Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

tôi biết nhà văn lê văn trương qua ... / bài viết: nguyễn chính viên -- newvietart.com/

TÔI BIẾT NHÀ VĂN LÊ VĂN TRƯƠNG

QUA BKTT & MOTTHEGIOI.VN



                                                           lê văn trương [1906- saigon 1964]
                                                                                         (ảnh: internet)







L ê văn Trương (1906-1964), bút hiệu Cô Lý, là nhà báo, nhà văn Việt Nam thời tiền chiến. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt, hiện nay (2009), ông được xem là cây bút có số lượng tác phẩm nhiều nhất.
Lê văn Trương sinh tại làng Đồng Nhân, nay là khu phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.
Cha ông là Lê văn Kỳ, gốc người Hà Đông cũ, lên lập nghiệp ở Bắc Giang (nay là phố Nghĩa Long, thành phố Bắc Giang). Mẹ ông là bà Nguyễn thị Sâm.
Thuở nhỏ, Lê văn Trương học tiểu học ở Bắc Giang. Năm 1921, ông theo cha về Hà Nội thi vào học trường Trung học Bảo hộ (Lycée du Protectorat/  trường Bưởi, Hà Nội/ nay là Chu văn An). Học đến năm thứ ba (có sách ghi năm thứ hai) thì bị đuổi, vì cùng với một vài bạn cầm đầu cuộc phản kháng chống lại một Hiệu trưởng người Pháp đã mắng học sinh người Việt là "Sale Annamite" ("tên An Nam bẩn thỉu!").
Năm 1926, sau khi đi học thêm, Lê văn Trương thi đậu vào Sở Dây thép Đông Dương (Bưu điện Đông Dương). Mãn khóa, ông được bổ đi làm tại Battambang (Campuchia). Ở đây, ông cưới cô Ngô Thị Hương , một nữ sinh trường Battambang, và là con cả trong một gia đình người Việt đang cư trú nơi đó.
Năm 1930, ông chán nghề công chức, bỏ đi khai khẩn đồn điền ở huyện Monkolboray, thuộc tỉnh Lovea (Campuchia), giáp biên giới Thái Lan.
Sau khủng hoảng kinh tế 1931-1932, sau khi bị phá sản, ông đi làm thầu khoán, buôn bò, buôn ngọc, buôn lậu...có khi sang tận Thái Lan, Trung Quốc .
Năm 1932, ông trở về nước tham gia làng báo, làng văn ở đất Bắc, cộng tác với báo Trung Bắc tân văn, với nhà xuất bản Tân Dân và các cơ quan ngôn luận của nhà xuất bản này: Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích hữu, Truyền bá.
Năm 1937, Lê văn Trương được Chủ nhiệm Vũ đình Long cho làm chủ bút tờ Ích Hữu. Cuối năm đó, ông chủ trương ra tờ tuần báo Ích hữu đổi mới, và sau nữa là tờ Việt Nam hồn. Thời này, ông thường đi đôi với Trương Tửu [Nguyễn Bách Khoa], cổ xúy cho cái "triết lý về sức mạnh".
Sau 1945, ông làm chủ tịch Ủy ban Đãi vàng Bắc Bộ một thời gian rồi vào Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn thuộc Phòng Chính trị Liên khu III.
Lê văn Trương có tham gia chiến dịch đánh Pháp ở Nam Định (28 tháng 5 năm 1951 - 20 tháng 6 năm 1951), và ở Hòa Bình (tháng 12 năm 1951 - tháng 1 năm 1952) và đã tường thuật lại trong cuốn tiểu thuyết "Tôi là quân nhân", nhưng bị phê phán tơi bời là đề cao "chủ nghĩa anh hùng cá nhân".
Buồn chán, nhân bệnh gan cũ tái phát ông đến Ủy ban Hành chính kháng chiến Liên khu III (lúc ấy đóng ở Xích Thổ, tỉnh Ninh Bình) xin phép được về thành (Hà Nội) chữa bệnh (1953 ). Về lại Hà Nội, ông cộng tác với báo  Mới  ở  Sài Gòn, và viết sách.
Đầu năm 1954 , ông vào Sài Gòn làm thầu khoán, viết báo, tái bản sách. Năm 1959 , ông làm việc cho Đài phát thanh Sài Gòn  được một thời gian thì gặp chuyện không may: Vì trùng tên với một người dám đả kích bà Cố vấn Ngô Đình Nhu  (tức Trần Lệ Xuân), ông bị gọi vào Phủ Tổng thống làm việc. Mặc dù đã minh oan và cả sau khi sự việc đã rõ, bà Trần Lệ Xuân  vẫn dửng dưng không đính chính. Ông bị đài Phát thanh [Saigon] sa thải. Cảnh nhà hết sức quẫn bách cộng thêm nỗi sách in ra không bán được, công việc kinh doanh cũng đình đốn.
