chuyện ngày xưa bây giờ mới kể;'lê thị huệ [gio-o.com] phỏng vấn hồ nam-vương tân về nhà báo kỳ cựu kiêm chính trị gia trần văn ân
CHUYỆN NGÀY XƯA BÂY GIỜ MỚI KỂ (TIẾP THEO) - LÊ THỊ HUỆ phỏng VẤN Hồ Nam- Vương tân
Chuyện xưa mới kể bây giờ (2)
Lê Thị Huệ: Một trong những cây đa cây đề của làng báo chí, ngành thông tin, đấu tranh chánh trị trong lịch sử Việt Nam hiện đai là nhà báo Trần Văn Ân. Xin ông cho biết cảm tưởng của ông về nhân vật lão thành này.
Vương Tân: Trong Một Trăm Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ tập 2 bản điện tử phổ biến trên báo điện tử Văn Thơ Lạc Việt Vương Tân đã dành một chương viết về nhà báo Trần Văn Ân, người sống tròn trăm năm và số phận long đong cùng lich sử nước Việt Nam cũng trọn trăm năm.
Trần Văn Ân là người khá kỳ lạ con nhà nghèo nhưng nhờ có ông chú có tiền hào phóng đã đưa cậu bé ăn mày cửa Phật đang học võ và chữ Hán ở chùa từ xứ Long Xuyên sình lầy lên Saigon. Từ đó Trần Văn Ân học trường Tây rồi còn cho sang Tây du học. Từng dự hội nghị thành lập Đảng Cộng Sản Pháp. Nhưng không theo Cộng Sản. Học hành thành đạt ở Pháp nhưng về nước lại đi làm báo và làm toàn những tờ báo danh tiếng. Chính Trần Văn Ân và Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm đã đứng ra phát triển Phong Trào Đông Dương Đai Hội, một phong trào chánh trị lớn làm rung chuyển xứ Đông Dương. Khi chiến tranh Thế Giới Thứ Hai bùng nổ ra, Trần Văn Ân bị nhà cầm quyền Pháp bắt đi trai tập trung tại Tà Lài miền Đông Nam Bộ. Bà Trần Văn Ân một thương gia người Hoa ở xóm Củi Chợ Lớn đã than phiền chuyện chồng bị người Pháp bắt đi trại tập trung với ông chủ hãng Đai Nam Kosi, một ngươi Nhật. Không ngờ ông thương gia người Nhật nàylại là một lãnh tụ Đảng Hắc Long của Nhật Bản. Ông đã hỏi bà Trần Văn Ân rằng bà có muốn ông giải thoát ông chồng bà ra khỏi trại tập trung và đưa ra nước ngoài không. Bà Trần Văn Ân nói bà cần phải đi thăm nuôi ông Ân hỏi ý kiến ông rối mới quyết định được . Ông chủ công ty Đai Nam Kosi nói với bà Ân rằng bà cứ đi hỏi ý kiến chồng đi rồi báo ông biết, ông sẽ thu xếp việc giải thoát ông Ân đưa ông ra nước ngoài. Kỳ thăm nuôi đó bà vợ đã đem chuyện ông chủ Đai Nam Kosi có ý muốn giải thoát ông hỏi ý ông chồng.
Trần Văn Ân trả lời vợ, nói ông là người thân cận với Kỳ ngoại hầu Cường Để. Được Kỳ ngoại hầu Cường Để ủy thác làm Tổng Thư Ký Phục Quốc Đồng Minh Hội. Hiện Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đang lưu vong ở Nhật Bản. Trần Văn Ân muốn nhân dịp này gặp lại Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Bà vợ đem ý kiến của chồng trính bầy với ông chủ hãng Đai Nam Kosi. Ông nói tốt rồi ông thu xếp ngay kế hoạch giải thoát ông Trần Văn Ân đưa ông Ân lên phi cơ của Nhật đem sang Singapore liền. Sau khi được Đảng Hăc Long Nhật Bản đưa sang Singapore, Trần Văn Ân gặp sử gia Trần Trọng Kim và cựu thượng thư Ngô Đình Diệm cũng được người Nhật đưa sang đây. Ông Trần Văn Ân đã nói với các bạn, ông cảm ơn người Nhật đã đưa ông ra khỏi trại tập trung nhưng ông không tin tưởng ở thuyết Đại Đông Á và quân phiệt Nhật sẽ thắng trận. Tình thế đang thay đổi phe đồng minh chống phát xít sẽ thắng. Việt Nam phải được độc lập tư do. Vấn đề là dân tộc Việt Nam phải đứng về phe đồng minh chống phát xít Nhật. Vấn đề của các chính khách Việt Nam là phải vận động những người Nhật yêu nước Nhật yêu vua Nhật chống phát xít, chống quân phiệt. Những nhận định của ông Ân đã khiến thượng thư Ngô Đình Diệm không còn mặn mà với quân phiệt Nhật. Nhưng cũng đã khiến Đảng Hắc Long bưc bội, tách ông Trần Văn Ân ra đưa sang Nam Dương Quần Đảo và kiếm cách làm khó dễ. Nhưng may có một người Nhật là nhà văn tên Kotmasu, có thế lực trong Đảng Hăc Long ủng hộ tư tưởng của ông Trần Văn Ân nên khi Nhật đảo chính Pháp người Nhật trao trả nền độc lập cho hoàng đế Bảo Đại.
