Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

bài liên quan: "về nhà văn NHẬT TIẾN " -- blog Phan Nguyên

Friday, 11 September 2015

Nhật Tiến















Nhật Tiến

tên thật: Bùi Nhật Tiến
(1936 - .....) Hà Nội
nhà văn, nhà thơ, nhà giáo


Nhât Tiến tên thật là Bùi Nhật Tiến, sinh ngày 24 tháng 8 năm 1936 tại Hà Nội trong một gia đình trung lưu, có 7 người con (ông là anh của nhà văn Nhật Tuấn). Thuở nhỏ, ông học trường Hàng Vôi, rồi học trung học tại trường Chu Văn An (Hà Nội).
Ông bắt đầu sáng tác từ những năm 50 thế kỷ trước, cả thơ lẫn truyện, sau chép chung vào một tập mang tên Những bước tiên của tôi (đã thất lạc).
Năm 1951, truyện ngắn "Chiếc nhẫn mặt ngọc" của ông được đăng trên tờ Giang sơn, cũng là tác phẩm đầu tiên được đăng trên báo.
Năm 1954, ông di cư vào Nam, sống tại Đà Lạt, chuyên viết kịch cho Đài phát thanh Ngự lâm quân, sau về Sài Gòn dạy lý hóa cho các trường tư.
Năm 1959 - 1975, ông làm Chủ biên nhà xuất bản Huyền Trân, và làm Chủ bút tuần báo Thiếu nhi (1971-1975) do nhà sách Khai Trí xuất bản.
Ngoài ra, ông còn là cây viết đều đặn cho các báo Tân phong, Văn, Bách khoa, Văn học, Đông phương,... Sau năm 1975, ông tiếp tục dạy lý hóa ở trường Hưng Đạo cho tới năm 1979, thì vượt biển qua Thái Lan tỵ nạn rồi định cư tại California (Hoa Kỳ) từ năm 1980. 
Ở đây, ông tiếp tục viết văn và theo học ngành điện toán, rồi làm chuyên viên sửa máy vi tính.
Năm 1998, ông nghỉ hưu. Hiện sống ở Santa Ana, California. Vợ ông là bà Đỗ Phương Khanh, cũng là một nhà văn, nhà báo.












Thuyền trôi trên biển cả
Im lìm không bóng ai
Chung quanh một đàn cá
Tiễn đưa chiếc quan tài
(kỷ niệm thuyền nhân 1979) 


Xăm xoi thả chữ vào đời
Nguồn cơn sao chẳng thấy vơi chút nào 

Nhật Tiến

9/2016 




Nhật Tiến     [ i.e. Bùi Nhật Tiến    hanoi 1936-    ]

 vợ chồng Nhật Tiến:
 Đỗ Phương Khanh [1936-   ] + Bùi Nhật Tiến1936-     ]
















Tác phẩm mới nhất
 










Tác phẩm đã in













Truyện dài










1
Những người áo trắng

(Huyền Trân, 1959)














2
Những vì sao lạc

(Phượng Giang, 1960)













3
Thềm hoang

(Đời Nay, 1961 - Giải thưởng Văn chương Toàn quốc 1962)














4
Mây hoàng hôn

(Phượng Giang, 1962)













5
Người kéo màn

(tiểu-thuyết-kịch, Huyền Trân, 1962)














6
Ánh sáng công viên

(Ngày Nay, 1963)













7
Chuyện Bé Phượng

(Đông Phương, 1964)

















8
Vách đá cheo leo

(Đông Phương, 1965)
















 
9
Giấc ngủ chập chờn
Đông Phương 1969

























Sài gòn 1960






Tập truyện ngắn














10
Giọt lệ đen

(Huyền Trân, 1968)













11 

Theo gió ngàn bay
Huyền Trân, 1970















12
Tặng phẩm của dòng sông

(Huyền Trân, 1972)
















13
Tiếng kèn

(Văn học xuất bản -- Hoa Kỳ, 1982)















14
Một thời đang qua

(tủ sách Cành Nam, 1985)



















15

Mồ hôi của đá
Tủ sách Cành Nam, 1988













16
Cánh cửa

(Thời Văn, California, 1990)

















17
Quê nhà Quê người
(viết chung với Nhật Tuấn - Nxb Văn học, Hà Nội, 1994)

























Sài gòn 1971












  





Truyện thiếu nhi















18
Đóa hồng gai
(Tuổi hoa, Sài Gòn, 1970)













19
Lá chúc thư

(Huyền Trân, 1971)













20
Đường lên núi Thiên Mã

(Huyền Trân, 1972)























Tạ Tỵ ký họa


Các thể loại khác
















21
Chim hót trong lồng

(nhật ký, Huyền Trân, 1966)















22
Tay ngọc

(bút ký, Huyền Trân, 1973)













23
Thuở mơ làm văn sĩ

(Huyền Trân, 1973)













24
Thân phận dư thừa

(dịch The Unwanted của Kiên Nguyễn--  Viet Tide LLC, 2002)















Hành trình chữ nghĩa

  
Năm 2012, nhà văn Nhật Tiến vừa hoàn tất 3 tác phẩm mang tên Hành Trình Chữ Nghĩa: 1/Nhà giáo một thời nhếch nhác, 2/Sự thật không thể bị chôn vùi, 3/Một thời như thế, phác họa lại một chặng đường văn học của mình với những thời điểm lồng trong đời sống lịch sử dân tộc Việt.




