về nhà văn THẾ UYÊN [ i.e. Nguyễn Kim Dũng 1936- 2013 usa.] -- blog phan nguyên
Nếu như những ánh sao băng có tạt ngang bầu trời và để lại chút dấu thời gian....
Thursday, 20 June 2013
Thế Uyên (1935-2013)
Thế Uyên
Nguyễn Kim Dũng
(16/03/1935 Hà Nội - 11/06/2013 Washington)
-hưởng thọ 78 tuổi
-nhà văn, nhà giáo
Nhà văn, Nhà giáo Thế Uyên sinh năm 1935 tại Hà Nội.
Mẹ ông là em ruột nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, và là chị nhà văn Thạch Lam.
Ông là người sáng lập tạp chí Thái Độ, một khởi điểm cho sự nghiệp sáng tác văn học với trên 21 cuốn sách được xuất bản trước 30/04/75.
Bị học tập cải tạo một thời gian, sau đó ông sang định cư tại Hoa Kỳ, tiếp tục sáng tác và đã cho in thêm nhiều tác phẩm giá trị.
Ông đã nổi tiếng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam với những tác phẩm Tiền Đồn, Mười Ngày Phép Của Một Người Lính v.v...
Và đặc biệt được xem là một tác giả hiếm hoi dám đụng đến vấn đề tình dục trong văn chương Việt Nam ở thế kỷ 20.
Năm 1999, ông bị tai biến, tê bại nửa người, phải ngồi xe lăn nhưng vẫn tập viết bằng "tay trái"với một nghị lực phi thường.
Tháng 8 năm 2012, Thế Uyên bị "stroke" lần thứ hai, ông rơi vào hôn mê và qua đời lúc 5 giờ 31 ngày 11/06/2013 tại Washington.
Hưởng thọ 78 tuổi.
Thủ bút và chữ ký Thế Uyên
Tạ Tỵ vẽ chân dung
Tác phẩm đã xuất bản
1
Những Hạt Cát
(tập truyện ngắn 1964, nxb Thời Mới)
2
Mưa Trong Sương
(kịch 1964, nxb Thời Mới)
3
Ngoài Đêm
(truyện ngắn 1965, nxb Nguyễn Đình Vượng)
4
Mười Ngày Phép Của Một Người Lính
(đoản văn 1965, nxb Nam Sơn)
5
Những Ý Nghĩ Của Bọt Biển
(đoản văn 1966, nxb Nam Sơn)
6
Nỗi Chết Không Rời
(truyện ngắn in chung với Duy Lam 1966,
nxb Nguyễn Đình Vượng)
7
Tiền Đồn
(truyện dài 1967, nxb Thời Mới)
8
Nghĩ Trong Một Xã Hội Tan Rã
(tiểu luận 1967, nxb Thái Độ)
9
Bản Tình Ca
(truyện ngắn 1968, nxb Thái Độ)
10
Chiến Tranh Cách Mạng
(tiểu luận 1968, nxb Thái Độ)
11
Những Người Đã Qua
(đoản văn 1968, nxb Văn Uyển)
12
Kỹ Thuật Tuyên Truyền Chính Trị
(sách dịch J.M Domenach 1969, nxb Thái Độ)
13
Tình Dục
(tuyển dịch quốc tế 1969, nxb Thái Độ)
14
Căn Nhà Người Mẹ
(đoản văn 1971, nxb Trí Đăng)
15
Đoạn Đường Chiến Binh
(đoản văn 1971, nxb Lá Bối)
16
Tiểu Luận 3
(1971, nxb Thái Độ)
17
Mưa Trong Sương
(truyện ngắn 1971, nxb Nguyễn Đình Vượng)
18
Sài gòn Sau 12 Năm
Sài gòn Sau 12 Năm
(hồi ký)
19
Con Đường Qua Mùa Đông
Con Đường Qua Mùa Đông
20
Nghĩ Trong Mùa Xuân