Vua Bảo Đại theo gợi ý của người Nhật triệu sử gia Trần Trọng Kim lập chính phủ Việt Nam Độc Lập đầu tiên. Thủ tướng Trần Trọng Kim vừa nhận sắc dụ của vua Bảo Đai xong đã yêu cầu người Nhật đưa nhà báo Trần Văn Ân tham gia chính phủ.
Về nước Trần Văn Ân gặp ngay thủ tướng Trần Trọng Kim nói với thủ tướng Trần Trọng Kim bổ nhiệm bạn ông là nhà báo Nguyễn Văn Sâm làm khâm sai ở Nam Kỳ. Còn cá nhân ông phải về ngay Saigon tính chuyện chống người Pháp trở lại đô hộ Nam Kỳ, và đi với phe đồng minh. Bởi vì bạn ông là luật sư Dương Văn Giáo đã tổ chức lực lượng võ trang ở Thái Lan và Đức Huỳnh Giáo chủ đã võ trang tín đồ Hòa Hảo ở miền Tây sẵn sàng cùng lực lương vũ trang của đầu sư Cao Đài Trần Quang Vinh.
Thủ tướng Trần Trọng Kim đã chấp nhận yêu cầu của ông Trần Văn Ân. Và Trần Văn Ân trở lại Saigon tổ chức lực lương nhưng ông Nguyễn Văn Sâm đã bị cộng sản ám sát, luật sư Dương Văn Giaó. Rồi Đức Huỳnh Phú Sổ giáo chủ Hòa Hảo cũng bị Cộng Sản thủ tiêu. May nhờ anh em Bình Xuyên bảo vệ ông Trần Văn Ân thoát chết. Nhưng bị tướng Pháp De La Tour cấm lai vãng trong đất Nam kỳ.
Tới năm 1949, người Pháp bế tắc trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, phải mời cựu hoàng Bảo Đại lưu vong tại Hồng Kông về nước làm quốc trưởng. Mời trung tướng Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng chính phủ Việt Nam Thống Nhất. Mời trung tướng Nguyễn Văn Xuân bàn chuyện lập chính phủ với Trần Văn Ân. Ông Trần Văn Ân nói chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Thống Nhất do Pháp công nhận mà cựu hoàng Bảo Đai làm quốc trưởng trước hết phải có quốc kỳ quốc ca. Đích thân Trần Văn Ân vẽ lá cờ vàng ba sọc đỏ dùng làm quốc kỳ và chọn bài hát Tiếng Gọi Thanh Niên của Lưu Hữu Phước làm quốc ca.
Theo ông Trần Văn Ân chính phủ Nguyễn Văn Xuân là chính phủ quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam Thống Nhất Ba Kỳ. Tuy Trần Văn Ân chỉ làm bộ trưởng thông tin một thời gian chưa đầy một năm, nhưng đã làm đươc nhiều việc. Theo ông Trần Văn Ân thì chính phủ này tồn tại không lâu vì người Pháp miệng nói trao trả độc lập và chủ quyền cho Việt Nam, nhưng thực lòng họ còn nhiều âm mưu. Do đó tướng Nguyễn Văn Xuân đã chán nản xin từ chức, quốc trưởng Bảo Đại mời nhà báo Nguyễn Phan Long làm thủ tướng. Ông Nguyễn Phan Long rất mến ông Trần Văn Ân, mời ông Ân tham gia nhưng ông Trần Văn Ân từ chối, và nói xin cho ông trở về với nghề viết báo.
từ trái qua :
Trần Thiện Vàng, Lưu Đức Trung, Trần Văn Ân, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Tuyên ở Hồng Kông năm 1948
(nguồn ảnh: http://nguyen.hoai.van.pagesperso-orange.fr/
Trần Thiện Vàng, Lưu Đức Trung, Trần Văn Ân, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Tuyên ở Hồng Kông năm 1948
(nguồn ảnh: http://nguyen.hoai.van.pagesperso-orange.fr/
Chính trong thời gian này đại sứ Mỹ tại Saigon ngỏ ý muốn giúp đỡ ông Trần Văn Ân ra một tuần báo ảnh kiểu như báo Paris Match. Ông Trần Văn Ân thấy ý kiến của vị đai sứ Mỹ này ngồ ngộ đã xin phép xuất bản tuần báo Đọc Thấy một tuần báo ảnh duy nhất tại Việt Nam. Tờ báo in đẹp bán giá phải chăng và được Phòng Thông Tin Hoa Kỳ mua một số bù lỗ nên bán khá chạy. Báo Đọc Thấy lời nhiều nên nhà báo Trần Văn Ân nhận đươc thư độc giả hoan nghênh và yêu cầu tăng trang tăng bài viết nhiều hơn hình ảnh. Trước yêu cầu của bạn đọc nhà báo Trần Văn Ân quyết định đổi tên tuần báo Đọc Thấy thành tuần báo Đời Mới. Ông mời thêm nhà văn An Khê Nguyễn Bính Thinh nhà văn Bình Nguyên Lộc tham gia bộ biên tập với nhà báo Tế Xuyên và kịch tác gia Hoàng Trọng Miên.
Trên Đời Mới, mỗi tuần ký giả Trần Văn Ân viết ít nhất 4 bài: bài văn Ngược Dòng ký bút hiệu Dương Bá Đương. Thời Luận với tên Trần Văn Ân, Ký Sự với bút danh Văn Lang, và Sống Đời Đáng Sống ký bút danh Bất Hủ.
