Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

"Vài Kỷ niệm về Học giả CAO THẾ DUNG / bài viết: Vĩnh Liêm -- www.thothanhuu.tripod.com/

Vài Kỷ niệm về
Học giả Cao Thế Dung 


VĨNH LIÊM

                    -  học giả, thi sĩ CAO THẾ DUNG [1933-- 31/10/ 2017 VIRGINIA] ( trái qua, người thứ 2) 
                           +  tiến sĩ sử học VŨ NGỰ CHIÊU [1943-   ] (tức nhà văn Nguyên Vũ  (Saigon cũ)  ( phải qua, người đầu tiên.) 
                                                                                           (ảnh: Internet)



      Đầu năm 1979 tôi đang ở St. Louis, Missouri, một hôm tôi nhận được điện thoại của nhà văn Cao Thế Dung, đại ý ông mời tôi về giữ chức Tổng Thư Ký báo Hành Trình. Lúc ấy tôi đang có công ăn việc làm khá vững, mặc dù lao động tay chân nhưng cũng tạo được căn nhà nho nhỏ (mobile home), cuộc sống tương đối thoải mái vì được ông chủ hãng nâng đỡ cho lên hàng đốc công (foreman), trông coi được 7, 8 nhân viên người Mỹ. Người Việt da vàng như tôi lúc đó mà ngoi lên được chức đốc công (của nghề machinist) trong vòng có hơn hai năm, kể cũng được coi là le lói lắm! (theo chủ quan an phận thủ thường). Ngoài ông chủ ra, tôi chỉ dưới quyền của ông Supervisor mà thôi (không có chức Manager). Như thế cũng tạm yên thân. Còn cái chức Tổng Thư Ký báo thì sao? Lương hướng thế nào? Có bảo hiểm không? Xin thưa: Cái chức Tổng Thư Ký báo Việt ngữ ở hải ngoại lúc đó, vừa không có lương lại càng không có bảo hiểm sức khoẻ! Nhưng tôi lại thích cái chức Tổng Thư Ký báo hơn là Đốc Công vì nó đúng sở trường của mình, mặc dù không có lương và bảo hiểm. Tôi tự nhủ mình rằng: Mình đi tị nạn bằng hai bàn tay không thì bây giờ trở về (nghề báo) với hai bàn tay trắng thì có sao đâu! Thế là tôi quyết định bán nhà để dọn về Hoa Thịnh Đốn làm báo Hành Trình. Chuyện làm báo Hành Trình và các tờ báo khác tôi sẽ kể trong một dịp khác.
  *** 
    Nhà văn Cao Thế Dung và tôi là anh em kết nghĩa từ thuở hàn vi làm báo Hành Trình. Tôi kính mến nhà văn Cao Thế Dung vì ông có cái chân tình rất đặc biệt mà tôi rất hiếm thấy ở những nhà văn khác. Đó là cách cư xử của ông đối với tôi: Ông coi tôi như một người bạn qúi. Ông không hề ra lệnh cho tôi phải làm như thế này thế này (lúc làm báo Hành Trình) hay phê bình tôi một điều gì (sau đó). Khi ông viết thư cho tôi, lúc nào ông cũng ghi là: Vĩnh Liêm trân qúi hoặc là Vĩnh Liêm thân ái. Lẽ dĩ nhiên là lời thư của ông rất chân tình. Gần một phần tư thế kỷ, tôi chưa hề thấy ông có điều gì sơ suất đối với cá nhân tôi. Tôi nghĩ rằng tình bạn mà giữ được một phần tư thế kỷ quả là điều rất qúi. Hơn thế nữa, người bạn ấy đã tiến xa trong lãnh vực văn học, lại càng là niềm hãnh diện cho mình.
  Người xưa nói Bụt nhà không thiêng. Anh em thân thiết với nhau thì lại càng không để ý tới nhau. Đó là cái bệnh chung của người Việt mình. Có lẽ tôi cũng mắc cái bệnh đó, mặc dù tôi vẫn thường xuyên theo dõi các bài viết trên báo Việt ngữ của nhà văn Cao Thế Dung và bình luận gia Hà Nhân Văn. Độc giả từng say mê theo dõi mục Hà Nhân Văn hàng tuần trên một số báo Việt ngữ ở hải ngoại, nhưng đa số không biết Hà Nhân Văn là ai, tên thật là gì? Độc giả cần tìm hiểu tên thật để làm chi? Chỉ cần biết Hà Nhân Văn là được rồi. Nhưng có điều chưa đủ là bút hiệu Hà Nhân Văn chỉ ở phương diện bình luận chính trị và thời cuộc; còn Học giả Cao Thế Dung thì thênh thang ở lãnh vực biên khảo và văn học. Tuy hai mà một, nhưng tuy một mà hai.