25
Nhà giáo một thời nhếch nhác
tập 1









26
Sự thật không thể bị chôn vùi
tập 2








27
Một thời như thế
tập 3










28
Mưa xuân
truyện & kịch
2013


























Đọc "Nhà Giáo một thời nhếch nhác"
của nhà văn Nhật Tiến


Nguyễn Mạnh Trinh


Nhà văn vẫn đứng ngoài nắng. Nhà văn Mai Thảo đã nhận định về một chân dung đã có tới hơn 60 năm cầm bút là nhà văn Nhật Tiến như vậy. Trước năm 1975, ông là một khuôn mặt văn học tiêu biểu của 20 năm văn học miền Nam và đã đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1961. Ông là nhà văn của tuổi thơ, của những bức xúc về một cuộc chiến tranh và là một người lưu lạc suy ngẫm về thân phận của mình và của chung một thế hệ phải trải qua những ngày chiến tranh và những ngày hậu chiến tranh mà những bi thảm, những bất toàn của xã hôi lại còn đáng sợ hơn thời còn khói lửa. Ông viết với tâm cảm mà những ý nghĩ trung thực được biểu lộ không e ngại và là tiếng nói được lắng nghe từ công luận. Sau năm 1975, ông lại là chứng nhân của những cuộc đổi thay nghiệt ngã và văn chương ông ghi chép lại những thực tế đáng buồn của một thời đại đảo điên bi thảm của dân tộc Việt Nam.

Có rất nhiều chân dung nhà văn Nhật Tiến: nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, nhà văn của hiện thực xã hôi, nhà văn của lưu lạc xứ người...Mà mẫu chân dung nào cũng đều có nhiều cá tính văn chương và trong mỗi dòng chữ, mỗi ý tưởng đếu có những thông điệp trao gửi theo.. Trong con người của nhà văn Nhật Tiến, cá tính của hướng đạo sinh và đặc tính của một nhà giáo dục trộn lẫn để thành một tâm thức hướng thượng và nhiều lý tưởng. Những tác phẩm của ông biểu lộ điều đó từ lúc ở trong nước hay ra hải ngoại. 

Là một nhà giáo dục, ông chú trọng nhiều đến tuổi học trò.Trong một cuộc phỏng vấn, nhà văn Nhật Tiến đã phát biểu rằng công việc ra một tờ báo dành cho thiếu nhi(trong khoảng từ 10 đến 15, 16 tuổi hay trình độ từ cuối bậc tiểu học đến hết bậc trung học phổ thông) là mơ ước của ông. Nhất là trong hoàn cảnh của đất nước chúng ta khi xã hôi có nhiều hiện tượng băng hoại do văn hóa ngoại lai xâm nhập và cũng do ảnh hưởng chiến tranh. Mãi đến năm 1971 ông mới được sự tài trợ của nhà sách Khai Trí và ra mắt tờ tuần báo Thiếu Nhi vào ngày 15 tháng 8 năm 1971 và đều đặn hàng tuần đến ngày 30 tháng tư năm 1975 thì chấm dứt. Ngoài ra ông còn tổ chức nhiều sinh hoạt khác như tổ chức thư viện cho các em mượn sách về nhà đọc, tổ chức các Gia Đình Thiếu Nhi ở các tỉnh và các đô thị lớn có những buổi sinh hoạt tập thể ngoài trời, hay tổ chức các cuộc thi viết văn làm thơ cho thiếu nhi và có giải thưởng khá lớn. Nói chung là phối hợp giửa giải trí và giáo dục để các em có những sinh hoạt vui tươi và bổ ích.

Sau khi vượt biển sống ở hải ngoại, nhà văn Nhật Tiến cũng làm chủ bút tờ Tuổi Hoa của nhà văn Quyên Di một thời gian và lúc nào cũng chú tâm đến lớp tuổi măng non ở hải ngoại...

Là một nhà văn mà tính cách của lý tưởng hướng đạo sinh biêu lộ rõ ràng trong phong cách sống như những câu văn của tác giả Mai Thảo diễn tả:

"Những trong nắng và những ngoài nắng ấy, Nhật Tiến đã thấy đã trải qua, đã viết ra, đã thuật lại. Gọi đó là nắng cáo trạng, nắng bạch thư, gọi đó là nắng Ko Kra, nắng Nhật Tiến. Trước cái khuynh hướng muôn thuở của con người là sự kiếm tìm những tàn cây đầy bóng mát cho tâm hồn và đời sống văn chương bây giờ của Nhật Tiến, những vận động, những lên tiếng không ngừng của Nhật Tiến cho thấy ông vẫn lựa chọn đứng ở đó. Ngoài nắng. Giữa nắng. Thái độ ấy có thể bị nhìn là khô cứng quá khích. Hoặc với những tâm hồn bóng rợp là một đọa đầy vô ích.Tôi chỉ nhìn thấy tự nhiên và bình thường nơi người nhà văn lưu đày ở Nhật Tiến một ý muốn. Cái ý muốn được đứng cùng, đứng mãi với vượt biển thê thảm như đứng với quê nhà, với Việt nam"

Ngay lúc bây giờ, ở tuổi đã cao, ông đã vừa xuất bản hai tác phẩm và vẫn mang dấu ấn vừa kể. 

