' đọc THƠ KHẢI TRIỀU, nhớ tới giáo sư, thi sĩ CAO THẾ DUNG vừa qua đời ở Hoa Kỳ / Thế Phong -- blog tanmanvanchuong/ thephong
Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016
tuyển tập thơ khải triều [1963- 2016] (t-van./ ebook/ usa 2016)
thơ khải triều
t-van/ebook/ usa, 2016
thơ khải triều
tuyển tập thơ [1963- 2016]
( tủ sách T-Vấn & Bạn hữu xb, usa 2016)
khải triều [ i.e. nguyễn văn tuy 1936- ]
(photo courtesy of newvietart.com/ france)
- sinh 1936, tại xã an mỹ, huyện phú xuyên, tỉnh hà đông (nay, hà nội)
- thuở nhỏ học trường hoàng nguyên (la-tinh) tại xã sở kiện, huyện phủ lý
tỉnh hà nam (bắc bộ), trung học tư thục dũng lạc (hànội).
- 1955:: học tại trung học trần lục (saigon)
- 1957- 1960: dạy học tại ban mê thuột (trung bô)
- 1960: làm báo, các tòa soạn : nhật báo dân việt (1960-1964) -- việt báo + dân báo (1964)
- thư ký tòa soạn việt nam nhật báo. (1964)
- dạy học tại trung học tư thục văn hiến (dakao/ saigon)
- 1 trong 4 người điều hành tạp chí quần chúng (bộ mới, từ 1969- 1971)
- thư ký tòa soạn tuần báo diễn đàn chính đảng (1971)
- phụ trách tòa soạn nguyệt san giáo dục (1969- 1975)
- viết cho nguyệt san tinh thần ( nha tuyên úy công giáo: 1970- 1975)
- tháng 2- 1967 đến 30- 4-1975; hạ sĩ quan đồng hóa, biên tập viên báo chí bộ tư lệnh
không quân VNCH.
- 1967- 1987 : công nhân đường sắt ( tuyến saigon- mường mán)
đã xuất bản:
- người ôm mặt khóc (thơ, 1963) -- tiếng hát khuẩn trùng (thơ, 1964/. cả 2 tập do
đại nam văn hiến phổ biến )
- tuyển tập thơ khải triều (1963- 2003)
- công giáo việt nam sau 10-4-1975/ ký bút danh
an-tôn ( cơ sở dân chúa xb, usa 1988)
-- an mỹ, quê tôi một tuần trong đời ( truyện ký, tự xb, phổ biến hẹp, 1999) v.v. ...
(newvietart.com/ france )
thơ khải triều
tuyển tập thơ khải triều 1963- 2016
mấy lời về thơ
Thơ là tiếng nói của 'hồn', của 'sâu nhiệm'; mà ngôn ngữ, nhiều phen không thễ diễn tả thành tiếng nói thông thường được.
trong tuyển tập này; người đọc sẽ 'vất vả', khi những trang thơ được mở ra. Nó đẩy người đọc vào 2 trạng thái tình cảm. Một là: 'liệng nó đi, khi mở ra trong 'Người ôm mặt khóc'; hoặc 'Tiếng hát khuẩn trùng'
những bài trong 2 tập này, tác giả viết trong 2 năm: 1963, 1964 .
Đây là thời kỳ xáo trộn; khởi đầu cho tình trạng chia rẽ trong xã hội miền Nam Việtnam
từ đó đến nay vẫn chưa hàn gắn được.
Trạng thái tình cảm thứ 2, là gấp sách lại; để đấy, chờ một khoảnh khắc của không-thời-gian tĩnh lặng -- nhất là sự tĩnh lặng nội tâm
bấy giờ, tác giả xin làm người chứng; hoặc là: người đồng hành cùng bạn đọc, bước vào cõi sâu nhiệm -- cái 'thực có' của 'hồn', cái 'cần có' của thơ -- càng đi, bạn đọc càng thấy lòng bất an, khắc khoải; bởi đất nước hôm nay, sao quá đau thương .
Từ đó đến nay, hơn 50 năm qua đi; tác giả đã 'uống cạn chén thương khó', đã 'vượt qua'; song, vẫn chỉ một lời nguyện, từ trong sâu nhiệm:
Tôi chắp tay cầu xin Thượng đế
cho tôi trở lại nguyên bàn tay
để tôi khắc lên đá những bài thơ của'người ôm mặt khóc'
Tôi chắp tay cầu xin Thượng đế
cho tôi trở lại nguyên hình bàn chân
để tôi mang những phiến đá đi về dâng Thượng đế.