  Có thể tôi có điều sơ suất vì tôi chưa bao giờ có lời khen ngợi về các công trình biên khảo thật công phu của người anh kết nghĩa của mình, mặc dù tôi có khá đầy đủ các cuốn sách của ông do chính ông gửi tặng.
  Hôm nay, anh em gặp lại nhau, kéo nhau ra quán để đánh chén. Anh em hồi tưởng lại đoạn đường đời trong 24 năm qua, kiểm điểm lại xem ai còn ai mất. Chúng tôi đã mất rất nhiều người bạn, nhưng cá nhân tôi còn lại một người bạn thân qúi, đó là Học Giả Cao Thế Dung. Tôi cầm hai quyển Việt Nam Công Giáo Sử Tân Biên (Quyển I và Quyển II) in đầu năm 2003, dày khoảng 2.000 trang, tôi bỗng giật mình. Ông cho biết: Quyển III sẽ in vào cuối mùa Xuân này. Tôi nghĩ thầm trong bụng: Ông này làm việc dẻo dai thế! Tuy nhiên, tôi không lạ gì về sức làm việc dẻo dai của ông.
  Ông có cái tật đi ngủ sớm và thức dậy sớm. Hễ đúng 10 giờ tối là ông đi ngủ, đúng 4, 5 giờ sáng là ông tự động thức dậy. Ngày nào cũng như ngày nào. Ông ngủ đúng 6, 7 tiếng đồng hồ hoặc ít hơn. Có cái lạ là từ 6 giờ (sau bữa cơm tối) đến 9 giờ tối là ông phải đọc sách, tài liệu hoặc báo chí. Những điều gì ông thấy cần chú thích hoặc để ý thì ông khoanh vòng tròn đỏ rồi xếp lại trên bàn viết. Trước khi đi ngủ, ông sắp xếp đầy đủ tài liệu cho một dàn bài mà ông định viết vào sáng hôm sau. Cứ thế là sáng hôm sau, ông thức dậy, làm vệ sinh cá nhân, mặc quần áo chỉnh tề, pha ly cà phê đen rồi ngồi vào bàn viết. Viết cho đến khoảng 12 giờ trưa là ngưng để ăn cơm. Sau khi ăn trưa xong, ông đánh một giấc nồng khoảng một tiếng đồng hồ, thức dậy, tắm rửa. Sau đó ông mới đọc thư, trả lời thư tín hoặc điện thoại.
  Một điều cũng cần nên tiết lộ về thú vui của ông là Martin. Sau bữa cơm tối, trong lúc đọc sách báo và tài liệu, ông nhâm nhi độ ba ly Martin. Đó là cái lệ thường trực hàng ngày của ông. Anh em thân thích đặt cho ông cái biệt danh rất dễ thương là Dung Martin.
  Sau khi đặt chân tới Mỹ năm 1975, mục tiêu ưu tiên của ông là tiếp tục học lại. Lợi dụng dịp đó, ông học và viết thông thạo tiếng Anh. Trước năm 1975, ông Cao Thế Dung cũng đã khá thông thạo Hán văn. Sau năm 1975, ông cũng vẫn tiếp tục học Hán văn. Bây giờ ông rất nhuần nhuyễn tiếng Hán. Nói tóm lại, ngoài tiếng Việt ra, ông thông thạo ba ngoại ngữ: Anh, Pháp và Hán văn.
  Về đức tính của ông Cao Thế Dung, tôi có những nhận xét như sau:
1. Ông làm việc rất cần cù và siêng năng.
2. Ông có tinh thần cầu học và cầu tiến.
3. Ông làm việc có phương pháp và làm việc liên tục không biết mệt. Giờ giấc của ông đã đi vào khuôn thước.
4. Ông không có nhu cầu về tài chánh. Tất cả 5 đứa con (3 trai, 2 gái) đều đã thành danh, mỗi đứa đều làm chủ một ngôi nhà khang trang. Ở mỗi nơi, ông đều có phòng ngủ riêng và phòng để sách. Riêng thư viện chánh thì ông đặt tại nhà của trưởng nam.
5. Ông không có vấn đề trai gái hay cờ bạc.
6. Ông có tài sưu tầm tài liệu. Công phu sưu tầm tài liệu của ông đã giúp ông thành lập được Thư Viện Nam San mà các Đại học nổi tiếng như Cornell và Georgetown đã đặt cọc. Nếu ông chấp thuận, họ sẽ dành cho ông cái tên là Cao Thế Dung Section trong thư viện đồ sộ của họ. Theo tôi được biết, có thể ông sẽ biếu Thư Viện Nam San cho Đại Học Cornell.
  Nhân đây, tôi cũng xin có vài hàng giới thiệu về Thư Viện Nam San để qúi độc giả có cái nhìn rộng rãi hơn về sức làm việc cần cù và siêng năng của Học Giả Cao Thế Dung trong suốt 28 năm qua.

