Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

về nhà văn đào hiếu [ i.e. đào chí hiếu 1946- ] -- blog phan nguyên

Sunday, 23 July 2017


Đào Hiếu



















Đào Hiếu

(10/2/1946 - ......) Bình Định
tên khai sinh: Đào Chí Hiếu
các bút danh khác: Biển Hồ, Đào Duy
nhà văn, nhà thơ














Những chiếc lá rơi vào bụi hồng

Những chiếc lá đâm chồi không ai hay
Già cỗi giữa thinh không
Và chết trong những ngọn gió
Tác phẩm của tôi như những chiếc lá rụng
Rơi vào bụi hồng
Những chiếc lá rụng không ai nhặt
Tự gom lại giữa vòng xoáy
Có người bật lên que diêm
Nhóm thành ngọn lửa
Ngọn lửa nhỏ không dùng để làm gì
Vẫn có thể đốt lên điếu thuốc
Giữa cuộc đời mênh mông...

Đào Hiếu














Tiểu sử

Đào Hiếu là người Bình Định. Thuộc dòng dõi khao bảng vọng tộc.
Ông đã sớm gia nhập phong trào sinh viên cách mạng tại Quy Nhơn.
Năm 1968 gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1970 bị bắt quân dịch và trở thành binh nhì sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hoà.
Tốt nghiệp cử nhân văn chương Đại học Văn khoa Sài Gòn 1972. Từng làm phóng viên báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ.
Tác phẩm của ông gồm nhiều thể loại: truyện dài, hồi ký, truyện ngắn, tạp bút, tiểu luận chính trị, phê bình văn học, thơ, ký sự nhân vật… phần lớn được in tại Việt Nam và Hoa Kỳ.
Hiện Đào Hiếu sống và viết tại TP. Hồ Chí Minh.



















Đào Hiếu lúc 20 tuổi











Tác phẩm đã xuất bản










Truyện dài



1

Giữa cơn lốc


NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1978.


(Tiểu thuyết về đề tài sinh viên học sinh trước 1975 tại các đô thị miền Nam.Tác phẩm được giải thường Hội Nhà Văn TPHCM 1976)

Hữu sống trong một gia đình tan vỡ: đứa em trai nghện ngập, cô em gái đi bán quán bar cho Mỹ, người em kế đi lính Sài gòn.
Khi Hữu vào SG học đại học thì cuộc chiến tranh Việt Nam đến hồi cao điểm. Hữu gia nhập phong trào sinh viên cách mạng khu Sài Gòn Gia Định. Hữu gặp Hạnh và công tác chung trong tổ vũ trang tuyên truyền của Thành đoàn. Sau nhiều chuyến công tác bí mật khá hiểm nghèo họ đã hiểu nhau và yêu nhau.
Chiến tranh leo thang. Người em trai đi lính SG của Hữu tử trận, cô em gái bán bar có bầu và bị lính Mỹ bỏ rơi, thằng em nghiện thuốc phiện chỉ còn là bộ xương khô.
Chiến dịch HCM nổ ra. Nguyễn và Hạnh vẫn làm công tác đô thị. Họ bám trụ ở khu Bảy Hiền, ở đó vẫn còn những ổ kháng cự lẻ tẻ. Hạnh đã trúng đạn chết trong một trận đụng độ ở đó.
Nguyễn mang niềm vui của kẻ chiến thắng và nỗi buồn về một gia đình tan nát trở về quê. Anh gặp lại những đứa em và giúp họ làm lại cuộc đời.











2


Một chuyến đi xa


nxb Măng Non 1984, nxb Trẻ 1994.

(giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam)

Mẫn là một cậu bé tỉnh lẻ nhà nghèo vô Sài Gòn kiếm sống, ở đó em gần gũi với những người dân lao động đô thị như anh Hợi, Lý và chia sẻ những khốn cùng, những áp bức bất công với họ. Ngày kia anh gặp sinh viên Tuấn, Tuấn giảng cho Mẫn nghe tình hình thời sự ở Việt Nam, chiến tranh Việt Nam…
Hợi trốn quân dịch để lo cho mẹ già nhưng cuối cùng mẹ anh cũng chết. Hợi đưa mẹ đến nghĩa trang và bị xét giấy tờ quân dịch. Hợi bỏ chạy và bị bắn chết.
Mẫn phẫn uất bỏ thành phố đi theo kháng chiến.













3


Qua sông


nxb Văn Nghệ, 1986.


Chuyện kể về cuộc đời khốc liệt và mối tình đau khổ của một anh du kích Củ Chi. Trong chiến đấu anh bị cụt cả tứ chi. Huệ là người yêu của anh bị chết trong một cuộc đụng độ ở Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân.
Tác phẩm phản ánh sự khốc liệt chưa từng có trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, đó là mặt trận Củ chi trong trận càn Cedar Falls của Mỹ. Chưa có người chiến sĩ nào phải chịu đựng một cuộc chiến khốc liệt, tàn bạo và phi thường như nhân vật Phan Thành Lợi trong tác phẩm này. Chưa có mối tình nào ngậm ngùi, đau khổ và nghiệt ngã như mối tình của Lợi và Huệ. Đây là một thiên ký sự nhân vật có thật, hùng vĩ và bi thảm nhất trong tình sử chiến tranh VN.















4


Vùng biển mất tích


nxb Đồng Nai 1987.


Truyện xây dựng trên bối cảnh Trị An trong giai đoạn khảo sát địa chất trước khi xây đập thủy điện.

Một mối tình thơ dại giữa một câu thiếu niên làm rẫy và một chị sinh viên khoa địa chất, thành viên trong đoàn khảo sát địa chất do giáo sư TKT hướng dẫn. Xung đột trong gia đình cậu bé giữa việc dời nhà đi hay không? Những xung đột khác trong các gia đình khác. Chị sinh viên đã dùng kiến thức của mình, tình cảm của mình chuyển hóa được những con người nông dân chất phác. Chuyện truyền tải nhiều thông tin có giá trị về địa chất, về xây dựng hồ nước, về thủy điện VN và trên thế giới và về thổ nhưỡng Trị An cách đây hơn 200 triệu năm.

Những kiến thức ấy được lồng trong một mối tình thơ dại, trong sáng hồn nhiên.















5


Vượt biển


nxb Trẻ 1988, 1995.

