Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

' Đêm dài'/ truyện ngắn Mang Viên Long -- blog Phạm Cao Hoàng



TUESDAY, MAY 22, 2018

602. MANG VIÊN LONG: truyện ngắn ĐÊM DÀI



        Huân mở cổng, bước ra lề đường, nhìn bảng số người liên lạc xã vừa đến gắn vào một góc trụ cột cổng nhà chiều nay - số 42, rồi lững thững ra đường. Anh nhìn giờ nơi chiếc điện thoại đang cầm ở tay, đúng 7 giờ 24 phút tối.
        Đường vắng ngắt. Một vài chiếc Honda từ ngã phố chạy về, lao vun vút vào bóng tối. Những thửa ruộng chuyển sang kinh doanh trồng mai của xã chiếm tỷ lệ khá cao, chìm trong ánh sáng lờ mờ của những trụ đèn ven rào.  Rừng mai bạt ngàn hai bên con đường lát bê tông liên xã một mầu xanh sẫm dưới những ngọn đèn Led. Huân nhìn dãy nhà đối diện, còn một nhà có điện sáng. Có lẽ người đàn ông chưa biết tên, anh mới làm quen vài hôm nay, cũng đang tẩn mẩn làm gì đó, để chờ giấc ngủ khó khăn đến muộn như ông đã tâm sự. Ông ta đang sống một mình với đứa con trai lớn đi đi về về bất thường, từ ngày mẹ nó cắt hộ khẩu vào sống hẳn ở Sài Gòn mấy năm nay với cô con gái út đang làm công nhân may mặc. Cuộc sống lạnh lẽo và quạnh vắng ở đây, chắc là không thích hợp với con người một thời say mê cải lương?
         Huân đi bộ một quãng ngắn, rồi quay vào nhà. - ngồi ở chiếc ghế mây cũ đứa cháu đã đặt sẵn cho anh ở hiên, từ ngày anh về sống với vợ chồng chúng, để hóng gió nồm chờ giấc ngủ mỗi đêm. Chiều nay, Ánh đã gọi thăm anh như mọi ngày, nhưng nàng đã dành cả nửa giờ để kể cho anh hai câu chuyện.
         Chuyện thứ nhất: Người bạn đồng hương học trên nàng ba lớp, năm xưa từng chơi thân, bất ngờ từ nước ngoài về, đang nằm ở Sài Gòn, gọi điện kêu nàng vào thăm chơi, vì không tiện về quê. Anh bảo có đem về một món “quà đặc biệt” muốn trao tận tay nàng. Ánh hỏi: “Ý anh thế nào?”. Huân trả lời: “Em hãy làm những gì em thích!”.
          Chuyện thứ hai: Người bác họ mà nàng kính quý lại gọi cho nàng sáng nay, bảo nàng phải nghĩ thế nầy nầy, nói thế nầy nầy, mới đúng! Ông đã mất gần hai mươi phút để nói về chữ “thiền và thiềng” Ánh hỏi: “Em phải làm sao bây giờ?”. Huân trả lời: “Em hãy sống như em muốn!”.
          Huân buông mùng, vào giường - đã gần 9 giờ 30, giờ nầy sau lần nói chuyện cuối ngày với Ánh là anh đã ngủ say rồi! Hai câu chuyện của Ánh kể buổi chiều không hiểu sao cứ bám lấy anh. Huân gắng dỗ giấc ngủ với những phút giữ chánh niệm, nhưng cũng vô ích, bởi lòng anh đang bồng bềnh, trôi nổi theo hai câu chuyện của nàng, mà anh chưa muốn nói hết!
           “Em!
       Những gì cần nói với em, anh đã nói hết trong mấy năm nay rồi, sao em còn hỏi anh những chuyện “vặt vãnh” như thế nữa? Ngay cả những điều “bên lề” chưa cần nói, anh cũng đã nói. Không hề dấu diếm. Chúng ta đã sống với nhau khắn khit như vậy, em vẫn còn chưa hiểu, còn phân vân, thắc mắc phải “trả lời sao, làm sao” nữa ư?
       Hai câu trả lời của anh buổi chiều với em, tuy ngắn, nhưng anh cảm thấy đã quá đầy đủ rồi. Em hãy tỉnh táo nghĩ lại xem có phải vậy không? Một là em đã quên những gì anh tâm sự cùng em trong bao năm, hai là em muốn có sự thay đổi trong đời sống? Lẽ ra, những chuyện “vặt” như vậy, em phải tự hỏi mình, và tự trả lời - mới đúng! Em đã từng thủ thỉ bên anh - anh với em tuy hai, mà một cơ mà? Em sống cho em tức là sống cho anh. Và ngược lại. Có phải vậy không?