Nghĩ Trong Mùa Xuân
21
Tuyển Tập Truyện Ngắn Thế Uyên
Tuyển Tập Truyện Ngắn Thế Uyên
22
Tuyển Tập Dâm Tình và Các Nhà Văn Nữ Hoa Kỳ
Tuyển Tập Dâm Tình và Các Nhà Văn Nữ Hoa Kỳ
23
Khu Vườn Mùa Mưa
Khu Vườn Mùa Mưa
24
Những Người Mỹ Chung Quanh Chúng Ta
Những Người Mỹ Chung Quanh Chúng Ta
25
Không Một Vòng Hoa Cho Người Chiến Bại
Không Một Vòng Hoa Cho Người Chiến Bại
(truyện dài 1998)
Nguyễn Tường Thiết - Tiễn biệt Thế Uyên
Chủ Nhật, ngày 16 tháng 6 năm 2013
Nguyễn Tường Thiết
Cháu Di,
Mấy hôm trước, ngay sau ngày bố cháu mất, cháu có nói với chú: “Chú Thiết ơi! Cháu muốn chú nói đôi lời về bố cháu trong ngày tang lễ bố cháu”. Chú đã phân vân. Không phải là chú ngại điều chi. Lời mời của cháu là một vinh dự cho chú. Chú phân vân vì chú đang suy nghĩ: “Mình không biết nên nói về bố thằng Di với tư cách một người họ hàng rất gần, hay nên nói về bố nó như một người bạn rất thân”. Chú phân vân vì cả hai đều đúng và đều nặng ký như nhau.
Về vai vế trong họ thì chú là hàng anh, nhưng về tuổi tác thì chú thua bố cháu những 5 tuổi. Hơn nữa, bố cháu từ xưa chơi thân với anh Thạch của chú, nên chú luôn luôn xem bố như một người anh. Chính trong cái tinh thần đó mà chú cảm thấy rất thoải mái khi các cháu gọi chú bằng cái tên thân thương “chú Thiết” trong khi các cháu gọi anh của chú là “bác Thạch”.
Hôm nay trên đường lái xe đi thăm bố cháu, trên xa lộ I-5 hướng về phía bắc, lúc đến exit 183 chú đã lỏng chân ga, toan rẽ vào Bothell thăm bố như thói quen đã có từ mười năm nay, nhưng chú lại nhấn ga đi thẳng để vào exit 192, vì chú chợt nghĩ ra là bố cháu đã thay đổi địa chỉ, bố cháu đã có một chỗ ở mới, một chỗ ở tuy vĩnh viễn nhưng chắc là chú sẽ không ghi vào trong sổ địa chỉ của chú đâu, vì đó là nghĩa trang Evergreen, thuộc thành phố Everett.
Trên đường lái xe chú đã nghĩ đến không biết bao nhiêu những địa chỉ, những căn nhà mà bố cháu đã ở và chú đã đến thăm, từ cái ngày rất xa xưa ở Hà Nội khi mẹ của bố cháu còn ở chung nhà với chú Thạch Lam bên hồ Tây của Hà Nội. Từ căn nhà ấy đến đến căn nhà sau cùng bố cháu ở này là chiều dài 78 năm của một đời người.
Trong lúc lái xe tự nhiên một tiếng nói bên trong bảo với chú rằng: bố cháu mong muốn ngày hôm nay và mai hậu chú sẽ nghĩ, sẽ nói, và sẽ tưởng nhớ đến bố cháu như một người bạn văn, một cố tri, hơn là một người anh họ, bởi vì tình bạn giữa bố cháu và chú nó thâm sâu hơn tình họ hàng, máu mủ.
