'SINH PHẦN/ truyện ngắn HỒ ĐÌNH NGHIÊM (Canada) -- blog Phạm Cao Hoàng
MONDAY, JULY 2, 2018
652. HỒ ĐÌNH NGHIÊM / truyện ngắn SINH PHẦN
Đợi gần cả giờ, sau cùng tên tôi được gióng hô giữa một hành lang có nhiều gió. Tôi đi theo người đàn bà vừa quay lưng, chiếc áo hành nghề của bà nhăn nhàu và màu trắng nguyên thủy của nó chỉ còn luyến lưu đôi chút sau cổ áo lật cao. Những con ruồi bay quờ quạng trên băng ghế gỗ có bảy người ngồi bần thần. Vách tường sơn xanh, bạc thếch. Ở độ cao lưng chừng, màu xanh lạ lùng đó bị những mái đầu dựa vào làm biến đổi thành từng vòng tròn xám đen. Tết gần đến, họ chưa quét vôi lại, và những người ngồi đợi gọi tên trông như đám tội nhân chờ bị tra khảo ở một đồn bót công an. Cánh cửa gương trắng đục được mở ra. Trong phòng giam giữ một thứ mùi khó cắt nghĩa. Nồng, ngai ngái thuốc sát trùng. Nửa sạch sẽ, nửa dơ bẩn. Người đàn bà nhìn tôi: "Ưa bồi dưỡng không?" Giọng Nghệ an nặng như một hòn đá vừa rớt xuống đất. Tôi ngó những ngón chân thô lòi ra nơi đôi dép nhựa tím. Tôi nhìn, bởi lẽ đôi dép ấy luôn tạo ra tiếng động, như có người nằm đâu đó, mãi trăn trở trên giường tre, kẻo kẹt.
"Bồi dưỡng?”
Những ngón chân như năm củ gừng biết di động.
"Ừ, được ăn một trái chuối, uống cốc nước cam... Nói trước để khỏi kiện tụng lôi thôi là có bồi dưỡng thì khi lĩnh tiền sẽ bị khấu trừ chút đỉnh".
Ở góc phòng, bày sơ sài trên bàn những thứ thực phẩm mà người ta dùng để bồi dưỡng. Nó hiện diện ở đó thật không phải phép. Nó giống đồ mẫu dành cho những tay tập vẽ tranh tĩnh vật. Nghèo màu sắc, bố cục lỏng lẻo. Miệng tôi đắng. Lâu rồi, tôi chưa được ăn một tô bún, một bát phở. Hoàn toàn thiếu bồi dưỡng. Mặt tôi chắc thu bé lại bằng quả cam? Tôi nói tôi không ưa bồi dưỡng. Người đàn bà nhún vai, bà chỉ vào chiếc ghế biểu tôi ngồi xuống đó. Thiếu chiếc khăn choàng, thiếu tấm gương soi, nếu đầy đủ thì tôi đang ở trong một tiệm hớt tóc hạng sang. Tóc tôi rối bù. Ừ, tại sao mình lại không bao giờ nghĩ tới chuyện hớt tóc gội đầu cạo râu lấy ráy tai xoi mắt ghèn? Một trong ngũ khoái? Tứ khoái là gì? Ăn, ngủ, ỉa, đái. Chỉ có vậy thôi sao? Nghèo nàn quá!
"Xắn tay áo lên. Bao nhiêu xê xê đây?"
Người đàn bà hỏi. Tay bưng cái khay nhôm đựng bông gòn và những ống kim.
“Tôi không biết. Tôi cần năm chục ngàn".
Tiếng cười khan từ trong cổ thoát ra. Người đàn bà nhổ cục đờm xuống đất, đôi dép nhựa tím chà nghiến lên, vẻ thích thú:
"Hừ, năm chục ngàn. Nghèo mà ham! Chưa đọc qua điều lệ và nội quy sao?"
