Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

related article: "phỏng vấn nhà văn hồ đình nghiêm" / lê quỳnh mai thực hiện -- tạp chí hợp lưu 112

Phỏng vấn nhà văn Hồ Đình Nghiêm

LÊ QUỲNH MAI
thực hiện


 



hodinhnghiem_hl112
 Hồ Đình Nghiêm- [ 1957-  ] Canada
Tiểu sử (tác giả ghi lại)
Hồ Đình Nghiêm, sinh ở Huế. Làm thuyền nhân trôi giạt qua Hồng-kông năm 1979. Định cư ở Montréal từ 1980. Viết lai rai cho hầu hết các tạp chí xuất bản tại hải ngoại, cộng tác với Hợp Lưu ngày từ số ra mắt. Đã in bốn tập truyện ngắn. Bấy chầy chẳng có dự tính gì. Sống phẳng lặng và tầm thường. Chưa hề trở lại cố quận đìu hiu.

Lê Quỳnh Mai : Trước khi bắt đầu, xin ông cho biết có… “sợ” một vài câu hỏi bất ngờ trong cuộc phỏng vấn này không ?!


Hồ Đình Nghiêm: Bản tính nhát gan, sợ là chuyện dễ hiểu. Tôi đọc trên mạng hai câu này của dân Hà Nội đương đại: “Ra đường sợ nhất Honda, về nhà sợ nhất vợ già khỏa thân”. Trả lời phỏng vấn, nó có gần với hành động tự khỏa thân? Hay áo xống vẫn giữ nguyên, chỉ phơi ruột phơi gan ra thôi?

LQMVậy ông có thể diễn tả một cách khá… chi tiết (tinh thần lẫn thể xác!) cho độc giả biết về nhà văn Hồ Đình Nghiêm chăng?


HĐN: Nói về mình đã khó mà còn bảo phải chi tiết nữa cơ! Không dám đâu! Đại khái thì hắn có: Đầu, mình, và tứ chi. Điện nước đầy đủ. Hắn biết đọc, biết viết, biết vẽ, và biết sợ những câu hỏi gay cấn. Có hai câu thơ tuyệt hay của Bùi Giáng, tôi xin mạo muội làm thành cái vỏ ốc để lẩn trốn: “Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu. Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa.”

LQM: Ông sáng tác từ lúc tạm cư ở đảo. Nếu so với đa số đồng nghiệp cùng thời, Hồ Đình Nghiêm là một nhà văn kỳ cựu tại hải ngoại. Ông có…bí kíp gì vậy?


HĐN: Ở đất tạm trú, buồn nhiều hơn vui. Buồn, nên viết cho khuây. Cũng chưa nguôi, tự gào thét bằng cách gửi đăng báo. Nếu vợ chồng nhà văn Thanh Nam Túy Hồng- lúc đó chăm sóc tờ Đất Mới ở Seattle, năm 1979- bỏ sáng tác đầu đời của tôi vào thùng rác, thì tôi tin, sẽ không hiện hữu cái tên Hồ Đình Nghiêm. Về chuyện bí kíp? Trong truyện võ hiệp kỳ tình của Kim Dung có nhân vật bị kẻ thù đánh rơi xuống vực sâu trăm trượng. Đã không chết, lại còn số hên ăn được nhân sâm ngàn năm, còn học được bí kíp võ công cái thế thiên hạ khắc trên hang động dành cho người hữu duyên. Phi thân lên, hiển hách đi lại trong giang hồ, tìm gặp kẻ cựu thù, thi triển mười hai thành công lực thứ chưởng pháp “hiện thực huyền ảo” vẫn bị đối phương đánh cho từ chết tới bị thương. Gạt lệ thua buồn! Không. Tôi chẳng có bí kíp gì cả. Võ học tôi sơ sài đôi ba miếng bình thường, giản dị. Nếu được hồn nhiên thì càng quý. “Ta chẳng phụ người thì xin người chớ có phụ ta!”

LQMTheo ông, tác phẩm nào của Hồ Đình Nghiêm hay nhất ?