Tình bạn ấy không phải một sớm một chiều mà có được. Nó có được là do cái cơ duyên hãn hữu này: năm 1987 bố cháu và gia đình đã chọn tiểu bang Washington để định cư, tiểu bang mà gia đình chú đã chọn làm quê hương thứ hai từ năm 1975. Như là nhan đề một cuốn sách nổi tiếng của Leon Uris mà bố cháu đã dịch ra tiếng Việt, khi bố cháu chọn “về miền đất hứa” này, bố cháu đã là người duy nhất trong họ nhà ta định cư ở tiểu bang Washington, ngoài chú. Và chính vì sự gần gũi nhau trong suốt 26 năm trường mà hai người anh em họ đã trở nên đôi bạn tri kỷ. Ngoại trừ khoảng thời gian 12 năm sau biến cố 1975, khi bố cháu ở lại Việt Nam, khi chú định cư ở Hoa Kỳ, thì trong suốt cuộc đời bố cháu và chú đã luôn luôn ở bên cạnh nhau, tính ra trên 60 năm. Đây là một điều rất quí báu vì chưa chắc đã có những cặp vợ chồng, những người anh em ruột thịt có được một thời gian gần gũi lâu dài như thế.
Bố cháu và chú là những người viết văn nên thường ví đời người như một cuốn sách. Cuốn sách ấy dầy hay mỏng là tùy tuổi thọ của đời người. Xem ra thì cuốn sách đời của bố cháu dầy lắm, những 78 chương, nếu tính mỗi năm là một chương sách. Chú hân hạnh là đã được đi chung với bố cháu trong suốt hơn 60 chương của cuốn sách này. Bố cháu và chú chỉ “lạc” nhau từ chương 75 đến chương 87 của cuốn sách, khi bố cháu đi tù cải tạo và khắc khoải sống trong cuộc đổi đời, còn chú thì vật lộn với cuộc sống mới trong những năm đầu tha hương.
Cháu Di ơi,
Hôm nọ, trong lúc chú giúp cháu soạn bản cáo phó cho bố, chú đề nghị trên cáo phó chỉ đề tên Thế Uyên Nguyễn Kim Dũng là đủ. Nhưng cháu lại có ý kiến rất hay và rất đúng là thêm vào mấy chữ “nhà văn, nhà giáo”. Quả thật mấy tiếng đơn giản đó đã gói ghém tiểu sử của bố cháu.
Chú sẽ không dài dòng giới thiệu về nhà văn Thế Uyên hay nhà giáo Nguyễn Kim Dũng. Về văn nghiệp bố cháu đã cho ra đời 21 cuốn sách ở miền Nam trước 1975 và 10 cuốn sách ở hải ngoài, tổng cộng 31 cuốn thuộc đủ loại khác nhau: truyện, tuỳ bút, biên khảo, sách dịch và cả sách giáo khoa. Với chú, tên tuổi Thế Uyên đã nổi bật ngay trong truyện ngắn đầu tiên “Mưa trong sương” đăng trên nguyệt san Tân Phong năm 1959. Cái nhan đề “mưa trong sương” cực tả không khí lãng đãng sương mù của thành phố Đà Lạt, nó đã ám ảnh chú trong rất nhiều năm sau này, mỗi khi chú cùng bố cháu đi dạo chơi ở thành phố Olympia, ở Seattle, mà cảnh vật ở đây là phiên ảnh của một thành phố Đà Lạt năm xưa, với rất nhiều những ngày “mưa trong sương” như thế. Về nhà giáo, bố cháu tốt nghiệp Đại học Văn Khoa và Sư Phạm, trở thành giáo sư Việt văn dậy tại nhiều trường trung học công lập ở miền Nam.
Cả về văn nghiệp lẫn nghề giáo, bố cháu là người đi trước thiên hạ trong một số lãnh vực. Chẳng hạn như bố cháu là một trong số rất ít nhà văn tiền phong khi viết về vấn đề tình dục trong văn chương, một vấn đề mà trong thế kỷ 20 vừa qua dường như vào thời ấy người ta còn coi như cấm kỵ. Về nghề giáo, bố cháu là người tiền phong trong việc đổi mới sách giáo khoa môn Việt văn ở bậc trung học, là người đầu tiên và duy nhất đã soạn những mẫu văn từ các tác giả đương thời như Thanh Tâm Tuyền, Dương Nhiễm Mậu, Mai Thảo, Duy Lam, Thế Uyên thay vì trích các mẫu văn từ các tác phẩm thời tiền chiến, thời Tự Lực Văn Đoàn, như tất cả các sách giáo khoa Việt văn khác của thời ấy.