Ông Thịnh là một thương gia giàu có, đi học tập cải tạo về thì không còn nhà cửa. Đứa con trai duy nhất tên Phúc đang ở tu viện, sắp thành linh mục. Ngày kia, Phúc về thăm nhà giữa lúc song thân chàng đang cùng một cô gái trẻ tên Tuyết bàn chuyện đi vượt biên. Ông Thịnh rủ con cùng đi nhưng Phúc từ chối. Sau đó anh trở về tu viện. Tuy nhiên khi trở về với bốn bức tường lạnh lẽo của tu viện, Phúc thấy nhớ Tuyết đến độ anh phải bỏ nhà tu leo rào trốn về thành phố. Phúc và Tuyết sống những ngày rất thơ mộng bên nhau. Phúc yêu cuồng nhiệt, say đắm nên quyết định theo Tuyết đi vượt biên. Một cuộc đắm tàu kinh hoàng chưa từng thấy trong lịch sử vượt biên. Họ đã chết trên biển.










6


Vua Mèo


nxb Trẻ 1989.


Vua Mèo là một người đàn ông trung niên, một kẻ lạc lõng trong cuộc đời, một nhà thơ kỳ quặc, không biết mình sống để làm gì. Quá khứ của ông là những mối tình ngẫu nhiên, dang dở. Ngày nọ ông gặp một cô gái rất hồn nhiên tên là Lọ Lem trong một tai nạn xe hơi. Lọ Lem cảm thấy bị sự bí ẩn của người đàn ông này thu hút. Nhưng mỗi người có cuộc sống khác nhau. Vua Mèo vào rừng sống với bầy rắn độc, Lọ Lem thì ở ngoài phố. Ngày kia Vua Mèo bỏ rừng, bơi ra biển, đến tận hòn đảo xa. Lọ Lem cũng bơi ra biển để tìm ông.















7


Người tình cũ


nxb Văn Nghệ 1989.


Nguyễn là một thanh niên khát khao lý tưởng, muốn tìm ý nghĩa trong cuộc đời hữu hạn, anh bị cái chết ám ảnh thường trực. Ngày nọ anh gặp Long, người thầy dạy Văn và khám phá ra ông này là một Việt cộng nằm vùng. Nguyễn đã cùng Long và các bạn tổ chức một cuộc biểu tình rộng lớn tại Quy Nhơn để phản đối chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đàn áp Phật giáo. Họ bị bắt. Long bị đánh gãy chân.
Lúc Nguyễn và Long nằm bệnh viên thì đặc công đánh sập một đại bản doanh của quân đội Mỹ tại Quy Nhơn. Chánh quyền phản ứng bằng cách cho máy bay giết nhiều ngư dân ở đầm Thị Nại.
Thời gian này Nguyễn có yêu Tiểu Phượng nhưng chỉ là cuộc tình đơn phương. Nguyễn vào Sài Gòn học đại học và hoạt động CM trong phong trào sinh viên. Anh không gặp Tiểu Phượng nữa.
Tại SG, Nguyễn gặp Oanh, con chủ nhà anh thuê phòng. Sau đó Nguyễn vào chiến khu học vũ khí chuẩn bị cho trận Mậu Thân.
Lúc ở chiến khu về, anh theo Oanh lên Đà Lạt để dự đám cưới. Nguyễn nổi cơn ghen trong tiệc cưới dẫn tới việc anh bị các sĩ quan QLVNCH đánh tơi tả, ném ra đường.
Nguyễn bị đuổi ra khỏi nhà Oanh, về sống ở cư xá sinh viên. Cư xá bị lục soát để tìm người trốn quân dịch và Việt cộng nằm vùng.
Nguyễn thất tình, một mình vào chiến khu rồi xin ở lại luôn trong chiến khu.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, Nguyễn bị thương cụt một chân, anh trở nên vô dụng, bị người yêu bỏ, bị “ngồi chơi xơi nước”.
Đôi lần Nguyễn gặp lại Oanh ôn lại kỷ niệm cũ nhưng chỉ gây thêm đau buồn. Oanh đã là vợ của một người đồng chí của Nguyễn.
Ngày nọ khi Nguyễn đang làm việc ở tòa báo thì Tiểu Phượng đến. Họ dẫn nhau đi xem phim, Phượng kể rằng chồng của cô đã chết ở trại cải tạo.
Đêm giáng sinh Phượng rủ Nguyễn đi chơi tại nhà một người bạn, Phượng hát rất hay làm sửng sốt mọi người. Hai người đều buồn nên uống rượu rất say. Trên đường về nhà họ phải ngồi nghỉ mệt trên hè phố. Ờ đó có nhiều gái điếm hành nghề và họ bị bắt chung với gái điếm và khách làng chơi.
Nguyễn bị làm nhục ở cơ quan và anh tìm đến một làng chài, nơi có Dã Nhân, bạn anh, đang sống. Anh trở thành một người dân chài.














8


Kẻ tử đạo cuối cùng


nxb Trẻ 1989.


Tác phẩm mang tính ngụ ngôn. Những người trí thức, nghệ sĩ và một thằng điên yêu say mê một cô gái đẹp mà sau này họ mới biết chỉ là một kẻ tầm thường. Tình yêu đó đã đem lại cái chết cho họ. Người chết cuối cùng là một nhà văn, kẻ đã phản tỉnh và tự sát vì ê chề về sai lầm của mình.















9


Thung lũng ảo vọng


nxb Trẻ 1989.


Một Tổng đội thanh niên xung phong được gởi đến trồng lúa ở một vùng rừng ven sông thuộc tỉnh Dak Nông. Tuy nhiên đây là một thung lũng đầy đá ngầm. Họ đã thất bại nhưng trong thất bại ấy họ tìm thấy tình đoàn kết và phát hiện những con người ưu tú đồng thời qua lao động gian khổ, những người xuất thân là xã hội đen đã tự chuyển biến trở thành người tốt.















10


Hoa dại lang thang


nxb Văn Học 1990.


Phượng là con nhà giàu, có học thức nhưng sống rất bạt mạng, uống rượu, đánh bạc, đua xe. Ngày nọ cô theo một phái đoàn đi Duyên Hải chơi. Lúc đó Duyên Hải còn là một làng chài xơ xác. Phượng gặp một bí thư xã trẻ nhưng rất khinh bạc và cô độc. Trước đây anh ta là một du kích. Sau giải phóng anh được cử làm bí thư xã nhưng không thích công việc này, anh thích sống tự do nên bỏ nhiệm sở.
Phượng chơi với đám bạn buôn lậu nên bị công an rượt đuổi, cô chạy trốn vô rạp xiếc và gặp một thằng hề cứu cô chạy thoát vào một vườn trái cây ở Long Khánh giữa đêm khuya. Sáng hôm sau, khi mặt trời lên, cô nhận ra thằng hề đó chính là anh chàng bí thư xã ngày nọ. Họ trở thành một đôi tri kỷ chuyên đi chọc phá những cán bộ tham nhũng, những tệ nạn xã hội trong đó có ba của Phượng và các bạn bè quan chức của ông này.
Những tham quan này bị lộ nên tìm cách vượt biên. Họ cưỡng ép Phượng đi theo, bỏ anh hề lại một mình trên bờ biển.
