  Thư Viện Nam San

  Tôi vẫn thường đến thăm Thư Viện Nam San, mà mỗi lần đến là mỗi lần tôi nhìn thấy nhiều điều mới mẻ: Thêm sách và tài liệu. Tôi muốn hỏi về một điều gì thì Thư Viện Nam San đều giải đáp thỏa đáng cho tôi. Mời qúi vị đi xem một vòng Thư Viện Nam San cho biết sự tình.
  Vài hàng về việc sưu tầm và tích lũy tài liệu. Việc sưu tầm của GS Cao Thế Dung bắt đầu từ năm 1976, do mấy cơ hội sau đây:
* Tháng 11 năm 1975, sau khi định cư tại vùng Silver Spring, Maryland, ngoại ô Hoa Thịnh Đốn, Giáo sư Cao Thế Dung may mắn được giáo xứ Christ The King bảo trợ và giúp tài chánh, đưa ông vào học tại trường Sinh ngữ và Ngữ học thuộc Đại Học Georgetown (của Dòng Tên) và do Giáo sư Thomas Walsh, Chủ tịch khoa Văn chương Anh, giới thiệu. Ông nạp đơn dự cuộc tuyển lựa của The Ford Foundation, một tổ chức Văn hóa Giáo dục & Khoa học Mỹ (tích sản 26 tỷ Mỹ kim năm 1975). Trong số trên 160 dự tuyển (về phiá Việt Nam gọi là dislocated scholars), GS Dung là một trong số trên 10 người được tuyển chọn, trong đó có các GS Nguyễn Ngọc Huy, GS Nguyễn Thế Anh (nguyên Viện Trưởng Đại Học Huế), GS Phạm Cao Dương, GS Tạ Văn Tài Lương 9.800 Mỹ kim một năm cộng với bảo hiểm sức khỏe cho cả gia đình.
(Nhờ số lương hậu hỉ này mà GS Dung đã mua chiếc xe Nova đời 1978 màu trắng, láng cóng).
  * GS Dung qua Pháp, nghiên cứu tại Thư viện quốc gia Pháp và các trung tâm văn khố Pháp như: AME, văn khố Hội Thừa Sai Ba-Lê, Văn khố Pháp quốc hải ngoại CAOM ở Aix-en Provence, CORAN và Văn khố Trung ương Pháp tại Ba-Lê.
  * Những năm từ 1990 đến 1995GS Dung hợp tác với một số tổ hợp Hoa Kỳ, với những grants nghiên cứu về Trung Cộng hiện đại, GS Dung lo về phần vụ VNCS quan hệ với Trung Cộng.
  Do vậy một công đôi ba việc, không mấy ai có cơ hội tốt đẹp này. Một là do fellowship của The Ford Foundation, hai là do những grants đặc biệt, nên GS Dung đã sưu tầm được nhiều tài liệu qúi, hiện tàng trữ trong 17 tủ lớn và hai tủ nhỏ, mỗi tủ có 8 ngăn được xếp theo chiều dọc phiá trong và chiều ngang một nửa phiá ngoài, cả trên nóc tủ.
  Về Sách, có vào khoảng gần 1.000 cuốn. 

