Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

related article on nhat thinh author : " Cái Chết của Khái Hưng by Nhật Thịnh -- Google Groups

CÁI CHẾT CỦA KHÁI HƯNG by NHẬT THỊNH
1 bài đăng của 1 tác giả






01/03/2016


    CÁI CHẾT CỦA KHÁI HƯNG by NHẬT THỊNH 

Người ta muốn đề cập tới cái chết của Khái Hưng, nó không giống cái chết của mọi nhà văn khác. Hiện nó còn nằm trong nghi vấn mà là một đau thương lớn lao cho những ai biết tới và là sự ưu tư cho những người làm công tác văn học. 


                                    nhà văn tiền chiến KHÁI HƯNG [i.e.Trần Khánh Giư 1896- 1947.]
                                                                  (ảnh : Internet)




138987 

Nói tới Khái Hưng không ai không liên tưởng đến một nhà văn đã tự tạo cho mình một chỗ đứng vững chãi trong làng văn làng báo, nhưng ít ai muốn nhắc đến khía cạnh này, đương nhiên các nhà ngự sử văn đàn đã thừa nhận. Người ta muốn đề cập tới cái chết của Khái Hưng, nó không giống cái chết của mọi nhà văn khác. Hiện nó còn nằm trong nghi vấn mà là một đau thương lớn lao cho những ai biết tới và là sự ưu tư cho những người làm công tác văn học. 

Theo Thế Phong trong tập “Lược Sử Văn Nghệ Việt Nam–- Nhà Văn Tiền Chiến 1930 – 1945”, Khái Hưng bị Việt cộng bắt ngày 27.12.1946, đưa đi an trí ở Lạc Quần - Chiné, Phủ Lý – và bị thủ tiêu năm 1947. Nguyễn Thạch Kiên trong “Về Những Kỷ Niệm Quê Hương”, phác giác sau ngày 19.12.1946 chiến cuộc xảy ra tại Hà Nội, Khái Hưng lợi dụng khi quân đội Pháp ngưng chiến 24 giờ cho dân chúng được tự do đi lại tìm thân nhân, đã rời bỏ Hà Nội tìm đường về Nam Định mong gặp lại gia đình, đã bị Việt cộng bắt giam tại Lạc Quần, từ đó không còn ai thấy nữa. Nguyễn Thạch Kiên còn cho biết Nguyễn Cống kể cho nghe là bà vợ của Khái Hưng vẫn không tin chồng mình bị giết, bởi Khái Hưng từng dạy học cùng Võ Nguyên Giáp ở trường Thăng Long, và quen biết Trần Huy Liệu, khi tuyên thệ gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Bến Thóc, Nam Định. Nguyễn Cống tiết lộ thêm, sau ngày Việt Minh cộng sản tiếp quản Hà Nội năm 1954, Phạm Hoàng Ái – em vợ của Nhất Linh – cho biết vợ của Khái Hưng đã gặp một trong những người em kết nghĩa của Khái Hưng và đem chuyện chồng mình ra hỏi. Người đó lạnh lùng trả lời: 

  - Chị còn nhắc đến tên Việt gian đó làm chi. Sông biển đã là mồ chôn từ lâu bọn đó rồi. 

Nghe tin đó bà khóc ngất, té xỉu và qua đời. Tô Văn thuật lại vụ Khái Hưng bị Việt Minh thủ tiêu chi tiết hơn. Khi đó ông bỏ Hà Nội tản cư về quê vợ ở Nam Định dù đã có nhiều người can ngăn. Khái Hưng nghĩ Việt Minh cộng sản không thể ác tâm tiêu diệt những thành phần cách mạng đối lập với họ, hơn nữa Khái Hưng không muốn sống ở Hà Nội để chịu sự nô lệ của 80 năm qua. Khái Hưng về đây có mấy ngày đã xảy ra sự cố. 

Một buổi chiều nọ Khái Hưng sang làng Cổ Lễ thăm một người bạn, bỗng có hai người lạ mặt tiến đến gặp Khái Hưng, cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định ngỏ ý mời Khái Hưng tới trụ sở để bàn tính công chuyện. Khái Hưng đòi xem công lệnh và giấy mời thì họ dí súng vào ngực Khái Hưng, trói lại, bịt mắt dẫn đi. Họ dắt Khái Hưng tới bến đò Yên Lãng, dùng dao găm đâm lia lịa vào gáy. Khi Khái Hưng ngã xuống họ còn bồi thêm mấy nhát nữa cho tới chết. Đâm xong họ khiêng xác Khái Hưng đem xuống thuyền, buộc thêm đá tảng vào, và chèo thuyền ra giữa sông quăng xuống. 

Ngoài Khái Hưng ra, Việt Minh cộng sản còn nhẫn tâm thanh toán nhiều nhà trí thức tên tuổi như Tạ Thu Thâu, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật…Trên báo “Phổ Thông” số 19 phát hành ngày 1.10.1959, Kim Tưởng cho hay Việt Minh cộng sản bắt Khái Hưng tại quê ngoại là làng Lịch Diệp, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, thủ tiêu bằng một loạt súng lục trên bến Cựa Gà và xô xác xuống sông.   

Khái Hưng tên thật Trần Khánh Giư sinh năm 1896, quê quán làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình quan lại. Thân sinh là Tuần phủ Trần Mỹ có tới năm bà vợ bởi thế gia đình rất đông con cái, rể của Tổng đốc Lê Văn Đính. Khái Hưng con của bà cả, anh cùng cha khác mẹ của Trần Tiêu – tác giả những tập “Con Trâu”, “Chồng Con”, “Truyện Quê”, “Sau Lũy Tre” – sinh  ở làng Cổ Am, huyện Vĩnh Hảo, tỉnh Hải Dương. 

