'về nhà văn VÕ PHIẾN + ' mối tình câm' với nữ văn sĩ TÚY HỒNG ' / bài viết: nhà văn nữ TÚY HỒNG -- trích lại từ BLOG VŨ THẤT
lời giới thiệu:
- Võ Phiến [1925- 2015 usa] và Túy Hồng [1938- ] có 'mối tình câm' ngoài luồng [nói như ngôn từ hôm nay] , tác giả' Đêm xuân trăng sáng" , phản ánh về mối tình văn chương vụng trộm với nhà văn nữ Túy Hồng , qua những 'đêm xuân trăng sáng' ở Dalat. ( lúc này Túy Hồng đã là vợ cố văn sĩ Thanh Nam- Trần đại Việt. (*) .
cùng nghe Võ Phiến 'gầm gừ' :
"...em không bằng Nguyễn thị Hoàng, em thua kém Nguyễn thị Thụy Vũ và ... Họ kính nể người yêu, họ không oán trách người tình, không căm giận những người đàn ông mà họ đã thương [yêu]. Còn em không tốt, em nói xấu anh dữ dội, qua truyện ngắn em viết ...."
trả đũa, nữ văn sĩ Túy Hồng đáp trả : "... Tôi đến sở Thông tin tìm gặp Võ Phiến lần cuối rồi dứt khoát mối tình phiền não này... [Và ] không thường xuyên lui tới tòa soạn Bách Khoa nữa , không luôn gặp gỡ nhóm văn sĩ Bách Khoa... tôi xoay qua ... "
mời bạn đọc theo dõi bài viết "thật hay, thật xúc động, thật chân thành ... về mối tình câm vụng trộm kia-- mà tác giả gọi là
" mối tình phiền não ..."
Thế Phong
Saigon, thứ 5 Oct. 11, 2018.
------------------------
(*) - nữ văn sĩ Túy Hồng viết về chồng, nhà văn Thanh Nam- Trần đại Việt: "... Thanh Nam là 'tay văn sĩ nhỏ', nhưng chơi với những tay lớn, đã nhờ một ông thiếu tá giới thiệu tôi với một bác sĩ quân y:'để xin giấy chứng nhận tôi bị đau bệnh thần kinh điên loạn' -- Tôi ở nhà nghỉ dài hạn, [nhưng vẫn] ăn lương của Đài phát thanh Mỹ [trong] 4 năm; và, vẫn ăn lương giáo chức của Chính phủ miền Nam Việt Nam .[VNCH] ... "
------------------------
(*) - nữ văn sĩ Túy Hồng viết về chồng, nhà văn Thanh Nam- Trần đại Việt: "... Thanh Nam là 'tay văn sĩ nhỏ', nhưng chơi với những tay lớn, đã nhờ một ông thiếu tá giới thiệu tôi với một bác sĩ quân y:'để xin giấy chứng nhận tôi bị đau bệnh thần kinh điên loạn' -- Tôi ở nhà nghỉ dài hạn, [nhưng vẫn] ăn lương của Đài phát thanh Mỹ [trong] 4 năm; và, vẫn ăn lương giáo chức của Chính phủ miền Nam Việt Nam .[VNCH] ... "
'về nhà văn Võ Phiến+'mối tình câm' với nhà văn nữ TÚY HỒNG'
Túy Hồng
Hai tiết trôi qua, giờ ra chơi, tôi vào phòng giáo sư ngồi nghỉ. Các nam đồng nghiệp làm như không nhìn thấy tôi, vẫn nói chuyện với nhau.
Hôm nay sắc trời đổi khác, nhưng tác phong của mấy ông thầy giáo trẻ ấy vẫn như mọi ngày, họ không bao giờ nhìn tôi nửa con mắt, hoặc tán tỉnh tôi một đôi lời mà lòng tôi thì rất sẵn.
Trường trung học Hàm Nghi tọa lạc sau cửa Thượng Tứ, một ngôi trường khiêm tốn, không nổi tiếng như trường Quốc Học và trường Đồng Khánh. Học trò con trai xứ Huế, sau cuộc cách mạng quân đội lật đổ chế độ gia đình trị họ Ngô, đã đứng vùng lên biểu tình bạo động, đấu tố giáo sư.
Ai ai cũng biết chắc rằng thế nào Bắc-Quân cũng tổng tấn công và đánh chiếm Huế bất cứ giờ phút nào, cha mẹ và các em tôi di cư vào Sàigòn. Tôi là công-chức mới vừa được bổ dụng, bị kẹt lại ở phố cổ, vùng địa đầu.
Tôi xin thuyên chuyển về dạy trường Gia-Hội. Trường này nằm sau đầm sen trước tư dinh ông Hoàng Mười, sáng chiều có con đò nhỏ một mái chèo ngỏ ngẩn trầm tủ giữa hai bè bèo tím biếc và vạt rau muống tươi xanh non dại như lòng con gái nhẹ mềm..
Những đêm rằm, tôi chèo thuyền về xóm Đập Đá đất khô cứng, ngó xuống thôn Vĩ-dạ xanh um hàng cau lả mình trong gió đa tình, trong ánh trăng Hàn Mạc Tử, lòng thấy nhớ những cuốn sách dày, những tập thơ mỏng, những tên tuổi người viết lách.
