'Thủy và T6' (BÀI MỚI) - -Hợp Lưu -- https://hopluunet/a618/thuy-va-t6
LTS: Trước 30-04-1975 Thế Phong là một nhà văn quân đội. Ưu điểm của Thủy và T6 nằm ở giọng văn chuyển tải suy nghĩ nhân vật liên tục không chấm dứt, qua đó, người đọc bắt gặp thủ đô Sàigòn về đêm. Một thủ đô phù phiếm dù mặt trận kề cận. Một Sàigòn vừa trải qua Đảo Chánh đã chờ đợi Chỉnh Lý. Thế Phong ghi lại tâm trạng bấp bênh của xã hội miền Nam mà các chi tiết vũ trường, thao thức nhân vật có thể chuyển hoán cho hôm nay, bây giờ. Bối cảnh truyện xảy ra năm 1964, năm khởi đầu của nền đệ nhị Cộng Hoà.
Chín giờ tối, tôi vẫn băn khoăn, do dự nhiều, để sửa soạn đi làm. Với tôi, đi làm là từ mười giờ đêm đến hai giờ sáng. Bốn tiếng đồng hồ, có gì là lâu đâu! Tôi không quên N, cai gà nhắc tôi câu nói đó. Chiều hôm qua, khi chị đến thăm tôi, vì biết rằng tôi đã sinh cháu nhỏ ngoài ba tháng. Lại nữa, chị N kể chuyện rằng trong những kẻ đến mua vui, ở những tiệm khiêu vũ như Tự Do, Moulin Rouge, Olympia, đều là khách phong lưu, mã thượng; không ai là không nhắc đến tôi. Một vì sao sáng của dĩ vãng, nói theo kiểu trong nghề; nay đã hoàn lương.
Tôi lập gia đình rồi, thì không đi làm nữa. Vẫn chị N kể chuyện về con Nguyệt “Bây giờ chắc Thủy không biết nó, nhưng nó biết tiếng Thủy. Nó là một con gà được nhiều khách hào hoa mời bàn nhiều nhất. Nó hỏi chị, có phải trước kia chị Thủy là hoa khôi của những vũ trường không? Chị gât đầu”. Trước khi ra về, N còn tặng tôi cái phong bì, mà trong đó tôi biết chắc rằng chị tặng gì vì thấu hiểu rõ hoàn cảnh gia đình của chúng tôi bây giờ.
Tôi tiễn chị ra ngoài đầu ngõ, trước khi lên taxi, tiếng chào hỏi thiêt tha vọng lại, gởi cho tôi nỗi buồn đau. Đã mười năm, tôi sống với nghề này, thử thách nhiều đêm mặn nồng tình ái, thấu rõ tâm lý đàn ông của nhiều lứa tuổi. Nói rõ hơn là thuộc như thuộc tâm tình con cháu trong nhà, chúng muốn và thích những gì, thì tôi đã đi guốc trong bụng từng đứa một trong những đứa chúng nó.
Dĩ vãng của tôi như mỗi người bạn thân thiết bủa vây. Như Đà Lạt của những ngày tôi gần hai mươi tuổi. Quán cà phê Huyền và những đứa con trai. Để rồi viên thị trưởng đã ra lệnh trục xuất chúng tôi. Những tấm ảnh vào thời son trẻ của tôi, mà vài tiệm chụp hình còn trưng bày. Theo như một anh bạn nhà văn của vợ chồng tôi kể lại, “nào họ có chịu bỏ đi, vẫn nhớ một ngôi sao sáng vụt đến vụt đi, rồi đi tận phương trời xa”. Hình hài tôi vẫn còn như hiện diện trong thành phố mù sương. Cả những khung cảnh gần gũi, như Suối Vàng, thác Pongour, Gougah, Rừng Thông. Mớ tóc dài như nước của Thủy. Vẻ ngây thơ xưa kia, bây giờ thay vào đấy, là chán và buồn về cuộc sống.
Bạn bè chồng tôi thật nhiều và đủ loại. T1 là luật sư. T2 là giáo sư đại học. T3 là văn sĩ. T4 là thẩm phán. T5 là kỹ sư và T6. Còn tôi là T ngoại hạng. Bảy, tám chúng tôi họp thành một nhóm, tiếng dội của cuộc đời và cũng là âm thanh vang vọng của cuộc đời. Nhiều vui và nhiều ray rứt. Từ ba mươi, nhìn lại thấy cuộc đời không quá vui và không quá buồn. Chồng tôi là T6. Bây giờ, tôi không muốn bỏ dĩ vãng. Tôi sẽ khó quên được những ngày ấy, trước khi lấy nhau. Thời kỳ 63 chưa đảo chánh, chồng tôi bị tù đày. Bao nhiêu là hình ảnh, bao nhiêu là nước mắt và tiếng cười chát chúa. Xa lộ vào những buổi chiều hàng ngày, hàng tuần. Với chiêc xe Hillman loại Minx của T4. Với cách tiêu tiền không biết tiếc tay, cũng vẫn của T4. Nói thao thao bất tuyệt và đầy lý sự của T1. Với cái nghèo, nhưng bất cần đời của T3, văn sĩ. Với nét lầm lì, nhiều suy tư của T5, kỹ sư. Còn là em của giáo sư đại học T2. Và dáng hào hoa, trí thức của T6, chồng tôi bây giờ, lại hay chơi trội. Anh ta còn là giáo sư Anh văn, dạy ở các trường Tư thục.