Thuở nhỏ theo Nho học bởi thế Khái Hưng khá tinh thông Hán học, đã dịch sang Việt ngữ bài “Dưới trăng uống rượu một mình” của Lý Bạch. Sau theo học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, ra trường Khái Hưng không xin đi làm quan như đa số các bạn đồng học thời bấy giờ, trái lại, lại đi dạy học ở trường Thăng Long. Tại đây Khái Hưng gặp Nhất Linh (1905 – 1963) và viết cho tờ“Phong Hóa” của Phạm Hữu Ninh, ký bút hiệu Bán Than. Ngoài ra Khái Hưng còn cộng tác với tờ “Văn Học Tạp Chí” 

Năm 1932, Phạm Hữu Ninh nhượng lại tờ Phong Hóa cho Nhất Linh điều khiển, Khái Hưng cộng tác đắc lực để xây dựng tờ “Phong Hóa”, đả kích phong kiến, cổ động Tây hóa cho kịp sự tiến hóa của nhân loại. Năm 1933 cùng Nhất Linh thành lập Tự Lực Văn Đoàn. Tiểu thuyết “Hồn Bướm Mơ Tiên” là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng và cũng là tiểu thuyết đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Được đánh giá là một ngòi bút nòng cốt của Tự Lực Văn Đoàn, hai tờ báo“Phong Hóa” và “Ngày Nay”. Năm 1935 cộng tác với Nhất Linh trong tờ “Ngày Nay”. 

Năm 1939, ảnh hưởng của những chuyển biến thời cuộc, Nhật Bản sửa soạn đặt chân vào bán đảo Đông Dương, nhóm Tự Lực Văn Đoàn nghiêng về hoạt động chính trị. Đảng Đại Việt Dân Chính thành lập, Nhất Linh làm Tổng thư ký, Khái Hưng cùng các đồng chí trong đảng ráo riết hoạt động. 

Năm sau Khái Hưng cùng Hoàng Đạo – tên thật Nguyễn Tường Long (1906 - 1943) em ruột của Nhất Linh, tốt nghiệp Luật khoa nhưng không đi làm tri huyện, ngược lại, vào làm tham tá lục sự để có thời gian làm báo, sau tham gia cách mạng với anh (1941 - 1945) và qua đời tại Trung Hoa, bí mật xuất ngoại để bắt liên lạc với các đảng cách mạng hải ngoại. 

Năm 1941, Khái Hưng trở về nước bị chính quyền bảo hộ Pháp bắt giam tại Hà Nội, phát vãng lên châu Lạng Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình và nhốt tại lao xá Vụ Bản, trong đó có 70 đảng viên Đảng Đại Việt Dân Chính. 

Năm 1943, Khái Hưng bị giải về quản thúc tại Hà Nội. Trong thời gian bị giam cầm Khái Hưng sáng tác được một số tác phẩm nhưng không thấy xuất bản và không ai rõ số phận những bản thảo đó ra sao. Khi được thả ra các đảng viên có Khái Hưng, Hoàng Đạo và họa sĩ Nguyễn Gia Trí tiếp tục tranh đấu. 

Ngày 5.5.1945, Khái Hưng cùng Nguyễn Tường Bách cho xuất bản tờ “Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới”, để làm hậu thuẫn cho Nhất Linh khi đó đang cùng Nguyễn Hải Thần hoạt động chính trị tại Liễu Châu, Trung Hoa, trở về nước. Khái Hưng phụ trách mục“Tiếng Vang” và cho in truyện dài “Xiềng Xích” đề cập tới đời sống cùng khổ trong chốn lao tù và những ngón đòn tra tấn dã man của người Pháp mà Khái Hưng từng là nạn nhân trong những tháng năm tù đầy tại đây. 

Ngày 19.8.1945 Việt cộng đảo chính nắm chính quyền, báo “Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới” đóng cửa, các đảng đối lập bị đàn áp, khủng bố. Tới tháng 9.1945, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội và Việt Nam Quốc Dân Đảng cho xuất bản tờ “Việt Nam” và “Chính Nghĩa” nhằm mục đích đả kích Việt cộng. Khái Hưng trực tiếp công kích chế độ mới này và vạch trần những kế sách xảo quyệt của Việt Minh cộng sản. Không bao lâu sau tiếng nói này đã bị dập tắt.   

Nhận định về sự nghiệp văn chương của Khái Hưng, ngoại trừ Việt Minh cộng sản – tiêu biểu Nguyễn Hoành Khung – đã lên án Khái Hưng là “nhà văn phản cách mạng, chống lại nhân dân và tổ quốc”, phê bình độc một thứ giáo điều khuôn mòn “nhân sinh quan tiêu cực”, “cá nhân chủ nghĩa ích kỷ”, “bộc lộ sự bế tắc khủng hoảng tư tưởng”...nhưng vẫn phải thừa nhận rằng những tiểu thuyết của Khái Hưng đều đượm tính cảnh giác tư tưởng là một thái độ văn hóa. 

Khái Hưng viết nhiều truyện ngắn “Anh Phải Sống” 1934 viết chung cùng Nhất Linh, “Tiếng Suối Reo” 1935, “Dọc Đường Gió Bụi” 1936, “Đợi Chờ” 1940, “Đội Mũ Lệch” 1941. Viết truyện dài bao gồm nhiều khuynh hướng, lý tưởng: “Hồn Bướm Mơ Tiên” 1933, “Trống Mái” 1936, phong tục tập quán: “Nửa Chừng Xuân” 1934, “Gia Đình” 1936, “Thoát Ly” 1938, “Thừa Tự” 1940, phân tích tâm lý: “Hạnh” 1940, “Đẹp” 1941, “Băn Khoăn” 1941, lịch sử: “Tiêu Sơn Tráng Sĩ”1937... 