Những ngày thứ bảy, tôi phóng xe đạp lên đồi Vọng-Cảnh, hướng về điện Hòn-Chén, thả tầm mắt ngắm núi Ngự Bình trọc đầu, nhìn xa xa về cửa Thuận An, rồi đăm chiêu ngắm Thành Nội êm đềm tĩnh lặng.
Cất dấu hình bóng sông Hương núi Ngự trong tâm, ấp ôm khung trời xứ Huế đa tình đa tật trong lòng và không mấy nặng tình với luân lý Khổng Mạnh, tôi nảy sinh tham vọng viết văn. Nhiều đêm tôi thức trắng viết truyện ngắn đầu tay gửi đăng báo Sàigòn. Một tuần lễ trôi qua, tòa soạn báo Văn Hữu phúc đáp. Trong bao thư trả lời có một nghìn đồng tiền nhuận bút và những dòng chữ hồi âm của nhà văn Võ Phiến: “ Sao tôi khờ dại và ngu như bò! Sao tôi thật thà chất phác như trâu. Suốt thời gian làm việc ở sở thông tin Huế, tôi dốt nát và u mê như heo! Tôi không dám tìm gặp cô một lần, và không đủ can đảm làm quen với cô hồi đó! Xứ Huế đang yêu ai và có bao giờ sông Hương ngủ đò.. Chào cô!..”
Hai ngày sau, Võ Phiến thân ái tặng sách: “Tôi gửi cô cuốn Hồng Lâu mộng.”
Tôi phóng xe đạp ra bến sông ngồi suốt buổi chiều. Chớp leo lét trên đồi, sấm rung rền từ đàng xa, mây nằm chồng lên nhau như mây đang làm tình. Cơn giông và làn gió cuốn laị, đàn quạ bay lượn tròn, kêu man dại rồi vòng lại bay lui. Tôi tự hỏi nếu ai đó có một chút buồn, một chút chán đời trong buổi chiều rực rỡ này, kẻ đó chắc không phải là tôi.
Sau đó, tôi dắt xe đạp đi bộ vào làng Quáng, dừng lại bên một cái hói, con lạch này là một nhánh cuả sông Hương.
Nguyệt Biều làng Quáng bao xa
Cách nhau cái hói trổ ra hai làng.
Trước khi rẽ vào Bến Ngự, tôi ghé chợ mua một mớ khoai lang dương ngọc, một chút ít bột hàn-the để làm một gói mứt Huế gủỉ tặng Võ Phiến.
Những lát mứt khoai lang nặng nghiệp văn nghệ, những trang tiểu thuyết Hồng-lâu mộng nặng tình văn hữu, thư từ giao thiệp đều đều mỗi ngày, nhưng Sàigòn và Huế giới nghiêm chúng tôi: tôi không xê dịch khỏi Huế và Võ Phiến cố định ở Sàigòn. Rồi một buổi sáng nắng Huế hung hăng bốc nóng, ông cai trường dúi vào tay tôi một bức thư, Võ Phiến với nét chữ nghiêng nghiêng đã viết: Anh xin thú thật với em một tội lỗi, vì một ngày kia em sẽ hỏi. Xin em tha thứ cho anh: anh đã lập gia đình từ lâu, và vợ chồng anh có bốn đứa con.
Đó là cái nghiệp của ít nhiều nhà văn và nhà thơ nữ miền Hương-Ngự, những kẻ tháo gỡ vòng dây trói Khổng Mạnh Huế để vào nam hòa nhập với tự do Sàigòn. Những người viết nữ thường sa vào tay những kẻ đã có vợ và nhiều con. Nếu tôi là một ông thầy tướng số mù, (thầy bói thì phải mù, chứ thầy bói mà hai mắt mở thao laó thì nói ai nghe), tôi sẽ tiên đoán vận mệnh của các nhà văn nữ: văn chương thì rạng rỡ, nhưng tình duyên thì trắc trở. Những nhà văn nữ thường thích sinh sống ở Sàigòn hơn ở Huế, Vĩnh Long, Phan Rang. Sàigòn thông cảm tâm sự của họ hơn Huế, và những nơi khác. Sài gòn có đủ đàn ông để họ lãng mạn và làm bạn.
Cha tôi và ông em rể của tôi tìm đủ mọi cách vận động cho tôi được thuyển chuyển vào Sàigòn. Hồi đó, một công chức xứ Huế xin đổi vô Sàigòn là một việc không phải dễ, nhưng một công chức Sàigòn xin đổi ra xứ Huế, vùng điạ đầu gai lửa thì.. muốn là được .
Tư dinh ông Hoàng Mười rộng rãi trang nghiêm, bộ quốc gia giáo dục thu mua và trùng tu thành trường trung học Gia-Hội, tôi làm đơn xin được ở trong khuôn viên nhà trường. Cấp trên cấp cho một phòng cạnh nhà ông Cai. Bà Cai gánh cho tôi hai thùng nước giếng mỗi ngày.
Mẹ tôi ra Huế một lần và yên tâm khi thấy chỗ ở của tôi an toàn.
