Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

'Gập Đôi Cánh Sắt'/ truyện ngắn: Thế Phong ( Tâp Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến/ Nxb Vàng Son, Saigon 1974.)

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015


gập đôi cánh sắt : truyện ngắn: thế phong (tập thơ truyện không quân thời chiến / vàng son xb, saigon 1974)

tập thơ truyện kq thời chiến
nxb vàng son - saigon, 1974

                                         gp đôcánh st
                                                           thế phong

                                               trang 265 
                                                                          TẬP THƠ TRUYỆN KHÔNG QUÂN THỜI CHIẾN

    Tôi buông tờ báo hàng ngày xuống, thản nhiên nhìn lên màn ảnh nhỏ truyền hình-- đang có một cuốn phim cao bồi Huê Kỳ, nói về cuộc sống hảo hớn một thời xa xưa miền viễn Tây.  Tôi cũng chưa rõ người phi công nào đã ra đi; nhưng, tôi biết ngay rằng, đó là một phi công phản lực A 37 -- thuộc 1 trong 2 phi đoàn khu trục, trú đóng tại Đà nẵng. 
      Ngoải đó, tôi có nhiều bạn bè phi công.  Có anh; xưa kia cùng học với tôi một lớp ở Hà nội-- có anh là bạn mới quen đây -- nhưng thân thiết ruột thịt.  Tội hơi bị sởn tóc gáy; thì, bỗng nghe thấy tiếng người gọi ở ngoài cửa. 
    Tiếng gọi như dự báo một tin gì quan trọng; chỉ đoán mò vậy thôi.  Giọng người bạn nào đó; ngắn, gọn, đanh, làm sao mà có tin vui buổi tối được!  Thầm nghĩ chứ tới nửa phút; tôi bắt gặp nét mặt của Bảng, với thông báo cụt ngủn:
     " Tự rớt máy bay, chết rồi ! "
    Tôi im lặng; đi vào nhà, mặc bộ quân phục; rồi cùng lên sở với Bảng.  Không nói được một lời nào; cả khi cùng nhau ra đi, tôi cũng không dặn ở nhà : tối nay giờ nào cóthể trở về nhà ?  
    Những ngày tháng này; buổi tối không phải dành cho gia đình, vì đời sống quân ngũ gắn liền với tình hình chính trị, quân sự sôi động.  Điểm danh lúc 20 giờ; rồi tái điểm danh lúc 20 giờ 15.  Mười lăm phút sau; cổng trại đóng lại -- trừ quân nhân không có tên trong trung đội ứng chiến.  
    Một thằng bạn trẻ lại ra đi; tối nay ở đây đội mũ sắt 2 lớp; súng đạn quanh người; quân phục dã chiến, sắp hàng hai trước sân cỏ.  Lại được nghe diễn văn của chỉ huy
trưởng khu chiến -- tóc đã bạc, bác một cách lơ đễnh chưa đều -- trong bộ vó khỏe mạnh.  Ông ta khoanh tay trước ngực, ban đêm còn đeo cặp kính râm;  dường như lính tráng, đứa nào cũng thuộc lòng:
     " Tôi đã 55 tuổi rồi; không thể lên trung tá được nữa.  Tôi không muốn hành hạ anh em làm chi.  Nhưng  anh em đừng hành hạ tôi.  Anh em không thể 'dọt' về nhà ngủ; một khi chúng ta đã khoác vào người bộ quân phục. Giờ này đây; bạn bè các anh đang chiến đấu gian khổ khắp nơi : An lộc, Tân cảnh, Huế, Quảng trị -- quả là tình hình thật sôi động.  Các anh thắc mắc ư, tại sao  một số bạn các anh vào giờ này lại 'phây phây ngủ ở nhà với vợ con -- vì họ là con ông, cháu cha.  Họ không phải vào trung đội ứng chiến. Bây giờ đây, suốt những trận đánh tới tấp, ào ạt của địch; nặng nề như Mậu thân chẳng hơn; càng hơn là những ngày này, ở miền giới tuyến địa đầu.  Cũng như tôi thôi; bạn tôi vào giờ này lái xe vi vút chở vợ con đi du hí. Tôi, 55 tuổi rồi; không thể lên trung tá được nữa rồi; bởi chúng ta không thể thoát qua số mệnh an bài ... "
     Lính tráng nhao nhao, xì xào, " Số mệnh gì hở Papa ?" -- " ... số ăn mày, số ăn xin; thoát ăn xin lại thành ăn mày, thoát ăn mày rồi lại ăn xin.   Bởi lẽ, các anh không được phòng, sở coi là con cưng; nên bị gửi xuồng đây.  Nhìn kỹ ra; vẫn những khuôn mặt cũ mèm à ... "
   Ông trung tá già buồn bực; thì bắt lính tráng đứng hàng tiếng đồng hồ ở sân cờ; để ngắm trăng sao; nghe ông diễn thuyết. Thường ngày, tôi vẫn đùa , giá ông trung tá còn trẻ; thì, mục đích chúng tôi đứng mỏi chân nghe ông 'nói ba láp' cũng tốt thôi -- vì, sẽ giúp ông được việc không chừng ?  Nôm na, chúng tôi là cò mồi, giúp ích trung tá thực tập nghề làm chính tri; có thể nay mai, ông sẽ thành  một 'politicien' danh tiếng, chẳng hạn vẫy.  Nói cho vui vậy thôi; bởi già còn làm 'chính trị chính em' gì được. Nghe ông diễn thuyết hay tuyệt vời; thì đúng lúc ấy, lá cờ quốc gia phủ đã lên thân xác rồi.  Uổng thật, giá mà ông ta còn trẻ. 
   Lính tráng đứng mỏi chân, nghe mỏi tai; nghiêm nghỉ nhiều mất sức-- sau khi giải tán -- có tiền, rủ nhau vào câu lạc bộ giải lao, tinh thần lẫn vật chất được thoải mái.  Có thằng chõ miệng nói lớn, ' à này, tại sao nước Nhật bổn lại dùng một vòng trỏ đỏ ối đặt nằm giữa khung vải trắng chữ nhật,  làm quốc kỳ.  Có thằng nào biết không? dễ ợt thôi mà ;  bởi công dân Thiên hoàng Nhật bổn; ai cũng có thể làm cờ được.  Rồi đến cờ tam tài chỉ cần 3 màu: trắng, xanh, đỏ gập lại thành quốc kỳ Pháp quốc.'
    Nhớ lại;  khi Pháp đem quân tái chiếm thủ đô Hà nội vào năm 1946; không có quốc kỳ -- thấy 3 cô đầm trẻ mặc váy 3 mầu xanh,đỏ, trắng --   bắt xếp hàng theo đúng quy cách; ấy thế là có quốc kỳ 'sống'   vừa đẹp, vừa tươi rói..." -- " câm mõm, ăn nói huyên thuyên, dễ bị nằm khám ' bóc lịch' đấy em ạ "  --một thằng nói vậy.  Một lính không quân khác lại bô bô, " ... chúng mày có thấy mấy cô hầu bàn mặc quần đen lánh Mỹ- a không nào?  Mà sao các nước châu Phi không dùng' mầu đen lánh ấy'  làm cờ như Giặc cờ đen í mà;  dân chúng vừa dễ thực hiện ; lại có tinh thần sản xuất hài nhi, sau này làm lính phục vụ đất nước " --" lại có tới 2 thằng lính Không quân chán sống, không muốn mặc quần để vào sà- lim bóc lịch đấy." -- thằng khác nữa xen lời bình.  " Chán quá, nói chuyện tiếu lâm cho vui ; tù đày, chết chóc cái nỗi gì? ." -- nói xong -- Bằng móc bóp trả tiền, quay sang tôi,
    " ... sao, bữa nay anh ít nói 'dzậy' ?  thương nhớ Tự rớt máy bay--  hoặc, cũng có thể 'bị phê' với lời diễn thuyết tay chỉ huy trưởng khu chiến 55 tuổi ? " --" cả 2 " ;- tôi đáp gọn lỏn."  "-- "... điểm danh lần chót xong, vể 'tray-lơ' ngủ; à mà còn đi kiếm tấm phim Trịnh đức Tự, rọi 1 tấm lớn gửi cho chị Mai + gia đình nó chứ..."  Bằng nói vậy.