11

Người lính đơn độc
nxb Văn Nghệ 1990

Chương thi rớt đại học nên buồn tình nhập ngũ, trở thành sĩ quan công an. Thục, bạn gái của Chương đi Đà Lạt học đại học. Trên chuyến bay, Thục quen với Vẩn Thạch và một người đàn bà Pháp tên là Monique. Máy bay trục trặc phải hạ cánh khẩn chấp và bốc cháy, Vẩn Thạch cứu Thục ra khỏi đán cháy. Họ quen nhau. Vẩn Thạch là một người đàn ông sống bất cần đời nhưng rất lặng lẽ, không phá phách, không buông thả. Ông ta sống như một kẻ lạc lõng giữa đời.
Hai người có những ngày rất lãng mạn ở Đà Lạt. Sau đó họ chia tay về quê ăn Tết.
Thục bị người anh rể cưỡng hiếp. Cô trở lại Đà Lạt. Cô tìm Vẩn Thạch nhưng hắn đã đi Cam Ranh.
Thục tìm thấy Vẩn Thạch ở trong một vườn trái cây và phát hiện ra hắn là một kẻ buôn lậu má túy và xe hơi.
Tuy nhiên hắn làm công việc ấy để giết thì giờ chứ không phải để làm giàu vì hắn tiêu tiền rất phung phí. Tài sản hắn không có gì ngoài vài bộ đồ cũ. Hai người yêu nhau.
Trong một phi vụ hắn và Thục bị bắt. Người bắt họ là thiếu úy Chương. Chương thả Thục và cưới cô làm vợ. Vẩn Thạch vượt ngục.
Ngày kia hắn nhận lời sang Lào tải thuốc phiện về Việt Nam. Sau nhiều ngày vượt rừng, hắn đem được thuốc phiện về biên giới thì bị biên phòng bắt. Vẩn Thạch mở đường màu chạy trốn vô khu cư xá sĩ quan công an và lọt vô nhà Thục. Thục đề nghị đưa hắn đi trốn nhưng Vẩn Thạch từ chối và ra đứng hút thuốc ngoài ban-công rồi bị bắn chết.













12


Trong vòng tay người khác


nxb Tác phẩm Mới 1990.



Huệ là một người đàn bà đã có chồng con nhưng yêu Duy, một họa sĩ. Duy bị đánh ghen khiến cho mặt anh biến dạng. Huệ bị chồng nhốt vào một đồn điền cà phê xa cách thành phố. Duy thất tình, đi tìm Huệ và giả dạng một người giúp việc cho đồn điền của Huệ. Vì mặt anh bị biến dạng nên Huệ không nhận ra. Nhưng cuối cùng Huệ cũng nhận ra người yêu. Họ định trốn đi nhưng những đứa con đã giữ được người mẹ ở lại. 


















13


Bù khú tiên sinh


xuất bản tại Hoa Kỳ



BÙ KHÚ KHÔNG CHỜ GODOT

Chờ Godot, chờ God, Chúa Trời. Chờ để làm gì? Để nhận một sự cứu rỗi? Một ơn sủng hay một đóm sáng hy vọng?
Những nhân vật của Samuel Beckett đang chờ Godot, nhưng Bù Khú thì không.
Bù Khú sống như thể gã là nhà tiểu thuyết của cuộc đời mình, là kẻ sáng tạo ra bản thân mình. Ở phố, ở rừng, ở tù, ở chùa, ở với vũ nữ, gái điếm, tiếp viên hàng không… đâu cũng thế, vẫn cứ là gã. Sống thực, sống đầy, sống như triều dâng, sống hoang dã và sống tận tình, sống lặng lẽ và sống bất bình.
Gã có thể bù khú hay im lặng, cười hay khóc, phóng đãng hay thánh thiện. Sao cũng được. Nhưng không bao giờ sống giả.
Gã đem cuộc đời mình ra mà bù khú, mà chơi, mà sáng tạo và hủy diệt. Đó là dốc hết tinh anh của mình ra mà sống, không cần ai tán thưởng.
Như một dòng sông háo hức dục tình, băng vào một đại dương bao la, gã phóng mình đi, không chờ ai theo bước. Không chờ Godot. 

NHẬT CHIÊU













14

Kỷ niệm đàn bà
nxbVăn Nghệ 1990.










15


Nổi loạn


nxb Hội Nhà Văn 1993.



Đây là một tác phẩm đã bị kết án tử hình. Nó đã bị bắn nhiều loạt đạn, một ngàn mũi tên tẩm thuốc độc, bị chém bởi những lưỡi dao cùn…
Trong một thời gian dài, tác phẩm đã bị mấy tờ báo quốc doanh lên án nào là đồi trụy, phản động, nào là nhảm nhí không có chút giá trị văn chương nào. Họ hùa nhau như đám hôi của, đám cơ hội, hò hét, nhảy múa, xỉa xói.
Và cuối cùng là chém ngang lưng, tru di tam tộc.
Nhưng tác phẩm vẫn sống. Bởi vì nó quá mãnh liệt, nó đầy ắp những chất liệu sống hung hãn và độc đáo. Không một trí tường tượng nào có thể nghĩ ra được các tình huống, các chi tiết đã được người trong cuộc “bứng” từ trong mảnh đất thực tế đời mình đem trồng vào tác phẩm và được nhà văn vun đắp gọt tỉa thành một chuyện tình, một tác phẩm văn học đầy lửa và đầy tro tàn, vừa cháy bỏng vừa lạnh giá, vừa lung linh vừa u ám ngậm ngùi.

(Theo eMicLib)













16

Lạc Đường
(tự truyện)
nxb Giấy Vụn 2008 + nxb Kim Thư Production USA 2008.



Hồi ký về cuộc đời hoạt động cách mạng của Đào Hiếu từng gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước các năm 2008, 2009, 2010.



Sách dày 250 trang khổ book size, xuất bản tại Hoa Kỳ.

















17

Tuyển tập Đào Hiếu
(tập 1 và tập 2)
nxb Kim Thư Production USA 12. 2009.










18


Mạt lộ



nxb Lề Trái (tự xuất bản), 03. 2009.



Bi kịch của một phu nhân, cán bộ cao cấp của Việt cộng và một cô gái trẻ con của một sĩ quan chế độ cũ đi theo kháng chiến và tự sát trong rừng vì bị VC nghi ngờ. Tác phẩm đã được dịch ra tiếng Anh với nhan đề “A Lady from “R”.