Tôi tham vọng viết truyện dài, nhưng không có thực tài, khả năng chỉ đủ để sáng tác truyện ngắn. Trong một truyện vừa không ngắn không dài, tôi miêu tả hình ảnh một tên đàn ông đểu giả gian dối, một kẻ ngọai tình với tôi và phụ tình với vợ. Nhiều đêm dài mất ngủ, cùng với hoa quỳnh ngày tàn đêm nở, tôi trút giận hờn vào những câu văn ác ôn. Tình yêu là một giọt máu mang số 35.
Võ Phiến khuyên:
“ Em hãy liên lạc với tòa báo, nói với ông chủ bút gửi trả lại cái truyện ngắn đó..không đăng báo. Em mà để cái truyện ngắn đó đăng lên báo..thì thì em lỗ, anh thì chẳng mất mát gì.”
“?.”
“ Em hãy thay đổi bút pháp, thay đổi giọng văn, đừng trút giận hờn vào bài viết. Đừng đùa với dư luận, đừng khai sự thật với độc giả.. Phải dấu kín, phải niêm phong bí mật lại. Dư-luận độc địa lắm. Chúng ta không lấy được nhau thì chúng ta sẽ làm sui gia với nhau. Con anh sẽ lấy con em.”
“ Con anh đã lớn sầm sầm cái đầu, còn tôi thì chới với chưa chồng, làm sao đẻ con kịp để mà.. sui gia.”
Năm đó, học sinh Huế bãi khóa biểu tình, tuyệt thực dấn thân, đấu tố thầy giáo, trường học đóng cửa suốt nửa niên khóa.
Các tướng lãnh miền Nam âm mủu lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm trong lúc Bắc quân Cộng Sản tấn công dồn dập, dân chúng hoang mang, mất niềm tin. Giang sơn miền Nam sắp tiêu tan, những tướng lãnh cầm nắm vận mạng quốc gia cứ phóng tay phát động những cuộc cách mạng. Cách mạng xía vô đời sống hằng ngày của người dân, cách mạng kéo theo chỉnh lý, phản cách mạng nối tiếp đảo chánh, miền Nam nhất định sẽ chết yểu. Ông tướng này đá ông tướng kia lăn xuống để mình trèo lên ghế cao.
Học sinh chờ đợi chừng đó để bỏ học. Trời làm thiên tai, Huế giông tố mưa gió bão lụt, trường học vừa mới mở cửa đã đóng lại. Suốt hai mùa thi đầu hè và cuối hè, tổng số thí sinh trúng tuyển ít quá, chính quyền lo sợ học sinh bất mãn sẽ bạo động bãi khoá tuyệt thực. Để o- bế lòng dân, bộ giáo dục cho mở thêm một kỳ thi trung học đệ nhất cấp thứ ba trong năm gọi là ân khoa, một khoa thi đặc ân dành cho học trò thi hỏng được thi lại, và giáo chức được đặc ân đi chấm thi tại nơi nào tuỳ thích trên lãnh thổ miền Nam: Đà Lạt, Nha Trang, Lâm Đồng, Buôn Mươi thuộc.
Tôi đi Dalat chấm thi và tạm trú tại cư xá Bùi Thị Xuân. Võ Phiến từ Sàigòn đến Dalat trước tôi vài tiếng đồng hồ.
Trời mau tối, lâu sáng. Dalat chưa vào đêm, gió xé rách những cánh hoa và xoay tít chúng trên vai người đi đường. Các nữ giáo chức ăn cơm tối xong họp mặt chuyện trò trong phòng khách. Cô Hồng Vân nói sẽ làm đơn xin thuyên chuyển lên Lâm Đồng dạy học. Chị Lai Hường thì hy vọng được đổi đến cao nguyên Dalat hành nghề mô phạm vì chị đắm đuối say mê một sĩ quan võ bị Thủ Đức. Bà Minh Khuê giám học trường Đồng Khánh Huế, cũng hứng lên muốn xin thuyên chuyển đến trường Bùi Thị Xuân Đàlat sương mờ..
Đêm tối, Võ Phiến đến cư xá Bùi Thị Xuân tìm gặp tôi, nhìn tôi qua cửa kính một lát rồi gõ cửa.
Chúng tôi đi đêm dưới trăng mờ Dalat. Vườn nhà ai, những búp hoa Quỳnh màu bạch ngọc đã uốn cong cánh từ chiều muộn để sẽ nở bung cánh ra khi màn đêm dần xuống. Mỗi bước đi của chúng tôi là mỗi nhịp đời nhẹ êm, mỗi hé nở âm thầm của quỳnh hoa, mỗi hơi thở dài sâu của câm lặng tình cảm. Bóng tối chụp lên cảnh vật, nhưng ánh trăng cũng sáng soi chiếu xuống vòm cây cành lá. Đêm nhẹ êm, thế giới về khuya tĩnh lặng, hương quỳnh-tương thơm dịu trời mây. Trong thời gian và không gian này, quỳnh hoa sẽ bung nở với trăng, với khoảng không bao la và với bóng tối lan tràn để khi đêm hết, quỳnh hoa sẽ tàn vì mặt trời chói sáng, quỳnh hoa sẽ chết đúng vào ngày mai với ańh thái dương nóng cay. Cuộc đời của hoa quỳnh chỉ trường thọ được một đêm thôi.
