Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

Những lá thư HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN viết cho TRẦN THỊ BÔNG GIẤY (Những mẩu rời thương nhớ/ Hoàng Vũ Đông Sơn/ VĂN UYỂN EDITION 2015

Những mẩu rời thương nhớ/ Hoàng Vũ Đông Sơn
 Copyright by VĂN UYỂN / 2015/  USA.



                                                                  

                                                        NHỮNG LÁ THƯ
                               HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN
                                                 VIẾT CHO
                                TRẦN THỊ BÔNG GIẤY

                                     
 hoàng vũ đông sơn [i.e. hoàng ngọc ấn 1939- 12/9/ 2014 saigon.]
 (ảnh chụp năm 2004.)


                                                                     Tháng 2 buồn đọc lại Lỗ Tấn/ Hoàng vũ Đông Sơn
                                                                               (nxb Văn Uyển, San Jose/ Calif. 2003.)





        Thanh Đa, 12/12/1999
      Thân gửi cô Trần Thị Bông Giấy, 
       Mấy năm về trước được đọc bài của Cô viết về đấng đại nhạc sĩ Phạm Duy, tôi rất thích thú. Vẫn chưa có duyên để đọc cả 4 tập nhận định phê bình ấy, mà bây giờ đang sắp sửa là tập thứ 5. Sau này được đọc ké , đọc vội tập bút ký của TTBG.  Rồi từ anh em bầu bạn ở đây đó, tôi cũng được biết một phần rất nhỏ tâm sự vơi đầy của Cô với cuộc đời "hằng chuyến như bộc lưu" này.
       Qua E-mail và sự nhắc nhở của hai đàn anh Lê Ngộ Châu và Thế Phong, tôi gửi đến Cô mấy bài viết mang hương sắc quê nhà xưa và nay để Cô "tiện dụng" vào Xuân Văn Uyển hay ... Rồi Văn Uyển: Vào Hạ, Vào Thu, Khởi D(ông có lần lượt tiến tới không?
     Nhân tiện đây xin Cô vui lòng điện thoại cho anh bạn Thanh Chương (tức Sầu Mê Điên + Thạch Ngữ) xin đừng hờn giận nữa. do bởi "Duyên Thơ" lem nhem từ hình thức đến nội dung.  Cũng vì Thanh Chương yêu tôi mà dính vào.  Tôi hoàn toàn bị động và tin tưởng vào một người bạn học cũ đã là tác giả của 14 tập thơ trước 30/4/ 1975.
     Chúc TTBG mãi mãi xanh tươi, tứ thời hoa khai phú quý.
     Thân mến, HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN.
      []


     Thanh Đa, 30/3/ 2000
     Thân gửi cô TTBG,
     Sau tiết Xuân phân năm Canh Thìn (2000) tôi mới được đọc 2 cuốn Văn Uyển Xuân và Thu & Đông 1999 cùng với 'Một Truyện Dài Không Có Tên' (tập I) do anh Thế Phong cho đọc ké. Nếu muốn đọc tiếp cuốn II chắc cũng mượn được.
     Tôi đọc những bài Cô viết sao thấy xót xa quá. Đành rằng trước cảnh quốc phá gia vong là mẫu số chung , mà thân phận từng con người là tử số; nhưng cái tử số Bông Giấy lại là một hệ số quá nặng.   Gia đình tôi chỉ biết và mong Cô "hãy vui đi trọn cuộc đời."
     Nhân có anh bạn"về Mỹ", tôi gửi tiếp tới Cô mấy bài viết nữa, để Cô lấp trang Văn Uyển.  Riêng bài 'Văn tế Quốc Tổ', xin Cô phổ biến rộng rãi giùm để Văn Uyển có sắc thái đại hòa, vượt lên trên và ở ngoài mọi tranh chấp của hệ lụy phe nhóm và tôn giáo.  Dĩ nhiên nhóm chủ trương Văn Uyển không chịu trách nhiệm cho cá nhân người viết.  Xin lưu ý hay gợi ý Bông Giấy là:  ở VN,các "giáo sư" không công nhận 5000 năm lịch sử, 4000 năm văn hiến.  Họ chỉ cho rằng có trên 2000 năm thôi. Ngoài ra, kể từ Đinh-Lê-Lý-Trần-Lê ... đã độc lập tự chủ, vậy Ải Nam Quan nên đổi al2 Bắc quan để nhìn (quan) sang tàu hay Cổng (quan) đi sang Tàu.  Còn "Nam Quan", tôi nghi do người Tàu đặt tên gọi ấy.
     Thân chúc anh chị em Văn Uyển và Bông Giấy vững tiến, cháu Âu Cơ chăm ngoan để mẹ cháu vui. []