A. Sách Việt Nam

1. Về Sử: Khá đầy đủ, có các bộ Quốc Sử như:
-         Khâm Định Việt Sử Thông Giám
-         Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (xerox trọn bộ)
-         Việt Sử Lược
-         An Nam Chí Lược của Lê Tắc, bản dịch của Đại học Huế năm 1960 (xerox trọn bộ)
-         Đại bộ Đại Nam Thực Lục, Tiền biên và Chính biên, rất đồ sộ (thiếu 2 tập)
-         Bộ Quốc Triều Chính Biên, toát yếu
-         Đại bộ Đại Nam Thống Nhất Chí, bản dịch của Bộ Văn Hóa Giáo Dục VNCH
-         Đại bộ Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (267 quyển), bản dịch của nhà xuất bản Thuận Hóa
-         Đại bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (bản dịch)
Ghi chú: Một số sách qúi kể trên do GS Dung gửi mua từ VN hoặc được tặng lại (cố Học giả Hoàng Văn Chí tặng GS Dung bộ Quân Sử VNCH và đại bộ Đại Nam Thống Nhất Chí).
-         Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, 2 tập, xuất bản tại Hà Nội.

2. Về Y học Đông Phương: Có thể nói GS Dung có cả một tủ sách chất đầy sách Y học, được gửi mua từ VN, Hồng Kông và Đài Loan (nhờ ông đọc thông suốt Hán văn, cổ và kim). GS Dung có đầy đủ đại bộ Hải Thượng Lãn Ông Y Đông Tâm Lĩnh (do Lương y Hinh tặng) và toàn bộ tác phẩm của Thánh y Tuệ Tỉnh.

3. Sách qúy bằng tiếng Việt: GS Dung có vào khoảng trên 400 cuốn, chẳng hạn như: Nhớ Nghỉ Chiều Hôm, hồi ký của học giả Đào Duy Anh; Một Cơn Gió Bụi của sử gia Trần Trọng Kim; Lịch Sử Cổ Đại Việt Nam của Đào Duy Anh, v.v GS Dung có hai bộ sách rất hiếm là bộ Đạo Nam Kinh (cầu cơ) do một vị cao niên người Hành Thiện, Nam Định tặng.
  Về tác phẩm của Lê Qúy Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Ngô Thời Nhiệm, GS Dung có 11 bộ. Ông cũng có bộ Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông, Trúc Lâm Tông Chí Nguyên Thanh của Ngô Thời Nhiệm, Tam Tổ Hành Trạng của ba vị tổ Trúc Lâm Yên Tử đời Trần, bộ Thiền Uyển Tập Anh, Địa Dư Chí của Nguyễn Trãi, Thái Ất Thần Kinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm (bản Hán Văn xerox và bản dịch). Đặc biệt, GS Dung có bộ Ngọc Chân Kinh, quốc bảo của triều Nguyễn, chụp toàn văn từ bản chính của Cụ Lê Tư Vinh cho mượn. GS Dung cũng có bộ Lĩnh Nam Di Thư (bản chụp từ thư viện Liễu Châu, Trung Hoa, do TS Phù Giới Tài tặng).
4. Về sách chữ Hán: Hầu hết là Kinh Dịch, Tử vi, và Lý số. GS Dung có một tủ lớn, xếp chồng chất cả trên nóc tủ. Số sách này, ông đem từ Đài Loan về, do TS Phù Giới Tài tặng, trong đó có bộ Trung Quốc Thông Sử và bộ đại từ điển Khang Hy. GS Dung có 5 bộ tự điển qúi do Cụ Lê Tư Vinh tặng, như: bộ Tự điển của Paulus Huỳnh Tịnh Của, và Hán Văn Tân Từ Điển của Hoàng Thúc Trâm. GS Dung có bộ Kinh Dịch Đại Toàn, bản gốc của Ông Ngô Đình Nhu do cụ Lê Tư Vinh sưu tầm được, GS Dung đã xerox lại trọn bộ này.
  Về số sách chữ Hán mà GS Dung coi là gia bảo, cất giữ rất cẩn mật, đó là bộ Ngọc Chân Kinh, Lĩnh Nam Di Thư, và Thái Ất Thần Kinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bộ Hoàng Cực Kinh Thế, và bộ bói Dịch vĩ đại của nhà Dịch số Thiệu Ung tức Thiệu Khang Tiết đời nhà Tống, Trung Hoa.
  Nhưng quan trọng và hấp dẫn nhất của Thư Viện Nam San là nguồn tài liệu phong phú. Có thể nói rằng đây là một thư viện tài liệu về Văn Hóa và Lịch Sử Việt Nam. GS Dung đã xerox những bài chọn lọc và giá trị của các tác giả Việt và Pháp từ các tạp chí nổi danh.

