Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

' Ăn tết muộn/ MANG VIÊN LONG ' + Đồi xanh/ tranh ĐINH CƯỜNG + Tấm hình năm 1968[ Mậu Thân] / thơ ĐINH TRƯỜNG CHINH -- blog Phạm Cao Hoàng



WEDNESDAY, FEBRUARY 7, 2018

- tranh ĐINH CƯỜNG/  Đồi xanh


tranh
ĐINH CƯỜNG

Đồi xanhsơn dầu, dinhcuong

- truyện ngắn MANG VIÊN LONG/  Ăn Tết muộn

- hoa đào Nhật Tân - ảnh: Google image

Trung và Ái My vẫn chọn thị xã vùng biển Ninh Hòa làm nơi ăn Tết như hai năm trước, tuy biết rằng, qua cơn bão số 12 và nhiều cơn lũ tiếp theo, đã làm nhiều xã vùng ven đã nghèo, càng thêm xơ xác, tiêu điều; thị xã cũng bị nhiều ảnh hưởng nặng nề. Cơn bão số 12 đổ bộ vào thị xã Ninh Hòa với sức gió trên 100 km/h, đã khiến hàng nghìn nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng. Các phường Phước Hải, Ninh Diêm, Ninh Thủy nằm ven biển, là nơi hứng chịu thiệt hại nặng nhất của thị xã Ninh Hòa. Nhiều nhà bị sập hoàn toàn không có nơi tạm trú, Nhiều gia đình kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai, làm thuê, các nghề phục vụ không ổn định, qua bão tài sản không còn gì, đang đứng trước cảnh nghèo đói mà không thể xoay sở được! Theo thống kê của tỉnh Khánh Hòa,với sức gió cao nhất đạt cấp 12, giật cấp 15 kèm theo mưa lớn khiến 27 người chết, 5 người mất tích, 89 người bị thương; trên 10.000 căn nhà bị sập và hư hỏng; 3.826 ha diện tích lúa bị ngập và 6.258 ha diện tích hoa màu các loại bị ngập, hư hại; 44.320 lồng và 3.270 bè nuôi tôm cá bị trôi hoàn toàn.
           Ái My nói: “Mấy ngày ăn Tết ở đây, em muốn anh đưa em đến thăm…”
-       Những nơi nào?
-       Ngôi trường mà em đã dạy…
-       Còn nơi nào nữa không?
-       Thăm gia đình anh Thành…
-       Có muốn thăm gia đình “nhà chồng cũ” không?
          Nhận ra trên gương mặt tươi sáng hồn nhiên của Ái My bỗng như có những đám mây đen lướt qua, Trung biết mình đã lỡ lời. Anh nắm tay nàng: “Bảy ngày ăn Tết ở đây, chúng ta chỉ cần sự yên tĩnh, còn chuyện đi thăm nơi này, nơi nọ, tùy duyên thôi em ạ!” - “Dạ” - Ái My khẽ cười.
***
           Năm 81, Trung gặp Ái My lần đầu ở nhà Thành - cách nay đã hơn ba mươi năm. Ngày ấy, Ái My vừa mới ra trường, đến nhận việc nơi ngôi trường Thành đang làm hiệu trưởng. Trung ghé thăm Thành vì đang có dịp công tác ở Nha Trang. Thành hiền, học chăm, không có gì đặc biệt; nhưng Trung lại rất quý sự chơn chất có chút quê mùa ở Thành từ thời trung học. Sau bao năm, ngoài “nghề” dạy học, Thành còn có thêm “nghề” xem quẻ kinh Dịch, rất kinh nghiệm, và uy tín.  Hỏi thăm nhà thầy giáo Thành ở Ninh Đông, bà con đều hỏi “Có phải ông thầy coi quẻ kinh Dịch không?”. Xem ra, nghề “xem quẻ” lại nổi tiếng hơn, có ăn hơn nghề thầy giáo. Trung đã có dịp “thử tài” Thành khi nhờ Thành xem giúp đường “tình duyên” của mình, còn danh vọng, tài lộc thì xin miễn, bởi Trung có “ăn  gì” đâu, ngoài những tờ giấy? Sau một lúc hý hoáy vẽ sơ đồ, Thành ngước nhìn thẳng lên mặt Trung: “Tuổi thân rất khổ về đường tình duyên, cậu ạ. Phải hai, hay ba lần dang dở, mới yên được!”. Nghe Thành nói, Trung nhận ra Thành đã nói đúng! Cái khổ thân xác chẳng có gì phải bận tâm, nhưng nỗi ưu tư phiền não, đã khiến anh mang phải chứng bệnh mất ngủ mãn tính, không có thuốc nào chữa dứt!
