Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

bài liên quan: " giới thiệu thi phẩm 'Buổi sáng phủ định'/ NHƯ QUỲNH DE PRELLE -- Đào Hiếu' s blog



ĐÀO HIẾU – Kẻ đi lạc vào thiên thu



IMG_2871Giới thiệu thi phẩm “Buổi Sáng Phủ Định” của Như Quỳnh de Prelle


Tôi ít khi quan tâm đến các trường phái thơ, tôi chỉ cảm nhận sự mới lạ, bất ngờ… có thể làm ta làm ngạc nhiên, thảng thốt. Và nỗi đau. Và niềm nhớ tiếc. Mỗi nhà thơ, thậm chí mỗi bài thơ là một trường phái, một niềm riêng, một hạnh phúc. Nếu bạn không làm được điều đó, bạn không phải nhà thơ.
Kiều Maily là cả một trời nhớ tiếc. Nguyễn Thuý Hằng là ngọn núi lửa đang tìm cách phun trào. Và Như Quỳnh de Prelle là một người đàn bà đi lạc vào thiên thu, khờ dại, đơn độc, đau khổ, tuyệt vọng và nghi hoặc.
ngoài kia
đoàn người kéo tôi đi
giữa trắng xoá
hàng cây rung rung
trên cao những bóng hình
choàng vào nhau
*
trên vỉa hè bên phải
tôi đi ngược lại
trên vỉa hè bên trái
tôi đi ngược lại
có nhiều lúc tôi đứng yên im lặng
có lúc tôi rẽ sang vạch trắng đi bộ
giữa những hàng xe nối nhau
tôi dừng lại
cho đến khi
trên đường không còn ai nữa
Như Quỳnh đi đâu vậy?
Có lẽ từ nhỏ nàng là cô bé hay đi lạc. Vì tò mò như Alice. Hay vì muốn tìm một người yêu? Một kẻ yêu không hề biết phản bội, chỉ ban tặng, vuốt ve, ôm ấp… nhưng cô đã gặp một thiên nhiên dửng dưng, vô cảm.
Gió đến và đi
ngược chiều những cơn bão
chảy xuôi trên những dòng sông
những cánh chim rét mướt của mùa đông
bếp lửa hồng
những cành thông đang rực cháy hết mùa
Như Quỳnh hay Kiều Maily có thể tự nhận mình thuộc trường phái “Tân Hình Thức” cũng như Nguyễn Thuý Hằng luôn hung hãn như một cơn địa chấn… nhưng với tôi, thì các nàng là thi  sỹ, những trang thục nữ yểu điệu muốn dùng ngôn ngữ của mình gởi đến đồng loại những “ngậm ngùi Kiều Maily” những “ẩn ức Thuý Hằng” hay những “cô đơn giá lạnh Như Quỳnh de Prelle”.
BUỔI SÁNG PHỦ ĐỊNH của cô cứ thỉnh thoảng dẫn tôi đến những trạm xe điện cổ tích trên tuyến đường Louvain – Bruxelles cách đây hơn 20 năm, và cũng lắm khi đưa tôi về mùa thu của Jacques Prévert:
Et le vent du nord les emporte,
Dans la nuit froide de l’oubli.
Tu vois, je n’ai pas oublié,
La chanson que tu me chantais…