Một là tác phẩm "Hành Trình Chữ Nghĩa", viết như một thôi thúc của một đời trôi nổi theo thời thế và buộc chặt với chữ nghĩa. 60 năm tuy dài đối với một đời người nhưng chỉ là một tích tắc của lịch sử hay văn học. Và mỗi tác giả nếu tạo được những dấu ấn sẽ không bao giờ mờ phai theo thời gian. Với tác giả Nhật Tiến, ông đã viết trong lời mở đầu: "... Thông thường những dấu ấn trên đường đi ta vốn chỉ nên coi là những kỷ niệm. Mà kỷ niệm nào trong quá khứ dù vui hay buồn thì cũng chỉ nên ghi gói trong lòng. Cuộc hí trường trong đời một con người bất quá cũng chỉ kéo dài trong giới hạn dăm bảy chục năm, nhiều lắm là trăm năm. Rồi hai tay buông xuôi. Mọi thứ trên hình hài sẽ trở về với cát bụi.

Nhưng hình hài thì trở về với cát bụi còn những dấu ấn để lại trong phạm vi tinh thần thì có sẽ phai mờ trong lớp bụi thời gian hay không?

Tôi nghĩ là không. Vì nếu nó phai mờ trong trí nhớ để không còn được ai nhắc nhở thì lịch sử đâu còn lý do gì mà tồn tại? Cho nên trong sinh hoạt chữ nghĩa, đừng tưởng cứ hạ bút xuống rồi là phủi tay hết trách nhiệm. Rất có thể một vài năm sau có khi cả chục năm sau hay lâu lắc hơn nữa, ở những thế hệ kế tiếp cũng vẫn có người lần mò vào thư viện tìm đọc lại những trang sách báo cũ để tìm hiểu về các lớp cha anh với những gì họ đã làm, đã đóng góp cho lịch sử và ngay cả về phương thức xử thế đạo đức nhân cách của họ nữa..."

Với cá tính và tinh thần của một người hướng đạo, nhà văn Nhật Tiến đã viết và không ngại những vấn đề tế nhị và nhạy cảm để nêu ra những vấn đế mà ông nghĩ rằng cần thiết để làm sáng tỏ trong mục đích phục vụ nhân sinh. Tác phẩm "Hành Trình Chữ Nghĩa" đã được viết với mục đích đó, ở một thời điểm gần như cuối đời nhìn lại một thời đã qua...

Hai là tác phẩm "Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác", ghi chép của một nhà giáo dưới mái nhà trường XHCN sau ngày 30 tháng tư năm 1975. Con người mô phạm đã có một dấu ấn rõ nét trong con người nhà văn bởi vì trước khi là nhà văn ông đã là một nhà giaó va hầu như suốt cuộc đời ở Việt Nam ông đã giảng dạy nhiều thế hệ học trò. Ngay cả việc ông chủ trương tuần báo Thiếu Nhi cũng với cung cách của một nhà giáo dục ý thức được rằng tuổi trẻ là tương lai của dân tộc.


Truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam tưởng là một truyền thống bất diệt nhưng đến thời kỳ Cộng sản thì không còn nữa và sự phá sản giáo dục đã nhìn thấy rõ suốt hơn ba chục năm Cộng sản chiếm đoạt được cả nước và điều hành đất nước theo một chủ nghĩa không tưởng lai căng Mác - Lênin.
Nhà văn Nhật Tiến viết về thực trạng giáo dục khi ông còn ở Việt Nam và là một chứng nhân. Đó chỉ là khởi đầu của thảm trạng và đến nay có nhiều sự kiện thực tế không thể tưởng tượng nổi đã xảy ra. Vong bản, ảnh hưởng của Cộng sản Trung Hoa khi soạn chương trình học về lịch sử và ngôn ngữ. Thi cử thì gian lận có tổ chức. Bằng cấp giả mạo tràn lan. Đạo đức học đường bị suy vi trầm trọng, thầy mất tư cách, học trò hỗn láo như những trường hợp kể lại tràn lan trên báo chí. Thời Cộng sản là một thời đại tệ hại nhất của lịch sử Việt Nam. Ông viết:

".. Khi thời thế thay đổi, nhất lại là sự thay đổi ý thức hệ này qua ý thức hệ khác, thì hầu như mọi vốn liếng tinh thần của nhà giáo tưởng sẽ tồn tại lâu dài với những chuẩn mực vốn đã trở thành truyền thống lâu đời, thì nay đã hoàn toàn đảo lộn, bị tróc gốc đến độ như tôi đã có cảm giác rằng mình kiêm nhiệm cùng một lúc cả hai vai trò: vừa là thầy giảng dạy, vừa là tên học trò cứ bị nhà trường uốn nắn thường xuyên từ tác phong, cử chỉ cho đến lời ăn tiếng nói...

Nhưng trải qua 4 năm trời trầy trật dưới một mái nhà trường XHCN tôi phát giác ra rằng ở đây người ta không những không trang bị điều gì tốt đẹp thêm cho cho nhận thức của nhà giáo mà tệ hơn lại còn không cho phép các thầy cô được làm trọn vẹn vai trò của một nhà giáo đúng nghĩa.

Bởi vì, một nhà giáo đúng nghĩa thì không dối trá với học trò ngay trên bục giảng hay ngay trong bài giảng của mình. Nhà giáo đúng nghĩa cũng không thể tiếp tay với nhà trường để xô đẩy học sinh vào những vùng trời mê muội như lôi kéo, dụ dỗ, nhồi nhét vào đầu óc non nớt của chúng những thứ không nhằm phục vụ cho tương lai của chúng cũng như tương lai đất nước mà chỉ nhằm phục vụ cho những ý đồ đen tối của guồng máy đang cai trị.

