Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

về nhà văn lê văn trương 1906-- saigon 1964 -- blog phan nguyên


lê văn trương [1906- 1964]
http://phanguyenartist.blogpspot.com/

hưởng dương 58 tuổi
bút hiệu Cô Lý
nhà báo, nhà văn

(...)

(theo nhiều nhà nghiên cứu văn học; ông được xem là cây bút có số lượng tác phẩm nhiều nhất, gần 200 tựa. Cũng có ý kiến là: không phải tất cả tác phẩm đều do ông viết.  Theo bản thống kê của gia đình ông; thì chỉ còn lưu giữ được 125 tựa; gồm 96 cuốn đã in và 29 tựa chưa in)

... Đầu năm 1954, ông vào Sài Gòn viết báo, viết  tiểu thuyết mới + lo việc tái bản sách đã in. Ngày 25 tháng 2 năm 1964; nhà văn Lê văn Trương mất trong một căn nhà hẹp ở trong một ngõ trên đường Bùi Viện/ Saigon 1 (nay thuộc phường Phạm ngũ Lão/ quận 1/ tp. HCM) trong cảnh nghèo đói + bệnh tật.

Mộ phần ông và vợ ông( Ngô thị Hương] được an táng tại Gò Sao[ quận 12 tp. HCM].

  (...)   





TRƯỜNG ÐỜI/  LÊ VĂN TRƯƠNG
Hoàng Hải Thủy




Năm tôi 11, 12 tuổi, tôi đọc tiểu thuyết Trường Ðời của Nhà Văn Lê văn Trương, tôi đọc tiểu thuyết Giông Tố của nhà văn Vũ trọng Phụng, Tôi đã viết nhiều lần:

“Ai hỏi những tiểu thuyết nào có ảnh hưởng đến việc tôi thích viết truyện, tôi trả lời: 'Trường Ðời của Lê Văn Trương, Giông Tố của Vũ Trọng Phụng.”

Trước năm 1945 tôi théc méc về 5 chữ “Phổ Thông Bán Nguyệt San” in trên trang bià những quyển tiểu thuyết như quyển “Trường Ðời.” “Phổ Thông Bán Nguyệt San” là cái gì? Mấy ông anh tôi, các ông chú, ông cậu tôi có nhiều ông thích đọc tiểu thuyết, tôi hỏi nhưng không ông nào trả lời được. Những năm xưa ấy tôi không chú ý đến dòng chữ nhỏ “Tạp chí văn học ra đầu tháng và giữa tháng” nằm dưới hàng chữ “Phổ Thông Bán Nguyệt San.” Mà có chú ý tôi cũng không hiểu nghĩa. Nhiều năm sau, khi cuộc đời không còn những quyển tiểu thuyết “Phổ Thông Bán Nguyệt San” tôi mới biết Phổ Thông Bán Nguyệt San là tờ báo tháng ra hai kỳ, Nhà xuất bản Tân Dân dùng cách này để được dễ dàng trong việc kiểm duyệt sách, Như vậy mỗi tháng nhà Tân Dân xuất bản 2 quyển tiểu thuyết, đều đều trong nhiều năm. Một nhà xuất bản mỗi tháng in ra hai quyển tiểu thuyết phải kể là nhiều. Một kỷ lục trong số những nhà xuất bản Việt từ ngày Việt Nam có nhà xuất bản tiểu thuyết.

Tôi không biết sau chiến tranh năm 1946 ông Lê văn Trương trở về Hà Nội năm nào, tôi chỉ thấy ít nhất ông cũng trở về sống ở Hà Nội hai, ba năm trước năm 1954 là năm ông vào Sài Gòn. Về Hà Nội sau năm 1946,, ông Lê văn Trương, Nhà văn viết nhiều tiểu thuyết nhất Việt Nam, nhiều tiểu thuyết của ông rất “ăn khách”, không viết gì cả. Nguồn sáng tác của ông bị cạn. Một truyện ngắn ông cũng không viết. Vào Sài Gòn năm 1954 ông cũng không viết qua một trang tiểu thuyết nào. Thời gian đầu ông tìm những tiểu thuyết đã xuất bản của ông, nhiều quyển ông lấy ở những nhà cho mướn truyện, đem đến dạm bán cho mấy tờ báo, đề nghị nhà báo mua, đăng. Theo lệ, nhân viên những nhà báo nhận tác phẩm dạm bán không trả lời không mua ngay, mà nói:

“Ðể chúng tôi đọc. Tuần sau ông trở lại.”

Tuần sau ông LV Trương trở lại, nhà báo đưa trả mấy quyển truyện của ông:

“Truyện này không hợp với báo chúng tôi. Xin gửi lại ông.”

Nhà văn LV Trương bắt đền:

“Trong lúc báo ông giữ tác phẩm của tôi, có người hỏi mua, tôi không có tác phẩm để bán. Báo ông làm tôi bị thiệt hại..”

Nhà báo phải bồi thường cho ông một khoản tiền. Tôi (Công tử Hà Đông/ một bút danh khác của HHT ) chứng kiến chuyện tôi vừa kể ở toà báo Ngôn Luận.

Sau 1954 Sài Gòn tái bản những tiểu thuyết của Vũ trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Bằng, Khái Hưng, nhưng không tái bản một tiểu thuyết nào của Lê văn Trương. Tôi không biết tại sao.