Et la vie sépare ceux qui s’aiment,
Tout doucement, sans faire de bruit.
Et la mer efface sur le sable,
Les pas des amants désunis.
(Les feuilles mortes)
Đó là một Prévert lãng mạn cổ điển. Như Quỳnh thì hiện đại hơn. Và nhìn ngắm thiên nhiên bằng đôi mắt khô héo hơn, lạnh lẽo hơn. Cô không thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, không hưởng thụ nó. Cô tan chảy vào nó, vỡ vụn trong nó. Và chết.
trong những ngày buồn tôi chui vào
một chiếc hòm dài 2 mét nhắm mắt
lại lặng yên để làm mới bản
thân và suy nghĩ dằn vặt lâu
nay tồn tại mà không giải thoát
trong những ngày buồn tôi là tôi.
Nếu như có vị thiền sư nào thấy mình hoá thân thành đám mây bay qua rừng trúc, thành con chồn nằm chết trên phiến đá đen, thì dường như có lúc Quỳnh cũng thấy mình đang hoá thạch. Đó là điều rất dễ thương của một người đàn bà mà lẽ ra phải đang kẻ lông mày, tô son đánh phấn.
Prévert kể chuyện yêu đương thành “những bước chân chia lìa của đôi tình nhân, bị sóng biển xoá nhoà trên cát (Et la mer efface sur le sable, Les pas des amants désunis) còn Như Quỳnh thì nghiệt ngã hơn nhiều:
người đàn bà nói với người đàn ông ở bên
vài năm nữa, nếu không hạnh phúc
em sẽ nằm dưới gốc cây kia trong rừng như ước nguyện
anh đừng quên
băng tan trên mặt hồ
nước trong nhìn tận đáy
những rễ cây xù xì
nhớ màu phong đỏ vừa đi qua.”
Đọc Như Quỳnh, tôi như gặp một người đàn bà đang thẫn thờ trên bờ biển với khuôn mặt xa lạ, lạc đường:
tôi là tôi nên tôi kệ tôi
trôi đi trôi lại qua ngày này
tháng kia như vậy đó để trốn
đi những nỗi niềm nuối tiếc nguôi
ngoai dần tâm trạng của những ngày
đến tháng trong những ngày buồn tôi
im lặng như những bông hoa trong
bình gốm rồi héo dần gục xuống
Nguồn cội của “nỗi cô đơn Như Quỳnh” là đâu?
Tôi không nghĩ đó là chuyện đời tư. Tôi nghĩ đó là thân phận con người, là Meursault của Camus, là Alexis Zorba của Nikos Kazantzakis. Nhưng Meursault không khóc, Zorba thì trước khi chết đã bấu vào song cửa sổ, nhìn vào dãy núi xa mà cười hí lên như ngựa. Còn Như Quỳnh thì khóc. Đó là điều rất dễ thương của một cô gái. Tôi cũng nhiều lần khóc khi nhìn những con mèo con bị bỏ rơi trên bờ sông đói lạnh. Đó không phải là “yếu đuối”. Đó là một cách phản kháng về sự phi lý của kiếp phù du.
Đó là triết học hiện sinh. Là tư tưởng vĩ đại nhất, không gì sánh nổi. Là thứ triết lý đã hiện hữu từ khi con người đầu tiên chứng kiến cái chết của đồng loại mình cách đây hàng triệu năm (chứ không phải đợi đến  KierkegaardNietzsche hay Sartre). Triết lý hiện sinh bàng bạc trong thơ Đường, trong Nam Hoa Kinh, trong tư duy của Thích Ca Mâu Ni Phật.
nỗi buồn của tôi
như một bài thơ bị xoá
bị ăn cắp
hay một tách trà rơi xuống
tuyết mịn
và đàn chim cứ lượn mãi trên trời khuya
người ta không tìm nhau nữa
vô vọng rồi.
Người đàn ông lầm lũi giữa đêm khuya
Trên bến tàu không người
những bông hoa ngoài vườn im lìm
chờ chết trước đông sang
Thơ Như Quỳnh là một cơn hoảng hốt ngân dài trong không gian và cả trong thời gian, là cái rùng mình lạnh buốt của kẻ độc hành, một mình đi lạc giữa đồng trống, sợ hãi khi chợt nghe con chim lạ kêu khan lúc mặt trời sắp lặn.
Quái cầm đề khoáng dã
Nhật lạc, khủng hành nhân. (thơ Giả Đảo)   ./.


Ngày 21/6/2018
ĐÀO HIẾU



--------------------------------------
  trích từ  Đào Hiếu' s blog
--------------------------------------

Advertisements

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