  B. tạp chí Pháp

* Khoảng 40 bài khảo luận về khảo cổ và cổ sử VN của các tác giả Pháp từ bộ tập san Bulletin de 
l' École d' Extrême Orient, viết tắt là BEFEO, của Trường Viễn Đông Bác Cổ, Hà Nội. Ông xerox được tập Hội Châu Biên do Linh Mục Trương Đình Hoè dịch và chú giải bằng tiếng Pháp Les Immortels du Vietnam (Những Vị Thánh Bất Tử của Việt Nam) và các bài khảo cổ của các tác giả danh tiếng của Pháp như nhà khảo cổ M. Colani
* 17 bài khảo cứu về lịch sử VN triều Nguyễn của các tác giả Pháp trong tạp chí Đông Dương Revue de lIndochina, viết tắt là RI.
* 27 bài khảo cứu về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng VN của các tác giả Pháp, đặc biệt là các bài khảo cứu giá trị của Linh mục Léopald Cadière của tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Huế, viết tắt là BAVH, thường được gọi là Tạp chí Cố Đô Hiếu Cổ.
* 7 bài giá trị trong tạp chí France dAsie (Pháp Á), bản xerox.


  C. Các tạp chí VN ở Miền Nam trước năm 1975: GS Dung xerox được khoảng trên 5.000 bài khảo luận về các bộ môn văn hóa, triết Đông-Tây, sử, Phật giáo, ngữ học, tín ngưỡng, v.v từ các tạp chí sau đây:

1. Tạp chí Bách KhoaCó khoảng trên 100 bài, từ các loạt bài triết học của GS Trần Hương Tử, LM Trần Thái Đinh, đến các bài khảo cứu về sử của GS Nguyễn Thiện Lâu, GS/LM Nguyễn Phương. Các bài về âm nhạc của GS Trần Văn Khê; về Hát nói của Cụ Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề. Một loạt bài rất giá trị về Đạo Lão và Y Học Đông Phương của BS Trần Văn Tích, v.v

2. Tạp chí Đại Học Huế (đến năm 1964): Hơn 60 bài về Triết học Tây Phương, Triết học Đông Phương, Sử, Xã Hội của các tác giả VN thời danh, hầu hết là các Giáo sư Đại học Văn Khoa Sài-Gòn và Đại Học Huế.

3. Tạp chí Văn Hóa Á Châu (trước năm 1963): 12 bài về Triết học, Văn học và Văn hóa.

4. Nguyệt san Văn Hóa do Nha Văn Hóa Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH xuất bản: Một công trình vĩ đại của Miền Nam, chia làm 2 giai đoạn:
* Giai đoạn 1955-1963, do GS Nguyễn Khắc Kham làm Chủ Nhiệm và Học giả Thái Văn Kiểm làm Chủ Bút. Đây là một thành tựu lớn nhất của Văn Hóa Việt Nam trong 8 năm, gần 100 số, qui tụ hầu hết các học giả và các nhà khảo cứu danh tiếng của Việt Nam Cộng Hòa.
* Giai đoạn 1964-1975: Những năm từ 1964 đến 1967 có vẻ đi xuống nên không đáng kể. Từ năm 1968 trở đi, dưới thời Cụ Mai Thọ Truyền làm Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa, tập san Văn Hóa vẫn do Nha Văn Hóa xuất bản, thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh. Cụ Mai Thọ Truyền là một cư sĩ Phật Giáo thuần thành, hết lòng với công cuộc phát triển văn hóa dân tộc, đã đưa tập san Văn Hóa vươn lên trình độ thật cao và phong phú, ròng rã 7 năm.
  Do Bà Lê Thị Anh (nay đã quá vãng) giới thiệu. GS Dung đã được cụ Đây, tức cụ David (một người Mỹ sưu tầm sách VN), bán lại cho GS Dung với giá tượng trưng với một điều kiện rất nhẹ nhàng là lâu lâu nên đến thăm cụ với một vài chai nước mắm pha theo kiểu của cụ bà Hoàng Văn Chí. Cụ Đây là bạn thân của cụ ông và bà Hoàng Văn Chí và là bạn tâm giao của cụ Lê Tư Vinh.
  Năm 1998, GS Dung quyết định tặng bộ Văn Hóa, gồm 157 số (thiếu mất nhiều số) cho một Đại học Mỹ. Những số thiếu do GS Dung bổ túc sau (những số này do Cụ Hoàng Văn Chí tặng GS Dung). Trước khi tặng Đại học Mỹ bộ Văn Hóa đồ sộ nói trên, GS Dung đã xerox được trên 200 bài (giai đoạn 1955-1963) và trên 300 bài (giai đoạn 1964-1974). 
5.      Tập san Sử Địa của Nhóm Sử Địa: GS Dung đã xerox được 18 bài giá trị về Sử, nhất là loạt bài về nội chiến VN của GS Hoàng Xuân Hãn.