HĐNTheo tôi, độc giả đừng kỳ vọng với bất kỳ tác giả nào. Họ nổi bật ở thời điểm này, họ chìm khuất ở thời điểm khác. Tựa như cuộc thi hoa hậu vậy, thí sinh mang số 35 mặc áo tắm hai mảnh bốc lửa dường ấy trong mỗi bước đi vặn vẹo, sao khi vận trang phục áo dài, áo dạ hội lại thô kệch quê mùa đến thế kia! Phần tôi, ít khi tôi đọc lại những gì đã in ra, bởi tôi biết chắc mình sẽ thất vọng ít nhiều. Trong gạo vẫn còn trấu và sạn sỏi. Vẫn cố sàng lọc, gạo vẫn chưa trắng ngần. Có thể tôi mang số 36, mặc áo dài ngó tạm được nhưng chớ có bắt tôi mặc bikini đi õng ẹo.

LQMChưa bao giờ trở về quê nhà, nhưng qua truyện Đi hết chuyến tàu Tết (rồi hắn chết), nhà văn Hồ Đình Nghiêm đã vẽ lại bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại thật sống động và trung thực. Xin ông nói về tác phẩm này?


HĐN: Tôi truy cập vào những trang báo điện tử ở trong nước, rất hãi khi đọc phải những chuyên mục về pháp luật, hình sự. Cái xã hội ấy đã bức hại con người đến đường cùng, biến họ có những hành động rất thú tính, dẫu đối với đấng sinh thành, với người yêu, với vợ hiền con thơ. “Nhân chi sơ tánh bổn ác”. Cái mới ác liệt! Tôi đọc, và tôi mường tượng thêm để vẽ nên một hoạt cảnh có trên chuyến tàu Thống- nhất xuôi Nam. Như có thưa trước, tôi vốn nhát gan, nên tôi không đẩy sự việc đi tới cảnh máu đổ thịt rơi. Ừ, thì họ là đám đông bần cùng tìm đủ mọi cách để kiếm miếng cơm. Qua đối thoại, làm rõ nét từng nhân vật. Không khí thay đổi theo mỗi ga mà tàu dừng. Để tạo tương phản, một đám Việt kiều xuất hiện trên đoàn tàu. Nhố nhăng, kệch cỡm… Có công an, có bắt bớ, có ngược ngạo, có luật rừng… và có tất cả những thứ “đời thường Việt-nam”.

LQM: Truyện ngắn mới nhất của Hồ Đình Nghiêm- Bán Phần (Tạp chí Hợp Lưu 110) viết rằng: “... Như tất cả những gì hắn bày biện ở trong từng tấm tranh. Một người đàn ông của hai mươi năm về trước chẳng biết gì về hội họa, nhưng những trang viết của anh ta cũng có hấp lực khác thường. Nghệ thuật là gì? Người đàn bà không hiểu ra, nhưng có lẽ, trước tiên nó phải biết chối bỏ thực tại. Nó hoán chuyển cuộc sống đơn điệu của mình, phút chốc làm mình “trẻ dại”. Mình đi trong một khu rừng nhiều kỳ hoa dị thảo mà không cần thắc mắc đâu là lối ra…”. Ông đã khẳng định điều gì về - Nghệ Thuật- Viết và Vẽ?


HĐN:
Tôi không khẳng định. Mọi thứ đều là một dọ hỏi, một thăm dò. Người viết văn, đôi khi họ phải đi bằng những bước chân của con trẻ. Cái thăng bằng, đầu óc nhiều toan tính của người lớn lắm lúc làm hỏng một tác phẩm. Tranh của Chagall, người ta mê mệt bởi cách ông thể hiện, chối bỏ tất cả những định luật cơ bản của hội họa, sự hồn nhiên của con trẻ bày chật giữa khung bố, rất thơ mộng.

LQM: Với nhận định đơn giản của người phỏng vấn, văn phong Hồ Đình Nghiêm không dẫn dắt độc giả vào chỗ quá tối mù hoặc cao siêu vời vợi(!), nhưng thường tạo được bất ngờ ở kết cục. Có phải đây mới đích thực- văn là người- thể hiện trong tác phẩm của ông không?