Thật bất ngờ Đời Mới bán chạy hơn Đọc Thấy. Thấy vậy, Trần Văn Ân bèn cảm ơn và từ chối sự hỗ trợ tiếp của tòa đai sứ Mỹ, ung dung làm báo Đời Mới. Rồi kịch tác gia Hoàng Trọng Miên ló mòi thân cộng. Nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh từ khu 4 vào Saigon được nhà văn Lê Văn Siêu gới thiệu với nhà báo Trần Văn Ân. Sau khi trao đổi mấy câu, Trần Văn Ân mời nhà văn Nguyễn Đưc Quỳnh làm chủ bút báo Đời Mới . Nguyễn Đức Quỳnh nói ông sẵn sàng phụ trách tòa soạn báo Đời Mới nhưng miễn đưa tên lên báo với chức danh chủ bút. Thế là báo Đời Mới cải tổ với nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh trông coi tòa soạn nhà báo Tế Xuyên làm Tổng thư ký tòa soạn,tăng cường thêm biên tập viên Hồ Hán Sơn.
bìa báo Đời Mới
nguồn ảnh: Phay Van @123hoang.wordpress.com
nguồn ảnh: Phay Van @123hoang.wordpress.com
Sau khi thôi không tham gia chính phủ nhà báo Trần Văn Ân vì nể lời sử gia Trần Trọng Kim trợ giúp sử gia Trần Trọng Kim triệu tập Quốc Dân Đai Hội. Trần Văn Ân thề không làm chánh trị Đảng phái vì vậy khi Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đứng ra lập Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia, mời Trần Văn Ân tham gia, dù tòa soạn báo Đời Mới ở kế bên trụ sở Mặt Trận, ông Trần Văn Ân vẫn không tham gia. Tuy nhiên khi Mặt Trận và chính phủ Ngô Đình Diệm đối đầu căng thẳng Đức Hộ Pháp Phạm Công Tăc thân chinh sang tòa soạn báo Đời Mới tham khảo ý kiến, ông Trần Văn Ân đã nói với Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc ông từng là bạn lưu vong với ông Ngô Đình Diêm. Ông nghĩ ông có thể nói chuyện với Ngô Đình Diệm được. Thế là Trần Văn Ân nhận lời làm Tổng thư ký Mặt Trận và bị kéo vô cơn lốc của thời cuộc lãnh án tử hình đi tù Côn Đảo.
Tuy là người học Phật học kinh Dich Trần Văn Ân biết cái nghiệp của ông nặng ông phải trả ông không oán than gì cả. Trong vụ này ông cảm ơn hai ngươi là luật sư Nghiêm Xuân Hồng người đã làm hồ sơ trình tướng Nguyễn Khánh xét lại vụ án oan Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lưc Quốc Gia và nữ nghệ sĩ Phùng Há má nuôi tướng Nguyễn Khánh thúc tướng Nguyễn Khánh phải giải quyết nhanh án oan này.
Ra khỏi tù Trần Văn Ân được tướng Nguyễn Khánh mời làm bộ trưởng bộ Chiêu Hồi ông nhận lời ngay vì đây là dịp hòa giải dân tộc tốt nhất, mà ông phải tranh thủ. Theo Trần Văn Ân thì chính nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh là người có sáng kiến chiêu hồi với người cộng sản và đưa bộ trưởng Ngô Trọng Hiếu trình Tổng Thống Ngô Đình Diệm,đươc tổng thống Ngô Đình Diệm chấp thuận.
Tiếc rằng ông Trần Văn Ân làm Bộ Trưởng Chiêu Hồi chưa được bao lâu thì tướng Khánh bị phe tướng trẻ lật đổ. Trần Văn Ân lui trở về lập nhóm Đời Mới qui tụ nhiều tướng lãnh trong đó có nhiều tướng không quân. Tuy nhiên khi tướng Nguyễn Cao Kỳ lập nội các chiến tranh ông Trần Văn Ân lại mặn mà với tướng Nguyễn Văn Thiệu hơn, nhận làm cố vấn chánh trị cho tướng Nguyễn Văn Thiệu.
Tuy nhiên khi nhà văn Sơn Khanh Nguyễn Văn Lộc một đệ tử ruột của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc người thân cận với tướng Nguyễn Cao Kỳ đứng ra lập một chính phủ, Nguyễn Cao Kỳ mời nhà báo Trần Văn Ân phụ trách bộ Thông Tin. Trần Văn Ân đã nhận lời và muốn Vương Tân tham gia với tư cách Thứ Trưởng. Trong khi Lý Đại Nguyên Vũ Ngọc Đỉnh, Châu Sơn Thái Vị Thủy, Chu Tấn là những ngươi thân của Vương Tân đã tham gia bộ tham mưu của bộ trưởng Trần Văn Ân, Vương Tân đã nói với bộ trưởng Trần Văn Ân, Vương Tân sẵn sàng ở trong bộ tham mưu của ông nhưng Vương Tân từ chối làm Thứ Trưởng. Vì biết chăc chính phủ Nguyễn Văn Lộc không tồn tại lâu. Vì thể nào tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và người Mỹ cũng đưa nhà giáo Trần Văn Hương đồng minh của tướng Nguyễn Văn Thiệu lên làm thủ tướng. Tốt nhất đừng xin Vương Tân biệt phái sang bộ thông tin.
