Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

' HƯƠNG; truyện ngắn ĐỖ PHƯƠNG KHANH [ 1936- ] -- source: phuongkhanhdo.wordpress.com/

HƯƠNG: truyện ngắn ĐỖ PHƯƠNG KHANH

Do Phuong Khanh THIEU NHI
Đỗ Phương Khanh xuất hiện lần đầu với truyện ngắn Đi Mua Giầy trên Giai Phẩm Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh kể từ số 4 (tháng 8-1958). Bà có 3 truyện ngắn được Nhất Linh chọn in trên Giai Phẩm này ở các số kế tiếp. Sau khi Văn Hóa Ngày Nay đình bản, bà qua cộng tác với tạp chí Tân Phong của nhà văn Nguyễn thị Vinh với nhiều truyện ngắn khác, sau xuất bản thành tập truyện Hương Thu do Đông Phương ấn hành.
Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, bà về làm quản lý cơ sở ấn loát Hồng Lam ở Sài Gòn do Linh Mục Cao văn Luận làm Giám Đốc.
Đầu thập niên 70, bà giữ vai trò quản lý trị sự cho tuần báo Thiếu Nhi đồng thời phụ trách trang Vườn Hồng và sinh họat với Gia Đình Thiếu Nhi là một tập hợp độc giả của tuần báo này cho tới năm 1975.
Cũng trong thời gian này, Đỗ Phương Khanh phụ trách trang Nhi đồng cho nhật báo Hòa Bình với bút hiệu Mai Loan và là người phụ trách trang Phụ Nữ của nhật báo Dân Chủ cho tới năm 1975.
Bà cũng là Giám Đốc vườn trẻ Anh Vũ, một cơ sở mẫu giáo chuyên dạy trẻ em theo phương pháp Montessori từ năm 1973 tới 1975.
Tháng 4 năm 1980, bà cùng hai ái nữ vượt biên, tới được bờ biển Mã Lai và nhập trại tỵ nạn Pulau Tengah tại Mã Lai, sáu tháng sau đi đoàn tụ với gia đình (nhà văn Nhật Tiến) ở Hoa Kỳ vào tháng 10-1980.
Tại Hoa Kỳ, bà dịch những tài liệu về Bảo Vệ Lòai Vật và những câu chuyện của J. Krishnamurti với những bút hiệu Danny Việt, Vy Khanh …, đồng thời biên soạn “Chương trình tìm hiểu Phật pháp Tuệ Đăng” phát thanh hằng tuần trên Little Saigon Radio và Hồn Việt TV với bút hiệu Liên Hương.
Bà hiện cư ngụ tại Nam California.
HinhBiaTruoc

Hương

Truyện ngắn Đỗ Phương Khanh
Hương là một thiếu-nữ không đẹp. Trán nàng ngắn quá.  Hương ghét nhất điểm này. Trán ngắn tức là biểu lộ một khối óc không thông-minh, đời sống sau này vất vả. Đã thế mắt Hương lại bé.  Mỗi lần soi gương, Hương tập mở to mắt. Nhưng ra đến phố, có lúc nàng quên tịt đi mất, về nhà cứ ân-hận mãi.
Những cái bực mình vẩn vơ ấy làm Hương thấy ghét mình, ghét thiên hạ và lại hằn-học cả với mẹ nữa. Ngày xưa mẹ có xấu thế đâu. Ảnh mẹ treo ở giữa phòng, chụp chung với ba hồi mới cưới, mẹ xinh quá. Hương ước ao một sắc đẹp như vậy. Mà ngay bây giờ, mẹ hãy còn đẹp lắm. Tuổi gần bốn mươi mà trông như mới như ngoài ba mươi. Mẹ góa chồng từ năm Hương lên sáu. Mẹ ở vậy nuôi Hương. Nguồn hy-vọng độc nhất của mẹ là Hương. Một đôi khi bà hơi buồn vì nhan-sắc của con gái. Nhất là cái dáng vất vả của nó. Thời nay người ta để ý đến sắc đẹp nhiều hơn là đến phẩm-hạnh. Nhưng cái buồn ấy chả bao giờ bà nói ra với Hương , bà cũng chả đả động gì với Hương về chuyện xấu đẹp cả. Thỉnh thoảng Hương chỉ nghe mẹ nói :
– Cái nết đánh chết cái đẹp con ạ.
Hương cố bám vào cái thuyết cổ lỗ sĩ ấy. Hương cho rằng nếu người ta yêu mình chỉ vì sắc đẹp thì nàng cũng chả cần để ý làm gì.