Những T kia đang xiết chặt lấy tôi, thì đứa cháu lên gác gọi, hỏi xem dì nó đã sửa soạn xong chưa? Mẹ nó giục tôi đi làm vì chị N tới đón.
Bao vây trong cảnh túng quẫn, vì từ lâu, chồng tôi không còn làm gì, sau ngày ở tù ra. Vì trước đó, anh tham gia vào phong trào vận động sinh viên, trí thức chống chính phủ Diệm. Anh ôm lấy tì vết cuộc đời lao tù, nên đau và ốm, thấm đòn, đành nằm khàn. Chúng tôi sinh ra cãi nhau, một phần vì đồng tiền eo hẹp và tính độc quyền quyết định của anh đối với gia đình tôi. Lại giữa vào thời kỳ sinh nở, bao nhiêu thứ tiền cần phải chi dùng. Đồng tiền thu vào thì ít tiêu ra phải nhiều, anh em bạn không sao giúp đỡ nổi nữa. Tôi còn biết làm gì, để bảo vệ hạnh phúc của chúng tôi bây giờ. Giữa lúc ấy, N đến với tôi, như một ân nhân mà cũng là một người gieo tai họa. Cứu vớt đường sinh kế, nhưng hạnh phúc mỏng manh đi. Tôi định từ chối không đi làm nữa. Cái nghề này tuy kiếm ra tiền dễ thật, nhưng tôi chán nó. Song đến lúc con trai kháu khỉnh của tôi thức giấc, nó khóc, tôi với tay kéo giây đưa võng, rồi lặng đi để ngắm nó. Vẳng vẳng dội lại từ đâu đây, một lời nói của ai đó, có thể là tôi, chồng tôi, chúng tôi và chúng tôi đành chịu khổ. Nhưng đứa con kìa, con chúng tôi, tại sao nó lại bị khổ? Má hồng hồng thơm thơm của nó, đôi môi mọng kia thơm như hương trầm luân mà đầy thánh thiện, nó đã làm gì cho đời hắt hủi, bắt nó chịu số phận hẩm hiu.
Tôi nghĩ vậy nên bấm bụng, đi ra phía bàn gương chải tóc. Tôi vẫn còn đẹp, cái đẹp buồn và trầm xuống, như một nghệ sĩ thẩm định, là căn cứ vào tâm hồn và đào sâu sau lớp da mày phấn sáp. Vóc dáng tôi, ở bề ngoài ư, còn toát ra nhiều vẻ khêu gợi và quyến rũ. Tôi không có vẻ đẹp tỉa tách từng chi tiết buông rời. Một T3 bày tỏ ý kiến của anh về tôi, hình như tôi nhớ mang máng thế.
Tôi xuống gác rồi ra phố cùng với chị N. Những lời an ủi của một người bạn tuổi chị, vốn là người miền Bắc, nên tài hoa, lịch lãm, dễ khơi cho tôi niềm xúc động chân tình. Song tôi vẫn buồn nhiều hơn, vì là đêm khởi sự đi làm, qua nhiều năm bỏ. Đêm nay tôi lại phải làm đẹp lòng khách, bằng những câu nói thiết tha mà chắc gì tha thiết, hoặc phải dùng lời vũ phu cảnh cáo những thú tính lợi dụng của một số khách hàng. Một vòng tay ôm sát, một cái thúc bằng khuỷu tay, một cái véo đùi… Tôi thì đã chán ngấy sự giả dối, càng hơn nữa, là khi tiếp xúc với nhóm bạn bè của chồng tôi.
Tôi nhớ đến hôm nào T3 hỏi tôi “Rồi ra Thủy sẽ trở thành nữ sĩ, vì Thủy chân tình và có tâm hồn”. Từ lâu, tôi không thấy T3 lại nhà chơi, tôi nhắc đến T3, thì chồng tôi lại ghen bóng ghen gió. Tôi chắc chắn là giữa T3 và T6 có chuyện xích mích chăng? Thấy tôi ít nói, chị N khuyên nhủ:
- Rồi ra nó lại quen đi Thủy ạ. Ai mà chẳng vậy. Em biết chứ, trước ngày cách mạng, chị có ngờ đâu rằng lại còn được sống lại với nghề này. Mà em có nhớ con C chứ, dạo này nó còn chán chường hơn em nữa cơ.
Tôi nhớ đên C. Một dạo, nó tưởng chừng đã xây dựng hạnh phúc với một chàng văn sĩ mặt ngựa, thiếu xương sống, lại sống kiểu hiện sinh nửa vời. Để cho vợ đi làm, còn mình ở nhà. Như là anh ta sống đời sống ký sinh trùng. Nhưng ba bảy hai mươi mốt ngày, C phải bỏ nó. Anh chàng bất lực. Con C sống thác loạn. Cũng chẳng đi tới đâu, chị N kể.