     Sàigòn 25 tháng Mười Hai 2001
     Cô Bông Giấy quý mến,
    Ngày 28/12/ này, anh Phạm Anh (*) là người ở gần nhà cô bên đó, trở lại San Jose; tôi viết thư này và kèm theo cái 'dĩa' mấy bài viết của tôi bằng'font VNI Times' để Cô thử "mở" xem có 'layout' được không.  Nếu được thì Cô cho biết để tôi tiếp tục.




                                                  trái qua:  Hoàng Vũ Đông Sơn + Phạm Anh+ X...
                                                                                + Văn Quang + Thế Phong+ Nguyễn Hải Phương+ X...
                                                           + nữ nhà thơ kiêm  họa sĩ  Lê Thị Kim + nhà báo tự do Nguyễn Hàm Anh
                                                                                             (HVĐS cung cấp ảnh.)


                                                         ảnh chụp bên bờ hồ Xuân Hương (năm 2000)
    
     -------------                                                                  
     * Phạm Anh: bố vợ nhạc sĩ Trần Quảng Nam ở Mỹ. (Bt.)

    Tiền thuê đánh vi tính ở đây rẻ nhất thế giới, tôi có thể tự lo được; Cô đừng băn khoăn (như mấy tháng từng băn khoăn trong việc định về 49 ngày rồi 100 ngày Trần Trọng ( **) ra đi, rồi lại thôi ấy). Cô nói qua điện thoại sẽ gửi cho tôi 200 USD để chi phí cho thợ đánh máy.  Cô Bông Giấy chỉ nên làm Cập Thời Vũ để cứu Ngặt, chứ đừng giúp Nghèo.  Chỉ Ngặt mới cầu cứu, còn Nghèo là do số mệnh , hoàn cảnh; do bất tài và hằng trăm lý do làm sao giúp cho hết được. Vả lại, , Cô không phải là Bill Gates, tỷ phú vi tính Hoa Kỳ; mà có là tỷ phú cũng không giúp hết được những người bất tướng vô tài cỡ như tôi ở cái thế gian này.  Cô đang là cột chống Trời, chí ít là còn cả gia đình, người già có, người bệnh có và cháu Âu Cơ còn nhỏ. Tất cả đang trông chờ ở sự cố gắng làm việc ra tiền cùng sức khỏe của Cô.
     ----
    (**) Trần Trọng là cậu em ruột của TTBG, qua đời ở Saigon. (Bt.)