Nhưng lòng tin ấy chỉ được vài hôm. Hương khổ tâm thấy người ta nhìn mình bằng cặp mắt dửng dưng. Hương biết, vì cái nhìn khao khát, trầm trồ nó khác. Rồi chỉ thoáng một tiếng cười, Hương không biết họ cười với nhau chuyện khác hay chuyện mình, nhưng nàng cũng thấy tức tối.
Những hôm ấy về nhà, Hương ôm gối khóc một mình. Hương thấy như mình bị đẩy trong một ngục tối mà suốt đời không thoát ra được. Mỗi lần đi ra ngoài, Hương tưởng ai cũng nhìn thấy cái xấu của mình, và Hương như đọc được cả ý nghĩ của họ. Tính nết Hương đâm ra cau có gắt gỏng. Một đôi khi Hương giận lây cả mẹ nữa kia.
Tới một ngày Hương bỏ học và xin đi làm. Ít ra ở đấy Hương cũng có một nguồn an ủi. Quanh nàng không có ai đẹp cả (ở trường thì nhiều quá), mấy bà thư ký thì già. Còn Hương lại trẻ nhất. Hương không thấy kém họ. Nàng yên tâm làm việc và thấy đời dễ thở hơn.
Ông giám đốc sở Hương làm là một người rất lịch thiệp. Trông ông ấy na ná như Ba ngày xưa. Nhưng già hơn vì Ba mất hồi trẻ . Ông Hoan góa vợ đã bốn năm mà không tục huyền. Kể con người như thế, Hương đã thấy phục. Hơn nữa, ông ta lại không hợm hĩnh gì cả.
Một vài lần ông đánh xe tiễn Hương về đến tận nhà, nói chuyện làm ăn với mẹ hàng giờ mới ra về. Thế nghĩa là ông ấy có cảm tình đặc biệt với Hương. Hương so tuổi mình với ông Hoan, ước lượng hai chiều cao, nàng nghĩ có đi đôi với ông, cũng chẳng có gì là chướng cả.  Lần đầu tiên Hương có cái cảm giác êm đềm chạy qua óc. Hương tự hào về sự ao ước của mình. Nàng ghét bọn trai trẻ. Còn lâu họ mới tạo được sự chín chắn như ông Hoan. Mà chỉ có sự chính chắn mới là nơi mọi người con gái có thể nương tựa được.
Hương xây dựng tình yêu trong sự suy nghĩ vẩn vơ như thế từ lúc nào. Bây giờ thì tình yêu ấy nổi bật lên rồi. Hương đã thấy nhớ, thấy buồn và ghen vơ vẩn. Chả bao giờ Hương thêu khăn tay, thế mà những ngày nghĩ nàng thêu hàng tá mùi xoa có hai chữ H.
Trong khi ấy ông Hoan càng ngày càng thân với nàng. Trong công việc làm ông ấy nâng đỡ Hương đặc biệt. Dần dần lại rủ Hương đi ăn cơm, có lần ông mời cả mẹ nàng đi nữa. Tình yêu của ông Hoan đứng đắn thật. Ông ấy muốn có sự chứng kiến của mẹ. Hương càng phục. Nhưng sao mẹ cổ thế. Bà ấy lúc đầu nhất định không đi.  Hương phải nằn nì, phải giận dỗi mẹ mới chịu nhận lời. Mỗi lần đi như vậy , mẹ tô điểm cho Hương nhiều hơn cho mẹ. Phải mất hàng giờ mẹ mới tô xong cho Hương cái riềm mi mắt bằng bút chì than. Mẹ chọn áo cho Hương mặc. Hương cảm động ép đầu vào ngực mẹ.
Nhưng mẹ không thương Hương cho hết lòng. Đi với người ta mà mẹ cứ lầm lầm , lì lì. Ông Hoan gợi chuyện gì với mẹ. mẹ chỉ đáp gượng gạo, cười nhạt nhẽo. Nhiều lúc mất cả vui.