Nói một cách cụ thể nếu coi tâm hồn của những trẻ thơ như là một tờ giấy trắng thì cũng đã có một số người trong đám nhà giáo chúng tôi sau 30-4-1975 cũng đã từng bôi đen lên những tờ giấy trắng đó bằng những bài giảng phải tuân theo sát sạt những "pháp lệnh" của nhà nước..."

Mặc dù là một nhà văn nhưng ông là một nhà giáo dạy môn vật lý là một môn học thuộc khoa học tự nhiên nên cũng ít bị để ý soi mói hơn là những thầy cô dạy những môn học như triết, văn hoặc sinh ngữ... Bài giảng dạy học trò phải bị bắt buộc soạn sẵn thành một hồ sơ gọi là "Giáo án" và đây chính là một dây cương tròng cổ mọi nhà giaó thời Cộng sản. Mỗi giáo viên đều phải có một cuốn sổ gọi là sổ giáo án để soạn bài và những bài soạn này phải được Ban Giám Hiệu kiểm tra đóng dấu rồi mới được đem dùng. Đã thế trong giờ học cuốn sổ này phải đặt ở bàn cuối lớp sát hành lang để bất chợt Hiệu Trưởng hay Hiệu Phó đi kiểm tra xem thầy cô có dạy đúng như trong giáo án không. Bất cứ môn học nào, giáo án cũng được soạn theo một khuôn mẫu ấn định sẵn mà ở đó mục đích về chính trị bao giờ cũng quan trong hơn hết và sự kiểm soát tư tưởng suy nghĩ của cả thầy cô và học trò cũng là phần hệ trọng. Chính vì thế, người giáo viên khi soạn giáo án phải lồng vào trong bài học những chủ đích của chế độ. Những môn học như toán, như vật lý, hóa học,... cũng phải cố gắng nhồi nhát vào những tư tưởng tuyên truyền cho chế độ Cộng sản và nêu ra những tính mà những người cầm quyền gọi là ưu việt. Và giáo án còn phải nêu ra những quan hệ bản thân và đó chính là một cách kiểm tra tư tưởng khiến cho cả thầy trò trong trường học của chế độ Cộng sản bị dắt đi vào những con đường định sẵn mà chính trị là mục tiêu chính của giáo dục XHCN. 

Từ trường học với thầy cô, với đám học trò, tác giả Nhật Tiến ghi chép lại rộng rãi hơn đến những môi trường lầm than của xã hội mà trong đó người dân bị lừa dối bởi những người cầm quyền vừa ngu dốt vừa hãnh tiến chủ trương tuyên truyền dối gạt để cai trị. Tất cả đều được ngụy trang bằng những chiêu bài thật tốt đẹp thật lý tưởng nhưng thực chất chỉ là cái bánh vẽ không tưởng. Ông kể lại những sự thực đã trải qua, đã chứng kiến tận mắt. Giá trị của trường học tự nhiên bị hạ thấp một cách khó tưởng tượng. Thầy giáo cô giáo không được nể trọng như xưa nữa mà bị dòm ngó kiểm soát có khi còn hơn là những đứa học trò của mình nữa. Sống trong hoàn cảnh ấy, làm sao còn tâm trí để chú tâm vào công việc giảng dạy. Xã hội như vậy, giáo dục như vậy đã tạo thành những con người của XHCN chỉ biết chạy theo lợi nhuận với mục đích làm giàu mà quên đi những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc.

Chân dung nhà giáo của một thời nhếch nhác ấy được phác họa từ những người trong ban giám hiệu đến những thày cô với những nét đặc biệt. Như hình ảnh của một hiệu trưởng:

" Còn ông hiệu trưởng mới đổi về này không cần giới thiệu chúng tôi cũng biết ông ta là gốc bộ đội vừa được chuyển ngành. Bởi trong cương vị một Hiệu Trưởng một trường trung học ông ta vẫn bận bộ quần áo bộ đội tới trường để điều hành công việc. Hơn thế nữa bên hông ông ta lúc nào cũng kè kè một khẩu súng lục không biết để làm gì ngoài chuyện thị uy với đám giáo viên trong vùng mới "giải phóng". Ấy vậy mà ông ta vẫn gọi chúng tôi là các" đồng chí".

- Các đồng chí cũng nên nhớ rằng nhà nước chuyên chính vô sản sẵn sàng đập tan mọi âm mưu bạo loạn của bọn phản động tàn dư của bọn tay sai nước ngoài để bảo vệ vững chắc nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chúng ta dân chủ với mọi đồng chí nhưng dứt khoát là phải chuyên chính với mọi tàn dư phản động.

- Các đồng chí nên nhớ dạy theo đúng sách giáo khoa với giáo án đi kèm chính là một Pháp lệnh. Ai không tuân theo Pháp lệnh là chống đối nhà nước là phản động là bán nước.

Nói xong câu này ông ta còn đưa tay xốc cái thắt lưng quần khiến cho khẩu súng lục cứ bị đẩy lên chìa ra trước mặt mọi người..."

Trong hoàn cảnh ấy, nhà văn cũng nhìn lại chính chân dung mình trong đời sống đã thay đổi đến rùng mình đó. Ví dụ như một trường hợp đang giảng bài trong lớp thì nghe gọi tên mình trên loa phóng thanh lên văn phòng nhận nhu yếu phẩm. Mà nhu yếu phẩm là niềm vui hiếm hoi của thầy cô với đồng lương eo hẹp và cũng là một phần thưởng của chế độ cho công nhân viên chức. Một cô giáo cùng tổ đã mang phần cá được chia vào trong lớp học để trao cho ông một cách thật bình thường. Tự nhiên ông cảm thấy buồn và suy tư:

" Loay hoay với những ý nghĩ trong đầu rồi cuối cùng tôi cũng đành phải bước ra nhận xâu cá và cất lên một lời cám ơn cô, nghe rất nhạt nhẽo. Chắc cô cũng đã thấy vẻ mặt khó đăm đăm của tôi lúc đó nên thẩy xâu cá vào lòng bàn tay của tôi xong là cô quay ngoắt đi thẳng không bình luận thêm một lời về công khó của mình nữa.

