Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

' về cặp vợ chồng Nguyển Đồng+ Nguyễn Thị Hợp đều là hoạ sĩ' / Huỳnh Hữu Uỷ -- blog Phạm Cao Hoàng

SUNDAY, MAY 6, 2018

-HUỲNH HỮU ỦY: HÀNH TRÌNH NGHỆ THUẬT 50 NĂM: NHÌN LẠI VÀ HỒI TƯỞNG VỚI NGUYỄN ĐỒNG-NGUYỄN THỊ HỢP




Nguyễn Đồng/ Đêm Trắng, sơn dầu.
Mỗi cuộc đời là một hành trình. Đời nghệ thuật cũng vậy, có điểm khởi hành và điểm để đến. Hành trình nghệ thuật của Nguyễn Thị Hợp - Nguyễn Đồng vừa đúng 50 năm. Đã đến lúc nên cắm một dấu mốc để nhìn lại.
Nguyễn Đồng.  Ký họa Nguyễn Quỳnh.
Trước tiên, hãy thử nhìn vào thế giới Nguyễn Đồng. Thời trẻ, Nguyễn Đồng tuy không đi qua trường Mỹ Thuật một cách bài bản, nhưng anh cũng từng học vẽ ở một họa thất riêng và anh đã tự nghiên cứu rất công phu dựa trên những công trình học thuật nền tảng, ví dụ là của những Elie Faure, René Huyghe. Định mệnh cũng mang lại cho Nguyễn Đồng một điều kỳ lạ; anh khởi đầu con đường mỹ thuật với Nguyễn Trung, cùng đến học vẽ với ông thầy dạy hội họa ở một thành phố miền Nam cách xa nơi đô hội, cùng chia sẻ cách nhìn về cái đẹp. Người bạn Nguyễn Trung ấy, về sau đã trở nên một nghệ sĩ lớn ở đất Sài Gòn, có thể xem là thủ lĩnh của những trào lưu hiện đại nhất, và Nguyễn Đồng cũng là một khuôn mặt sáng giá của những trào lưu này; tôi muốn nói đến tổ chức tiền phong của thời ấy là Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam.
Nguyễn Đồng tốt nghiệp về triết học, nhưng ra đời, dù sinh hoạt trong nghề sư phạm, lại tập trung nhiều nhất về mỹ thuật. Từ triết học đến mỹ thuật, rất cách xa nhau, nhưng đường biên giữa hai lĩnh vực này có lúc cũng chỉ là một đường tơ mong manh, nghệ sĩ tạo hình lắm khi cũng là một nhà tư tưởng. Thời tuổi trẻ của Nguyễn Đồng, thực là dễ hiểu, khi đường nét và màu sắc của anh rối rắm như những trang sách triết học. Càng về sau, trong khoảng hơn 20 năm sau này, cách nhìn của anh đã được tinh lọc và đi tới cùng cực của sự đơn giản.
Ngày trước, cũng như các bạn đồng thời, anh rất mê những Van Gogh, Picasso, Paul Klee, Gauguin, nhưng về sau anh đã xóa mờ tất cả những bóng dáng ấy, ngày nay như Nguyễn Quỳnh nhận xét và chính anh cũng phần nào thừa nhận, chỉ còn rơi rớt đôi chút chiều sâu Paul Klee.
Anh thích vẽ lại qua trí nhớ mơ hồ về những cảnh trí miền Nam. Những đầm nước mênh mông, những hồ bông sen bông súng giữa chiều hè, những con chim bay lượn, đập cánh hay đậu lại bên những bông hoa nở rộ ấy. Đồng lúa vô tận xô dạt dưới cơn gió nhẹ, những cây trái miền Nam, những kinh rạch chảy dài mà hai bên bờ chen lấn hàng dừa nước dưới ánh mặt trời rực rỡ.
Nguyễn Đồng có cách nhìn, lối bố cục rất khác mọi người, hay là chẳng còn ai dựng một bố cục như thế. Căn nhà ngay chính giữa bức tranh, hai bên là một vườn dừa mà tất cả thân cây, tàu lá đều như hướng về căn nhà trung tâm. Một mái nhà khác, với chiếc cầu ao nhỏ bước xuống hồ nước mênh mông xao động. Bố cục dồn vào tâm điểm mặt tranh, hay cắt ngang chính giữa mặt phẳng bức tranh theo chiều dọc.
