bài liên quan: " Vĩnh biệt ' Ông Khai Trí' "/ Nguyễn Thụy Long -- https:thanhthuy.e/
Vĩnh Biệt ‘Ông Khai Trí’
Nguyễn Thụy Long
Ông Khai Trí, đã ra đi vĩnh viễn, đành bỏ lại bao nhiêu công việc dang dở mà ông dự định. Ông đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp văn hoá Việt Nam, người ta biết cái tên Khai Trí trước khi Việt Nam chia đôi đất nước.
Ông Khai Trí, Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức Gia Định, mất hồi 5 giờ 15 ngày 11 tháng 3 năm 2005, tức ngày mồng 2 tháng 2 năm Ất Dậu, thọ 80 tuổi.
Sau hai tuần nằm bệnh viện. Ông mất đi do sức già lực kiệt, nhiều năm ông cố gắng tranh đấu để xin lại hiệu sách vĩ đại của ông sau khi bị nhà nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa tịch thu, sau đợt cải tạo văn hoá 1976 tại Sài Gòn. Tiệm sách của ông tại đường Lê Lợi mang tên Khai Trí bị nhà nước quản lý, nay mang tên Fahasa của nhà nước. Thuở đó, sau khi các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hoà bị đi cải tạo trước, đến lượt những văn nghệ sĩ bị bắt, tác phẩm thiêu đốt và họ đều bị coi là kẻ có tội, đương nhiên bị bôi nhọ, kết tội họ là Biệt Kích Văn Nghệ.
Ông Khai Trí cũng bị coi là tội phạm, liệt vào hàng văn nghệ sĩ và bị bỏ tù, vì người chiến thắng cho ông là người kinh doanh và phát triển cái văn hóa đồi trụy. Những người đã từng sống ở miền Nam trước giải phóng, ai cũng biết đến ông.
Gọi là ông Khai Trí mà quên cái tên cúng cơm của ông là Nguyễn Hùng Trương, ông làm được nhiều công việc lợi ích cho văn hoá Việt Nam, cả đời ông đam mê công việc ấy. Và ông quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam, kể cả những văn nghệ sĩ Bắc di cư 1954. Nhiều vị học giả, nhiều nhà văn nhà thơ, tất cả đều quí mến ông. Có vị nói với tôi: “ông Khai Trí không khen được thì thôi, chớ có gì đâu để mà nói xấu, để chê bai”. Đúng vậy, ông Khai Trí là người làm sách, làm văn hoá, kinh doanh mặt hàng ấy, nhưng không thể coi ông là hàng “đầu nậu” xuất bản sách, trái lại rất trân trọng, vì tư cách của ông, con người vừa khiêm nhượng vừa tốt lành của ông.
Tôi thuộc hàng hậu sinh, khi biết thành phố Sài Gòn thì tôi cũng biết đến nhà sách Khai Trí rồi, những năm đầu trung học tôi đã đến hiệu sách của ông ở đường Bonard (Lê Lợi) để mua sách, sau này tôi còn mua bao nhiêu sách ở đó, loại sách học làm người của nhiều tác giả do ông xuất bản. Khi đó ở Sài gòn có vài hiệu sách nữa, cũng nổi tiếng, như Portail (Xuân Thu) ở passage Eden, đường Bonard-Catinat (Lê Lợi-Tự Do) nhưng không nổi tiếng bằng Khai Trí. Hiệu sách Khai Trí thuở đó còn là căn nhà trệt, sách bày trên giá suốt từ ngoài vào trong, tha hồ mà chọn. Ngày còn đi học, tôi thường xuyên đến hiệu sách Khai Trí, có tiền thì mua, chưa có tiền thì đến hiệu sách của ông săm soi quyển sách mà mình ham thích, lật ít tờ ra đọc, xem rồi để nó vào chỗ cũ, và mơ ước làm sao mình có được nó .
Hiệu sách Khai Trí sau này lên lầu, dựng đến mấy tầng lầu, có những cô bán hàng sách mặc áo xanh lam phục vụ khác hàng. Những cuốn sách mua rồi ra quầy tính tiền, phong bên ngoài tờ giấy màu vàng in tên hiệu nhà sách Khai Trí, như từ thuở nào đến giờ. Có lần chính phủ Ý có mời ông sang Ý triển lãm sách, và ông được đánh giá cao.
Ngoài việc xuất bản sách, ông Khai Trí còn chủ trương in một tuần báo Thiếu Nhi, giao cho nhà văn Nhật Tiến trông coi, tờ tuần báo thiếu nhi nội dung rất lành mạnh, rồi tập san Sử Điạ do Nguyễn Nhã trông coi, toàn là những sách báo bổ ích thời ấy.
Ông Khai Trí lại ra tay giúp đỡ nhiều anh em văn nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn, mua tác phẩm của họ, tuy chưa in còn để đấy nhưng ông vẫn trả tiền đầy đủ không thiếu một xu. Ngoài ra ông tài trợ cho nhiều tờ báo hồi đó ở Sài gòn. Tôi không biết nhiều, nhưng tôi biết về tờ báo Sống của Chu Tử, cũng có sự góp sức về mặt tiền bạc.