(NGƯỜI ÔM MẮT KHÓC/ 1963)
và, 34 năm sau :
Tôi ước mơ trở về thời dĩ vãng xa xưa
để thấy mình trọn vẹn hình hài
(VƯỢT QUA/ 1997)
Giữa lúc con người lấy 'hư' làm thực, lấy 'giả' làm 'chân'; thì, tác giả đã bước qua ngưỡng cửa của những phạm trù, những ý niệm về sai biệt, về giai cấp, về đấu tranh ...
Thế nhưng, bi thảm vẫn có thực; tồn tại ngay trong lòng con người
cho nên, vẫn còn đó một hình ảnh:
Còn lại một mình tôi ngồi ôm mặt bâng khuâng
(NGƯỜI ÔM MẶT KHÓC / 1963)
đó, một bi kịch, một thách đố thân phận con người.
Tuyển tập thơ , gồm 3 tập: 'Người ôm mặt khóc' (1963), 'Tiếng hát khuẩn trùng'; 'Vượt qua' (từ sau ngày 30-4- 1975 / 2 tập trước do Đại Nam Văn Hiến phổ biến) -- trong ấn bản lần này , tác giả bỏ một số bài, trong cả 3 tập
một chặng đường hơn 50 năm; những gì còn lại sau những lãng quên, những vứt bỏ; còn lại bấy nhiêu đây -- âu cũng gói trọn tâm tư , những trăn trở + thương đau của một kiếp người -- làm kẻ xa lạ chính trên quê hương mình. []
khải triều
(SÀI GÒN)
http://www.t-van-net/?p=28896
------------------------------------------
related article
related article
một người nữ tu agnès
ẩn sau'người ôm mặt khóc'
(THƠ KHẢI TRIỀU, ĐẠI NAM VĂN HIẾN XB, SAIGON 1963)
THẾ PHONG
lời dẫn:
'Người ôm mặt khóc' + 'Tiếng hát khuẩn trùng',2 thi tập in vào những năm 1963- 1964 (Đại Nam Văn Hiến xb, Saigon), dưới thời đệ 1 Cộng hòa+ sau đó ...
thời kỳ này, Sở kiểm duyệt soi chữ thật chặt chẽ,'con kiến bò trên giấy đen, trong đêm tối đen, đều tìm được tông tích'.
Nhà xuất bản Đại Nam Văn Hiến in sách, không xin phép, không kiểm duyệt;tất nhiên không nộp bản,lại được nhiều người nói tới.
với Tạ Tỵ,thì :
" ... tất cả những gì Nhà xuất bản Đại Nam Văn Hiến xuất bản đến nay không mang số kiểm duyệt, tức 'in lậu'. Thế Phong được các nhà văn nghệ trẻ gọi đùa 'nhà văn nghệ cao bồi'; vì, chắc cái tướng trông ngang tàng ... (Những khuôn mặt văn nghệ đi qua đời tôi/ Tạ Tỵ/ Thằng Mõ, San Jose xuất bản) .1990)
Nhật báo MỚI xuất bản ở Saigon (ngày 18-3-1963),ký gỉa Phan Nghị, viết:
" ... chỉ là một bản thảo in rô-nê-ô, như tất cả các cuốn sách từ trước tới nay, do Thế Phong tự in , 'dạy học đường đồng nào, bỏ ra in sách hết' ... thiên hạ thi nhau đọc; loạn cả lên. "
logo nxb Đại Nam Văn Hiến ( họa sĩ Ngọc Dũng thực hiện.)
in trên các sách xuất bản ở Saigon từ 1959- 1975.
***
Thật bất ngờ, trên Newvietart.com (France),có bài viết:
'Chuyện tình của AN/ Khải Triều'-- món ăn tinh thần,đã trên dưới 50 năm xưa, làm dấy động tâm hồn tôi:
TRÊN KIA TIẾNG HÁT 'NGƯỜI NỮ TU ĐƠN ĐỘC',
DƯỚI NÀY 'MỘT NGƯỜI ÔM MẶT KHÓC.