        Tuy vậy, đêm nay - anh cảm thấy nên “nói thêm” cùng em lần nữa, vì lòng yêu quý, để khỏi phải ân hận về sau.
        Về chuyện với người anh đồng hương năm xưa mà em thân thiết, chuyện có nên đi vào Sài Gòn hay không, chuyện phải làm gì, chuyện “món quà đặc biệt”, vân vân - anh thật sự muốn “em là em” - tự do và tùy thích! Anh nhắc lại, lúc nầy, không phải là lúc để “nói” mà để “sống” em ạ! Em hãy sống như em muốn! Anh không bao giờ có ý “giới hạn” hay “bắt buộc’ em bất kỳ điều gì trong cuộc sống riêng của em, với người nầy, người nọ. Em thấy thích và đúng - thì hãy làm. Ngày mai, em tự trả lời cho người anh đồng hương năm xưa đi nhé!
       Chuyện người bác họ mà em kính trọng gọi là một “Nho gia” - cũng vậy. Em “thích” sống theo ông ta, hay “thích” theo ý em - là tùy em thôi! Nhưng em nên nhớ, em sẽ không thể cùng một lúc, sống cho người nầy, kẻ nọ, và cho cả em được đâu. Lúc ấy, em sẽ là “người” nào? Em đang “sống” cho ai? Đừng có “hồn nhiên” mà làm vậy, bởi người nhận bất hạnh là em, chứ không phải ai khác; người xưa cũng đã từng nói “niềm tin như tờ giấy trắng, nếu bị vò nát, thì không thể trở lại như cũ” em ạ! Và em cũng nên gọi cho người bác họ nặng tình biết thêm suy nghĩ của em về đời sống, để ông ấy đỡ tốn tiền gọi nữa nhé! Nhớ là hãy trả lời trung thực, và chí tình! Em không cần gọi cho anh biết, em đã trả lời thế nào, cho đỡ mệt nhé!.
        Em hãy bắt đầu “sống” đi - anh sẽ mãi mãi bên cạnh đời sống của em. Và ghi nhớ lời dặn dò của Santosh Kalwar: “Tình yêu sẽ đến với những ai vẫn hy vọng dù từng thất vọng, vẫn tin tưởng dù từng bị phản bội, vẫn yêu thương dù từng bị tổn thương.!” Em yêu!”
         Huân đưa tay vói tìm chiếc điện thoại, bấm sáng xem giờ: Đã 1 giờ 22 phút!. Huân cảm nhận rằng, những đêm dài một đời như đêm nay đã đến với cuộc sống cô độc của anh từ hơn chục năm qua, không thể nhớ hết. Nhưng từ sau ngày gặp Ánh -  như một phép mầu, những giấc ngủ đúng giờ và đều đặn sáu tiếng mỗi đêm đã tăng thêm nguồn sinh lực cho anh rất nhiều khi ngồi vào bàn làm việc. Huân nghĩ rằng, đôi khi, nỗi thao thức với đêm dài, sẽ cần thiết cho hạnh phúc chân thực về một tình yêu lâu dài bên đời!    
         Anh xoay người qua bên phải, tay phải xòe làm gối, tay trái để xuôi theo thân mình - anh nhớ lại bóng dáng của Ánh trong bộ áo dài mầu hồng nhạt thắm thiết quanh quẩn bên anh ở quán café Hương Quê, rồi chìm dần vào giấc ngủ. 
          Tiếng chuông điện thoại đặt phía dưới chân bỗng reo vang. Huân vội cầm máy: “A lô!”
-        Em đây anh!
-        Chào em…
-        Anh có ngủ được không?
-        Không. Còn em?
-        Cũng không!
-        Sao lạ vậy?
-        Đêm nay em bỗng nhớ thương anh quá!
-        Anh cảm ơn em yêu! Bây giờ em hãy yên tâm chợp mắt đi một lát, sáng mai chúng ta còn phài làm việc.
         
Quê nhà, tháng 5.2018.     
MANG VIÊN LONG. 


                                              nhà văn Mang Viên Long [ 1944-  ]
                                                                         (ảnh: Newvietart.com)

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 trích từ TRANG VHNT PHẠM CAO HOÀNG

=================================================================

1 Nhận xét:

Tại lúc 01:28 24 tháng 4, 2021 , Blogger Tạp chí làm đẹp nói...

Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

 

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