related article : "... Trăng qua vùng động đất'/ đinh cường & bác sĩ erich wulff" -- đinh trường chinh / blog phạm cao hoàng
ĐINH TRƯỜNG CHINH/ Tản mạn về ‘TRĂNG QUA VÙNG ĐỘNG ĐẤT’, ĐINH CƯỜNG & bác sĩ ERICH WULFF
Tôi không biết ông Wulff. Ngay cả khi tôi ra đời thì có lẽ ông Wulff không còn ở Việt Nam nữa. Theo một bài viết của ông, "Tôi gặp Đinh Cường (ĐC) ở Huế lần đầu vào năm 1964. Đó là năm thứ ba của tôi ở Việt Nam. Những năm đó tôi đang giảng dạy ở trường Đại học Y Khoa và Cường đang ở trong nhóm họa sĩ trẻ". (1). Chỉ ngắn gọn thế .
Nhưng, khi lớn lên, tôi nghe Bố tôi kể nhiều về ông. Erich Wulff là một bác sĩ có tâm hồn hướng thượng, đã theo một nhóm người Đức đến Việt Nam trong những năm 60's. Ông dạy Y Khoa ở Huế, trong những năm chiến tranh bắt đầu sôi sục. Tôi có nghe nói sơ đến sứ mệnh của nhóm bác sĩ Đức này, nhưng đó là chuyện có thể nói một dịp khác. Và có lẽ tôi cũng không biết thật rõ để nói.
Điều tôi biết, là ông đặc biệt yêu tranh Đinh Cường. Thời ấy, Bố tôi từ Gia Định ra Huế tiếp tục theo đuổi giấc mộng mỹ thuật. Người học sinh Petrus Ký mơ mộng và xứ Huế mộng mơ có lẽ là một nơi hợp tình hợp cảnh, cùng với Đà Lạt sau này. Tôi nghĩ đó là thời gian sáng tạo mạnh mẽ và quyết liệt nhất của Đinh Cường. Là năm ông tạo được dấu ấn và vượt ra khỏi cái mỹ học thơ mộng nhẹ nhàng để bước chân vào trừu tượng, một thử thách không nhỏ. Và Đinh Cường đã tạo dựng được ngay cái không khí riêng biệt cho mình với một loạt tranh đẹp, mới, và đậm triết lý. Các tựa đề tranh lúc ấy cũng có thể làm người xem đặt ngay dấu hỏi: những "Trăng Qua Vùng Động Đất" (TQVĐĐ). "Nghĩa Địa Của Voi" , những "Hoa Cắm Trên Đầu", "Đồng Nhập", v.v. Thời gian ấy , ĐC tạo ra chất liệu và matière rảy xăng và màu lên khung vải như một "trademark" của tranh mình . TQVĐĐ là những vết rảy màu tính toán trong cái bố cục trừu tượng quyến rũ ấy .