HĐN: Nhận định chính xác. Nhưng… văn là người? Tôi không hiểu hết ý Quỳnh Mai. Có phải bạn nói tôi là kẻ rất mực đơn giản. (Chỉ biết mặc áo dài mà không chịu thay đổi trang phục màu mè). Tôi ghi ra đây hai câu thơ của Hoài Khanh mà tôi nghĩ Quỳnh Mai cũng thích: “Qua sông là một nhịp cầu, qua tôi là một mối sầu vô chung”.

LQMHầu hết nhân vật nam trong truyện của Hồ Đình Ngiêm có tâm trạng ray rứt, trăn trở, nghi ngờ nhưng không thể hiện bằng lời về đối tượng nữ của họ. Có phải ông đồng ý với câu khuyên của nhà văn Lê Minh Hà trong Gió Biếc của chị ấy? ... “Có những điều không bao giờ nên nói thật với đàn bà. Nói thật là chuốc vạ vào thân một đời….”


HĐN:
Tôi vẫn đọc thấy câu đó, hoặc tương tự như vậy trong mấy cuốn tiểu thuyết gián điệp, truyện về Bố già Mafia. Và cho hợp với thời cuộc, có vẻ như do Tiger Woods nói. Người vừa gây scandal ăn nằm với những sáu, bảy người đàn bà. Giờ này, ông vua về môn golf coi bộ tâm sinh lý đã ổn định, biết đâu ông sẽ tâm sự: Với ai, trong hoàn cảnh nào, sự thật thà vẫn là điều quý giá. Tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi mang họ Hồ, nếu được làm Hồ chủ tiệm, tôi sẽ ngôn: Không có gì quý hơn… thật thà như đếm (đếm chứ không phải điếm).

LQMĐây là câu hỏi đã đặt ra cho một nhà văn nữ. Chúng tôi muốn biết ý kiến của một nhà văn nam ra sao, khi nghe câu tuyên bố của Somerset Maugham:“Tiểu thuyết gia nào mà cứ nghĩ rằng mỗi chữ của mình viết ra đều có tính cách thiêng liêng, rằng hễ cứ bỏ đi một dấu phết, đổi chỗ một dấu chấm phẩy, thì tác phẩm sẽ hỏng, là nhà ấy điên khùng”( Kiếp Người- Of Human Bondage, bản dịch Nguyễn Hiến Lê, trg 10, Văn Nghệ xb, 1989)


HĐN: Bây giờ, nhà xuất bản (uy tín) có quyền định đoạt số phận từng con chữ trên trang bản thảo của những tác giả gửi đến. Ở những nước lạc hậu chuyên bịt mồm công dân lương thiện như Việt-nam ngày nay, người ta soi kính lúp, sẵn sàng cắt xẻo, thậm chí biên tập lại, sửa đổi cho phù hợp với chính sách, lập trường. Chúng ta đành chấp nhận cuộc chơi, nhưng sự nhúng tay thô bạo kiểu VN thì… chẳng khác gì bạn nhắm mắt mang thân đi làm vợ một thằng Hàn quốc Đài Loan tật nguyền tâm sinh lý.

LQM: Theo ông, trong văn chương Việt Nam đương đại hải ngoại, tác giả nào (nam, nữ) đã thật sự diễn tả được Dục Tính qua tác phẩm của họ, và tạo được ấn tượng cho độc giả ?


HĐN:Rất nhiều người đã sờ mó vào nơi chốn ẩm ướt đó. Họ có gây được tiếng vang, nhưng bạn hiểu cho, sự nhiễu sóng ấy vẫn còn là một tạp âm. Chúng ta chưa nghe ra một cung bậc thánh thót, riêng lẻ. Nhiều người nói với tôi: Đọc xong phải cau mày, nhăn mặt… Sao kỳ vậy? Phải giãn nở thần sắc, phải thừ người, phải ngây dại mới đúng chứ! Rồi đi tới một nhận định (chủ quan): Đã thiệt! Quá tới! Hàng khủng!