(thơ Khải Triều 'Người ôm mặt khóc')
"... vậy ra, người vợ ta hiện có, nghĩ sâu xa hơn -- chưa chắc đã là ngườ tình ta từng ôm ấp, là của ta hoàn toàn; trước đó, là của ai đó -- mà, không thể độc đoán tư duy 'cái ta đang có không của ai khác, chỉ riêng ta' -- vẫn chưa phải chân lý tuyệt đối ?! "
Con người tác giả nhỏ thó, hơi thấp, khuôn mặt vuông vắn, thánh thiện, ăn nói chuẩn mực, tốt nết, tử tế với bạn bè, giúp đỡ tận tình -- phía sau, ẩn nấp cả một trái tim, nàng nữ tu có tên AGNÈS.
sao anh ta không viết 1 tập thơ; chẳng hạn, lấy tựa, 'Où est tu? ma belle AGNÈS', như Louis Aragon từng viết về 'đôi mắt Elsa Triolet' . ( Les yeux d'Elsa Triolet) chẳng hạn vậy." - lời thầm thì của tôi.
Thời kỳ 1962; Khải Triều + Cao Thế Dung, từng thuê một căn gác nhỏ; khoảng 3 x 3 m2, trên đường Nguyễn Thông, (nay, đường Trần hữu Đang, phường 9, quận 3) chạy dọc theo ga xe lửa Chí hòa, do dân tự ý chiếm dụng; làm nhà không cầu tiêu, bếp; thuê chỉ để ngủ. Chủ , một ý tá tốt bụng, cho thuê 3 cậu học trò tự nhận, nhà ở xa; đến thuê trọ, để đi học.
Cả 3 anh bạn + tôi nữa gặp nhau; rủ đi cà-phê tán láo; vì, chẳng có việc làm; lại đang trốn lính -- riêng tôi, sinh 1932; khai 1936 -- từ đầu năm 1956, lệnh động viên ban ra, bị gọi đi quân dịch (nếu biết đọc+ biết viết; hoặc, không biết già cả; còn có bằng trung học, tú tài trở lên, được gọi vào trường Sĩ quan trừ bị Thủ đức.) , vừa sợ bị bắt; lại lo áo cơm.
và, tôi còn thêm một tội lớn; in sách lậu không xin phép; đem sách bán công khai tại ngã 4 đại lộ Lê Lợi+ Công lý (Saigon 1); đó là quán sách báo cô Nguyệt + nhà sách Portail-Xuân Thu+ khách sạn Continental -- khiến nhật báo Tiếng dân của trung tá Nguyễn văn Châu (giám đốc nha Chiến tranh tâm lý , thời tổng thống Ngô đình Diệm) loan tin 2 cột, trang nhất:
" Nhà văn Thế Phong và kịch sĩ Năm Châu bị bắt đưa đi Trung tâm cải tạo Vĩnh long'tẩy não'." (năm 1961)
Nhưng thực mà nói, tôi lo bụng đói hơn sợ bị bắt; vỉ, tự nhủ 'bị bắt thì đã có chính phủ cho 2 bữa ăn; đỡ phải bữa đói, bữa no; như bây giờ '.
Nguyễn văn Tuy khi ấy, nổi hơn bút danh Khải Triều; tín hữu Công giáo trung tín; trước, cựu chủng sinh viện.
còn tay Cao Thế Dung ( hình như là sĩ quan đào ngũ), bút danh Cao Đan Hồ, cũng là tín đồ Công giáo 'đi giẹo '.
còn một tay nữa, tên Đỗ tất Phú; tôi không rõ anh ta theo đạo gì; sau, bị động viên vào Thủ đức , thế là anh ta đã có quân đội nuôi cơm 2 bữa, ắc-ê sáng đêm, tối ngày; trước đi được gắn lon thiếu úy. Ít năm sau, Phú lấy vợ; rồi tử thương trên mặt trận sôi động vùng sông nước Cửu Long. Một tác giả chỉ có một tập truyện ngắn 'Ba chị em' , ký bút danh Đỗ Ngọc Trâm. ( Đại Nam Văn Hiến xuất bản).