Ngày 25 tháng 2  năm 1964 , Lê văn Trương mất tại một căn nhà hẹp ở hẻm Bùi Viện , Sài Gòn (nay thuộc phường Phạm ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ), trong cảnh nghèo đói và tật bệnh, lúc 58 tuổi.
Những chuyến đi xa xôi đến nơi hẻo lánh, rừng thiêng nước độc là chất liệu để ông hoàn thành những tác phẩm đầu tay. Và cũng chính ở nơi đất khách quê người, Lê Văn Trương đã gặp người tình đầu của mình. Nhan sắc ấy tên là Nguyễn thị Hỷ, chính là nguyên mẫu nhân vật cô Hai trong tiểu thuyết Tôi là mẹ của Lê văn Trương.
Trong tiểu thuyết này, ông đã hé lộ đôi nét về gia cảnh của nàng, khi ông Nam Phát nói: “Vâng, tôi là người Bắc, lên buôn bán trên này đã hơn hai mươi năm chẳng về bao giờ. Mà biết quê quán ở đâu mà về! Tôi mồ côi cha mẹ, phiêu bạt từ nhỏ, quên cả quê quán. Chỉ còn nhớ mình là người Bắc, ở tỉnh Nam Định, nên tôi đặt tên hai cháu là Nam và Định để kỷ niệm quê quán của tôi”. “Cô Hai” là người con gái lớn của ông Nam Phát.
Lê văn Trương và cô Hỷ kết hôn vào năm 1927. Sau này, cô Hỷ còn là cảm hứng cho nhà văn sáng tác tiểu thuyết Người đàn bà phương Đông. Năm 1930, Lê văn Trương bỏ việc để về Lovéas ở Battambang khai khẩn đồn điền, buôn bò qua Thái Lan rồi làm thầu khoán... Sau đó, ông dẫn vợ và 5 con (Lân, Liễn, Bổng, Linh và Giáng Vân) về Hà Nội, trú ngụ ở nhà số 38 Chùa Vua (tức phố Gustave Dumontier). Ông bắt đầu viết văn và nổi tiếng như cồn.
Năm 1938, Lê văn Trương cưới thêm một người vợ nữa. Đây cũng là thời gian ông viết sung sức nhất. Ông nổi tiếng đến mức khi nhà văn Nam Cao ra tác phẩm Đôi lứa xứng đôi (tức Chí Phèo), ông là người đề tựa và nhà xuất bản đã in tên ông to gấp ba lần tên Nam Cao để sách có thể bán chạy!
Người vợ thứ hai của ông là Nguyễn thị Đào, quê ở phủ Xuân Trường (Nam Định). Bà gặp ông lúc mới mười chín xuân, là hoa khôi nổi danh của vũ trường Fantasio. Bà Đào được ông giao nhiệm vụ trông nom trang trại ở Láng để nuôi anh em văn nghệ sĩ đến ăn ở sáng tác.
Một người đàn ông sống với hai vợ thì kể ra cũng khó, thế mà gia đình Lê văn Trương vẫn trong ấm ngoài êm. Bà Đào có kể lại: “Chẳng có gì là bí quyết cả. “Chị Cả” rất lành, tôi thì biết phận mình, không dại gì ghen ngược cả. Có những điều kiện mà nhà tôi đã đặt ra, chúng tôi mà làm sai thì bị trị thẳng tay!”.
 Theo anh Lê văn Phú, con nuôi của Lê Văn Trương và bà Đào: “Mẹ tôi học ít, nhưng thông minh, rất giỏi về khoa tâm lý. Mỗi lần cha tôi viết xong một đoạn văn, bao giờ cũng đọc cho mẹ tôi nghe để hỏi ý kiến. Mẹ tôi có những nhận xét rất tinh tế, cha tôi phải chịu “phục bà Trương” là giỏi. Mẹ tôi còn có tài ngâm thơ và thuộc khá nhiều thơ”.
Bạn bè nhà văn bịa ra câu chuyện hài hước: nếu đọc văn Lê Văn Trương thấy mạch văn không nhất quán, có đoạn già dặn có chỗ non nớt thì đừng lấy làm lạ, vì lúc nào viết mệt ông đã gọi 2 bà vợ ra thay nhau... viết giùm.