Nghe xong truyện, tôi dửng dưng. Và riêng tôi, tôi định dấu chị N về truyện gia đình tôi. Giữa tôi và T6. Nhưng chắc rằng chị N cũng biết rõ một phần nào rồi. Như vậy, tại sao tôi lại còn biện bạch, chẳng hoá vậy là trơ trẽn quá sao? Nên giữ im lặng mà nghe là đắc sách nhất. Tới tiệm làm, tôi ngồi vào bàn. Nhưng tôi vẫn thấy mình như là khách, chứ không phải là vũ nữ. Vẫn còn gặp lại một số quen thuộc, nhưng vô cùng ít ỏi. Thêm một số khách mới, phần đông lạ mặt. Và bọn con nít mới lớn lên, là con nhà giàu, học đòi ăn chơi và tìm cảm giác lạ. Một bạn trẻ vào loại ấy đi qua nhìn thấy tôi, gọi giật lại:
- Thủy, em sang ngồi bàn với anh đi.
Trong lòng tôi, thầm nghĩ thôi, nó vào trạc tuổi thằng X, phăng của tôi hay lại nhà, trước khi tôi lấy T6. Nó hơi hỗn đấy nhé, nhưng nó là khách, còn tôi vũ nữ đi làm, nên chẳng cần tỏ phản ứng làm gì! Tôi lại càng nhớ đến T3, thời gian gần anh, tôi bất chấp cuộc đời xã hội, tôi sống cho cuộc đời của tôi, thích nói thì nói, chán thì nói là chán, không úp mở và che dấu sự bộc lộ tình cảm của mình một cách khác đi. Hẳn rằng, bây giờ thì trái lại với đời sống có lối úp mở của tôi hôm qua. Thằng con nít mới lớn, làm sao nó biết tôi. Nghĩ là nghĩ vậy thôi. Tôi vẫn phải ra sàn nhảy với nó. Nó hành tôi, kể ra cũng ghê ghớm, đáng đồng tiền bát gạo mà cha, ông, nó kiêm ra. Rồi cha ông nó dành cho nó phung phá. Luật thừa trừ có nghĩa từ đấy.
Nó hỏi tôi:
- Anh nghe danh tiếng em từ ngày anh lớn. Bây giờ được hân hạnh nhảy cùng em một bài blue. Em nhảy tuyệt, nhưng sao em ít nói thế. Hay là em mang tâm sự buồn?
Tôi trả lời bằng tiếng cười. Tiếng cười của tôi, theo như T3, thì khó mà biết tôi nghĩ gì và tôi sao lại cười. Có một đêm tôi còn nhớ rõ lắm. Đêm ấy hạt mưa nho nhỏ đủ làm ướt mặt đường. T4 lái xe, T1 ngồi ngoài, T3 ngồi giữa, cùng một băng đầu. Cả ba tên đi tìm tôi và T6. Khi đi qua rạp xi-nê gần nhà tôi bây giờ, họ thoáng nhìn thấy tôi và T6 ngồi ở quán phở. Chẳng ngần ngại gì, họ vòng xe lại, đậu lên lề. Tôi chạy ra đón họ, còn T6 ngồi trong hiệu. Chưa bao giờ chúng tôi vui như vậy. Ngồi chung một bàn, chúng tôi nô đùa như sắp sửa coi hiệu ăn là nhà mình vậy. T4, người mảnh khảnh, khuôn mặt dắn dỏi, quắc thước; hẳn lúc xử án mà anh chàng nhăn mặt, nhiều tội nhân sợ khiếp đảm. Chỉ riêng với tôi thôi, anh chàng hơi thấp nhưng tính tình lại rất vui, nói đúng hơn là dại gái, theo kiểu nhà tu xuất trở về đời. Chàng ta là một trong hai tên say mê tôi nhất vào thời gian đó. Sự chạy đua giữa T4 và T6, thì T6 trông thấy thua ra mặt. Tôi biết điều này, nếu trong một bọn đàn ông, hễ có thêm một người đàn bà, mà một kẻ trong đó si mê người đàn bà kia, là cả bọn bắt đầu nhảy vào vòng chiến. T1 phụ hoạ, nhưng phụ hoạ cho T4; song lại thật thân với T6 từ xưa, khiến T3 đứng giữa, với anh chàng này, tôi phục anh ta hơn hết thảy. Có lẽ chàng chưa mê tôi và chẳng có cái gì giống mọi kẻ trong bọn. Hoặc là hay hoặc là dở thì chưa biết. Có lần T4 kể truyện lại, vì T3 không ưa đi chơi chung với chúng tôi, thì T4 nói rất sỗ sàng:
- Tôi vừa bảo T3 như thế này, nếu anh không cùng đi chơi với bọn này, anh sẽ không thành người được.
Nói xong T4 cười. Và quay sang phía tôi, như để dẫn giải:
- Thủy biết sao không? T3 tức, anh ấy tức quá mà chẳng làm gì được. Anh ta bèn dẫn tôi đi qua một con đường có cái cầu khỉ, dẫn từ Nguyễn Thông sang Trương Minh Giảng, qua nẻo trại di cư Bùi Phát. Còn ai ở đây, mà không biết cái cầu ấy, dưới kia là rác rưới, phân lềnh bềnh trôi, trên là hai cây tre chông chênh. Đi không khéo là được dẫn xuống cầu lịch sử đó. Rồi anh ấy chỉ xuống dòng nước vàng vàng kia, trả đũa tôi, là “nếu tôi không dẫn anh T4 qua cầu này, làm sao mà anh thành người được, chứ chưa nói đến làm chánh án xử những việc mà chỉ sai tóc tơ là đầu người ta mất thăng bằng”.