Khi cô giáo đi khỏi rồi tôi mệt mỏi tay cầm xâu cá chân bước lên bục giảng. Đột nhiên cả lũ học trò cùng phá lên cười, xen vào đó tôi còn nghe thấy cả những tiếng vỗ tay nữa. Tôi đột nhiên biến thành một thứ diễn viên hề đang ra mắt khán giả trên sân khấu. Vào cái giây phút này bài giảng Quang học về Thấu kính chẳng có liên hệ gì tới xâu cá tôi cầm trên tay. Tôi có cảm giác như mình vừa bị đẩy tuột từ vai trò một thầy giáo nghiêm chỉnh xuống vai trò của anh đứng bán xâu cá ngay ở giữa chợ trời! Còn bọn học trò thì chắc chẳng nghĩ ngợi gì xâu xa hay dè bỉu gì về cái chuyện ấy đâu. Chắc chúng nó chỉ thấy vui vui khi thấy ông Thầy đang đứng trên bục mà tay lại cầm xâu cá, một hình ảnh trái khoáy so với dáng vẻ nghiêm chỉnh của thầy mọi ngày. Có lẽ trong cả cuộc đời lấm lem cùng bụi phấn cả Thầy lẫn trò chúng tôi chưa bao giờ lại bị nhập vai trong một pha như thế này trên bục giảng và trong lớp học. Thế rồi " Niềm vui" của lũ học trò bỗng đem lại cho tôi một ý nghĩ bất cần. Tôi chẳng còn ngần ngại hay giữ gìn ý tứ gì nữa. Cầm xâu cá trên tay tôi cũng giơ lên cao cho cả lớp nhìn thấy. Bây giờ thì tôi nhận ra đó là một xâu độ 4,5 con cá bạc má có vẻ còn tươi vì máu cá còn dính đỏ trên sợi lạt buộc. Qua sợi lạt buộc tôi cũng thấy cả gần trăm con mắt của lũ học trò đang đổ dồn vào xâu cá. Một đứa lên tiếng: "Cá còn tươi đó a thầy!" Một đứa khác ngồi ở cái bàn gần xế chỗ tôi đứng cũng lên tiếng: "Xâu cá này đem chiên giòn với mỡ thì phải biết! Hết cỡ! "

Đọc lại những trang sách của "Nhà Giaó Một Thời Nhếch Nhác" tôi như mường tượng lại một thời đã qua với những nét bôi đen lem luốc của lịch sử dân tộc. Đã hơn ba chục năm, và hình như ít nhà văn hay tác giả nào nhắc lại những chuyện thật xảy ra dưới mái trường được gọi là XHCN đó. Nhưng tấn thảm kịch của đất nước phải được nhìn lại để những kinh nghiệm sống như thế sẽ giúp ích cho những đời người sau. Thử tưởng tượng, mấy chục năm sau, những lớp hậu sinh sẽ giở lại những trang sách và họ sẽ hiểu được những nhọc nhằn của một thời kỳ mà tất cả đều phục vụ cho mục tiêu chính trị kể cả giáo dục.

Với những người tạm gọi là chứng nhân của một thời kỳ suy đồi nhất sau năm 1975, khi hồi tưởng lại là những cơn ác mộng. Lúc đó, mọi người trong xã hội phải bắt buộc diễn một vở kịch của giả trá, vẫn phải nói dối trong khi lương tâm dằn vặt vì sự bắt buộc ấy. Sự thực không ai dám nói ra và tất cả hình như ở trong trạng thái lo sợ bị rình rập theo dõi. Chế độ công an trị làm mọi người không ai tin ai, và lúc nào cũng có cảm tưởng có những tên điềm chỉ sẵn sàng báo cáo tất cả những sinh hoạt cá nhân của mình. Ngay cả vấn đề tư tưởng, cũng bị theo dõi, uốn nắn, trừng phạt nếu có những suy tư đi ngược lại khuôn mẫu của chế độ đặt ra. Nền giáo dục của chế độ độc tài như vậy có ảnh hưởng rất lâu dài cho đến tận tương lai sau bởi vì những hệ quả của nó.

Viết một cuốn hồi ký ghi chép lại những sinh hoạt giữa thầy và trò sau tháng 4 năm 1975 dưới mái trường XHCN có thực sự cần thiết không?

Nhà văn Nhật Tiến trả lời thực sự rất cần. Ông viết:

" Bởi nó là cội nguồn cho những sự tróc gốc đạo đức sẽ diễn ra trong xã hội Việt Nam trong nhiều năm sau đó. Khi nền tảng của chính sách giáo dục dựa trên những điều giả trá, những mưu toan ngoài giáo dục, lại được điều hành bởi những đầu óc thiển cận hẹp hòi đầy tự kiêu tự mãn thì thành quả của giáo dục nó sẽ ra sao ai cũng có thể thấy trước. Thấy mà chẳng ai dám nói ra có khi còn góp phần phụ họa làm cho bộ mặt giáo dục ấy càng ngày càng thêm thảm hại mà chứng cớ cụ thể là sự tuột dốc về đạo đức xã hội ngày nay đã hiện ra rõ rành rành. Bởi vì nó đã trổ hoa kết trái và tiết ra nhiều độc tố hơn là hương thơm sau nhiều chục năm được vun trồng.