            Ái My gọi Thành là “thầy” và cũng gọi Trung là “thầy” luôn. Nàng hồn nhiên, vui tươi, như không nhớ mình đang là một cô giáo cấp ba. Gặp Ái My lần ấy, Trung không có cảm giác gì đặc biệt, ngoài nhận ra ở nàng sự trong sáng, chân tình. Nhưng sau đó không lâu, lúc nhận được Thiệp hồng báo tin ngày Vu quy của nàng, rồi cũng tiếp theo khoảng ba năm, nhận được từ Thành tin nàng đã ly hôn - Trung mới cảm thấy rất thương quý nàng. Một con người hiền thục, hồn nhiên, có tâm từ như Ái My sao lại phải gặp cảnh bất hạnh vậy? Theo lời kể của Thành, nàng được chàng trai của một gia đình giàu có người gốc Hoa ở đây săn đón, theo đuổi. Thành cười, nhắc lại câu ca dao: “Gái khôn, trai dỗ, lâu buồn cũng xiêu!”, nên Ái My đã chấp thuận, bởi nếu sống quanh quẩn trong cái thị trấn bé nhỏ nầy, thì khó tìm ai hơn vậy!
          Thời gian sau, gia đình chàng trai được đi ra nước ngoài theo diện người Việt gốc Hoa, nhưng Ái My chưa có tên trong hộ khẩu, nên không thể theo chồng được. Nàng vui lòng chờ đợi ngày bảo lãnh như bao người khác, nhưng không hiểu sao, bà mẹ chồng lại yêu cầu nàng  ưng thuận ký vào giấy xin ly hôn với con trai bà, trước ngày rời nước. Ái My cầm tờ đơn hỏi ý chồng, được trả lời ngắn ngủi: “Em làm theo lời mẹ đi!”. Chuyện đến và đi đơn giản vậy, nhưng với Ái My là một lần vấp ngã khủng khiếp. Nàng hụt hẫng, suy nhược, và ưu phiền suốt năm, rồi ngã bệnh. Trong một lần gọi thăm Trung bất ngờ, Thành đã hé lộ cho Trung biết tin từ những thân còn lại của gia đình chồng nàng, rằng Ái My được chẩn đoán trước đó là nàng không thể sanh con được. Tin nầy, có lẽ, Ái My cũng vẫn chưa  biết được chăng?
          Trung đã gởi cho nàng một thư điện tử, khá dài, chia sẻ nỗi đau, cảm thông và khích lệ nàng hãy vui sống. “Ông trời còn cho em một cơ hội tốt đẹp hơn, là ngày mai, em ạ!” Ái My không trả lời bằng email, mà gọi qua Viber, trò chuyện với anh tưởng như không dứt ra được. Nàng như người đang trôi dạt trên dòng sông chảy xiết, bám được bè gỗ. Trung biểt nàng đang bị suy tim, nghẽn động mạch chủ, đang  nằm điều trị ở bệnh viện đa khoa Phan Thiết, chờ chuyển vào Chợ Rẫy; cuộc sống đang rất mong manh. càng khiến anh thương quý nàng, không thể rời xa, như một định số.
         Một hôm, nghe nàng nói trong hơi thở nặng nhọc: “Em muốn được nói chuyện với anh, cho dầu sau khi nói, em có thể chết bất cứ lúc nào anh ạ! Xin anh hãy nghe em…” - Trung đã quyết định đến thăm nàng ngay sau đó.
         Hai năm qua, họ đã trải lòng yêu thương qua email, những cuộc gọi, tin nhắn, và một năm một lần được “ăn Tết” ở nơi tùy thích; từ ngày Ái My được xuất viện, và bệnh tim của nàng dần dần ổn định, khỏe mạnh, dầu không hề can thiệp bằng phẩu thuật như đề nghị của bệnh viện. Nàng đã luôn nhắc với Trung, trong những lần trò chuyện, tâm sự: “Nhờ tình yêu thương mầu nhiệm của anh, mà em đã khỏe hẳn lên, yêu cuộc sống nầy gấp bội anh ạ!”. Còn Trung, luôn nói: ”Anh cũng rất cảm ơn em - viên thuốc an thần kỳ diệu, vô giá của anh!”.
***
          Căn phòng B-07 của khách sạn Viễn Đông dường như luôn dành sẵn cho họ, mỗi lần ghé lại. Có lần, vào phòng Lễ Tân hỏi lấy phòng, nhìn thấy khách đang ở đông, Trung nghĩ đã hết, nhưng cô tiếp tân mỉm cười, chìa ra trước mặt anh xâu chìa khóa của phòng B-07. Ái My cũng ngạc nhiên, tròn xoe mắt nhìn Trung: “Đúng là duyên số đã định rồi, anh!”.
           Vào phòng B-07 - cả hai đều có cảm giác an vui như được trở về “nhà xưa”của mình. Họ ôm chầm lấy nhau, như hai mảnh nam châm.
           Tình yêu và tương lai của họ là đời sống hiện tại, trong căn phòng B-07 nầy để vui xuân, đón Tết - thời khắc ngắn hay dài, với họ, không còn ý nghĩa nữa! Trung nằm bên nàng, cầm bàn tay nàng đặt lên ngực mình: “Chúng ta lạc lõng như những mùa xuân muộn em ạ!”. Anh đọc:        
“Vụng sắm cành đào không kịp Tết,           
Ra giêng chợt hé một vài bông…          
Xuân nhà người khác bay đi hết,          
Ngoảnh lại xuân ta mới chớm hồng!” (*)     

