiến sân khấu về đường lối sân khấu ký tên là Thủy Linh và Tiền Giang. Ông có  truyện ngắn đầu tiên trên Nhân Loại là ‘Tan một Ngọn Đèn’…Bên cạnh dó còn những cây bút miền nam khác góp mặt không thường xuyên như  Hợp Phố ( nữ), Lê Dân, Vĩnh Điền, Trường Xuân Trúc… Sau nầy Viên Linh đã nhận định ‘Thế hệ văn học đầu của Miền Nam qui tụ quanh các báo Nhân Loại, Sáng Tạo, Bách Khoa, Thế Kỷ Hai Mươi, Hiện Đại…”

Để phát hiện thêm tài năng văn nghệ cùng chí hướng, số 6 (2/6/56), tuần báo Nhân Loại bắt đầu đăng thể lệ ‘Cuộc thi truyện chọn lọc’ với ba tiêu chí hữu ích, thiết thực, xây dựng với ‘Ban Duyệt Cáo’: Trưởng Ban chịu trách nhiệm Anh Đào, thưkKý Bình Nguyên Lộc và Thùy Lê Anh. Và đúng như mong đợi, cây bút mới và trẻ (24 tuổi) Lê Vĩnh Hòa đã đạt giải ba với truyện ‘Áo Vải Tim Vàng’ với hiện kim là 500 đồng. Sau nầy cùng góp phần với những cây bút Nhân Loại Sẵn có, Lê Vĩnh Hòa là một  ‘chiến tướng’, xuất hiện thường xuyên. Đúng là ‘Quý hồ tinh, bất quý hồ đa’. Tất nhiên, Lê Vĩnh Hòa cùng  những cây bút miền nam tại Nhân Loại đều lấy đề tài từ nông dân nam bộ với hoàn cảnh nô lệ trong thời kỳ thuộc Pháp. ‘Những rặng tràm thưa, những cội vông đồng soi bóng đỏ ối trên gương nước, những xuồng con lắt lẻo trên đồng sâu, những biển cỏ mênh mông xào xạc, những con kinh mùa nắng nước phèn trong như lọc, “nhìn thì đẹp nhưng hớp vào chua quéo miệng…”. (Trần Hữu Tá).’Những cây bút nầy viết về miền nam với ý thức ‘muốn tìm về đề tài dân tộc, ngòi viết văn nghệ phải hướng về nông thôn. Gắn với tình cảm nông thôn mới trình bày được cảm quan dân tộc…Muốn tạo được những tác phẩm hợp với cảm quan đại đa số quần chúng, văn nghệ phải từ nông thôn ra,  và trở về với nông thôn’ (Lý Văn Sâm). 
Trụ lại giữa lòng địch phải trực diện đấu tranh, chấp nhận trả giá trong cuộc đối đầu không cân sức. Trăm phương ngàn kế và kiếm sống, kiếm tiền ra báo vừa có thể sáng tác đáp ứng yêu cầu kịp thời của cách mạng các nhà văn miền nam nầy cũng khéo léo ‘viết và lách’để có thể tồn tại mà chiến đấu bằng ngòi bút.  Họ không thể chiến đấu trực diện với quân đội Mỹ, chính quyền miền nam như những nhà văn sống trong chiến khu nên họ mượn hình ảnh người nông dân và nông thôn  thời Pháp thuộc nhưng hàm ý nói về cuộc sống của nhân dân miền nam thời kỳ sau Genève. ‘Viết văn viết báo phải có cách luồn lách ngòi bút qua mắt kiểm duyêt. Mục đích của người viết là làm sao đưa trót lọt nội dung yêu nước vào bài viết của mình khi hoạt động trong lòng địch’ (Lý Văn Sâm. )Tất cả sáng tác ít nhiều bộc lộ lời tố cáo chế độ phi nghĩa lên án Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh ở miền nam như nhưng những câu trong bài thơ ‘Xuân Nhân Loại’ của Lê Vĩnh Hòa: ‘Từ thở xuân về trong man rợ/ Máu về theo với kiếp điêu linh… Xuân hỡi, một mùa xuân nhân loại/ Đã đến đâu đây giữa tiếng cười…

Cách viết kín đáo xa xôi, mượn xưa nói nay, mượn ngoài nói trong, thậm chí mượn chuyện hoang đường hư huyễn để gửi gắm những ý tưởng cháy bỏng của mình, giai đoạn sáng tác này của Trang Thế Hy cũng như Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương…đã sử dụng rất nhuyễn, và đã tác động sâu sắc đến tư tưởng người đọc thành thị miền Nam.’ (Trần Hữu Tá). Bộ trưởng thông tin là Trần Chánh Thành đã đánh hơi được tuần báo Nhân Loại có khuynh hướng ‘thân cộng’ nên đã tìm cách đóng cửa. Không như tờ nhật báo Tiến Thủ, Nhân Loại có một cái chết rất ‘dịu êm.’ Dù biết Nhân Loại là một tờ tuần báo có hơi hướng thân cộng nhưng bị kẹt trong thế dân chủ giả hiệu không thể kiểm duyệt bài, không thể chính thức đóng cửa nên bọn chúng bắt Nhân Loại đưa về Tổng Phát hành Thống Nhất. Nha tổng phát hành Thống Nhất do chính quyền nắm mạng lưới phát hành thay thế cho hệ thống phát hành tư nhân.  Bộ phận nầy là thêm một tầng nấc kiểm duyệt báo chí. Nếu báo vuột được kiểm duyệt ở Bộ Thông tin thì ở khâu phát hành bọn chúng sẽ báo ngay cho Bộ Thông tin để ách lại.