LQMTại sao ông chọn sáng tác truyện ngắn?Hồ Đình Nghiêm sẽ có tiểu thuyết dã sử, truyện dài tình cảm, hồ sơ trinh thám, hay truyện liêu trai chí dị không?


HĐN: Tôi kể cho Quỳnh Mai nghe câu chuyện tiếu lâm sau đây, hy vọng nó còn mới đối với bạn: “Một thanh niên buồn chán cuộc đời có ý định tự tử. Cậu ta đưa súng lên đầu bóp cò, vô phúc viên đạn bay chệch đi, trổ một lỗ ở trần nhà, ghim vào chiếc ghế có cô gái đang ngồi đánh đàn piano ở tầng trên. Kết quả: vị thầy giáo bị thương ở bàn tay trái”. Chỉ vài dòng, nó gom đủ sự bạo động: Súng đạn. Hoàn cảnh xã hội: Buồn nản, tự tử. Nghệ thuật: Âm nhạc, dương cầm. Và sex: Bàn tay ưa đi hoang bị chảy máu. Sau rốt là một kết cuộc bất ngờ. Đó là những thứ mà truyện ngắn đòi hỏi phải có, càng nhiều càng tốt. Nó ôm đồm nhưng nó buộc phải cô đọng. Tôi chọn truyện ngắn vì tôi là người lữ hành trong túi không có nhiều tiền. Tôi đi tàu hỏa và xuống ở sân ga gần nhất. Nói rõ ra, thời gian luôn ăn gian với riêng tôi, nó hà tiện với tôi quá, chẳng dư thừa một phút giây. Lúc nào đến tuổi nghỉ hưu, chắc tôi sẽ rộng thời giờ, tôi sẽ viết tiểu thuyết (bấy giờ biết có ma nào thèm đọc?). Tôi đang băn khoăn, chẳng biết sẽ viết chuyện tình hay sẽ lựa đề tài liêu trai chí dị. Bạn nghĩ một đứa nhát gan như tôi viết truyện rùng rợn (con ma vú dài) có thành công không?

LQM: Là một nhà văn, nhưng qua tản mạn Yêu không ngại ngần, hoặc Thơ Luân Hoán, ông đã trích dẫn những câu thơ nổi bật, phê bình thơ Luân Hoán, kể cả giới thiệu những dòng thơ rất hay đã bị “chìm lỉm” theo thời gian. Vậy ông có thể nói một chút về Nàng Thơ chăng?


HĐN: Với tôi, Nàng Thơ là một người “kín cổng cao tường”, rất sương khói. Nhà nàng như lâu đài, trước cổng có treo bảng “Coi chừng chó dữ”. Thế giới nàng ngụ có vẻ cách biệt, xa ngái. Tôi từng lẻn vào sân, dụng tâm ngắt trộm một cánh hồng, và từng bị chó cắn. Nói rõ ra, có khi tôi tập tành làm thơ. Ngắc ngoải. Hấp hối. Trắng con mắt. Tay bắt chuồn chuồn. Lại phải nói rõ, thơ là cái gì đó rất mực khó chơi. Làm cả chục bài, đọc xong muốn độn thổ mười phen. Tâm sự ngoài lề với bạn chuyện này: Có cô bé mang ý định in một tập thơ đã nhờ tôi (nhẫn tâm xưng hô chú cháu rất cách biệt) viết cho cô cái tựa. Tôi thành thật (dù với đàn bà con gái mà Lê Minh Hà bảo: Không nên): Đừng in, uổng tiền lắm. Với chú, hai ba ngàn đô to như cái núi, trong khi tập thơ thì nhỏ như …con chim sẻ, kêu chiêm chiếp đôi ba tiếng rồi lăn ra chết không kịp ngáp. Nói láo xe cán! Lòng thành được trả công bằng cái lườm cái nguýt. Người đẹp vùng vằng bỏ đi, đứa cháu vắn số ấy cạy mặt tôi ra. Xí, tưởng ngon hả! Cứ in, chẳng cần tựa, có được không? Người gì cà chớn quá… Thú thật với bạn, cho tới giờ này tôi vẫn còn buồn!