     Những tháng ngày tương giao, qua sự cảm thông cho số phận từng con người của một nhà văn như Cô, tôi biết Cô là người trọng chữ Tín.  Một lời hứa, và đã hứa là muốn cho toàn.  Nhưng, riêng đối với tôi; Cô đừng bận tâm lắm.   Tôi có truyện in bên Mỹ; đúng là thích lắm, có cái thống khoái về tinh thần.  Nhưng phải để cho Cô tốn kém, hao hụ ngân sách gia đình; tôi tự vấn, liệu là người không bất bình thường như tôi có đáng làm như vậy , được không?
     Rất cám ơn nhiệt cảm Cô dành cho tôi. Nhưng nếu lực bất tòng tâm về ngân khoản in ấn; và, thì giờ nghỉ ngơi để có sức khỏe tái sản xuất, Cô cứ để thủng thẳng rồi hãy tiến hành.  Chả làm gì phải gấp gáp.  Thầy bói phán rằng tôi sống đến ngoài 70 cơ.  Qua Tết Nhâm Ngọ, tôi mới 64. (tôi tuổi Kỹ Mão- 1939.)
    Đang ngồi viết thư này để nhờ Phạm Anh chuyển tới tận tay Cô, hay chỉ nhét vào thùng thư nhà Cô; thì nhận được cái phong bì màu xanh. Cô gửi chúc lành cho gia đình tôi nhân mùa Giáng Sinh.  Trong thiếp chúc lành ấy, lại "có ai về, BG gửi chút ít ủng hộ anh."  Một lần nữa cám ơn,  [nhưng] BG đừng làm thế.   Tôi tự lo tiền đánh máy được.  Còn in ấn thì cứ để từ từ, khi Bông Giấy rảnh rỗi đã. Nhưng đánh vi tính xong, 'font VNI Times'; tôi vẫn gửi qua Bông Giấy.
     Sau 100 ngày Trần Trọng ra đi, Lão Mẫu đã sang Mỹ với mẹ con cô rồi [ư].   Ra đi, Cụ không báo cho HVĐS biết để đưa tiễn. Thế là chỉ gặp Cụ ở chùa hôm 100 ngày của Trọng thôi. Đáng tiếc thật!. ( qua thư cô gửi anh Thế Phong, tôi mới biết.)
    Xin Cô "đệ" lời giùm tôi; " Kính chúc Cụ mạnh khỏe, vui sống với con cháu. Thân chúc "Bông-Giấy- mẹ" vui khỏe để làm việc, "Bông-Giấy-con" học giỏi. Mong cháu sẽ là tiến sĩ, sẽ là nhà văn, 'Nhà- văn-tiến sĩ' [thì] nhà văn có giá hơn 'Nhà- văn trọc- đầu'. "
       Thân mến, HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN.
       []


      Sàigòn ngày 11 tháng Chín 2007
      Cô BG và cháu Âu Cơ thương mến,
      Những ngày vui ở Dalat bị mẹ con Âu Cơ cuốn theo về Mỹ hết trơn.  Ở Sàigòn, nhớ người đi, nhớ Dalat. Mong cho sớm đến Giáng Sinh để lại được đón người về.
     Cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2002; có mấy ông bạn cứ rủ rê lên Dalat chơi, rồi cứ đến ngày đi lại giở chứng.  Nên món quà Âu Cơ tặng con gái [của] Nguyễn Thuần vẫn còn đang đóng gói ở Thanh Đa.  Xin hứa và cũng là quen thói đi hoang, HVĐông Sơn sẽ đích thân trao tận tay con gái của chú Thuần món quà của Âu Cơ. 
    Hàm Anh gửi tặng Âu Cơ và mẹ cháu hộp ô mai sấu, thứ ô mai ngon nhất Sàigòn bây giờ.  Nếu thấy thích Âu Cơ cho bác biết; để có ai qua, bác sẽ gửi. Riêng bác thì thích ô-mai mơ hơn.
      Mẹ con cô BG không thích những cái gì cao giá; lại chỉ thích có bánh cốm là thứ quà nhà quê rề rề.   Xin nhận cho 2 kí-lô--  phải phân phối  và "nhập khẩu" ngay lập tức, khi nhận được.  Bánh cốm không phải là thứ bánh có thể để được lâu. Dân "Bắc-Kỳ-cổ" đều biết rõ điều này.  Không thể gửi nhiều hơn; vì ô mai + bánh cốm đã là 3 kg rồi. Bánh cốm mùa nào cũng có; nếu còn thấy yêu mến nó, thì Mẹ con Âu Cơ cứ cho bác biết. Ai qua, sẽ gửi biếu.
     Tôi đang viết những chuyện "ấm ương" có vui, có buồn về Dalat. Viết xong, đánh máy vô 'dĩa' sẽ gửi qua sớm. Còn không thì đến Giáng Sinh trao tay. Bây giờ có mấy bài "thơ con cóc", xin gửi kèm đây tặng Cô và cháu Âu Cơ. Âu Cơ chuyển lời kính thăm bà Ngoại và dì Mỵ của cháu. Mong sớm đến Giáng Sinh 2002.
      HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN
     []


     NHỚ DALAT

         (thân gửi TTBG và cháu Âu Cơ    
           +thân tặng những người Dalat xưa.)