Ông Lê văn Trương là nhà văn Việt Nam – có thể là duy nhất – có đàn em viết truyện, ông sửa lại rồi ký tên ông đem bán cho nhà xuất bản. Vì ông nổi tiếng, vì truyện ông có nhiều người mua đọc, nên cứ truyện ký tên ông là nhà xuất bản mua. Người Pháp gọi những người viết truyện loại này là nègre. Hai ông đàn em viết truyện cho ông Lê Văn Trương ký tên làm tác giả là ông Ðặng đình Hồng, và ông Tân Hiến. Hai ông này cùng vào Sài Gòn năm 1954. Cả ba ông cùng nghiện thuốc phiện.

Tôi thấy từ ngày vào Sài Gòn ông Lê văn Trương không làm qua một công việc gì cả. Ông nghiện thuốc phiện nặng. .Ðời sống của ông đi vào tình trạng thiếu đói, vất vả, cực khổ. Từ năm 1960 ngày ngày ông lang thang đi tìm người quen để xin tiền, giới văn nghệ sĩ Sài Gòn gọi việc đi xin tiền người quen này là “đi cốc.”

Khoảng năm 1958 hai ông Hoàng Xứ Lào Phoumi và Phouma tranh quyền làm Thủ Tướng Chính Phủ. Mỗi ông Hoàng có một số quân sĩ, hai ông dùng quân đội đánh nhau, những cuộc binh biến xẩy ra liên miên trên đấi Ai Lao. Nguồn cung cấp thuốc phiện cho Sài Gòn thời ấy là Ai Lao. Thuốc phiện từ Lào về Sài Gòn bằng đường hàng không. Một lần xẩy ra cuộc binh biến, phi trường Vientiane bị đóng cửa nhiều ngày. Nguồn thuốc phiện từ Vientiane về Sài Gòn phải ngừng. Thuốc phiện trở thành khan hiếm ở Sài Gòn. Những nhà buôn thuốc phiện không bán hàng ra, có bán thì cầm chừng, và bán giá đắt. Giới đệ tử của Phù Dung Tiên Nữ rơi vào tai kiếp không có thuốc hút. Dân Hít Tô Phê – Hít Thuốc Phiện có thể nhịn ăn vài ngày nhưng nhịn thoóc một bữa thì không được. Không có thoóc. có tiền cũng khó mua được thoóc. Mà 90/100 dân Hít Tô Phe là dân nghèo, không phải nghèo thường mà là nghèo mạt rệp, nghèo đến con rêp cũng không sống nhờ được.

Thời ấy Sài Gòn có câu:

“Phu-mi, Phu-ma đánh nhau. Phu-mơ chết.”

Phu-mơ: fumeur: người hút.

Trong cơn bĩ cực ấy có ông nghiện nghĩ ra chuyện lấy sái thuốc phiện nấu với nước, lọc cho hết chất sạn, than, tro, dùng ống chich hút chất nước sái thuốc phiện chích thẳng vào mạch máu. Chất thuốc phiện vào máu, người nghiện phê ngay trong nháy mắt. Ðang hút 100 đồng, chỉ cần chích 10 đồng là người nghiện phê hơn hút. Nhưng việc chích – dân nghiện gọi là choác – làm hại cơ thể người chích gấp nhiều lần việc hút. Chích 1 năm hại người bằng hút 10 năm. 10.000 người nghiện hút may ra có một, hai người bỏ được hút, người choác thì 10.000 người chết cả 10.000 người.

Ông Lê văn Trương trở thành dân choác. Người ông khô đét, da ông đen sạm. Bà vợ sống với ông từ Hà Nội trước 1946 tới ngày ông qua đời ở Sài Gòn là bà Ðào. Bà này không phải là vũ nữ Dancing Fantasio mà là bà cô đầu.

Trên Internet bài viết về  Lê văn Trương do một người Hà Nội (Việt Cộng) viết có đoạn như sau:

Buồn chán, nhân bệnh gan cũ tái phát ông đến Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu III (lúc ấy đóng ở Xích Thổ, tỉnh Ninh Bình) xin phép được về thành (Hà Nội) chữa bệnh (1953). Về lại Hà Nội, ông cộng tác với báo Mới ở Sài Gòn, và viết sách.

Ðầu năm 1954, ông vào Sài Gòn làm thầu khoán, viết báo, tái bản sách. Năm 1959, ông làm việc cho Ðài Phát thanh Sài Gòn được một thời gian thì gặp chuyện không may: Vì trùng tên với một người dám đả kích bà Cố vấn Ngô Ðình Nhu (tức Trần Lệ Xuân), ông bị gọi vào Phủ Tổng Thống làm việc. Mặc dù đã minh oan và cả sau khi sự việc đã rõ, bà Trần Lệ Xuân vẫn dửng dưng không đính chính. Ông bị Ðài Phát thanh sa thải. Cảnh nhà hết sức quẫn bách cộng thêm nỗi sách in ra không bán được, công việc kinh doanh cũng đình đốn.

Ngày 25 tháng 2 năm 1964, Lê Văn Trương mất tại một căn nhà hẹp ở hẻm Bùi Viện, Sài Gòn (nay thuộc phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), trong cảnh nghèo đói và tật bệnh, lúc 58 tuổi.

(ngưng trích bài trên Internet).

CTHÐ: Ðoạn trên có những sự kiện không đúng: ông Lê văn Trương không viết gì khi ông trở về Hà Nội, không có chuyện vào Sài Gòn ông làm thầu khoán, viết báo, tái bản sách, làm nhân viên Ðài Phát Thanh Quốc Gia. Bệnh nghiện làm ông suy nhược cả thể xác và tinh thần. Chuyện ông bị gọi vào phủ tổng thống “làm việc” vì ông trùng tên với một người đả kích bà Ngô Ðình Nhu là chuyện bịa em nhỏ lên ba cũng không tin. Chuyện bịa cho thấy sự ngu dốt của người bịa.