T4 cười ròn vang, sau câu nói kia. Rồi tôi kể lại cho T3 nghe về T4 đã nói như vậy, anh nhận là đúng. Anh chàng này đã có bản lĩnh, vì trước mặt tôi mà dám nhận với bạn một câu nói khá tàn nhẫn, cay đắng, mà không chối đi, để cho người đẹp thấy rằng mình có giá trị, không phải chỉ giá trị khi nhận điều nào tốt đẹp và chối bỏ cái không đẹp. Trở lại đêm gặp gỡ trước quán phở kia, chúng tôi đặt một nguyên tắc, chấp nhận những ai nói hay và phạt những ai nói chuyện vô duyên, nhạt nhẽo, chọc cười quê. Người nói hay thưởng một đồng. Thủ quỹ là tôi. T4 bị phạt, T1 ít hơn, T3 được thưởng.
Giữa lúc ấy T3 ngoắc hai người bạn quen đi qua đấy. Hai người ngồi vào chỗ, rồi giới thiệu lẫn nhau. Người dỏng cao, gầy, là hoạ sĩ Tuýt. Người nói giọng miền Nam, tóc dài là thi sĩ Tô Tô. Có mái tóc lòa xòa như tu dòng Hòa Hảo, hay gần hơn là mái tóc vô chính phủ của Nguyễn An Ninh xưa kia.
Tôi rất ghét những tên đàn ông đa tình, lộ liễu, cứ trông thấy gái đẹp là mê cuống lên. Như anh chàng Tuýt chẳng hạn. Gặp tôi, chàng ta mở lời ngay:
- Em đẹp lắm, hôm nào anh phải vẽ cho em Thủy một bức họa mới được.
Tôi đáp ngay:
- Vẽ như thế nào mới được chứ ?
Rồi tôi cười, tiếng cười của tôi lúc ấy mang thật nhiều ý nghĩa. Mà tôi thấy T3 tủm tỉm, tôi biết ngay là anh đã nhận được nụ cười kia mang ý nghĩa nào rồi. Rồi anh em cười toang lên như nắc nẻ theo sau.
Làm cho Tuýt luống cuống. Tuýt lại đề nghị tiếp:
- Vẽ một bức họa chứ vẽ thế nào nữa. Em tưởng rằng được một họa sĩ cỡ anh đề nghị vẽ là một truyện dễ hay sao ?
T3 thấy có sự gay gắt ở phía Tuýt, họa sĩ bị chạm tự ái rồi, T3 tiếp:
- Ngôn ngữ của cậu chưa hợp với bọn này. Thôi để ngày khác lại chơi, rượt lại ít ngôn ngữ đã.
Tôi tiếp theo:
- Phạt một đồng nữa.
Đáng thương cho họa sĩ, chẳng hiểu đầu đuôi gì, chỉ còn cách há hốc miệng nhìn. Thi sĩ Tô Tô ra cái điều ta đây lắm. Tôi ít đọc thơ văn anh ta, nhưng qua dáng điệu và xử sự, anh ta cũng cừ lắm. Bây giờ Tô Tô lên tiếng:
- Này T3, mày có quyển gì viết về ông Quỳnh đó, tao muốn đọc mà kiếm không ra. Đi đến đâu cũng thấy anh em xì xào về cuốn đó. Tao xin một cuốn, được không?
T3 trả lời rằng cuốn kia đã hết. Tôi bèn ra cái điều bảo họ:
- Ở nhà Thủy có, hôm nào lại đây tôi cho mượn.
Thi sĩ gật gù. Nhưng chàng ta có vẽ bực, chắc nghĩ rằng, một đứa con gái như tôi mà lại có sách của T3 mà Tô Tô lại không có để đọc. Song thực ra, tôi nói là nói vậy thôi, cũng chỉ là ra cái điều, chứ tôi không có cuốn đó.
Tô Tô quay sang hỏi bạn:
- Về chứ Tuýt, hôm nào tôi tới thăm cô (quay sang phía tôi) và luôn thể mượn cô cuốn kia. Chúng mình hôm nay rượt một màn kịch vui quá tay!
Tôi nói đùa ngay:
- Tại vì các anh đóng dở quá. Chưa ăn tiền được, còn bị phạt nhiều.
Hai bạn đi ra ngoài. Tự dưng tôi thương hại, ấy là tôi chưa phải dùng đến, cái bùa, cứ mỗi lần nghe bạn kể truyện xong, mệt nhọc lắm, tưởng câu truyện của mình làm mọi người chú ý lắm, thì tôi đáp gỏn lọn hai tiếng “thế à”. Tức thì, kẻ nói chuyện với tôi đâm ra luống cuống và hết hứng kể. Chúng tôi còn nhiều ngôn từ lạ, trò chơi đặc biệt, ngay ở trong nhóm với nhau, chỉ cần đôi ba lần không đi chơi chung, cứ như là hội viên mới gia nhập hội vậy. Anh em nói chuyện, mình cứ ngẩn người ra, chẳng hiểu đầu đuôi ra sao cả.