Sau năm 1945, ông ra Báo Việt Nam hồn ủng hộ Việt Minh. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội, từng được cử làm chủ tịch ban khai thác vàng cho Chính phủ, đóng ở Chợ Bến (Hòa Bình). Tại đây, vì bệnh, bà Hỷ qua đời vào năm 1948. Nỗi đau này còn dai dẳng mãi trong tâm trí của ông.
Bấy giờ, bà Đào đã hồi cư về thành. Từ chiến khu xa xôi ông có chép lại bài thơ của người bạn thân tặng bà thật cảm động: “Ví tự ngày xưa mà sớm biết/ Nẻo đời mai lạnh có đêm nay/ Em ơi, dù cho nhiều rẽ ngã/ Đường nào tay vẫn ấm trong tay/ Thơ lỗi vần yêu đàn hững nhịp/ Lối về thương mến nghẽn sông sâu/ Anh gửi hồn qua phòng tuyến trắng/ Dõi hồn em ngơ ngác tối chiêm bao...”.
Cuối năm 1952, vì bị loét bao tử và hậu bối, ông trở về Hà Nội chữa bệnh, sau đó vào nam. Sau khi vào Sài Gòn, vợ chồng ông ngụ ở nhà số 67/100 Trần Hưng Đạo, sau phải bán để lấy tiền chữa bệnh, chuyển về Bến Vân Đồn (Q.4). Cái chết của ông vào ngày 25.2.1964 đã gây xúc động cho nhiều người, vì ít ai ngờ rằng nhà văn nổi tiếng đến thế nay lại chết trong nghèo khó.
Mãi đến ngày 5.9.1995, một loạt tác phẩm của Lê văn Trương mới được Nhà xuất bản Trẻ tái bản lần đầu tiên. Hôm ấy, ra mắt tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM, chị Giáng Vân, con gái của nhà văn, tặng tôi bài thơ của chị viết về bố, trong đó có câu khiến ai nấy cảm động: “Con mong sao có một ngày/Truyện cha chép lại làm say lòng người”.
Mộ phần ông và vợ ông (Ngô Thị Hương) hiện ở tại Gò Sao thuộc Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh .
Tháng 10  năm  2005  được sự giúp đỡ của bạn bè, nhất là của nhà văn Triệu Xuân và nhà xuất bản Văn Học, bà Lê thị Giáng Vân (con gái Lê văn Trương) đã cho in bộ "Lê Văn Trương/ tác phẩm chọn lọc" gồm 02 cuốn vào quý I năm 2006 .


Lê văn Trương/ Tác phẩm chọn lọc 
(nxb Văn học, Hà nội 2006)
do  Lê thị Giáng Vân, ( hiện sống ở quận 12/ tp. HCM )con gái nhà văn bỏ tiền xuất bản. (2 tập). 

bà  Nguyễn thị Hỷ, người tình  đầu tiên của nhà văn Lê văn Trương
 bế con gái  Lê thị Giáng Vân
         (courtesy of cand)
Theo thi sĩ Nguyễn Vỹ (bạn Lê văn Trương) ông Trương là người  rất vui tính, rất tốt, ăn to, nói lớn, mà nói luôn mồm, chuyên môn nói phét, nói tục, nhưng rất thành thật, ngay thẳng, không làm hại ai cả...Lê văn Trương nói chuyện thế nào, thì viết tiểu thuyết cũng y như thế. Có thể nhận xét rằng: "Lê Văn Trương là một cái máy nói ra một cái máy viết"...Nói liên miên, và liên miên...Anh ưa dẫn chứng những câu triết lý của vài ba danh nhân xưa mà anh ta đã đọc...Nhớ gì nói nấy, nhiều khi chẳng ăn khớp vào đâu với đâu cả...đến nỗi nhiều khi anh tự mâu thuẫn với anh mà anh không biết...Ở Hà Nội tiền chiến, Lê Văn Trương là một tay phong lưu hào hiệp, áo quần bảnh bao, ăn tiêu rộng rãi. Từ khi di cư vào Sài Gòn, anh nghèo túng, lại mang bệnh ghiền. (thuốc phiện). Anh không còn viết được một tiểu thuyết nào nữa, và cũng không cộng tác với một tờ báo hay một cơ quan văn nghệ nào được lâu. Khả năng sáng tác của anh hoàn toàn kiệt quệ...
GS.  Nguyễn Huệ Chi  viết:
Với hơn trăm tác phẩm trong hơn 30 năm đời văn, Lê văn Trương quả là một cây bút tiểu thuyết sung sức. Tất nhiên, cũng giống như đa số người cầm bút ở giai đoạn này, nhất là những nhà văn thuộc nhóm Tân Dân, một phần trong khối lượng đồ sộ đó của ông là loại sách viết để "kiếm sống", chứ không gửi gắm tâm huyết gì của tác giả...
