' tôi viết tiểu thuyết 'ngang trời mây đỏ' / ngọc bái -- blog ngọc bái
TÔI VIẾT TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ “NGANG TRỜI MÂY ĐỎ”
Khi bắt đầu làm Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Yên Bái, tôi đã nghĩ ngay đến sự kiện Khởi nghĩa Yên Bái 9/2/1930. Qua sử sách được biết đây là cuộc xả thân bi hùng của những người yêu nước suốt 80 năm nô lệ, thời kỳ Tổ quốc chìm đắm dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Chỉ đến khi có chút trách nhiệm tôi mới có điều kiện thực hiện chính kiến của mình.
Rất may mắn tôi đã được gặp họa sĩ Ngô Quang Nam (nguyên chánh văn phòng bộ Văn hóa Thông tin), cùng tôi đến gặp nhà sử học Trần Đức Cường (nguyên Viện trưởng Viện sử học Việt Nam), bàn chủ trương Hội thảo về Khởi nghĩa Yên Bái. Được các nhà sử học Việt Nam nhiệt tình cung cấp tư liệu, tôi về tranh thủ ý kiến lãnh đạo tỉnh Yên Bái, nhiều người tán thành. Bởi Khởi nghĩa Yên Bái là sự kiện lịch sử đáng kể đầu thế kỷ 20, xảy ra ngay trên đất Yên Bái. Là người dân Yên Bái không thể không hiểu rõ điều ấy! Cuộc Hội thảo với tiêu đề “Khởi nghĩa Yên Bái 2 -1930, một số vấn đề lịch sử” được Tổ chức tại văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái. Rất nhiều nhà khoa học ở Hà Nội và các nhà nghiên cứu địa phương đã tham gia cuộc Hội thảo lần đầu tiên này.
Tất cả các ý kiến trong Hội thảo thôi thúc tôi phải làm gì tiếp trước xương máu của bao người dân yêu nước đã bị thực dân Pháp đưa lên máy chém và tù đày ngoài Côn Đảo và phát vãng tận Guyane thuộc Amazon (Nam Mỹ) rừng thiêng nước độc. Được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân cổ súy, tôi viết trường ca “Lời cất lên từ đất” xuất bản năm 2000. Được Hội nhạc sĩ Việt Nam tạo điều kiện và Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng, tôi viết tiếp “Tráng ca Khởi nghĩa Yên Bái” gồm 3 chương, năm 2005. Đây là dấu mốc của 70 năm và 75 năm kỷ niệm Khởi nghĩa Yên Bái. Kỷ niệm 70 năm Khởi nghĩa Yên Bái cũng là ngày Khởi công xây dựng công trình tưởng niệm các Liệt sĩ bị xử chém tại Yên Bái (17/6/1930).
Kỷ niệm Khởi nghĩa Yên Bái, tôi nghĩ mình phải làm gì để xứng đáng với lòng yêu nước của người dân Việt Nam đã đổ xương máu trên đất Yên Bái? Nung nấu ý tưởng, tôi đã khởi viết tiểu thuyết lịch sử mang tên “Ngang trời mây đỏ”, đúng vào ngày giỗ lần thứ 80 của Nguyễn Thái Học (17/6/2000), với câu nói nổi tiếng “không thành công cũng thành nhân”. Tôi nghĩ lịch sử Việt Nam là lịch sử máu xương bao đời và màu đỏ lá cờ “máu đỏ da vàng”, luôn là điều ám ảnh, nên mượn màu mây đỏ để nói anh linh của những người ngã xuống trên đất này, còn phảng phất ngang trời.
Ngoài việc đọc các tư liệu lịch sử của các nhà nghiên cứu lịch sử cận đại, tôi được nhà sử học Phạm Quang Trung cho tìm hiểu và cung cấp các tư liệu gốc khai thác từ lưu trữ Paris. Tôi được nhà sử học Nguyễn Khắc Đạm (con trai nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu đồng sự của Nguyễn Thái Học), cung cấp tư liệu về tổ chức Việt Nam Dân Quốc khởi sự ở Bắc Giang. Tôi được Viện sử học Việt Nam cho cuốn “Hồi ký Trần Huy Liệu” của chính tác giả là người trong cuộc viết về cuộc khởi nghĩa máu lửa này. Khi có dịp đi công tác thành phố Hồ Chí Minh, tôi được nhà văn Thế Phong tặng cuốn “Việt Nam, bi thảm Đông Dương” (Viet-nam, la tragédie Indo-chinoise) của Louis Roubaud, mô tả sự bi thương của những nghĩa sĩ lên đoạn đầu đài ở Yên Bái. Tôi đọc nghiến ngấu hồi ký của ông Nguyễn Nhật Thân (quê Xuân Lũng, Lâm Thao, Phú Thọ), hơn Nguyễn Thái Học cả chục tuổi, vì cảm phục Nguyễn Thái Học mà sẵn sàng dấn thân. Rồi đọc hồi ký của Hoàng Văn Đào, đồng chí của Nguyễn Thái Học, đã cảm hóa thu phục rất nhiều người theo Quốc dân đảng thời bấy giờ.
Đọc chừng ấy tư liệu, tôi nghĩ mình không viết về Yên Bái là có lỗi với tiền nhân. Tất nhiên, tư liệu chỉ là “tư liệu thuần túy” để tôi viết “Ngang trời mây đỏ”, với cảm quan lịch sử mới mẻ của lớp người hậu thế. Nhân chuyến đi thực tế cùng các nhà văn nhà thơ Trần Nhuận Minh, Nguyễn Khắc Trường, Hoàng Minh Tường, Đình Kính… do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lên Điện Biên Phủ, dọc đường tôi kể về cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, mọi người bảo “tư liệu hay thế, viết đi!”. Đây cũng là động lực để tôi thực hiện ý tưởng. Khi viết xong tiểu thuyết, tôi được một một người bạn có tên L.H.C gửi tặng cuốn “Nguyễn Thái Học” của Nhà văn Nhượng Tống, người đồng chí thân thiết của Nguyễn Thái Học, xuất bản 1956, do tủ sách Tân Việt ấn hành. Đây cũng là tư liệu quý để tôi hiểu thêm các sự kiện của cuộc toàn khởi nghĩa.