Bàn tay nhà văn xoắn chặt vai tôi:
“ Bây giờ anh đưa em về, ngày mai anh sẽ đến đón em sớm.”
Ánh trăng trên đường về sờ mó vuốt ve thịt da tôi, tôi nếm tình yêu trên chót lưỡi, nhắm mắt nhìn hình bóng mình in trên đường đời sỏi đá, trên lối đi lót gạch và đầu óc tôi tự hỏi làm sao một ai đó có thể vướng mắc chút sầu riêng trong một đêm trăng toàn bích và an lành như thế này. Tôi tự hỏi thêm một câu nữa: sao anh không cùng em đi hết đêm dài? Tình yêu cay như phở tái chín, tình yêu chua như hàn the, hay tình yêu làm xác thân ta rạo rực sướng khoái..làm sao giảng nghĩa được? Anh và em như hai hạt muối mặn hòa tan trong đêm ngọt. Những cảm giác em đang có, thúc đẩy em muốn đi cùng anh khắp tổ quốc và đến một nơi chỗ không có tiếng reo hò chiến thắng, không có tiếng khóc than thất thủ kinh thành, không có nội chiến Nam-Bắc quốc-cộng . Em đang hứng, em đang đầy và em đang căng, em có thể hứng và đầy và căng và yêu anh từ chỗ anh đang đi bên em đến bất cứ chỗ nào anh nằm xuống ôm em.
Sáng hôm sau, nhà văn bốc tôi ra khỏi cư xá giáo chức để đến một ngôi nhà cho thuê.
Đàlat hôm ấy thật đẹp. Sau mấy ngày âm u, hôm nay nắng hồi sinh. Trời bao la nắng hanh vàng, tôi hôn nắng, tôi hôn ánh sáng .
Tôi giữ bàn tay Võ Phiến khi đi giữa rừng thông. Dưới chân đồi, xe lam ba bánh đưa rước khách và xe ngựa thồ qua lại ngược chiều. Hai bàn tay tôi thật khô, thật ấm, và thật mềm, nhưng đa tình lắm lắm.
Lên tới đỉnh cao trên lủng đồi thông, chúng tôi yên lặng ngồi xuống. Chiều tắt nắng. Thời tiết lười biếng. Gió thở từng hỏi dài mát dịu. Trời đất hòa đồng với ngàn hoa muôn lá. Trời trên cao và đồi thông Dalat dưới thấp hiểu lòng nhau, xích lại gần nhau hơn. Hoa lilac màu tím biếc bông cà. Hoa đừng-quên-em màu hồng sẫm. Tình yêu đột xuất trong xác thịt tôi. Tình yêu là cặp bài trùng ăn ở với nhau mãn đời, là đôi bạn không bao giờ đoạn tuyệt, là chuyện vui để cười chút thôi, là tâm địa không sâu độc đa mang thù oán, là quần áo lót yêu thương vợ anh mặc vào người, là viên thuốc bổ, là sự thúc đẩy anh phải kiếm việc làm, và là con chó tốt bụng chỉ sủa gâu gâu chứ không bao giờ cắn..vân vân ..Chỉ gồm hai chữ mà thôi, nhưng sao mà rắc rối không định nghĩa được cái gọi là tình yêu.
Võ Phiến xích lại gần:
“ Anh không ham muốn em từ phút ban đầu, cũng không ham muốn em sau cái phút anh nhìn em qua cửa kính củ xá Bùi Thị Xuân, mà anh chỉ yêu em bởi vì những câu văn đầu tay em viết trong truyện ngắn gửi đăng báo..Yêu đời sống, chúng ta hãy đầu-cơ khả năng, thì giờ và lòng thành vào văn chương. Anh cho nghệ thuật tất cả tài sản tinh thần của anh. Con đường anh đi là con đường văn nghệ, chấp nhận sống và chết, trừu tượng và cụ thể. Anh không phải là họa sĩ, nhưng anh có màu sắc nét vẽ; anh không phải là nhạc sĩ nhưng anh có âm thanh tiếng động.”
Nhìn thông reo, anh nói tiếp lời tình vào tai tôi:
“ Em hãy nhìn lên: Trời gió, thông reo, em hãy ngắm kỹ những đọt thông trên cao tít. Gió như vậy, nhưng những đọt thông vẫn không lay động, chỉ những cành lá dưới thấp xoay mình mà thôi.”
Tôi gật đầu:
“ Dalat tuyệt vời! Đất Dalat nhiều phân bón nên cây cối tốt tươi..Mỹ viện trợ cho miền Nam gạo cơm tiền bạc, và cả phân bón cây cối”.
Võ Phiến không cử động bàn tay nữa:
“ Huế đất rộng, người ít. Nhà cửa ở Huế, nhà nào cũng có một miếng vườn. Sàigòn thì quá đông người chật chội, nạn nhân mãn và nạn kẹt xe là hai mối đe dọa sẽ làm Việt Nam khó mà trở thành một cường quốc Đông nam Á.”
