Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

' Nhà thơ Trần Vàng Sao từ trần'/ nhạc sĩ Tuấn Khanh [ 1968- ] -- source: blog Uyên Nguyên Thư Quán

Tuấn Khanh: Nhà thơ Trần Vàng Sao từ trần


nhà thơ Trần Vàng Sao --  (ảnh: net)
Nhà thơ Trần Vàng Sao vừa qua đời ở Huế, ngày 9 tháng 5 năm 2018. Tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941. Mặc dù tiểu sử cúa ông được ghi là nổi tiếng với Bài thơ của một người yêu nước mình ký bút danh Trần Vàng Sao, một bài sáng tác tháng 12/1967 và được chọn là một trong 100 bài thơ Việt Nam xuất sắc thế kỷ 20, thế nhưng số phận của ông bị giới cầm quyền văn hóa nhà nước ghét bỏ, từ khi ông bộc lộ những thái độ phản kháng.
Số phận của Trần Vàng Sao trở nên khốn đốn, từ khi ông công bố tập hồi ký “Tôi bị bắt” của mình. Trong đó, ông mô tả một thế giới xã hội chủ nghĩa trần trụi hiện thực. Nhà thơ Lữ Phương đã viết rằng : “Cuốn hồi ký này kể lại cái tai hoạ đó khi từ chiến khu anh được đưa ra miền Bắc trị bệnh: ở nơi đây sau một thời gian quan sát anh đã ghi lại những suy nghĩ của mình về cái gọi là “hậu phương xã hội chủ nghĩa” đó bằng nhật ký và chính vì những suy nghĩ ghi thành chữ viết này anh bị các đồng chí của mình truy bức nguyền rủa phỉ nhổ cô lập đến chỗ như anh cho biết anh không còn được coi là con người mà đã thành “một con vật một con chó”. Trong rừng tôi đã nghe biết một số trường hợp những trang nhật ký bị tố cáo nhưng chưa thấy có trường hợp nào sự tố cáo lại dẫn đến một cuộc hành hạ trừng trị độc địa như trường hợp của Trần Vàng Sao.”
Ông sống và chết trong nghèo khổ ở Huế.
Lúc còn sống, ông Trần Vàng Sao kể rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường đến gặp ông, nói nếu muốn để “Bài thơ của một người yêu nước mình” vào tuyển tập thơ “Từ Ấy” của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế ấn hành thì phải bỏ bút danh, thay tên khác. Lúc đó, ông trả lời ““Đăng hay không là quyền anh. Đổi tên tác giả là quyền tôi. Tôi không bao giờ đổi tên Trần Vàng Sao. Nếu đăng, anh không đươc quyền đổi tên tác giả.” Bởi đơn giản, giới kiểm duyệt không muốn cái tên Trần Vàng Sao được nhớ, dù một thời đi theo phe miền Bắc, nhưng rồi phản tỉnh khi nhận chân. Đây cũng là tình trạng của rất nhiều người miền Nam sau 1975.
họa sĩ Đinh Cường (bìa trái) và Trần Vàng Sao (bìa phải) tại Huế năm 2013. -- (báo Ðà Nẵng)
Năm 2013, ông có tự ngạo mình như trong bài thơ nhỏ dưới đây, gửi bạn là Đinh Cường:

Nhiều khi ngồi nói chuyện chơi
bà con hàng xóm nhìn tôi cứ cười
vui theo cách mạng quá trời
bây giờ nghĩ lại đã đời vui chưa
Khi không đang nắng lại mưa
Tháng năm còn lụt có chừa ai đâu
thủ bút của nhà thơ Trần Vàng Sao--  (ảnh tư liệu : họa sĩ  Ðinh Trường Chinh)
Xin giới thiệu bài thơ Buổi trưa giữa đường tôi ngồi núp mưa, một trong 3 bài thơ mà tạp chí Sông Hương số 42 (tháng 4-1990) đăng tải, ngay sau đó ông bị đấu tố đến mức khủng hoảng. Giới cán bộ, giới văn nghệ sĩ theo đuôi chọn cơ hội này cầu vinh, mà mạt sát ông, Nhắc về chuyện này, ông kể rằng “ôi chao ôi, có đứa dám lăng nhục mình là chó”.
Buổi trưa giữa đường tôi ngồi núp mưa
Trần Vàng Sao

rồi tôi chỉ còn lại có một mình em
như thằng điên tự vẽ mặt mình hề ngồi núp mưa trong góc phố
buổi trưa không có người đi qua đi lại tôi ngó cho đỡ buồn
tôi sẽ đi hết cơn mưa này tối tăm mặt mũi
em sẽ là người cuối cùng tôi còn nhớ lại
da tóc và lông lá
những giọt nước mưa chảy trong kẽ ngón chân
tôi rùng mình
trời mưa lâu quá
em không đi qua ngã này cho tôi thấy em ướt hết
tôi không còn tham lam gì nữa
tôi muốn ngồi ở đây rồi ngủ quên
một người
hai người
mưa như to thêm
một ngàn một vạn muôn vạn ức triệu người chết
hôm qua
hôm nay
mai mốt nữa
Timishoara Budapest Praha Berlin Bucarest Sofia Siberia Thiên An Môn
súng máy súng trường dao găm lựu đạn
xe tăng thiết giáp
thuốc độc thuốc mê
chết đứt đầu chết mất xác
chết bị moi óc
chết bị móc mắt
chết như kiến chết
chết ruồi bu kiến đậu
chết không kịp ngáp
chết buổi sáng
chết buổi trưa
chết buổi chiều
chết lúc nửa đêm
chết oan ức
chết tức tối
chết nghiến răng
chết trợn mắt
chết trong tù
chết ngoài đồng
chết giữa đường phố
chết trong hầm mỏ
chết một mình
chết tập thể
chết không có giấy đắp mặt
chết không ai chôn
chết hết đường chết
chết trần truồng như cha mẹ sinh ra
lúc đó
kẻ giết người không đeo mặt nạ
kẻ giết người không làm dấu thánh
kẻ giết người không lần tràng hạt nam mô
kẻ giết người đứng đọc diễn văn
kẻ giết người hô nhân dân muôn năm
kẻ giết người cười
kẻ giết người sửa lại cổ áo
súng máy xả vào đám đông
nhân dân tôi muôn năm
lúc đó
không còn tiếng người la hét nữa
trời mưa to thêm
một người đàn ông bên kia đường chạy qua đứng chen chân vào chỗ tôi ngồi
người đàn ông nhìn tôi
tôi không nghe tiếng người đàn ông nói
tôi đứng dậy hút thuốc bước ra ngoài
người đàn ông ngồi vào chỗ tôi
tấm băng khẩu hiệu giăng giữa hai cột điện nước trôi còn hai chữ muôn năm không có N
không biết ở nhà mấy đứa con có lấy áo quần phơi ngoài dây thép vào không.  ./.

TUẤN KHANH [1968-    ]
 nhạc sĩ 

-----------------------------------------------------
trích từ blog UYÊN NGUYÊN THƯ QUÁN
================================
Advertisements

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