Theo tay chỉ của người đàn bà, tôi ngó những con chữ viết sơn đỏ bò run rẩy trên tường vôi. Có cả thảy năm điều nằm dưới chữ Ngân Hàng Huyết. Mắt tôi hoa lên khi đọc chúng, cảm tưởng như bức tường biết hộc máu. Tôi nhớ câu "Một giọt máu đào hơn ao nước lã" ngày xưa nắn nót tập viết ở bậc tiểu học. Nhớ lờ mờ lời giảng của cô giáo. Ừ, giọt máu nó quan trọng và có giá trị lắm; ít ra thì khi cần, bán nó cũng có chút đỉnh tiền. Không cho bán nhiều thì bán chút chút. Điều số hai viết trên vách có nói cụ thể về giới hạn tối đa của việc mua bán. Tôi đọc nguyên văn hàng chữ kỳ quặc ấy cho người đàn bà nghe. Đọc chậm rãi như ở nhà hàng đã lựa xong món ăn trên cái thực đơn ghi nhiều thứ chẳng hợp khẩu vị mình.
"Tôi biết. Ai ngồi trên ghế này tuồng như cũng ưa câu ấy cả. Làm một lần, choáng váng chút đỉnh nhưng được cái có nhiều tiền".
Bà dùng sợi dây thun siết chặt vào bắp tay tôi. Ngó chưa đẹp, còn đập bốn năm phát lên sợi gân máu vừa cuộn mình dưới da. Tôi nhắm mắt, cố nghĩ tới những điều tốt đẹp, về lòng hy sinh chẳng hạn. Tôi nhớ một đoạn phim coi hồi còn bé: Trong giao thông hào cảnh ông Đại-úy bị trúng đạn, máu tuôn ra khá nhiều. Cả bọn quyết định bằng mọi giá phải cứu lấy cấp chỉ huy. Thằng y tá nói: "Có bạn nào chịu truyền máu cho xếp không?". Cả đám thu nhỏ người ngồi không cục cựa. Sau cùng có thằng lính da đen dõng dạc đứng lên làm Lê-lai liều mình cứu chúa. Cấp chỉ huy thoát nạn và ông thóa mạ bọn đàn em bằng những chữ tồi tệ nhất. Ông giận tím người bởi lẽ ông biết trong cơ thể ông đang hòa chảy dòng máu của "bọn đen". Người tôi nhẹ hẫng khi đứng lên. Tôi thấy những hai ba bóng trắng vừa lướt đi về cuối phòng.
"Đợi tôi viết tờ giấy biên nhận rồi sang phòng bên lĩnh tiền. Lượng sức mà ra về, mai chủ nhật có lao động gì không?”
Tôi vịn thành ghế, căn phòng như lòng chiếc máy bay vừa rùng mình trên một trần mây hụt hẫng. Chỉ khác biệt một điều là nếu được đi mây về gió, khi đó hẳn tôi sẽ nôn thốc tháo. Tôi chẳng có gì để phải mửa mật giờ này, tôi nghĩ tới em tôi và tự nhiên đôi bàn chân đứng vững chải trên mặt đất thôi quay mòng. Người đàn bà vừa ký tên xong trên tờ giấy vàng úa. Tờ giấy chết đi sống lại nhiều lần nên trông thảm thương như giấy vàng bạc đốt cúng kẻ khuất mặt. Những đứa bán linh hồn cho quỷ, chúng nó có cầm được tờ giấy như tôi đang có không? Ngoài hàng lang hiện diện thêm đôi ba khuôn mặt mới. Tất cả đều nhìn tôi, áng chừng và so đo thể lực của mình có hơn cái thằng vừa xô cửa đi ra, sau khi giao mạng cho ma cà-rồng hút máu? Cây sầu đông vẫn còn đứng ở góc sân, chim chóc đã bay và những chiếc lá nhỏ nhít của nó tuồng như có rơi rụng ít nhiều. Tôi cầm tờ giấy lộn đi đổi một xấp giấy lộn khác. Bộn bề, nặng nề, nhưng nó chẳng khác đám mây đen kia một mảy may. Nó sẽ giạt bay, sẽ tan biến. Trong khi chưa tàn hình, tôi thu tay trong túi quần sờ soạng và vỗ về nó theo mỗi bước chân. Gió làm nhăn nhúm mặt sông khi tôi vịn thành cầu bước qua. Nhà của Quý đọng nhiều bóng tối khi tôi bước vào ngạch cửa. Mắt tôi hoa. Định thần và phát hiện sự trống vắng vây quanh. Tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ lạnh đít.