      Tôi đứng dậy, ôm súng; theo sau Bằng đi ra sân cỏ.  Không còn nhìn thấy chỉ huy trưởng 55 tuổi -- hẳn là  cũng thấy, bạn bè ông giờ này có vất vả như ông đâu; thấm thía với câu vừa nói trước hàng quân, ' già rồi không thể lên trung tá được nữa ; việc nhà binh làm cho lắm, đi tắm cũng cởi truồng' thôi. 
      Lính tráng chúng tôi; thì vẫn phải tìm mấu chuyện tiếu lâm, khôi hài; tán gẫu với nhau cho vui -- có vui mới quên được hết chuyện bực mình rất vô lý trong đời nhà binh.  Chẳng hiểu là Bằng; hay ai nữa  thường nói câu ấy. Tôi trả lời Bằng,' Tự chết đi; thoát tục. Chỉ đau cho những thằng bạn yêu nó còn sống xót xa thân phận mình.' 
   Tự còn trẻ lắm. 33 tuổi đời, 15  năm trong nghề phi công thời chiến   Gia tài là một chiếc phản lực A.37 + một người yêu chờ ngày cưới.
   Thứ 4 tuần trước; tôi còn gặp nó trong câu lạc bộ Không quân bộ Tư lệnh; nơi tôi đang phục vụ .  Nó mặc chiếc áo bay mầu ô-liu, đeo bảng tên đàng hoàng; phù hiệu phi đoàn, Không đoàn tác chiến, Sư đoàn 1 Không quân.  Nhưng bảng tên thực ra không mang tên nó, như vậy cái áo bay mà nó đang mặc là đi mượn ?
   Lần đầu tôi gặp nó mặc 'combinaison'  đúng quy cách, tôi cũng thấy lạ. Biến cố nào vừa qua; hay, sắp xảy ra, để nó làm vậy. Tất nhiên không phải sợ quân cảnh 'ốp' rồi. 
    Nhớ lại bữa trước; nó + 2 thằng bạn phi công cùng phi đoàn mặc thường phục ra phố ăn cơm chiều; trở về trại khuya khoắt. Trên đường Trưng nữ vương; nó gặp một phi công bị cảnh sát 'ách' lại kiểm tra giấy tờ.  Chẳng hiểu bạn nó quên giấy tờ; hoặc phạm luật giao thông; cảnh sát viên giữ bạn nó lại. 
   Tự vốn  có tính giang hồ hảo hớn, từ bộ râu quai nón rất tây phương, đẹp và hùng chẳng kém gì Ché Guevera , cha dẻ du kích Cuba. 
    Nó dừng xe lại, đứng ta can thiệp. Chẳng hiểu vì sao;  tên cảnh sát đánh nó hay nó đánh trước; lát sau thấy viên cảnh sát giội nước lạnh vào mặt nó cho tỉnh táo, "... sao đại úy không cho tụi tôi hay ông là phi công Phi đoàn 516 Đà nẵng ?" 
      Nó bị 'đòn hội đồng'; máu me tùm lum trên mặt, lại bị ngất sỉu ; sau được trả giấy tờ; về phi đoàn.  Vế tới phi đoàn; nó mặc quân phục, lại trở lại đường Trưng nữ vương,cố ý đi tìm tổ cảnh sá vừa rồi.  Khi nó tìm được chỗ tổ cảnh sát viên; thì, vừa đúng lúc phi đoàn trưởng 516 có mặt, can thiệp.  Đành phải trở về  phi đoàn, nó vào bệnh xá nằm dưỡng sức ít ngày, theo lệnh 'sếp'.
      Mấy ngày sau; nó nhận được bó hoa la-dơn; tuy héo; còn lại tấm 'nơ'  cài mang tên đại úy cảnh sát quốc gia, tên N.A.V. xin lỗi -- vì nó bị toán cảnh sát tuần tra đêm nào 'đòn hội đồng' nó.  Cầm danh thiếp trên tay;  nó đã quên chuyện ấy rồi;  lúc đó đã như cái hũ chìm'; lái xe về phi đoàn, húc vào giây kẽm gai 'concertina' bị rách mặt.  Chẳng cần phải ai xin lỗi; kể cả tên cảnh sát đại úy Nguyễn an Vinh chi chi đó.

    Nó xin phép đi Cần thơ ngay sáng nay để làm thủ tục 'đi hỏi vợ'; gặp bà mẹ vợ là 'căng' lắm đây; không biết bà có thuận cho cưới vào chủ nhật tuần này?  Nó bảo tôi và Bằng,nhớ chuẩn bị đi ăn cưới. Nó còn kể lại, cái áo bay mầu ô-liu mang bảng tên đúng quân cách; bởi nó  được cử đại diện Phi đoàn 516/ Sư đòan 1 Kq; trình diện vị tổng trưởng ở Saigon ra đây; trao tiền thưởng giải quán quân : hạ xe tăng địch vô địch.
    Nó nhìn đồng hồ; ăn sáng vội vàng, quay lại nói với Bằng và tôi
  " ông này đi học anh ngữ buổi chiều, phải không? Nhớ, tan học xong thì ông tới tôi khoảng 18 giờ trở đi, ông còn nhớ nhà ở hẻm đường Nguyễn khắc Nhu ?.  Riêng ông Bảng; nhớ đánh phấn sáp đàng hoàng cho kẻng;  đúng 19 giờ;  chúng ta cùng đi ăn cơm chiều. Xin đúng hẹn cho." 
     Chúng tôi nhìn nó leo lên chiếc xe máy Suzuki; ngồi sau -- người chở, bạn đồng ngũ  chúng tôi .  Cả 2  biến rất nhanh khỏi sân bộ Tư lệnh Kq như bay, để ra phi đạo cho kịp chuyến bay về Cần thơ.
  
