' những ngày hoang vu trên mặt đất '/ phạm công thiện -- source: báo ĐỜI /Irvine. C.A. 1985
Friday, January 5, 2018
phạm công thiện [mỹ tho 1941-- 2011 usa ]
(ảnh: internet)
những ngày hoang vu trên mặt đất
phạm công thiện
tản mạn
Tất cả đều xuất phát từ cơ cấu của ngôn ngữ, cú pháp, văn phạm, ngữ pháp: tất cả những thứ ấy làm lung lạc mờ tối nhận thức bén nhạy trong suốt giữa lòng sự sống. Những hình dung từ, những trạng từ, động từ, danh từ tham dự trọn vẹn vào ý nghĩa đời sống và giết chết mọi thơ mộng ngây thơ của trực kiến.
1
Chỗ đứng của mỗi một chữ đều khuôn định một trạng thái tâm tư và cảm giác: một tháp Chàm trơ trọi đứng giữa cánh đồng như một chữ lạ lùng trong một bài thơ. Tiết nhịp âm thanh là hơi thở và làm sống dậy những năng lực huyền bí của một thứ tiếng nói đang được khai sinh ra trong động tác và cử chỉ. Mỗi trang viết chỉ được vài ba câu, và trong vài ba câu ấy chỉ được vài ba chữ, và trong vài ba chữ ấy chỉ còn lại một chữ độc nhất. Tất cả mọi chữ không cần thiết đều dồn tới một chữ duy nhất, vì thế tất cả tất cả những trang không quan trọng đều cần thiết, cũng như những sai nhịp, những chữ lạc nghĩa, những chữ vô vị tầm thường đều vô cùng quan trọng để lót đường cho một cái gì bất ngờ vụt tới như sao xẹt, như lửa táp, như sấm nổ, như địa chấn. Cưu mang chịu đựng tất cả những vô vị nhàn chán của đời sống là thảm nạn tàn nhẫn mà tất cả những tâm hồn nghệ sĩ đều phải cắn răng mòn mỏi quyết liệt tranh đấu từng giây từng phút một để cứu vãn lại trong đời sống mình một chút mong manh, một chút gì đó khó hiểu để đứng lại và đi tới ... một cử chỉ nào đó vô cùng cần thiết để bảo vệ thế giới sáng tạo vô cùng u ẩn và rất dễ dàng tan vỡ ...
Rất yêu đời ngày hôm nay, buổi trưa liên miên suy nghĩ về Thập Địa, Thập Hồi Hướng, Thập Đại Nguyên Phổ Hiền, Thập Vô Tận Tạng và Thập Lực. Buổi chiều suy nghĩ về sự khác nhau giữa sự tập trung tư tưởng, tham thiền và nhập định, làm điều tác động và động tác tinh thần để thôi thúc tí nhớ cần thiết. Trí nhớ luôn đi đôi với vọng hình và song tưởng , nhất là loại trí nhớ trừu tượng. Trí nhớ cụ thể thì cần mùi. Người mù cần lỗ tai, mùi vị, và sờ mó, phụ thêm vọng hình trong bóng tối và vọng nghĩa song tưởng trong đầu. Chỉ có sự ham muốn thèm khát, hận thù và nhớ nhung làm cho nhớ dai hơn cả: nhưng sự thù hận kinh tởm qúa độ nhiều khi làm mình quên hẳn đối tượng. Cái làm mình nhớ nhiều nhất là điều đụng chạm tự ái của mình; sự sợ hãi vừa làm mình nhớ vừa làm mình quên: Sợ sống thì quên chết và sợ chết thì quên sống. Chỉ có tình yêu là làm cho mình nhớ dai nhất. Điều mâu thuẫn con người nhớ đủ mọi chuyện chính là con người tự quên mình. Sau cùng chỉ có sự trong sạch trọn vẹn trong tâm hồn là khai sinh và nuôi dưỡng trí nhớ vĩ đại nhất. Trí nhớ vĩ đại nhất thì không có qúa khứ, hiện tại và tương lai. Đúng hơn đó chính là trí nhớ của tương lai vọng ngược vào qúa khứ và hiện tại; hiện tại chìm xuống và qúa khứ được chuyển hoá linh động, và con người rơi vào thế giới sâu thẳm; tất cả trở thành một cơn xuất thần vô hạn, không tác giả, không sinh sinh giả, không thành giả, cơn hoại diệt liên tục giữa nhập thần và xuất thần; và chính là sự đột hiện của thế lực bất hoại của thần linh. Thi sĩ vĩ đại chỉ là nạn nhân thụ động của đôi phút xuất thần; và nếu thi sĩ không có sự tỏng sạch tâm linh cần thiết thì tất cả sẽ vỡ nứt ra thành cơn điên loạn bức tử hoặc bất lực tàn tạ