Tương tự Nhất Linh, nghệ thuật viết của Khái Hưng tập trung trong 35 tác phẩm, chuyển biến từ loại lý tưởng – trong “Hồn Bướm Mơ Tiên” muốn cho ái tình thắng tôn giáo nhưng lại muốn Lan có tư tưởng cao thượng – tới loại truyện phân tách tâm lý, mổ xẻ hình tượng con người bằng một kỹ thuật trưởng thành, đi sâu vào thực tế và khai thác những tiểu thuyết tả thực và phong tục. Tình tiết sắp đặt mới mẻ, không sử dụng  khung cảnh lãng mạn cầu kỳ, cốt truyện khúc mắc hấp dẫn để truyền cảm, tư tưởng thái độ đan chen trong “Đợi Chơ”, buồn man mác trong “Tương Tri”, tưởng chừng trong cơn ác mộng đã gặp thiên thần... 

Khái Hưng viết một số tiểu thuyết mổ xẻ khá sắc sảo, sinh động phê phán sinh hoạt, phong tục lỗi thời của đại gia đình phong kiến. Trong “Gia Đình” Khái Hưng  dựng lên hình ảnh một cặp vợ chồng nông dân trẻ tuổi, đầy lòng từ thiện, lấy việc chăm lo cải thiện đời sống tá điền làm sự nghiệp và lẽ sống đời người. 

Trong cuốn tiểu thuyết “Đẹp” Khái Hưng trình bầy cuộc đời nghệ sĩ. Họa sĩ Nam bạn học của Biên. Biên kết hôn sớm có con gái đầu lòng tên Lan. Trước kia Nam đến chơi, Lan còn bé hay theo chú đi chơi. Bẵng đi sáu năm Nam rẽ vào Quảng Yên thăm Biên thấy không ngờ  vợ chồng bạn mình đã thay đổi khác xưa, trông già hẳn dù mới 36 tuổi. Lan “má đỏ hây hây, cái ngực nở nang như chứa đầy sinh lực”, hiện học năm thứ ba trường Đồng Khánh nghỉ hè về chơi được một tháng. Thấy Biên, Lan không dám vồ vập như xưa, và Biên chỉ khẽ ngả đầu đáp lễ như đối với một người đàn bà chưa từng quen biết. 

Khái Hưng đã theo đúng giác quan, phản ảnh trung trực tâm lý một thanh niên độc thân đứng trước một thiếu nữ còn trẻ có nhan sắc, cho dù trước kia cô đã đóng vai chú cháu cũng không muốn ràng buộc vào lễ phép, tin rằng còn được tự nhiên chiếm cứ  về sau. 

Đây cuộc đối thoại của họ xem ra thật tế nhị, dí dỏm. Lan biết Nam không là chú thật của mình, đã chuyển biến từ chú sang ông, Khái Hưng đã làm được công việc đó, phô diễn đúng được tâm lý của con người, diễn đạt thay thế cho người trong cuộc: 

  -Chú có họ với thầy cháu không nhỉ? 

Nam lắc đầu mỉm cười, cho nàng là quá thật thà: 

  -Cháu cứ tưởng thế nào cũng hơi có họ một tí, nên chúng cháu mới gọi ông là chú. 
  -Thế này này: chả ngày xưa tôi là bạn của thầy... 

Lan mỉm cười ngắt lời: 

  -Vậy ra, ông cũng học một lớp với thầy đấy. 

Vai trò Nam Kái Hưng diễn tả thật chính xác. Một thanh niên trọng tuổi nên luôn mặc cảm, luôn phải xưng tuổi với một thiếu nữ trẻ hơn mình kèm theo những câu nhũn nhặn, có ý thiệt về phần mình để nghe người khác tâng bốc mình: “Năm nay tôi băm hai...giá quá rồi”. Phải nói rằng Khái Hưng đã kinh qua nhiều thế hệ, từ thế hệ Nam đến thế hệ Lan, mói có thể có giọng văn kinh nghiệm, tả tình lịch duyệt. Nhìn rộng ra người ta thấy Khái Hưng không vẽ dư một nhân vật nào, từ một ngôn ngữ, một tư tưởng, một thái độ, hành động...nhất nhất khít khao tựa những con ốc trong một guờng máy, không thừa thiếu. 

Câu chuyện không chất chứa nhiều khúc mắc, bình thường, đơn giản nhưng Khái Hưng diễn đạt thật hấp dẫn, say mê, đọc mới thấy bị cuốn hút ngay từ một chi tiết nhỏ, đó là một điều không dễ một ai đã đạt tới. Tương tự trong tác phẩm “Premier amour” (Mối tình đầu) của Torguenieff, câu chuyện chỉ xoay quanh có hai nhân vật là Zassekine, một thiếu nữ xinh đẹp được đủ mọi loại người yêu, kết cục chỉ yêu Pretovitch mới có mười sáu tuổi, nhưng không lấy được nhau và nàng chết khi đi lấy chồng, vậy mà tác phẩm đã vô cùng lịch lãm. 

Vũ Ngọc Phan phải chăng bởi vậy đã coi Khái Hưng tưởng chừng Anatole France, Hofmann, Edgar Poe, chủ trương thuyết hoài nghi và Thế Phong khi đi vào thế giới tiểu thuyết của Khái Hưng, đã vội liên tưởng tới những Constantin Virgil Gheorghiu, Ehrenbourg dù rằng góc cạnh nhìn của mỗi người có sắc thái riêng, không chung cùng một điểm. 

Khái Hưng nhận xét tâm lý phụ nữ phải nói là tài tình, không những vậy Khái Hưng còn chú tâm tới việc đổi thay những hủ tục trong gia đình, mổ xẻ, phê phán, bởi vậy những tiểu thuyết phong tục của Khái Hưng có một tầm vóc lớn rộng và cuốn hút được số lớn phụ nữ. Đây là những phác giác để những người thuộc phe bảo thủ thấy được sự thật, bởi muốn đất nước vững mạnh không thể để mục ruỗng gia đình. 