Cách nay chừng mười năm, ngày 30 tháng 4 tôi gặp ông Khai Trí đến thắp nhang và dự bữa giỗ ông Chu Tử ở nhà Chu vị Thuỷ và Đằng Giao, như hằng năm chúng tôi gặp nhau vào ngày ấy. Tôi hỏi lại ông Khai Trí về việc đó, ông khẳng định:
-Đúng đó, anh Chu Tử muốn làm một tờ nhật báo, anh bán bản quyền quyển tiểu thuyết Yêu rất nổi tiếng của anh để lấy tiền làm báo, cho lớp anh em ký giả trẻ có nơi làm việc. Một số tiền lớn, tôi hứa với anh Chu Tử lo thêm khi báo cần đến tiền bạc, và tôi đã làm được việc đó.
Tôi là nhà báo làm việc với tờ báo Sống của ông Chu Tử, qua bao nhiêu thăng trầm từ ngày đầu đến ngày cuối, tôi biết chuyện đó, nhưng cũng hỏi lại ông Khai Trí, để ông khẳng định. Tôi tin ông và lúc nào cũng tin ông vững chắc hơn cho điều hiểu biết về chuyện gì đó còn lờ mờ trong tôi. Khoảng ba năm nay tôi không gặp mặt ông Khai Trí tại những bữa giỗ nhà ông Chu Tử, những anh em bạn già vắng bóng dần trong bữa giỗ ấy, vì bệnh hoạn, sức khoẻ suy yếu hoặc “dạo chơi miền tiên cảnh”. Ông Khai Trí thì tôi biết ông sức khoẻ suy yếu rồi.
Sau khi ông ở Mỹ về Việt Nam và chấp nhận hồi tịch để được lấy lại nhà sách Khai Trí của ông. Số sách báo quí giá Việt Nam ông mang từ Mỹ về bị nhà nước làm khó dễ, đòi lấy, đòi đốt khiến ông phải làm không biết bao nhiêu đơn từ, có thể có chạy chọt nữa, nhưng số sách được trả lại là những sách không mấy có giá trị, thí dụ như cuốn sách dậy người ta nghề chụp ảnh, còn báo Loa xuất bản ở Hà Nội, từ số đầu đến số cuối rất có giá trị về mặt văn chương cũng như lịch sử thì bị tịch thu, nếu không nói là bị lên án phản động, doạ sẽ bị đốt, bị tiêu huỷ đi. Bao nhiêu lần tôi đi qua đường Lê Lợi, tôi nhìn thấy ông Khai Trí buồn bã đứng ở góc đường đó, nhìn sang hiệu sách cũ của mình. Mang tên mới là Fahasa. Một lần khác, cũng trong bữa giỗ ông Chu Tử, tôi hỏi ông Khai Trí về việc xin lại nhà sách Khai Trí đến đâu rồi?
Ông cười chua chát :
-Phải đến năm 3000 thì may ra….
Ngày ông bị bắt, bị bỏ tù bao nhiêu bài báo nói xấu ông, kết tội ông còn dấu bao nhiêu kho sách Ngụy, không thành thật khai báo. Chuyện thế thái nhân tình lúc ông gặp hoạn nạn, những kẻ trước đây từng chịu ơn ông, tố cáo ông bao nhiêu là tội kể cả những điều không có để lập công.
Buổi lễ tang ông Khai Trí, tại nhà ông đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ( Phan thanh Giản cũ) tôi gặp nhiều bạn bè của ông, những người thuộc chế độ Sàigòn cũ đến thắp cho ông những nén nhang và chia sẻ sự thương tiếc với gia đình ông. Cái hình ông cười toe toét đặt trên áo quan, như tôi đã từng thấy ông thuở sinh tiền. Tôi gặp cụ nhà văn Toan Ánh, tác giả của hơn một trăm đầu sách viết về phong tục Việt Nam do ông Khai Trí in xuất bản cũng có mặt. Cụ Toan Ánh năm nay đã 91 tuổi cũng chống gậy đến thắp nhang tiễn biệt ông.
Trên tờ cáo phó ghi chữ động quan hồi 6 giờ sáng ngày 14 tháng 3 năm 2005,( tức ngày mồng 5 tháng Hai năm Ất Dậu ). Xác thân ông sẽ hoả thiêu ở Bình Dương, xương cốt mang vào chùa nào đó nghe kinh siêu thoát. Tin cuối cùng mà tôi mới nhận được không hoả táng ông nữa, di quan về đất nhà quận 9 mai táng, có lẽ con cháu muốn ông có một nấm mồ.
Tôi nhớ mãi dáng ông Khai Trí đứng nhìn lên hiệu sách cũ của mình và câu nói chán nản của ông, năm 3000 thì người ta trả lại cho ông nhà sách Khai Trí. Sao mà chua chát thế cho ông Khai Trí -Nguyễn Hùng Trương, cả một đời chỉ có một đam mê là làm văn hóa, giữ gìn cái hay, cái đẹp cho thế hệ mai sau .
Xin chia buồn cùng gia đình ông. ./.
NGUYỄN THỤY LONG
(https://thanhthuy.me/
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