Lời tiên đoán của VươngTân trúng phóc! Trận tết Mậu Thân xẩy ra tình báo Mỹ đã dùng phi cơ trực thăng diệt gọn bộ tham mưu của tướng Nguyễn Cao Kỳ ở Chợ Lớn. Và gài cho đặc công Việt Cộng bắn què tướng Nguyễn Ngọc Loan. Chính phủ Nguyễn Văn Lộc đổ. Em vợ nhà báo Trần Văn Ân là nhà thơ Lý Vọng Xuyên một bác sĩ y khoa thư ký riêng của ông Trần Văn Ân bị vu tội trốn quân dịch bắt đi lính lên cơn đau tim qua đời.
Sau vụ này nhà báo Trần Văn Ân quyết định chỉ ngồi trong hậu trường chánh trị làm cố vấn chánh trị cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Khi hội nghị Paris về Việt Nam diễn ra tổng thống Nguyễn văn Thiệu muốn nhà báo Trần Văn Ân thay mặt ông sang Paris cùng nhà báo Bùi Diễm điều hành phái đoàn VNCH tham gia hội nghị Paris do phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đứng đầu.
Theo ông Trần Văn Ân, suốt thời kỳ ông và ông Bùi Diễm điều hành phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa luôn phải đối phó với ông Kissinger, một người Mỹ gốc Do Thái chỉ biết quyền lợi Mỹ quyền lợi Do Thái, ngó lơ quyền lợi và số phận Việt Nam Cộng Hòa.
Chính trong dịp này nhà báo Trần Văn Ân mới thấy rõ Việt Nam Cọng Hòa chỉ có một con đường duy nhất là phải độc lập dân tộc và mở rộng dân chủ liên lập với thế giới tự do mới tồn tại được. Còn chủ nghĩa Cộng Sản sau thới kỳ Kruschev tới thời kỳ Mao Trạch Đông chỉ là chủ nghĩa khủng bố. Nó sẽ bị loài người từ bỏ. Chủ nghĩa Cộng Sản bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên con ngươi toàn diện đươc tôn vinh.
Trong những lá thư trao đổi với Vương Tân cuối đời, nhà báo Trần Văn Ân cho biết đời ông có nhiều nỗi sung sướng nhưng nỗi sung sướng nhất là thấy chủ nghĩa Cộng Sản thoái trào và Liên xô sụp đổ. Và chủ nghĩa Cộng Sản đang biến thành chủ nghĩa Tư Bản Đỏ. Dân tộc Việt Nam sẽ được tự do, sẽ có xã hội dân sự, sẽ có nhà nước dân làm chủ.
Lê Thị Huệ: Như ông cho biết Tế Xuyên là một ngươi khơi mào cho cuộc nổi dậy của Việt Nam Quôc Dân Đảng hồi thập niên 1930. Sau này ông Tế Xuyên hoạt động chính yếu trong ngành báo chí,xin ông cho biết cảm tưởng về nhân vật lịch sử rất ít được biết đến này.
Vương Tân: Tôi chỉ được biết nhà báo Tế Xuyên Hoàng Văn Tiếp khi ông làm Tổng thư ký tuần báo Đời Mới. Tuy nhiên trước đó tôi đã được lãnh tụ Việt Nam Quôc Dân Đảng Nguyễn Văn Lực, người từng kết nạp tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam vào Việt Nam Quốc Dân Đảng, và cũng là người từng sát cánh với thủ tướng Ngô Đình Diệm khi ông Diệm mới về nước, cũng là cha phi công Nguyễn Văn Cử, nhân vật dùng oanh tạc cơ AD6 ném bom sập Dinh Đôc Lập năm 1962; nói về nhân vật Leon Sanh con trai bà cả Mộc, người bắn chết người Pháp tên Bazin ở phố Lò Đúc đêm ba mươi tết năm 1930, chính là nhà báo Tế Xuyên Hoàng Văn Tiếp.
Theo ông Nguyễn Văn Lực thì nhà báo Tế Xuyên cuối đời con sinh hoạt Việt Nam Quốc Dân Đảng trong hệ phái Nguyễn Văn Lưc. Tế Xuyên là người mê nhà văn Trung Quốc Lâm Ngữ Đường. Tế Xuyên có dịcch một số sách của Lâm Ngữ Đường.
Vương Tân còn nhớ khi làm báo Đời Mới, buổi trưa Vương Tân thường về nhà của ông Tế Xuyên ở đưòng Trần Bình Trọng ăn cơm trưa. Lúc này Tế Xuyên góa vợ gà trống nuôi con. Vương Tân ăn cơm trưa xong thường kèm học mấy người con trai Tế Xuyên. Mấy ngươi này sau là sĩ quan Hải Quân Việt Nam Cọng Hòa.
Điều làm Vương Tân sau này ít gặp Tế Xuyên là một buổi Tế Xuyên đưa Vương Tân vào khách sạn thổ lộ tâm tình. Cái đau thứ nhất của Tế Xuyên là có con là sĩ quan Hải Quân vì nghe lời lãnh tụ Nguyễn Văn Lực sau 30 tháng 4 năm 1975 ở lại Việt Nam, chiến đấu chống Cộng Sản. Cái đau thứ hai là nghe lời ông chú Hoàng Đao Thúy cứ yên tâm Cộng Sản sẽ hòa giải dân tộc, người quốc gia sẽ đươc tôn trọng. Nào ngờ Hoàng Đao Thùy cũng bị cộng sản lừa chết không nhắm mắt được.