1. Ta về Sàigòn mưa giông gió giật
Bông Giấy tím nhớ Bằng lăng chất ngất
Sương mù bay bay mỏi cánh bên trời
Người ấy ngủ ngồi và ngồi ngủ gật
Với những ngổn ngang tất bật phận người
Vẫn nói vẫn cười với người với ngợm
Cá lợm khẩu với xanh ngươi lớn bé
Tâm tư còn giằng xé đến muôn thu

2. Dalat thâm u, Dalat sương mù
Dalat đầu tu gió lu bu
Cơn khát rượu cứ ù ù kéo tới
Đầu đội trời phơi phới dưới mưa bay
Bất chấp bão giông, bất kể đêm ngày
Tay nắm trong tay kiếp này đồ bỏ
Hẹn al5i sinh làm cây thông đứng đó
Ngó cuộc đời, đời ác mỏ quạ đêm

3. Trời tháng bảy mưa buồn da diết
Mù mưa Ngâu tha thiết nhớ nhung nhau
Những niềm tin, tin quá hóa ra đau
Gớm ghiếc nhỉ ! Nát nhàu tình nhân loại
KHông biết hổ ngươi, chẳng thèm ái ngại
Xe đời này, vô lại vẫn cầm cương
Cứ vun vút khói sương nào ngăn cản
Ngồi bên lề chán nản lắc đầu cười

4. Ta nhớ chơi vơi, bời bời nỗi nhớ
Thung lũng Tình yêu, cô liêu Than Thở
Xuân Hương muôn thuở trăn trở quanh Hồ
Văn nghệ nhà Rông lô xô cuồng nộ
Âm thanh trầm, đổ bộ xuống đèo Prenn
Qua nhà Ma gió hú những điệu Khèn
Trần Thị Ngọc (*) đang hát Then trong nớ
Đêm Phi Nôm ngủ mớ suốt canh dài

5. Những ước mơ xanh bi hài
Cái tí con biết lật lọng ra trò
Dalat bảo: " Cả lò đều như vậy !...
Nhờ dư âm che đậy kín sương mù."
Suối Vàng reo, cười du du thế sự
Đỉnh Lâm Viên chẳng tư lự bao giờ
Mặc sức trần gian ngu ngơ vụng dại
Rặng thông buồn khóc mãi vu vơ

6. Ta lên ngàn hân hạnh được giao du
Với vài người ngồi thu lu trong góc
'Café Tùng' bây giờ như quán cóc
Già "xài" bạc to, trẻ "ho"lớn" giọng

MPK (**) cứ giả ngọng im lìm
Những Dũng, Thục, Thuần... trái tim phố núi
Ngước cao đầu  đang co cúi nghe người
Dlat muôn hoa, có hoa cười, hoa khóc.

7. Có hai người mãi lăn lóc trong mưa
Đêm liêu trai ngày cù cưa gió bão
Lạnh thấu xương, ngồi cà phê "đấu láo"
Có người phán: " hai lão ông lão tử
Coi núi Voi như Lư Sơn..." Ừ hữ
Đành cầm bằng: Đó tình tự quê hương
Ta về Sài gòn, bạn ta tha phương.

HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN
(Sài gòn 24/8/ 2002.)

-----
(*) Trần Thị Ngọc: giáo viên Anh văn ở Dalat.  Thích vẽ, vẽ rất đẹp. Thích nhạc, hát và đàn 'guitare' rất hay. Cô từng mượn' Nhà Ma Dalat' làm xưởng vẽ.  Cô bị ung thư gan. Bỏ đời ra đi rất sớm tại nhà riêng ở Thủ Đức, năm 2001.) (TTBG chú thích.)
(**) MPK: nhiếp ảnh gia nổi danh ở Dalat. (Bt chú thích.)


         ĐAM MÊ

           (thân gửi TTBG ở xa --MPK + các bạn ở Dalat./ HVĐSơn.)