Tôi nhìn quanh:
“ Nhiều người ở Huế đang chuẩn bị di tản vô Saìgòn..Tôi cũng sắp theo gia đình vô Nam lánh nạn Cộng Sản.”
“ Đừng vô Saìgòn nắng nóng! Huế có muà thu gió mát. Còn Sàigòn muốn hưởng gió mát mùa thu thì phải có quạt máy.”
“ Anh cứ khuyên tôi đừng xa Huế, bộ anh muốn mượn tay Cộng Sản giết tôi chắc? Theo ý anh thì miền Nam còn cầm cự được bao lâu nữa mới mất vào tay Cộng Sản?. ”
“ Mối lo âu hàng đầu của chúng ta là chúng ta không tập đứng với hai bàn chân của chính mình, mà phải dựa vào một thế lực từ bên ngoài.”
Võ Phiến là một văn tài lớn, ngòi bút của ông như quả banh lăn quá lằn vôi biên, ông viết đủ mọi thể loại: văn xuôi văn vần thơ bút ký. Ông cộng tác với nhiều báo chí nhưng tuyệt đối không viết tiểu thuyết ba xu đăng báo hằng ngày.
Ông tự do nhiều, chống Cộng mạnh, và sẽ chống Cộng cho đến khi hai lỗ mũi không còn thở được nữa. Và ông quê một cục, cả đời không hát một câu, không thuộc lòng một bài ca nào hết. Đó là một người vô thần vô thánh không can nổi, không đi lễ chùa cầu an, không vô nhà thờ rửa tội sám hối, không Phật không Chúa không Hồi-giáo Mohamed. Có lẽ danh nhân thế giới mà Võ Phiến mến mộ là Sigmund Freud.
Tôi hỏi:
“ Có phải đức tin của anh là tình dục?”
Khi chúng tôi ngang qua quân trường võ bị, bỗng có một người đàn bà đi ngược chiều, tay dắt một đứa con gái mặc áo đầm.
Võ Phiến mặt mày tái xanh, sợ hãi, vụng về hoảng hốt qúynh lên:
“ Vợ anh, em tìm xe về đi.
******
Võ Phiến đi Huế công tác một lần nữa. Nhà văn Đỗ Tấn dẫn ông ta đến thăm tôi lần đó.
Lần đó Võ Phiến nói:
“ Em không bằng Nguyễn thị Hoàng, em thua kém Nguyễn thị Thụy Vũ. Họ kính nể người yêu, họ không oán trách người tình, không căm giận những người đàn ông mà họ đã thương. Còn em, em không tốt, em nói xấu anh dữ dội trong truyện ngắn em viết..”
Qua hết muà xuân đau thương, tôi giã từ thành phố tình ca, thành phố cổ thơm hương đức hạnh của các bà công chúa, ngát hương thiền của các bậc chân tu, tỏa hương trầm của cố đô những muà lễ hội và nhẹ thoảng hương sen tinh khiết từ các ao hồ.
Em là gái trời cho không đẹp, và trời không cho một đàn ông. Một cô gái đã già, một nữ giáo chức cô đơn dạy học ở một tỉnh lỵ chậm tiến, nhưng tôi không Huế một chút nào cả, tôi nhanh chóng hội nhập đời sống Sàigòn. Hồi đó, tôi nói tiếng Bắc, phát âm rõ từng chữ và đúng giọng, nhưng không bắt chước được giọng Nam.
Giờ phút đầu tiên tiếp xúc với học sinh trong Nam, tôi ngạc nhiên nhận thấy học trò trường Mạc Đĩnh Chi Sàigòn ngoan hiền, kỹ luật và kính trọng thầy cô.
Tôi đến sở thông tin tìm gặp Võ Phiến lần cuối rồi dứt khoát chấm hết mối tình phiền não này. Không thường xuyên lui tới toà soạn Bách-khoa nữa, không luôn luôn gặp gỡ nhóm văn sĩ Bách-khoa nữa, tôi xoay qua giao lưu với các nhà văn tàn dư của nhóm Sáng Tạo, Hiện Đại.
Quen biết qua một hai cái thư trao đổi kiến thức từ lúc còn ở Huế, bấy giờ tôi mới gặp mặt văn thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, tức đại úy Dư Văn Tâm trong nha chiến tranh tâm lý.
Người ta bảo Mai Thảo mục hạ vô nhân; Võ Phiến tỉ mỉ chẻ sợi tóc ra làm tủ; Thanh Tâm Tuyền khó khăn kiêu ngạokhông bao giờ khen ai một câu. Thanh Tâm Tuyền phê bình Võ Phiến và các văn hữu khác: “ Những nhà văn viết truyện dài 5 trang! Những nhà văn không có sách xuất bản!..Những người con nít viết văn, viết cái kiểu gì mà đọc lên hiểu liền, hiểu ngay, không cần phải suy đoán. Một tác phẩm có giá trị là một tác phẩm đọc xong, người đọc không hiểu tác giả muốn nói gì, muốn trình bày một quan điểm gì. Đó mới đúng là một cuốn sách hay. Muốn viết được truyện dài thì phải kéo dài tài năng ra.”