Tú Kếu có bài thơ về Nhà Văn Lê Văn Trương:

Nhớ Một Lần Bác Trương

Một lần tôi gặp bác lang thang
Bác gọi tôi sang giọng vội vàng
“Ðằng ý có tiền cho tớ ít”
Ðường trưa bốc khói nắng chang chang

Lúc ấy tôi đang quả thật nghèo
Tiền lương viết báo chẳng bao nhiêu
Tay không lúng túng sờ trong túi
“Còn mỗi trăm đồng bác tạm tiêu”

“Một trăm tốt quá “mẹc xi vu”
Chính phủ mày xem chúng nó mù
Văn nghệ như tao mà bị đói
Trách nào không khổ bọn dân ngu.”

Bác nói tôi nghe mủi cả lòng
Ngày xưa có thuở bác thành công
Một thời hiển hách ngôi thần tượng
Tiền bạc ê hề như nước sông!

Thấm thoắt qua đi đã hết thời
Bây giờ bác rách chẳng ai chơi
Cái đời văn nghệ buồn hơn chó
Thua thiệt riêng mình thua thiệt thôi

Từ đấy đôi lần nhớ bác Trương
Lòng tôi se thắt nghĩ mà thương
Thương mình, thương bác, thương đồng nghiệp
Muốn dứt tơ tằm sợi vấn vương

Con tằm dứt ruột nhả tơ dâu
Rút cuộc hồn đơn nặng gánh sầu
Nhân thế lập lờ đôi mắt giấy
Chiều tà bóng xế ngẫm càng đau

Tú Kếu- Trần Ðức Uyển

Tú Kếu tả cảnh nhà văn Lê Văn Trương trong những ngày tàn tạ đi lang thang tìm người quen để xin tiền ở Sài Gòn. Ông chỉ xin tiền người quen, Tôi (CTHÐ)  nhiều lần xuống tinh thần khi thấy ông Lê văn Trương đứng ở cửa những toà báo chờ người quen để 'cốc tiền'.

Theo tôi người bị ông Lê văn Trương cốc tiền nhiều nhất ở Sài Gòn những năm 1960 là ông Nguyễn Vỹ. Hai ông thân nhau từ những năm 1940. Trong hồi ký “Những văn nghệ sĩ theo tôi biết” ông Nguyễn Vỹ kể ông không hút thuốc phiện, không uống rượu, không thích đi hát cô đầu, ông thường phản đối những ông bạn ông sống trụy lạc, nghiện ngập. Một hôm – theo ông Nguyễn Vỹ kể – ông Lê văn Trương cùng vài ông khác kéọ ông Nguyễn Vỹ đi hát cô đầu cho bằng được. Nể bạn, ông Vỹ đi theo. Sáng ra các ông chuồn hết, bỏ ông Vỹ nằm lại. Kiểu nằm nhà cô đầu này được các ông nhà văn tiền chiến – “tiền chiến”: trước chiến tranh Việt Pháp 1946-1954 – gọi là “nằm va-li.”

Thành ngữ “nằm va-li” đi vào ngôn ngữ ăn chơi Việt từ việc theo thể thức Hôtel của Pháp ngày xưa, khách mướn phòng khi đi mới trả tiền mướn phòng. Khách có thể đi công việc rồi lại về hotel. Va-li của khách để trong phòng là vật bảo đảm việc khách sẽ trở lại. Do đó có những ông khách để lại hotel những cái va-li rách, trong va-li không có gì đáng giá, để đi mà không trả tiền mướn phòng. Lại có chuyện những ông văn sĩ thời ông Lê văn Trương xuống xóm hát cô đầu mà không có tiền trả chầu hát, nhưng các ông cứ đến hát, ăn hút, sáng hôm sau các ông để một ông nằm va-li ở nhà cô đầu, mấy ông kia về các tòa báo chạy tiền đến trả.

Ông Nguyễn Vỹ vào Sài Gòn một hai năm trước năm 1954.[thực tế là năm 1946]. Khác với ông Lê văn Trương, ông Nguyễn Vỹ viết truyện, làm thơ, làm báo rất nổi đình đám ở Sài Gòn. Và Nhà Văn Nguyễn Vỹ thành công. Ông là chủ nhiệm tuần báo Phổ Thông, làm thủ lĩnh Thi Ðoàn Bạch Nga – các ông ký giả gọi Thi Ðoàn này là Thi Ðoàn Ngỗng Trắng – có thời ông làm chủ nhiệm Nhật báo Dân Ta. Ông ngồi cả ngày ở tòa báo đường Phạm Ngũ Lão, ông LV Trương đến tìm ông Nguyễn Vỹ rất dễ. Mỗi lần ông LV Trương chỉ cốc 100 đồng là ông đủ choác một ngày. 100 đồng không lớn. Khổ nỗi ngày nào cũng phải cúng ông 100 đồng thì số tiền đó là vấn đề.

Khoảng năm 1971, 1972 một lần tôi đến tiệm hút của chủ nhân Ba Lân, Bàn Cờ, Sài Gòn. Nghe nói Ba Lân là con trai một nhà hớt tóc ở Hà Nội. Anh theo mấy ông đàn anh đi hát cô đầu. Anh nghiện hút và lấy một bà cô đầu làm vợ. Ðến tiệm Ba Lân khoảng 4 giờ chiều, tôi thấy một bà trạc 50 tuổi ngồi trong phòng khách. Lên lầu, Ba Lân hỏi tôi:

“Có thấy bà ngồi dưới nhà không?”