Trước sự xâm nhập của văn hóa Tây phương, gia đình và xã hội không thể có sự thiết lập một bên. Không những Khái Hưng chỉ sâu sắc khi phân tích tâm lý người phụ nữ, mà Khái Hưng còn hiểu biết nhiều về tâm hồn các thanh niên nam nữ. Khái Hưng đã sống qua nhiều thế hệ, thật đúng một kỹ sư tâm hồn, có giọng văn kinh nghiệm, tả tình lịch duyệt. 

Bởi vậy những truyện nhi đồng của Khái Hưng, đại loại “Ông Đồ Bể”, “Cóc Tía”, “Quyển Sách Ước”, “Cây Tre Trăm Đốt”, “Để Của Bí Mật”, “Cắm Trại”, “Bông Cúc Đen”, “Thầy Đội Nhất”, “Cái Ấm Đất”, “Thế Giới Tí Hon”, “Lưu Bình Dương Lễ”...cũng rất đặc biệt. 

Khái Hưng không bộc lộ tư tưởng cách mạng trong các tác phẩm như nhà văn Nhất Linh. Trong khi chính quyền bảo hộ hống hách, bọn thư lại chà đạp, a tòng, Nhất Linh đả kích hiện tượng đó một cách mạnh mẽ trong “Đôi Bạn”. Khái Hưng ngược lại đi vào chiều sâu của con người hơn. Đó bởi mỗi người quan niệm một khác. Nhất Linh nuôi chí anh hùng tạo thời thế. Khái Hưng mượn thời thế thay đổi mình.“Tiêu Sơn Tráng Sĩ” in báo năm 1934, xuất bản năm 1940, Khái Hưng mô tả đám thanh niên quí tộc đời Lê mạt chống nhà Tây Sơn, biểu tượng ý chí nuôi dưỡng cách mạng, nhưng thiếu thái độ, ý chí của “Đôi Bạn”. 

“Thanh Đức” 1943, cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Tự Lực Văn Đoàn  miêu tả cuộc sống ích kỷ, vô luân của đám thanh niên tư sản đã bế tắc, chỉ còn biết lao theo thú vui vật chất, lấy đó làm lẽ sống. 

Khái Hưng thấm nhuần tư tưởng Tây phương, mượn hình thức tiểu thuyết Âu châu để tạo cho một thế hệ tiểu thuyết mới ra đời, biểu hiện rõ rệt trong lối hành văn. Người ta không tìm thấy nơi Khái Hưng lối văn dài dòng, khúc trắc, lôi thôi, tối nghĩa...kiểu thời kỳ phôi thai những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách, Tương Phố...Thoạt đầu người ta thấy bút pháp Khái Hưng bay bướm, dài dòng, sau đổi lại Khái Hưng dùng ngòi bút thật bình dị, sáng sủa, thích hợp với những tư tưởng chín chắn. 

Chưa thể ai biết con đường đi của Khái Hưng tiến hóa ra sao, thì rất tiếc Khái Hưng đã bị thảm sát nhưng xét cho cùng, người ta thấy tiểu thuyết phong tục vẫn là loại nổi bật của Khái Hưng. Nó đượm màu sắc xã hội nhưng thiên về mặt lý tưởng, có thi vị riêng. Khái Hưng chết đi nhưng đã lưu lại nhiều trang viết chứng tỏ một sự lịch lãm sâu sắc, nắm vững nghệ thuật viết tiểu thuyết trong lịch sử văn chương nước ta vào giai đoạn đầu. 

Những cái chết tức tưởi của nhà văn, chuyện bây giờ mới kể [Kỳ 3] 

Thái Doãn Hiểu 

Thứ năm ngày 19 tháng 9 năm 2013 9:25 AM 

  


Khái Hưng (1896 - 1947) là một nhà văn Việt Nam nổi tiếng. Cùng với Nhất Linh, ông là cây bút chính của Tự Lực Văn Đoàn. 
Khái Hưng tên thật là Trần Dư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Dư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trần. Bút danh Khái Hưng của ông được ghép từ các chữ cái của tên Khánh Dư. 
Ông sinh năm 1896, xuất thân trong một gia đình quan lại ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương, nay thuộc Hải Phòng. Một số tài liệu ghi ông sinh năm 1897.. Thân phụ ông giữ chức Tuần phủ. Cha vợ ông là Lê Văn Đinh cũng giữ chức Tổng đốc Bắc Ninh. Em ruột ông là nhà văn Trần Tiêu. 
Khái Hưng đi học ở trường Albert Sarraut. Sau khi đỗ tú tài I, vì không muốn làm công chức, ông về Ninh Giang mở đại lý bán dầu hỏa. Được một thời gian Khái Hưng lên Hà Nội dạy ở trường Tư thục Thăng Long. Trong khoảng thời gian 1930 đến 1932, Nhất Linh từ Pháp về nước và cũng dạy tại trường này. Khái Hưng đã quen Nhất Linh ở đó và họ trở thành một cặp tác giả nổi tiếng. Tuy Khái Hưng hơn Nhất Linh 9 tuổi nhưng là người bước vào văn đàn sau nên được gọi Nhị Linh. 
Khái Hưng tham gia Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh thành lập. Văn đoàn này bắt đầu xuất hiện công khai từ 1932, và đến đầu năm1933 thì tuyên bố chính thức thành lập với ba thành viên trụ cột là Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo 

Cùng thời gian đó, Tự Lực Văn Đoàn ra tờ báo Phong Hóa. Về sau khi Phong Hóa bị đóng cửa thì tờ Ngày Nay thay thế. Cùng với báo, Tự Lực Văn Đoàn còn có Nhà xuất bản Đời Nay. Toàn bộ tác phẩm của Khái Hưng đều do Ngày Nay và Đời Nay công bố. 