"Bà già đâu?" Tôi hỏi khi thấy Quý bước tới gần.
"Mới vừa đi ra chợ".
"Kết quả ra sao?”.
"Thất bại". Quý nói. Hắn nhìn vào mặt tôi, như tìm xem có bao nhiêu sắc xanh cả thảy. "Làm gì mà mày tái mặt máu vậy?". Hắn tới bên bàn, rót cho tôi tách nước trà. Vòi nước vàng chảy xuống, sủi bọt như nước đái kêu xè xè. Tôi nhìn cái bình men trắng có vẽ ở ngoài sự tích ba anh em kết nghĩa vườn đào. Lưu Quan Trương. Tôi không còn ai quanh đây để kết bạn, ngoại trừ Quý. Những đứa bạn khác thảy đều âm thầm vượt biên đi đâu mất tiêu. Khi người ta kết nghĩa với nhau, tuy không so bì nhưng ít ra phải tìm thấy ở nhau một sự tương xứng nào đó. Mút-cu kết nghĩa với Hà-nội thì khó nghe hơn là Cu-ba kết nghĩa với Bun-ga-ri. Chồng tên Cầu mà lấy vợ tên Tiêu thì nghe lùng bùng lỗ tai, thua xa chú Hoàng mà se duyên cùng cô Hậu.
"Mày có xem tao là bạn không? Mày cần ít tiền để làm vốn đi buôn thì mày xem thường tao quá!".
"Sao lại gọi là xem thường?".
"Hừ, đi buôn! Cái tướng mày ra đường ngày một ngày hai tụi nó lừa cho trắng máu! Bà già tao nói cho mày vay tiền thì có khác gì làm hại mày thêm". "Vậy thì tao phải dựng chuyện gì để đánh động lòng bà? Hai ba chục ngàn thôi mà".
"Tại sao phải dựng chuyện? Bà già tao đã biết hết sự thật rồi. Đây, trong này có ba chục ngàn. Cầm lấy đi, hồi nào có hẳn trả, không gấp". Quý ném xuống bàn gói giấy báo. Nó lớn bằng gói bún khô thượng hảo hạng mềm dẻo dai dùng để xuất khẩu. Em gái tôi làm công nhân cho hai công ty Nhật-Việt liên doanh chế biến bún khô, mì gói tam tinh lục tặc. Công việc bình thường chẳng nghe em than thở, bỗng dưng một hôm...