“Thấy.”

“Biết ai đó không?”

“Ai?”

“Bà Ðào, vợ ông Lê văn Trương đấy. Bà ấy chờ vợ tôi về để vay tiền.”

Vợ Ba Lân – là cô đầu xưa, là bạn bà Ðào – đi đánh chắn, sáu, bẩy giờ tối mới về nhà.

Tôi thương vẻ mặt buồn của bà Ðào. Ngay tuần ấy, tôi đăng Lời Kêu Gọi anh em Ký giả góp tiền giúp Bà Vợ ông Lê văn Trương. Tiền quyên đưa cho Minh Vồ, chủ nhiệm tuần báo Con Ong. Ông Trần tấn Quốc gửi giúp 5.000 đồng. Trong thư ngắn ông viết cho tôi có câu:

“Chỉ có người viết truyện mới thương xót người viết truyện.”

Số tiền quyên được khoảng 40.000 đồng. Bà Ðào cùng một người con đến toà báo Con Ong nhận tiền. Sau đó Nữ diễn viên Thẩm Thúy Hằng cho người mời bà Ðào đến nhà, hỏi mua bản quyền tiểu thuyết Bốn Bức Tường Máu để làm phim. Thẩm Thúy Hằng trả bà Ðào 100,000 đồng.

Một hôm có anh tên là Dư đi tìm tôi. Anh này không phải là ký giả mà quen nhiều ký giả. Dư nói:

“Có người quen tao nhờ tao đến nói với mày là ông Lê văn Trương đã bán bản quyền tiểu thuyết Bốn Bức Tường Máu cho anh ta..”

Tôi biết ngay Dư, và người bạn anh ta, muốn gì. Họ muốn tôi cho Thẩm Thúy Hằng biết chuyện ông Lê Văn Trương đã ký giấy bán bản quyền tiểu thuyết Bốn Bức Tường Máu cho họ. Nay Thẩm Thuýy Hằng muốn làm phim Bốn Bức Tường Máu thì phải điều đình với họ, tức là phải chi cho họ khoản tiền. Tôi bảo Dư:

“Chúng mày tồi lắm. Chúng mày đưa ông Trương trăm bạc, chúng mày bắt ông ấy ký cái gì mà ông ấy không ký. Nay thấy có người mua, chúng mày định làm tiền. Chúng mày cứ đến nói cho Thẩm Thúy Hằng biết, tao không dính vào chuyện này.”

Internet ghi nhà văn Lê Văn Trương có 5 người con ra đời ở Hà Nội trước năm 1954, 5 người này sống ở Hà Nội. Ở Sài Gòn có cô Lan làm vũ nữ ở Dancing Tự Do, cô này có tên là Lan Khùng. Cô này là con gái ông Lê Văn Trương.



Tôi [chép lại] vài đoạn về tiểu thuyết Trường Ðời.

Chương 1

Tháng Tám, năm 1935, một chàng tuổi trẻ bước vào sòng bạc Pakha.

Lúc ấy vào khoảng tám giờ đêm. Những chiếc “tai-cong-tắng” ném cái ánh lửa trắng tinh, chiếu một quang cảnh hỗn độn trong một bầu không khí làm mửa ra dạ dày.

Chàng tuổi trẻ vừa giẫm chân lên cái ngưỡng cửa đã in dấu bụi của bao con người máu mê thì liền bị cái mùi hôi hám bắt ngừng ngay lại. Thốt nhiên, chàng đưa tay lên che mũi và miệng, rồi lẩm bẩm:

– Chà chà.. Thế này thì sống làm sao được?

Chàng không sống được nhưng những con người ở trong vẫn sống được, sống say mê, sống sôi nổi, chung đúc bao nhiêu nguồn sống lên cái diện tích nhỏ xíu của mấy đồng tiền sấp ngửa, dồn dập tất cả cảm giác vào cái khắc – cái khắc ngắn ngủi nhưng dài bằng cả một thời gian vô tận – của chiếc bát đồng lúc lật ra.

(ngưng trích).

CTHÐ: Ðoạn mở đầu 'Trường Ðời'gợi tôi nhớ đến đoạn mở đầu tiểu thuyết' La Peau de Chagrin' của Balzac. Nhân vật Trọng Khang, vai chính tiểu thuyết Trường Ðời, làm nghề buôn gỗ ở nơi ngày xưa người Bắc gọi là mạn ngược. Bè gỗ của chàng thả trôi trên sông Hồng về Hà Nội, gặp bão, bè vỡ, gỗ trôi mất hết, chàng hết vốn. Còn 200 đồng, Trọng Khang vào sòng bạc đánh để gỡ lại vốn. Việc làm ngớ ngẩn đến em nhỏ lên ba cũng không làm.

Ðây là đoạn Trọng Khang gặp nữ nhân vật chính là Marie Khánh Ngọc:

Sáng hôm sau, lúc Trọng Khang ra đứng cửa nhìn ông Phó đóng ngựa cho mình đi thăm Khôi thì thấy một người con gái ăn mặc quần áo cưỡi ngựa, chân đi giày ủng, lưng đeo một khẩu súng lục nhỏ, tay ve vẩy một chiếc roi ngựa bằng sừng từ phiá chợ đi lại.

Người con gái ấy trạc hai mươi hai, hai mươi ba, cắt tóc ngắn theo lối đầm, trang điểm một cách rất Tây phương. Cách đi đứng tỏ ra là một người bạo dạn. Trong Khang đoán ngay là con gái ông chủ thầu.