2
Dọn lại gian phòng và sắp xếp những đống sách, chừng trăm quyển; và sách nhảm nhí thì qúa nhiều. Bỗng nhiên thèm đọc những quyển sách nhảm nhí và thích thú hưởng thụ những khía cạnh bất ngờ của những việc thông thường. Nhiều khi đã lỡ đi thì cố gắng đi cho tới mức cùng tột của khả năng giới hạn của mình. Con ngược lại thì sẽ bị chữ nghĩa lường gạt vô phương cứu chữa, nhất là đề cao "kinh nghiệm sống" và "hành động thực tế", chính lúc đó thường hay bị một số "kiến thức" nông cạn tác động từ trong vô thức và tiềm thức do tập qúan truyền thống, thói quen và ảnh hưởng tế nhị của khuôn mòn lối cũ và tham vọng và bao nhiêu sự hỗn loạn của đám đông. Tất cả chủ thuyết "quốc gia", "quốc tế", xuất phát ra từ đó; tất cả "lập trường thái độ" độc quyền "ái quốc" phát ra từ đó, và từ đó chủ nghĩa cộng sản mới dễ bề thao túng và lường gạt và đảo lộn lại mọi giá trị, hậu quả cụ thể nhất của nghĩa hư vô địa cầu. Đặc trưng của chủ nghĩa hư vô là hay tìm hiệu năng và kết quả thực tiễn hữu ích thấy được: "những gì không thể thấy được thì không thể có", từ đó chiến tranh bùng nổ, hai người không còn nhìn nhận ra nhau và tất cả thơ mộng bay mất. Sự khiêm tốn tự nhiên bắt buộc phải tự nhận rằng không hiểu cái gì ra cái gì cả, và từ đó sẽ không phê phán ai cả, và tập nhìn, tập thấy, tập viết, tập nói, tập nghĩ, tập cảm thông tất cả những gì chưa trưởng thành ở tâm thức. Lúc đó sẽ thấy mọi sự đều tức cười, vì chính mình cũng là tác giả của tất cả những ngộ nhận ngu muội lớn nhất trong cuộc sống thường nhật. Mình sẽ mắc cỡ khi nói đến "tình thương" và "rộng lượng", và sẽ cảm thấy lễ độ hơn mỗi khi nghe nói đến mấy khẩu hiệu dễ dàng như "tình thương", "tích cực", "xây dựng", "lý tưởng", "hy vọng", vân vân. Bây giờ gần mười giờ tối, định vặt ba bốn trái cam vàng Cali fo rnia để tẩm bổ không gian và thơi gian trong cơ thể ... Tối nay sẽ thức suốt đêm và thả hồn trí đi lông bông mọi bến bờ tùy thích. Còn gì thơ mộng co bằng sống lủi thủi một mình với một mình và không hận thù đố kỵ ghen ghét ai hết; chỉ có trách nhiệm linh thiêng với tính mệnh nào đó; không ai hiểu định mệnh và tính mệnh của ai, đó là điều qúa dĩ nhiên.
Những phê phán hay trách cứ, những điều ấy đều có sẵn đó mỗi khi nói người khác bần tiện thì chính mình cũng có sẵn sự bần tiện nơi mình. Một người trong sạch thì thấy tất cả mọi sự đều trong sạch. Ngày hôm qua không viết gì cả, trời như muốn chuyển mưa, hôm nay thì trời quang đãng. Thích dùng những chữ không cần thiết như những chữ rất xưa của Việt Nam như "thì", "mà", "cái", "con" ... Rất khoái nghe câu "... những chiều con nước về ... " trong bài bất hủ "Trên Ngọn Tình Sầu" của Du Tử Lê, nếu bỏ chữ "con" và thế lại chữ "dòng" thì mất hết tất cả thơ mộng
3
Tối hôm kia thức suốt đêm và bù lại tối hôm qua ngủ lại trọn đêm. Giấc ngủ vô cùng cần thiết như cái chết vô cùng cần thiết cho đời sống. Thử tưởng tượng mình mất tất cả những gì mình đang có trong giờ phút nầy thì mình mới có được cái nhìn thân yêu đối với tất cả mọi sự đang xảy ra tại chỗ. Mỗi một ngày là một đời sống thâu gọn, không có đời sống nào khác trong thế giới này, ngoài ra mỗi ngày và mỗi đêm duy nhất. Ngày mai lại là một ngày và một đêm . Mỗi ngày là một giây phút và mỗi đêm