Bởi chính nó, cái thành quả giáo dục ấy đã tạo nên tình trạng đạo lý suy đồi ở cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội ngày nay. Các trang tin tức quốc nội bây giờ đã đăng lên không thiếu gì những câu chuyện khó tin mà có thật với nhan nhản những con người không còn mang tính người. Mấy chữ" mac ke no" tức "mặc kệ nó" nghe tưởng vô thưởng vô phạt nhưng đã hàm chứa một triết lý sống cực kỳ tồi tệ và bi đát của một xã hội vô cảm mà hàng ngàn năm qua ta chưa bao giờ thấy hiện diện một cách lan tràn trên đất nước. Và cũng bởi chính nó tức cái thành quả giáo dục ấy mà những điều kiện an toàn của xã hội đã bị đảo lộn như luật pháp không còn nghiêm minh, tiền bạc mua được công lý chức quyền có thể đổi trắng thay đen, tiếng kêu của dân oan từ nhiều năm qua vẫn còn vang lên từ khắp mọi miền đất nước..."

Và, dù tuổi đã già, và trí nhớ một phần nào giảm sút, nhà văn Nhật Tiến vẫn viết để hoàn thành một tâm nguyện gần như cuối đời là tác phẩm " Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác" một ghi chép chân thực về một thời đại đặc biệt của dân tộc gửi cho những thế hệ sau...




NMT





















- trại tị nạn Songkhla - Thái Lan 1980


















Tham khảo thêm về nhà văn Nhật Tiến














Mặc Lâm

 biên tập viên RFA








ChimHotTrongLong0d4f485a483e4b5fbb13f4bdfe59fe24chimhotronglong-1
(truyện “Chim hót trong lồng” của Nhật Tiến.)




Kỷ niệm thời thơ ấu



Mặc Lâm: Trước tiên xin cảm ơn nhà văn Nhật Tiến đã dành cho chúng tôi buổi nói chuyện thân mật ngày hôm nay. Thưa ông, có thể nói tác phẩm đầu tay “Những người áo trắng” đã được xuất bản rất lâu, và từ tác phẩm này nói về những dòng tu kín ở Việt Nam dẫn tới tác phẩm “Chim hót trong lồng” cũng là một câu chuyện bên trong phạm vi bốn bức tường của nhà dòng, xin ông cho biết nguyên cớ nào mà ông thích viết về bốn bức tường trắng của nhà tu kín như vậy?

Nhà văn Nhật Tiến: Dạ vâng. Cảm ơn anh đã nhắc đến hai tác phẩm gần như là loại đầu tay của tôi. Cuốn “Những người áo trắng” thì tôi sáng tác vào khoảng năm 1955 hay 1956 gì đó. Đấy chỉ là một kỷ niệm của tôi vào thời còn sinh sống ở Hà Nội, khi đó tôi là một hướng đạo sinh. Quý vị đã biết rằng hướng đạo sinh thì thường hay đi làm các công tác từ thiện, làm những việc gọi chung là giúp ích. Đoàn của tôi cũng làm những công việc như mùa đông thì chúng tôi thường hay đẩy những xe bò đi các đường phố ở Hà Nội để quyên góp quần áo của bà con trong thành phố rồi đem giúp cho những người nghèo. Hoặc giả chúng tôi tình nguyện đứng ở đầu phố Hàng Trống hoặc là Hồ Gươm để bán những cuốn sách của những tác giả thời đó, thí dụ như vở kịch của kịch sĩ Văn Thuật mà tôi còn nhớ, thì tiền tác quyền của kịch sĩ Văn Thuật mà bán được thì lại cho vào một quỹ để đem giúp đồng bào bão lụt hay người nghèo thời đó. Một công tác khác về vấn đề từ thiện là chúng tôi hay lui tới ở cái trại mồ côi, và trại mồ côi đó bây giờ gọi là đường Nguyễn Thái Học, nhưng hồi đó gọi là đường Hàng Đẫy rồi đi sâu xuống Phố Hàng Bột. Có một trại mồ côi mà chúng tôi hay lui tới sinh hoạt ở đó. Và chính thời gian tôi sinh hoạt ở trại mồ côi này thì hình ảnh những người áo trắng như trẻ mồ côi mặc quần áo trắng, những bức tường trắng và những cô thiếu nữ ở viện mồ côi lớn tuổi hơn trông nom đàn em nhỏ đã gây cho tôi nhiều xúc động. Và sau này khi sáng tác tác phẩm dài đầu tay thì tôi đã dùng hình ảnh ở trại mồ côi đó để viết cuốn “Những người áo trắng”.

Mặc Lâm: Mọi người đều công nhận ông là một nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, đặc biệt là tác phẩm “Chim hót trong lồng” viết về một cô bé rất cảm động. Từ những nỗi niềm của cô bé đó, ông mang theo trong những chuyến vượt biên sau này… có một sự dính líu nào đó trong những hoàn cảnh của những người vượt biên, chắc chắn ông đã gặp những cô bé bất hạnh trên đường đi, ông có liên tưởng đến nỗi bất hạnh mới từ cô bé trong “Chim hót trong lồng”…?

