'tấm bưu thiếp'/ truyện ngắn: andré maurois [1885- 1967] / bản việt ngữ: thân trọng sơn [ 1945- ] -- blog phạm cao hoàng
MONDAY, FEBRUARY 19, 2018
TẤM BƯU THIẾP / truyện ngắn của nhà văn Pháp ANDRÉ MAUROIS (1885-1967)
Nathalie kể:
- Tôi mới lên 4 khi mẹ tôi chia tay với ba tôi để lấy ông người Đức đẹp trai này. Tôi yêu cha nhiều, nhưng ông yếu đuối và cam phận, không dám mạnh dạn để giữ tôi ở lại Mạc Tư Khoa. Chảng bao lâu, dù không cố tình, tôi cũng thấy mến ông cha dượng. Ông ấy tỏ ra quý tôi. Tôi không chịu gọi ông là ba, rốt cuộc thoả thuận gọi bằng tên Heinrich, như mẹ tôi vẫn gọi vậy.
Chúng tôi sống tại Leipzig ba năm, rồi mẹ có công chuyện phải trở lại Mạc Tư Khoa. Mẹ điện thoại cho ba, nói chuyện khá thân mật và hứa sẽ cho tôi về ở với ba một ngày. Tôi cảm thấy xúc động, bởi sẽ được gặp lại ba, và còn nhìn thấy lại ngôi nhà nơi tôi từng chơi đùa và lưu giữ kỷ niệm tuyệt vời.
Tôi không thất vọng. Người gác dan trước cổng, sân lớn ngập đầy tuyết, giống như hình ảnh lưu lại trong ký ức tôi. Về phần ba, ba đã cố gắng rất nhiều để ngày hôm đó được hoàn hảo. Ba mua nhiều đồ chơi mới, đặt bữa ăn trưa thịnh soạn và chuẩn bị bắn pháo hoa ngoài vườn khi đêm xuống.
Ba là người rất tốt, nhưng vụng về quá sức. Tất cả những gì ba chăm chút chuẩn bị đều thất bại. Những món đồ chơi mới chỉ gợi cho tôi sự nuối tiếc các thứ cũ tôi đòi mà ba không tìm ra. Bữa ăn trưa nấu quá tệ bởi những người giúp việc không ai bày vẽ khiến tôi đổ bệnh. Một tên lửa pháo hoa rớt xuống mái nhà, ngay chỗ ống khói nơi phòng ngủ ngày trước của tôi và lửa bén vào tấm thảm. Để dập tắt nguy cơ hoả hoạn, cả nhà phải xếp thành dây chuyền cầm xô nước dội, ba bị bỏng bàn tay, và cái ngày mà ba muốn làm cho tôi vui đã để lại cho tôi những kỷ niệm về khói lửa khủng khiếp và cái mùi khó chịu của sự băng bó.
Buổi tối, khi cô bảo mẫu đến đón tôi về thì tôi đang khóc sướt mướt. Hồi đó, tôi còn nhỏ nhưng tôi cũng cảm nhận được rõ ràng những cung bậc của tình cảm. Tôi biết là ba thương tôi, ông đã cố làm hết sức nhưng không thành công. Tôi thương xót ba, nhưng đồng thời tôi cũng xấu hổ vì ba. Tôi không muốn ba biết những ý nghĩ này, tôi gượng cười và tôi khóc.
Lúc tôi ra về, ba nói ở Nga có phong tục vào lễ Giáng sinh là tặng cho bạn bè những tấm bưu thiếp có trang trí, ba có mua một tấm cho tôi rồi, và hy vọng tôi sẽ hài lòng. Bây giờ nhớ lại tấm thiệp đó, tôi biết là nó thật thảm hại. Nhưng hồi đó, tôi tin là tôi đã thích, lớp tuyết tráng kim tuyến, những ngôi sao đỏ rực trên nền trời đêm trong vắt, và chiếc xe trượt tuyết, chuyển động trên bản lề bằng các tông, tưởng chừng như đang phóng ra khỏi tấm thiệp. Tôi cám ơn và ôm hôn ba rồi chia tay. Sau đấy, cách mạng bùng nổ, cha con không hề gặp lại nhau.
Cô bảo mẫu đưa tôi về tận khách sạn nơi mẹ và cha dượng ở. Hai người đã thay trang phục chuẩn bị đi ăn tối ở nhà bạn. Mẹ mặc đầm trắng, đeo dây chuyền kim cương. Heinrich mặc lễ phục. Họ hỏi tôi cả ngày có vui không, tôi kiêu hãnh trả lời là tôi đã có một ngày tuyệt vời, tôi mô tả cảnh pháo hoa mà lờ đi chuyện hoả hoạn. Rồi, như để chứng minh sự cao cả của ba, tôi đưa tấm thiệp ra.
Mẹ cầm lấy ngay và bật cười.
- Trời đất ơi! Lão Pierre khốn khổ vẫn không thay đổi... Cái này mà đem chưng ở bảo tàng Kinh dị thì...!
Heinrich nhìn tôi rồi quay sang mẹ, nét mặt giận dỗi:
- Thôi đi, ông nhỏ giọng, thôi đi! Đừng nói thế trước mặt con bé!
Ông lấy tấm thiệp từ trên tay mẹ, ngắm nghía những đốm tuyết, miệng mỉm cười, đẩy chiếc xe trượt tuyết trên bản lề và nói:
- Đây là tấm thiệp đẹp nhất tôi chưa từng thấy, phải giữ cẩn thận đấy.
Tôi mới bảy tuổi, và tôi biết ông ta nói dối, ông cũng như mẹ thấy là tấm thiệp quá xấu xí, mà cả hai đúng cả thôi, và Heineich vì thương hại nên muốn bảo vệ ba tôi.
Tôi xé tấm thiệp, và từ hôm đó tôi thấy ghét ông cha dượng.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên bản tiếng Pháp.
---------------------------------------------------------------------------------------
trích từ TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHẠM CAO HOÀNG==================================================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