là một giây phút vừa lướt qua và đang tới. Tất cả vĩ đại linh thiêng, qúi phái, thơ mộng, tuyệt đẹp, chỉ nằm trong trong một phút giây phút, một cái nhìn trong giây phút, một sự im lặng trong giây phút, một ý tưởng trong giây phút, một cảm giác trong giây phút, một sự nhàm chán trong giây phút, một sự cô độc trong giây phút, một sự mệt mỏi muốn bỏ cuộc chỉ xảy ra trong nhấp nháy; chỉ cần một hơi thở nhẹ nhàng trọn vẹn cũng đủ để chuyển hóa sự thất bại thành ra sự phong phú tràn trề của một cánh đồng hực lửa khi mùa xuân đang tới. Hốt nhiên thấy mọi sự đều thơ mộng trong giây phút này, những lời những tiếng tới tấp hiện đến, tất cả những gì xảy ra đều linh thiêng, cảm thấy thương hết tất cả, thương hết những gì động đậy trên mặt đất và ngoài cả mặt đất,; mỗi sự sống đều động đậy và ngay đến sự chết cũng động đậy, cái gì động đậy thì có tiếng, có âm thanh, dù là sự im lặng cũng có tiếng và có âm thanh; mỗi một chữ xuất hiện thì một tiếng cất lên và một thế giới sinh thành hoại diệt, rồi thì tất cả mọi sự đều "đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu", một trong những cao siêu nhất của Khổng Giáo; tất cả đều đáp ứng kêu gọi nhau; sự nông cạn kêu gọi sự sâu thẳm, thế giới này kêu gọi thế giới khác, "con sếu gọi con trong tối" và "con ong thèm nhớ mật ngọt" ...
Hai ngày cuối tuần trôi qua, đầu óc như lên cơn sốt. Gần 12 giờ trưa, đói bụng, cả đời vẫn đói bụng. Cái việc thèm muốn ăn uống cũng đi đôi với tình dục. Ba tháng nay, không ăn thịt thế mà tình dục cũng ngóc đầu như thường và mình phải áp đảo nó xuống. Đọc "Những Áng Mây Sầu" của Nghiêm Xuân Hồng, bài ngắn, rất buồn, cô độc, sâu sắc và nhẹ nhàng như một cụm mây buổi chiều. Đọc một truyện ngắn của Lê Thị Huệ, "Mộng, Thực, Và Kỳ Ngộ", một truyện viết giản dị, bi đát và thơ mộng đen như bông huệ đen mọc giữa đêm trăng hai giờ khuya. Ngồi đãng trí bâng quơ cả buổi. Đã gặp đâu đó hai lần, giọng nói sâu và chát, đôi mắt sáng, đôi môi sắc và mọng. Trước bàn viết, bên trái bông trắng và tím, bên mặt bông đỏ, và sau lưng, bông vàng, sự hiện diện hữu hình kín đáo của những bông hoa này làm căn phòng có một không khí tươi sáng, như thể âm dương vô hình hành thông, bốn trái cam vàng đỏ trên bàn, bốn trái mộng thần thoại thượng kiếp. Trời lúc sáng như sắp mưa, như trời Đà Lạt; bây giờ nắng vừa sáng rực lên. Tối đêm qua đọc lại những đoạn Celine viết về Toulouse và buồn lên những năm tháng cũ. Tự nói rằng mình phải bóp chết qúa khứ. Mỗi một nhà văn chỉ viết được một quyển sách và mỗi
4
nhà thơ chỉ viết được một bài thơ duy nhất. Tự nhiên bỗng thèm đọc quyểnh Wuthering Heightscủa Emily Bronte, quyển tiểu thuyết của Emily Bronte là kiệt tác một trong những quyển tiểu thuyết hay nhất của nhân loại, dường như đàn bà viết văn lạ lùng hơn đàn ông. Bỗng nhớ Nguyễn Thị Hoàng một cô bạn rất thân ái ngày xưa ... Thường cho rằng Hoàng ham viết văn lãng mạn tình cảm, nhưng đôi khi tình cờ đọc loáng thoáng đâu đó vài ba truyện ngắn gì đó của Hoàng, cũng phải nhận là cô nàng viết văn hấp dẫn và đôi lúc sâu sắc bất ngờ
Phạm Công Thiện
(trích báo Đời do nhà thơ Nguyên Sa chủ trương, xuất bản tại Irvine, Nam California, số 34, từ 1 đến 30 tháng 7 năm 1985)
------------------------
© gio-o.com 2006
-------------------------
-------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