    Tôi nói với Bằng :  một thằng giang hồ, hảo hớn như nó, nhất định phen này cưới vợ là phải mang ' ý nghỉa trọng đại'.   Chắc nó chán chường nhân tình thế thái, muốn có tổ ấm gia đình dừng chân; sau những giờ bay nghiệt ngã hành quân trên bầu trời khói lửa.   Người vợ sắp cưới, nữ sinh viên Luật, lịch thiệp, khả ái,giao thiệp lịch lãm, từng du học Huê Kỳ. Thế là đẹp đôi rồi.  Nó tự do bay bổng, khi trở về có dây ' an toàn vợ' nai nịt. Cũng chưa kịp tỏ lộ nỗi vui mừng chia sẻ với Tự; thì Bằng nói tiếp, " Chỉ kẹt  là những ngày này, 2 thằng đều 'bướm' như' bướm gặp trời bão'; nhưng gì gì thì phải có một chút quà cưới ý nghĩa tặng đôi sơn ca cưới nhau vào mùa thu này."

    Mùa thu chinh chiến, nhưng Saigon  đang vào mùa mưa.  Tôi giã từ Bằng, hẹn gặp nhau tại nhà người vợ sắp cưới của Tự.  Giả thiết; nếu Bằng tới sớm; anh ta tìm tôi ở Staff Development Center, trung tâm học anh ngữ toà đại sứ Mỹ, trên đường Sương nguyệt Anh.  Bằng gật đầu, tôi rất tin tưởng, bởi anh này bao giờ cũng giữ lời hứa chắc nịch.
     Lúc này, đầu óc tôi suy nghĩ vẩn vơ về chuyện phi công Tự. Nhớ lần nghe kể, bạn thân  cùng phi đoàn gãy cánh -- không phải trên bầu trời,  mà , trên giường bệnh.  Đó là chuyện phi công Trần duy Mỹ,  phi công khu trục, văn sĩ nhà binh mới vào nghề , có bút danh Trần viễn Phương. Văn sĩ phi công khai thác tự truyện, hình ảnh người nữ quen biết ở Hoa Kỳ, yêu chàng phi công Việt nam mặc áo bay mầu ô-liu.  
    Tôi đọc truyện ngắn Chú lính đất, nói về thân phận người phi công nhược tiểu quốc yêu nàng có tóc bạch kim . Nàng tặng chàng 'một chú lính nặn bằng đất', đồ chơi trẻ em Mỹ; vào lần chàng ta mãn khóa bay, trở về Saigon.  Chàng phi công mân mê quà tặng của người yêu phương xa; lại nhớ thân phận, đã khóc thầm ở một phòng khách sạn ở Chợ lớn.  Cho tới khi Trần viễn Phương qua đời, bệnh do đàn bà chia sẻ; đã làm tốn nhiều ống trụ sinh mà không giết chết vi trùng; sau cùng giết chết đời chàng ta. 
    Nhờ có địa chỉ tác giả cho; tôi tính sẽ viết một thư cho cô gái tóc bạch kim ấy; báo tin phi công  My. T.D. đã qua đời -- nhưng; Tự khuyên không cần thiết làm vậy.  Sau ngày Trần duy Mỹ qua đời, Tự bay về Saigon, đát theo vợ chưa cưới đi ăn với chúng tôi.  
    Buối ấy, Tự mặc áo bay đen, không đúng 'size', rộng thùng thình; mang bảng tên bạn phi công vừa gãy cánh, như để tang cách buồn phiền. 
    Đây là lần đầu, tôi biết mặt vợ chưa cưới của Tự.
    Trong bữa ăn, Tự nói với vợ chưa cưới,
    ".. cô em xinh xinh ơi , anh thường nói với bạn bè; lấy vợ; thì vợ phải 'đủ sắc đẹp để nuôi con' ; em và 2 bạn ,có đồng ý không ?"   chẳng ai gật đầu:  đủ sắc đẹp vừa lòng tân lang' còn hiểu được; chứ' đủ sắc đẹp nuôi con' là cái quái gì đây?      Nhìn sang vợ chưa cưới của Tự, cô nàng tủm tỉm cười; biết chúng tôi không hiểu thành ngữ mới' Tự vừa nói. Tự quay sang nói với Mai,
    " ... em hãy nói cho các anh ấy thưởng thức 'văn chương mới' của anh đi;  là anh muốn nói cái gì nhỉ?" 
    Mai cười nửa miệng,
    " .. .anh chỉ nói dại thôi nào; anh ấy thường tâm tình với bạn đi bay, nghĩa sống hay chết mỏng tựa tơ trời-- giả thiết có mệnh hệ nào; thì các chàng hiệp sĩ áo đen thủ thỉ với ' giai nhân' " em hãy dùng sắc đẹp, cầm thuyền khác để nuôi con . Em nói đùa, có ý tưởng lạ thế ;mà anh ấy không chịu viết văn như anh Trần viễn Phương. Thật uổng ! "
     Tự nghiêng đầu, ghé sát bên tai, nói đủ một mình Mai nghe thôi,
     "   ... anh có viết văn đấy chứ; nhưng anh chưa đưa đăng đó thôi.  Có lần, anh đã hỏi anh đây (quay sang tôi ) về  Hà nội của thời trước di cư 1954. Phố Trần quang Khải  có phải là con đường chạy dọc bờ sông Hồng Hà, từ Bảo tàng viện đến chân cầu Long biên không ?  Và con phố gi ấy nhỉ, có trường Nữ Trưng vương, trường chuyên khoa Hàn Thuyên, Nữ Saint Marie, trường nam Puginier-- con phố ấy là Hai bà Trưng hay Gambetta?  Những con phố ấy vào mùa thu, lá vàng  bay rơi lả tả; để cho người đi  trên hè mơ mộng nhiều.  Bầu trời  trong nhưng hơi đùng đục, không gian lành lạnh; gió mùa thổi vừa đủ khiến khách đi đường phải châm mồi hút thuốc lá, kéo cổ áo măng-tô lên gáy; bước từng bước suy ngẫm ý nghĩ cuộc đời.  Em thấy lối hành văn của chồng em như vậy có được chăng?  Nhưng Hà nội bây giờ là  mùa thu đỏ.  Mùa thu của bầu trời ẩm đục đang bị lớp người mới hi hục ra công tìm kế ' chuốt lục tô hồng'. "


