Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

'Một phong cách rất riêng qua thơ Phương Tấn '/ bài viết: dung thị vân -- www.newvietart.com / fr.


MỘT PHONG CÁCH RẤT RIÊNG  QUA

THƠ PHƯƠNG TẤN:


 “DI BÚT CỦA MỘT NGƯỜI CON GÁI”


phương tấn [i.e. nguyễn tấn phương 1946-   ]
Di bút của một người con gái/ Thái Thị  Yến Phương
(Nxb Nhân ảnh, USA 2017)




*Di bút của một người con gái(*) của Thái Thị Yến Phương vỏn vẹn 15 bài thơ viết trong vòng 5 năm (1962 đến 1966 - từ năm 16 đến năm 20 tuổi), nhưng đủ gói trọn cuộc đời của một người con gái “bán thân” thời bấy giờ. Đọc xong “Bài ca truy điệu” ở phần đầu tập thơ với những câu thơ ngắn ngủi, sâu lắng đã gợi cho tôi hình ảnh một người con gái phải rời mái trường thân yêu và bắt đầu vùi dập theo sóng gió dặm trường:


Mai thân con gái vào đời
Hồn cao nuối tiếc rã rời thanh xuân

Bạn bè nghe, buồn bâng khuâng
Ơi xin từ giã ngôi trường thân yêu

Tiếc chi một chút mỹ miều
Phận lay bóng hắt buồn thiu giữa đời.
(Bài ca truy điệu)

Lòng tôi thôi thúc đọc ngấu nghiến hết mười lăm bài thơ của Thái Thị Yến Phương. Đọc xong, tôi lại bắt đầu đọc thật chậm từng câu từng chữ để hiểu thật kỹ ý của tác giả trong từng câu thơ, rồi tự hỏi nhà thơ Phương Tấn là một người đàn ông, vào thời ấy chỉ là một thanh niên ở tuổi mới lớn. Tại sao Phương Tấn lại hóa thân trong một bút danh là nữ để ai oán, để khóc than cho thân phận má hồng. Đó là điều mà tôi cứ âm thầm đọc và suy nghĩ từng bài thơ của Phương Tấn.

Với một nữ sinh mới rời khỏi mái trường đã phải dấn thân vào con đường làm vũ nữ. Một cái nghề mà xưa nay người ta còn gọi là "gái bao". Tô son trát phấn để rồi lăn lóc trong vòng tay mua vui hàng đêm của biết bao kẻ thừa tiền, khác chi những thằng hề bên cạnh cô. Phương Tấn đã lột trần bằng những câu thơ qua tiếng kêu xót xa của Thái Thị Yến Phương:

Quay lưng chối bỏ tương lai
Mua son phấn, đổi cân đai tháng ngày

Thôi đành phận kẻ cho vay
Tiền nong chẵn lẻ, vòng tay ôm người

Lỡ trăm năm, gắng nụ cười
Buồn đêm đêm với mấy mươi thằng hề.
(Làm thân vũ nữ)

Viết tới đây tôi chợt nhớ một điệu nhạc Slow Rock. Đó là bài hát "Người Kỹ Nữ "của Nhật Ngân & Duy Trung: "Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người. Ta xót xa em em là một cánh hoa trôi. Người đời vô tình dẫm nát thân em, người đời vô tình dày xéo lên em. Người đời vô tình giết chết đời em"...

"Di bút của một người con gái" của Thái Thị Yến Phương chỉ có buồn và buồn. Mở trang đầu của tập thơ đã thấy ngay cái buồn. Không hiểu vì hoàn cảnh gia đình hay xã hội thời ấy mà nàng chấp nhận bán thân ngay những phút đầu tiên chập chững vào đời:

Bầy con gái ngực phơi trần
Hồn ca biển loạn môi cười yến oanh

Ôm lênh đênh xác song hành
Môi hôn rướm máu chanh vanh bãi cồn.
(Bán thân cho người)

Và rồi khi đêm về một mình. Nhìn lại xác thân hao mòn mà nàng nghe lòng bầm gan buốt nhói. Với lứa tuổi mười tám dại khờ thì nàng đã nhận thức được điều gì… hay tự ghê tởm cho tấm thân mình với bao nhiêu vòng tay nhớp nhúa vò nát đến héo hon. Hình như đớn đau đã làm Thái Thị Yến Phương tự bi đát cho mình, tự uất ức cho mình để những câu thơ đã bật nên "Lời cuối". Người con gái bi quan cho chính thân phận mình hay tác giả cũng bi quan hóa theo?