Bỗng tôi trở về với công việc đang làm. Phòng trà khiêu vũ. Tiếng nhạc. Và tiếng người khách hỏi tôi:
- Sao em ít nói thế ?
Tôi cười. Quá ngấy. Với thằng con nít này, lợi dụng ghê ghớm. Trên da thịt tôi. Tôi cau mặt. Nhưng không hiểu sao là chẳng cần phản ứng thêm. Nhảy với nó hai bài, tôi sang bàn khác đang chờ. Một bạn quen từ xưa. Thế là tôi bỏ thằng bé ngồi một mình. Nó lại ngoắc cai gà. Cũng khen cho nít nhiều bạc. Chị N bảo tôi:
- Thủy không biết sao, đó là văn sĩ H. Nổi tiếng lắm. Tôi bèn hỏi lại văn sĩ sao ? Báo nào ? Chị N bảoĐiện Ảnh. Tôi à một tiếng.
Khách mời tôi sang bàn trạc ngoài bốn mươi. Dáng người cao và nét sắc sảo của một người có học. Trắng trẻo ở màu da, loại người có tiền. Tư cách ở chỗ ít nói loạng quạng. Không lợi dụng da thịt. Kể ra là khá. Nhảy từng bài chọn lựa. Blue và Slow. Tôi không nhớ rõ chàng lắm, quen ở đâu, bao giờ, thì xin chịu. Hẳn là chàng biết rõ về tôi, với tôi thì có quen sơ sơ. Nhưng tôi quên chàng nhiều hơn. Khi nhảy xong, chàng dìu tôi về chỗ ngồi. Bây giờ, chàng gợi chuyện:
- Tôi là bạn của anh ấy (T6). Cùng trong tù với nhau, thời chính phủ Diệm, các anh đứng dậy hô hào chống chế độ cũ rồi bị bắt. Tôi biết cả luật sư X, thẩm phán L (là T4) và anh bạn văn sĩ R (là T3) và cả Thủy.
- Vâng, thưa anh có lẽ vậy.
- Tôi biết tiếng Thủy từ khi Thủy còn mở cà-phê Huyền ở Đà Lạt. Và gốc tích của Thủy là người miền Nam, nhưng nói giọng Bắc thật tài. Ngay với chính người sinh trưởng ở Hà Nội cũng khó mà phân biệt được. Bây giờ anh ấy (tức T6) ở đâu Thủy?
- Nhà tôi đi Đà Lạt ít hôm anh ạ.
Một cái ngoắc tay, gọi bồi. Gọi chị N cho khách. Qua câu nói chuyện với chị N, khách muốn mời tôi sang Moulin Rouge. Cho khách tính tiền luôn thể. Chị N bảo với khách, là tính sáu, nhưng với khách quen tính năm. Quay sang phía tôi, chàng xin lỗi trong ít phút, để chàng đi tìm người bạn. Tôi gật đầu.
Trước đó, anh bồi đưa lại cho tôi một gói Salem. Thầm nghĩ, anh chàng này hào hoa lắm, tại sao chàng biết tôi hút Salem. Tôi ngồi vào ghế cuối phòng. Gác lửng, ở tận cuối. Chẳng muốn thò mặt ra. Tôi bảo chị N rằng, không tiếp ai nữa, vì hôm đầu đi làm mệt. Nhân dịp này, tôi muốn nhắc lại với chính tôi, một vài truyện gần nhất. Sống với T6. Một dịp may hiêm có và cũng là một tai họa hiếm có. Nhờ chàng bốn mươi vô danh bặt thiệp, tự nhiên chị N thấy sự đi mời tôi làm lại là chị có con mắt tinh đời. Bây giờ tôi đã thấy mình thua sút xưa. Về sức khoẻ. Xưa kia, rong chơi suốt sáng không biết gì là mệt...
Trước hết tôi quen T1 trong nhóm. Sỡ dĩ tôi chỉ kể ra đây có T6 vì chính những người ấy, với tôi là những nhân vật chính. Ngoài ra, còn nhiều t nhỏ, như Tối Văn Sáng, cựu trung úy tình báo, rất giỏi về nghề điều tra tiểu sử đàn bà con gái Sài Gòn. Rồi có lẽ chỉ vì vậy, mà bị sa thải trong nghề chăng? Nhiều khi muốn tỏ ra là tay ăn chơi, hắn biết cả những tiểu sử không biết về mọi người con gái đẹp đi qua quán La Pagode. Thêm một tên t nhỏ nữa là Thùng, cử nhân hai. Một lần T3 bảo Thùng (tức t nhỏ) rằng:
- Thời đại nào thì mày cũng vẫn chỉ là thằng môi giới con gái. Nhưng mày hơn đời là trí thức, vì có kiến thức chứng chỉ hai cử nhân.