Vài tháng sau, tôi gửi bản thảo truyện dài đầu tay Những sợi Sắc Không dự thi giải Văn học nghệ thuật toàn quốc. Các giám khảo chấm giải là Võ Phiến, Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn vv..Các thí sinh gồm có Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ vv..
Truớc hội đồng giám khảo, Võ Phiến lên tiếng:
“ Xin đề nghị toàn ban giám khảo loại bỏ tác phẩm Những sợi Sắc Không, không cho phép tác phẩm này dự thi vì tác giả đã đánh máy bản thảo gửi đi dự thi chứ không gửi một cuốn sách. Yêu cầu ban giám khảo không nên chấm chọn tác giả này trúng giải. Muốn trúng giải Văn học nghệ thuật toàn quốc, thí sinh phải gửi sách đi dự thi, chứ không được gửi bản thảo..”
Trong buổi họp tuyên bố kết quả, Võ Phiến nhấn mạnh:
“ Giải Văn học nghệ thuật là một giải thưởng lớn. Truyện dài Những sỏị Sắc Không chỉ là một tập giấy đánh máy, một tập bản thảo chưa in thành sách, chưa phải phải là một cuốn sách. Tôi xin lập lại: đó chỉ là một tập bản thảo được đánh máy.. Hãy loại bỏ.”
Phiên họp tiếp tục vào ngày hôm sau; Võ Phiến lên tiếng:
“ Nhã Ca là một dáng lớn, một tài hoa chói ngời trong văn học, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn thị Thụy Vũ là những người viết đang rực sáng, đang lên hương…”
Những gì xẩy ra trong mỗi buổi họp mặt của ban giám khảo, Mai Thảo đều kể hết với Thanh Nam:
“ Một tác phẩm đoạt giải nhất phải được ba giám khảo đồng ý. Trong lần họp cuối cùng, Võ Phiến gân quá, gạt hết mọi ý kiến xây dựng của các giám khảo khác. Tác phẩm Những sợi Sắc không chỉ được hai ông thầy đồng ý, nhưng quy luật bắt buộc phải đủ ba ông. Cuối cùng, ông trưởng ban tuyên bố: Truyện dài Những sợi Sắc không chỉ được hai vị giám khảo chấp thuận, hãy còn thiếu một. Vậy, tôi sẽ tường trình laị với văn phòng phủ tổng thống rằng: Giải Văn học nghệ thuật năm nay không có tác phẩm trúng giải nhất, mà chỉ có hai tác phẩm đoạt giải nhì đồng hạng.”
Mai Thảo kể tiếp:
“ Bỗng từ cuối phòng họp,Võ Phiến ho lên một tiếng,uống một ly chanh đường cho dịu cổ rồi nói một hỏi: Năm 1963 là một năm ghi dấu những bước tiến, những thành công của văn chương nữ giới. Những nhà văn nữ của chúng ta giờ này đang làm chấn động tình cảm, đang xuôi ngược tìm kiếm chất liệu, đang lao đao vấp ngã vì những vấn đề triết học quá cao siêu, vì những hoang mang ngờ vực trước tình thế sa đọa của đất nước.”
Vị chủ tọa hội nghị tuyên bố bế mạc buổi họp:
“ Thưa quý vị, tác phẩm Những sợi Sắc Không của Túy Hồng chỉ đoạt giải nhì đồng hạng”…
Bỗng Võ Phiến dong tay lên phát ngôn một lần nữa, ngón tay trỏ cong cong như cái lưỡi câu:
“ Khoan khoan.. tôi đồng ý với giám khảo Nguyễn Mạnh Côn và giám khảo Mai Thảo: Tác phẩm Những sợi Sắc khôngđoạt giải nhất văn học nghệ thuật miền Nam năm 1970.”
Mai Thảo tiếp theo:
“ Võ Phiến chẻ sợi tóc ra làm tủ. Những gì hắn đã trải qua, hắn nhớ dai và thù dai.. Hắn là nhà văn lớn, một cây bút kẻ cả, nên cũng có lắm người đàn bà đi qua đời hắn. Tất cả những người đàn bà bước vào đờihắn, đều được hắn tạp ghi, tạp luận và tạp bút. Nhưng cái tác phẩm Những sợi Sắc Không đó, hắn loại bỏ, bởi vì có điểm thiếu sót là tác phẩm chưa in thành sách. Và tác giả Những Sợi Sắc Không, cũng không hề được hắn nhắc tới tên, như hắn đã âu yếm nhắc tên Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, ThuỵVũ trong buổi họp.Võ Phiến là một cây bút phê bình khách quan và công bằng, không thiên vị. Điều gì hắn cho là đúng với lẽ phải thì hắn làm.”
Võ Phiến viết nhiều sách, sở trường của ông là Truyện Vừa, không dài không ngắn.
Gật đầu, rung đùi, nâng ly bia 33 lên miệng, dụi mẫu thuốc lá vào cái gạt tàn, Thanh Nam nói:
“ Giải nhất, giải nhì, với giải đồng hạng.. Suýt chút nữa thì không ăn được cái giải gì và làm trò cười cho thiên hạ.”
