Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

nữ văn nhân, thi sĩ minh đức-hoài trinh qua đời/ bài viết: đỗ dzũng -- nguoiviet.com




Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh của ‘Kiếp Nào Có Yêu Nhau’ qua đời

Đỗ Dzũng/Người Việt



Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh thời gian ở Paris. (hình: minhduchoaitrinh.wordpress.com)
HUNTINGTON BEACH, California (NV) – Nữ thi sĩ Minh Đức- Hoài Trinh vừa qua đời lúc 2 giờ 19 phút chiều thứ sáu, 9 Tháng Sáu, tại bệnh viện Huntington Valley Healthcare Center, Huntington Beach, hưởng thọ 87 tuổi, nhà văn Nguyễn Quang, phu quân của bà, xác nhận với nhật báo Người Việt.
Nhà thơ Minh Đức- Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh, thường lấy các bút hiệu là Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử, là một trong những văn sĩ nổi tiếng nhất miền Nam Việt Nam, đặc biệt với hai bài thơ “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” và “Đừng Bỏ Em Một Mình,” đều do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.

                                        minh- đức hoài trinh chụp chung với chị ruột, nữ văn sĩ linh bảo 
                                                                            (bên phải-hiện ở mỹ)

 Ngoài ra, bà cũng là tác giả của bài thơ “Ai Trở Về Xứ Việt,” sau này được nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ nhạc, và trở thành một trong những nhạc phẩm tiêu biểu của người tị nạn Việt Nam hải ngoại.
 Nhà văn Nguyễn Quang cho biết, bà sinh ngày 15 Tháng Mười, 1930 tại Huế, sống ở Pháp từ năm 1953 đến 1964. Sau đó bà đến định cư tại Orange County, California, từ năm 1980.


Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh của ‘Kiếp Nào Có Yêu Nhau’ qua đời
Nữ sĩ Minh Đức- Hoài Trinh cắt bánh sinh nhật lần thứ 85. Người đeo nơ đứng phía sau cầm tay cho bà cắt bánh là nhà văn Nguyễn Quang, phu quân của bà. (hình: Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ)

Bà là con quan tổng đốc Võ Chuẩn, ông nội bà là Võ Liêm, thượng thư Bộ Lễ của triều đình, [em gái của nữ văn sĩ Linh Bảo [Võ thị Diệu Viên 1926-   ]; và  cô ruột nhạc sĩ Võ tá Hân]. 
Năm 1945, bà tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó biết sự lợi dụng của phong trào, bà bỏ về Huế tiếp tục học.
Năm 1964, bà đi du học tại Pháp về ngành báo chí và Hán văn tại trường ngôn ngữ Á Đông La Sorbonne, Paris.
Năm 1967, bà ra trường và làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp ORTF, đi làm phóng sự nhiều nơi sôi động nhất như Algeria và Việt Nam.
Năm 1972, bà được cử theo dõi và tường thuật Hòa Đàm Paris.
Năm 1973, bà sang Trung Đông theo dõi cuộc chiến Do Thái, một thời gian sau bà trở về Việt Nam giảng dạy khoa báo chí tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, từ năm 1974 đến năm 1975.
Sau biến cố 1975, bà trở lại Paris cho xuất bản tạp chí “Hồn Việt Nam” và trở lại cộng tác với đài ORTF, qua chương trình Việt Ngữ để tranh đấu cho những nhà cầm bút, những văn nghệ sĩ Việt Nam bị cộng sản cầm tù.
Bà đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và vận động để được công nhận tư cách hội viên Hội Văn Bút Quốc Tế tại Rio de Janeiro, Brazil, vào năm 1979.
Bà đã dùng ngòi bút và khả năng của mình thường xuyên tranh đấu cho các văn nghệ sĩ bị cộng sản giam cầm phải được trả tự do.
Ngoài những bài báo, bà còn sáng tác hơn 25 tác phẩm giá trị, trong đó có truyện ngắn, thơ…
Nhà văn Nguyễn Quang đã thực hiện một tập sách rất công phu khá đầy đủ những tài liệu, bài vở và hình ảnh với tiêu đề: “Văn Nghiệp và Cuộc Đời Minh Đức- Hoài Trinh.”
Có đoạn nhà văn viết: “Sau khi đọc quyển sách này người ta tự hỏi làm sao Minh Đức Hoài Trinh một con người nhỏ bé lại có thể hoàn thành trên nhiều lãnh vực trong thời gian đen tối nhất của lịch sử Việt Nam. Bà đã đi trên khắp năm lục địa, vào những vùng chiến tranh lửa đạn. Những đóng góp của bà với một cuốn sách nhỏ nầy chắc chắn không diễn tả hết được những gì bà đã làm cho quê hương cho nền văn học Việt Nam.”
Các tác phẩm của bà gồm có Lang Thang (1960), Thư Sinh (1962), Bơ Vơ (1964), Hắn (1964), Mơ (1964), Thiên Nga (1965), Hai Gốc Cây (1966), Sám Hối (1967), Tử Địa (1973), Trà Thất (1974), Bài Thơ Cho Ai (1974), Dòng Mưa Trích Lịch (Thanh Long Bruxelles, 1976), Bài Thơ Cho Quê Hương (Nguyễn Quang Paris 1976), This Side The Other Side (Occidental Press USA 1980), Bên Ni Bên Tê (truyện dài, Nguyễn Quang USA, 1985), Niệm Thư 1 (tái bản 1987), Biển Nghiệp (Nguyễn Quang USA, 1990).
Về bài thơ “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” rất nổi tiếng của bà, nhà văn Phạm Xuân Đài cho biết: “Đây là bài thơ bà sáng tác khoảng cuối thập niên 1950 hoặc đầu thập niên 1960, lúc đó lấy tên là Hoài Trinh, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cùng tên.”
“Còn một bài thơ nữa của bà, cũng rất nổi tiếng, và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cùng tên, đó là bài ‘Đừng Bỏ Em Một Mình,’” nhà văn cho biết thêm.
Theo nhà báo Đinh Quang- Anh Thái, phụ tá chủ nhiệm nhật báo Người Việt, một trong những bài thơ nổi tiếng khác của bà là “Ai Trở Về Xứ Việt” (1962). Sau năm 1975, bài thơ được nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ nhạc cùng tên.
Trên trang web dutule.com của nhà thơ Du Tử Lê cũng có lưu lại bài này, và cho biết bà sáng tác tại Paris năm 1962.
Nói về hoạt động và con người của bà, nhà văn Việt Hải có lần viết: “Trên cao tất cả, tôi quý nhà văn Minh Đức Hoài Trinh vì bà trung thành với đất nước Việt Nam Cộng Hòa, bà chống Cộng Sản, bà chống bạo lực và ác tính đè nặng lên vai người dân, bà bôn ba vận động can thiệp trả tự do cho giới văn học báo chí, những nạn nhân của những trại tù Cộng Sản. Bà xin lại tư cách Văn Bút Hội Viên Việt Nam tại diễn đàn Văn Bút Quốc Tế. Trong vai trò phóng viên chiến trường bước chân Minh Đức Hoài Trinh đi qua các địa danh thân yêu từ Sài Gòn ra miền Trung, qua các vùng thân quen của xứ sở như những Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị,…”
Nhà văn Nguyễn Quang cho biết đang làm việc với nhà quàn Peek Family, Westminster, để lo việc mai táng cho nữ sĩ.    []

Đỗ Dzũng
(nhật báo Người Việt)
—-
Liên lạc tác giả: dodzung@nguoi-viet.com

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