"Mày không biết đó thôi, ở ngoài chợ thì chuyện gì mà tụi nó lại không kháo với nhau. Hôm ấy nghe đâu bọn sinh viên y khoa thực tập khu nội thương ùn ùn rủ nhau đi xem..." Lòng tôi lạnh buốt. Máu đột ngột bỏ đi nên con tim vội vã co thắt. Tôi hình dung ra cảnh một con heo bị thọc huyết và đám người cầm tem phiếu đứng vây quanh la ó tranh nhau một khúc thịt ngon. Bụng? Ngực? Bắp đùi? Chỗ này lông nhiều, chỗ kia cạo nhẵn thín... Tôi xin Quý một điếu thuốc và thử tìm sự choáng váng bởi hơi khói đè nén. Tôi không hiểu được nguyên do gì khiến em tôi tự tử. Tôi mang em vào nhà thương, người ta đóng cửa phòng lột truồng súc ruột cho nó. Người ta cứu nó sống và người ta biểu tôi nộp tiền phạt năm mươi ngàn đồng. Người ta cạo trọc mái tóc thề của nó như thể em tôi có chân trong tổ chức bọn làm bạc giả. Phải, tự tử cũng là hình thức ngầm chống đối chế độ. Lần đầu phạt nhẹ thế để cảnh cáo! Tôi cúi đầu nghe nhận bản án kia và hôm nay là hạn cuối ngày tôi chuộc em ra khỏi nhà thương lúc nào cũng đầy chật bệnh nhân. Tôi gián tiếp cứu em ruột tôi sống và vô tình tôi đã mang tội với em trong hành động hoàn toàn do bản năng sai khiến. Cứu một người còn hơn xây cả chục cái am. Công đức thật lớn, nhưng mà đôi khi cũng đoản hậu quá lắm. Lòng tôi dày vò vô hạn khi nghĩ tới cảnh em gái tôi nằm trần truồng đuối lã để cho bọn đàn ông con trai xăm soi lật sấp lật ngửa, thọc ống này vào rút ống kia ra. Tôi ném điếu thuốc hút dở ra ngoài sân đất. Tôi nhét gói giấy báo vào lưng quần. Quý bảo:
"Mày lấy xe đạp của tao mà đèo nó về chứ?"
Tôi nghe lời, cúi đầu đạp quờ quạng qua nhà thương. Không rõ em tôi sẽ nói những gì với tôi? Tôi đâm sợ hãi khi gặp lại em. Một người tới gần cửa tử rồi bị triệu hồi về sẽ mang trong đầu cái ý nghĩ gì về cảnh giới trần ai này? Giây xích xe đạp khô dầu kêu lên thứ tiếng oán than trách móc. Tôi thử tìm một lời trách nhẹ nhàng để chạy tội với em: "Chỉ quạnh quẽ có hai anh em mình là ruột thịt sao em đành lòng bỏ mặc anh!"
Tôi gửi xe nơi ông già gù lưng sát hàng rào giây kẽm gai ngăn chia bệnh viện với câu lạc bộ thiếu niên. Tết sắp tới và như vậy tuổi của em tôi sẽ là hai mươi mốt. Số tuổi ấy không làm người ta chín chắn trước cuộc đời, người ta luôn vụng dại và hoàn toàn người ta không được phép từ bỏ cuộc chơi đầy bất công. Ông gù làm nghề giữ xe cũng bị ngược đãi tợn. Tôi tự hỏi khi chết đi, người ta sẽ liệm ông vào trong một cái áo quan hình thể ra sao? Hẳn là ông sẽ nằm nghiêng một bên cho tiện sổ sách thợ mộc, cho thiên hạ khỏi dị nghị cha này có chức phận gì mà cái hòm ngó khác người thường?
Khác với những gì tôi dự đoán, gương mặt em tôi lãnh cảm như một kẻ không có linh hồn. Da tái xanh, em nhìn tôi với đôi mắt cá ươn, chẳng chứa đựng điều gì bên trong. Mắt tôi ướt, tôi cố dằn lòng khi ngó lên cái sọ nhẵn bóng của em. Những vết xước đỏ chạy ngang dọc trên da đầu như chứng tích về lòng trắc ẩn của đứa cầm tông-đơ bàng hoàng nhìn suối tóc mượt mà rơi rụng khỏi cội nguồn. Và hắn run tay, vụng về cạo với ít nhiều hối tiếc? Tôi lấy trong túi quần ra chiếc khăn lụa màu ngà mà Mạ chúng tôi lúc xưa ưa trùm đầu. Tôi trao cho em và tay tôi chạm phải những ngón lạnh buốt. Tôi thật vụng về, lý ra tôi phải mang thêm cho em một chiếc áo ấm. Áo em đang mặc quá mong manh, nhiều vết dơ và tôi như trông rõ sự rung động có ở ngực em. Khổ thân em tôi! Người ta lột truồng em, để khi lai tỉnh, ý thức đầu tiên về sự mất mát của mình là cái nịt vú đã bị đánh cắp.