  


Là một trong những cây bút chính của nhóm, tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng Hồn bướm mơ tiên (1933) là tiểu thuyết đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Tiểu thuyết cuối cùng của ông là Thanh Đức (1943) và cũng là tiểu thuyết cuối cùng của nhóm. Khái Hưng cũng viết chung với Nhất Linh hai tiểu thuyết là Gánh hàng hoa và Đời mưa gió và ra đời chung tập truyện ngắn Anh phải sống cùng năm1934. 
Giống như các tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn khác, tác phẩm của Khái Hưng thường đề cao tình yêu tự do, chống lại các lễ giáo phong kiến, ít nhiều mang tính cải cách xã hội. Khái Hưng cũng có viết một số vở kịch, thường chỉ một hồi, nhưng ít được công diễn. Trong những năm 1935 đến 1940, Khái Hưng là nhà văn được nhiều thanh niên thành thị ưa chuộng. Khái Hưng cùng là một dịch giả. Bài Tình tuyệt vọng ông dịch từ thơ của Félix Arvers rất nổi tiếng. 

Lòng ta chôn một khối tình 
Tình trong giây phút mà thành thiên thu 
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu 
Mà người gieo thảm như hầu không hay 

Trong thời gian Đệ nhị thế chiến, giống như Nhất Linh, Khái Hưng cũng tham gia hoạt động chính trị. Do tham gia Đảng Đại Việt dân chính thân Nhật nên Khái Hưng từng bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp tháng 3 năm 1945, Khái Hưng được trả tự do. Ông cùng Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Bách cho ra tờ Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới. 
Sau Cách mạng tháng Tám, Khái Hưng có viết một loạt bài báo, truyện ngắn, kịch ngắn trên các báo của Việt Nam Quốc dân Đảng. 

Khái Hưng mất năm 1947. Một số tài liệu cho rằng Khái Hưng bị Việt Minh bắt giam tại Liên Khu 3 (Lạc Quần, Trực Ninh) rồi đem xử tử hình ở bến đò Cựa Gà, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Theo ông Nguyễn Tường Triệu, con nuôi Khái Hưng, tiết lộ Khái Hưng mất tích sau Tết Ðinh Hợi (22/1/1947) 

Hồi còn dạy học ở thị trấn Vĩnh Bảo, Hải Phòng năm 1973, tôi (TDH) đã nghe chính miệng những du kích Thái Bình - những kẻ thừa hành bản án. Họ kể rằng họ được lệnh bỏ rọ trắn xuống sông nhà văn  Khái Hưng – chủ soái của Tự lực Văn đoàn.  Kẻ hành quyết kể lại thái độ của Khái Hưng rất bình thản, ung dung chui vào rọ nứa cho những kẻ chân đất đầu trần buộc giây, gài đá, vần xuống sông. Ở dưới đáy sông sặc nước, chắc nghẹt thở lắm... Khái Hưng chết chỉ vì ông là đảng viên đảng Đại Việt ! 

Thế mà, mới đây, Vu Gia người miền Trung, sống ở Sài Gòn viết một cuốn sách khảo cứu về cuộc đời và văn nghiệp Khái Hưng khá hay nhưng lại miêu tả như huyền thoại là Khái Hưng chết vì rơi vào ổ phục kích y như một nghĩa sĩ, giống như thật. Không riêng gì Vu Gia, thật buồn cười, sau giải phóng, khi đặt chân đến Sài Gòn, tôi đã nhảy vào thư viện của trường Quốc gia Sư phạm đọc ngấu nghiến một lèo 6 cuốn sách, cuốn nào cuốn nấy to như cục gạch  viết về việc “Làm thế nào để giết một tổng thống” là ông Diệm ông Nhu. Cả 6 cuốn kể 6 kiểu chết khác nhau, màu mè, li kỳ, sửng sốt, hấp dẫn. Ông nào cũng thề thốt với độc giả ông ta mới là nhân chứng thứ thiệt ! 

Tác phẩm của Khái Hưng để lại : 
Tiểu thuyết : Hồn bướm mơ tiên (1933); Đời mưa gió (cùng Nhất Linh, 1933); Nửa chừng xuân (1934); Gánh hàng hoa (cùng Nhất Linh, 1934); Trống mái (1936); Gia đình (1936); Tiêu sơn tráng sĩ (1937); Thoát ly (1938); Hạnh (1938); Đẹp (1940); Thanh Đức (1942). 
Tập truyện ngắn: Anh phải sống (cùng Nhất Linh, 1934); Tiếng suối reo (1935).; Đợi chờ (1940); Cái ve (1944). 




Phạm Quỳnh (17 tháng 12 năm 1892 - 6 tháng 9 năm 1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông có tên hiệu là Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân. 
Ông được xem là người chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến. 

Phạm Quỳnh sinh tại số 17 phố Hàng Trống, Hà Nội; quê quán ở làng Lương Ngọc (nay thuộc xã Thúc Kháng), phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương, một làng khoa bảng, có truyền thống hiếu học. Mồ côi mẹ từ 9 tháng tuổi, mồ côi cha từ khi lên 9 tuổi; Phạm Quỳnh côi cút được bà nội nuôi ăn học. 
Phạm Quỳnh học giỏi, có học bổng, đỗ đầu bằng Thành chung (tốt nghiệp) Trường trung học Bảo hộ (tức trường Bưởi, còn gọi là trường Thông ngôn). 