6. Nguyệt san Quê Hương: Do GS Nguyễn Cao Hách, cựu Khoa Trưởng Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, làm Chủ Nhiệm. Nguyệt san Quê Hương chuyên về phát triển Kinh tế và khối Á-Phi. GS Dung đã xerox được 12 bài giá trị, từ năm 1960 đến 1963.

7. Khảo Cổ Tập San của Viện Khảo Cổ Sài Gòn. GS Dung có 5 tập do cụ Hoàng Văn Chí tặng trước khi cụ qua đời. Có vào khoảng 11 bài rất giá trị.

  D. Sách Miền Bắc: Những tạp chí sau đây được lưu trữ tại kho sách VN trong Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ.
1. Tạp chí Khảo Cổ Học: Rất đồ sộ, đã đóng thành tập lớn, khoảng trên 250 (thiếu nhiều số). GS Dung đã xerox được khoảng 180 bài về khảo cổ, đặc biệt về trống đồng và văn minh đời Hùng Vương.
2. Tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử: Khá đồ sộ, đã đóng thành tập (những số từ năm 1999 đến năm 2001 chưa đóng), khoảng trên 200 số (thiếu nhiều số). GS Dung chỉ chọn lọc và xerox khoảng 170 bài khảo về sử dưới triều Nguyễn. Bộ tạp chí này rất phong phú về Văn Thân Cần Vương.
3. Bộ Dân Tộc Học: Khá đồ sộ, có vào khoảng trên 150 số (thiếu nhiều số). GS Dung xerox được 250 bài giá trị về Văn Hóa và các dân tộc thiểu số VN. Bộ Dân Tộc Học rất đáng tin cậy.
4. Bộ Văn Hóa Dân Gian: Có vào khoảng gần 100 số (thiếu rất nhiều số). GS Dung xerox được gần 300 bài về văn hóa dân gian, từ âm nhạc đến nghệ thuật trình diễn như múa rối nước, hát trống quân
5. Bộ Văn Hóa Nghệ Thuật: Có vào khoảng 150 số, bộ này rất giá trị. GS Dung xerox được gần 300 bài thuộc nhiều bộ môn văn học nghệ thuật.
6. Bộ Triết Học: Khoảng 300 số, viết về triết học Mác-Lê và Duy Vật. GS Dung xerox khoảng 30 bài.
7. Bộ tạp chí Ngôn Ngữ: Gần 100 số (thiếu rất nhiều số). GS Dung xerox khoảng 10 bài.
8. Bộ tạp chí Âm Nhạc: Lẻ tẻ, khoảng 30 số. GS Dung xerox 15 bài.
9. Bộ Xã Hội Học: Khoảng 40 số. GS Dung xerox 7 bài.
10. Tạp chí Hán Văn: Rất giá trị nhưng chỉ có hơn 20 số. GS Dung xerox 55 bài.
11. Tạp chí Đông Y: Thiếu rất nhiều số. GS Dung xerox được 25 bài giá trị. GS Dung đã tặng cho Thư Viện Quốc Gia Y Khoa ở Bethesda, Maryland.
12. Tạp chí Y Học Cổ Truyền: Có vào khoảng 100 số. GS Dung xerox được khoảng 200 bài.
13. Bộ Dược Học: Thiếu rất nhiều số. GS Dung xerox khoảng 60 bài.
14. Tạp chí Cộng Sản: Rất đồ sộ. Chỉ sưu tầm được từ năm 1976 đến nay, gần 300 số, đã đóng thành tập. GS Dung xerox khoảng 400 bài dùng làm tài liệu tham cứu. (Không kể tạp chí Học Tập trước năm 1975).
  Ngoài ra, có một tạp chí lẻ tẻ, mỗi tạp chí chỉ có vài chục số như: Lịch Sử Quân Sự, Nghiên Cứu Đông Nam Á, Lâm Nghiệp (khoảng 50 số), Nông Nghiệp GS Dung chỉ xerox khoảng 30 bài cần thiết.