Theo  Phạm thế Ngũ, thì số tác phẩm ấy, có thể phân chia thành ba loại:
Loại truyện phiêu lưu ly kỳ của những trai tứ chiếng, gái giang hồ: Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích, Cô Tư Thung, Cánh sen trong bùn, Trường đời, Tôi thầu khoán, Những đồng tiền xiết máu,...
Loại truyện đề cao những quan hệ tình cảm gia đình, với tám gương mẫu mực của những người làm cha, làm mẹ, làm anh, làm vợ: Một người cha, Người anh cả, Người vợ lý tưởng, Người vợ hoàn toàn, Một đứa bé mồ côi, Con đường hạnh phúc, Đứa con hạnh phúc...
Loại truyện phê phán, đả kích những thói hư tật xấu của Xã hội thượng lưu trưởng giả: Trong ao tù trưởng giả, Một lương tâm trong gió lốc, Đứa cháu đồng bạc, Một cô gái mới, Chồng chúng ta...
Theo đánh giá của giáo sư Nguyễn Huệ Chi, thì cái chung nhất trong cả ba loại truyện trên là cái "triết lý sức mạnh", biểu hiện qua nhân vật người hùng. Người hùng không chỉ oanh liệt trong cuộc phiêu lưu mạo hiểm, mà còn là người có lương tâm cao quý, gương mẫu. Đó là kiểu người hăng hái, xông pha, không từ nan trước mọi khó khăn, luôn gánh chịu phần thiệt thòi về minh, nhằm trừ tai cứu nạn, đem lại hạnh phúc cho người khác. Tuy nhiên, trong phong cách thể hiện, Lê văn Trương thường cường điệu lên quá múc khiến cho câu chuyện cứ lộ dần những ảo tưởng...Đa phần tác phẩm của ông là loại tiểu thuyết chú trọng đến cốt truyện. Ở đó, ông biết khéo léo dẫn dắt để mạch truyện lôi cuốn độc giả. Những nhân vật mà ông dựng lên rất giàu cá tính nên dễ ăn sâu vào tâm trí người đọc. Nhưng cũng có khi vì thái quá, nhiều nhân vật "người hùng" của ông có những hành vi bất thường, quá khổ một cách không thực.
Còn Phạm thế Ngũ thì nhận xét đại để như sau: Lê văn Trương đã không thành công lắm về phương diện nghệ thuật. Bởi ông không có bản lĩnh để dựng nên một câu chuyện tự nhiên hoặc vẽ nên một nhân vật trọn vẹn. Truyện của ông thường đầy những vô lý về tình tiết, những giả tạo về tâm lý. Cái hấp dẫn người đọc ở ông thường chỉ là ở những tiểu thuyết giang hồ: cái vị lạ, những cảnh tượng xa xôi, những gặp gỡ kỳ thú hay gian hiểm...Còn văn của ông, thường là lối nói khoa đại, kêu mà rỗng, nhất là ở những chỗ ông nghị luận...Ông ít khi tìm được một lối bình dị thuần nhã, mà thường bị cái tật huênh hoang lôi cuốn làm cho người đọc hết cảm động. Nói chung văn nghiệp của ông có lượng mà không có phẩm, do ông không săn sóc câu văn mấy. Trừ mấy tác phẩm đầu như cuốn "Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích", văn viết chải chuốt, còn về sau ông viết nhanh một cách cẩu thả. Thường cứ nghị luận một câu lại xuống hàng, hoặc để cho nhân vật đối thoại lê thê nhạt nhẽo, gây cho ta có cái cảm tưởng như lối "kéo dài ăn trang" của những nhà tiểu thuyết viết thuê, nhằm đến một số công chúng dễ dãi, không cần gì đến sự trau tria nghệ thuật.... Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở chúng chính là cái tư tưởng người hùng của tác giả. Con người hùng ấy đã thể hiện được một phần nào nguyện vọng của một số người bất bình với những cột buộc hay ghê tởm trước những sa đọa của xã hội thực dân, muốn vươn lên tìm một lối thoát cho tâm hồn.
Sau khi phân tích một số tác phẩm của Lê văn Trương, nhà văn Vũ Ngọc Phan  cũng đã kết luận rằng:
"Lê Văn Trương là một nhà tiểu thuyết luân lý, nhưng cái luân lý của ông là một thứ luân lý rất thông thường: vợ phải nghe theo chồng, em phải nghe anh...Ông lại tựa vào một lý thuyết rất hẹp. Cái thuyết sứ mạnh của ông là thứ lý thuyết nông nổi, không có gì vững vàng...