Sau khi quen t nhỏ Tối Văn Sáng rồi, tôi quen T4. Vì t Tối tối ngày ở La Pagode với tôi, rồi tán tụng T4 có nhiều tính nết giống tôi. Như T4 thích cảnh ngồi đây uống cà phê vào chiều, màu tím hoàng hôn buông thả thật thơ mộng trên cành lá ở vườn cây, công viên. Ít lâu sau, gặp T2 rồi T5. Và cuối cùng là T3. Anh này rất ít khi đi chơi với anh em và không đứng về phe nào, cũng chẳng góp ý kiến gì, về sự tranh chấp tôi, giữa T4 và T6, vì chàng có dáng của một đàn ông hơn T4. Và tôi phục T6 ở điểm dám chửi chính phủ Diệm thật bạo miệng. Tôi thú vì đó một phần: Còn về tiền T4 chắc chắn có số lương thẩm phán. Nhưng tôi không ưa dáng người tủn mủn và lối nói truyện của chàng, nếu cần phải lựa chọn một người chồng, có đủ yếu tố giữ thăng bằng cho gia đình thì tôi chọn chàng. Xong với tình yêu và hợpgout tôi không thích cái vẻ lễ phép của T4 mà chọn T6. Nhưng nếu không có T6, chắc chắn là tôi lấy T4. Đàn ông độc thân là một điều thua thiệt. Một lần, t Tối tới mời tôi đi chơi rồi nhân đó anh nói chuyện với tôi về T3 nhiếc T6:
- Mày đừng tưởng mày làm cách mạng là hay đâu. Thứ cách mạng của mày không có tao trong đó. Lúc nào cũng bô bô cái miệng. Tao cần dẫn giải câu ngạn ngữ này cho mày dễ hiểu. Con hoãng không cắn chết ai vì nó to miệng. Con rắn nọc độc cắn chết người lại lầm lủi nằm bên vệ đường, rồi phun nọc vào mày, ít phút sau mày thấy hiệu nghiệm ngay.
Tôi hỏi t Tối tại sao lại có vụ lộn xộn kia. t Tối đáp:
- Một buổi tối, tôi gặp T6 và T3 ngồi uống cà-phê. Một trong hai chúng nó ngồi gác chân lên thành ghế.
Cái lối ngồi của T3 làm phiền mọi người và điệu bộ coi đời như cọng rác làm T6 nóng mặt. T6 bảo nó :
- Tao không hiểu sao anh em thằng T2 và T5 chịu khó đọc sách của mày. Và hết lời tán tụng.
T3 trả đũa:
- Tao cũng cần nói thêm cho mày nghe, mày còn là một thứ vô liêm sỉ, anh hùng vỏ của bao Salem. Mày có cần hiểu rằng tao không ưa lối phê phán về tao theo kiểu mày không? Vì mày làm gì có tư cách của mày mà mày phê phán tư cách tao. Khi mày không có một đồng, xin bè bạn được rồi, lại tiêu như con nhà trọc phú, thử hỏi mỗi đêm không có bao Salem tặng em thì mày có còn dọa làm cách mạng nữa không?
Khi tôi nghe t Tối kể đến đây tôi chợt hiểu rằng T6 yêu tôi chân tình và tha thiết. Chính điểm này khiến tôi cảm động, vì anh biết tôi thích hút Salem. Bao giờ anh cũng chờ tôi tới khuya, hồi ấy các vũ trường chỉ được dùng vũ nữ làm chiêu đãi viên thôi.
Không được phép khiêu vũ, theo lệnh của bà Ngô Đình Nhu, với T6 một kẻ không tiền bạc, không nghề nghiệp yêu mình, tôi thấy chân tình hơn hết. Nên tôi quyết định lấy T6 làm chồng. Hai chúng tôi vẫn sống với nhau trên căn gác thuê hiện tại. Anh chạy xoay sở tiền nong, có khi bí quá, bán cả chiếc Solex, đồ dùng, để có tiền chi tiêu trong gia đình. Nhưng từ ngày anh rể làm ăn thất bại, gia tài khánh tận, T6 bị rơi vào vực thẳm. Rồi hai ông bà thân sinh ra T6 tiếp nhau qua đời, T6 buồn và cô đơn hơn ai hết, anh là người theo đạo Thiên chúa, nhưng không bao giờ đi nhà thờ và tham gia phong trào chống chính phủ Diệm, tiếp tay cho Phật giáo. Như vậy tôi sung sướng rồi còn gì nữa! Còn tinh thần, cũng như sự lo lắng về đời sống vật chất cũng tàm tạm đầy đủ. Tôi sống cho tôi và tình yêu vừa hé rạng. Khi tôi mang thai con so, bây giờ là cháu trai tôi, một mình đơn lẻ. Anh ấy bị cầm tù. Tờ nhật báo xuất bản vào khoảng tháng tám năm đảo chính, đăng hình anh và những hoạt động. Sau cách mạng rồi, hẳn đời sống của chúng tôi sẽ khá lên. Có thể một trong băng của anh ấy sẽ là Tổng, Bộ trưởng và khi ấy như tôi đã đóng góp vào danh dự đường mây của anh đã đạt được khi người ta có lý tưởng để theo, thì chấp nhận mọi khổ ải.