Quê nhà, tháng 2 năm 2018
MANG VIÊN LONG

-----------------
(*) thơ Yến Lan

-nhà văn Mang Viên Long - Photo by PCH, Quy Nhơn, tháng 9.2016

- thơ ĐINH TRƯỜNG CHINH / Tấm hình năm 1968

- "Bố tôi, Mậu Thân 1968/ Huế"-- ảnh tư liệu gia đình Đinh Trường Chinh


Bố tôi đang đứng đây
Bố tôi đang làm gì
những ngày Tết Mậu Thân ?
Có lẽ chỉ là chiếc xe Suzuki màu đen hết xăng
kẹt lại giữa đường .
Hay Bố tôi tạm dừng lại 
tìm chiếc thẻ căn cước
mong qua những trạm xét
để về được đến nhà .
Cũng rất có thể
ông vừa nói chuyện xong 
với một người bạn nào đó
giữa trưa nắng
hỏi han về tin tức những người bỗng biến mất .
ở Huế dường như mọi người đều biết nhau .

Mẹ tôi còn hai tháng nữa
là sanh chị tôi
tháng 3 năm 1968
nghe kể lại
Bố tôi đã cầm đuốc đưa Mẹ tôi đi đẻ
trời tối mù 
qua đồn Mang Cá
nhờ một người lính Cộng Hòa tốt bụng
dẫn đường bằng xe jeep
chị tôi lúc ấy sắp chui ra từ bụng Mẹ
những ngày Huế úng nước .

*

Bố tôi đang đứng đây
làm gì
những ngày Tết Mậu Thân
Có lẽ chỉ là chiếc xe suzuki hết xăng
kẹt lại giữa đường ?
Người đàn ông mặc áo dài đen trong hình
trên đường Huế
đang đi về đâu ?
có thể ông ấy đang đi tìm đứa con mất tích,
hay người Mẹ, người Cha
bị chôn đâu đó ?
và thế nào hai bên đường quốc lộ
cũng có những bà Mẹ bị điên sau một đêm
đứng "vỗ tay reo mừng xác con" (1).

còn Mẹ tôi thì đang mang bầu ở nhà
giữa tiếng súng đạn bắn thẳng qua đầu
để lại một lỗ thủng trên tường nhà
cách vai Mẹ tôi một gang tay .
Bố tôi đang làm gì
giữa trưa nắng ấy
giữa tiếng súng và lửa còn cháy trên từng mái nhà
Mẹ tôi đang chờ ở nhà 
có lâu không ?
Bà có thể sanh chị tôi bất cứ lúc nào .
tôi chỉ nghe kể lại
về "địa ngục có thật"
về "dải khăn sô cho Huế"
"giữa đêm, tôi đã choàng tỉnh dậy vì tiếng nổ xé toạc
cả những giấc mơ vụn" (2)
Mẹ tôi có không
một giấc mơ vụn
trong tiếng đạp của đứa bé sắp chào đời
không có nhà hộ sinh
và Bố tôi đi đâu ?
kẹt ở đâu ?
không biết khi nào mới về được
đến nhà 
những ngày tết Mậu Thân ?

đinh trường chinh
30.1.2018


------------(1) lời nhạc TCS
(2) câu văn mở đầu của Nhã Ca trong "Dải khăn sô cho Huế"


----------------------------------------------------------------------------------------
 trích từ TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHẠM CAO HOÀNG
----------------------------------------------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