Nàng đi đến trước mặt Trọng Khang, hỏi bằng tiếng Pháp:

“Con ngựa này của ngài đấy ư? Ngài có thể cho phép tôi được xem một tí không?”

Ngưng trích’

Trọng Khang và Marie Khánh Ngọc nói với nhau về Súng:

Trường Ðời: “Chà, khẩu súng lục ngài đeo sao to thế? Hình như nặng lắm thì phải. Ðến vài cân.”

“Chả mấy. Hơn ba cân”

“Thế thì lúc bắn thế nào?”

“Dùng nó quen đi. Tôi cho là không nặng. Chúng tôi sống cái đời rừng núi, phải cần đến thứ súng Mauser này mới bắn được xa. Chứ thứ súng của cô, không bắn xa được mấy. Ði ngựa mà lại đeo súng trường thì bất tiện lắm.”

“Súng của ngài bắn xa được bao nhiêu?”

“Có thể được hai cây số.”

“Thế cơ à? Bao nhiêu phát?”

“Hai mươi bốn phát. Sang đến đất Tầu những thứ súng này cần lắm. Bên đó giặc cỏ như rươi.”

“Ba tôi cũng đem theo mười mấy khẩu súng trận. Sang đến địa phận Tầu lại có lính của chính phủ Vân Nam đón chúng tôi. Ông có thể cho tôi xem khẩu súng của ông được không?”

“Xin vâng, nhưng mời cô vào trong này.”

*

Khánh Ngọc hấp tấp hỏi ngay:

“Ông bắn giỏi lắm à?”

“Tôi có thể bắn vỡ một quả trứng ngoài ba mươi thước.”

(ngưng trích).

CTHÐ bàn loạn: Nhà văn tác giả 'Trường Ðời' quên, hay không biết, trong thời gọi là thời Pháp thuộc, chính phủ Bảo hộ Pháp không cho phép người An Nam có súng lục. Người An Nam thời ấy được cấp giấy phép mua súng săn thú, đa số là súng bắn chim, nhưng súng lục là loại súng có thể bắn chết người thì Chính phủ Bảo Hộ tuyệt đối cấm. Ngay cả đến vua Bảo Ðại – tôi chắc – cũng không có súng lục. Ông Trọng Khang chỉ là ông lái buôn gỗ, ông lái gỗ này cần gì đến súng lục mà có súng lục? Ông Lái Gỗ không có việc gì phải sang đất Tầu giặc cỏ như rươi. Cô Marie Khánh Ngọc du học ở Pháp mới về nước, cô có bằng Tiến sĩ, làm ký gì mà cũng lưng đeo một khẩu súng lục nhỏ? Việc ông Nam Long người Việt, thầu làm một đoạn đường bên Tầu, đã là chuyện khó tin, ông Nhà Thầu này còn mang theo mấy khẩu súng trận – súng mousqueton chỉ lính khố xanh, khố đỏ mới có – là chuyện làm tôi phi-nỉ lô đia: tôi hết lời bàn loạn.

Ðây là chuyện hút thuốc phiện trong 'Trường Ðờ'i:

Cơm xong, Trọng Khang thấy mặt Khánh Ngọc vẫn cứ bần thần, đem lòng ái ngại. Chàng thấy thương cái yếu ớt của người đàn bà ẩn trong cái thân thể mỹ miều của nàng. Chàng khẽ bảo:

“Tôi có một cách làm cho những dây thần kinh của cô lại yên tĩnh được ngay. Nhưng chỉ sợ cụ không bằng lòng. Tôi thú thật với cô chính lòng tôi bây giờ cũng thấy xao động nhưng cái việc nó bắt thế thì phải thế.”

“Ông bảo có cách gì? Tôi chắc ba tôi bằng lòng. Ba bằng lòng trước đi nào.”

“Ừ, ông Trọng Khang đã đề nghị ra thì chắc là hay và hiệu nghiệm.”

“Bây giờ chỉ có cách : tôi cho nó đem một cái bàn đèn về đây, cô hút ba điếu tự khắc hết ghê mình ngay. Thuốc phiện có phép mầu nhiệm làm trấn tĩnh lòng người ta.”

Khánh Ngọc vỗ tay:

“Thế thì tốt quá. Tôi chưa được hút thuốc phiện bao giờ. Tôi nghe người ta nói hút vào đi mây, về gió sướng lắm. Ông cho người đi lấy đi. Tưởng cái gì chứ cái ấy thì ba tôi bằng lòng ngay. Mẹ tôi nói lâu lâu ba tôi cũng có hút.”

Ông Nam Long biểu đồng tình:

“Ừ, phải đấy. Ðã lâu không hút, hút một vài điếu cũng hay. Ông Trọng Khang ở trong rừng nhiều, chắc cũng hay hút.”

“Vâng. Lâu lắm tôi mới hút. Nhưng đã hút một lần thì hút thật nhiều để cho thật say.”

Khánh Ngọc nhìn chàng:

“Ông không sợ nghiện à?”

“Nghiện. Nghiện ở mình. Một người đã để cho thuốc phiện bắt phải nghiện thì người ấy là một người hèn. Nói thí dụ nếu một ngày kia mà tôi có nghiện thì chính tự tôi làm cho tôi nghiện chứ không phải thuốc phiện bắt tôi phải nghiện được. Ông Giáp đã hút bao giờ chưa?”

“Có, tôi có hút vài lần cho nó biết mùi, nhưng về sau thấy tuy có khoái một tí nhưng gãi khổ quá tôi lại thôi.”