Uống đi em!
Uống đi anh!
Uống cho sập lũy tan tành
Uống cho nghiêng ngả ngon lành đau thương
Say đi em!
Say đi anh!
Sy cho chất ngất trời xanh
Say cho ngăn cách tan tành cách ngăn
Uống say để biết băn khoăn
Uống say để vượt khó khăn phận người
Uống vì trái đất xanh tươi
Say vì nhân loại biết cười với nhau
Đam mê cả đến nag2n sau
Đam mê uống cạn nỗi đau tràn trề
Đam mê say!
Đam mê để khỏi Cõi về tay không.

Dalat 20/7/ 2002
HÒANG VŨ ĐÔNG SƠN



      Thanh Đa, 3:30 ngày 2 tháng 11 năm 2002
      Thân gửi cô BG và cháu Âu Cơ quý mến,

     Nhân dịp bạn Phạm Anh trở lại San Jose, anh Thế Phong và tôi đành phải làm phiền bạn mang giúp và trao tận tay cô những tấm ảnh nghễ thuật của MPK, với 30 góc độ [của] nhiếp ảnh gia ghi nhận, cùng bài của anh Thế Phong. (có 'dĩa' sẵn.)
     Bà ngoại [của] Âu Cơ đi Nha Trang, ra Huế, rồi đi hà Nội với cháu San, như cô đã biết. Nên, chúng tôi nghĩ  gửi sang cô sớm chừng nào hay chừng đó.
     Từ đầu tháng 10/2002, tôi dành thì giờ để viết bài Tết.  Viết đã xong những bài thích viết.  Chỉ còn chờ thực hiện vi tính là bấm nút sang bên ấy cho cô liền. Bài tôi viết về 'Mùi vị Dê' cũng hơi vui vui.
    Trong tháng 10/2002 này, nhiều người già trẻ 'ra đi không mang va-li' quá.  Trong một tháng phải đí phúng điếu đưa tiễn đến nghĩa trang 7 vị. Tiếc thì giờ ngồi ở bàn viết;nhưng không thể không đi.  Toàn chỗ thân quen, chí ít cũng phải có vài lời, có vị phải đi làm điếu văn, văn tế.   Khoản này đã quá quen quen, tuy chưa phải là thợ, nên cũng chẳng mất bao nhiêu thì giờ. 
      Tôi gửi sang biếu cô thi tập 'Thoáng vàng bay' của cố thi sĩ Nguyễn Hải PhươngAnh ta lìa đời chưa nhìn thấy đứa con tinh thần của mình.  Phải chi anh ấy sống thêm được 4 tiếng đồng hồ nữa, thì khi ' ra đi' hẳn al2 vui.  Cô cho tôi gửi đến Phan Diên và Thanh Chương mỗi người một tập' Thoáng vàng bay' ; cả 2 anh ấy đều là bạn của Nguyễn Hải Phương.
    Tôi có ngỏ lời với bạn Phạm Anh, xin gửi cho Âu Cơ tí bánh, cho BG 'tí muối mè'; nhưng Phan Anh không còn chỗ chứa.  Chỉ mấy tấm ảnh này, rồi thêm mấy mấy cuốn sách là tôi đã có lời nhờ cậy ngay từ khi anh ấy ở Mỹ về Sàigòn.  Phạm Anh có cho biết: trung tuần tháng 11/ 2002 này có con gái về Việt Nam; cần mang, cầm cầm gì về, cháu nó  mang về cho; khi nó trở về Mỹ cũng thế.  Đó là lời hứa chắc chắn của bạn Phạm Anh, tôi tin tưởng lắm.
     Gần sáng rồi, tôi phải chợp mắt một tí.  Chưa bắt chước được mẹ con Âu Cơ là 'ngủ ngồi' , nên tôi mất cái thì giờ vì 'cái sự nằm' này. Mai là chủ nhật, lãi đi tiễn anh Nguyễn hải Phương về nơi vĩnh hằng. Chị Thúy Hoan và anh em yêu cầu HVĐS đọc điếu tế.  Viết về điều này cũng tìm được lắm điều hay.  Vả lại, các cụ bảo:
 " Khôn viết văn tế, dại viết văn bia', bác Sơn của Âu Cơ khôn hay dại đây?"  Cầm  chắc là dại trước, vì cũng đã mất thì giờ.
   Khi nào bà Ngoại sang Mỹ, Âu Cơ thích ăn bánh gì ở VN, bác gửi cho.  Còn BG chắc là vẫn thích muối mè?
Thân chúc Cô khỏe, Âu Cơ ngoan.
HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN
-----
TB: HVĐS không nhắc tới 'Tháng 2 buồn đọc lại Lỗ Tấn' , thì thật là kỳ; mà không nhắc tới lại càng kỳ hơn. Cỉ mong sao thiên hạ đón nhận nó để hoàn vốn cho Nxb Văn Uyển. Thế có phải là giấc mộng hay chỉ là mị? Mong lắm để khỏi ca câu; "Anh ơi nếu mộng không thành thì sao?" . Ơn Cô lớn quá !