Còn một công việc khá công phu và đòi hỏi nhiều công sức, đây là các chuyến điền dã, đến các vùng quê từng in dấu Nguyễn Thái Học và những người đồng sự của nhà yêu nước.
Nhiều lần tôi đến Bắc Giang, được chiêm ngắm nơi đồn trú của nghĩa quân Đề Thám, cũng là nơi sau này nghĩa binh của Nguyễn Khắc Nhu và Nguyễn Thái Học tổ chức hoạt động. Tôi tìm về Phủ Lạng Thương, quê của Nữ liệt Nguyễn Thị Bắc và Nguyễn Thị Giang. Khi làm phim tư liệu “Khởi nghĩa Yên Bái” (2 tập), do Nhà văn Hà Phạm Phú (nguyên giám đốc hãng phim Hội Nhà văn) đã cùng tôi hoàn thành, mới hiểu gia cảnh của bà Nguyễn Thị Bắc, người có câu nói đanh thép trước phiên tòa thực dân Pháp xử tại Yên Bái (23/3/1930): “Người Pháp hãy về giật đổ tượng thánh nữ Jeanne d’Arc đi!”. Được biết sau ra tù, bà đã sinh[đứa] con gái, cuộc sống rất cơ hàn.
Tôi dành nhiều thời gian đến Thổ Tang, quê hương của Nguyễn Thái Học. Tôi gặp ông Nguyễn Thái Nỉ, người em trai út của Nguyễn Thái Học và các cháu gọi Nguyễn Thái Học bằng bác. Theo anh Nguyễn Thái Tuấn, cháu ruột Nguyễn Thái Học, nói rằng ngôi nhà của Nguyễn Thái Học ở ngày trước vẫn trên nền cũ. Tôi được gia đình bố trí ngủ lại tại đây. Tư liệu về Nguyễn Thái Học để lại không nhiều, ngoài ngôi nhà. Bởi cháu Nguyễn Thái Học là lớp hậu thế, không biết nhiều về người bác đã hi sinh cho đất nước. Ông Nguyễn Thái Nỉ, tuy là em ruột, vào năm 1930 còn nhỏ . Tôi được dân Thổ Tang cho ngắm Miếu Trúc, nhìn sang quê Đội Cấn, nghĩa sĩ cuối cùng của Khởi nghĩa Thái Nguyên. Để thấy đất này nhiều người nổi tiếng chống thực dân Pháp.
Đến Hải Phòng, tôi đã lần theo bài “Văn tế dân làng Cổ Am bị nạn hỏa thiêu” của nhà chí sĩ Phan Bội Châu, mới biết đấy là quê của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, vì che dấu các nghĩa sĩ mà bị thực dân Pháp cho máy bay thả bom hủy diệt. Tôi tìm hiểu chuyện làng Võng La (gần bến Trung Hà – Phú Thọ), nơi Nguyễn Thái Học cùng Phó Đức Chính và Nguyễn Khắc Nhu mở hội nghị quyết định Khởi nghĩa Yên Bái, bị tên phản bội Phạm Thành Dương chỉ điểm. Nguyễn Thái Học và mọi người được dân che chở nên bọn mật thám không bắt được ai. Thù dân làng Võng La, mật thám cho đốt cả làng. Tôi thán phục chi tiết sau đó một tuần lễ, Nguyễn Thái Học gây bất ngờ cho Pháp, lại cho mở hội nghị ngay trên đống tro tàn Võng La, mà bọn Pháp không biết.
Theo dấu các địa danh lịch sử: Trụ sở Nam Đồng thư xã, Lạc Đạo, Bắc Giang, Phả Lại, Cẩm Giàng, Nam Sách, Thanh Hà, Vĩnh Bảo, Phụ Dực…tôi không tìm được tài liệu nào, bởi cảnh vật đã thay đổi nhiều, nhân chứng lịch sử cũng không còn. Tôi vận dụng trí tưởng tượng của mình để viết những ngày thơ ấu của Nguyễn Thái Học. Viết về quê hương Vĩnh Phúc, nơi Nguyễn Thái Học thuở học trò đã từng trọ ở thị xã Vĩnh Yên. Được các đồng nghiệp ở Vĩnh Phúc khích lệ, tôi viết thêm 2 chương nữa. Khi biết tôi viết tiểu thuyết nói về Nguyễn Thái Học, lãnh đạo huyện Vĩnh Tường đặt mua sách tặng các trường học và đủ tặng cho nhà văn hóa các xã.
Tôi nghĩ câu thơ của một nhà thơ viết “người yêu nước chả ai quên bao giờ”. Tôi cho rằng Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Giang và bao vị Tiên liệt bỏ mình vì đất nước, còn sống mãi. Như anh linh các Tiên liệt mách bảo, tôi viết rất nhanh. Mỗi sáng mấy trang đánh máy. Được nhà xuất bản Dân Trí biên tập và in kip ngày kỷ niệm 82 năm Khởi nghĩa Yên Bái. Đọc lại tiểu thuyết, tôi vẫn muốn viết bổ sung thêm, bởi càng ngày càng phát hiện ra những chi tiết mới mẻ. Tôi hy vọng “Ngang trời mây đỏ” sẽ được tái bản để công chúng cả nước hiểu biết thêm về Yên Bái. ./.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