Theo chỗ Vương Tân đươc biết thì hiện các con nhà báo Tế Xuyên đã tới Mỹ định cư theo diện HO.
Lê Thị Huệ: Ông nói ông là một trong những người xây dựng Nhật Báo Tự Do vào giai đoạn khởi đầu của nền đệ nhất Cộng Hòa cùng các nhà văn nổi tiếng như Mặc Đỗ, Mặc Thu,Vũ Khắc Khoan, ông có thể cho biết thêm về thời kỳ hoạt động của tờ báo nổi tiếng này.
Vương Tân: Về chuyện làm nhật báo Tự Do, tôi đã có viết trong hồi kỳ công bố trên mạng internet.
Như Vương Tân còn nhớ thì sau hiệp định Geneve chia đôi nước Việt Nam, Vương Tân theo Đoàn Sinh Viên Hà Nội mà trưởng đoàn là luật sư Trần Thanh Hiệp vào Saigon. Sống trong lều bạt trên nền khám lớn Saigon ở đường Gia Long. Thời kỳ này Vương Tân, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sĩ Tế , Lữ Hồ, Doãn Quốc Sĩ say sưa làm tờ báo Lửa Việt của Đoàn Sinh Viên Hà Nội.
Bỗng nhiên một buổi chiều một học giả người Mỹ tên Buttinger, mà Vương Tân quen từ ngoài Hà nội, tới nói với Vương Tân rằng một tổ chức của người Mỹ, mà ông là đai diện, đã yểm trợ một số anh em văn nghệ sĩ Bắc Kỳ Di Cư ra một tờ nhật báo. Buttinger muốn Vương Tân tham gia bộ biên tập tờ báo này. Nếu Vương Tân chịu tham gia thì Như Phong Lê Văn Tiến một người khá thân với Vương Tân sẽ tới gặp Vương Tân. Nghe Buttinger nói tới Như Phong Lê Văn Tiến em kết nghĩa nhà văn Hoàng Đạo, một ngươi bạn có hỗn danh Tiến Nhật, người từng được nhà văn Nhật Kotmasu đào tạo viết văn và làm tình báo, Vương Tân hơi hứng thú. Nên trả lời ông Buttinger làm báo thì Vương Tân sẵn sàng. Tuy nhiên vấn đề là làm báo để làm gì và phục vụ ai thì Vương Tân cần phải trao đổi với Như Phong Lê Văn Tiến rồi mới quyết định được.
Buttinger nói với Vương Tân có thể sáng hôm sau Như Phong Lê Văn Tiến sẽ tới gặp Vương Tân.Qủa nhiên sáng hôm sau Như Phong đi một cái xe mobilette vàng tới lều bạt gặp Vương Tân rủ đi ăn phở. – “Mình đi ăn phở Thổ Nhĩ Kỳ nhé, Như Phong Lê Văn Tiến nói. Cái quán phở này nấu theo kiểu Saigon nước phở có củ cải trắng củ cải đỏ. Nó tọa lạc tại đường Thổ Nhĩ Kỳ nên thiên hạ gọi là phở Thổ Nhĩ Kỳ. Mình ăn phở Hà nội quen rồi hôm nay đổi món”
Trong tiệm phở Như Phong Lê Văn Tiến cho biết tổ chức thiện nguyện của Mỹ do ông Buttinger đại diện tại Việt Nam đã tiếp xúc với Vũ Khắc Khoan nhận yểm trợ cho anh em văn nghệ sĩ di cư ra một tờ nhật báo lấy tên là Tự Do. Tờ báo sẽ do nhà văn Tam Lang đứng vai chủ nhiệm, nhà văn Măc Thu đứng vai quản lý, Như Phong Lê Văn Tiến làm Tổng Thư Ký tòa soan, Măc Đỗ viết xã luận, Đinh Hùng viết truyện dài làm thơ trào phúng ký bút danh Thần Đăng vẽ biếm họa ký bút danh Đào Hoa, nhà báo Tam Lang viết tạp ghi, nhà văn nhà báo Tchya Đái Đức Tuấn Mai Nguyệt viết phiếm luận, nhà báo nhà văn Nguyễn Hoạt phụ trách hệ thống thông tin tại miền Bắc (sau này Như Phong với bút danh Cô Thần làm công việc này).
Như Phong Lê Văn Tiến muốn Vương Tân làm phụ tá tổng ký tòa soạn kiêm phóng viên chánh trị cho tờ Tự Do. Đến ở luôn tại tòa soạn. Theo Như Phong thì với tư cách Đổng Lý Văn Phòng bộ Thông Tin mà lúc đó bộ trưởng là bác sĩ Bùi Kiến Tín , Măc Đỗ đã ký giấy phép cho nhật báo Tư Do ra đời. Như Phong Lê Văn Tiến không dấu diếm gì hết nói với Vương Tân đang làm thư ký riêng cho bộ trưởng Bùi Kiến Tín trong lúc Mặc Thu làm công cán ủy viên nhưng lại tiết lộ bác sĩ bộ trưởng Bùi KiếnTín sắp nghỉ làm bộ trưởng để thủ tướng Ngô Đình Diệm cải tổ chính phủ.