                                                            ***
   
    Bây giờ Tự nhớ về; Hà nội đã trên 30 năm xa.  Bố Tự xưa là tri huyện vào thời Pháp; lúc di cư vào Nam; thì gia đình đã khánh kiệt. Bố chết trong khi nó đang theo học lái máy bay ở Huê Kỳ sau tết Mậu thân 68. 
    Anh Hai là công an, dù là ngành hành chính ; nó vẫn cứ ghét ghét cái nghề này làm sao ấy -- dầu anh nó là một thứ công an trong công an --' công minh liêm chính' mà nó thường đùa, vì thế anh Hai ' chính mình liếm cống' đấy. 
     Bố nó xưa cũng vậy; làm quan huyện lại không chịu vơ vét, hối lộ, vậy lấy tiền đâu  lo lót quan Tây, mỗi khi cần.  Trước ngày bố chết, nó tự nhận là' thằng sa-đích' thích đủ thứ -- ấy thế mà đọc thư của bố, nó đã thấy mắt có dòng nước chảy xuống gò má.
     " Bố chết đi; không có gì để lại cho con.  Nhưng bố muốn; chính cuộc đời trầm bổng của bố+ với sự khánh kiệt gia sản hiện tại, là một thí dụ thật sống động, điển hình.  Nếu con thấy đó là đúng; thì hãy soi vào đó làm gương; bởi không chỉ ích cho con trong cuộc sống nhân sinh mà thôi -- mà điều trải nghiệm kia còn đóng góp sự sinh tồn đất nước nhược tiểu  chúng ta.  Chính sự khuynh gia bại sản là một kính hiển vi, phản ánh rõ nhất giá trị con người, trước sự bất công quá đáng giữa đồng chủng và đồng chủng-- chính điều này là cội rễ của sự đấu tranh giai cấp dẫn tới chiến tranh. " 

   Gia đình từng có 9 người làm công. Họ chỉ vì nghèo khó; phải đi làm muôi miệng + gia đình. tại sao có người đi làm; đã phải cầm cuộn giấy vệ sinh đi cầu để chờ chực con gái chủ làm vệ sinh xong.  Khi ấy, chị của nó đã học 'sixième', tương đương lớp đệ thất bây giờ.  Phải đạp đổ sự bất công quá đáng đó; thì mới hy vọng bớt đi sự chênh lệch giữa con người và con người.   Bây giờ, nó đang học ở Huê Kỳ; một xứ văn minh tiên tiến; có nền dân chủ tiến bộ hàng đầu; rất sung túc -- mà hình như rất ít gia đình nào mượn được người làm' full-time' , như gia đình nó ngày xưa đâu ?  Cũng chẳng có người làm công nào làm công việc cầm giấy vệ sinh chờ chị nó  xong để mà lau đâu ?
      Cũng từ ý nghĩ ấy ; khi trở về phi đoàn; nhất định phải áp dụng công bằng tối thiểu giữa bạn đồng ngũ.  Chính vì thế; khi ở phi đoàn, nó thường bị cấp trên nhìn, với con mắt 'đem dân chủ tiện tiến Mỹ trên vai để áp dụng vào xã hội Việt nam, như thời 13 thuộc địa Hoa Kỳ tranh giành quyền lực, áp dụng nền dân chủ sơ khai' .


                                                           ***                                     

      Cái mộ của phi công Trần duy Mỹ chưa có mấy bao xi-măng để xây-- mà đánh bạc chi có thua-- ý định được bạc dùng tiền mua mấy bao xi- măng; thì vô phương rồi.  Phải tìm cách khác,để có xi-măng xây mồ yên mả đẹp, thì mới yên lòng.  Dư luận xì xào vế cái chết phi công Trần duy Mỹ ; không được chôn cất đúng nghi lễ quân cách, dành cho một sĩ quan phi hành.           
      Tự cầm bái báo  trên báo Sống ở Saigon, viết về cái chết phi công văn sĩ Trần viễn Phương, tới gặp viên trung tá trưởng khối CTCT (chiến tranh chính trị); yêu cầu được cấp 20 bao xi- măng. 
     Bài báo kia đã giúp cho nó được cấp 20 bao xi -măng  -- và, trước đó ít ngày; vì thủ tục rườm rà sao đó; muốn được cấp xi măng, trước tiên phải được sự đồng ý của trưởng khối CTCT cử một nhân viên  kiến tạo ra Huế kiểm tra ; về rồi,  làm phúc trình xin duyệt; đợi đến lúc được cấp phát vật liệu xây cất; thì mộ của bạn nó phải đợi chờ ít nhất một mùa mưa.   Tự  cầm' bông cấp xi măng' ; nhớ tới thái độ niềm nở của trưởng khối CTCT; khác hẳn những lần trước ra oai; ban phát như một ân huệ vậy.  
     Tự thuộc ngạn ngữ làu làu: 'giàu nhà kho, no nhà bếp' ; mày không  cấp xi măng cho ông; thì báo  tiếp tục soi mói. Chúng mày làm lớn,  nhiều tội to tày đình; không bới ra thì không sao, mó tới là tội nhiều như đá dăm vậy.' -- nó tự nhủ. 
    Chẳng phải bây giờ, trưởng phòng hành quân Phi đoàn 516 mới được mọi người nhìn nó, với con mắt sắc mắc;  chỉ tí ti đôi chút kính nể thôi.
   Đại tá sư đoàn trưởng, sếp sòng tàu bay ở giới tuyến địa đầu; cứ mỗi khi có chuyện gì xảy ra ở sư đoàn;  tư lệnh Khánh Khỉ ( nickname của tư lệnh,  cầm tinh con Bú dù) đều 'ới' nó lên  hỏi ý kiến .  Vừa như là ưu ái, vừa như dằn mặt vậy.  Anh em trong phi đoàn thừa nhân trưởng phòng hành quân không chỉ là phi công giội bom tái ba; còn là tay chỉ huy có mắt nhìn xa, biết thương anh em phi đoàn. 
   Một lần khác, tư lệnh sư đoàn không quân dẫn một ông tướng số 1 Kq,  từ Saigon ra miến hỏa tuyến để thanh tra.  Trên tường của phi đoàn 516, treo đủ các ảnh máy bay mà phi đoàn đã có -- nhìn kỹ ra chỉ thiếu  T28, loại máy bay mà ông tướng số 1 Kq  xưa kia từng lái -- sao máy bay này lại không thấy treo ở đây.   Tư lệnh sư đoàn Khánh Khỉ quay sang , ý muốn Tư trả lời, 
    ".. thưa Tướng tư lệnh Kq, cánh chim đầu đàn -- chúng tôi đã rất cố gắng để sưu tập  đủ loại máy bay mà phi đoàn từng lái qua -- duy nhất chỉ thiếu T 28. Không đâu có; trừ 1 tấm ảnh duy nhất có ở Đà nẵng này; ấy là đang được treo ở văn phòng tư lệnh sư đoàn Kq."
     tướng số 1 Kq cười cười nhìn kỹ mặt nó; ông nhớ rồi, hình như ông đã gặp ở đâu ?
 " Có phải xưa kia, đại úy từng ở Pleiku ? " -- " Dạ, đúng vậy; trong số anh em 'pai-lôt' mười mấy năm trước, chỉ còn một mình tôi hiện còn ở địa đầu giới tuyến này, thưa Đại Bàng." 
    Tư lệnh sư đoàn Kq Khánh Khỉ đã biết từ lâu, phi công Trịnh đức Tự có giọng văn' quốc âm 3 lối' .  
    Tờ nhật báo' Sống' ở Saigon đăng một phóng sự nhỏ điều tra về cái chết  phi công Trần duy Mỹ không được chôn cất tử tế; thì ông biết nhà báo viết bài ấy là bạn của Tự, nên  đã mời nó lên văn phong hỏi cho ra lẽ.  Tự về kể lại cho anh em nghe:
 " ...chúng mình phải bênh vực ông KK thôi; tôi  đã trả lời  phóng viên báo Sống ở Saigon'  -- tôi Trịnh đức Tự trưởng phòng  hành quân Phi đoàn 516, là chưa được tư lệnh KK cho gì; ngoài một vài điếu thuốc Lá Winston,gọi là giao hảo. Giả dụ, bây giờ ông KK có no đi nữa; chẳng lẽ ông ta lại để cho phi công thời chiến sư đoàn 1 Kq đói. Vả lại, ông KK là  người lãnh tạo có tư cách,  một đội chút hơi hướm có làm văn thơ; ngoại giao rộng, lãnh đạo chỉ huy tài hơn là vẻ mặt bề ngoài có tướng lính tráng.  Giai đoạn này, chúng ta cần những vị ấy; trong lúc đối đầu với kẻ thù nguy hiểm đang lăm le ăn tươi, nuốt sống miền Nam. " 
    Một nhà báo Saigon nghe xong;  thầm nghĩ : cha lái máy bay khu trục này bênh sếp tài tình thật; nhưng xem ra cũng phải tin thôi, bởi lẽ, tay phi công trực tính, thẳng thắn. đành phải tin, nói đúng .  Cho rằng ông lãnh đạo Kq giới tuyến 'hút mỗi ngày một bao thuốc lá Winston; thì ông ta đã hút giùm cho lính thiếu thốn; dầu ông ta no say ngày 3 bữa; thì có gì đâu; vì ông ta ăn giúp chúng tôi; trong lúc chúng tôi đang thi hành những phi vụ hiểm nghèo Ông ta thương chúng tôi; là chính ông ta thương những ngày trên vai  mang 3  cánh hoa mai lẻ loi, chưa có đế ( ý nói lon thiếu tá VNCH). Cả những việc ông ta đã trải qua; mà ông at chưa thực hiện được khi có quyền thế-- thì chúng tội đây sẽ lấy đó làm gương-- sau này chúng tôi có cơ hội làm lớn thì sẽ thực hiện vậy.   Cảm ơn hành động cao thượng; nhưng còn phải cảm ơn cả hành động, thái độ đê mạt nữa. '