Năm 1908, Phạm Quỳnh làm việc ở Trường Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội lúc vừa tuổi 16. 
Từ năm 1916, Ông tham gia viết báo cho một số tờ có uy tín đương thời; làm chủ bút kỳ cựu của Nam Phong tạp chí từ ngày 1 tháng 7 năm 1917 cho đến năm 1932; tuyên truyền cho tư tưởng "Pháp Việt đề huề". 
Cũng trong thời kỳ 1924-1932, ông còn là giảng viên Trường Cao đẳng Hà Nội. 
Ngày 2 tháng 5 năm 1919, ông sáng lập và là Tổng Thư ký Hội Khai trí Tiến Đức, Trần Trọng Kim là Trưởng ban Văn học của Hội; và Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ. 
Năm 1922, với tư cách đại diện cho Hội Khai trí Tiến Đức, ông đã sang Pháp dự Hội chợ triển lãm Marseille rồi diễn thuyết cả ở Ban Chính trị và Ban Luân lý Viện Hàn lâm Pháp về dân tộc giáo dục. 

  

Năm 1924, ông được mời làm giảng viên Khoa Bác ngữ học, Văn hóa, Ngữ ngôn Hoa Việt, Trường Cao đẳng Hà Nội, trợ bút báoFrance - Indochine. 
Từ năm 1925 - 1928, Phạm Quỳnh là Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ; năm 1926, ông làm ở Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ và đến năm 1929 được cử vào Hội đồng Kinh tế và Tài chính Đông Dương. 
Năm 1930, Phạm Quỳnh đề xướng thuyết lập hiến, đòi hỏi người Pháp phải thành lập hiến pháp, để quy định rõ ràng quyền căn bản của nhân dân Việt Nam, vua quan Việt Nam và chính quyền bảo hộ. 
Năm 1931, ông được giao chức Phó Hội trưởng Hội Địa dư Hà Nội. Năm 1932, giữ chức Tổng Thư ký Ủy ban Cứu trợ xã hội Bắc Kỳ. 

Ngày 11 tháng 11 năm 1932, sau khi Bảo Đại lên làm vua thay Khải Định, ông được triều đình nhà Nguyễn triệu vào Huế tham gia chính quyền Bảo Đại, ông thôi không làm chủ bút Nam phong Tạp chí nữa. Tại Huế thời gian đầu ông làm việc tại Ngự tiền Văn phòng, sau đó làm Thượng thư Bộ Học và cuối cùng giữ chức vụ Thượng thư Bộ Lại (1944-1945). 

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Ông về sống ẩn dật ở biệt thự Hoa Đường bên bờ sông đào Phú Cam, Huế. 
Ông bị Việt Minh bắt giam ngày 23 tháng 8 năm 1945 và giam ở lao Thừa Phủ, Huế. Người thừa hành lệnh này là Đặng Văn Việt (về sau trờ thành con hùm xám đường 4 - tiểu tướng Napoleông). Ông bị xử bắn sau đó cùng với nguyên Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh ruột Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai của Ngô Đình Khôi). Chuyện này do Tố Hữu - Chủ tịch lâm thời thành phố Huế kể cho Trần Huy Liệu nghe. 
Di hài ông được tìm thấy năm 1956 trong khu rừng Hắc Thú, và được cải táng ngày 9 tháng 2 năm 1956 tại Huế, trong khuôn viên chùa Vạn Phước. 

Thông tin về ai đã ra lệnh giết ông được lý giải theo nhiều giả thuyết khác nhau. 
Cái chết của Phạm Quỳnh 
Cuốn Tác gia văn học Thăng Long Hà Nội từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX, mục về Phạm Quỳnh (1892-1945) cũng có một dòng: Đến Cách mạng Tháng Tám 1945 chính quyền nhân dân khép án tử hình. 
Có lệnh cấp tốc di dời Ngô Đình Khôi và Phạm Quỳnh ra khỏi cố đô đề phòng những chuyện bất trắc không hay sau này. Nhóm du kích áp tải đến một quãng rừng cách xa Huế thì nghe tiếng tàu bay Pháp ầm ì trên đầu tưởng đâu như tiếng máy bay thả biệt kích. Sợ không hoàn thành trách nhiệm di dời nên nhóm áp tải đã tự động thủ tiêu cả ba người mà không chờ chỉ thị của cấp trên. Giả thuyết này không đề cập đến cấp trên là ai hay cơ quan nào ra lệnh. 
Có người cho rằng trong số người đi áp tải đó có người nhà Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, người có mối hiềm từ lâu với Phạm Quỳnh nên đã lợi dụng việc này mà giải quyết ân oán. 
Có nguồn tin, vì Pháp cho biệt kích tìm Phạm Quỳnh nhưng nhóm này bị bắt và để lộ thông tin, và Phạm Quỳnh bị dân quân địa phương (Hiền Sĩ, Thừa Thiên, Huế) giết. 

 Nhà văn Thái Vũ lý giải: 
“Mà lúc ấy trong dân chúng, buổi đầu cách mạng, cũng là trong ngày đầu chính quyền mới do dân làm chủ thì mấy tiếng Việt gian, diệt Việt gian kèm theo hành động lan truyền… khắp mọi nơi, nhất là đối với những người có “thành tích” thân Pháp. Mà hai cụ họ Phạm và Ngô thì rõ ràng quá, tránh sao lúc trong dân, chỉ mới hưởng 1 ngày đầu chính quyền cách mạng, còn căm thù bọn thống trị Pháp và đám tay chân người bản xứ của chúng, có hành động manh động. Đó hẳn là “nỗi uẩn khúc” cuối cùng của ông chủ báo Nam Phong” 

Phạm Quỳnh được coi là người đi tiên phong trong việc dùng tiếng Việt để viết lý luận. Dương Quảng Hàm đánh giá các công trình của ông là đã "luyện cho tiếng ta có thể diễn dịch được các lý thuyết, các ý tưởng về triết học, khoa học mới." 