"Ngọc thấy thế nào?"
Em không trả lời. Em lạ lẫm hẳn khi trùm khăn kín đầu. Trông em như cô Do-thái ở trại tập trung của bọn Đức. Như mụ Ả-rập mới bị chồng thẳng tay hành hạ. Như nhân vật trong chuyện hoang đường Nghìn lẻ một đêm. Mạ tôi khác, trùm khăn vào, bà là một trong ngàn bà già đích thị Việt-nam. Chẳng nhầm lẫn. Tôi chồng tiền cho một người đàn ông khá lực lưỡng vừa bước vào phòng. Tay ông ta cầm sẵn cây bút và cuốn sổ cong góc. Gáy nó dầy nhưng hiện tại chẳng còn nhiều tờ. Xộc xệch, lỏng lẻo. Như mỗi ngày bạn xé rời một tờ lịch và giờ này thì đã tháng tận năm cùng. Ông tẳn mẳn đếm đống bạc, nghiêm chỉnh làm việc tựa người cảnh sát công lộ phạt xe bạn đã vi phạm luật giao thông. Ông nhìn hai anh em tôi một lát, sau cùng thì dúi vào tay tôi vuông giấy có in hàng chữ "xuất viện". Bụng tôi đói cồn cào nhưng tôi cố kềm giữ ở những bước đi bình thản. Tôi nghĩ trong người em tôi hẳn còn tàn tệ hơn, họ súc ruột và thử tưởng tượng xem, còn gì là nước nôi cơm cháo?
Ra khỏi bệnh viện, tôi đi lấy xe đạp và đếm lại số tiền còn sót trong túi. Năm ngàn. Đủ để hai anh em "bồi dưỡng" hai tô bún. Tôi nói với Ngọc về chuyện "dĩ thực vi tiên" nhưng em gạt đi. "Anh chở cho em viếng thăm mộ Mạ một chút, có được không? Tự dưng mấy hôm nay em luôn thấy bóng dáng Mạ lẫn khuất đâu đó. Em thật là đứa bất hiếu!".
Gió không xua nổi lời em tôi, nhưng gió làm tôi khó nhọc đạp xe trong một thần thái bấn loạn. Tôi hình dung tới một gò đất nhiều sỏi đá, tấm gỗ trầy trụa cắm xiêu đổ bên trên và chung quanh rác rưới cỏ dại tranh nhau mọc cùng khắp. Chữ bất hiếu Ngọc vừa nói đã tựa một tấm gương đưa ra và tôi không dám soi mặt mình vào. Mồ hôi chảy có dòng, tôi rướn người đạp xe lên dốc.
"Tội nghiệp! Lúc trước thì anh đỡ phải nhọc công... Thật kỳ lạ. Con người khi chết rồi cũng chẳng được yên thân!".
Ngọc ta thán. Trên hai hàng lá cây mù u vừa có những giọt nước rơi rụng xuống. Trước, mộ Mạ được chôn ở ngoại vi thành phố. Sau này người ta nới rộng khu đất dùng làm chỗ giải trí và trên bản vẽ đồ án kiến trúc được nhà nước ký duyệt, những nấm mồ câm lặng kia phải chịu phần số san bằng trong thời hạn một tháng. Chúng tôi chạy vạy tiền nong bá thở, vất vả trăm đường mới dời được "căn nhà" Mạ lên vùng đồi hoang. Bà già thằng Quý an ủi: "Thôi, bây giờ bà cụ nằm ở chỗ cao ráo thoáng đạt cũng đỡ tủi phần nào. Tao chết đi, nguyện lên đó nằm gần bà chuyện trò cho khỏi cô quạnh!"