     Phi công Trịnh đức Tự lập luận theo lối nói triết gia siêu nhân Nietzsche ; nghe xong, tay nhà báo Saigon cười xòa, bắt tay giã từ phi công Tự. 

                                                            ***     Tự bỗng nhớ lại chuyện từ mười mấy năm xưa; khi mới ra trường, phục vụ tại trấn ải đầu.  Sáng sớm ở sân bay Nha trang; trưa Dalat và buổi chiều lại ở Pleiku. Khi ấy, Tự còn ôm mộng hải hồ; gặp chuyện bất bình chẳng dễ tha; tự cải tạo bản thân, sẽ lấp bằng bất công xã hội. 
     Câu chuyện đi bay bổng đầu tiên trong đời phi công, với 'Lan 19' ở phi đoàn quan sát hành hiệp giang hồ ở Nha trang. Ông chỉ huy trưởng Thái bá Đệ, mang cấp bậc đại úy; rất giỏi về máy móc -- sửa được từ chiếc radioti- vi --  thời ấy  ta chưa có ti-vi; nhưng học ở Huê Ky, ông rất thành thạo. và rất thích sửa máy thâu thanh cho hàng xóm 'free', không nhận tiền công.  Mặc dầu khi ở Mỹ, ông đã bỏ khá nhiều đô-la để học sửa máy móc; nay sửa tốt, lại không lấy tiền -- mà gia đình đôi lúc bị thiếu hụt; vợ than thở: giá mà chịu nhận chút đỉnh thôi, hẳn bữa cơm gia đình có thêm món mặn ngon rồi. 
    Sáng nào ông cũng ra đứng ở ngoài phi đạo, quan sát những chú lính mới bay bổng ra sao. 
    Nhìn thấy Tự độc phi trên 'Lan 19'; với lối cất cánh  độc đáo. Chẳng hạn; bạn bè nó mỗi khi cất cánh, phải cho máy bay cất đầu lên phi đạo; nhưng Tự lại cho chúc đầu xuống trước, sau mới làm một 'roll' cất bổng vượt lên bầu trời.  Dầu chưa xảy ra tai nạn; thì đó vẫn phạm luật an phi bay. 
     Một lần khác, Tự dẫn một phi công 'solo' trong phi vụ bay đầu tiên tên Ý-- tay trẻ tuổi này thường bị người nữ buộc chân bằng một sợi chỉ hồng.  Tự dẫn một chiếc, bay trước; rồi  Ý dẫn chiếc khác theo sau.  Máy bay  'leader' thuận lợi hơn  tay  'wingman' bay theo sau.
     Khi tới Cheo Reo; Tự cho máy bay vọt thật lẹ; tay 'wingman' quờ quạng , mất phương hướng bay theo.  Nhìn vào bản đồ cũng như không, chẳng  biết đâu mà tìm 'ông thầy'.  Đồng hồ nào cũng là 360 độ, cái' ông thầy' mình, nó đã bay đi đâu cà.  Gọi liên lạc ầm ỹ; chẳng ăn thua; mãi sau về tới phi trường, được 'radar cận tiến' dẫn đáp.  Câu đầu tiên, 'wingman'  hỏi anh em ngoài phi đạo, " ... thế nào, thiếu úy Tự đã đáp rồi hả ?" "-- Đúng vậy." -- " ông ấy đáp lúc mấy giở; và ông ấy hiện ở đâu? "  " -- ... hình như có một giai nhân đã lái xe đón ông ấy đi rồi."  
     'Wingman' chửi thế một chặp; giơ tay quệt mồ hôi toát ra. Sợ thật; vì lần đầu đã bị 'ông thầy' bỏ rơi, lạc phương hướng bay; sợ máy bay cạn xăng; sợ vỉ' ông thầy' có bị 'gì gì' không đây?  Bao nhiêu là 'cái sợ' đổ lên đầuwingman' bay độc hành. 
    Phi công Ý hỏi  thêm, "  ... ông ấy có nói gì thêm không?  '' " ... có, bảo nếu thấy thiếu úy sẽ về đáp; chậm ít nhất 15 phút; mới  độc hành như thế là 'chì' lắm, dặn thiếu úy tới tìm 'ổng'  ở quán Mai Lan, đường Phan bội Châu ."