18 a
A Lady from R
bản dịch tiếng Anh của tác phẩm Mạt Lộ,
do Bích Nga dịch, Trịnh Y Thư hiệu đính.








19
Nữ quái
(truyện vừa) nxb Hoài Niệm
Chuyện có ba tuyến nhân vật:

-Nữ Quái và đồng bọn chuyên đánh ghen, đòi nợ mướn, từng gây nhiều vụ án táo bạo trên đường phố Sài gòn nhưng không gây chết người.
-Tên bịt mặt, gây án một mình, chuyên chặn đầu xe, bắn bể lốp xe, gây mê tài xế rồi bỏ đi. Không cướp tài sản.
-Sĩ quan công an Duy thụ lý vụ án Nữ Quái. Anh này có vợ chưa cưới là Vân, con gái của ông Đặng Trí, một cựu diễn viên điện ảnh.
Giữa lúc Duy đang loay hoay chưa tìm ra manh mối của Nữ Quái thì Vân bị Nữ Quái bắt cóc. Duy đem quân giải cứu nhưng bất thành. Bất ngờ nữ quái quyết định thả Vân và hẹn Duy đến nhận người.
Duy chưa kịp đến thì ”tên bịt mặt” xuất hiện và bắt Vân khỏi tay Nữ Quái. Trong trận đụng độ, Nữ Quái đâm tên bịt mặt trúng vai, hắn mang theo Vân, bỏ chạy trên mô-tô. Nữ Quái đuổi theo, tên bịt mặt đuối sức vì vết thương ra nhiều máu nên tấp vô cái chòi giữa đường. Nữ Quái lái xe vô chòi. Ba người gặp nhau. Nữ Quái sơ cứu cho tên bịt mặt và nhận ra đó là người tình cũ của mình, và ông ta cũng chính là diễn viên điện ảnh Đặng Trí, ba của Vân. Duy cũng vừa đến, kinh ngạc vì sự có mặt của ba vợ tương lai.
Đặng Trí giải thích rằng sở dĩ ông bắn các lốp xe vì những xe đó xả khói mù mịt đường phố. Trước đây chính vợ ông (mẹ của Vân) đã bị khói xe phun vào mặt ngã xuống đường và chết. Ông là một diễn viên điện ảnh chuyên đóng phim hành động nên muốn giải quyết nạn ô nhiễm môi trường theo kiểu điện ảnh.
Vì thế mặc dù ông gây án nhưng không có hậu quả nghiêm trọng và động cơ của ông là bảo vệ môi trường nên bản án có thể giảm nhẹ.

Duy chỉ còn một việc là phá vụ án Nữ Quái. 










20
Khói trắng thiên đường

Người Việt Books











21

Đốt đời


nxbHoài Niệm 2016


Nhân vật chính Thuỳ Vân không đốt mình bằng lửa. Mà đốt bằng khói ma tuý. Nhưng cô vẫn có sức hút mãnh liệt đối với một ông già hưu trí. Một cuộc tình so le, vừa lãng mạn vừa lừa dối. Nhưng lão già si tình ấy vẫn theo đuổi cô cho đến tận… nhà tù.
Ông không ngây thơ để nghĩ rằng mình sẽ cảm hoá được cô, nhưng ông vẫn tưởng tượng ra điều ấy. Và ông đã đi lạc, đã đánh mất mình trong một buổi sáng sương mù dày đặc trong rừng cao su nơi vành đai trại giam. 


















Đào Hiếu ngoài 30 tuổi

















Truyện ngắn và tạp văn




22

Bầy chim sẻ
NXB Văn Nghệ 1982.






23

Những bông hồng muộn
nxb Trẻ 1999.






24
Tình địch
nxbTrẻ 2003.








Thơ




25
Đường phố và thềm nhà

nxb Trẻ 2004.


Đường phố ít xe cộ và người đi
Lặng thinh giữa hai hàng cây
Vì thế có thể làm quen được với nó
Có thể ngồi xuống một bên và nói nhỏ
Có thể nhặt hòn sỏi rồi lăn đi
Mất tăm sau đám cỏ.

*
Đó là trò nghịch ngợm của anh
Trò nghịch ngợm của người đàn ông bốn mươi tuổi đang yêu.
Dại dột và đằm thắm.

*
Không có em chẳng biết nói chuyện với ai
Anh chơi cùng mấy quả bàng
Những quả bàng chín vàng rụng đầy thềm nhà
Anh ngồi cặm cụi và chăm chỉ
Đập vỡ chúng bằng những hòn đá nhỏ
Những quả bàng chín vàng rụng đầy vỉa hè
Sáng sớm anh chạy băng trong gió
Đá chúng văng trên lối đi
Văng trên cát ẩm ướt

*
Những quả bàng của Hà Nội tiền chiến
Một thời chín vàng rơi vào ký ức anh
Như quả thị thơm trong cổ tích
Những quả bàng của tình yêu nên thơ
Làm hồn anh trẻ lại.

*
Anh yêu em như con lừa ngu dại
Của chàng Jimenez
Ngẩn ngơ giữa hoàng hôn, quên cả lối về.

*
Biển và gió thổi vào lòng anh
Sự trong sạch và hồn hậu
Anh trần truồng tắm trong bình minh
Mà không xấu hổ
Anh kể về em với gốc cây
Mà không hề mất trí
Có đứa trẻ con đứng nhìn anh say sưa
Và đưa cho anh điếu thuốc lá.

*
Anh yêu em dễ dàng minh bạch và ảm đạm
Như đám mây đứng hoài trên đỉnh núi kia
Trông vời ra biển
Trời cứ mưa từng chặp, từng chặp
Anh ngồi uống bia một mình dưới giàn hoa
Có ai đó hát một khúc nhạc thủ thỉ
Có ai đó trốn mưa dưới mái hiên
Không hề biết tình yêu của anh
Ủ trong ngực áo
Ủ trong cơn mưa xanh
Làm rụng những chiếc lá bàng.

*
Đường phố dắt anh đi hoài
Người đang yêu lúc đi không nhìn ai
Người đang yêu lúc đi hay nói thầm
Giống như biển nói mãi nói mãi
Giống như gió reo hoài reo hoài
Mà không thấy chán

*
Cái tên em cũng giản đơn như tên mọi người
Nhưng vì anh là con lừa nên anh thấy hay
Càng gọi càng yêu dấu

*
Anh yêu em trên đời này có ai mà không biết
Có người khinh anh, có người cười anh
Bảo anh dại dột
Nhưng anh chỉ muốn nghe biển cả
Chỉ muốn nghe ngọn núi và những đám mây kia
Nói lời phán xét
Bởi mối tình anh
Biển cả, đất trời, cỏ cây đều biết.