Có lần Hương thấy ghét mẹ. Nhưng nàng lại nghĩ rằng có lẽ mẹ nhớ những buổi đi chơi với Ba ngày xưa. Vì thế Hương lại thương hại. Mà mẹ đáng thương thật.  Đời mẹ thế là hết.  Chẳng còn hy vọng cái gì, trông đợi cái gì và chẳng có gì an-ủi cả. Cuộc sống  như thế thật trống rỗng. Những lần đi chơi, Hương đi giữa, mẹ đi một bên, ông Hoan một bên. Hương nhớ những lần đi ăn kem với Ba ở Bờ hồ. Bây giờ thì chả bao giờ còn thế nữa. Hương nghĩ rằng đã đến lượt của Hương rồi. Ít lâu nữa Hương cũng sẽ giắt con Hương đi như thế. Tuy vậy mẹ vẫn đẹp.  Lâu lắm mẹ không đánh phấn nên mới bôi phớt ít môi son vào mà mẹ đã trẻ hẳn đi. Da mẹ thật trắng, mắt mẹ để đi đâu nên trông lại càng buồn. Mẹ đẻ ít, nên thân hình mẹ vẫn đep. Hương ước ao cái đẹp của mẹ. Hương nghĩ rằng đẹp như thế thì thật là phí.  Mẹ già rồi.
Trong lúc ngồi ăn cơm ở tiệm. Hương sung sướng nhất. Hương nói luôn mồm. Hương không thấy sự ngăn cách tuổi tác giữa ông Hoan và nàng. Hình như ông ấy mến sự có duyên của Hương. Ông ấy hay nhìn Hương mà cười. Nụ cười dễ dãi, bao dung lạ. Hương đoán chắc tâm hồn của ông Hoan đẹp lắm.
Còn mẹ thì dưới ánh đèn trông mẹ càng đẹp. Thiên hạ nhìn mẹ quá. Hương vừa thấy hãnh-diện cho mẹ, vừa thấy tủi cho mình. Có lúc nàng thấy ghen cả với mẹ. Ông Hoan cố gợi chuyện cho mẹ nói. Mà mẹ chỉ trả lời nhát gừng. Hương tức quá. Mỗi lần thấy mẹ ngập ngừng Hương chỉ muốn trả lời hộ mẹ quách cho ông Hoan khỏi đợi. Nhưng Hương lại thôi. Nàng trông ra đường, nheo mắt nhìn mấy ngọn néon cho ánh sáng nhòe ra chói lóa cả mắt. Hương thấy ngất ngây như mình đang sống trong hạnh phúc. Những lúc ấy Hương không nghe ông Hoan nói chuyện gì. Có lúc ông ấy cười hơi to. Hương vội vàng quay lại định góp vui, nhưng thấy mẹ vẫn buồn làm sao nên nàng lại thôi. Hương giận mẹ quá. Chính mẹ không muốn cho Hương vui. Mẹ không tế nhị , mẹ không hy sinh cái buồn ngày xưa cho con gái mẹ vui trong những giây phút sung sướng này. Hương oán mẹ mãi. Nhưng đến đêm tối trở về, Hương buồn ngũ rũ ra mà mẹ vẫn thức khâu. Mẹ nói ít quá. Mẹ buồn kín đáo. Hương giả vờ ngủ, nhưng mắt hé ra nhìn mẹ. Căn phòng im lặng hoàn toàn. Mẹ khóc. Bây giờ Hương mới thấy sự cô độc của mẹ. Hương thương mẹ lạ lùng. Hương muốn nhỏm dậy xin lỗi mẹ, hứa với mẹ rằng lần sau Hương sẽ không ép mẹ đi nữa. Nhưng Huơng cũng không dậy. Nàng thấy mắt nặng dần, rồi một lát giấc ngủ êm đềm đến với Hương. Huơng mơ thấy hình ảnh tươi tỉnh và độ lượng của ông Hoan.
Dạo này mẹ chiều Hương hơn trước. Mẹ nhận đồ khâu thuê nhiều hơn, để sắm cho Hương những lọ phấn, lọ nước hoa đắt tiền. Áo dài của Hương có gần đủ mặt hàng. Những lần ra phố, mẹ trang điểm cho Hương kỹ hơn. Hương thấy thương mẹ lạ lùng.
Nhiều hôm mơ màng. Hương thấy hình như mẹ vuốt tóc Hương và mẹ khóc trên mặt nàng. Nhưng Hương không thấy rõ, vì nàng ở trong trạng thái nửa mê, nửa tỉnh. Tuy vậy Hương cũng có thể tưởng tượng lại được cái cảm giác của mình khi ấy. Hình như Hương muốn khóc lên mà có cái gì nghẹn ở cổ.
Sáng lân la hỏi mẹ, thì mẹ chỉ cười bảo :
– Bậy nào, mẹ có trẻ con như mày đâu mà mẹ khóc.