Tiểu thuyết của ông mỗi ngày một nhiều, nhưng xét chung tất cả, người ta thấy các truyện của ông không khác nhau mấy tí. Người ta lại thấy về đường tư tưởng và ý kiến, những truyện của ông chỉ có chiều rộng mà không có chiều sâu...Về cách hành văn...cũng không thay đổi mấy. xưa kia ông hay nghị luận...thì bây giờ ông cũng hay nghị một cách trường giang đại hải. Văn ông chỉ là một thứ văn hoạt, thứ văn dễ hiểu,...không có gì đặc sắc..."
Thi sĩ Nguyễn Vỹ trong hồi ký của mình đã cung cấp thêm mấy nét về Lê Văn Trương, trích: Vài ngày sau cái chết của Nguyễn tường Tam-- Nhất Linh, Lê văn Trương đến thăm tôi tại tạp chí Phổ thông. Anh buồn bã gục đầu xuống. Tôi lặng thinh chờ xem anh muốn nói gì. Một lúc khá lâu, có vẻ trịnh trọng, Lê văn Trương cất tiếng: "Thằng Nhất Linh  đi rồi, bạn cũ tụi mình ở đây chỉ còn mày, với một vài thằng nữa thôi. Nhưng tao buồn là không để lại một tác phẩm nào xứng đáng với cuộc đời của tao". Im lặng một lúc, Lê văn Trương lại nói tiếp: "Tớ muốn cậu tự ý chọn một quyển truyện nào của tớ mà cậu ưng ý nhất, cậu viết một bài phê bình thật đầy đủ, cho tớ xem trước khi tớ làm cuộc du lịch cuối cùng và vĩnh viễn." Tôi hỏi: "Trong tất cả các truyện cậu đã viết cậu thích quyển nào nhất". Lê văn Trương trả lời liền không do dự: "Tớ đ. thích quyển nào". -"Ít nhất cũng có một vài quyển hay hơn các quyển khác chứ". -"Tớ viết quyển nào cũng hay cả, mà chẳng có quyển đ. nào hay cả! Thế mới chó!" Câu nói mâu thuẫn đó tiết lộ tính chất sáng tác đặc biệt của Lê văn Trương. Tác phẩm nào cũng hấp dẫn nhưng không có một kiệt tác. Tôi bảo: "Cậu chọn một vài quyển tương đối nổi bật hơn hết, đưa đây tôi. Tôi sẽ viết một bài dài và thật khách quan". Nhưng tôi đã chờ mãi Lê văn Trương cho đến ngày anh chết . Và nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn có lời bàn: Với một cuộc đời nhiều phen ngang dọc như Lê Văn Trương, một kết cục như thế thật ngoài sự chờ đợi của mọi người. Hôm qua, trong văn học, ông như con cá kình trên sông lớn, muốn in gì thì in, muốn viết thế nào thì viết, tha hồ lui tới. Đã bao nhiêu lần người ta chê bai ông, giễu cợt ông, bảo ông là vội vàng cẩu thả là văn chương dây cà ra dây muống, nhưng đã lại có không biết bao nhiêu độc giả lắng nghe ông, suy tôn ông, thế là được rồi. Đến nay rút lại, hoá ra thời gian vẫn làm công việc của nó, và cái đòn chí tử giáng vào văn nghiệp Lê Văn Trương lại chính do Lê Văn Trương thực hiện. Công bằng làm sao mà cũng oan nghiệt làm sao!...Trên nhiều phương diện trước sau, Lê văn Trương vẫn là một số phận văn học mà các thế hệ sau cần luôn luôn nghiền ngẫm để rút kinh nghiệmỞ vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, có lẽ chưa bao giờ bà Giáng Vân chứng kiến tình yêu mãnh liệt nào như tình yêu của cha mẹ dành cho nhau dù ông có tới ba người vợ. Trong một lá thư gửi cho người vợ cả khi đi đến quyết định lấy thêm vợ, nhà văn cũng luôn khẳng định ông chỉ yêu một mình bà và chỉ có những đứa con với người vợ cả. Những thứ tình sau, chỉ là tình văn chương: "Em thân yêu của anh. Em hoàng hậu của anh. Anh cúi xin em tha thứ cho cuộc đời nghệ sỹ lầm lỗi của anh. Anh chỉ có một mình em và những đứa con thân yêu thôi. Còn anh có chung sống với bao nhiêu người phụ nữ khác, chỉ là tình văn nghệ. []


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