Sau khi Mai Thảo từ giã để đến phòng trà với người ca sĩ hát bài có phải em là mùa thu Hà Nội, Thanh Nam nhìn tôi:
“ Có những kẻ nhớ lâu và giận lâu.. Anh, một người con gái anh đã quen và đã yêu thì không bao giờ anh ghét. Anh công bằng nói rằng Võ Phiến thù em.”
Tôi trợn mắt:
“ Văn không phải là người. Những gì tôi viết ra.. đều là đùa nghịch giỡn chơi thôi. Tôi chỉ biết một điều về Võ Phiến là ông ta rất thương yêu vợ.”
Thanh Nam bảo tôi bỏ nghề dạy học để xoay qua viết bài cho đài phát thanh.
Chiến tranh tiếp diễn, miền Nam là món nợ, là một cục nợ khổng lồ người Mỹ mắc từ tiền kiếp nên kiếp này phải nhúng tay vào chiến cuộc miền Nam, một quốc gia nhược tiểu đang giãy chết với bốn đạo quân: Mỹ, Bắc Việt, giải phóng, Nam quân.
Thanh Nam, là một văn sĩ nhỏ nhưng chơi toàn với những tay lớn, đã nhờ một ông thiếu tá giới thiệu tôi với một bác sĩ quân y để xin một giấy chứng nhận tôi bị đau bệnh thần kinh điên loạn, được nghỉ phép ăn lương, gọi là nghỉ phép giả hạn. Tôi ở nhà nghỉ giả hạn ăn lương của đài phát thanh Mỹ bốn năm và vẫn lãnh lương giáo chức của chính phủ miền NamViệt Nam. Sau đó Thanh Nam nhờ nhà báo Lê Phương Chi giới thiệu tôi với ông giám đốc Khai Trí để bán tất cả những tác phẩm tôi đã viết, đang viết, và sẽ viết với một số tiền trả trước. Thanh Nam nói: “ Em cứ làm theo lời anh.Trời phạt anh chịu.”
Nhờ viết bài cho nữ danh ca Thái Thanh đọc hằng đêm trên làn sóng điện chiến tranh tâm lý, ba mươi tháng tư ngày quốc hận, tôi đem được gia đình sang Mỹ. Trạm nghỉ chân đầu tiên trên bước đường di tản là đảo Phú-Quốc. Công chức đài phát thanh được lãnh mỗi người ba mươi sáu đô la tại biển đảo này.
Sau một tuần lễ, người tị nạn leo lên hạm đội số 7 của hải quân Hoa Kỳ để sang Mỹ đổi đời.
Lênh đênh trên đường biển sóng reo sóng cười, biết mặt trùng dương biết trời mênh mông, nhưng dân tị nạn cứ quen miệng kêu khổ ơi là khổ. Hầm tàu chật chội nóng hực hỏi người. Trẻ con ói mửa, iả đái và kêu khóc vì đói bụng, đau đít, rôm sảy. Ngày đêm mọi người nằm lăn ra trên sàn tàu. Không có chiếu trải dưới lưng, không có chăn đắp trên mình, mỗi ngày mỗi tị nạn chỉ được cấp phát một hộp lương khô C-ration, nhưng mỗi ngày, hy vọng mỗi vươn lên. Hoa Kỳ, Mỹ, Núi vàng..đời sống mới đang mở cửa trước mắt chào đón mọi người.
Một bà nằm cạnh tôi nói nhỏ:
“ Hạm đội số bảy của đại cường quốc cái kiểu gì mà nghèo khổ thế này.”
Tôi đáp:
“ Chắc đây không phải là hạm đội số bảy, mà chỉ là hạm đội số sáu rưởi..”
Chiến hạm lướt sóng, vượt Thái bình dương rồi đến Mỹ.
Mệt mỏi vì say sóng, Thanh Nam bia rượu uống nhiều từ thuở bụi đời nên giờ phút này xỉu. Tàu cập bến, dân tị nạn phải trèo thang dây để lên bờ.
Một người đàn ông đồng hương chỉ tay vào bốn đứa con tôi và nói:
“ Ông Bà một nách bốn đứa con dại, để tôi giúp, tôi đỡ hai đứa bé này trèo lên bờ.”
Rồi ông ta kéo hai đứa nhỏ đi.
Lên đến đảo Guam, Thanh Nam bảo:
“ Em phải ở trong trại lính không được đi đâu hết, thằng Ốc Sên sẽ phải đi xin sữa cho thằng Cu Tí uống. Anh mỗi ngày phải ra khỏi trại lính để hỏi tin tức bạn bè ai đi đủọ̣̉c, ai kẹt lại.”
Theo lời đồn thì những ai làm đài phát thanh ăn lương Mỹ đều được Mỹ bốc đi hết. Tôi được biết Viên Linh và Lê Tất Điều hiện đang có mặt trên đảo tị nạn.
Cuối cùng, dân tị nạn được tàu bay bưng đến thành phố Pennsylvania miền Bắc Mỹ.
Từ đảo Guam đến Hiệp Chủng Quốc, con chim sắt thẳng cánh bay bốn ngày đêm. Chúng tôi sinh dưỡng bốn đủá con, gia đình sáu người, nhưng Thanh Nam không lanh trong những lúc người đàn ông cần phải lanh, chỉ tìm được năm chỗ ngồi. Bốn ngày đêm giam hãm trong bụng tàu bay chật hẹp, thằng con út nằm trên đùi tôi lên cơn sốt nóng lạnh, tôi mệt mỏi ngồi ôm con niệm Phật từ bi gia hộ cứu độ cho nó đừng làm kinh run giựt tay chân. Trẻ con dưới ba tuổi làm kinh, lớn lên sẽ không cao.