Nằm nghe thân thể hao mòn
Tang thương quánh đặc cô hồn tuổi thơ

Mang thân 18 dại khờ
Bầm vai, cổ lệch, bơ phờ người ơi.
(Lời cuối)

Trong kiếp đọa đày, đôi khi nàng cũng bất chợt gặp… và tưởng như là tình yêu. Nhưng rồi tình yêu ấy cũng chỉ là chiếc bóng nhạt nhòa, để lại sự đau đớn đến… thiên thu cho nàng:

Xuân bay về đốt củi nguồn
Cho em tủi hổ cho buồn dạ anh

Này thôi mộng trót không thành
Ôm con tình ái dỗ dành thiên thu.
(Tỏ tình)

Xuyên suốt tập thơ "Di bút của một người con gái" là cuộc đời của một người con gái sống mà không biết ngày mai. Cái ngày mai cứ mờ mịt trong từng câu thơ của tác giả. Nàng cứ lao vào những tên đàn ông mà không cần một tình yêu của ngày mai. Và hầu như nàng cũng chẳng có đến một mối tình chân thực. Tôi nghĩ, vì lẽ đó mà Phương Tấn đã hóa thân thành nhân vật nữ để viết nên những câu thơ đầy trăn trở ai oán trong "Di bút của một người con gái" mang tên Thái Thị Yến Phương. Tác giả đã thầm thì trong từng câu thơ thấm đẫm nỗi đau. Những câu thơ không mở cho một chân trời tươi sáng khi nghĩ đến ngày mai, có chăng là một ngày rồi tuổi của nàng cũng gầy hao đi:

Phân vân mình với tuổi già
Vóc lưng sương gió hồn pha núi đồi

Ru anh, anh ngủ đi thôi
Còn đêm còn mộng mai rồi rã riêng.
(Còn đêm còn mộng)

Tôi không hiểu sao tác giả lại khựng lại trong nỗi lòng của một người con gái để những câu thơ lại mang nặng những đau thương. Tôi chưa thấy một niềm vui nào của nàng rồi sẽ bình an trong cuộc sống và trong chính cái tình yêu hiu hắt kia:

Còn đây con nước sau cùng
Hồn soi lấy mặt mông lung dấu hài

Dập dồn mình nhớ thương ai
Nhớ ai, ai nhớ ? Buồn ai, ai buồn?
(Ở lại)

Khi thoát thân không còn là vũ nữ nàng lại rối bời. Nàng không còn con đường nào khác hơn là phải cúi đầu chấp nhận cho số phận “bán thân” của mình:

Mình nghiêng vai, vó dập dồn
Ấy thân gạch ngói nọ hồn vu sơn

Trông qua lau lách chập chờn
Ngó về nhân ảnh xanh rờn khói sương.
(Người đàn ông đi vào)

Hầu như phận số đã không cho nàng một chọn lựa khác hơn. Cái hay ở đây là tại sao tác giả lại tự mình hóa thân thành người nữ để viết về cuộc đời của một người con gái đáng thương này. Những bài thơ cứ tiếp tục đan xen diễn tả về một người con gái cứ vật vã đi tìm cuộc sống cho chính mình mà vẫn mãi hoài chưa tới đích. Và, khi đọc kỹ những dòng tựa của tác giả tôi đã hiểu vì sao Phương Tấn đã hóa thân một Thái Thị Yến Phương để ai oán trong "Di bút của người một con gái". Xin nghe Phương Tấn thổ lộ một đoạn trong bài viết của anh:

“…Trước thực trạng các ổ điếm, phụ nữ làm điếm và đàn ông Việt Nam và nước ngoài “chơi điếm” tràn lan – tôi đã viết một phóng sự nhiều kỳ đăng trên nhật báo Dân Chủ của nhà báo Nguyễn Thạch Kiên, đồng thời xâu chuỗi những mảnh đời bất hạnh cùng cực trong tình yêu, trong đời sống của chị em làm điếm, viết nên một số bài thơ trong tâm trạng khổ đau của họ dưới bút hiệu Thái Thị Yến Phương…”

và một đoạn khác:

“…Nhiều ngày tôi đã tự hỏi “Thái Thị Yến Phương là ai” mà thấm đẫm cả tâm hồn lẫn thể xác của tôi. “Thái Thị Yến Phương là ai” mà tôi thương yêu đến thế. Tôi vẫn thường đọc lại những bài thơ ký tên Thái Thị Yến Phương. Khi đọc lại, tôi không hề nghĩ những bài thơ ấy là của tôi mà của Thái Thị Yến Phương. Một cô gái “làm điếm” tài hoa và bạc phận mà tôi thương yêu. Trong cơn mơ của tuổi mới lớn, tôi mơ một ngày trong đời, tôi sẽ tổ chức “Ngày hội của Chị và Em” và xây nên những căn nhà mới, lập nên cuộc sống mới dành cho “Chị và Em” và chỉ có những phụ nữ ấy mới “xứng đáng” vào những căn nhà ấy của tôi…”

Ôi sao mà khổ đau và nhân hậu đến vậy Phương Tấn! Qua thổ lộ của tác giả: “… Xâu chuỗi những mảnh đời bất hạnh cùng cực trong tình yêu, trong đời sống của chị em làm "điếm", viết nên một số bài thơ trong tâm trạng khổ đau của họ dưới bút hiệu Thái Thị Yến Phương…” – như vậy, nhân vật trong thơ của tác giả là một-người-của-nhiều-người, một-trái-tim-của-nhiều-trái-tim có thật trong cuộc đời tác giả. Anh đã thấu hiểu và thương yêu sâu sắc để rồi hóa mình vào nhân vật đến nỗi quên đi với chính cái tên Phương Tấn của mình. Nếu như không được nhắc lại hôm nay thì trên bốn mươi năm qua, thậm chí một trăm năm nữa đã chắc gì có ai đã biết Thái Thị Yến Phương là nhà thơ Phương Tấn. Mà chỉ biết cái tên Thái Thị Yến Phương là một cô gái tài hoa bạc phận đã để lại cho đời, cho người những bài thơ đặc sắc và đẫm lệ. Thế mới biết tâm hồn người thơ nó nhân hậu biết chừng nào. Nó đau thương đến mức độ nào mà tác giả đã viết được những bài thơ ai oán, sầu muộn và hay như thế:

Và theo hồn khói bay vào
Vút cao lượn sóng xạc xào hồng hoang

Ôm con nước đỏ mênh mang
Với thân là lượn với đàng chênh vênh

Xô lên, mình vỗ bồng bềnh
Xuống theo mình xuống lênh đênh lửa rừng

Thân con gái cháy bừng bừng
Trông tôi rời rã người mừng lắm sao!

Ngây ngô người vẫy tay chào
Đó hồn sầu muộn máu trào ra khe.
(Người con gái giữa biển)

Cuộc đời đã không cho nàng thực hiện được mơ ước thì nàng cứ ở đó mà chờ mà đợi một điều may mắn kỳ diệu của tình yêu sẽ đến cho nàng:

So chân ngồi kéo đỉnh trời
Im im côi cút vẽ vời phận con

Ôi chao dạ những bồn chồn
Sầu che sắc diện che hồn héo khô

Buồn sông bóng nổi cơ đồ
Bão bùng phô đợi người xô dạt vào.
(Ngồi bên cầu đợi bóng câu)

Và tình yêu thì chờ đợi, nhưng rồi nàng cũng có con và được làm mẹ. Cha của con nàng là ai, phải chăng là:

Từng đêm từng đêm trắng
Thân xác mẹ phơi ra
Cho bầy người khom xuống
Sâu hoắm cõi ta bà.