Nhà văn Nhật Tiến: Theo tôi thì sự liên tưởng từ cô bé trong “Chim hót trong lồng” đến những cô bé vượt biên thì đó là sự liên tưởng hơi quá xa, bởi vì “Chim hót trong lồng” tôi viết từ thập niên 1960 mà chuyện vượt biên thì mãi sau ngày 30-4-1975, thành ra tôi nghĩ rằng nếu tôi viết cuốn ‘Chim hót trong lồng” thì cũng là dư âm của những hình ảnh đọng lại trong tâm tưởng của tôi khi tôi viết “Những người áo trắng”.

“Chim hót trong lồng” tập truyện bị từ chối

Khi tôi sáng tác truyện “Chim hót trong lồng” thì nó cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm, thành ra tôi viết rất là lẹ, có lẽ cũng là nguồn cảm xúc của tôi trong suy nghĩ những em bé mồ côi, nhất là những buổi chiều mùa thu ở Hà Nội mà nhìn ra trời đầy mây xám với những cành cây trơ trọi, mà các em lại không có ba mẹ nào đến đón ra ngoài cả, nên có nhiều cảm xúc lắm. Tôi viết trong vòng hơn một tuần là xong cuốn sách đó. Lúc bấy giờ tôi gửi cho nhà văn Nguyễn Thị Vinh làm chủ nhiệm tạp chí Tân Phong để đăng thì chị Vinh ngần ngại, chị thấy nó hơi dài, có thể là vì một phần nó hơi dài cho Tân Phong vốn là một tạp chí nên nó chiếm nhiều chỗ quá và thứ hai có thể là cái đề tài đó chị Vinh không thích, thành ra khi đưa bản thảo đó cho chị Vinh thì chị từ chối. Tôi thấy chắc là hồi đó mình cũng mới viết mà nên chắc là nó không có giá trị gì nên tôi cất đi. Đến một thời gian sau thì anh Trần Phong Giao, tôi nhớ hồi đó ảnh xin ra tạp chí Văn, chắc là vì vấn đề tài chính hay sao đó mà đến lúc giấy phép sắp hết hạn ra báo vẫn chưa đủ tài chính để ra một tờ báo đàng hoàng. Ảnh đến nhà tôi ảnh bảo: “Cậu có truyện nào không? Nó vừa vừa thôi để in trong một xấp giấy để tôi giữ cái giấy phép của tờ Văn.” Tôi bảo: “Tôi có cái truyện vừa vừa mà chị Vinh đã từ chối đấy. Cậu có lấy thì lấy.” Tôi đưa truyện “Chim hót trong lồng’ và quả nhiên là anh Trần Phong Giao cho in trong cuốn Văn số 1. Cuốn Văn đó thật sự ra nó gần như là một cuốn chưa hoàn chỉnh lắm, nhưng vì giấy phép sắp hết hạn cho nên ảnh đưa vào. Đó là một kỷ niệm. Vâng. Nhưng không ngờ truyện đó được rất nhiều thế hệ độc giả tiếp đón. Có thể nói là trước sau tôi in tất cả mười bốn – mười lăm lần tái bản cuốn “Chim hót trong lồng”.

Mặc Lâm: Bên cạnh “Chim hót trong lồng” một tác phẩm khác cũng làm cho người ta chú ý nhiều lắm, mà đặc biệt là chính quyền Hà Nội trước đó đã chú ý rất là nhiều và họ lên án cuốn này dữ dội, đó là cuốn “Giấc ngủ chập chờn” . Ông có thể nói sơ một chút về tác phẩm này được không?

Nhà văn Nhật Tiến: Ồ! Cuốn “Giấc ngủ chập chờn” tôi sáng tác vào giữa thập niên 1960, may lúc bấy giờ cuộc chiến ở Việt Nam cũng dữ dội lắm, tràn lan khắp mọi miền. Tôi viết về hoàn cảnh của một vùng xôi đậu. “Xôi đậu” có nghĩa là một nửa xôi một nửa đậu, tức là một vùng tranh tối tranh sáng. Ban ngày thì do quốc gia kiểm soát, nhưng ban đêm thì do bên kia, thành ra dân chúng sống trong vùng đó thì gia đình rất là phân tán, có anh em thì theo bên này, có anh em thì theo bên kia, và họ chết đi vì cuộc chiến. Cả đám thanh niên và con nít ở cái làng đó họ thân thiết với nhau và sống trong thanh bình lắm. Nhưng đến lúc cuộc chiến tràn về thì anh em giết nhau, hàng xóm đồng bào giết nhau, gây ra thảm cảnh đau khổ trong cuộc chiến. Tôi viết tất cả những hoàn cảnh đó và với cái nội dung như vậy thì chế độ mới đánh giá cuốn đó là cực kỳ phản động vì nó tố cáo một sự thực là không phải Mặt Trận Giải Phóng Mền Nam là do quần chúng bất mãn chế độ mà nổi dậy. Tôi thấy sự thực không phải như vậy thành ra chế độ cộng sản họ lên án.

Mặc Lâm: Chế độ cộng sản lên án tác phẩm này nhưng sau đó theo chúng tôi biết cũng có một tác phẩm in chung với Nhật Tuấn được một nhà xuất bản trong nước in. Ông có thể cho biết sự thực như thế nào không?