26
Tín hiệu bị thất lạc

(NXB Lề Trái 2012)


Em lướt qua như sóng.
Chiếc lá bay trong cơn mưa giông.
Nhìn thấy nhưng không bắt được
Chạy theo, với tay.
Lạc mất trong khói bụi phố xá.
*
Em chớp tắt như ánh đèn vũ trường
Ẩn hiện như đom đóm xanh
Rúng động cảm giác
Black light bò trên da tay
Như con rắn yểu điệu
Cắn anh trên sàn nhảy Internet
Vết cắn êm ái như nụ hôn
Máu chảy mềm mại như dòng sữa
Chảy ngược từ cổ tay lên trái tim hỗn loạn
Làm cho nó lịm đi
Lim dim
Ngủ.

*
Anh vẫn tưởng nó đã ngủ.
Nhưng nó đang mê muội
Đang mơ giấc mơ khùng.

*
Tóc em như rừng mưa nhiệt đới.
Dày đặc, ẩm ướt, nồng nàn
Anh ngủ mê trên tảng đá rêu phủ
Em đến và đặt bên cạnh anh một hạt dẻ chưa nấu chín
Cũng chưa được nướng trên lửa.
Nên khi thức dậy anh không có gì để ăn

*
Vết cắn của con rắn
Để lại nọc độc trong máu anh
Nọc độc ấy không làm chết người
Nọc độc làm anh nhớ.



(Nổi khùng trong 2 phút)
















Việt cộng















Bút Ký



27
Người đàn bà trên đời cỏ
tập bút ký văn học, tạp văn, phê bình văn học, ký sự nhân vật… gồm đủ mọi đề tài.
(nxb Lề Trái 2012)










28
Tiểu luận

Tiểu luận chính trị gồm 3 tập:




Cuộc cách mạng bị thất lạc



Mặt đất vẫn còn rung chuyển




Gorbachov của Việt Nam

Tuyển tập các bài tiểu luận chính trị và thời sự nổi tiếng của Đào Hiếu từng gây xôn xao dư luận trên các diễn đàn Talawas, BBC, Da Màu, Tiền Vệ và các diễn đàn khác trong nước và ngoài nước.

(nxb Lề Trái 2012)























Nhận định chính trị


Lý do tại sao ông đã lựa chọn vào đảng Cộng sản trong cuộc chiến tranh Việt Nam?

“ ...Những người có tấm lòng không thể không tìm kiếm một chọn lựa.
Nhưng chọn lựa ai?
Ngô Đình Diệm? Ông vốn là quan Thượng thư Bộ Lại dưới triều Bảo Đại, sau đó sang Mỹ núp bóng Hồng y Spellman rồi được Mỹ đưa về thay Bảo Đại. Ông ta có công lao gì với đất nước?
Những vị anh hùng như Nguyễn Trung Trực, Hoàng Hoa Thám bị giặc Pháp bêu đầu giữa chợ, Hoàng Diệu tuẫn tiết theo thành Hà Nội… còn Ngô Đình Diệm, ông ta đã đổ giọt mồ hôi nào cho cái đất nước này?
Thế còn Big Minh, ông Khánh, ông Thiệu, ông Kỳ? Họ là sĩ quan của Pháp, nói tiếng Pháp, cầm cây súng Pháp và... ăn lương của Pháp.
Làm sao những chàng trai đầy nhiệt huyết của thế hệ anh và tôi có thể chọn lựa họ, đi theo ngọn cờ của họ? ”

Ông không hề hối tiếc sự lựa chọn của mình, mặc dù đã phê bình:
“ ...Ngày nay chính quyền cộng sản Việt Nam đã tự hủy hoại "thanh danh" của mình bằng sự độc tài và lòng tham vô độ, đã phô bày lộ liễu cả một guồng máy tham nhũng xù xì, lông lá...

"Những người cầm quyền cộng sản ở Việt Nam hiện nay đã phản bội quá khứ, phản bội xương máu của đồng bào đồng chí mình. Họ là những người phải hổ thẹn (nếu họ còn biết hổ thẹn) chứ không phải tôi, cũng không phải anh, không phải những người lính đã ngã xuống ngoài mặt trận.”

Về tự do báo chí ở Việt Nam:
“ ...các nhà báo, các biên tập viên, thậm chí các ông tổng biên tập hay giám đốc nhà xuất bản cũng chỉ là những kẻ biết vâng lời cấp trên. Và theo cách nói của cố tổng biên tập báo công an Huỳnh Bá Thành thì họ cũng chỉ là những người "suốt đời nịnh Đảng" để giữ cái ghế của mình, giữ nồi cơm của mình mà thôi. Họ không có chọn lựa nào khác.”


















LÊ VŨ

Tùy bút

ĐÀO HIẾU ÔNG LÀ AI ?


Câu hỏi treo lên và đã có quá nhiều câu/ cách trả lời ! Một tên Việt Cộng ngu xuẩn một gã cò mồi chính trị một nhà văn đối kháng một người muốn mua sự nổi tiếng bằng văn chương nổi loạn một cây bút trung thực một người cách mạng chân chính một tên phản bội ăn cháo đá bát...Những cái áo khác màu khoác vội những nhản mác rậm rì dán bít bùng khuôn mặt Đào Hiếu vì mỗi người đã/ đang nhìn anh bằng con mắt khóc người một con . Họ lại đứng trên những lằn ranh địch- ta bạn- thù văn chương- chính trị - xã hội ...rất khác biệt để nhận diện nên Đào Hiếu ông là ai ...vẫn còn đó mơ hồ nhầm lẫn đôi khi rối mù bao nhiêu luận điệu trù dập lên án tụng ca ...

