Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017


nhà thơ vit pơng qua đi


vài thi phẩm của việt phương -- (ảnh: internet)


06/05/2017 - 16:47 PM
Nhà thơ Việt Phương (tên khai sinh Trần Quang Huy) sinh ngày 6.12.1928, quê ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã qua đời lúc 8 giờ 50 sáng nay 6.5 tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội).

Năm 1944, ông tham gia Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Từ tháng 9.1945 đến năm 1947 là bộ đội Nam tiến kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1947 - 2000 là thư ký của thủ tướng Phạm văn Đồng. Làm thơ từ năm 1960, đã in 3 tập thơ: Cửa mở (1970), Cửa đã mở (2008), Bơ vơ đông đảo (2009)

Suy nghĩ về nghề văn, ông từng nói: “Thơ là kết tinh sáng tạo của tình yêu sự sống và con người thể hiện bằng ngôn ngữ mà hay và đẹp nhất là hồn nhiên và giản dị”.

Nhà thơ Việt Phương thuộc thế hệ nhà thơ hiện đại, mặc dù làm thơ và nổi tiếng từ rất lâu nhưng đến khi ngoài 80 tuổi ông mới làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông tham gia cách mạng, bí mật chống thực dân Pháp từ năm 17 tuổi. Ông cũng được biết đến với vai trò thư ký của thủ tướng Phạm văn Đồng trong 53 năm (từ năm 19 tuổi), kể từ khi ông Phạm văn Đồng từ vị trí phó thủ tướng đến thủ tướng và sau này là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Khi làm thư ký cho thủ tướng Phạm văn Đồng, ông cũng tham gia nhóm cán bộ giúp việc tổng bí thư Lê Duẩn. Ông đồng thời là thành viên chủ lực của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

Năm 65 tuổi, ông nghỉ hưu, được thủ tướng Võ văn Kiệt ký quyết định cử làm Ủy viên thường trực của Tổ chuyên gia tư vấn của thủ tướng. Khi Tổ chuyên gia tư vấn mở rộng ra thành ban Nghiên cứu đổi mới của thủ tướng Chính phủ Phan văn Khải, ông Việt Phương vẫn tiếp tục là Ủy viên thường trực của Ban này.

Trong sự nghiệp thi ca, ông có nhiều tác phẩm, trong đó phải kể đến tập thơ gây chú ý dư luận là Cửa mở (1970) có những bài thơ với lối tư duy nhân văn khá mới so với thời đại lúc bấy giờ. (theo báo'Thanh Niên').

Để tưởng nhớ nhà thơ, Người Đô Thị giới thiệu cùng bạn đọc một bài thơ tiêu biểu của ông:

Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi 

Năm xưa ta đã nói rất nhiều “cực kỳ” và “hết sức”
Tội nghiệp nhất là ta nói chân thành rất mực
Chưa biết rằng “trời” còn xanh hơn “trời xanh”
Ta thiếu sự trầm lắng đúc nên bởi nhiệt tình.

Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa
Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương
Đã chọn đường đi, chẳng ai dừng ở giữa
Mạc-tư-khoa còn hơn cả thiên đường

Ta nhất quyết đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ
Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao

Một phần tư thế kỷ đã qua đi và bây giờ ta đã biết
Thế nào là thương yêu thế nào là chém giết
Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao
Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao.

Sức ta tăng bội phần khi ta say đến trở thành rất tỉnh
Ta đã có thể nói với quân thù những lời bình tĩnh:
“Tất cả những gì xấu xa của tao là thuộc về mày
Tất cả những gì tốt đẹp của mày là thuộc về tao”.

Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin
Nay ta càng thêm tin mà không cần tô gì nữa cả
Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ
Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn.

Ta đã gặp những điều không hề chờ đợi gặp
Nào đâu phải chỉ là rắn phục giữa vườn hoa
Những kẻ tốt đến yếu mềm chỉ là đồ giẻ rách
Rắn còn nằm cuộn khúc giữa lòng ta.

Ta suy nghĩ tám nghìn đêm đánh giặc
Nghiền tâm tư cùng những hạt ngô bung
Giữa đạn bom ta lọc ra hạnh phúc
Tìm dần trong sáng mãi đến vô cùng

Ta đã sống những phút giờ sự thật
Tầm dân tộc ta và kích tấc loài người
Bừng vẻ đẹp chắc và bền của đất
Thung lũng đau xưa vàng rực những mùa vui...

Ta hiểu được những ai đã sai và có thể còn sai
Và chất người trong ta cộng sản thêm chút nữa
Trút vỏ thần tượng đi càng lồng lộng con người
Phía trước, đằng sau, bên ngoài và chính giữa
Như Quảng Bình, Vĩnh Linh càng yêu thương trong khói lửa
Ta nhìn hết sự xấu xa và bỗng nở nụ cười
Mở đài địch như mở toang cánh cửa
Nghe nó chửi ta mà tin ở ngày mai

Ta đau lắm những nỗi đau sinh nở
Cuộc đời, thân như hơi thở ta ơi
Ta vui lắm những niềm vui cởi mở
Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi...

1969  

việt phương


(nguồn: 'Cửa mở', Nxb Văn học, 1970)



 việt phương [i.e. trần quang huy 1928- 2017 hanoi] + vợ. nhà giáo trần tú lan

(ảnh: tuoitre.online)


---------------------------------------



http://nguoidothi.vn/vn/news/van-hoa-giai-tri/doi-nghe-si/7981/nha-tho-viet-phuong-qua-doi.ndt

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