LQMRa đời tại Huế. Lớn lên ở Đà Nẵng, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt. Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. Tạm cư tại Hồng Kông. Định cư ở Montreal. Cảm nghĩ của Hồ Đình Nghiêm về những thành phố này?. Ông có xử dụng năng khiếu hội họa để vẽ lại một trong những thành phố đã đi qua không? Và kỉ niệm đáng nhớ nhất, cũng như kỉ niệm cần quên nhất của ông về những địa danh này?


HĐN: Tôi nghĩ, không riêng tôi, ai rồi cũng ôm giữ, chẳng ít thì nhiều, những hình ảnh về những địa danh mà họ từng sống qua. Tùy từng thời điểm, tùy thời gian mà họ lưu trú trong lòng những thành phố, nó sẽ cho tương ứng lại, lung linh, thứ hình ảnh để người ta khắc ghi vào kỉ niệm. Tôi chẳng phải là đứa bội bạc, nhưng tôi dễ đánh rơi trên đường đi, dần dà thứ vốn liếng khiêm nhường kia. Có thể tại đời sống tôi phẳng lặng quá (và một chữ Nghiêm đã vận vào người?). Nếu ai kia sốc nổi, nếu ai đó hoang đàng, nếu người nào có chút máu “bụi đời”, tôi nghĩ họ sẽ gặt hái vô vàn kỉ niệm. Dẫu sao, Huế và Đà-lạt, vẫn luôn là chốn chôn cất giùm tôi những mộng tưởng êm đẹp. Bạn hiểu cho, hai nơi ấy đã sinh đẻ và nuôi dưỡng những cô bạn gái thuở đầu đời của tôi. Thời gian sẽ làm bạn khánh kiệt dần, nhưng nó chẳng thể giết đi những mối tình đầu, bạn sẽ mãi ngây dại khi ngồi hồi tưởng lại. Và tôi nghĩ, những thứ tôi vừa trình bày ở trên đã hiện diện gần toàn vẹn trong những truyện ngắn của tôi. Năng khiếu hội họa sẽ giúp cho trang văn có một cái nhìn soi mói, tọc mạch hơn.

LQM: Ông viết trong truyện- Ao nước lã- như sau: “… Tôi tự hỏi những diễn viên ở trên sân khấu khi chấm dứt vở tuồng, họ bước xuống lại đời thường, họ sẽ đối xử với nhau ra sao? Họ có thật lòng với nhau hay cứ ngỡ đối phương đang đeo mặt nạ và điều đó buộc mình phải phòng thủ...”. Giao tình của nhà văn Hồ Đình Nghiêm với những bằng hữu văn nghệ như thế nào?


HĐN: Tôi chưa đi gặp thầy bói xem chỉ tay, coi tướng số tử vi… nhưng tôi tin, số tôi không có cung bằng hữu. Khi nhà thơ Phan Nhiên Hạo thực hiện cuộc phỏng vấn (đi trên diễn đàn văn chương litviet.com) Phan Nhiên Hạo cũng tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết tôi sống khép kín, chẳng giao du nhiều. Người phỏng vấn đã đưa câu hỏi, vậy có thiệt thòi không khi chúng ta sống trong thời đại thông tin đại chúng, bằng cách gì để người đọc biết được sáng tác của mình? Tình thật mà nói, nếu còn ở quê nhà, e hoàn cảnh có khác đi. La cà tới tiệm hớt tóc thanh nữ, đi uống bia ôm, đi vũ trường, đi cà-phê… thì chắc bạn bè có cả khối, gạt ra không hết. Nhưng chúng ta đang nói tới chữ bằng hữu. Theo tôi, chữ đó là thứ hàng hiệu, giá đắt phỏng tay. Tôi ngờ là đời sống này, thắp đuốc tìm không ra một bằng hữu đúng nghĩa. Một người bạn chân tình, chúng ta không nên lạc quan để tin là “người bạn” ấy còn hiện hữu. Thế vào đó, một vài đối tượng mà khi gặp gỡ sẽ đi vào “lề phải”, đại loại: Hello, khỏe không? Lông thai nô xi. Hôm nay trời đẹp quá nhỉ. Bảo trọng. Bai…ai…ai… Khuôn sáo và nhạt như nước ốc của phép ứng xử kiểu lịch sự kia. Ở tuổi tôi, đang có triệu chứng suy. Bây giờ hết sung rồi. Và có kì cục không nếu gửi vài hàng đăng báo: “Trai xứ Huế, buồn nhiều hơn vui, yêu màu tím. Thích nhạc họ Trịnh. Ai hợp, nguyện sẽ làm bằng hữu. Xin đừng đùa giỡn tội nghiệp”.