  E. Một số tạp chí ở Miền Nam: Lẻ tẻ, không đầy đủ, mỗi tạp chí chỉ có vài chục số, đứt đoạn, như: tạp chí Phương Đông, tạp chí Tư Tưởng (Đại Học Vạn Hạnh). Về tạp chí Phương Đông, GS Dung xerox 17 bài rất giá trị như: Võ Học của Hồ Hữu Tường, Đạo Giáo Việt Nam của Nhất Thanh Về tạp chí Tư Tưởng, GS Dung xerox 18 bài của các Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Lê Kim Ngân, Ngô Trọng Anh, Lê Mạnh Thát

  F. Nam Phong Tạp Chí: Từ số 1 (năm 1917) đến số cuối cùng (năm 1934). Đây là nguồn tài liệu rất phong phú về nhiều bộ môn, từ văn hóa, văn học, triết học Đông Tây đến phong tục, ngôn ngữ VN Có thể nói, 216 số Nam Phong Tạp Chí là một bộ Đại Bách Khoa cũng không ngoa.
  Đặc biệt: Phụ bản Hán Văn với nhiều tài liệu hiếm qúy--Ở Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ có bộ vi-phim (microfilms) Nam Phong Tạp Chí nhưng thiếu nhiều số. GS Dung đã bổ túc các số thiếu từ Thư Viện Quốc Gia Pháp ở Paris nên gần như đầy đủ. Đây là một kỳ công của GS Dung. Ông xerox từ microfilms hoặc hoặc từ các ấn bản. Tôi thấy có:
* Hơn 100 bài toàn văn về Phật Giáo của Phạm Quỳnh, Khổng Học của Trần Trọng Kim, Mạnh Tử của Đông Châu, Ngôn ngữ, Hán Việt, v.v
* GS Dung xerox gần 300 bài có trích dẫn (ghi rõ tên bài, số báo, số trang)

  G. tủ Sách Chiến Tranh Việt Nam: GS Dung có riêng một tủ sách về chiến tranh Việt Nam. Tôi nhận thấy có:
* Khoảng gần 300 sách viết bằng tiếng Anh của các tác giả Mỹ, hầu hết là mua sale với giá rẻ. Thí dụ: Cuốn Promise and Power của D. Shapley viết về McNamara, ông chỉ mua có 2 Mỹ kim; cuốn Years of Upheal của Kissinger, ông mua chỉ có 1 Mỹ kim ở một tiệm sách cũ Do Thái.
* 5 bộ hồi ký của các Sư đoàn CS như SĐ 304, SĐ 320, SĐ Sao Vàng, v.v
* 12 cuốn sách của CS Hà Nội viết về cuộc chiến VN (hầu hết là bóp méo và xuyên tạc sự thật).
* 8 cuốn sách Pháp viết về chiến tranh VN trong giai đoạn Mỹ can thiệp vào VN.