     Thanh Đa, ngày 22/11/2002
     Cô Bông Giấy thân, 
     Sắp sửa nhìn thấy đứa con tinh thần ra đời dưới tay bà mụ TTBG, tôi sung sướng lắm.
    Qua E-mail của Phan Diên+ Thanh Thương Hoàng+ Trần Thiện Hiệp, tất cả đều khen "cháu đẹp trai".  Sự sung sướng cứ thế tăng cao.  Anh Thế Phong gọi, bảo tôi đến lấy 'e-mail' của Cô gửi về. Tôi đau không đến được, anh Thế Phong bèn gửi thư qua bưu điện cho tôi. Ông đề người nhận: "Nhà văn Hoàng Vũ Đông Sơn", thế là tôi được là nhà văn rồi.
    Đọc e-mail của Cô gửi qua anh Thế Phong, tôi áy náy quá. Vì tôi mà cô phải "xuống nước" với những loại
"ngợm" chả đáng tí nào. Thái độ+ hành động của Cô chỉ vì thương anh em, bầu bạn, đã phải tự hạ mình như thế.  Tôi áy náy quá cỡ đấy!.
    Ngày mốt 24/11/2002, bà Ngoại của  cháu Âu Cơ trở lại Mỹ; tôi sẽ gửi bánh cốm mới ra lò sang làm quà cho Cô + Âu Cơ. Vì chưa chủ nhật cụ đi giờ nào, nên đợi phút chót mới tới tiệm   để lấy bánh mới. Lần này nữa lại phải "liệng" đi, thì xin mời mẹ con Cô về Sàigòn; thì "nhập khẩu tại chỗ" vậy. ...
   Chúc Cô khỏe vài cháu Âu Cơ chăm học.
HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN


     Thanh Đa, 27/9/2003
    Thân gửi Cô Bông Giấy
    Ngày mai anh Phạm Anh về San Jose, tôi gửi tặng Cô cuốn 'Tỳ Bà Hành'/ Bạch Cư Dị; quyển này có tới 2 bản dịch, một  của Phan huy Vịnh , hai của Trần Trọng Kim. Bài thơ 'Tỳ Bà', tôi kiếm chưa ra.
    HVĐS đã được đọc ké 'Sự Tái Tạo/ Âu Cơ', qua bài chuyển ngữ củ TTBG ở Thế Phong+ Hàm Anh.
    Hàm Anh cho hay: "Qua e-mail, TTBG+ Âu Cơ sẽ về nghỉ 2 tuần, nhân lễ Giáng Sinh+ Dương Lịch ở V.N."
     Mừng lắm! ...
     Thân, HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN.