LQM: Là đại diện tạp chí Hợp Lưu từ lâu nay. Ông có nhận xét thế nào về hình thức và nội dung của nó, qua mỗi thời kỳ chuyển tiếp Chủ Biên?


HĐN:Tôi thấy Hợp Lưu vẫn là Hợp Lưu. Hình thức cũng như nội dung. Nếu có ai khó tính bảo nó xuống cấp, thì kẻ đó quên đi một sự thật: Chúng ta không còn sống với cái quá khứ “hoành tráng” của thập niên 80. Giờ này người viết đã mỏi mòn, hết hứng thú. Người đọc cũng lười. Và những trang báo điện tử đã chiếm đoạt hết thời gian của họ. Nếu lụn bại, nếu suy tàn thì có ngàn lẻ một lý do đưa ra. Một lý do (buồn nhiều hơn vui): Tiếng Việt ở hải ngoại dần dà bị quên đi, quên trong ơ hờ. Tôi viết, bạn đọc. Bạn viết, tôi đọc. Hoặc những người lớn tuổi hơn đôi ta. Sau lưng chúng ta là khoảng trống, ngoái đầu lui, chúng ta nghe lớp đàn em rì rào những lớp sóng cuồng nhiệt của thứ ngôn ngữ chúng đang hấp thụ: Anh- Pháp hoặc Đức ngữ, tiếng Tây ban nha, tiếng Nhật… 

LQM: Sau này đa số truyện của ông có bối cảnh, không gian, thời gian của Montreal. Điều này khẳng định tác giả đã nhận thành phố Tây trên đất Bắc Mỹ làm quê hương. Ý kiến của ông về chính sách di dân của tỉnh bang Québec, nhằm bảo vệ Pháp ngữ (mà các di dân có khả năng này đều thuộc khối Ả Rập)


HĐN: Tôi yêu vùng đất này, mặc dù tôi rất dị ứng khi nghe ai đó nói: Xứ lạnh tình nồng! Nói như cố nhà văn Mai Thảo: Nồng cái đếch gì. Nhà quê bỏ mẹ! Yêu, do bởi một phần họ nhân đạo quá. Québec như một bà chủ khu chung cư lạ thường, thay vì hàng tháng tới đòi tiền nhà, đàng này bà lại dúi vào tay chút bổi: Nè, cầm mà đi shopping. Tôi còn giữ làm kỷ niệm (nhàu nát) tờ giấy màu vàng của Liên hiệp quốc chứng thực thằng này: Vô tổ quốc. Hắn đích thực là boat people. Tờ giấy màu hồng (la vie en rose) của phái đoàn Gia nã đại thu nhận cho định cư. Phiá dưới có ghi số tiền vé máy bay mắc nợ chính phủ và buộc phải hoàn trả sau khi kiếm được việc làm, dĩ nhiên chẳng tính tiền lời vô thời hạn, đôi ba chục năm sau, sáu mươi năm tình cũ, sắp đi gặp Ôn Mệ mà nhớ trả cũng OK. Tùy hoàn cảnh sống của mỗi người, nhưng nói xấu vùng đất này thì chẳng khác gì bạn là một kẻ vong ân. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây là thứ phương ngữ đáng bảo tồn, thậm chí lý.