Tôi là người ĐỌC Đào Hiếu và may mắn gặp anh hai lần bằng xương bằng thịt. Mùa xuân thành phố buổi chiều vẫn cấp tập và náo động . Xe như nước bụi như sương nhoen nhét và ồn ĩ thanh âm cáu giận. Dưới tán cây thẩm bóng hôn hoàng tôi nhìn Đào Hiếu nhâm nhi . Rượu sóng sánh soi một khuôn mặt chữ điền hừng hực nam tính. Nhìn Đào Hiếu vẫn còn đầy phong độ và sức sống nam nhi dù đuôi mắt lục tuần đã nhăn nhíu những vệt chân chim. Anh kể tôi nghe không phải những cái chuyện vặt / không vặt của cái thời sinh viên liều mình như chẳng có hay buổi ăn muối ngủ hầm làm cách mạng mà kể những chuyện tình của đời mình. Ký ức tình anh nói vẫn là những vết thương đau nhói ngày mưa tháng gió . Và tôi nhận ra những chuyện tình của anh đỏ như máu nóng như sôi vẫn lục lạo trái tim và quẫy động trên từng phân ly thịt da người đàn ông đa tình . Vâng trên và ngoài tất cả Đào Hiếu là một gã LÃNG TỬ ĐA TÌNH mà đa tình tự cổ thiên di hận. Cái hận đó Đào Hiếu để trào ra đầu ngọn bút nên văn chương anh còn hơn cả sự thật trần truồng : những mối tình mê đắm những thân phận ngựa hoang những mảnh vỡ đi lạc ...Thục ( Kỷ niệm đàn bà ) Phượng ( Hoa dại lang thang) Ngọc ( Nổi loạn) Thu trong "Về đâu" ...không phải là những hình nhân đất sét nặn từ óc tưởng tượng mà là xương thịt máu huyết tâm tình nồng cháy của một Đào Hiếu tài tử đa tình đa cảm. Họ mỗi người một vẻ khác nhau về xuất thân nhưng đều có chung một điểm cơ bản trong tính cách : xa lạ với cuộc đời nổi loạn trong tình yêu bứt phá những taboo tình dục ...

***

Buổi chiều gió lao xao gió nhưng câu chuyện về Ngọc như những nhát cắt băm vụn cả một chiều xuân đẹp. Hỡi thế gian Tình là gì ? Và Đào Hiếu thầm thì vào tai tôi : " Nổi loạn" là một chuyện tình có thật trăm phần trăm thật cả chuyện anh hàng xóm mê cuồng nhan sắc thật những cơn say giọt máu chảy ...Tôi đã viết không là ghi lại những cuộc làm tình với đầy ắp ngẩu hứng trong veo. Này đây là một hiến dâng/ chiếm đoạt ngọt ngào :

Ngọc ném quấn áo của Phan xuống đất mặt ngời như lửa.

- Em sẽ nghiền nát anh.

Phan cảm thấy hai cái vú của Ngọc đè lên ngực mình tóc nàng che lấp cả khuôn mặt chàng. Người đàn bà trẻ đóng đinh chàng trên pháp trường vùi lấp chàng bằng cào cấu cắn xé. ( Nổi Loạn )

Trong đời thường Ngọc là một phần đời máu thịt của anh với đủ cay chua mặn đắng máu và nước mắt hoan lạc và địa ngục. Bên cạnh là Thục Phượng Thu ...những người phụ nữ nóng bỏng yêu thưong khát khao đi tìm một chân trời tự do nhưng cứ bị cuốn xoáy vào cái bi kịch lẩn quẩn của kiếp người : bị hảm hiếp trấn lột bội phản lừa lọc ...Họ hoàn toàn mất niềm tin lạc phương hướng nên thả nổi phận mình lêu bêu rong rêu cho đến khi gặp chàng tài tử và tình yêu thành viên thần dược tình dục treo lên cái phao cứu sinh cứu rỗi phận người . Phượng cô con gái nhà giàu bỏ nhà theo một anh hề ( làm xiếc) dọc đuờng gió bụi. Thục một sinh viên trong trắng bám theo một gã buôn lậu lang bạt kỳ hồ ...Họ yêu nhau trên cỏ trên đá trên lá hoa yêu nhau như muôn loài muôn thú dưới mặt trời từ chối tiện nghi vật chất xa hoa như một phản ứng hiện sinh tích cực trong cái thế giới đồng tiền lên ngôi với máu me và sex cái thế giới bốc mùi vo ve những ruồi nhặng đen đầu những xác chết của người và chuột. Và chúng ta tìm thấy giữa những cuộc tình nhân gian ở đây một Đào Hiếu ngầy ngật men tình phóng dật tự do đến bất cần sẵn sàng xổ toẹt những chân lý giáo điều luật lệ sẵn sàng quẳng bỏ vào thùng rác chợ trời phường phố phe phái những mưu toan...Khi "Nổi Loạn" xuất bản năm 1993 thì ngay lập tức những tay cơ hội và cả những kẻ bị ám ảnh tình dục đã nhập cuộc và lãng tử bị đập tơi tả như cái mền rách. Đơn giản thôi người ta cứ muốn giấu đi những mặt trái những ẩn ức những lở loét ung nhọt - Nụ cười anh bỗng nở trên môi- Tôi đóng vai khán giả. Tôi ngồi hàng ghế dưới hút thuốc lá và thỉnh thoảng vỗ tay... 

Tôi cũng muốn vỗ tay theo anh nhưng chân tay hầu như bất động khi Vẩn Thạch- những mảnh vụn vơ vẩn của thiên thể- đã tan tác về với bụi tro ngay dưới chân em cội nguồn. Còn Hề mặt như ngáo ộp khi người ta lấy đi truớc mũi mình nguồn sống ấm nóng yêu thương. Buôn lậu thân nam tử cuối cùng nổ tan xác pháo; bụi đời trượng phu ngạo nghễ đành bó tay trơ mắt nhìn bị cướp đoạt. Phan của " Nổi Loạn" như thể đã cố gắng khép mình trong trật tự viên chức nhưng những trang viết và công việc buồn ngủ đến trì độn của một Biên tập viên có nghĩa gì giữa dòng đời xiết chảy hoang mang bổng bùng lên một tình yêu da diết với vực sâu núi đèo mê hoặc. Nguyễn Du xưa dù có hâm mộ Từ Hải " dọc ngang nào biết trên đầu có ai" cũng đành cho Từ chết đứng giữa trận tiền và ngã xuống khi giọt lệ giai nhân ướt chân. Từ chết vì bằng lòng trao tấm thân muôn trượng cả mười vạn tinh binh trong tay nàng mặc nàng; Từ không chết vì thua trận Hồ Tôn Hiến . Đào Hiếu đã để cho Vẩn Thạch nằm chết như thế khi người đẹp chim sáo sang sông cho Hề quay quắt khô héo khi em cánh chim bay đi biển rộng. Không thể khuấy bùn lên khua sóng mà chơi và vì con đường nào cũng rập rình những mưu toan bẩn thỉu những nhân vật hóa thân của Đào Hiếu đành quay lưng với cuộc đời im lặng mộng mơ chế giễu và ...tắc. Cửa hẹp Ngọc quay về tìm con và Phan lãng tử hồi đầu về nhà với ...vợ. Thế đó đa tình phải chăng để hận mênh mang sầu lênh loang ?

Nhưng đa tình với đa cảm là hai trong một. Nếu như Từ chỉ biết vùi vào ngực Kiều hương lửa nồng nàn mà không biết động lòng bốn phương thì sá gì một tên võ biền không biết đến cái mả cha nhà mình. Đào Hiếu biết động lòng nên ngắn dài trăn trở mà bất lực thôi thì làm một ngọn lửa nhỏ.