Riêng bức tranh "TQVĐĐ" là bức mà ông Wulff yêu thích và mua ngay ngày khai mạc. 1967. Tôi nghe kể đó một cuộc triển lãm thành công và là một bước nhảy lớn cho đời sống sáng tác của ĐC sau này. Ông Wulff sau này có viết về bức tranh mình sưu tập: "Năm 1966, khi tôi tình cờ xem tranh Đinh Cường thì bức “Trăng qua vùng động đất” - Moon over earthquake– đã thu hút tôi, ngay từ lần gặp đầu tiên. Bức tranh phản chiếu cả nỗi thống khổ lẫn niềm hy vọng: cái chết, sự hủy diệt, con người mưu sống chỉ với xác thân trần trụi. Bức tranh là cả một câu chuyện về ánh sáng và bóng tối, nứt rạn và gãy đổ, núi lửa và mồ mả, các tế bào và những mảng màu, những vi sinh vật đã mất...cùng lúc ấy, từ bóng tối bừng lên một vầng trăng bất khả hủy diệt, ngay cả với sức mạnh của bom đạn. "
Rồi thời gian đi qua .chiến tranh chấm dứt. Có lẽ ông Wulff và nhóm bác sĩ thiện nguyện của Ông đã về lại Đức lâu trước 1975. Dĩ nhiên, Bố tôi và ông Wulff hoàn toàn mất liên lạc sau đó . Những ngày ở Sài Gòn thời bao cấp, câu chuyện "TQVĐĐ" và ông Wulff chỉ là một dĩ vãng không ai nghĩ đến. Thời ấy chúng tôi chỉ nghĩ đến bột mì và sắn dây . Bố tôi không được phép vẽ trừu tượng trong một thời gian dài. Nhưng rồi cái nhớ nó vẫn luôn thôi thúc con người, dù ở đâu , hoàn cảnh hay thời điểm nào. Sau khi ổn định đời sống đôi chút, Bố đã ra sức hỏi thăm những Việt kiều về một số các tay sưu tập tranh người nước ngoài, trong đó có Erich Wulff. Để mong lưu lại hình ảnh của những bức tranh thơ mộng lưu lạc bốn phuơng . Nhưng vô vọng. Cho đến mãi sau khi đến Mỹ, duyên này duyên kia xô đẩy, hình như Bố đã nhờ một bạn trẻ tìm ra được người bác sĩ sưu tập tranh ĐC năm xưa ở Huế , sau cả gần 40 năm. Bố tôi không có dịp sang Đức gặp lại, nhưng người bạn trẻ ấy đã đến xin chụp lại bức tranh, và hình ảnh gia đình ông Wulff ở Hannover. Ngạc nhiên và vui mừng thay, bức tranh "TQVĐĐ" đang treo trang trọng trong phòng nhà. Màu sắc có phai đi, nhưng cảm giác khi nhìn lại đứa con tinh thần của mình, chắc Bố tôi xúc động lắm.
Bao thăng trầm đã qua. Rồi cũng qua. Người lăn và đá lăn, những vết lăn trầm. Có khi rơi cả xuống vực. Ông Wulff mất năm 2000. Bố tôi 2016.
Trăng - qua -vùng - động - đất, trong mắt tôi, lại như một thứ triết lý nhị nguyên khó dịch. Con người chúng ta còn phải sống, còn phải kinh qua những hạnh phúc - khổ đau. Đời sống sẽ nhạt nhẽo biết bao nếu chỉ toàn hương hoa và gió mát, nếu không có những ngày bão động, những phút giây động đất mà tàn tích như một vết sâu núi lửa. Chúng ta đi qua chúng, như một cách chấp nhận đời sống đa đoan phức cảm này. Sống, đã là một dấn thân liều lĩnh, vì vẫn còn bao cái đẹp đời trao tặng, vì vệt trăng đi qua, vùng động đất, như một nhắc nhở về niềm hy vọng nhỏ nhoi đó. Trăng dù huyền ảo nhưng không vô thực. Nó có thể xa vời nhưng không là hư huyễn. Trăng là một thực tại. Như trái đất. Như chúng ta. Cùng chia nhau trên bầu trời này. Và vì thế chúng ta còn mãi yêu và yêu nhau mãi. Những tấm lòng trăng sáng sẽ lấp đầy những lòng vực thẳm đen sâu.
Đêm nay trăng ngoài khung cửa hắt sáng . Tôi nghĩ đến một người bạn xa. Dẫu có lẽ đêm trăng của tôi chỉ đang là một ngày mưa đâu đó ở một nơi khác. Nhưng tôi vẫn nghĩ về. Vẫn muốn gửi tấm lòng theo một vòng đi của trăng. An bình và lặng lẽ. Đời sống vẫn có những mùa động đất. Vẫn phải trực diện và bước qua những vực sâu. Nhưng cái đẹp còn chờ đợi - cái nơi đến thanh giản bình dị đó, cuối chân trời.
Cuộc đời là duyên. Như cái duyên gặp lại bức tranh, găp lại ông Wulff.
Phải chăng, chỉ có thế thôi.
Đinh Trường Chinh
Virginia, tháng 1.2018
----------------------------------------------------------------------------------------
trích từ TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHẠM CAO HOÀNG----------------------------------------------------------------------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