Mất ngủ đêm ngày, đầu óc tôi thao thức nghĩ rằng mình đã sống hư hỏng hơn một nửa cuộc đời ở quê hương rồi, bây giờ phải lo làm ăn, dại gì mà chơi, ngu gì mà lười. Ước ao gì có được một cuốn từ điển Việt Anh lúc này để học Anh văn ngay tức khắc. Nước Mỹ đây rồi, đất lành ta đã thiền hành và đã đến, Việt kiều sẽ học English để đi làm, sẽ dồn tiền mua nhà, mua xe, mua bảo hiểm. Việt kiều sẽ có một sớm mai hồng, một bình minh xanh để ngắm, để nghe tiếng chim nói vào tai rằng đêm đã tàn, ngày đã nở, phải vùng dậy để lắc lủ con tàu đời. Quá khứ đã chết, cuộc đời mới đã nhô ra ở phương đông..
Bỗng tôi sực nhớ mấy lời trao đổi giữa nhà văn Lê Tất Điều và nhà báo Lê Phương Chi ngày nào còn ở Sàigòn:
“ Tình yêu của Võ Phiến dành cho cô bạn xứ Huế đã chết nghẻo cổ rồi, gái Huế ngủ đò và hò Huế chấm hết từ canh ba rồi. Bây giờ Võ Phiến chỉ mơ ước ngủ với Trùng Dương biển cả.”
“ Bạn nói đúng quá và thật quá! Trùng Dương Nguyễn Thị Thái trẻ hơn nhiều và đẹp. À, mà có phải Trùng Dương đó không? Sức mấy! Võ Phiến mơ cao quá!”
Tôi ngủ thiếp đi một chặp cho đến khi chiêu đãi viên hàng không loan báo phi cơ sắp đáp xuống phi trường Pennsyilvania. Hành khách phải nịt dây an toàn thật chắc và cài khóa an toàn thật kỹ, không được rời chỗ ngồi, không được vào phòng vệ sinh từ giờ phút này.
Khi phi cơ ngừng cánh, tiếp viên hàng không lại bảo hành khách hãy ngồi yên..rồi lại bảo đứng dậy chuẩn bị hành lý và bước xuống máy bay trong trật tự.
Chân tôi chạm đất hứa, đầu tôi đội trời tự do. Đại bản doanh quân lực Hoa Kỳ hùng anh nhất thế giới đặt tại đây. Tôi đi và thở không khí trong sạch của một siêu cường quốc sản xuất nhiều thuốc xịt trùng và diệt sâu bọ hữu hiệu nhất thế giới, nhiều xe hơi tối tân nhất thế giới.
Thanh Nam gặp bạn quen dừng lại nói chuyện, tôi kéo bốn đứa con bước nhanh về lều trại số tám, dân tị nạn kêu là barrack số tám.
Truớc cửa barrack có một người đàn ông đang đứng đợi ai đó. Tôi tiến lại gần chút nữa. Hóa ra là cố nhân Võ Phiến. Ối giời ôi..Võ Phiến cũng đi được sao? Ôi thôi rồi tôi quên lú đi mất. Võ Phiến cũng cộng tác với đài phát thanh Mỹ. Vậy mà tôi cứ tưởng chỉ có Lê Tất Điều với Viên Linh trong chuyến hành trình qua Mỹ quy mã này mà thôi!
Thằng Cu Tý bỗng kêu lên:
“ Mẹ..Tý muốn ỉ quá.”
Con chị nó quát lên:
“ Câm cái đít lại! Không được ỉa trong quần.”
Võ Phiến chạy chậm đến bên tôi, mặt mày tái nhạt và ẩm mồ hôi, hỏi thở tưởng như sắp đứt, nói:
“ Em đem con em đến barrack số mười đi, gia đình anh đã ở trong barrack số tám này rồi, vợ anh đang nghỉ ngơi trong đó, vợ anh hơi mệt, vợ anh cần dưỡng sức, vợ anh đang nằm trong đó. Vợ anh..vợ anh..”
Tôi chưa thấy một người đàn ông nào thương vợ nhiều như thế, yêu vợ kỹ như thế. Vợ anh, vợ anh..cái miệng cứ tía lia vợ anh vợ anh, làm như người ta sắp giựt mất.
Bà Võ Phiến tên cúng cơm là Viễn Phố.
ngày 23 tháng chín năm 2012
© gio-o.com 2012
----------------
phụ lục
(Bt)
tác giả + tác phẩm võ phiến [i.e. đoàn thế nhơn 1925- 2015 usa]
(ảnh: BBC News Tiếng Việt)
(ảnh: BBC News Tiếng Việt)
(ảnh bìa: thời mới xuất bản/ in lần 2)
nhà văn Võ Phiến + chân dung phác họa của 'họa sĩ tài tử' Phan Diên
(ảnh: Internet)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