Nàng phải nói sao khi con nàng lớn lên hỏi về người cha. Có thể nào nàng sẽ chỉ những chiếc bóng đen quái đản phản chiếu trên chiếc tường cũ bẩn:

Những hình hài quái đản
Những bóng đen nhô lên
Cha con đó con ạ”
Đời buồn tênh buồn thêm.
(Mẹ và Con)

Tôi thật sự bàng hoàng trong nước mắt, và thốt lên: “Cay đắng quá!” khi đọc “Dâng hiến” - một bài thơ tốn nhiều giấy mực trong làng văn làng báo thời ấy. Theo tác giả, đó là bài thơ đầu tiên trong “Di bút của một người con gái” được viết năm 1992 lúc 16 tuổi. Theo tôi, bài thơ “Dâng hiến” đã vẽ trọn bức tranh về “phận đời” của một cô gái “bán thân” thời ấy:

Bầy ác điểu xua vào hồn cào cấu
Mủ bong đầy trên da thịt người ơi
Năm tháng còn chi
năm tháng rã rời
Từng sớm từng khuya
chong đèn nằm khóc.

Vòng tay nào ôm choàng tầm vóc
Vòng tay nào bồng xóc mình ta?
Âm điệu thủy chung
hằn chém mặn mà
Những khuôn mặt ngu đần
trùm lên thiên hạ.

Những khuôn mặt ngu đần
trùm lên man dã
Sầu muộn vây đầy níu kéo tương lai
Buồn mãi buồn chi,
khóc hủy khóc hoài
Tuổi con gái cho người làm lộ phí.

Hồn tăm tối hồn trương ủy mị
Máu chưa đi máu đọng đầy khe
Nến đỏ nến xanh,
hồn xác lập loè
Ta chết ngất trong vòng tay ngạ quỷ.


Tuổi con gái cho người làm lộ phí
Ta trở về đeo tủi hổ sau lưng
Ta trở về nghe mộng mị bừng bừng
Rồi nằm xuống và ngửa mình dâng hiến.

Hình như [tác giả] Phương Tấn đã già đi trước tuổi. Năm 1962 chỉ ở lứa tuổi 16. Với tuổi này thì dường như tâm hồn vẫn còn thơm mùi giấy mực. Thế nhưng với Phương Tấn thì lại khác. Anh bộc bạch trong bài viết của anh:“Tuy tuổi nhỏ nhưng tôi quan tâm nhiều đến thế sự, xã hội và đất nước trước chiến tranh Nam Bắc cùng sự có mặt của lính Mỹ và đồng minh ở miền Nam”.

Từ trước 1975, Phương Tấn đã cho ra đời một số thi phẩm chung và riêng mà cho tới nay sau hơn 40 năm đọc lại, thơ anh vẫn mới, vẫn lạ và vẫn thu hút người đọc như vừa mới viết. Riêng "Di bút của người một con gái” mà trong đó hòa quyện với những câu thơ bầm gan xé ruột về nỗi đau của phận người là cái chữ, cái nghĩa, cái hình ảnh, cái ẩn dụ…, tất cả đã tạo một phong cách rất riêng của thơ Phương Tấn từ bao giờ đến bây giờ  ./.

(viết tại North Carolina, USA, September 2016)
DUNG THỊ VÂN

-------------
(*) “Di bút của một người con gái” thơ Phương Tấn gồm 15 bài thơ được ký dưới bút hiệu Thái Thị Yến Phương từ 1962 đến 1966 trên các báo, tạp chí xuất bản tại miền Nam, Việt Nam nay được Nxb Nhân Ảnh, Hoa Kỳ in và phát hành 2017.
(**) Dung Thị Vân,[ hội viên Hội Nhà văn tp. HCM] tác giả các tập thơ: Như giấc mơ (2007), Nắng đổ về đâu (2007), Miền gió ngược (2010), Tìm em gội giấc mơ vàng (2012), Tình như sương gió (2014), Miên trầm (2015).



 Dung Thị Vân
(ảnh: Newvietart.com/ fr.)

------------------------------------
trích từ Newvietart.com/ fr. 
==========================


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