Ngọn lửa nhỏ không dùng để làm gì
Vẫn có thể đốt lên điếu thuốc
Giữa cuộc đời mênh mông 
( Lạc Đuờng)

Phải chăng anh cũng muốn đốt một điếu thuốc để chiêu hồn ? Không anh dụi thuốc vào gạt tàn vì quá khứ chẳng có gì để chiêu. Anh nhấc ly và tu tận hoan dù nhân sinh chẳng hề đắc ý . Bỏ đi anh nói hãy rời bỏ loài người hãy đến chỗ của vô tận chỗ của phi thời gian...

***

Đêm về sâu nhưng quán vẫn ầm ào. Người vẫn lũ lượt tìm say để lăn quay quên đi cái thế giới đang bốc mùi trứng rận chối bỏ mớ lý tưởng bùi nhùi giẻ rách và làm biến đi những cái mặt đầu trộm đuôi cướp nhan nhản giữa cuộc ngày ...Đào Hiếu có khác hơn. Ngay trong tự truyện " Lạc Đường" sau khi nôn thốc nôn tháo bao nhiêu bí ẩn tưởng như là vĩ đại dị kỳ của nhân sinh anh chàng mê lạc đã vội vàng tắm gội và đùa giỡn với cái của quý của mình bằng lòng làm một con cá voi hoành tráng. Tôi nằm ngửa duỗi dài buông thả nhìn ngắm thân thể trần truồng của mình lấp lóa nắng. Cái dương vật dài suôn rập rềnh theo mảng lông đen ngời như rong rêu. Tôi không còn là một ông già sáu mươi tuổi mà là một con cá voi nhỏ đang thưởng thức sự cường tráng của mình. Tôi đang sống. Đang hòa nhập. Đang hóa thân Đang vô danh ( Lạc đường) .

Có lẽ tôi thích Đào Hiếu vì bao giờ anh cũng sẵn sàng truồng và thật như thế ...