  Phương Pháp Làm Việc của Học Giả Cao Thế Dung

  Theo Học Giả Cao Thế Dung cho biết: Những bài báo xerox từ các tạp chí kể trên và sách qúi, ông cẩn trọng để vào từng thùng ở dưới basement. Sau đó, ông bắt đầu sắp xếp lại, phân ra từng bộ môn, rồi cho vào từng hộp.
  Thí dụ: Về Dân Tộc Thiểu Số VN, có cả thảy 17 hộp, ông lại chia ra từng phần: Tày Nùng: 1 hộp, Mường: 1 hộp, Thái: 2 hộp, Thái Thanh: 2 hộp, Thiểu số Trường Sơn: 1 hộp, Thiểu số Bana: 1 hộp, Thiểu số Ra-đê: 1 hộp, Thiểu số miền Đông Nam Việt: 2 hộp, v.v
  Về Văn Nghệ có tất cả 12 hộp, ông phân chia như sau: Hát Nói: 1 hộp, Hát Trống Quân: 1 hộp, Lý Con Sáo ba miền và Hò: 3 hộp, Hát Xẩm và Hát Xoan: 1 hộp, v.v
  Về Sử, các bài xerox được phân loại, xếp vào từng hộp, chẳng hạn như: hộp Đinh-Tiền Lê, hộp Lý, hộp Trần-Hồ, hộp Nguyễn thời độc lập 1802-1884, hộp Văn Thân Cần Vương, v.v
  Các hộp này thường được GS Dung bổ túc hàng năm qua các báo mới từ VN gửi qua Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (chưa đóng thành tập). Tôi nhận thấy hiện còn khoảng trên 60 chồng tài liệu từ năm 1999 đến nay mà GS Dung chưa có thì giờ để phân loại.

  Khối Phiếu Tài Liệu

  Tôi vẫn thường hay đến thăm Thư Viện Nam San mà chưa có dịp hỏi GS Dung về các hộp tài liệu của ông. Nay thì tôi được ông giải thích cặn kẽ. Tôi nhận thấy có tất cả 26 hộp, đã phân loại, nhưng chưa thể rõ có bao nhiêu ngàn phiếu. Các phiếu tài liệu này là do tác giả đọc sách hay các tạp chí nêu trên. Nếu không xerox toàn văn hay xerox 1, 2 trang quan trọng cần trích dẫn (khi viết sách) thì ông ghi trên phiếu tài liệu. Thí dụ: Đoạn về Trời và Dịch trích trong sách Chu Dịch của Học giả Ngô Tất Tố, GS Dung chép một đoạn như sau: Trời lấy số 1 mà sinh hành Thuỷ, ông ghi rõ trang 23 và năm sách xuất bản. Hoặc đọc tài liệu qua bộ hồi ký của Võ Nguyên Giáp, ông ghi toàn văn một đoạn vào phiếu tài liệu và ghi số trang sách
  Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy có hàng ngàn tài liệu sưu khảo để ông viết các bộ như: Việt Nam Huyết Lệ Sử, Việt Nam Binh Sử Võ Đạo và bộ sử mới nhất dày 2.000 trang Việt Nam Công Giáo Sử Tân Biên (3 quyển). Sau khi dùng xong, GS Dung sắp xếp nó vào từng thùng. Theo ông cho biết, ông sẽ tặng những thùng tài liệu này cho Thư viện của Dòng Thánh Thể Việt Nam để ký thác công trình của ông nơi quê hương.
    *** 

    Tôi đã bỏ ra hai buổi để ghi chép những gì mà tôi đã quan sát được tại Thư Viện Nam San. Tuy nhiên, tôi không chắc là tôi đã ghi chép đầy đủ vì đống tài liệu đồ sộ ấy đã làm cho tôi choáng mắt. Nhưng tôi hy vọng những chi tiết ghi trên đây là những dữ kiện khá đầy đủ nhằm ghi nhận về công sức bền bỉ và dẻo dai của GS Cao Thế Dung trong suốt 28 năm qua. Với những bộ biên khảo công phu mà GS Dung đã xuất bản trong các năm qua và gần đây, đủ cho thấy cái ngôi vị Học Giả là một vinh dự cho một đời người đã tận tụy với công trình nghiên cứu, và công trình nghiên cứu này, theo chủ quan của tôi, quả thật là rất qúy báu cho nền Văn Học Việt Nam. Tôi hy vọng độc giả sau khi viếng qua Thư Viện Nam San sẽ có cái nhìn đầy thiện cảm và thân ái đối với Học giả Cao Thế Dung. Riêng cá nhân người viết, tôi thật sự hãnh diện về người anh kết nghĩa của mình.

  (Đức Phố, ngày 9 tháng 3 năm 2003)

Vĩnh Liêm



------------------------------------------------
trích từ  thothanhuu8.tripod.com/
===========================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