Vẽ tĩnh vật cũng thế. Rất giản dị, quả măng cụt đặt trên tàu lá chuối ở trung tâm bức tranh, chỉ chiếm một phần nhỏ diện tích mặt tranh, và nền tranh rộng dường như được mày mò tìm kiếm đã rất lâu. Để biểu cảm một thứ gì đó, muốn nói một cái gì đó, như sự tưởng tượng để dẫn đến một không gian trừu tượng.                                                                 
Nguyễn Đồng/ Măng Cụt Trên Lá Chuối, màu nước.
Rồi một bông hoa đặt ngay giữa bức tranh, thấy rất quen mà cũng rất lạ, một bông hoa nở rộ mà chúng ta khó biết chắc là bông hoa gì. Bức tranh đưa ra một cái gì đấy, vẽ ra một cái gì đấy, mà lại như không có gì ở đấy. Đó là con đường bước đi từ hữu thể đến trừu tượng, hay bán trừu tượng. Con chim, những bông sen, mặt hồ của Nguyễn Đồng là một biểu cảm semi-abstraction. Xem tranh Nguyễn Đồng, tôi nhớ nhiều đến Georgia O'Keeffe. Những bông hoa cực kỳ đơn sơ và mái hiên nhà với cánh cửa màu đen chỉ bằng mấy đường viền và vài mảng màu nhợt nhạt. Mênh mông và thăm thẳm, để dẫn đến thế giới nội tâm của người nghệ sĩ.
Biểu hiện, biểu cảm, trừu tượng, và bán trừu tượng. Những cách thế và ngôn ngữ mà người họa sĩ Nam bộ Nguyễn Đồng vận dụng để phác họa cảnh quan miền Nam qua trí nhớ và tưởng tượng. Nguyễn Đồng làm được điều này một cách khá lạ, không biết thành công hay không, nhưng đúng là can đảm đi theo cách mình nhìn thấy, chiêm nghiệm và sống.
Chúng ta hãy thử nhìn tiếp vào thế giới và con đường nghệ thuật của Nguyễn Thị Hợp. Chị chuyên về tranh lụa, trong sinh hoạt hàng ngày thì vẽ đồ họa và minh họa.
Nguyễn Thị Hợp/  Mẹ Con, tranh lụa.
Nguyễn Thị Hợp.  Ký họa Nguyễn Quỳnh.
Nguyễn Thị Hợp vẽ minh họa cho sách báo từ giữa thập niên 60 ở Sài Gòn; mấy chục năm qua, chị vẫn tiếp tục làm công việc này ở nước ngoài, và ngày nay, phải nói rằng chị đã đạt đến tinh hoa của lĩnh vực này (*).
Nhưng nói về nghệ thuật thực sự, thì phải nói đến tranh lụa; tranh lụa Nguyễn Thị Hợp là một bó hoa đậm đà hương sắc dân tộc, hết sức độc đáo, và rất quen thuộc với mọi người.
Chúng ta hãy nhìn sâu vào bối cảnh vấn đề một chút. Trước đây, thế giới biết nhiều và ngưỡng mộ tranh lụa cổ Trung Quốc, tranh mộc bản Phù Tang, thì ngày nay góp thêm vào bầu khí phương Đông ấy là bảng màu của tranh lụa Việt Nam.
Nguyễn Thị Hợp/ Đêm Hè, tranh lụa.
Trước thời Đệ Nhị Thế Chiến, trong một tình cảnh lịch sử đặc biệt và mối tương quan giữa nước Pháp và Việt Nam, có vài họa sĩ Việt Nam  xuất thân từ Trường Mỹ Thuật Đông Dương rời bỏ xứ sở và định cư ở Pháp. Họ mau chóng tạo được thanh thế, có chỗ đứng và được trọng vọng trong đời sống văn hóa Pháp. Đó là Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu. Cũng phải kể đến hai nhà danh họa Nguyễn Phan Chánh và Lê Văn Đệ chỉ ở Việt Nam, hoặc trở về Việt Nam chứ không định cư luôn ở Âu Châu. Họ được quý trọng có lẽ vì họ đã mang đến một nguồn ánh sáng mới, có thể là thâm trầm và huyền ảo đối với Tây Phương.