LQM: Dựa trên kết quả nghiên cứu về một cột đá được xem là hệ thống lịch, có tên Mesoamerica Long Count Calendar của tộc người Maya, ở thời tiền Columbia, họ từng sinh sống tại Mexico, thì giới khoa học giả tưởng Hoa Kỳ dự đoán ngày tận thế( End Day/ Doom Day) sẽ là thời gian khoảng từ ngày 21- 23 tháng 12 năm 2012. Nhà văn Hồ Đình Nghiêm có tin sự xui xẻo sẽ đến với nhân loại trong sắp tới? Ông có .. ớn cái ngày.. trời xập này? Hãy ước ngay ba điều từ bây giờ! Xin cho độc giả và người phỏng vấn biết… ké đó là gì không?


HĐN: Trùng hợp thay, dòm lịch: Hôm nay thứ 6, ngày 13. Câu hỏi đầu tiên bạn đưa ra: Có sợ không...? Tôi trả lời: Sợ. Một đứa nhát gan, hẳn đứa ấy phải tin chuyện ma quỷ, dị đoan đủ thứ. Bước vào thang máy một tòa cao ốc, tôi an tâm khi nhìn loạt số đỏ đèn… 10, 11, 12, 12b, 14, 15… Chắc chắn là cái thang máy ấy chưa hề xảy ra… “sự cố”. Bài vấn đáp này có bị “ùn tắc” không hở Quỳnh Mai khi nó hoàn thành vào ngày “xui xẻo” kia? Nếu có ước ao, chỉ xin một điều: Chúng ta trò chuyện xong thì ngày mai đã là 23 tháng 12 năm 2012.

LQM: Mới đây, câu tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Clinton về việc tranh chấp Biển Đông, trong Hội Nghị ASEAN tại Hà Nội, đã khiến Người Việt hải ngoại hi vọng rằng, sự trở lại của Hoa Kỳ sẽ làm giảm áp lực của Trung Cộng đối với Việt Nam. Ý kiến ông thế nào?


HĐN:Đây đích thực là câu hỏi mà tôi sợ trả lời. Đại khái như vầy: Tại sao con rồng cháu tiên lại khép nép xanh máu mặt khi ngó lên anh Trung quốc? Lịch sử ngày xưa từng huênh hoang về Thánh Gióng, con nít đỏ hỏn đang khát sữa nghe giặc ngoại xâm tràn qua biên giới “chàng” bèn rùng mình biến thành trai lưng ba tấc rộng thân mười mét cao. Chàng đớp ba tô phở xe lửa, hai dĩa cơm sườn bì, mười cuốn chả giò cùng lần. Lại ăn chè ba màu, cà phê sữa đá mới vừa bụng. Ra bứt một đống tre cầm tay thế vũ khí rồi chạy ra án tuyến đầu. Kết quả là gì? Ai cũng tường mười mươi. Giặc phản động hoảng sợ đạp nhau mà chạy, cút về phương bắc. Hoặc mới hơn, sao ta không tái sử dụng tuyệt chiêu thời chống Mỹ cứu nước: Đưa máy bay Mig-19 lên ẩn mình trong mây, tắt máy để bảo mật, đợi đội hình Con ma F-4 hiểm độc của giặc Mỹ bay qua, ta mới bất thần nhảy chồm ra bắn tên lửa vào đít nó. Hừ, đố mày chạy trời cho khỏi nắng! A, mà cũng lạ chuyện đời, Hoa-kỳ là kẻ cựu thù, hà cớ gì giờ lại đi giúp ta? Chúng có mang âm mưu hiểm độc nào không? Bọn chúng thì hầu như đứa nào mà không là CIA, CIB các thứ?

LQM:Chắc chắn ông là khán giả của World Cup 2010. Mặc dù giải này đã kết thúc, nhưng nhận xét của nhà văn Hồ Đình Nghiêm ra sao về đội tuyển Pháp?( xứ mà một thời đã hãnh diện là- mẫu quốc- của Việt Nam chúng ta!).Ông có hài lòng về kết quả của lần này không?