Chúng tôi gửi xe dưới chân đồi. Trong căn nhà lá ngập ngụa mùi hơi đất ấy có bày bán những viên kẹo gừng chảy nước trong hủ nhựa, những ly nước chè cáu bẩn, những gói thuốc lào mốc meo. Mấy thứ đó chẳng quan trọng, chủ yếu họ chỉ trông nhờ vô những bó hương. Ông chủ nhà bảo: "Bán đồ cho người sống không sướng bằng bán đồ cho kẻ chết!" Tôi mua một bó hương rồi lặng lẽ bước theo Ngọc. Con đường đất đỏ bò loanh quanh lên triền cỏ xanh. Có ngọn khói nhà ai thổi lửa cũng bò ẻo lã sau rặng liễu thưa. Tịch mịch. Đất trời câm nín đến rợn người. Ngọc quay lui nhìn tôi: "Em hỏi điều này, anh phải nói thật với em..." Tôi bước lên sánh vai Ngọc, hai tay vặn vẹo bó hương bọc giấy kính rít rát.
"Làm sao anh có được những năm chục ngàn? Anh vay nợ ai?"
"Thỉnh thoảng anh mượn xe của Quý để đạp thồ chở khách. Anh tằn tiện và anh tự chặt bỏ bớt những nhu cầu. Ngọc thấy không, dạo này anh đâu còn hút thuốc nữa".
Tôi nói trơn tru và tôi nghiệm ra dối gạt không hẳn là điều xấu xa nên tránh, một đôi khi. Ngọc không để ý đó thôi, đất nước mình có ai ăn nói thật lòng đâu? Toàn cả một bọn thoa mỡ ở cửa miệng.
"Em không tin. Em làm tối mắt tắt đèn cả tháng trời cũng không để dành được ngần ấy tiền. Em muốn biết chủ nợ là ai để mai sau em đích thân mang tiền đến trả, chỉ vậy thôi... Phải luôn nhớ tên người đó mà tri ân. Cho vay năm chục ngàn trong lúc mình gặp hoạn nạn, chuyện ấy không phải là điều ai cũng có thể làm được".
Ngọc bước nhanh tới trước, có lẽ em là người có trí nhớ tốt nên em dành phần nhận diện ngôi mộ dùm tôi. Tấm gỗ cắm trên mồ nứt nẻ oằn oại không còn đọc rõ tên họ người quá cố, tất cả hầu như hoang sơ tựa nhau, vậy mà đảo mắt một vòng, Ngọc nhận ra ngay đâu là chỗ nằm của đấng sinh thành. Hai anh em quỳ xuống lom khom thu nhặt rác cỏ phân trâu. Tôi đốt thắp cả bó hương và đưa cho Ngọc ôm vào hai tay. Em cúi đầu, nhắm mắt, môi mấp máy. Một giọt nước ứa ra ở khóe mắt, từ tốn bò xuống cằm. Bên kia đồi thông, gió hú từng hồi vật vã. Tôi đứng khom người nhìn ngó cảnh vật, lòng tôi như căn nhà không hề có cửa nẻo, trống trơn. Tôi buồn tới độ lì lợm, mất cảm xúc. Bó hương tàn phân nửa thì Ngọc thôi khấn nguyện, mặt em lem luốc tàn nhang như cô gái quê dùng mỹ phẩm rẻ tiền. Em chia cho tôi một ít để đi cắm quanh quẩn những gò mã láng giềng. "Năm mới sắp tới rồi, cuộc đời tụi mình sẽ phải đổi khác, phải không anh?" Tôi không hiểu hết ý câu Ngọc nói. Nó tựa như khuôn mẫu rất sáo mà người ta mang ra xài trong khi chúc tụng hằng năm. "Năm mới, thắng lợi mới". Đại loại như vậy. Một năm mà hề hấn gì. Người ta lên kế hoạch năm năm, mười năm... vấn đề, sự kiện vẫn cứ nguyên dạng thuở ban đầu. Chợt vẹt hơn, suy suyễn hơn, mòn hao hơn và não nề tiếp nối! "Hồi nãy em đã tạ lỗi với Mạ rồi, và em nghĩ Mạ sẽ thứ tha, sẽ phù hộ cho em làm lại con người mới. Anh còn nhớ con Duyên không? Duyên có nốt ruồi ở bên cằm, Duyên có cái răng khểnh đó..." Duyên. Duyên. Cô ta chết rồi à? Mộ chôn ở đâu? Hay Duyên trốn được qua đế quốc Mỹ và đời phất như diều gặp gió? Tôi bóp trán lú lẫn tự tra cứu một bóng hình. Tôi không biết Duyên là ai cả, nhưng nhớ loáng thoáng có nghe Quý nói đâu đó một đôi lần: "Mày biết con Duyên không? Cái con bé có đôi vú lớn như vậy nè. Dạo này nó hay đi Đà-nẵng, đi Nha-trang, đi Vũng-tàu, đi giang hồ. Đôi ba tuần sau trở về chốn cũ tiền đô-la nhét chật cái xú-chiên. Mấy bà ngoài chợ kháo, làm con gái đẹp kể cũng sướng, muốn đời thơm hương thì thơm ba mươi giây".