                                                         ***    

      Lúc  mới đeo lon thiếu úy; Tự đã nổi tiếng là có máu 'quái khách' trong chốn giang hồ.  Một buổi, Tự được thông báo sang mai bay yểm trợ hành quân lúc 8 giờ sáng tại phi
trường.  Địa điểm, giờ bay, nơi quân bạn, đầy đủ từng chi tiết.  Nhưng; tối hôm trước, nó đi chơi gần sáng mới trở về phi đoàn.  Và, sáng hôm sau tới phi trường, bị trễ khoảng năm phút.   Nó tới nơi; thì quân bạn đã đi rồi.  Nó bay ngay lên đó; tự phạt bản thân bằng cách không về ngay, sau khi yểm trợ xong xuôi cuộc hành quân.   Cả trưa và chiều, ' gồng mình' bay yểm trợ cho tới lúc kết thúc .  Dẫn cho khu trục trút bom đều trúng mục tiêu yêu cầu.  Kết quả cuộc hành quân; quân bạn thắng 100%.
     Vị đại tá chỉ huy cuộc hành quân dưới đất liên lạc trên tầng số; biết tện tuổi, cấp bậc, phi đoàn quan sát của nó.  Ông ta đề nghị tặng nó ' anh dũng bội tinh ngôi sao vàng' . Nhưng; vị phu tá chỉ huy không trợ vùng; đã được báo cáo phi công quan sát Tự đến trễ; sao lại được tặng' anh dũng bội tinh ngôi sao vàng'.  Ý của vị phụ tá kia muốn thay tên phi công quan sát Trịnh đức Tự cho một vị sếp của vị phụ tá không trợ.
    Một buổi, trung tá Vũ  Kq vào phòng hành quân chiến cuộc; gặp nó đang điện với vị đại úy phụ tá không trợ'
     " Tôi thiếu úy Tự đầu dây, xin được thưa với giới chức câu chuyện  sau đây.  Chẳng là, vị đại tá chỉ huy bộ binh đã báo cho  biết; phi tuần yểm trợ hành quân vào ngày N. giờ X. rất hữu hiệu, ông ta để nghị tưởng thưởng cho đích danh thiếu úy Trịnh đức Tự anh dũng bội tinh với sao vàng chi chi đó.  Còn 3 anh dũng bội tinh ngôi sao đồng sẽ danh tặng 3 bạn tôi -- và yêu cầu tôi cho biết tên tuổi, cấp bậc,  số quân, phi đoàn ... Hôm nay, đại tá nhận đước báo cáo; xem lại, không thấy có tên tôi. Đại tá cho hay: nếu giới chức không thay tờ đề nghị tặng thưởng huy chương; đại tá sẽ không ký , duyệt, và chuyển giao.  Tôi, thiếu úy Trịnh đức Tự trả lời đại tá :  lính đánh giặc quan trọng hơn huy chương.  Cái huy chương kia, theo tôi, chỉ  là ghi  cái mốc hành động + thời gian mà quân nhân đả đóng góp.  Riêng tôi; ai nhận được huy chương, chẳng sao; cụ thể cái huy chương mà đáng lẽ tôi được;  dành cho một ông là sếp của giới chức; thôi thì cứ bỏ qua cho xong chuyện.  Bởi lẽ, ' người ngồi mát ăn bát vàng' kia, vẫn là quân nhân trong Quân chủng Kq chúng tôi ."
     Đầu dây bên kia, Tự nghe được giới chức trả lối,
     " .. tôi không nhắc tới ai được thưởng huy chương; chỉ muốn hỏi thiếu úy, hành
quân là quan trọng mà thiếu úy tới trễ.  Huy chương là quyền hạn của tôi; đề nghị ai là người xứng đáng. Đó là việc của tôi  và cấp chỉ huy của thiếu úy + vị đại tá chỉ huy bộ binh.  Thiếu úy có dám thừa nhận việc trể, có thể gây tai hại không nhỏ cho cuộc hành quân không?  Tôi không đề nghị phạt thiếu úy thì thôi; đây là lỗi lầm của phi công mới ra trường mắc phải-- vậy thiếu úy còn dám nói tới huy chương để làm cái gì?" 
    Tự trả lời, giữ đúng tác phong quân đội đối với vị chỉ huy,
    "  Giới chức không cần phải nhắc tới huy chương. Thực ra bữa ấy, tôi nhận lỗi có tới trễ ít phút. Bủ vào đấy; tôi đã ở lại trên chiến trường với quân bạn suốt trưa, qua chiều; tới lúc hành quân kết thúc mới bay về.  Bây giờ ông đại tá nọ buộc rằng: chỉ quân nhân hữu công mới được tưởng thưởng huy chương; vậy tôi xin đề nghị mấy huy chương kia nên dành cho anh em phi đạo, tái xế. Cũng lại xin thưa với giới chức: giả dụ không có tài xế đón tôi; làm sao tôi đến đúng giờ để cất cánh.  Tôi đề nghị thưởng huy chương cho anh em ở phi đạo; nếu anh em không hăng say làm việc; như sửa máy bay hỏng hóc đạt tình trạng tốt nhất; làm sao tôi yên tâm khi cho máy bay cất cánh an toàn , yểm tợ hành quân hữu hiệu. Còn việc tới trễ ít phút; có thể  thưa vơi đại úy; tôi đến đúng giờ, song lúc khởi động; tôi buồn 'đái' đành phải tắt máy, vào nhà vệ sinh.  Rồi sau mới lại nổ máy, cất cánh bay ; thì đại úy nghĩ sao ?"
      Trung tá Vũ  Kq ngồi ngay đấy; lắng tai nghe cuộc điện đàm. Là người biết điều, có tư cách chỉ huy;  biết phải quấy; ông ta bèn gọi  phi công Tự, và có lời nhắn nhủ. Đại để, ông ta rất lấy làm xấu hổ; khi biết rằng chính tấm huy chương kia dành cho ông ta, đúng ra phải là công lao phi công Trịnh đức Tự.  Không khi nào trong đời quân ngũ; ông ta lại học được bài học chỉ huy  lãnh đạo, thấm thía đến vậy.  Bài học dạy về nhân cách từ  một phi công trẻ tuổi của Không quân, không chỉ có phẩm cách, khả năng mà thôi , sau này sẽ là một sĩ quan chỉ huy dám làm, dám nói, không chỉ' ngậm miệng ăn tiền'  thôi đâu. Trung tá Vũ  xin lỗi nó.  
     Nó cũng không quên, sau đó được trung tá Vũ đề nghị cho đi phép đặc biệt 4 ngày 
 trực chỉ  Saigon, để thăm gia đình.   Lãnh tiền xong, nó không về nhà, cầm nắm tiền như vừa cướp được; hết trà đình tửu quán lại tới vũ trường.  Có một buổi đi khiêu vũ 'lậu'; thời kỳ ' vũ trường không được nhảy đầm chỉ trà đàm' ( thi hành lệnh nữ dân biểu Trần lệ Xuân); phi công Tự gặp một 'em nạ dòng'-- nhìn mặt rồi đâm mê ngay, tướng tá, điệu bộ dâm đãng cuốn hút.  Nhẩy ' lậu'  với nó  xong; em hỏi làm nghề gì?  Nó đáp 'tắc- xi- bay'. Em 'mết' nó, lái xe hơi riêng đưa nó về 'tổ'. Gật đầu không cần suy nghĩ,  sao lại có thể từ chối cho được.  Chỉ nghĩ đơn sơ, cô nàng chịu chơi, muốn tìm của lạ; nhất là nhìn sức vóc khỏe mạnh, hẳn rằng đêm nay chúng ta cùng chia sẻ một đêm tình ái.  Quả là em chiều chuộng  thật tận tình, phòng ngủ đẹp, rất tiện nghi.  Em dặn,"anh phải dậy sớm đấy nhé, ấy là giữ thể diện cho em, tránh điều dị nghị, OK?" Nó gật đầu. Men nồng còn làm chuếnh choáng; nó vẫn còn muốn lên giường ngay.  Khi em đưa tay cởi khuy áo nó; trao  bộ quần áo ngủ; còn được lau mặt bằng khăn tẩm nước nóng ấm; nó có cảm giác khoan khoái được chiều chuộng .  Nhìn lên tường, một bức tranh đắt giá của họa sĩ nổi danh đương thời. Nhưng cạnh đó,t tấm ảnh chân dung một sĩ quan Kq, khiến nó giật mình. Bóp trán suy nghĩ, sao khuôn mặt trông rất quen--  đúng là một sĩ quan không quân. Hỏi, " tay này là ai, chồng, người tình ?" -- em lắc đầu, cho biết đó là anh trai, hiện đồn trú tại Pleiku.  Bây giờ thì nó leo lên giường rồi; giụi điếu thuốc hút dở; đứng dậy, chụm chân, đưa tay phải lên chào kính bức chân dung ảnh khả kính kia;  mới leo lên giường nằm.  Em vừa năm xuống cạnh; nó lao về phía ấy, như vớ được mồi ngon trong cơn đói lả.  
    Anh sáng tắt dần vào hư vô mờ mịt.