Bộ 'tam chế' này; hình như có khi đói; chỉ đủ tiền mua bánh mì để gặm, nhấm; rồi nói chuyện văn chương, nghĩa lý, nào 'phải thế này, thế kia', tới chuyện 'vá trời, lấp biển' sao cho gọn, cho đẹp; còn chuyện ái tình vụn thì không nói tới - thật ra; bụng đói rất kỵ tình yêu , kể cả tình dục. Một khi tình dục đòi hỏi, thì nhiều khi 'của quý' tự 'lên xuống nhịp nhàng' -- như tôi đây chẳng hạn; lùa tay vào túi quần, bẻ quặt 'thằng cu con', không cho ngước đầu dựng đứng lên .
Khải Triều không bao giờ nói tới bản năng xác thịt, chỉ nói bản năng tinh thần + niềm lo âu:
Như tôi hôm nay một tuần buồn chán
như tôi hôm nay đã một tuần không đọc báo
sao hôm nay ngày mai nhà tù tiếp nhận thêm 2 người ...
( thơ KHẢI TRIỀU)
Tiếp là, Đỗ tất Phú bị gọi động viên đi Thủ đức, lời chúc mừng không nói ra; 'thế là bạn ta đã có quân đội đội nuôi cơm 2 bữa rồi."
trái qua: nhà báo Nguyễn Thanh Hoàng
+ giáo sư, thi sĩ CAO THẾ DUNG [1933- 31/ 10/ 2017 /USA] (người thứ 2)
+ nhà báo Vũ Bình Nghi
+ tiến sĩ sử học Vũ Ngự Chiêu ( nhà văn NGUYÊN VŨ của Sài gòn, trước 30/ 04/ 1975)
( ảnh: Internet)
Còn Cao Thế Dung giỏi tài ngoại giao, giỏi một cách thượng thừa; gặp ngay một tay người Công giáo thập thành, goá vợ; anh được cho ở nhờ, sát nách Nhà thờ Tân chí linh -- cơm nuôi 2 bữa, trốn lính an toàn, còn chửi đổng :
'bố tiên sư thằng quân cảnh, cảnh sát đặc biệt ; chúng bay có dám qua mặt cha xứ, lẻn vào nhà thờ Thiên chúa giáo để bắt lính chúng ông không; thì bảo ?' .
và, chàng Cao Thế Dung thấy tôi đang thất cơ lơ vận, không dám về nhà thuê; vì ,chưa có tiền trả tháng; cơm hàng khi có tiền, không, thì đành đến tìm thằng bạn tốt bụng, vui lòng cho bữa ăn sáng; là đủ cho một ngày 'không cần ăn gì nữa' -- đưa tôi lại giới thiệu với anh Phạm quang Huyến, tay Công giáo này, lại nuôi thêm một thằng ăn bám.
Sau đó, tôi đem bản thảo thi tập 'Khúc ca nhược tiểu/ Cao Đan Hồ [Cao thế Dung] tới tòa soạn tạp chí Văn hóa Á Châu ( đã dọn về 34 Phạm đăng Hưng/ Dakao) xin anh 'gác dan', tên Khiêm; cho đánh máy nhờ stencil (giấy xáp) + tập truyện 'Khu rác ngoại thành' của tôi. ( sau, bản anh ngữ 'The Rubbish Tip Outside the City/ translated by Đàm xuân Cận; tất cả 3 quyển , đều in rô-nê-ô, Đại Nam Văn Hiến xuất bản .).