Theo chỉ thị, Tổng phát hành Thống Nhất chẳng chịu phát hành tờ Nhân Loại, chỉ bán lấy lệ rồi trả hàng đống báo về cho tòa soạn. Trong thời gian ấy có vẻ như để quẫy đạp, trên Nhân Loại người ta đọc được một lời kêu gọi sau: ‘Thể lệ về Cổ động viên Nhân Loại: kính gửi các bạn yêu văn nghệ, các hiệu đoàn, tư nhân hay hiệp hội. Nhân loại đang cần nhiều cổ động viên ở Đô thành và các tỉnh. Nhân Loại tha thiết kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ của quý bạn. Cổ động viên có nhiệm vụ giới thiệu tờ báo và tìm độc giả mua báo dài hạn. Góp nhặt ý kiến độc giả và gởi đề nghị canh tân tờ báo. cổ động viên được tặng báo thường xuyên, ưu tiên xem xét bài vỡ và có bút phí theo thể chế biên tập. cổ động viên  được hưởng huê hồng 20 o/o trên tiền báo bán được…’Kết quả vì không có tiền quay vốn nên Nhân Loại  chỉ sống được số 10/59  rồi tự động trả lại manchette cho Anh Đào. Bắt đầu từ số 11/59 không còn tên Ngọc Linh là thư ký tòa soạn và tòa soạn dời về đường Nguyễn Công Trứ. Tiếp đó, Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hòa, Sơn Nam bị bắt. Trước đó, vào tháng 2/1958, Trường Xuân Trúc, Nguyễn Bảo Hóa, Nguyên Hùng bị bắt cùng nhà báo Triệu Công Minh trong vụ án 11 ký giả và ba trí thức khác, Lê Vĩnh Hòa bị ‘lượm’ vào tháng 10/58, Sơn Nam và Trang Thế Hy cũng không thoát khỏi vào năm 60 và 62.

Qua 110 số tuần báo văn nghệ Nhân Loại do những người kháng chiến thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ban Trí Vận (bí thư Nguyễn Văn Hiếu) không còn nữa nhưng tác dụng tố cáo và đòi hỏi thống nhất có tác động đến tâm tư và tình cảm của người đọc và Nhân Loại cũng có mặt góp phần vào tiến trình văn nghệ miền nam những năm 56-60,  cũng như dòng  văn học kháng chiến trong lòng địch. Tuần báo Nhân Loại cùng với các nhà văn chiến sĩ đã cho ra đời những tác phẩm có giá trị về nghệ thuật và nội dung như nhà thơ Chế Lan Viên đã nhận định: ‘Nhờ các nhà văn Nam bộ chúng ta đã khám phá, phát hiện ra chất liệu đã làm nên cái miền đất ‘máu thịt của VN’ (tạp văn của Đoàn Giỏi /1987). Ngày nay khi đọc lại những truyện ngắn, truyện dài, bài báo trên Nhân Loại một cách nhàn nhã như tìm một chút hoài niệm của lịch sử, chúng ta không thể hình dung hết được khi viết nên những dòng, con chữ thì nhà văn trong nhóm Nhân Loại đã chịu đựng nhiều áp lực như thế nào. Một bên là cuộc sống dễ chịu đang rộng mở và một bên là nhà tù đang chờ và nhóm Nhân Loại vẫn viết để phục vụ cho lý tưởng của mình và khi bị bể thì ‘ta ở tù rồi vô khu’. Thật là đơn giản và thanh thản khi đời họ đã chọn cho mình một con đường!

Không có điều kiện nghiên cứu sâu, toàn diện những mặt mạnh và mặt hạn chế của tờ Nhân Loại,  tham luận nầy chỉ như là một phác thảo, một gợi ý cho một những nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học tìm hiểu sâu thêm về tờ báo nầy. Một tờ tuần báo tự thân sống và chiến đấu cũng như là đất để khởi nghiệp cho những cây bút tiếp tục có nhiều đóng góp giá trị cho văn học miền nam sau những năm 75 của những cây bút nòng cốt của tờ Nhân Loại đáng quí này như lời của Gs Trần Hữu Tá “Lịch sử văn học VN hiện đại cho đến nay vẫn chưa trân trọng ghi công đúng mức tờ báo xuất sắc này”.

LÊ VĂN NGHĨA
Tài liệu tham khảo:

1) tuần Báo Nhân loại: các số từ năm 1953, 1955, 1956, 1957, 1958, 1959.
2) Thiện Mộc Lan, ‘Trần Tấn Quốc 40 năm làm báo, Nxb Trẻ, 2000.
3) Lê Vĩnh Hòa, Tuyển tập,/ Nxb Văn Nghệ TPHCM. 1986
4) Hồi Ký Sơn Nam 20 năm giữa lòng đô thị. NxbTrẻ 2004
5) Nguyên Hùng, ‘Chém Vè Giữa Làng Báo Sài Gòn’, Nxb CAND.
6) Bằng Giang, Hoàng Hà, Nguyễn Mẫn ‘Báo Chí yêu nước Sài Gòn, mặt trận công khai.
7) Trần Hữu Tá ‘Đọc Trang Thế Hy’, Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 10/2008
8) Võ Phiến-Tổng Quan Văn Học Miền Nam, 2010.
9) Thế Phong, Lược sử văn học VN /  Hiện tình văn nghệ Miền Nam 1957-  61. ( Sài Gòn 1961)
10) Ngọc Linh, Nhớ Lê Vĩnh Hòa, Nxb Sân Khấu 1993.
11) Tầm Nguyên, Quốc Phượng ‘Báo chí Sài Gòn trong 30 năm kháng chiến 45 -75.


  ------------------------------------
trích  từ vanhocsaigon
--------------------------------------


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