Khánh Ngọc hút liền ba điếu đã thấy hơi lảo đảo, hơi thôi, nhưng nàng cũng nhắm mắt giả say, không ngồi dậy, để được huởng cái thú nằm cạnh người mà mình yêu mến.


Một giờ sau cửa mở. Người mang chăn, quần áo, người gánh củi, ngươi bưng một mâm cháo. Lại kèm cả một cái bàn đèn.

Một tên giặc ra dáng là đàn anh trong bọn nói với Trọng Khang:

“Lão gia tôi bảo bưng bàn đèn xuống để các tiên sinh hút cho đỡ buồn. Lão gia tôi bận việc không thể xuống hầu tiếp được.”

Trọng Khang khêu ngọn đèn dầu lạc:

“Tối nay Vương Lão gia có bụng tốt mời thì ta hút cho thật say. Nhưng mai có mời thì ta phải khước đi. Bởi vì ở vào cái cảnh buồn như thế này, cứ hút mãi thì nghiện mất.”

“Phải đấy. Hôm nay ông cho tôi hút say. Tôi thấy trong người buồn bã thế nào ấy.”

“Hút thì có thể hết buồn. Nhưng cái lối này gọi là lấy thuốc độc mà chữa bệnh đây. Bệnh khỏi, thuốc độc ngấm vào người.”

Trọng Khang tiêm luôn cho Giáp ba điếu.

Ðến khi đưa mời Khánh Ngọc, Khánh Ngọc từ chối:

“Ðêm qua tôi đã hút rồi.”

“Cô không thích thì thôi. Nhưng tôi, tôi hút hết chỗ thuốc này, để thử sống lại cái đời lười biếng mơ màng một đêm xem sao. Thứ đời ấy đã lâu lắm tôi không được sống. Nay có cơ hội, sao lại bỏ qua?”

( .. .. .. )

Trọng Khang ngồi dậy, đánh sái mà không trả lời. Và từ đấy chàng chỉ hút mà không nói chuyện gì nữa.

(ngưng trích).

CTHÐ tái bàn loạn: Chuyện ông Lái Gỗ Trọng Khang, cô Tiến sĩ Marie Khánh Ngọc có súng lục đã là chuyện lạ rồi, đến chuyện ông Trọng Khang cho cô Khánh Ngọc hút thuốc phiện để cô hết buồn thì tôi chạy luôn. Thế rồi khi cô Khánh Ngọc đòi đi tắm suối làm cho ông Lái Gỗ Người Hùng Trọng Khang, người xa ba mươi thước bắn súng lục Mauser 24 viên đạn vỡ quả trứng vịt lộn, ông Tấn sĩ Bị Thịt Francois Giáp, cô Tấn sĩ Ða Tình Khánh Ngọc, ông Nhà Thầu Khù Khờ Nam Long bị anh Tướng Giặc Cỏ Tầu, bắt cóc, đòi tiền chuộc mạng. Bốn người bị giam trong hang đá, Anh Tướng Giặc Tầu cho đàn em bưng vào hang một khay đèn thuốc phiện để các vị tù nhân hút cho đỡ buồn trong khi chờ đợi người nhà mang bạc vạn đến chuộc mạng. Ông Lái Gỗ bắn súng vô địch phoong phoong khêu đèn tiêm thuốc hút thoải mái, ông lại còn kẽo kẹt đánh sái nữa.

Lần thứ hai t'ôi hết nước nói'.

Trường Ðời, Giông Tố, hai tiểu thuyết tôi đọc năm tôi 10 tuổi, hai tiểu thuyết làm tôi có mộng viết tiểu thuyết, cả hai tác phẩm cùng có nhiều đoạn các nhân vật Hít Tô Phe. Trong Giông Tố, khi Long vừa đến gặp Nghị Hách, Nghị Hách hỏi:

“Biết tiêm thuốc phiện không?’

Long trả lời biết. Và thế là chàng thư ký Long lên nằm bên bàn đèn ngoay ngoáy tiêm thuốc cho Nghị Hách hút.

Ông Giáo Tú Anh khi đến tiệm hút tìm Long cũng nằm bên bàn đọi tiêm thưốc cho Long hút.

Một lần nữa tôi 'fi-ní lô đia'.

hoàng hải thủy




Những ngày cuối cùng của nhà văn lê văn trương

bài viết: sa giang- trần tuấn kiệt 




Đây không phải một bài viết có tính cách khêu gợi của độc giả, của anh em, văn nghệ đồng thời với Lê văn Trương - cũng không cần phải là bài nói lên sự có mặt của mình trong giờ phút tranh sống của Lê văn Trương. Chính tôi, người đã được hân hạnh, một cách buồn khổ; khi cùng 1 người cháu của ông tên là Phú, đưa ông lên tầng lầu thứ 3, gọi là Trại 3 Bệnh viện Saigon .

Cũng không cần gì nhắc nhở đến sự nghiệp văn chương, và triết lý người hùng của ông, kẻ viết bài này , chỉ xin nói đến cái giờ phút đau thương của Ông mà thôi.

Khi được tin ông Nguyễn Vỹ cho hay, Lê văn Trương sắp chết, và nhờ tôi đến xem sự thể ra sao; tôi ngạc nhiên, gần như hốt hoảng - bởi vì - Lê văn Trương với tôi gần gũi quá, gần gũi [ từ] mấy năm gần đây, trong căn nhà ở hẻm Bùi Viện, gần trong những giờ Lê văn Trương say sưa kể chuyện đường rừng- trong lúc Lê văn Trương ngâm thơ Quang Dũng.