Hương nghe mà thương mẹ làm sao.  Hương chẳng thế nào mà bằng được mẹ.
Nhưng có một hôm mẹ khóc thật. Khóc ngay giữa ban ngày vào lúc buổi sáng, khi Hương đi làm về. Mẹ kêu mẹ nhớ quê nhà, nhớ bà ngoại, nhớ phần mộ của Ba. Rồi mẹ bảo Hương thu xếp đi về quê với mẹ. Lần này Hương không thương mẹ nữa. Hương thấy bà ấy thật lẩm cẩm. Tự nhiên sinh ra nhớ nhung vô nghĩa. Nhưng Hương không cản mẹ. Hương bằng lòng để mẹ về. Còn Hương ở lại đi làm, hôm nào nghĩ Hương sẽ về đón mẹ. Hương không thể xa đây một buổi, không thể không trông thấy ông Hoan mỗi ngày một, hai lần.
Chiều hôm ấy mẹ ra xe. Hương đi tiễn mẹ. Mẹ cứ vuốt tóc Hương mãi :
– Bao giờ con mệt, con thấy cần nghỉ thì về với mẹ. Mẹ đợi con. Về nhà quê sống khỏe người hơn, con ạ.
Mọi lần thì Hương thương mẹ. Nhưng lần này Hương chỉ thấy buồn cười. Mẹ thật vớ vẩn.
Xe chạy, mẹ vẫy mãi Hương, hình như mẹ khóc. Còn Hương cũng vẫy mẹ , mà chẳng có cảm giác gì cả. Nàng còn đang nghĩ đế sự tự do của mình ngay từ phút này.
Xe đi khuất, Hương trở về nhà. Đã hơn hai giờ. Vội vàng nàng sửa soạn đi ngay sợ quá giờ làm việc. Nhưng ông Hoan đã vào trong ngưỡng cửa.
Hương reo lên:
– Mẹ em vừa đi rồi!
Mặt ông ta hoảng hốt:
– Đi đâu?
-Về quê ạ. Bà cụ nhớ nhà….
– Mẹ có nói bao giờ mẹ lên không?
– Không, nhưng có lẽ phải hàng tháng.
Ông Hoan vùng lên như bứt rứt chuyện gì ghê gớm:
– Không thể được. Bây giờ Hương về quê đi, Về quê xin lỗi mẹ hộ tôi, nói rằng bao giờ tôi cũng trọng mẹ.  Đi đi, Hương đi ngay hộ tôi, chiều nay Hương nghỉ việc.
Hương ngơ ngác:
– Sao! Mẹ em làm sao giận được ông? Mà giận gì cơ chứ?
Ông Hoan ngập ngừng :
– Tôi… tôi yêu mẹ , tôi muốn lập gia đình với mẹ. Tôi ngỏ ý với mẹ sáng hôm nay.
Huơng không nghe thấy gì hơn nữa. Nàng tối sầm mặt lại. Chỉ một suýt nữa Hương bật ra tiếng khóc. Nàng lảo đảo lùi lại gần giường rồi nằm vật xuống đệm. Hương cảm thấy như mình vừa rơi xuống một hố sâu thẳm mà ở trong đó Hương phải chịu đựng tất cả những cảm giác thất vọng, chua xót và bẽ bàng.
Rất mơ hồ Huơng nghe thấy tiếng giầy nặng nề của ông Hoan đi ra ngoài lối ngõ.  Rồi hình ảnh đôi mắt đen và buồn của mẹ lai hiện ra. Bây giờ thì Hương đã hiểu rõ nỗi lòng của mẹ, hiểu những giọt nước mắt của mẹ giỏ xuống mặt Hương những đêm hôm nào. Rồi Hương nghĩ đến cái trán ngắn và đôi mắt xấu xí của mình. Bỗng nhiên Hương vùng dậy. Lòng tự ái của Hương căng thẳng, Hương vừa tìm được sự an ủi trong cái bất cần thiên hạ.
Nàng thấy mình cao hơn hết thẩy. Quanh Hương chỉ có mẹ là xứng đáng đem lại cho Hương nguồn an ủi, Hương lau nước mắt ngồi dậy, lại bàn viết:
” Mẹ ơi, mẹ chờ con ở bến xe. Con sẽ về với mẹ, sẽ ở với mẹ mãi mãi”. HƯƠNG
Đỗ Phương Khanh
HinhBiaSau



                                                  --------------------------------------------------------
                                                 trích  lại từ blog nguoitinhhuvo.wordpress.com
                                                 ==================================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