Trước đây, cũng có nhiều người cho rằng ông gắn bó với các chủ trương chính trị của thực dân Pháp. Ông bị coi là "ru ngủ" thanh niên trí thức trong cái "hồn nước" mơ hồ, khiến họ đi chệch khỏi chí hướng làm cách mạng chống Pháp. Trong một thời gian dài, quan điểm chính thống của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam gọi ông là tay sai đắc lực của Pháp. 
Gần đây, tại Việt Nam bắt đầu có sự đánh giá công bằng hơn. Từ điển Văn học bộ mới (2004) coi ông là người có tinh thần dân tộc, ôm ấp một chủ nghĩa quốc gia theo xu hướng ôn hòa, lấy việc canh tân văn hóa để làm sống lại hồn nước. Kể từ năm 2000, nhiều tác phẩm của Phạm Quỳnh đã được xuất bản tại Việt Nam: 

Mười ngày ở Huế, NXB Văn học – 2001; Luận giải Văn học và Triết học, NXB Thông tin, 2003; Pháp du hành trình nhật ký, NXB Hội Nhà Văn, 2004; Thượng Chi văn tập, NXB Văn học, 2007; Du ký Việt Nam, NXB Trẻ, 2007; Phạm Quỳnh - Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp, NXB Tri thức, 2007 (gồm những bài diễn thuyết, bài báo ông viết bằng tiếng Pháp từ 1922 đến 1932) 

Những đánh giá về Phạm Quỳnh : 

Trước đây, khi Thượng Chi làm báo Nam Phong người ta kết tội ông làm bồi bút cho Pháp, khi ông làm Thượng thư bộ học bị kết tội Việt gian, bán nước. Những gì của con người này đều xấu xa tỉ như câu danh ngôn tuyệt hay sang sảng niềm tự hào về văn hóa dân tộc “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn” bị lên án là đánh lạc hướng quần chúng để không nghĩ tới việc cấp bách là giải phóng dân tộc. 

Hồ Chí  Minh : “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này” 

Trong báo cáo ngày mồng 8 tháng 1 năm 1945 gửi cho đô đốc Decoux và cho Tổng đại diện Mordant, ông Thống sứ Trung Kỳ Healewyn đã báo cáo về Phạm Quỳnh như sau: 

 "Vị Thượng thư này vốn đã chiến đấu suốt cuộc đời mình bằng ngòi bút và bằng lời nói, không bao giờ bằng vũ khí chống sự bảo trợ của Pháp và cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung Nam) và cho việc người Việt Nam nắm trong tay vận mệnh của chính mình... Những yêu sách của Phạm Quỳnh đòi trở lại việc chấp thuận một chế độ tự trị hoàn toàn cho hai xứ bảo hộ (Trung Kỳ và Bắc Kỳ) khước từ chế độ thuộc địa ởNam Kỳ và thành lập một quốc gia Việt Nam. Tôi xin lưu ý ngài một điều là, dưới vẻ bề ngoài nhã nhặn và thận trọng, con người đó là một chiến sĩ không lay chuyển nổi cho nền độc lập của Việt Nam và đừng hòng có thể làm dịu những tình cảm yêu nước chân thành và kiên định của ông ta bằng cách bổ nhiệm ông ta vào một cương vị danh dự hoặc trả lương một cách hậu hĩ. Cho tới nay đó là một địch thủ thận trọng nhưng cương quyết chống lại sự đô hộ của nước Pháp và ông ta có thể sớm trở thành một kẻ thù không khoan nhượng...". 

Nguyễn Công Hoan : 
"...Phạm Quỳnh, trái lại chủ trương thuyết lập Hiến. Người Pháp nên thi hành đúng Hiệp ước 1884 nghĩa là chỉ đóng vai trò bảo hộ còn công việc trong nước thì để vua quan người Nam tự đảm nhiệm lấy. Bấy giờ Phạm Quỳnh vào Huế làm quan không phải vì danh. Quốc dân biết tên Phạm Quỳnh hơn nhiều Thượng thư Nam Triều. Mà cũng chẳng phải vì lợi. Đơn cử làm chủ bút Nam Phong, Phạm Quỳnh được cấp 600 đồng một tháng. Món này to hơn lương Thượng thư. Phạm Quỳnh ra làm quan chỉ đổi lấy danh nghĩa Chính phủ Nam Triều đòi Pháp trở lại Hiệp ước 1884. Vậy là một người yêu nước như Phạm Quỳnh sở dĩ phải có mặt trên sân khấu chính trị chẳng qua là một việc miễn cưỡng trái với ý mình để khuyến khích bạn đồng nghiệp làm việc cho tốt hơn chứ thực lòng một người dân mất nước ai không đau đớn ai không khóc thầm. Thế là tôi nghĩ ra được truyện Kép Tư Bền tả một anh kép nổi tiếng về bông lơn đã phải vì giữ tín nhiệm với khán giả mà lên sân khấu nhà hát làm trò cười ngay cái tối cha mình đang hấp hối". 

Giáo sư Văn Tạo: 
"Phạm Quỳnh không có hành vi nào tàn ác với nhân dân, không đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân như nhiều quan lại thời Nguyễn, không ra lệnh bắt bớ tù đày các nhà yêu nước (...). Nhưng mặt khác ông lại có công chuyển tải văn hóa Đông - Tây trên văn đàn, báo giới Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm cho ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Việt Nam thời đầu thế kỷ XX, công lao đó đáng được ghi nhận". 



Tạ Thu Thâu  (1906–1945) là một nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, một lãnh tụ Cộng sản Đệ Tứ thời sơ khai của các phong trào cộng sản tại Đông Dương, theo chủ nghĩa Trốtskít. Nhà nghiên cứu Thiếu Sơn đánh giá “Không ai phủ nhận được tấm lòng yêu nước của ông, chẳng những yêu nước mà còn dám xả thân hy sinh cho nước. Chỉ có điều khác là nói tới nước, ông liền nghĩ tới dân, thứ nhất là dân vô sản”. 