Vào những đêm nằm một mình trên ghế xích đu, từ trên cao sân thượng nhìn xuống, tôi hút Bastos xanh, để giải nỗi buồn, thở khói vút lên không trung cao thẳm. Nhưng lòng tôi sung sướng, ít ra cái ngõ này đã nhìn tôi bằng con mắt khác xưa. Khi chồng tôi bị bắt và ít lâu sau báo chí đăng tải hình ảnh, bài vở, thì lúc ấy tôi thương và quý anh, như chưa từng dành cho một người đàn ông nào biết tới được hưởng. Anh bị hành hạ, tôi càng yêu mến anh nhiều vì anh tranh đấu cho chính nghĩa. Tôi hãnh diện có người chồng như vậy. T1 thì trốn chạy. T4 ở ngoài. Một lần t Tối lại báo tin cho tôi biết T6 mời T3 tham gia phong trào nhưng chàng văn sĩ từ chối. Tôi khinh T3 ra mặt, người mà xưa kia tôi cho là khá. Chỉ khi nào nguy hiểm, người ta mới rõ lòng người. Cổ nhân dạy không mấy sai lầm. Nhưng một hôm chàng văn sĩ tới nhà tôi. Qua câu truyện tôi biết anh không tham gia với băng của chồng tôi vì lẽ anh coi thường băng kia và không muốn thí thân vào lý do cách mạng. Anh ta vẫn bị chánh phủ theo dõi.
Tôi có một người bạn phụ trách về an ninh, một hôm anh kia hỏi thăm về T3, và cho biết anh ta đang bị ruồng bắt. Tôi định đi tìm T3, báo tin này cho anh hay, nhưng không biết là anh ở đâu. Tôi cứ thắp thỏm lo cho anh, có thể là anh đã bị tóm rồi. Sau này gặp lại anh, tôi biết anh lánh ở cao nguyên Đà Lạt.
Ngày đảo chính thành công, nhà tôi được trả tự do. T1 và t Tối trốn ở nhà T4. T3 bảo anh em:
- Thằng T4 cũng không đến nỗi gì như tao tưởng, nghĩa là nó không hèn đâu. Vì nó còn dám chứa hai thằng bạn tranh đấu…
Từ chồng tôi ở tù ra, tôi thấy anh có phần thay đổi ít nói bông lông và suy nghĩ chín chắn. Anh thú thật với tôi, ở giai đoạn về sau này, anh cũng chưa có thể làm gì cho gia đình khá được. Chúng tôi vẫn sống chật vật như ngày xưa và T1 cung cấp cho chúng tôi, nhưng chẳng là bao. Cho rằng bạn bè có giúp tiền, chỉ là qua cơn túng ngặt, chứ không thể dùng nó vào viêc lâu dài hàng tháng được. Nhà tôi nói lại với tôi về câu T3 nói với anh, có lý:
- Tao mừng cho chúng mày, Thằng T3 nó nói với anh vậy, là không mục thân trong nhà đá. Sẽ vẫn chẳng có gì thay đổi đâu. Nhưng có lợi về kinh nghiệm cho mỗi bản thân. Khi thấy cần tranh đấu, dấn thân vào. Nhưng đừng mong rằng mọi việc có thể thay đổi dễ dàng và chóng vánh. Muôn năm bất công vẫn còn đấy. Chỉ có một điều là thay đổi, đó là cái bất công sẽ biến dạng nhiều hình thức. Chẳng hạn thằng t nhỏ Cử nhân hai vẫn đóng tuồng tích cũ của nó. Thằng t Tối vẫn lếu láo, nói dóc cả điều mà tự nó đổ cho, và thuộc tiểu sử tất cả cô gái Sài Gòn qua lượn La Pagode. Có nhiều tiểu sử mà nó huyênh hoang là biết ấy chính là biết cả điều không biết. Nhưng với T6 tao khuyên mày một điều. Sức khoẻ. Mày đã chạy được tiền nằm nhà thương chưa? Những trận đòn của chánh phủ có hiệu lực làm cho mày hao mòn trong nhiều tháng dưỡng sức.
Gia đình chúng tôi, từ sáu tháng nay vẫn eo óc. Hai đứa thôi, có thể nhịn được, sự kham khổ có gì là câu nệ. Nhưng con của chúng tôi, thì không thể không có tiền nuôi nó. Nó cần sữa, cần thuốc tây khi ốm và cần quần áo thay đổi hàng ngày. Những thứ đó phải có tiền. Mà chồng tôi vẫn chưa có việc làm xứng đáng với công lao xưa mà anh tham gia chống chánh phủ Diệm. Nên tôi quyết đi làm vũ nữ lại. Tôi biết điều này sẽ làm chồng tôi đau đớn, nếu anh có ý thức làm chồng. Còn gì khổ hơn, mỗi lần anh thấy có người đàn ông khác đưa đón tôi về, tiếng em, tôi buộc phải xưng hô với họ. Dầu là sau mặt chồng tôi. Nhưng con tôi cần tôi có tiền nuôi nấng. Tôi trình bày sự khó khăn muôn mặt đó với một con bạn đồng nghiệp. Từ đó mới có sự móc nối với N. Và chị N đã buộc tôi phải đi làm.
Tôi nhìn đồng hồ tay. Sao lâu vậy, tôi đợi khách đã trả năm tích kê bảo tôi đi nhảy nơi khác. Vẫn chưa thấy chàng trở lại. Tôi chưa gặp loại khách như vậy bao giờ. Hơi là lạ, có phải vậy không? Tôi nhớ lại rồi, chàng ta quen gần hết cả băng T. Chàng thuộc vào loại khách biết điệu và sành giữa lúc này. Chị N đưa một đồng nghiệp của tôi vận com lê đen tới. Và nó khá xinh, nhưng theo tôi, hơi nhà quê. Chị N giới thiệu tôi với nó. Thì ra nó tên là Nguyệt. Tôi nói với Nguyệt:
- Tôi có nghe chị N nói về Nguyệt nhiều.