                                                            ***
 Có một buổi sáng ở phi trường, nơi nó thường bay. Lần này, nó đã học lái xong Cessna; nghĩa là có thể chở 3, 4 hành khách cùng bay với nó về Saigon. Bắt gặp vợ chồng  đi bên nhau âu yếm đang đi ra phía chiếc máy bay mà nó sẽ lái. Giơ tay chào vị đại úy kia; bây giờ nó nhận ra được rồi : 'cái mụ phu nhân kia sao nhìn quen quen'. Giật mình; đã nhớ ra rồi; ' cái mụ phu nhận này' chính là cô em vũ nữ nhẩy 'lậu'vơi nó  đêm nào, đã mời nó' quá giang' một đêm tình ái . Và, chân dung ảnh vị sĩ quan không quân kia, đúng là người mà nó đã đứng chụm chân chào kính,  tối nọ.
    'Thôi cũng đành làm mặt lạ với nhau; chứ làm sao bây giờ?' 



                                                            ***

   Lần chót; tôi gặp phi công Tự; ấy là lần nó mời tôi + Bằng đi ăn cơm. Như  kể ở trên ; đó là một buổi thứ 4 trong tuần, gặp nhau ở trong câu lạc bộ bộ Tư lệnh. Nói chuyện được vài câu, nó hẹn ngày giờ, nơi ăn uống; rồi phải đi Cần thơ ngay.
    Buổi chiều, từ đền  6 giờ; tôi học anh ngữ ở 'Staff Devopment Center'. Tới 5 giờ chiều; tôi xin phép cô giáo nghỉ sớm 1 tiếng. Ra quán ngoài cà- phê ở lề đường Sương nguyệt Anh đợi Bằng. Nửa tiếng qua đi, vẫn chưa thấy Bắng tới.  Thật vô lý; xưa nay  Bằng rất đúng hẹn. Chỉ rất đội khi, anh ta mới sai hẹn; nhưng sau đó báo  ngay.  Nhìn đồng hồ đã trể gần 1 tiếng đồng hồ; và, quyết định tới nhà cô Mai.  Tới nơi, Tự đã ngồi chờ chúng tôi ở sa- lông. Quần áo chỉnh tề, giây rớ đàng hoàng ; xưa nay vốn lè phè trong việc ăn vận,  Dầu ăn mặc cầu thả tới đâu, dáng vẻ oai phong, bay bướm vẫn là Trịnh đức Tự rất đàn ông với bộ râu quai nón.  Tự hỏi sao có một mình tôi đến; còn  Bằng. Nó tặc lưỡi,"  thằng này lại Vi-Xi nữa rồi !" .
    Ngôn từ ám chỉ thằng nào thất hẹn; chứ không dính dáng tí gì tới vấn đề 'chính chị, chính em'. Tôi để ý không thấy Mai; Tự nói trỏng hướng vào phía trong, "  bữa nay anh đi ăn với anh Phong nhé!" .
    Hai đứa tôi chở nhau trên xe gắn máy Honda dame; cặp sách để lại nhà cô Mai. 
    Tự nói với dáng vẻ thất vọng, " Tính là chủ nhật này làm 'đám cưới dã chiến'; ấy là, đã nhờ nhà báo  Nguyễn Tú báo Chính luận  gặp trước bà  mẹ vợ tương lai cho phép làm đám cưới.  Bà trả lới, 'mùa này là mưa ngâu cần phải kiêng cữ chuyện Ngưu Lang, Chúc Nữ; và con bé Mai còn  phải sửa soạn thi tốt nghiệp cử nhân luật.'
    Tự buồn ra mặt, tôi đành im lặng, chẳng biết an ủi sao nữa.  Tự nhắc lại, có lần nó và Mai đã tới tìm tôi ở trường anh ngữ, 41 Sương nguyệt Anh; tiếc là không gặp.  Tự quyết định ở  Saigon vài ngày nữa để thu xếp xem sao ?  Như dự định, hàng  hóa đặt mua từ Okinawa về; nếu chưa bán được giá; hẳn phải bán chiếc xe hơi để có tiền làm đám cưới thôi.  Nghĩ trong bụng không nói ra, thằng này có xe hơi từ bao giờ. Cũng vì bà mẹ vợ tương lai bị giật hụi bạc triệu.  Theo nó, chính dịp khó khăn tài chính này làm đám cưới  sẽ tránh được dư luận xì xào' chú rể sa  chĩnh gạo nếp'.  Nó muốn  được chính danh bước vào gia đình nhà vợ, không bị mặc cảm tự ty. Nghe rồi, chỉ biết vậy thôi; tôi chẳng hỏi cho ra ngọn ngành.  Nó vẫn thắc mắc, tại sao' thằng Bằng rất đúng hẹn mà lần này  sai hẹn  được nhỉ.'  Trả lời bông phèng, " bây giờ mùa gió chướng thổi mạnh làm áo sống tên  Bằng rách tơi tả; không tiến dằn túi, là không đi rong chơi với bạn bè đó thôi."  
     Ăn xong, nó bảo tội lên Brodard cà phê, cà pháo đã.  Nơi này, nó kể từng gặp nhiều vũ nữ,  từng nhiều đêm vơi đầy tâm sự; không quên một 'nạ dòng đóng vai vũ nữ' rủ nó làm tình suốt đêm; nhưng phải dậy sớm, sợ hàng xóm dị nghị.  Và Tự nhắc chuyện bay bổng ở phi đoàn;  xưa là thầy Thái bá Đệ; bây giờ, phi đoàn trưởng 516, Phạm bình An.