Như Phong Lê Văn Tiến nói thêm tòa soan có nhà báo Thương Sĩ, nhà văn Vũ Bằng, nhà báo Lê Văn Vũ Băc Tiến, nhà báo Hoàng Lan, họa sĩ Phạm Tăng. Nếu Vương Tân nhận lời sẽ có lương tháng hai mười ngàn (hai mươi ngàn lúc đó mua đươc bốn lượng vàng ba số 9).
Nói xong Như Phong Lê Văn Tiến đưa cho Vương Tân một cái phong bì và nói ông nên sắm một cái mobilette để đi lại cho tiện hơn xe đạp. Trước hành động của Như Phong Lê Văn Tiến Vương Tân không cách nào từ chối đành nhận phong bì. Rồi Như Phong chở Vương Tân đến hang Lucia mua một cái xe mobilette vàng hết mười bẩy ngàn đồng (trong phong bì có sáu chục ngàn tiền Đông Dương ngân hàng). Và dọn tới nhà in Long Giang số 124-126 Lê Lai bắt đầu làm báo Tư Do.
Nhiệm vụ của Vương Tân tại báo Tự Do tương đối nhàn. Ngoài làm phóng viên chánh trị phải đọc lại bản sắp chữ cuối cùng xem có gì sai sót trước khi đem đúc in. Việc này là của tổng thư ký tòa soạn phải làm, nhưng Như Phong Lê Văn Tiến nhờ Vương Tân làm. Dịp này Vương Tân thường thấy nhà văn Vũ Khăc Khoan xoay trần ra viết truyện Thần Tháp Rùa và soạn bài cho số tết xuân Tự Do
Vũ Khắc Khoan có tật viết là phải uống rượu. Trước mặt Vũ Khắc Khoan luôn có chai Martelle Cordon Bleu. Vũ Khắc Khoan viết trên một cuốn vở học trò 200 trang. Ông viết bằng một cây bút parker. Vũ Khắc Khoan từng tham gia nhóm Hàn Thuyên và từng được Thái Dich Lý ĐôngA tin tưởng giao làm trưởng ban kiểm tra Đảng. Tuy Vũ Khăc Khoan là người đứng ra nhận tiền của ngươi Mỹ làm báo Tự Do nhưng ông chỉ lãnh lương tháng 30.000 đồng, và đi chiếc xe gắn máy Velo Solex. Còn thua Mobilette vàng của Vương Tân.
Người trong tòa soan duy nhất đi ô tô là nhà văn nhà báo Măc Thu Lưu Đức Sinh. Nhà văn Mặc Thu đi cái ô tô Citroen 15 ngựa do Mai Đen làm tài xế. Nhân vật Mai Đen thời tướng Nguyễn Cao Kỳ từng đóng vai đại tá Thanh Tùng phụ trách tình báo. Dịp này Vương Tân thương thấy ông Bùi Kiến Thành con trai bác sĩ Bùi Kiến Tín thay mặt ông Buttinger đến đưa tiền cho Mặc Thu Lưu Đức Sinh
Nhà báo Tam Lang là chủ nhiệm báo Tự Do nhưng không có xe riêng nhà ông ở con hẻm đường Võ Tánh bên hông tòa soạn. Tam Lang thường đi bộ qua tòa soạn. Thi sĩ Đinh Hùng thì lúc nào cũng măc đồ lớn sách cái cặp to đùng đi tắc xi tới tòa soạn, ngồi viết, ngồi vẽ. Thợ xếp chữ luôn phải chờ bài của thi sĩ Đinh Hùng để sắp chữ. Được cái Đinh Hùng viết rất nhanh, nên thợ in ít phàn nàn.
Như Phong Lê Văn Tiến mang tiếng làm Thư Lý Tòa Soạn nhưng hết bay ra Hải Phòng lại lo công việc làm tình báo với bác sĩ Trần Kim Tuyến nên công việc tòa soạn gần như giao cho Vương Tân cáng đáng hết. Như Phong Lê Văn Tiến có lần nói với Vương Tân là bạn thân của Như Phong là bác sĩ quân y Trần Kim Tuyến vừa được thủ tướng Ngô Đình Diệm cử làm giám đốc sở Nghiên cứu chánh trị thay ông tòa Vũ Tiến Tuân (sở nghiên cứu chánh trị là cơ quan mật vụ của chính phủ do tướng tình báo Mỹ Lansdal gợi ý thành lập). Như Phong nói bác sĩ Trần KimTuyến đang là nhân vật quan trọng thứ ba của chế độ chỉ sau hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Vương Tân nói với Như Phong Lê Văn Tiến, ông là người viết được nên vừa viết văn vừa làm báo, chứ làm tình báo lôi thôi lắm đấy.
Làm báo Tự Do đươc ba tháng Vương Tân thấy chán cái tờ báo tiếng nói Băc Kỳ Di Cư này quá, nên nói với Như Phong Vương Tân xin nghỉ. Như Phong bảo tiếc quá nhưng ông sang làm việc với ông Trần Văn Ân thì tốt thôi. Từ đó Vương Tân sang làm báo Đời Mớivới Trần Văn Ân. Tuy bỏ Tự Do nhưngVương Tân vẫn liên lạc với Như Phong và rất thích khi thấy Như Phong với bút hiệu Lý Thắng viết trường giang tiễu thuyết Khói Sóng.