    Thanh Đa 28/9/2003
    Cô Bông Giấy thân,
    Được anh Thế Phong in và chuyển cho HVĐS cái "meo" của Cô và Phan Diên về vụ' Nữ Nhân Ngư'.  Đó chỉ là chuyện vu khống để cầu danh, có mục đích kéo bè bạn để hạ 'thế' nhau. Đáng lẽ trong bài "Đạo" và bài" Tiền" đã chuyển tới Cô, tôi đưa câu chuyện ấy vào; nhưng anh Thế Phong "Ai can-i-u"; vì nói ra liền, thì anh em khốn nạn ngay; nhất là chàng họ ĐẶNG (Văn Nhâm) hết đường "tương chao" tức thì.  
     Anh Thế Phong đã có đủ chứng cớ+ dữ kiện bằng văn bản; để phản bác lại tất cả dư luận về vụ' Mỹ nhân ngư', tương tự như bài báo đăng trên Khởi Hành (của Viên Linh) đã viết.
    Nhị vị cứ yên chí, " đừng tin những gì người ta nói. Hãy nhìn kỹ những việc người ta làm."  Ông X... nói thế và cũng đúng như thế đấy!

HVĐS. 



     Sàigòn ngày 5 tháng 10/2005
     Thân gửi cô Trần Thị Bông Giấy,

     Cả hai điện thư cùng một tinh thần mang nội dung trang trọng một tình bạn có những kỷ niệm đẹp về nhau, đã gửi ngay cho Cô khi nhận được bài viết về mình.
    HVĐS rất cảm kích về "bức chân dung" được TTBG "vẽ" rất chính xác, nhất là tính cách khề khà không sôi nổi, không ồn ào, ngất ngưởng ở đỉnh Lâm Viên, như những người"thời thượng"; mà chúng ta đã cùng gặp ở đây, ở đó bây giờ.  Với 'Văn lâm Thi mặc', HVĐS chỉ bỡn cợt với chữ nghĩa tý chút cho vui khi thù tạc. Vì tự biếtmình thiếu "thi-văn-tài", nên có bao giờ dám tự xưng là"nhà văn, nhà thơ". Chỉ có anh Thế Phong ưa đuà dai," gọi HVĐS là nhà văn, nhà văn" ; nghe thấy kỳ kỳ làm sao ấy!
    Các bậc đàn anh, các bậc thầy của tôi như Cô đã biết là quý anh Thanh Thương Hoàng, Văn Quang, Thế Phong, Uyên Thao thường khuyến khích tôi cầm bút, cứ  viết. Tôi đã phơi bày cái ngu dốt của mình ra giấy rồi.  Chả có gì phải giấu diếm; và cũng chẳng có gì để hợm hĩnh tự cho"mình lớn bằng con bò, trong khi mình chỉ là con ễnh ương nhỏ xíu."
   Rất vui, vì có người cảm thông-- và, "người đó lại là cô bạn TTBG vĩ đại của riêng tôi" . Bài của Cô đã viết thì cứ in cho một kỷ niệm tràn đầy. Chỉ xin nhà văn bỏ, hoặc uốn nắn lại sự ví von của tôi, ở" điều so sánh đỉnh Đèo Chuối với đỉnh lâm Viên cho 'đèm đẹp' một chút". Lý do: tất cả những người thành danh "giang hồ" rồi; thì, tất là họ trở thành "đỉnh cao đối với HVĐS nhỏ bé". Tôi chưa đắc tội với ai; mà đã phải sống như "giun, như dế, không hộ khẩu, không chứng minh thư nhân dân" (*).  Tôi vẫn phải sống! Biết làm sao đây?
    Cám ơn Cô đã có thiện cảm với người đàn bà của tôi:THANH PHƯƠNG, [vợ tôi] chỉ là cô giáo dạy Văn bậc Trung học; ngoài trường lớp và gia đình; chẳng có tài hoạt động xã hội; nên nghèo. [Dẫu vậy thì] bố con tôi [vẫn] có những bữa cơm vừa miệng.
    Mong sớm được đón Cô từ phi cảng [Tân sơn nhất] về Thanh Đa; để ôn lại những chuyện vui. 
    HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN

-----
(*)  sau  nhờ luật sư P. "chạy", nhà văn HVđs.có giấy chứng nhân dân và đã có hộ khẩu,
       trước khi qua đời. (Bt). 
    

                                              (trang  454- 462 NHỮNG MẨU RỜI THƯƠNG NHỚ)
   

                                                      Những mẩu rời thương nhớ/ Hoàng Vũ Đông Sơn
                                                                                   Văn Uyển Edition, May 2015

                                                   


                                                                                                        ===========

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