    Kể thêm chuyện sáng nay khi vào bộ Tư lệnh Kq, gặp trung tá đặc trách khu trục;  ngỏ ý muốn đưa nó ra Phan rang nắm một phi đoàn mơi.  Ý thật hay; nhưng Tự chưa vội nhận lời; hoặc, lắc đấu từ chối -- lý do giản dị thôi, tay đàn anh đặc trách khu trục tỏ vẻ ban ân huệ hơn là sử dụng đúng khả năng .  Nó cho vậy không 'fair play' , trái với cách sống hàng ngày của nó.  Công việc là công việc; thấy xứng đáng thì cắt cử;  đừng tỏ thái độ trịch thượng, ban ân huệ kèm .  Chỉ mới nghĩ thôi; giá mà lấy vợ rồi; thì dầu sao Phan Rang cũng gần Saigon hơn Đà nẵng.  Từng trên dưới 10 năm phục vụ nơi địa đấu giới tuyến; chưa một lần được về gần Saigon.  Nhưng bây giờ, bà mẹ vợ tương lai chưa' duyệt' thì  Phan Rang hay là Đà Nẵng,có khác gì nhau . Tự còn nhắc chuyện hoa tiêu Nguyễn Du mất tích vào tháng 4 vừa qua ở mặt trận Mỹ Chánh. 
     Nguyễn Du, một hoa tiêu tài danh, 24 tuổi, huy chương xương máu tối ưu, cả Việt lẫn Mỹ quốc; bay yểm trợ hành quân bị bắn rơi. Nguyễn Du ra đi , chỉ sau ngày hoa tiêu Trần duy Mỹ , ít tháng. Tự hỏi tôi, ' có nhớ cái quán cháo gà cô Châu không?' 
     Nhớ ngay thôi, đêm ấy Mỹ,  Bằng, tôi và Tự tới ăn cháo gà giấc khuya.  Gặp hoa tiêu Nguyễn Du cũng ngồi ăn cháo trong quán cháo gà ngon tuyệt vời, ở khu gia binh không quân.  Nghe tâm sự kể những chuyến bay hành quân, ý nghĩa cuộc sống vội vã, sống nay, chết mai; đưa nào có vợ; thì vợ trẻ khổ, đứa nào chưa vợ thì bố mẹ ưu phiền.
    Ra về quá nữa đêm, bàn chuyện huyên thuyên về cái chết của hoa tiêu Nguyễn Du.  Đáng lẽ, phải biết giữ Nguyễn Du ở quân trường  để truyền kinh nghiệm bay cho lớp đàn em đến sau. Nhân tài và biết giữ gìn mạng sống nhân tài là cần thiết.  Tự bình luận hệt như cố vấn Mỹ sang Việt Nam làm cố vấn quân sự.  
    Bây giờ; thì cái quán cháo gà cô Châu chẳng còn tồn tại .  Hình như cô phải lòng anh cơ phi nào đó,  điển trai, giỏi nghề sửa máy bay;  tán gái ngọt như mía lùi;  cô đã gật đầu bằng lòng làm vợ anh ta rồi. 
     Hoa tiêu thiếu tá 23 tuổi Nguyễn Du cũng không còn sống nữa rồi ; bị trói vào cột, đấu tố tới chết- một cố vấn Mỹ cho biết thấy cảnh này in trên một tờ bao anh ngữ xuất bản ở Hong Kong. 


                                                              *** 

   
    Buổi Tự từ gĩa từ anh em; nó phải thực hiện một phi vụ thả bom ở mạn Quế sơn -- trong khi nó đang đi mượn xe pick-up , khuân ván ép làm trần phòng cưới.  Một hoa tiêu thấy vậy; đã cáp helmet vào nách ra phi đạo bay thế-- thì nó trở về.
    Tự không đi khuân ván ép nữa; một phần vỏ xe pick up bị thủng; và, không để cho bạn bay thế,
  " mày đợi nhé, sau 50 phút tao về rồi củng đi ăn, hiểu chưa?  Tao đã đặt cái bánh cưới to lắm ở tiệm Kim My rồi, những 7500 đồng đấy . Tao về, đi lấy bánh cưới luôn nhé.  Mày nhớ ; chiều nay vợ tao sẽ từ Saigon bay ra .  Tới nay tổ chức cưới tại phi đoàn;  nhớ gửi hết số thiệp cưới tới các vị khách đã ghi tên cả rồi." 

    Một tiếng đồng hồ, phi đoàn được báo tin một chiếc A 37 đã bị bắn rớt tại Quế sơn .  Hoa tiêu là đại úy Trịnh đức Tự, Phi đoàn 516. []

     thế phong
   ( bài tu chỉnh/ tháng 10/2015)  


                                              thế phong  [i. e. đỗ mạnh tường 1932-    ]
                                                              ( tr. 288 TẬP THƠ TRUYỆN KHÔNG QUÂN THỜI CHIẾN)
   

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