Sự thực về cuốn “Quê nhà, quê người”

Quê Nhà, Quê Người 
của Nhật Tiến & Nhật Tuấn


Nhà văn Nhật Tiến: Vâng. Đó là cuốn “Quê nhà, quê người”. Cuốn sách này gây sóng gió và bị dư luận hải ngoại chống đối rất nặng nề, nhưng thực sự là như thế này. Quan điểm của tôi trong thời điểm vào khoảng đầu thập niên 1990, tức là sau khi phong trào văn nghệ phản kháng ở trong nước đã phát động thì tôi hy vọng rằng anh em cầm bút ở hải ngoại có thể tiếp sức với những anh em cầm bút phản kháng ở trong nước để có thể làm nên một cuộc kết nối với nhau, tìm ra một con đường hỗ trợ cho nhau trong công việc đòi hỏi tự do – dân chủ cho đất nước. Đó là quan điểm của tôi khi tôi nghĩ rằng làm những công việc hỗ trợ những người cầm bút ở trong nước, vì những người đó là những người chống đối chế độ, chứ không phải tôi chủ trương giao lưu với chế độ, bởi vì chế độ này là một thứ cường quyền, và tôi không bao giờ chủ trương hợp tác với cường quyền hết, bởi vì cái chế độ đó đẻ ra bao nhiêu là tham nhũng, bất công, mất tự do, mất dân chủ. Tôi đã bỏ nước ra đi, đời nào tôi làm cái chuyện giao lưu với họ. Nhưng mà những người cầm bút ở trong nước đứng trong hàng ngũ văn nghệ phản kháng, đứng trong hàng ngũ những người đòi hỏi tự do cầm bút của mình, thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ. Và tôi hợp tác với Nhật Tuấn trên quan điểm đó. Lúc bấy giờ Nhật Tuấn đang làm nhà xuất bản Văn Học ở trong nước và cậu ấy cũng đã là một cây bút nổi tiếng từ trước năm 1975. Cậu ấy đề nghị là “Bây giờ anh em mình hợp tác in chung một cuốn. Anh viết những chuyện xảy ra ở hải ngoại và em viết những chuyện xảy ra ở trong nước”.Những chuyện xảy ra ở hải ngoại thì gọi là “Quê người”, và những chuyện ở trong nước thì gọi là“Quê nhà”. Đó là tên truyện “Quê nhà, quê người” ra đời trong hoàn cảnh đó. Tôi gom một số truyện đã viết ở hải ngoại và được đăng rất nhiều trên báo chí ở hải ngoại và đưa cho Tuấn, thì Tuấn in ra thôi, chứ hoàn toàn không có một chính sách, một chủ trương hay một kế hoạch nào tiến hành trong việc giao lưu mà có lợi cho cộng sản cả. Nhân dịp này tôi cảm ơn anh Mặc Lâm đã dành cho tôi cơ hội để tôi có thể nói rõ hơn một lần về cuốn sách “Quê nhà, quê người” này.

Mặc Lâm: Thưa, một câu hỏi cuối cùng. Thưa ông, cũng hơn 60 năm cầm bút ông là cây viết có thể nói rất là kỳ cựu kể từ khi nhóm Tự Lực Văn Đoàn sinh hoạt cho tới ngày nay và vẫn còn sáng suốt, vẫn còn mạnh khỏe và vẫn còn có thể sáng tác được….

Nhà văn Nhật Tiến: Cảm ơn anh.

Mặc Lâm: Thưa ông, điều còn đọng lại nơi ông duy nhất hiện nay mà ông muốn chia sẻ với thính giả nói chung là điều gì ạ?

Nhà văn Nhật Tiến: Vâng. Xin cảm ơn anh Mặc Lâm, trước tiên tôi xin được cải chính một chút ít. Đối với Tự Lực Văn Đoàn thì là những bậc trưởng thượng và đi trước tôi rất là xa, và tôi không dính líu gì đến sự nghiệp của Tự Lực Văn Đoàn cả. Tôi chỉ là một hậu duệ, một độc giả đọc Tự Lực Văn Đoàn mà thôi. Còn đặt vấn đề những năm cuối của sự nghiệp – nếu có thể gọi là sự nghiệp – 60 năm cầm bút của tôi như anh Mặc Lâm hỏi là còn đọng lại những điều gì nhất thì phải nói ngay thế này, là tôi rất đau buồn khi nhìn thấy cái khung cảnh sinh hoạt chữ nghĩa ở hải ngoại này nó có nhiều ngòi bút quấy hôi bôi nhọ nhiều quá. Nếu anh chịu khó vào những trang web trên Net hoặc đọc một số báo, thì anh thấy nhiều cây bút đã lạm dụng sự tự do ở xứ sở này để viết nên những bài không còn đúng nghĩa là chữ nghĩa nữa. Nó quấy hôi bôi nhọ, nó làm cho nhếch nhác bộ mặt văn học hải ngoại. Khi tôi nghĩ tới điều đó thì tôi rất đau buồn và có lẽ rằng tôi sẽ phải làm cái việc cuối đời tức là góp phần dọn dẹp cho sạch sẻ cái môi trường chữ nghĩa từ lâu bị quấy hôi bôi nhọ như thế này.

Mặc Lâm: Dạ vâng. Một lần nữa xin cảm ơn nhà văn Nhật Tiến đã dành cho thính giả của Đài Á Châu Tự Do một buổi nói chuyện rất là thú vị với nhiều chi tiết như thế này. Xim cảm ơn ông.

Nhà văn Nhật Tiến: Cảm ơn anh Mặc Lâm. Kính chào quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do.


Mặc Lâm
(nguồn: Đài RFA- Á Châu Tự Do)


                                                               (...)

                                                  ------------------------------------------------
                                                  trích một phần từ blog Phan Nguyên
                                                  -------------------------------------------------



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