Như Phong là người thân với bác sĩ Trần Kim Tuyến và giúp Trần Kim Tuyến gầy dựng sở Nghiên Cứu Chánh Trị từ đâu tới cuối. Nhưng năm 1960 báo Tự Do ra số xuân Canh Tý Như Phong xin được họa sĩ Nguyễn Gia Trí bức tranh Chuột với Dưa Hấu về làm bìa báo đã khiến báo bị tịch thu cả tòa soạn. Sở dĩ xẩy ra cớ sự vì bức tranh họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ chuột với dưa hấu. Lật ngược bức tranh thì quả dưa hấu bửa đôi là bản đồ Việt Nam. Mặt mấy con chuột giống y chang mặt anh em ông Ngô Đình Diệm. Bị cảnh sát bắt Như Phong Lê Văn Tiến tuy thoát nạn nhưng cũng giã từ báo Tự Do. Và bắt đầu một phiêu liêu chánh trị mới với đám tướng trẻ. Như Phong Lê Văn Tiến là người cùng với luật sư Đinh Trịnh Chính làm dự án đưa các tướng trẻ lên cầm quyền.và tham gia chính phủ Nguyễn Cao Kỳ với tư cách ủy viên hành pháp.
Nhưng ngày 30 tháng Tư năm 1975 Như Phong Lê Văn Tiến lại kẹt ở Saigon. Khi gặp Vương Tân tại phòng giam Công An Cộng Sản ở đường Trần Hưng Đạo, Như Phong Lê Văn Tiến nói tối 29 tháng tư luật sư Chính còn cho xe lại đón Như Phong xuống tầu của ông đậu tại bến Bach Đằng nhưng Như Phong đã không đi vì quyết ở lại để thực chúng những điều ông nghiên cứu về Cộng Sản và bây giờ ông thỏa mãn.
Vào tù cộng sản Như Phong được đích thân Mai Chí Thọ giám đốc công an Saigon thẩm vấn. Như Phong nói với Mai Chí Thọ các ông đang kẹt với Bắc Kinh vì chiếm miền Nam, rồi các ông còn kẹt hơn nữa. Các ông bắt văn nghệ sĩ là lầm. Bắt nhà thơ Vũ Hoàng Chương làm gì. Ông Vũ Hoàng Chương ung thư sắp chết thả ra đi để khỏi mang tiếng muôn đời. Các ông bắt nhà báo Trần Việt Sơn cũng vậy. Ông ấy ung thư sống có mất tháng nữa, để chết trong tù mang tiếng. Mai Chí Thọ nghe lời Như Phong Lê Văn Tiến nhưng bỏ tù Như Phong Lê Văn Tiến 13 năm.
Suốt thời gian này Như Phong Lê Văn Tiến ở nhà giam Chí Hòa có lúc ở chung với bác sĩ Nguyễn Đan Quế và giáo sư Đoàn Viết Hoạt. Vì vậy mà đầu thập niên 1990 thế kỷ 20, bác sĩ Nguyễn Đan Quế lập Cao Trào Nhân Bản Việt Nam, giáo sư Đoàn Viết Hoạt xuất bản báo Diễn Đàn Tự Do, công an cộng sản đã bắt Như Phong Lê Văn Tiến.
Trong vụ này, Vương Tân và nhà thơ Tô Thùy Yên bị làm cáo trạng ghép vào vụ Diễn Đàn Tự Do đưa ra tòa. Nhưng Như Phong Lê Văn Tiến, Vương Tân, Tô Thúy Yên đã tranh luận với cán bộ Viện Kiểm Sát khiến cán bộ Viện này phải quyết định đình chỉ điều tra và thả cả ba.
Như Phong Lê Văn Tiến đi Mỹ hoàn thành trường giang tiểu thuyết Khói Sóng và viết bài cho Đài Á Châu Tự Do rồi chết ở Virginia năm 2001 vì bệnh tim.
Lê Thị Huệ: Xin cho biết chi tiết việc học tập của ông thời thiếu nhi, thời thành niên kế tiếp, khi đó VN vẫn còn dưới chế độ Pháp thuộc trường học ở đâu, học phí đóng góp ra sao hay miễn phí thầy cô từ đâu bổ nhiệm hay đươc tuyển dụng tại chỗ. Chương trình học bằng quốc ngữ hay tiếng Pháp. Lịch sử được dạy như thế nào khi Việt Nam còn nằm dưới sự thống trị của người Pháp. Các bạn đồng song đặc biệt các bạn học sau này có tiếng tăm trong xã hội.