Lê văn Trương viết văn, nhưng lại say thơ; và tỏ vẻ phục Vũ hoàng Chương lắm. Ban đêm, nếu không đi dạo, Lê văn Trương thường ngồi khom lưng, mân mê, đùa với mấy con mèo của ông. Có người nói, mèo chết, Lê văn Trương khóc tới 3 ngày, khóc, kể lể thảm thương, còn hơn [khóc] con ông ta chết ! Rất đúng. Ông thương mèo đến đỗi, tôi nghĩ, tiền kiếp ông có lẽ là mèo cũng nên ! Nhà ông thường rộn rịp bóng dáng những bạn thanh niên; ít khi gặp người cùng tuổi ông lui tới thăm viếng.

Và Lê văn Trương chơi với bạn trẻ , chơi vời mèo, ngâm thơ sang sảng, [có khi ] suốt đêm; hăng hái, say sưa; còn hơn [cả] những người đầy sinh lực nữa. Giọng ngâm thơ từng đoạn vang lên, rồi trầm xuống; đôi lúc tắt nghẹn; khiến tôi nghĩ đến tiếng gầm gừ của 1 loài dã nhân- mà trước kia là loài người trong rừng rậm - dã nhân trước kia [cũng] là loài người, đã từng sống oanh liệt, đã từng chơi hòa hoa, đã từng là vị chủ soái cầm quân băng rừng , đã từng là một Mạnh thường quân ! Những buổi xế chiều đã hiện thân thành loài dã nhân trong rừng rú, không cần phải hối tiếc, than van chi hết !

Sau này, lý tưởng người hùng của Ông [Lê văn Trương ] ít nghe ông nhắc tới , ông hay ngâm thơ nhiều hơn. Ông đã quên nhiều và buồn nhiều, cái buồn từng trải đời người,  nỗi ] buồn của sự từng trải đời người,  nỗi ] buồn của một tâm hồn cao đẹp, đúng với ý nghĩ của nó.

Lê văn Trương bằng lòng với cái Chơi của mình- đó là điều tôi nghĩ, ông không là một kẻ thất bại, hay bất đắc chí , vì 1 ước vọng nào cả. Ông không cần nghĩ đến chính trị hay nghệ thuật, triết lý, tư tưởng gì đâu - nói như thế, không có ý phủ nhận triết lý, văn chương của ông.

Nhưng lại là 1 người Khoái * chơi, biết chơi ! Chơi mà không biết chán. Như 1 lần , ông nói vời tôi trong đêm. Ông có tiền !!! - rủ tôi và 3 người con nuôi, dắt nhau xuống Quán Biên Thùy ở chợ Cầu Ông Lãnh ăn cháo cá. Tôi hỏi ông có buồn không ? Trả lời rất hăng hái :
"... tao biết chơi, nên không buồn, không chán, chỉ tại người ta không biết chơi, nên phải buồn vậy thôi ! ".
---
* chữ khoái ở đây là tiếng của ông, hay hét lên, khi làm xong 1 công việc gì. ( TTKiệt chú thích ) 
----
Rồi ông nói về cách chơi của ông. Tôi tiếc không thấy được Tản Đà chơi, chỉ nghe nói ông ta chơi rất phong lưu . Nhưng tôi đã nghe, đã thấy, đã sống với Lê văn Trương, nên biết thú chơi của ông lắm ! Cả đến cái việc chơi không có gì [gọi là chơi]. [Chẳng hạn ông ] chơi với mấy cái khoen sắt , mấy cái roi ngựa [cũ] cũng đã là thú rồi !

Và tôi không ngần ngại nói rằng :
".. văn chương nghệ thuật nào lại không thể hiện nên 1 đời sống lý tưởng, và cái lý tưởng sống của loài người, đó là biết sống. Và biết sống tức là phải biết chơi , cái chơi đó, chính là lẽ sống của đời người vậy. Cái chơi của một Lý Thái Bạch, của một Tản Đà không hẳn là một cái chơi tầm thường ." 

Lê văn Trương già, đói và nghiện; đó là những cái tật, những thói xấu, những tôi lỗi của 1 nhà văn chăng ? Thật ra, ông cũng chẳng coi ra gì những lời khen, chê về Ông; vì có ai hiểu thật lòng Ông đâu ? Một kẻ nghiện biết nhịn cơn ghiền, để lấy tiền giúp đỡ 1 kẻ đau gần chết, thì kẻ nghiện đó đáng cho chúng ta cúi đầu ! Một người nghiện mà suốt đời không 1 lời ai oán như Ông, rất khó tìm ra người thứ 2 trên đời này.

Kẻ viết bài này đã từng chứng kiến nhiều trường hợp đó, và cũng đã từng biết những trường hợp phản bội bất nhân của vài người trong lớp [ tuổi của ] Ông. 
Đau nhức là ở phút cuối cùng, ông biết mình chết,. đem hết tinh thần để chống với cái chết, thật quá đỗi bi đát trên giường bệnh ở Bệnh viện Saigon. 
Chúng tôi đỡ ông lên tầng thứ nhì. Ông mệt lả ra , chân co rúm lại- tôi sợ ông chết bất đắc kỳ tử trong tay mình. Ông ngồi dựa lưng vào vách [cầu] thang, thở dốc. 
Một lát , người y tá bảo đỡ ông lên mau, chúng tôi, mỗi đúa cặp 1 bên nách dìu ông đứng lên. Khi đó, thì, bọt từ bụng ông sôi lên mép, ứa ra ngoài.