Gia đình anh Cao Thế Dung tới Mỹ đợt đầu, ngay sau ngày 30/4/ 1975:
" ... Sau khi đến đất Mỹ năm 1975, mục tiêu chính của ông [ Cao thế Dung] là tiếp tục học lại. Lợi dụng dịp đó, ông học và viết thông thạo tiếng Anh. Trước 1975, ông Cao thế Dung cũng đã khá thông thạo Hán văn. Sau 1975, ông tiếp tục học Hán văn. Nói tóm lại; ngoài tiếng Việt, ông thông thạo 3 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Hán văn. Ông có tài sưu tầm tài liệu; công phu sưu tầm của ông đã giúp ông thành lập được một thư viện ... -- mà các thư viện nổi tiếng , như Cornell + Georgetown đã đặt cọc. Nếu ông chấp thuận, họ sẽ dành cho ông cái tên 'Cao thế Dung Section' ... Ông [Cao thế Dung] không có nhu cầu tài chính. Tất cả 5 đứa con (3 trai + 2 gái) [ một cô lấy con trai ông Mạc Đình [ Hoàng văn Chí]; soạn giả cuốn 'Trăm hoa đua nở' xuất bản ở Saigon, trước 1963] ; tất cả 5 người con đều thành danh . Mỗi đứa con đều làm chủ một ngôi nhà khang trang . Ở mỗi nơi, ông đều có phòng ngủ riêng + phòng đọc sách. Riêng thư viện chính, ông đặt tại nhà trưởng nam ... ". " (Vĩnh Liêm/ Vài kỷ niệm về học giả Cao Thế Dung )
anh Cao Thế Dung rất ít liên lạc với bạn bè cũ ở Việt nam; có lẽ 'tay văn sĩ làm chính trị' từng bị 'ám sát hụt' (đạn trúng vào vai); anh rất đề cao cảnh giác; rất kín kẽ trong mọi giao dịch . Hình như ở Việt nam, anh chỉ liên lạc với anh Nguyễn văn Tuy thì phải ?
Có tin, anh đậu tiến sĩ kinh tế; có kẻ xúc xiểm, 'tốt nghiệp tiến sĩ từ một trường đại học không mấy tiếng tăm'.
Nhưng, trong sự nghiệp văn chương+ sử học+ tôn giáo; phải thừa nhận:Cao Thế Dung là tác giả nhiều đầu sách khảo cứu giá trị. Chẳng hạn, có một bộ sách Việt nam Công giáo sử tân biên 1553- 2000 ( 3 tập) -- thì ở Saigon, tại nhà sách Nhà thờ Chí Hoà (quận Tân bình/ tp. HCM) có bày bán (bản 'used'); sách được khá nhiều người đọc mua.
Cuối năm 2006, anh Nguyễn văn Tuy báo tin cho tôi : 'phu nhân anh Dung sẽ gửi tặng anh TP 100 usd; nhưng dưới tên một người khác' . Chẳng mấy ngạc nhiên; vì, giao dịch với ai; hoặc một việc gì; anh Dung rất 'kín kẽ'.
tay này quả là' một tay văn sĩ làm chính trị' luôn đề cao cảnh giác, có lần tôi nói đùa:
" nếu thượng tọa Thích Tâm Châu được đưa vào một vai trong phim nào đó; thì, diễn viên thượng thặng, phải là anh, không thể ai khác. Anh có khuôn mặt vuông chữ điền, quai hàm bạnh ra; từ lời ăn, tiếng nói, giọng cười ; đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, sắp sẵn , chậm nói ra lời "
với tôi, anh là một ân nhân, như một nhân vật T4 . ( thẩm phán Đào Minhy Lượng, trong tập truyện THỦY &T6 của tôi, đã xuất bản ở Sài gòn, năm 1967.)
Thời kỳ cơm áo đã ăn nhờ, ngủ đậu; thì lấy tiền đâu chữa bệnh, mua thuốc.
Có một buổi, tôi đau bụng quá trời; hóa ra bị đau tuột thừa; thôi thì, đành xin vào nhà thương thí cắt vậy. (thời đệ 1 Cộng hòa, đa số nhà thương đều có nhà thương thí, khám , chữa bệnh không mất tiền).
Tự vác thân đến Bệnh viện Bình dân, xe đạp khóa ngoài gốc cây, trước nhà thương; vạch túi quần, không có lấy một đồng bạc; thôi thì ,
cứ mặt dạn, mày dày; liều mạng đi thẳng tới phòng ghi danh; may sao, được đưa ngay vào phóng khám bệnh
nằm trên giường bệnh, trải 'drap' trắng tinh; bác sĩ khám xong, phán,
" ... chỉ chậm 1, 2 tiếng đồng nữa là cậu đi chầu Diêm Vương rồi. Biết chưa, hả? "
Được cắt xong đâu đó, nằm nghỉ một hồi lâu; bác sĩ cho về. Bước xuống giường, đôi dép lào còn đấy, xỏ chân vào, lết chầm chậm ra khỏi bệnh viện -- ra cổng, liếc mắt nhìn thẳng tới gốc cây, 'chiếc xe đạp vẫn chình ình , bị xích ở gốc cậy bã đậu' .