HĐN: Tôi mê môn túc cầu sau 1975. Ngồi khán đài lộ thiên, đưa đầu trần xác xơ đen đúa dưới nắng lửa. Vì sao? Vì xã hội ấy, thời điểm đau thương kinh hoàng ấy chẳng tìm đâu ra một niềm vui. Nghe nực cười nếu chẳng may ngồi gần mấy chú bộ đội: “Mẹ nó, cái thằng số bẩy áo xanh kia có lối kiến thiết bóng rất đẳng cấp. Nó khống chế mọi tình huống và biết giữ cự ly. Nó khẩn trương mà cũng tựa hồ như thong thả. Rất ấn tượng. Xem nào, đôi chân nó đáng yêu y như mẹ cái Hĩm mỗi khi tối lửa tắt đèn!” Thú thật tôi chẳng có cảm tình với đội tuyển Pháp dù họ từng vô địch thế giới. Một đội tuyển mà quy tụ toàn dân tị nạn, cử quốc ca nhiều đứa chẳng biết hát cứ nghệch mặt ra. Ô hợp quá, chúng như bọn lính đánh thuê, chẳng “đậm đà bản sắc dân tộc” gì cả. Do đó, khi ra sân mười một “niềm hy vọng” kia dường như thi đấu không vì màu cờ sắc áo. Họ chẳng ưỡn ngực với logo con gà trống nằm trên ba chữ FFF. Mùa World Cup này không xảy ra đột biến lý thú, đa số sử dụng thứ đấu pháp thủ nhiều hơn công, mong thủ huề sợ phải thua. Và khi hạ quyết tâm loại đối thủ ra, họ đã đánh mất cái tinh thần cao đẹp của một cầu thủ mà Fifa luôn đề cao. Họ gây thất vọng cho những người hâm mộ. Và chúng ta, tiếc chẳng nhìn thấy những siêu sao thoát y, bởi đội banh họ kỳ vọng chẳng thể đi sâu vào giải.

LQM: Nếu có một người nào với ông thế này: Chà! lóng rày dân cầm bút xứ mấy anh sáng tác coi bộ mạnh dữ ha. Tui đọc Song Thao, Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn, Hồ Đình Nghiêm tá lả trên mạng. Khởi sắc quá xá, ráng nghe mấy cha! Coi dzậy chớ. Tui chịu nhứt cái truyện Gã Đấu Bò Thành Málaga của… ông đó nghe. (chú thích: Gã Đấu Bò Thành Málaga: tác giả Lê Quỳnh Mai). Ông sẽ trả lời như thế nào với độc giả này?-người thích đọc sách nhưng lại nhớ nhầm tên tác giả!


HĐN: Ai nói câu ấy? Tại sao lại phân chia tên tuổi lãnh vực giới tính tuổi tác. Những ai cầm bút đều đáng được ủng hộ cả. Lại lôi chuyện đá banh ra, Nhật là một đội tuyển so ra hẳn còn non yếu với bạn bè năm châu, nhưng Nhật vừa rồi đã có những trận thi đấu không chê vào đâu được. Họ chứng tỏ một điều rõ rệt: Không dễ gì bị khuất phục và những đội đàn anh luôn phải gờm con cháu Thái dương thần nữ. Mới viết hay kinh nghiệm lão làng, thực ra không sánh được với cái tấm lòng mà kẻ ấy luôn nặng mang với văn chương. Đùa chút chơi: “Ra đường sợ nhất Honda, về nhà hãi nhất ông bà viết văn”. Chào tạm biệt nhé, Lê Quỳnh Mai. Bạn có sợ ….ngày… bị người ta phỏng vấn không?

LQM: Nếu có ngày… ai ( HĐN?) muốn phỏng vấn Lê Quỳnh Mai, xin làm ơn gởi câu hỏi đến mailbox vào đúng…. ngày….23… tháng 12… năm 2012! .
Cám ơn nhà văn Hồ Đình Nghiêm đã gởi đến quí độc giả những câu trả lời rất thú vị.


Lê Quỳnh Mai
Montreal, tháng 8 năm 2010


 (nguồn: Hợp Lưu 112)



---------------------------------
trích từ tạp chí hợp lưu 112
--------------------------------- 

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