Ngồi được trên giường bệnh rồi, Ông tựa vào vách tường nghỉ mệt. Tinh thần vẫn sáng suốt . Tôi đưa 500 đồng của Nguyễn Vỹ , Ông cầm [lấy] và móc cái bốp, trong toàn giấy 500 đồng, lấy ra [ một tờ] bảo Phú đi mua lon nước uống, và 1 chiếc gối . Phú [đã đi ] xuống đường [nê ] ông gọi tôi:
"Tao có tiền nhiều lắm , mày đi mua giùm tao 1 cái đồng hồ Wyler và 1 sơi giây đeo [bằng] vàng y ."
Tôi lấy làm lạ, nhưng Ông nói [rất] nhanh :
" Đi mua đi , ráng giúp tao lần cuối, nghe lời tao đi ! "
Ông đưa thêm  [cho] tôi 1 ngàn , nhập với tờ 500 đồng của ông Nguyễn Vỹ, và dặn:
" Đi mau lên, tao cần đeo để xem giờ ! " 

Xuống lầu, ra đường , tôi gặp Phú - anh bàn - không nên mua - vì số tiền này là của ông bán nhà, lấy cọc trước 10.000 đồng. Sợ, khi lành bệnh ra, rồi không còn tiền xài, và không còn nhà để ở nữa.
Tôi và Phú trở lên. Phú khom [ người ] xuống, nói với ông, tại sao không nên mua đồng hồ ?

Lần đầu tiên, tôi thấy Lê văn Trương nổi giận, ông hét lớn, làm giật mình tới cả những người đang nằm chung phòng. Ông la rầy anh Phú, khiến anh tái mặt, rồi quay sang, bảo tôi :
"... ráng giúp tao lần cuối, nghe lời tao, tao cần có nó để mang đi ... " 

Tôi nghe , rờn rợn gáy, nghĩ tới cái chết mà ông đã tự biết trước. Ông muốn có một vật gì ở bên mình để mang theo.
Lập tức, tôi mang tiền xuống chợ, tìm mua đồng hồ và sợi giây vàng cho Ông. 
Giữa trưa, tìm không ra tiệm bán đồng hồ Wyler, tôi vào tiệm vàng, mua 2 chỉ vàng, gía 1400 đồng
 (vàng + tiền công). Đó là lần đầu tiên tôi biết được giá vàng, mỗi chỉ giá 650 đồng.

Thấy tôi đem vàng về, Lê Văn Trương bằng lòng lắm, nhưng Ông lại bảo, tôi đi mua cho [bằng] được vái đồng hồ Wyler. Ông đưa tôi thêm tiền , tất cả là 1600 đồng, bảo đi mua cho được đồng hồ và giây mạ vàng. Tôi xuống đường, lại gặp Phú, lần này tôi không mua và trao tiền cho Phú, bảo đem về gửi [lại] Ông. 
Còn tôi, mệt, đói lả, tôi kêu xe về nhà.

Phú, thì ngay sau đó, về nhà , tìm bà Trương , nhưng không gặp.

Qua ngày sau, tôi ngồi sửa bài ở tòa soạn Phổ Thông, thí có người báo tin Lê văn Trương đã chết. Tôi không ngạc nhiên lắm, vì ông đã quá mệt mỏi. Nhưng tôi còn nhớ, Lê Văn Trương lúc gần chết ở Bệnh viện [ Saigon ] , tinh thần vẫn còn sáng suốt và còn [ nói ] đùa với người tiêm thuốc ( tôi không nhớ là bác sĩ hay y tá) . Khi người đó tiêm vào làn da tay sần sùi đầy gân của ông, mấy lần rút [kim tiêm] ra , rồi lại tiêm vào, mà thuốc không xuống. Ông hinh- hinh, nói khao khao , giọng lúc đó đã mệt lắm, nói những gì không nghe rõ- nhưng nét mặt thích thú thì lộ ra, tươi tỉnh hẳn. 

Nguyễn Vỹ và tôi đến thăm bà Trương. Nguyễn Vỹ giở tờ giấy đắp [ lên ] mặt Lê văn Trương, và đặt [ tay] lên trán ông.
Lúc đó, Lê văn Trương đã không còn mang một ý nghĩ, một nỗi buồn, vui gì ở đời nữa ! Ông chì còn là một thân [ xác] không gầy guộc [ cho lắm], mắt nhắm như ngủ, đôi gò má xương xẩu nhô lên, đen xạm, và làn da [ thì ] xanh mét !

Và cũng lúc đó, bà Trương (một người đàn bà đã sống đau khổ cùng ông suốt 25 năm trời). Bà Trương đang kêu gào, ôm cứng xác ông, không cho người hàng xóm khâm liệm .

Tôi ra ngoài, đợi Nguyễn Vỹ, và cũng để tránh [ nhìn] cảnh đó; tôi muốn quên hết cái khung cảnh đó.
Cái khung cảnh [ của] người chồng chết, vợ ôm xác và người con gái mệt mỏi của ông, ngồi dưới chân ông yên lặng đến lạnh người ! 
Hàng xóm thương tiếc Ông, họ giúp bà Trương may tang phục; chung quanh đường hẻm cạnh nhà.

Nguyễn Vỹ đứng thật lâu, rồi [ đi ] ra. Tôi và Nguyễn Vỹ ra [ tới ] đường, khi chia tay, Nguyễn Vỹ nói :
" Anh thấy chưa, kiếp nhà văn, là như vậy đó ! ".

trần tuấn kiệt











(Nguồn: tổng hợp internet)

















trở về









Chân Dung Văn Nghệ Sĩ 

Danh Sách Tác Giả

Emprunt Empreinte








MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.


----------------------------------
trích từ blog phan nguyên
---------------------------------












0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