Tôi đạp xe về xứ đạo Tân Chí Linh ở Ngã 3 ông Tạ ăn, nghỉ, qua đêm bình yên. Sáng hôm sau, lại đạp xe ra Thư viện Quốc gia để đọc sách; đợi chàng sinh viên trường Luật, tên Đào minh Lượng chi tiền ăn. Nhìn thấy tôi , chàng rất lịch sự, gật đầu khẽ khàng; tới gần, giúi vội vào túi tôi ít tiền," chúc ăn 'cơm tay cầm' ngon miệng". ( cơm Tây cầm tay: bánh mì thịt) .
cho tới khi Đào minh Lượng được bổ nhiệm thẩm phán, làm chánh án thiếu nhi tại tòa án Saigon; chàng vẫn cấp tiền 'cơm tây cầm tay' cho tôi, tới đầu năm 1965 mới thôi -- vì tôi đã có việc làm Vũng tàu.
Ấy là, nhờ giáo sư dạy tiếng anh, Nguyễn mạnh Cường (chồng nhân vật tiểu thuyết 'THỦY&T6 của tôi; giới thiệu làm ở Trung tâm Xây dựng Nông thôn') -- lúc này tiền bạc rủng rỉnh; cơm 3 bữa; nằm giường nệm Mỹ trắng tinh; quần áo Mỹ phát; hông lủng lẳng khẩu Browning; lương 7000 VN đồng, ra quán Aux Délices tán tỉnh cô Vũ Thị Tỵ, con chủ quán; suýt bị một tên đại úy VNCH cho đo ván -- may nhờ được một đại úy Lượt, trưởng đồn quân cảnh Vũng tàu can thiệp; mới thoát nạn.
Và, đầu năm 1966 , tôi lấy vợ. (nghe tin này, cô Vũ Thị Tỵ xịu mặt; ít lâu sau, cô lấy một tên Phi- líp-pin, theo chồng về Manila; bặt luôn tin tức từ đấy)
đến cuối năm 1966, đúng tuổi bị động viên; bị cho thôi việc, lang thang về quê vợ ở Dalat-- rồi vợ đẻ, thất nghiệp, suýt nữa được thiếu tá Nội an Dalat bổ nhiệm làm thị đoàn trưởng Xây dựng nông thôn; nhưng rất không may, bị đại úy Vũ đức Nghiêm, tỉnh đoàn trưởng 'kỳ đà cản mũi'-- thế là thất nghiệp trở về thất nghiệp, lao vào một giai đoạn thăng trầm, khổ sở điêu đứng, cả tinh thần+ vật chất.
trung sĩ 1 Không quân (không phi hành) Đỗ mạnh Tường [ 1932- ]
số quân:56/ 600.595 ( khai sinh thụt lại 4 tuổi)
(ảnh chụp năm 1974 tại nhà,
ở Khu Gia binh Kq Tân sơn nhất, bế đứa trai út, Đỗ Thông Tường Khê, sinh 1972)
( ảnh dưới: bé gái : Đỗ Như Tường Khê [ 1971- ]
'Cóc chết 3 năm quay đầu về núi ' ; đành trở về Saigon ; nhờ trung tá Kq Vũ đức Vinh+ cựu y sĩ phụ tá Quân y Không quân, bộ trưởng Chiêu hồi nhờ vả tư lệnh Không quân, sau được bộ Tổng Tham mưu QLVNCH ra nghị định tuyển dụng, đồng hoá với cấp bậc trung sĩ, làm biên tập viên báo Lý tưởng/ Không quân (VNCH.)
thế là, năm 1967,'Tôi đi dân vệ Mỹ' ký bút danh Đinh bạch Dân được xuất bản; tiếp, ,bản dịch 'I was an American militiaman', bản anh ngữ của giáo sư Đàm xuân Cận. ( tái bản, thay tựa 'The Ordeal of an American militiaman'.)
tôi đi dân vệ Mỹ / đinh bạch dân
(bút ký, Đại Nam Văn Hiến xuất bản , Saigon 1967)
-- bản dịch anh ngữ' The Ordeal of an American militiaman/ Đàm xuân Cận dịch
sang anh ngữ, ký bút danh Thế Phong).
"... tái bản thay tựa 'The Ordeal of an American militiman".
(translated by Đàm xuân Cận)
thế phong, tác giả 'The Ordeal of an American militiman '.