"Duyên nói với em: Mày nỡ lòng chôn đời trong cái hãng chế biến bún mì này hoài sao? Đi với tao một lần cho biết đời sống có muôn ngàn vẻ đẹp diệu kỳ. Em quyết định sau khi bình phục hẳn sẽ mượn Duyên mái tóc giả rồi khăn gói cùng nó ngao du. Em sẽ gửi tiền về cho anh trả nợ, cho anh tẩm bổ hình hài, cho anh tha hồ hút thuốc cán..."
Tôi ngó Ngọc sửng sốt, trân tráo. Em cũng nhìn lại tôi thách thức. Mắt Ngọc giờ này khác hẳn khi còn ở trong bệnh viện, loang loáng ướt và sắc như ngọn lá liễu. Đôi mắt của một người nhiều nghị lực, nhiều tính toán và đoan quyết đúng những gì mình đã hoạch định. "Sao anh không hỏi em sẽ đi đâu, làm gì để sống? Anh không hỏi con Duyên thuộc hạng người gì? Mánh mung ra sao mà ăn nói ra chiều lộng ngôn?". Tôi cắn chặt hai hàm răng chống đỡ cơn lạnh lùa tới. Chiếc khăn lụa cột trên đầu Ngọc run rẫy theo thân tôi. Em trông như một ni cô đứng ở cổng chùa mà đằng sau vẫn chặt chưa đứt lìa cái đuôi quá khứ. Tham. Sân. Si... Tôi muốn ôm em gái tôi vào lòng nhưng lại sợ hãi nhiều thứ. Tôi sợ rồi mai này em chẳng còn đứng cạnh tôi như giờ này, tôi sợ em sẽ vỡ tan trong đôi vòng tay siết chặt đầy bất lực của tôi. Cánh tay tôi tê cứng, đau buốt chỗ bị kim đâm. Nó nặng nề cất lên cao không được như thể suốt đêm tôi dùng nó để gối đầu cho ai đó an giấc. Ngọc chảy nước mắt, em ngần ngại giây phút để sau cùng chạy tới ôm cứng lấy tôi: "Tha lỗi cho đứa em tật nguyền của anh..." Giọng em tôi đầy thổn thức.
Ở Huế, những ngày cuối năm đất trời giao hoan một màu xám bẩn. U uất, chật chội, không biên cương. Dưới xa mờ, dòng sông Hương uốn lượn chảy ngang trông như một đoạn vải trắng. Có ai vừa thả khăn tang bay lững lờ xuống tận vực sâu? ./.
HỒ ĐÌNH NGHIÊM
(trong tập truyện/chuyện NGOẠI VỰC, Lotus Media xuất bản, Hoa Kỳ, 2018)
trích từ TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHẠM CAO HOÀNG
-------------------------------------------------------------------------------------