Các danh họa ấy đã nói được một điều: tranh lụa có khả năng để trở thành một tiếng nói riêng của hội họa Việt Nam. Những chân dung thiếu nữ, các bà mẹ, trẻ thơ, mấy đứa trẻ chơi ô ăn quan, một bé gái mặc chiếc áo dài đỏ rực rỡ ngồi bên chậu hoa nhỏ... của những Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Văn Đệ. Tất cả những hình tượng tỏa ra một không gian riêng rất Việt Nam, một hồn thơ chìm vào bên trong như chiếc thuyền chở đầy hoa thơm ngát trôi qua trên giòng sông ký ức.
Điều này chúng ta cũng sẽ cảm ra được khi nhìn ngắm và thưởng lãm tranh lụa của Nguyễn Thị Hợp. Những khuôn mặt phụ nữ yêu kiều, thanh nhã bên đàn chim và rừng hoa rạng rỡ, ríu rít. Những em bé tinh anh, hồn nhiên. Với bộ tứ bình Xuân-Hạ-Thu-Đông, với các thiếu nữ Nội Duệ-Cầu Lim trong chiếc áo tứ thân của vùng Bắc Ninh văn vật, Nguyễn Thị Hợp đã phác lại được hình ảnh đẹp và tượng trưng của làng quê gốc gác của thời thơ ấu.
Nguyễn Thị Hợp cũng thích tìm kiếm và ghi lại bóng dáng người phụ nữ khỏa thân. Khỏa thân nhưng mông lung và mơ hồ. Chúng ta có thể nhận ra đôi chút dư vang của Renoir và Modigliani, nhưng tất cả đều đã tinh lọc để trở nên trong suốt và vô cùng thơ ngây,
Tất cả tranh lụa Nguyễn Thị Hợp đều được diễn đạt bằng những nét vẽ rất thông minh, sắc bén, tinh tế, và những bảng màu nhẹ nhàng, thanh thoát, bay bổng.
Tôi nhớ đến một câu nói của Lê Phổ mà Đinh Cường đã nhắc lại trong một bài viết về bậc thầy này: "Tôi vẽ làm sao cho người ta thích và treo lên tường. Với tôi, vẽ là hành hương vào nội tâm. Vẽ là giú một trái chín. Con đường dài lắm..." Đứng trước những bức tranh lụa của Nguyễn Thị Hợp, tôi cũng có cảm giác rất gần với ý tưởng ấy của Lê Phổ.
*
Nửa thế kỷ đi qua. Nhìn lại cuộc hành trình dài sống với cái đẹp thực kỳ diệu quá.
Người nữ họa sĩ trang nhã từ đất Kinh Bắc văn vật và chàng trai nghệ sĩ của sông nước Nam bộ đã hài hòa trên đường bay mênh mông của nghệ thuật. Và hôm nay, chúng ta cũng thực là may mắn đứng nơi cột mốc này để chia sẻ và nhìn lại 50 năm sinh hoạt của hai người làm nghệ thuật ấy.
Calif. 4. 2018
HUỲNH HỮU ỦY
_____________________________________________________
(*)  Hai tập sách Truyện Cổ Tích Viêt Nam và Vần Việt Ngữ của Trần Thị Minh Phước,  Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng minh họa cho Tuttle Publishing, đã đạt được nhiều giải thưởng về sách thiếu nhi:
- Vietnamese Children's Favorite Stories
- My First Book of Vietnamese Words
Phải kể thêm việc vẽ phụ bản và minh họa cho một số ấn phẩm của Thầy Nhất Hạnh.
Những công trình này cũng là cơ duyên giúp hai nhà minh họa đến với thế giới và đã trở nên quen thuộc với vô số người đọc. Riêng tôi, cầm quyển Vần Việt Ngữ trên tay, tôi có cảm giác như được chạm vào một phiến ngọc quý.

                 trích từ TRANG VHNT PHẠM CAO HOÀNG



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