(ảnh chụp ở Dalat, 2009)
thẩm phán Đào minh Lượng, [1936- san jose 2012]
tác giả tập truyện anh ngữ 'The Case', đã post trên 'Thephong' s poems'
***
Trở lại chuyện thi sĩ Khải Triều, được đồng hóa cấp bậc trung sĩ đồng hóa trước tôi khoảng 6 tháng, đầu năm 1967-- chúng tôi gặp lại nhau ở bộ Tư lệnh Kq ở Tân sơn nhất; còn gặp đủ chàng hạ sĩ 1 Trần quang Tinh (thi sĩ Thanh Chương)+ hạ sĩ 1 Kiều văn Bảng ( nhà văn Hồ Phong) -- gặp lại bạn văn cũ, trung úy Dương Thuận (Huy Sơn) nữa. v.v ...
Khải Triều- Nguyễn văn Tuy, qua bút danh An Tôn , tác giả 'Công giáo nam Việt nam sau 30/4/ 1975' ( Dân Chúa xb, Hoa Kỳ 1988), linh mục Nguyễn tự Do đọc xong; đưa cho văn sĩ- cựu linh mục nhà Dòng Nguyễn ngọc Lan đọc, khiến Nguyễn ngọc Lan nhờ tôi, " tôi muốn được gặp tác giả viết cuốn sách ấy; viết về Công giáo Việt nam, cực tốt; kể cái tựa sách 'cực kỳ chính xác, hấp dẫn độc giả' ".
(nhưng cho đến khi qua đời vào 27/2/ 2007 cố văn sĩ, linh mục Lan vẫn không có cơ may gặp mặt tác giả An Tôn/ Khải Triều - Nguyễn văn Tuy.)
***
Sau 30- 4- 1975, Saigon mất tên, đổi chủ mới; tôi là cựu hạ sĩ quan Không quân VNCH, rất sợ bị đưa đi 'kinh tế mới'-- vợ tôi vốn là công nhân viên đài Phát thanh Saigon, vẫn phải thủ cẳng ở đây, với công việc 'hướng dẫn viên âm nhạc' ( lương 20 đồng tiền mới); để khỏi phải bị lùa đi 'giãn dân', hoặc 'kinh tế mới'.
còn tôi, được giới thiệu làm 'lơ xe thực thụ' tuyến xe buýt Saigon- Thủ đức; để có tiền góp với vợ, nuôi 5 con nhỏ, từ 2 đến 9 tuổi.
Còn cựu thượng sĩ không quân Nguyễn văn Tuy (Khải Triều) làm công nhân viên Công ty Đường sắt (tuyến đường Saigon- Mường Mán) -- đôi ba lần, chúng tôi lợi dụng giờ nghỉ, uống cà- phê với nhau, ở sân ga Bình Triệu. (thời kỳ này, tôi ở Đội 4/ Công ty xe khách thành gần ga Bình triệu. )
Hôm nay, đọc 'Chuyện tình của An' / Khải Triều' -- nếu nước mắt còn, tôi chẳng tiếc gì , không giỏ vài dòng nước mắt, để khóc câu chuyện tình như thế -- một chuyện tình cao thượng, có tầm vóc từa tựa 'Hồn bướm mơ tiên/ Khái Hưng ,'trong Tự lực văn đoàn. Giá có tay nào được cảm động với chuyện tình này, phóng tay viết thành' Chuyện tình nàng Agnès', là rất hay -- theo tôi, không ai làm tốt việc này hơn 'chàng An Tôn' đâu ?
Qua vài dòng về bạn Khải Triều, một thi nhân trong Đại Nam Văn Hiến xuất bản cục, cũng đã trên dưới 60 năm nay : Khải Triều- Nguyễn văn Tuy, một cựu chủng sinh, sinh 1936 tại Hà đông (nay sát nhập vào một Hànội) -- từng theo học trường đạo Công giáo Dũng Lạc ở Hà nội, tư thục Minh Tân ...; di cư vào Nam, học tiếp ở trường Trung học Trần Lục; rồi đi dạy, làm báo, viết văn làm thơ, đi lính Không quân; sau giải phóng làm công nhân đường sắt xe lửa; thôi việc về 'làm thinh'; vợ góa, sống với con gái+ rể; chăm sóc 2 cháu ngoại gái ; làm thơ tiếp, viết văn thêm, xuất bản tự túc-- nay mới nhất 'Tuyển tập Thơ Khải Triều' (1963- 2016) -- chàng cựu sĩ quan chiến tranh chính trị , trang chủ 'T-Vấn+ Bạn Hữu' xuất bản ở Hoa Kỳ.