Về con người bố cháu là một người thẳng thắn. Đây là một đức tính quý báu. Tuy nhiên sự thẳng thắn nào cũng có cái giá phải trả. Là một người bình thường sự thẳng thắn chỉ đưa đến mất lòng của một số người. Nhưng là nhà văn thẳng thắn, thì đức tính ấy lại cần có thêm một đức tính nữa, đó là sự can đảm, và trong bao nhiêu năm trường sống bên cạnh bố cháu như một người bạn tri kỷ, chú đã nhìn thấy sự can đảm ấy trong con người bố cháu, trong sự chịu đựng rất lặng lẽ và hết sức cô đơn chống trọi với tất cả những ngộ nhận do kết quả của những gì bố cháu viết ra, cái can đảm của một nhà văn dám là mình, dám viết những điều mà bố cháu tin tưởng.
Ngay sau khi tin bố cháu mất được loan tải chú đã nhận được rất nhiều lời chia buồn từ khắp nơi trên thế giới, và lòng của chú dịu đi, khi nghĩ rằng đã có rất nhiều người cũng tin tưởng về những gì mà bố cháu đã tin tưởng, và đó là nguồn an ủi lớn lao cho một người đã cống hiến cả một đời cho nghiệp bút như bố cháu.
Hôm nay, ngày chủ nhật 16 tháng 6 năm 2013, ngày tiễn biệt bố cháu lại tình cờ rơi vào ngày “vinh danh bố” (Father Day).
***
Tôi xin được thay mặt chị Thúy Sơn và các cháu để ngỏ lời với anh Thế Uyên. Tôi muốn nói với anh về cái tình của chị và của các cháu đối với anh trong suốt mấy tháng nay. Tôi đã chứng kiến chị hàng giờ vuốt ve bàn tay anh trong lúc anh nằm thiếp ngủ trên giường bệnh, tôi đã xúc động nhiều lần khi chị và các cháu ôm lấy vai tôi khóc. Tất cả những giọt nước mắt mà tôi chứng kiến bây giờ thật ra chỉ là phần nhỏ nhô lên của tảng băng thạch mà phần chìm của nó là những giọt nước mắt lặng lẽ mà vợ con anh đã và sẽ nhỏ xuống trong bóng đêm, bây giờ và mãi mãi mai sau.
Với tư cách người bạn tâm giao của anh Thế Uyên tôi cũng xin được nói với chị Thuý Sơn và các cháu như thế này: anh Thế Uyên thực tình không muốn nhìn thấy những cảnh như thế, anh ấy thiết tha mong muốn chị và các cháu sống vui, bởi vì “life is for the living” như anh ấy có lần nói với tôi.
Tôi xin kể một câu chuyện vui. Câu chuyện ghi dấu câu nói sau cùng của anh với tôi: Cách đây mấy tháng, sau khi bị “stroke” lần thứ hai, anh bị mất tiếng nói. Chúng tôi đến thăm anh ở viện phục hồi. Lúc này người ta đang tập cho anh nói, nhưng thường thì anh chỉ nói ú ớ rất khó nghe, chúng tôi phải nhờ chị Thuý Sơn thông ngôn mới hiểu được ý anh muốn nói gì. Một bữa kia có một bà Mỹ, cũng là bệnh nhân trong viện phục hồi, bà ta buồn nên đi khắp các phòng lê la hỏi chuyện. Sau khi đến phòng Thế Uyên bà ta nói líu lo vài lời rồi đi ra. Anh nhìn tôi nói mấy lần tôi mới hiểu: “bà ấy là ai?”. Tôi nói đùa với anh: “Bà ấy đến thăm ông đấy!”. Sợ anh không nghe được, chị Thúy Sơn phải ghé sát nói to bên tai anh. Thế Uyên hơi nhỏm dậy, có gắng phát âm: “Rất... tiếc... tiếc.. là bà ta... không... đẹp!”.
Đay là lần cuối cùng tôi được nghe anh nói.
Nguyễn Tường Thiết
(...)
trích một phần từ blog phan nguyên
===========================
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 01:50 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