Vương Tân: Vương Tân được gia đình chăm sóc vấn đề học hành khá chu đáo, năm tuổi, khai tâm học chữ Hán với một thầy đồ là dân đại khoa vì tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục bị người Pháp làm khó dễ . Cha Vương Tân rước về cung phụng như thượng khách. Một mặt giúp cha Vương Tân nghiên cứu kinh dịch,và phong thủy, mặt khác dạy dỗ anh em Vương Tân chữ Hán và chữ quốc ngữ. Thầy đồ dạy Vương Tân Tam Tự Kinh với cái roi mây rất dài. Nhìn không khí lớp học có vẻ căng thẳng lắm, nhưng thực ra thầy rất dễ dãi và không la mắng học trò bao giờ cả. Thầy dạy học trò đọc sách viết chữ, rồi giảng đạo lý giọng lúc nào cũng ôn tồn nhẹ nhàng. Cùng với học chữ Hán, Vương Tân được cha mẹ thuê người kèm dạy tiếng Pháp để năm tuổi Vương Tân vô học chương trình tiểu học trường Tây ở Hà nội. Năm tuổi Vương Tân được cho vô học trường tiểu học của người Pháp tại Hà nội. Trường dành cho dân Tây học chương trình do cơ quan học chính của chính phủ Pháp ở Paris soạn thảo. Giáo viên cũng do cơ quan này tuyển dụng và đào tạo cử tới Hà nội dạy theo chương trình như ở bên Pháp vậy. Sách vở của học trò hoàn toàn in ấn từ Pháp gửi sang gồm hai loại sách của giáo viên và sách của học trò. Vào học trường này hoàn toàn miễn phí nhưng muốn vào học phải là con em những công chức cao cấp trong chính quyền thuộc địa, có giấy giới thiệu của xếp các cơ quan này. Vương Tân nhớ rõ ràng trong số các thầy dạy Vương Tân ở bậc trung học có cụ phó bảng Bùi Kỷ dạy chữ Hán như vậy là tiến sĩ Hán Học Bùi Kỷ được tuyển ở Việt Nam. Nhưng thầy Bùi Kỷ dạy chữ Hán bằng tiếng Pháp. Trong trường Tây môn lich sử hoàn toàn học lich sử nước Pháp, với câu mở đầu tổ tiên tôi là dân Gaulois. Tuy nhiên Vương Tân khai tâm học chữ Hán ở nhà được thầy đồ dạy Vương Tân là dân Việt Nam con Rồng cháu Tiên có tổ là các vua Hùng và đọc cuốn lich sử VN của tác giả Trần Trọng Kim.
Bạn học trường Tây của Vương Tân có Nguyên Sa Trần Bich Lan và nhà thơ Hoàng Anh Tuấn. Tuy nhiên hai người này sớm chia tay Vương Tân sang Pháp học vì sợ bị bắt đi lính mãi sau năm 1954 Vương Tân mới găp lại hai người này.
Điều trớ trêu với Vương Tân là học trung học và đai học đều học bằng tiếng Pháp dù biết sau ngày 9 tháng 3 năm 1945 bộ trưởng quốc gia giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam Độc Lập do sử gia Trần Trọng Kim làm thủ tướng là học giả Hoàng Xuân Hãn có đưa ra một chương trình quốc gia giáo dục rất hay. Nhưng Vương Tân không được học chương trình này, vì cha Vương Tân vốn thích chương trình Tây một chương trình giáo dục hơi nặng về từ chương nhưng cha Vương Tân cho là tốt hơn chương trình Việt đối người đã học tiếng Tây từ bé.
Vương Tân nhớ lúc mới hồi cư chưa xin vào học lại được trường Tây,Vương Tân có đi học luyện thi tú tài chung lớp với Nguyễn Văn Cử người lái phi cơ AD6 oanh tạc dinh Độc Lập ngày 27 tháng 2 năm 1962, và nhà văn Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn , nhà thơ Mac Ly Châu Phạm Đức Lợi người từng làm trưởng phòng 2 bộ Tổng tham Mưu Quân Lực VNCH tuẫn tiết tại Saigon sau ngày 30 tháng tư. Nhưng sau Vương Tân bỏ lớp này đi thi tú tài Tây.
Chính cái nền giáo dục của người Pháp dạy Vương Tân yêu Tự Do Bình Đẳng và Bác Ái đã làm cho cuộc đời Vương Tân nhiều lận đận như bài thơ Nghiêm Xuân Hồng làm ở Mỹ tặng Vương Tân thủa nào đăng trên báo Văn của Mai Thảo xuất bản ở Mỹ.
Có điều cần phải nói rõ là người Pháp chỉ cho dân Đông Dương trong đó có dân Việt Nam hưởng một nền giáo dục Đai học tới bậc Cao Đẳng mà thôi. Ai muốn học đai học phải sang Pháp học. Vì chỉ ở Pháp mới có bậc đai học và trên đai học, còn ở Đông Dương trong ba xứ Đông Dương không có trường Đai Học chỉ có trường Cao Đẳng mà thôi. Người ta bảo đó là chính sách giáo dục chỉ đào tạo tay sai không đào tạo trí thức. Tuy nhiên ngươi Pháp lại cho sinh viên VN, nhất là xứ thuộc đia Nam Kỳ thoải mái sang Pháp du học. Nên đã có nhiều du học sinh VN đậu tiến sĩ. Đó là chưa kể hệ thống giáo dục của các trường do Giáo Hội Thiên chúa giáo La Mã lập ra cũng góp phần không nhỏ trong việc đào tạo ra những nhà văn nhà báo nhà giáo lẫy lừng như Petrus Ký – Trương Vĩnh Ký, Paulus Của – Huỳnh Tinh Của, nhà văn Nguyễn Trọng Quản tác giả tiểu thuyết viết bằng tiếng Việt đầu tiên Thầy Lazaro Phiền (in năm 1887).
Mãi tới đầu thập niên 1950 thế kỷ Hai Mươi, chính phủ quốc gia của quốc trưởng Bảo Đai mới tiếp thu Viện Đai Học Đông Dương mở trường đai học Văn Khoa và tổ chức các lớp trên đai học tại các trường Đai Học trong khi học chế đai học của chính phủ Hồ chí Minh lúc đó mới chỉ có lớp dự bi đai học. (còn tiếp)
lê thị huệ
thực hiện
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