Tới nay, tuy không có tranh cãi về việc mặt trận Việt Minh sát hại Tạ Thu Thâu, vẫn còn nghi vấn về lệnh giết từ đâu đến. Giả thuyết của nhà sử học Daniel Hémery cho rằng các cấp chỉ huy địa phương ở Quảng Ngãi nhận lệnh cấp trên đã ra lệnh giết. Cấp trên ở đây trực tiếp là TVG. Tạ Thu Thâu bị đưa ra pháp trường bắn ba lần mới chết nhờ tài hùng biện thuyết phục của ông mà các đao phủ thủ không nỡ xả súng vào người anh hùng yêu nước. 

Trong buổi phỏng vấn ngày 25 tháng 6 năm 1946, Hồ Chí Minh đã trả lời đảng viên Xã hội Daniel Guérin về cái chết của Tạ Thu Thâu như sau: Ce fut un patriote et nous le pleurons... Mais tous ceux qui ne suivent pas la ligne tracée par moi seront brisés (Tạ Thu Thâu là một nhà ái quốc, chúng tôi đau buồn khi hay tin ông mất... Nhưng tất cả những ai không theo con đường tôi đã vạch đều sẽ bị tiêu diệt).[The Anti-Colonial Movement in Vietnam]. Cũng khoảng thời gian 1945, người của Trần Trọng Kim hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh  về cái chết của Tạ Thu Thâu. Ông Hồ Chí Minh trả lời “Trệch đường ray” (Hồi ký Một cơn gió bụi của Trần Trọng Kim) 

  

Vì sao Việt Minh giết Tạ Thu Thâu ? Đó  là cách mà Stalin giết Trốtsky để trừ hậu họa.  Kiều bào ta hồi đó ở Pháp có xu hướng tả, hầu hết ngả về Đệ Tứ. Còn trong nước do tuyên truyền, Trốtsky nhân vật sau Lê Nin đòi xét lại chủ nghĩa Mác được xem là tay sai của đế quốc, cướp của giết người.Thời đó, Tạ Thu Thâu là lãnh tụ Trốtskít ở Việt Nam. Ông là cây bút sắc bén (giỏi viết báo Pháp ngữ và Việt ngữ), một diễn giả xuất sắc hùng biện, một trí thức có uy tín, nhân cách ôn hòa nhũn nhặn. Tạ Thu Thâu hoạt động mạnh ở Sài Gòn và tiếng tăm vang xa cả nước. Ông chống Pháp, bị bắt 6 lần, 5 lần bị kết án, tổng cộng 13 năm tù 10 năm biệt xứ. Năm 1945, từ Côn Đảo được thả, Việt Minh đón đường bắt lọng và sát hại ông trên cánh đồng Mỹ Khê, Quảng Ngãi. Một cuộc đời xán lạn vì dân vì nước lãnh cái chết thật bi thảm, lãng nhách 

Sau giải phóng, người ta đổi tên đường Tạ Thu Thâu sau chợ Bến Thành thành đường Lưu Văn Lang, đường mang tên ông ở Mỹ Tho cũng bị đổi. Tạ Thu Thâu chỉ được nhắc đến cái tên với định danh “Tay sai cho đế quốc, mật thám cho phát xít Nhật”. Sao bất công thế, hả Trời ? 



Những người bị  giết đều là những tinh hoa, là  danh sĩ đạo cao đức trọng, yêu nước thương dân, có thành tựu văn hóa sáng giá cống hiến cho nền văn hiến nước nhà. Họ chết mỗi người mỗi cách đau xót và hàm oan:   Nhà văn Lan Khai bị xô xuống vực, văn hào Ngô Tất Tố bị bức cho treo cổ tự vẫn, Khái Hưng bị bỏ rọ trắn sông, Phạm Quỳnh đối thủ  đáng gờm của thực dân Pháp bị xử tử, Tạ Thu Thâu nhà yêu nước lớn bị tử bắn; nàng thơ  nữ sĩ Thu Hồng bị bắn lén từ sau lưng; Nhượng Tống dịch giả tài hoa số 1 bị ám sát; Dương Quảng Hàm vị giáo sư đáng kính ra khỏi nhà đi  mãi không về; vị bồ tát Thiếu Chửu bị bức hại nhảy xuống sông tự tận. Cái án “mạc tu hữu” (Giết rồi sau sẽ biết) của thời trung cổ vẫn đeo đẳng khốc liệt đến tận bây giờ ! 

Đó là tất cả sự thực về những cái chết tức tưởi oan khuất của các nhà văn, nhân sĩ mà bọn gieo ác vẫn sống nhởn nhơ trên pháp luật với bộ mặt người lương thiện ! Nguyên tắc bất di bất dịch nằm trong ý thức hệ tư tưởng của những kẻ sát nhân lương thiện này là: yêu nước và chính kiến là độc quyền của tao, mày không đi với tao, mày là kẻ thù của tao. Đã là kẻ thù thì mày không có quyền tồn tại ! 

Giết người nhưng không bao giờ nhận trách nhiệm là thủ phạm, thường họ vẽ rồng vẽ rắn tung hỏa mù  trên các sách báo, làm chúng ta ngộ nhận họ như những ân nhân. Trâng tráo nhất là vụ tìm hài cốt nhà văn Lan Khai đăng hai kỳ trên báo Văn Nghệ. Thật là nói láo không có nghề, luận cứ hở toang hoác ra. Chẳng lẽ tôi lại viết một bài vạch mặt sự dối trá này ra. Làm thế, người ta lại bảo ông này nhiễu sự. 

(kỳ 3 - hết) 

[ĐINH] NHẬT THỊNH
[1936-   ]


----------------------------------------------------
trích từ: https://groups.google.com/ 
-----------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