Sài Gòn tháng 2/09- LV















Truyện ngắn
Đêm Trăng

Minh cũng một thời si mê Hằng nhưng chưa hề dám tưởng tượng rằng có ngày mình gặp và ở chung với người kỳ nữ ấy trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế này...
Người ta phát hiện ra ca sĩ Thu hằng trốn đi từ sau bữa cơm chiều. Hồi còn mặt trời, anh em đi làm cỏ đậu về đã không thấy Hằng rồi. Đến bữa ăn, cô lại vắng mặt. B tưởng sinh nghi, tìm khắp nơi.
Đội bảo vệ trường do đồng chí Bảy Lãnh chỉ huy, xách súng bơi qua sông. Đội gồm ba người.
Một: Tư Hào, trước làm đội trưởng đội bảo vệ, hễ khi học viên trốn đi mà bắt được là anh ta đánh. Chuyện ấy đến tai ban giám hiệu trường. Tư Hào bị cách chức, Bảy Lãnh lên thay. Bảy Lãnh “chánh trị” hơn, điềm đạm, có tình có lý hơn. Nhưng cũng rất cứng rắn.
Hai: Minh Vồ, một tay du đãng chán đời đi làm găng tơ đường sắt. Nghề của anh ta có liên quan đến bộ bài ba lá và con dao găm. Minh Vồ một thời làm mưa làm gió suốt tuyến đường từ ga Long Khánh về tới Sài Gòn bất kể lực lượng an ninh trật tự trên tàu. Nửa năm cải tạo, anh ta “chuyển biến tốt” và được bổ sung vào đội bảo vệ của trường.
Người thứ ba là Bảy Lãnh.
Ba người cầm ba cây đuốc, chỉ có mình Bảy Lãnh mang súng. Tư Hào xách cái rựa ngoéo, đi trước mở đường. Bảy Lãnh theo sau, Minh Vồ đi cuối cùng. Nhiều lần anh phải chạy vì Tư Hào đi nhanh quá, mới thấy ánh đuốc loáng trong lùm cây này đã biến mất trong bụi rậm kia. Tư Hào nóng lòng vì anh ta thấy có trách nhiệm trong vụ trốn trại này. Chính anh ta dẫn đội Thu Hằng đi hái chuối rừng. Tới nơi, anh ta còn ba hoa chỉ đường này về Long Khánh, đường kia ra xa lộ, đường nọ đi Vũng Tàu làm như thể mình là dân kháng chiến ở rừng lâu đời lắm. Thế là Thu Hằng để ý và trốn đi.
Bảy Lãnh chợt ra hiệu cho mọi người dừng lại. Anh giơ cao ngọn đuốc khỏi đầu. Ánh lửa vàng cam chiếu long lanh trên những giọt mồ hôi rịn lấm tấm trên trán, anh nói:
-Tẻ ra đi. Một giờ sau tập trung tại rừng chuối.
Minh chọn hướng bên trái. Anh muốn đi về phía ấy vì hình như thoáng trong gió anh nghe có hương hoa gì rất nhẹ và ánh trăng sáng bạc như sữa. Minh đi rất nhanh trên lối mòn của thú rừng, chần chờ một chút trên bãi cỏ đầy vết chân nai, nghe ngóng hồi lâu rồi quyết định tắt đuốc.
Ánh trăng chảy quanh anh. Minh nghe mùi thơm dịu của hoa ngọc lan bay ngan ngát. Biết đâu Thu Hằng không bị cái mùi thơm này dẫn dắt. Minh nghĩ như thế vì hương hoa nhắc anh nhớ đến mùi nước hoa mà Hằng vẫn thường dùng. Hôm đầu tiên bị bắt và đưa tới trường này Hằng đi ngang qua chỗ Minh đang cuốc đất, anh cũng nghe sực nức mùi nước hoa đắt tiền ấy, ngẩng lên, thấy một tiểu thư toàn đen, tóc óng ả trên bờ vai. Minh lặng người đi. Trời ơi, ca sĩ Thu Hằng chứ còn ai. Cô ca sĩ một thời quyến rũ giới trẻ bằng giọng ca khàn khàn đầy nhựa thuốc lá. Thế rồi mất biệt thời gian dài, và một đêm kia, trong cuộc vây bắt một toán buôn thuốc phiện lậu người ta nhận ra Thu Hằng với khẩu ru lô nạp đạn sẵn trên tay.
Minh cũng một thời si mê Hằng nhưng chưa hề dám tưởng tượng rằng có ngày mình gặp và ở chung với người kỳ nữ ấy trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế này.
Minh rọi đèn bấm vô một bụi rậm vừa có tiếng động. Đó chỉ là một con thỏ rừng. Anh tìm kiếm quanh một hố đá rồi đi theo tiếng nước róc rách. Hương hoa ngọc lan tỏa ngát một vùng rừng. Minh dừng lại, lắng nghe tiếng vi vu của trăng sau tầng lá mỏng trên đầu. Ngọn gió đi qua như có một đôi cánh mỏng trong suốt. Anh tưởng tượng ra Thu Hằng đang đứng tần ngần bên suối.
Minh gọi vừa phải:
-Thu Hằng ơi, về đi.
Dòng suối đã hiện ra dưới thấp, chỗ có những chiếc lá chuối nước lấp lánh ánh sáng. Nếu mình gặp Hằng ở đây mình nói sao để cho Hằng quay về? Chắc chắn là phải giải thích, nếu cần thì năn nỉ. Nhưng nếu hỏi mà Hằng không trả lời, nếu giải thích mà Hằng chỉ nhún vai như đã từng nhún vai và nói thẳng vào mặt mình: “Anh sức nào mà theo tán tôi. Xin cho tôi hai chữ bình an đi anh Minh Vồ ạ.” Hằng nhấn mạnh chữ “vồ” một cách cay độc và châm chọc rồi cười, môi nhếch lên. Nhưng khổ chưa, Minh vẫn không thấy trong nét cười ấy có chút gì đáng giận, cái nét cười sao mà duyên dáng quá, cái dáng đi sao mà y hệt như cô đào Michèle Mercier! Minh chỉ nói mấy tiếng: “Thu Hằng ạ, rồi cô sẽ hiểu rằng tôi không còn là thằng Minh Vồ ngày trước đâu, tôi đã được làm nhân viên của trường thì cũng đủ chứng tỏ…”
Thế rồi Minh đến dòng suối, đi khuất vào những lùm cây bên con đường mòn nhỏ. Anh chợt nghe lẩn trong tiếng róc rách có tiếng lội nước lõm bõm rất gần.
Dưới ánh trăng, Hằng xắn quần lội qua suối. Minh đứng lặng im một lúc rồi nhón chân đi lại phía ấy. Lúc đã đến thật gần cô gái, anh đột ngột rọi đèn bấm thẳng vào mặt cô và nhảy ra chỗ mỏm đá, đứng dạng chân, hai tay chống mạnh. Thu Hằng rú lên một tiếng khẽ.
-Cô theo tôi về!
Trong ánh mắt đen đẹp tuyệt vời kia, Minh thấy nỗi sợ hãi.
Đột nhiên Hằng nhích tới một bước, mái tóc sổ tung, mặt ngửa ra dưới ánh trăng. Cô năn nỉ.
-Ở đây chỉ có anh với tôi. Anh tha tôi đi. Anh làm ơn đưa dùm tôi ra ngoài lộ rồi tôi đền ơn anh.
Minh ngây người trước sự gần gũi đột ngột ấy, anh không biết xử trí ra sao, chỉ biết một cách mơ hồ rằng những lời yêu cầu ấy không thể thực hiện được, rằng làm như thế là trái.
-Không. Cô phải theo tôi về trường. Tôi không thể để cô trở lại thành phố, sống lại kiếp sa đọa cũ.
Minh nói một cách khốn khổ, như van xin, như tỏ tình.
Bỗng nhiên cô gái ôm chầm lấy Minh, dụi đầu vào ngực anh rồi bật khóc.
-Anh Minh ơi, Hằng đi lạc trong rừng, gai cào nát cả chân đây này.
Minh rụng rời tay chân, anh lắp bắp nói:
-Vậy thì cô phải về để tôi băng bó cho.
-Hằng không thể sống ở đó thêm một ngày nào nữa. Xin anh nghĩ tình, dẫn Hằng ra tới ngoài lộ thôi. Anh muốn gì em cũng chiều.
Một cái cúc áo được mở ra. Minh ngăn tay cô lại.
Thu Hằng gục xuống, khóc.
Minh ngồi xuống một tảng đá lớn, tựa cằm lên hai đầu gối, đăm đăm nhìn xuống suối. Nước róc rách dưới chân anh. Đột nhiên anh nói:
-Cô đi đi! Hãy đi nhanh lên, không thì người ta sẽ đến đây bắt cô ngay bây giờ.
Ngay lúc ấy Tư Hào và Bảy Lãnh xuất hiện. Thu Hằng vụt chạy vào rừng. Bảy Lãnh lên đạn, đuổi theo. Còn lại Tư Hào và Minh.
-Tại sao mày thả nó? Tư Hào hỏi.
-Tôi không thả.
-Láo. Chính lũ tao đã chứng kiến mọi việc.
Trong rừng có tiếng nổ. Tư Hào và Minh chạy băng vô rừng. Họ lùng sục một lúc mới gặp được bảy Lãnh. Tư Hào hỏi:
-Nó đâu rồi?
-Không biết. Nó biến như ma.
Minh thở phào. Họ tiếp tục lùng sục nhưng vẫn không tìm được cô ca sĩ. Bảy Lãnh giận điên, chỉa súng vô ngực Minh Vồ:
-Thằng khốn. Mày có biết tội mày như thế nào không?
Minh im lặng. Tư Hào móc còng số tám ra còng tay Minh.
-Mày ở tù thay cho nó hiểu chưa!
Minh bình thản nói:
-Tôi đã lường trước được việc ấy rồi. Các anh dẫn tôi về đi.
Nhưng ngay lúc ấy, một bóng người từ trong bụi rậm đi ra đứng án ngữ trước mặt ba người đàn ông.
-Thu Hằng đây! Tôi có trốn đâu. Chỉ đùa một tí thôi. Tại sao các anh lại còng tay anh Minh.
Tư Hào nhảy bổ tới, Thu Hằng né sang bên và cưới khanh khách:
-Anh làm gì vậy? Nếu trốn thì tôi đã không xuất hiện. Bây giờ thì tôi muốn ở lại làm bạn với anh Minh cho vui.

ĐÀO HIẾU














Tham khảo thêm về tác giả Đào Hiếu



















Tuấn Khanh [1968-   ]  & Đào Hiếu 








 Nguyễn Ngọc Tư & Đào Hiếu








 Sơn Nam & Đào Hiếu








 Võ Phiến+ Đào Hiếu+ Nguyễn Mộng Giác








Bùi Chát + Đào Hiếu 








Đào Hiếu+ Du Tử Lê+ Đặng Phú Phong 











Đào Hiếu + vợ con



















Trở về 





Danh Sách Tác Giả


Chân Dung Văn Nghệ Sĩ


Emprunt Empreinte






MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả. 
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua. 


-----------------------------



[]

-----------------------------
trích từ blog phan nguyên
----------------------------------


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