Chị N tiếp:
- Nguyệt nó vẫn nhắc đến Thủy luôn… Nguyệt kể rằng khách thường hỏi thăm về Thủy luôn.
Nguyệt nói với tôi:
- Hèn nào mà khách sang không hỏi thăm chị. Chị nhận em làm em của chị nghe, chị Hai ?
- Có gì đâu mà Nguyệt khen tôi. Chị em cả mà.
Nguyệt nhìn tôi từ đầu tới chân. Sau khi ngắm nghía chán rồi, Nguyệt kể chuyện về loại khách tới đây. Trong số đó có một văn sĩ, thường đi với khách ngồi bàn với tôi lúc nãy. Nguyệt không biết tên văn sĩ ấy.
Nhưng Nguyệt bảo chàng ta lạ kỳ lắm. Tôi đoán chàng là T3, nhưng T3 vốn ghét không khí trà đình tửu quán, sao anh có mặt ở đây được. Nguyệt tả lại cho tôi nghe vóc dáng chàng văn sĩ ấy. Đúng là T3 và Nguyệt có cảm tình với con người ấy rồi đây, tôi nghĩ vậy.
Khách của tôi đợi đã trở lại. Chàng xin lỗi tôi, vì đi tìm bạn. Chàng ta ở quá xa, chàng lại không có nhà, nên trở lại trễ. Chàng mời tôi sang Moulin Rouge. Và nói nhỏ đủ nghe:
- Tôi muốn dành cho em một ngạc nhiên. Tôi đi tìm văn sĩ R (T3) nhưng chàng không có nhà.
Sau hai tiếng đồng hồ ngồi bàn với chàng, những giờ vui gần chấm dứt. Chàng đưa tôi về nhà. Tôi không từ chối. Vì đợi tắc-xi còn lâu và lại không an toàn. Ít ra là như thế. Khi gần tới ngõ nhà tôi, chàng hỏi:
- Ngõ vào nhà em có sâu lắm không?
Tôi tinh ý hiểu ngay là chàng muốn biết nhà riêng của tôi. Tôi gật đầu và chàng dìu tôi đi. Trước khi giã từ, chàng đưa tôi một gói giấy, tôi đoán chắc là thuốc lá Salem. Rồi chàng nói câu giã từ:
- Tôi rất phục em. Vì hạnh phúc mà em hy sinh rất nhiều. Như xưa, em thường hút Salem, mà bây giờ đổi sang Bastos xanh. Người cho tôi biết điều này, chính là văn sĩ R.
Mà lúc nãy, để em ngồi chờ lâu, cũng chỉ vì tôi đi tìm R.
…….
Tôi cảm ơn chàng. Và đi lên gác. Chồng tôi nằm ở đó. Anh không nói với tôi một câu nào. Tôi không dò hỏi vì tôi biết lý do rồi. Người khách đưa tôi chắc ra tới ngoài lộ. Chồng tôi nhìn sang phía tôi. Và nhìn thấy trên tay tôi gói thuốc Salem. Anh hướng về bao thuốc đó. Từ lâu không có. Tôi đi lại võng nựng đứa con, dù nó đang ngủ. Chồng tôi trở dậy, tay cầm bao thuốc định xé, vò lại. Tôi xua tay và bảo:
- Để con ngủ. Anh hãy cho Thủy nói câu này. Thủy không muốn anh hút một điếu của bao thuốc đó. Vì gout của anh là Lucky Thủy đã mua cho anh đây này.
Tôi mở ví lấy bao Lucky. Chồng tôi im lặng cầm, không lời cám ơn tế nhị. Anh bóc ra ngay, châm một điếu lên giường nằm lại. Tôi vào nhà trong thay quần áo ngủ. Chúng tôi nhìn nhau như không cùng một hướng. Tôi vào giường nằm. Chồng tôi nằm trong, tôi nằm ngoài. Hai đứa xây lưng lại nhau. Tôi đang nghĩ đến màu xanh lá cây của bao Salem trên bàn ngủ, dưới ánh đèn ngủ lờ mờ. Cũng màu xanh, cũng vẫn là Salem. Nhưng bao Salem hôm nay không phải là bao Salem của đêm nào, chồng tôi đưa lại. Có thể bao Salem này tiễn đưa hạnh phúc chúng tôi?
Tôi ngủ thiếp đi và tin rằng chồng tôi không hiểu vậy.
……........
THẾ PHONG
Sài Gòn, 1964
THẾ PHONG
Sài Gòn, 1964
--------------------------------------------------------------------------------
tạp chí Hợp Lưu số cũ (chủ bút Trần Vũ chọn đăng Thủy và &6 - SỐ CŨ -- Hợp Lưu
< https://hopluu.net/a618/thuy-va-t6>tạp chí Hợp Lưu số cũ (chủ bút Trần Vũ chọn đăng Thủy và &6 - SỐ CŨ -- Hợp Lưu
--------------------------------------------------------------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