Nhớ lại, cách đây khoảng 4 năm, phu nhân anh qua đời; tôi tới viếng; gặp nữ danh ca Tâm Vấn; bật hồi tưởng lại cuốn tiểu thuyết GÁI HÀ NỘI / Nguyễn Minh Lang[1930- Hànội 2000] rất bay bướm; bìa, do Zuy Nhất phác họa giống hệt nữ danh ca + 2 đôi vòng tai 'tổ bố' ; nội dung là chuyện tình của nàng + một văn sĩ tài hoa+ đào hoa + lãng mạn 'hết xảy'. Nàng còn được đưa vào tiểu thuyết 'Cánh hoa trước gió/ Nguyễn minh Lang (2 tập), một bộ chuyện tình hay, hấp dẫn, lôi cuốn. Tuy không là chủ sở hữu đôi gò má cao; nhưng từng là vợ một tay làm từ điển uy tín, Thanh Nghị- Hoàng trọng Quy .(sau , bộ trưởng thông tin Mặt trận giải phóng miền Nam) -- nay , đương kim phu nhân một bác sĩ tiếng tăm lừng lẫy, ông Nguyễn đan Quế
[ 1940- ] hiện sống tại thành phố HCM.
"...gặp nữ danh ca tâm vấn [hànội 1943- ]; tôi hồi tưởng
lại cuốn tiểu thuyết GÁI HÀ NỘI/ Nguyễn minh Lang... rất
bay bướm; bìa do Zuy Nhất phác họa giống hệt nữ danh
ca... nội dung là chuyện tình của nàng + một văn sĩ tài hoa
+ đào hoa+ lãng mạn 'hết xảy'. ..."- lời TP
(ảnh: internet)
bây giờ, hãy cùng đọc một đoạn văn trong 'Chuyện tình Agnès' :
"... một tay An (nhân vật,kiểu'protagoniste' trong văn chương) cầm ô, một tay nắm chặt tay Agnès. Anh cảm thấy hơi ấm trong tay người Agnès truyền qua người anh. Để tránh cơn mưa, An kéo Agnès vào bên ngôi mộ, có mai che ... Họ lặng lẽ ..."
còn Agnès, cô bé người yêu của Chúa, thì:
"... khi nhận được thư chú gửi cho cháu; đọc đến đâu, cháu khóc đến đấy ... Những trang thư chú chứa đầy nước mắt của cháu. Chiều hôm ấy, cháu vào nhà thờ; khóc nhiều hơn nữa , khóc suốt giờ [đọc] Kinh, khóc với Chúa; và, cảm tạ Chúa ..."
hoặc:
" ... trong lần về dự lễ 'lễ khấn trọn đời của Agnès',2 người lặng lẽ bên nhau... người nữ tu kia với tiếng hát đơn điệu ... còn anh; và, là 'người ôm mặt khóc'; như trong bài thơ của anh, cách đây 49 năm, anh đã mất Agnès : 'người nữ tu đích thật, chỉ đến trong đời anh, một linh hồn Chuá nặng đau thương ..."
và tôi, Thằng Phải Gió -- người viết bài này, dâng lời cầu nguyện :
"... Chúa ơi! theo luật Chúa; bây giờ bạn con là người tự do (đoạn tang vợ đã 4 năm); xin Chúa hãy trao Agnès cho'thằng bạn cô đơn thầm lặng của con, suốt 49 năm đợi chờ' -- đây là 'ý con, không phải là ý Chúa."
thế phong
đọc lại, tu chỉnh, thêm, bớt.
(Saigon, Oct. 3rd, 2016)
http://thangphai.blogspot.com/2012/09/mot-nguoi-nu-tu-agnes-va-nguoi-om-mat-khoc. html
-------------------------------------
bài đăng lại để TƯỞNG NHỚ CAO THẾ DUNG
QUA ĐỜI NGÀY 31/10/2017 ở Hoa Kỳ. / TP.
----------------------------------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